Ngô Nhân Dụng
December 27, 2019
Sau Giáng Sinh, một người bạn ở Việt Nam gửi thư cho
tôi. Ông bạn kể mới đến thăm một ông bạn khác. Quen nhau hơn nửa thế kỷ, dù ở
cách nhau vài góc phố giữa Quận Ba, Sài Gòn, nhưng có người đến thăm thì chủ
nhà cũng vui mừng như cảnh “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ!” (Có
bạn từ phương xa tới chẳng phải là vui lắm sao – Khổng Tử, Luận Ngữ, thiên Học
Nhi).
Ông bạn đến thăm có một món quà, đưa cho ông bạn chủ
nhà bức chân dung chụp từ năm ngoái, cũng trong dịp đến thăm nhau trước Tết. Bức
hình đó tôi cũng đã được xem, trong đó thấy một cụ đeo kính, tóc trắng lơ thơ,
chòm râu dài bạc phất phơ, trông đạo mạo, an nhiên. Ông bạn tôi kể: “(Ông được
thăm) cầm tấm chân dung tôi chụp năm ngoái, chăm chú nhìn hồi lâu, rồi hỏi: ‘Thằng
nào đây?’”
Sau khi nghe tác giả bức hình giới thiệu và kể lại sự
tích tới thăm rồi chụp hình cuối năm 2018, cuối cùng ông chủ nhà cũng nhận ra
cái thằng trong bức hình đó là “thằng… mình!”
Tuổi ngoài 80 phải chịu những phiền phức, hệ lụy, và
tai ương trong cuộc đời. Nhìn chân dung mình mà không nhận ra chỉ là một nỗi khổ
nhỏ. Có thể đoán rằng lão ông chủ nhà lâu lắm rồi không soi gương, vì không còn
lo cạo râu nữa. Cho nên không còn biết dung mạo mình khác với năm, bảy năm trước
như thế nào! Nhưng ông giáo sư vẫn tỉnh táo, lúc nào cũng còn nhớ, hãnh diện
mình đã viết mấy cuốn sách toán học bán được khá nhiều.
Bạn già gặp nhau, có chuyện vui buồn gì phải kể cho
nhau nghe. Lão ông chủ nhà nhân có tri kỷ “tự viễn phương lai” bèn than thở
mình vừa mới “bị bóc lột!”
Bị ai bóc lột? Đời! Đời nó bóc lột!
Đời đã hiện ra gần đây trong hình tướng một ông tài
xế taxi. Ông lão đi taxi, thấy anh tài xế chạy quanh co, lung tung thì ông lên
tiếng hỏi tại sao không chạy thẳng tới địa điểm mà lại cứ mua đường như vậy. Đời,
tức anh tài xế, quay lại trừng mắt nạt cho một câu: “Ông còn hỏi nữa thì tôi
cho ông xuống giữa đường bây giờ!”
Thế là ông lão bèn im thin thít. Lại còn dịu giọng,
rụt rè hứa sẽ “bo” thêm 200 ngàn đồng, nếu ông taxi mở lòng từ bi hỉ xả đưa ông
về tới nhà! Đời nó vậy đó!
Đời thì thiên biến vạn hóa, cho nên còn hiện ra, một
lần khác, thành một “bà xồn xồn.” Một buổi sáng, ông lão đi bộ loanh quanh
trong ngõ hẻm gần nhà, một phương pháp thể dục rẻ tiền và hữu hiệu, thì gặp một
bà xồn xồn chặn lại hỏi: “Cụ đi đâu thế?”
Ông lão chưa kịp trả lời thì cái bà xồn xồn đã ôm chầm
lấy ông! Ông chưa biết mình có quen biết người này hay không nhưng bà xồn xồn vẫn
“quàng tay ra đằng sau lưng ông” như kiểu Bác âu yếm ôm các thiếu nhi.
Sau khi bà xồn xồn đã quay đi, đi rất nhanh, ông lão
mới định thần lại, kiểm tra thân thể, đầu tóc, giày dép, túi trên, túi dưới của
mình. Và ông lão khám phá ra, Đời (bà xồn xồn) đã “cuỗm mất cái ví!” Ông bạn
tôi kể: “Thế là mất cả giấy tờ lẫn tiền! Chỉ được một cái ôm thắm thiết!” Đời
nó thế đấy!
So với những cảnh bất hạnh người khác phải chịu đựng
thì ông bạn chúng tôi còn may mắn. Có người gặp cảnh con giết cha mẹ để lấy tiền.
Có anh công an từ Vĩnh Phúc lên quận Cầu Giấy, Hà Nội hút mỡ bụng rồi thiệt mạng.
Có cả vợ, chồng anh Kusumoto Kajuhiro vừa đáp máy bay xuống “Đảo Ngọc Phú Quốc”
mới về tới khách sạn thì phát giác bị mất cái ví, mất hết sổ thông hành, tiền bạc,
và các thẻ tính dụng. Có những thanh niên khỏe mạnh, vui vẻ, được mời đến đồn
công an bỗng nhiên tìm khăn treo cổ tự vẫn. Đến ông Nguyễn Phú Trọng cũng khổ nữa
là. Nằm trên giường bệnh không được yên, vẫn cứ như nằm trong dầu sôi, lửa bỏng,
lại phải kêu gọi tất cả các đảng viên “tập trung quán triệt, thực hiện tốt nhiệm
vụ… đấu tranh phản bác… thù địch… chống diễn biến hòa bình…” vân vân.
Gớm, sao nhiều thù địch thế! Đời nó bắt ông Nguyễn
Phú Trọng vất vả như vậy! Nhưng ông Trọng còn may mắn lắm đấy, vì ông không sống
ở các huyện Hải Hậu và Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đầu năm 2019, các huyện này mới
ban hành những luật lệ về “ăn cỗ” theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Luật ấn định: Các công dân muốn tổ chức ma chay, hiếu,
hỷ, dù tiệc đám cưới hay cỗ đám ma, đều phải tuyệt đối không được cho khách lấy
phần, tức là không ai được mang thức ăn còn dư về. Sai luật, gia chủ bị phạt ba
triệu! Ngay khi khai báo muốn tổ chức cỗ bàn, chủ nhà đã phải đóng sẵn ba triệu
đồng. Vi phạm, mất tiêu luôn!
Mấy ông tài xế taxi hay bà xồn xồn đã làm phiền ông
lão bạn tôi tương đối còn hiền lành hơn mấy ông cán bộ ở Hải Hậu và Giao Thủy
hay mấy ông công an bắt người vào trong đồn để cho họ có nơi treo cổ tự tử.
Với tuổi ngoài 80, ông bạn tôi còn rất nhiều dịp đụng
chạm với Đời, nhờ chủ nghĩa xã hội đã sinh những ông taxi và những bà xồn xồn
như thế.
Dưới ánh sáng của Chủ Nghĩa Xã Hội, người ta hỏi
Alexander Solzhenitsyn: “Trại Cải Tạo có khổ lắm không?” “Cũng chỉ khổ trong mười
năm đầu thôi.” Thế thì may mắn thật! Solzhenitsyn kể trong cuốn “Gulag
Archipelago” (Quần Đảo Trại Cải Tạo) lời các tù nhân thủ thỉ với nhau: “Thằng
đó nó bị kết án ba năm, thế mà nó may mắn được tha trước kỳ hạn, chỉ ở tù có mười
năm thôi.”
Được tha sau mười năm, may mắn quá! Đời thế đấy! Lúc
nào cũng có những người may mắn.
Như gia đình anh Kusumoto Kajuhiro cũng may mắn. Bị
mất hết tiền bạc, nhưng vợ chồng anh và hai con nhỏ lại được một nhà kinh doanh
hào hiệp cung cấp các khoản ăn, ở, trong thời gian thăm Phú Quốc! Mai mốt
Kusumoto Kajuhiro (Đại Hòa Bản Nam) trở về Nhật, anh có thể lên báo, lên đài
làm chứng rằng “Nước Việt Nam họ vẫn có nhiều người tốt!” Thế là nước Việt Nam
cũng may mắn!
Ông lão bạn tôi may mắn vì làm nghề thầy giáo không
bị bắt giam trong Gulag như nhiều người cùng tuổi ở miền Nam. Ông bạn kể chuyện
bị ông taxi đe dọa, bị bà xồn xồn móc ví, nhưng vẫn cười hề hề! Đời nó nhu thế
đấy! Điều may mắn nhất là ông không ôm chặt cái tâm sân hận đối với Đời!
Hy vọng hai người bạn tôi sẽ sống lâu nhiều năm nữa
để chính cái tâm sân hận còn vướng chút nào cũng dần dần biến mất. Sức lực hao
mòn với tuổi tác, không còn mang được những mối thù hận cũ càng nữa. Khi về già
người ta thường thấy có những nết hư, tật xấu mà mình suốt đời cố gắng đuổi nó
đi; bỗng có ngày tự chúng bỏ mình đi lúc nào không hay!
Một ông lão đi đến chùa, nghe ông thầy giảng phải biết
khoan dung tha thứ. Ngay những kẻ thù của mình cũng phải tha thứ. Giảng xong,
ông thầy hỏi đại chúng: Ai sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù của mình xin mời đưa tay
lên! Tất cả đưa tay lên cao, trừ ông lão.
Ông thầy ngạc nhiên: Thưa cụ, cụ có tha thứ cho kẻ
thù của cụ không?
“Tôi chẳng còn kẻ thù nào cả.”
“A Di Đà Phật! Thiện tai! Thiện tai! Thưa năm nay cụ
bao nhiêu tuổi?
“Chín mươi hai”
“Xin mời cụ lên đây! Thưa quý Phật tử, tôi xin giới
thiệu một con người 92 tuổi mà không hề có kẻ thù! Thưa cụ, thế cụ đã tu tập
cách nào để không còn ai là kẻ thù nữa?”
“Dễ lắm.” Ông cụ quay lại nhìn đại chúng, “Chúng nó
chết hết rồi!”
Cuối cùng, ai cũng chết. Tại sao mình mang tâm thù hận
những người mà mình biết trước thế nào rồi cũng sẽ chết!
Chúc hai ông bạn tôi, và quý vị độc giả một năm mới
bình an và tiếp tục sống với Đời! (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment