Tuesday 31 December 2019

'MÂY ĐEN, MẶT TRỜI' VÀ NGUYÊN THỦ (Trân Văn)




NỘI DUNG :
.
.
Thiện Ý

==========================================
31/12/2019

Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – lại khuấy động dư luận khi phát biểu tại một hội nghị giữa lãnh đạo chính phủ và chính quyền các địa phương, diễn ra hôm 30 tháng 12.

Rất nhiều người Việt sửng sốt khi xem, hoặc nghe ông Trọng tuyên bố: Nhờ nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực, tốt hơn năm ngoái (2018)!

Sau khi dẫn hàng loạt số liệu để chứng tỏ kinh tế - xã hội năm nay phát triển một cách ngoạn mục, ông Trọng dẫn thêm một ý kiến nêu trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB): “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam!” (1).

Không phải tự nhiên mà công chúng sửng sốt rồi xúm vào dè bỉu nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Nhận định đó hoàn toàn mâu thuẫn với thực trạng chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam!

Tuy nhiên ông Trọng không bịa ra nhận định vừa kể. Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam gần giống với một ý trong một báo cáo mà WB công bố hồi đầu tháng này...

***
Đó là một báo cáo chuyên đề có tên “TAKING STOCK An Update on Vietnam’s Recent Economic Developments” hay “BƯỚC CHUYỂN VỀ TÀI CHÍNH Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam” (2).

Báo cáo có hai phần :

Phần 1 – Những diễn biến kinh tế gần đây - do một người Việt tên là Đinh Tuấn Việt soạn thảo với góp ý của sáu người Việt khác (Nguyễn Việt Anh, Đoàn Hồng Quang, Triệu Quốc Việt, Phạm Minh Đức, Nguyễn Phương Anh, Vũ Hoàng Quyên).

Phần 2 – Tầm quan trọng của các thị trường vốn để huy động tài chính dài hạn – do Ketut Kusuma và Zsolt Bango hợp soạn cùng với bốn người khác là Alwaleed Alatabani, Jing Zhao, Mamoudou Nagnalen Barry và Ngô Hà Quân.

Theo WB, báo cáo do Jacques Morisset làm chủ biên và thuộc Chương trình Nghiên cứu - Phát triển thị trường vốn của WB với chính phủ Việt Nam. Chi phí do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) hỗ trợ.

Báo cáo không tệ nhưng trở thành tệ vì ông Trọng cố tình… cắt gọt, diễn giải sai lệch nhận định của nhóm soạn thảo báo cáo. Ở phần “Tóm lược Tổng quan”, nhóm soạn thảo báo cáo viết như thế này: Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018...

Theo nhóm soạn thảo, có hai yếu tố khiến kết quả tăng trưởng của Việt Nam “tương đối tốt đẹp” là nhờ “tăng trưởng xuất khẩu và sức cầu trong nước của các doanh nghiệp, hộ gia đình”. Tuy nhiên, nhóm soạn thảo cảnh báo, tăng trưởng sẽ “khó có thể kéo dài vì ít nhiều vẫn nhờ vào tình trạng chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam do căng thẳng thương mại Trung Mỹ”. Nói cách khác, kết quả tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm nay không hề liên quan đến “nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, toàn quân”!

Nếu dành thời gian đọc toàn bộ “TAKING STOCK An Update on Vietnam’s Recent Economic Developments” hay “BƯỚC CHUYỂN VỀ TÀI CHÍNH Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam”, ai cũng có thể thấy, kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều ẩn họa. Song song với những lời lẽ hoa mỹ có tính chất động viên để đối tượng tự điều chỉnh là vô số cảnh báo về đủ loại rủi ro và rõ ràng ông Trọng không đủ thật thà khi cố tình gạt bỏ những cảnh báo ấy!

Nếu thật sự tự trọng và có đủ ý thức trách nhiệm, chắn chắn ông Trọng không thể hăm hở truyền cảm hứng cho đồng chí, đồng bào một cách lệch lạc: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”.

Nhóm soạn thảo chỉ nhận định “mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu”, điều đó khác rất xa với khẳng định “mây đen phủ lên toàn cầu”. Tương tự không thể vừa khoe, WB cho rằng “mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam”, vừa lờ đi chuyện chính WB nhắc nhở, kinh tế Việt Nam “chưa đạt được nhiều tiến triển trong những năm qua, thậm chí còn bị tụt một bậc trong năm 2020, sau khi có tiến triển tốt từ năm 2010 đến 2016 (tăng trên 20 bậc)”.

Và chẳng phải chỉ có thế, khi cố tình nhấn nhá “mặt trời” chỉ “tỏa sáng ở Việt Nam”, ông Trọng còn gạt bỏ nhiều sự thật khác mà nhóm soạn thảo báo cáo lưu ý, chẳng hạn, Việt Nam nên phấn đấu để sớm có một chỗ trong “chỉ số trái phiếu toàn cầu”, điều mà nhiều quốc gia bình thường ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan đã đạt được từ lâu! Lẽ nào Việt Nam trở thành lẻ loi, lạc loài chỉ vì… phần còn lại của thế giới chìm trong bóng tối?..

***
TAKING STOCK An Update on Vietnam’s Recent Economic Developments” hay “BƯỚC CHUYỂN VỀ TÀI CHÍNH Mở lối cho các thị trường vốn nhằm phục vụ tương lai phát triển của Việt Nam” vừa phân tích, vừa giải thích về vai trò, vị trí của các thị trường vốn đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Nếu đọc báo cáo với tinh thần cầu thị sẽ có rất nhiều người Việt cảm thấy âu lo cho tương lai của xứ sở và dân tộc khi đang có quá nhiều ẩn họa chực chờ.

Trung tuần tháng này, Moody’s (Moody’s Investors Service - tổ chức chuyên xếp hạng về mức độ tín nhiệm đối với hoạt động tín dụng toàn cầu) loan báo hạ triển vọng tín nhiệm đối với các khoản nợ do chính phủ Việt Nam bảo lãnh xuống mức “tiêu cực” (3). Trong khi chính phủ Việt Nam hối hả triệu tập đại diện các cơ quan hữu trách, ra lệnh kiểm điểm vì trả nợ cho WB trễ hạn (4), cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ (5) thì Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước mạnh dạn “biên tập” nhận định của WB, lên “dây cót” động viên “toàn đảng, toàn dân, toàn quân” rằng thế giới thì… âm u và “mặt trời” chỉ… “tỏa sáng ở Việt Nam”!

-------------------
Chú thích






------------------------------------------
31/12/2019

Thiên hạ vừa được phen cười ngả nghiêng với câu nói đại ý ‘mây đen phủ bóng toàn cầu, mặt trời vẫn sáng trên đầu Việt Nam’ được báo quốc doanh giật tít cứ như là lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng không rõ các báo Việt Nam cố tình xu nịnh ông tổng bí chủ bằng cách chạy tít để người đọc tưởng ông Trọng nói vậy. Kỳ thực ông chỉ dẫn lại báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mà trong đó họ nói nguyên văn tại trang 9:

“Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019.
“Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018.”

Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng vượt Trung Quốc trong năm 2019 dù kém Cam Pu Chia. Tăng trưởng trung bình của thế giới năm 2019 được dự đoán ở mức 2.6% và mức của các thị trường mới nổi là 4%.

Lạm phát ở Việt Nam cũng được cho là chỉ ở con số 3% so với mức tăng lương trên 10% cho những người làm trong khu vực công. Nợ công còn 56% tổng sản phẩm quốc nội so với mức gần 64% của năm 2016 và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt ba tỷ đô la mỗi tháng.

Như vậy ông Trọng trích dẫn không có gì sai, chỉ là World Bank có vẻ hơi quá lời trong cách khen ngợi một đất nước mà trình độ phát triển còn thua xa so với thế giới. Nó cũng giống như khen đứa trẻ vị thành niên sao cao nhanh thế, nhưng mà đứa bé đó vẫn chưa là người lớn.

Ông Trọng cũng có ý nhận công về mình khi nói rằng ông giao cho Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc phải đạt mức tăng trưởng 7% hồi đầu năm và cuối cùng đã đạt được dù lúc đầu ông Phúc nói đó là chỉ tiêu quá cao.

Nhưng cũng có những điều cảnh báo của Ngân hàng Thế giới mà không biết ông Trọng có để ý.

Ngân hàng nói xuất khẩu của Việt Nam trong chín tháng đầu năm chỉ đạt trên 8%, tức bằng một nửa mức của chín tháng đầu năm 2018. Đáng lo hơn là mức tăng trưởng đó có phần do việc chuyển hướng xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Trung – Mỹ. Nếu chỉ tính các thị trường ngoài Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong chín tháng đầu năm chỉ còn chưa tới 4%. Xuất khẩu gạo thậm chí còn giảm 10% và xuất khẩu cà phê giảm trên 20%.

Về mặt chi ngân sách, Việt Nam chi trả nợ tới 22% tổng thu, mức gấp đôi so với sáu năm trước và được đánh giá là “tương đối cao so với chuẩn mực quốc tế”.

Trong khi đó tỷ lệ thu từ thuế của Việt Nam đã giảm từ mức 23% tổng sản phẩm quốc nội xuống còn 18% trong năm 2018, phần nhiều do các cam kết quốc tế về giảm thuế xuất nhập khẩu.

Ngay cả trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, số vốn đầu tư cho các dự án mới tiếp tục giảm dù vốn trong các dự án có sẵn vẫn tăng và lần đầu đạt mức trên một tỷ đô la tăng vốn mỗi tháng.

Triển vọng phát triển về trung hạn của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới dự đoán:
“Triển vọng trung hạn […] vẫn có một số rủi ro theo hướng suy giảm cả từ trong nước và bên ngoài.

“Nhìn từ trong nước, chậm trễ trong triển khai những cải cách cơ cấu có thể làm cho viễn cảnh tăng trưởng trung hạn trở nên xấu đi.

“Chương trình cổ phần hóa và tái cơ cấu [doanh nghiệp nhà nước], sau khi được khởi đầu đầy hứa hẹn vào năm 2017 đã bị chững lại đáng kể trong những tháng qua.

“Nhìn từ bên ngoài, tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng xấu đến đà xuất khẩu trong ngắn hạn, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, qua các kênh thương mại và đầu tư.
“Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài có thể nguội đi khi nhiều nhà đầu tư có thể đình hoãn hoặc hủy dự án. Nếu cả xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài […] đều chững lại, nền kinh tế Việt Nam có thể mất đi động lực tăng trưởng chính.”

Như vậy có thể thấy dù kinh tế Việt Nam không đến nỗi nào trong 2019, nhìn tổng thế, Việt Nam cũng chưa có gì đáng tự hào khi thu nhập bình quân đầu người còn chưa cán mốc 3.000 đô la, mức có thể nói là tương đối tệ hại.

------------------------------
Thiện Ý
31/12/2019

Thưa Quý Bạn Đọc của “Diễn Đàn BẠN ĐỌC LÀM BÁO” của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) kính mến,

Thông thường, vào dịp cuối năm, các cơ quan, đoàn thể công cũng như tư hay làm tổng kết thành quả một năm hoạt động đạt bao nhiều phần trăm theo kế hoạch dự trù. Đồng thời rút ưu khuyết điểm như kinh nghiệm cho dự hoạch năm tới. Nội dung “lá Thư Cuối Năm” này, Thiện Ý cũng muốn gửi đến Quý Bạn Đọc tổng kết số lượng bài viết trên mục Diễn đàn này trong năm 2019 vừa qua, và đề cương viết bài cho năm tới 2020. Còn chất lượng các bài viết xin để Quý Bạn Đọc tự đánh giá tùy theo khuynh hướng và quan điểm của mình.

I - TỔNG KẾT SỐ LƯỢNG BÀI VIẾT NĂM 2019

Nếu tính từ bài viết đầu tiên là bài “Thành tích vi phạm nhân quyền của Việt Nam năm 2018” đến bài viết cuối năm 2019 tựa đề “Giáng Sinh là một mầu nhiệm thuộc phạm trù đức tin tôn giáo” tổng kết số lượng là 29 bài (không kể Lá Thư Cuối Năm này).

Nếu phân loại theo chủ đề liên quan đến Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới, thì có 25 bài viết về các vấn đề của Việt Nam. Thế giới một bài viết về Thượng Đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội (Thượng đỉnh Trump-Kim có chấm dứt kịch bản “chuột vờn mèo”?). Có ba bài viết liên quan đến Hoa Kỳ “đóng cửa chính phủ” (Dân chủ hay chủ dân ?), bài nhận định về lời tuyên bố của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump về “sự tham chiến của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam là điều tệ hại?” và “Thanksgiving Day và văn hóa biết ơn”.

Như vậy, trong lịch viết từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2019, quan tâm hàng đầu của chúng tôi vẫn là Việt Nam, với các tiêu đề theo trình tự thời gian như sau: (1) Thành tích vi phạm nhân quyền của Việt Nam năm 2018, (2) Thư Xuân gửi Ông Tổng, (3) Những bài thơ xuân viết từ nhà tù, (4) Tâm sự đầu năm cùng bạn đọc, (5) Trả lại sự thật cho lịch sử, (6) Quốc hận, hận ai, hận cái gì, hận để làm gì?, (7) Cộng thắng, thắng ai, thắng cái gì?, (8) 44 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội được gì?, (9) Triển vọng “Định hướng xã hội chủ nghĩa” thành hay bại?, (10) Vụ vườn rau Lộc Hưng giải quyết thế nào cho thỏa đáng?, (11) Giải quyết vụ Vườn Rau Lộc Hưng cần có giới luật sư tham gia, (12) Công lý cho nạn nhân Formosa, (13) Tại sao Ông Trọng vẫn kiên định “Chủ nghĩa xã hội” ở Giờ Thứ 25 của chủ nghĩa cộng sản, (14) Thân phận của luật sư trong chế độ xã hội chủ nghĩa, (15) Đối sách nào cho Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính?, (16) Vì sao Việt Quốc chống cộng, từ khi nào và cho đến bao giờ?, (17) Đã đến lúc Việt Nam chấm dứt đối sách đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, (18) Đến non nước này Quốc hội Việt Nam cần và phải lên tiếng, (19) Quốc dân Việt Nam muốn biết vì sao?, (20) Giới thiệu sách “chính sách bành trướng và bá quyền Trung Quốc tại Đông Nam Á”, (21) Không đồng minh vĩnh viễn, cũng chẳng kẻ thù vĩnh cửu, (22) Những sự kiện lịch sử nhắc nhở đảng Cộng sản Việt Nam những điều phải làm, (23) Việt Nam công bố “Sách trắng quốc phòng” để làm gì? (24) Giải quyết vấn đề Vườn Rau Lôc Hưng tưởng đã xong nào ngờ… (25) Giáng sinh là một mầu nhiệm thuộc phạm trù đức tin tôn giáo.

Ngoài các bài viết vừa nêu được đăng tải trên “Diễn đàn Bạn đọc làm báo” của Đài VOA, còn nhiều bài khác của Thiện Ý được phổ biến rộng rãi trên mạng internet toàn cầu.

II - ĐỀ CƯƠNG VIẾT BÀI CHO NĂM 2020

Trong năm 2020 theo dự tính chủ đề ưu tiên hàng đầu của người viết vẫn là viết nhiều về các vấn đề pháp lý, chính trị, văn hóa xã hội tại Việt Nam như năm 2019 vừa qua. Một số ít hơn là các chủ đề liên quan đến Hoa Kỳ và thế giới.

Về các vấn đề Việt Nam, chủ điểm chúng tôi sẽ viết về người Việt Quốc gia “45 năm chống cộng vì tự do dân chủ cho Việt Nam” thành quả và triển vọng đến đâu rồi; để tiếp nối loạt bài năm 2019 đã viết về “44 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp của Sộng sản quốc tế” thành hay bại. Chủ đích của chúng tôi là muốn trình bày cho Bạn đọc một cách có hệ thống tình hình thực tế của “Bên thua cuộc” (Việt Quốc) và “Bên thắng cuộc” (Việt cộng) để có một lời giải đáp chung, rằng “cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam” kéo dài nhiều thập niên qua, di hại toàn diện cho dân tộc, liệu đã kết thúc được chưa, tạo tiền đề đoàn kết, thống nhất toàn lực quốc gia:

·         Để phát triển toàn diện đất nước đến giàu mạnh, văn minh tiến bộ ngang tầm cao thời đại.
·         Để mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam được sống trong “Độc lập-Tự Do-Ấm no- Hạnh phúc” thực sự.
·         Để tạo thế lực vững chắc đập tan mọi cuồng vọng xâm lăng bất cứ từ đâu tới, bảo vệ Tổ Quốc.

III - THAY LỜI KẾT

Trước thềm năm cũ 2019, Thiện Ý kính chúc quý độc giả và gia quyến, một năm mới Dương lịch 2020 sức khỏe dồi dào, hạnh phúc tràn đầy và thành đạt mọi ước nguyện riêng cũng như chung.

Nhân đây mạn phép báo tin và kính mời quý bạn đọc vào thăm “Diễn Đàn Thiện Ý” một trang YouTube cá nhân mới được một bạn trẻ thiết kế giúp cho, với dự tính phát hình chương trình đầu tiên vào mấy ngày đầu Tháng Giêng năm 2020.





No comments:

Post a Comment

View My Stats