VOA Tiếng Việt
30/12/2019
Tính đến ngày 31/12/2019, Tổng thống Nga Vladimir
Putin lên nắm quyền tròn hai thập kỷ. Hãng tin AP nhận định ông vừa tự hào về
những thành tựu của mình nhưng vẫn tỏ ra e ngại về tương lai chính trị - một sự
dè dặt làm dấy lên những suy đoán khác nhau về ý định của ông.
Tính đến ngày 31/12/2019, Tổng thống Nga Vladimir
Putin lên nắm quyền tròn hai thập kỷ.
Ông Putin ca ngợi sự hồi sinh của nước Nga trong bối
cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa công nghiệp, xuất khẩu nông nghiệp đang bùng nổ
và một quân đội hùng mạnh là những thành tựu trong nhiệm kỳ của ông bắt đầu vào
ngày 31/12/1999.
Các nhà phê bình cáo buộc ông Putin đang thực hiện
các chính sách giống như thời hậu Xô Viết, trong đó thiết lập sự kiểm soát chặt
chẽ đối với tình hình chính trị, hạ uy tín phe đối lập và bóp nghẹt truyền
thông.
Họ cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về vụ căng thẳng
với phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraina vào năm 2014, một sự kiện
giúp ông củng cố sự ủng hộ trong nước nhưng khiến Mỹ và châu Âu tăng cường các
lệnh trừng phạt.
Ông Andrei Kolesnikov, một nhà nghiên cứu thuộc
Trung tâm Carnegie Moscow, cho AP biết: “Ông Putin đã ngăn chặn sự phát triển
bình thường của Nga như một nền kinh tế thị trường bình thường và một nền dân
chủ chính trị bình thường,” và đã biến Nga trở thành “kẻ phá hoại toàn cầu.”
Những người theo dõi điện Kremlin đang cố gắng dự
đoán những gì sẽ xảy ra sau khi nhiệm kỳ 6 năm hiện tại của ông Putin kết thúc
vào năm 2024. Họ có một điểm chung: ông Putin, nhà lãnh đạo thâm niên nhất của
Nga, kể từ thời lãnh tụ độc tài Josef Stalin của Liên Xô, có thể sẽ ở lại cầm
quyền.
Ông Putin, 67 tuổi, một người chuyên cần thể dục thể
thao, dường như có sức khỏe tốt để để tiếp tục tại vị. Ông thường xuyên luyện tập
judo, trượt tuyết và chơi khúc côn cầu trên băng để thể hiện sức mạnh của mình,
theo AP.
Ông Putin có thể dễ dàng tận dụng quốc hội như một
cơ quan quyền lực bù nhìn để tiếp tục duy trì nhiệm kỳ của ông, nhưng hầu hết
các nhà quan sát đều nhận định rằng ông Putin sẽ có “cách tiếp cận đơn giản hơn.”
Đầu tháng này, ông Putin đã gợi ý về những sửa đổi
hiến pháp có thể để phân phối lại quyền lực giữa tổng thống, Nội các và quốc hội.
Ông đã không nêu rõ những thay đổi có thể được thực
hiện là gì, nhưng tuyên bố này có thể báo hiệu ý định cắt giảm quyền lực của tổng
thống và ông tiếp tục cai trị đất nước với tư cách thủ tướng.
Có những khả năng khác. Nhà lãnh đạo lâu năm của
Kazakhstan, Nurultan Nazarbayev, đã trở thành hình mẫu trong năm nay khi
ông đột ngột từ chức và để thân tín của của ông đắc cử tổng thống trong một cuộc
bầu cử sớm. Ông Nazarbayev, 79 tuổi, vẫn duy trì quyền lực với tư cách người đứng
đầu hội đồng an ninh quốc gia.
Ngoài ra, còn có một lựa chọn khác, nhưng kịch tính
hơn. Nhiều người ở nước láng giềng nói Kremlin có thể thúc đẩy việc sáp nhập
hoàn toàn hai đồng minh trước đây của Liên Xô để cho phép ông Putin trở thành
người đứng đầu một nhà nước thống nhất mới.
Gần đây khi được hỏi rằng liệu có đang xem xét việc
này, ông Putin đã né tránh câu hỏi. Mỗi một lựa chọn đều ẩn chứa những rủi ro lớn.
Tuyên bố của ông Putin trong tháng này về việc có thể
thay đổi hiến pháp để giới hạn chức vụ tổng thống chỉ trong hai nhiệm kỳ được
nhìn nhận rộng rãi như là tín hiệu cho thấy ông đang dự tính tạo ra vị trí điều
hành mới cho chính mình trong khi giảm quyền lực của người kế nhiệm.
Dù chọn con đường nào, ông Putin khả năng cao sẽ giữ
bí mật ý định của mình cho đến phút cuối.
“Sự bất định này có những lợi thế của nó – quý vị có
thể để các nhóm lợi ích đấu với nhau, quý vị có thể giữ chân họ trong thế bất định
này,” nhà phân tích chính trị tại Moscow, Yekaterina Shulman, cho AP biết.
“Tuy nhiên, việc này không thể kéo dài quá lâu vì nó
kích động sự đấu đá trong giới tinh hoa,” bà Shulman cho biết thêm.
Hãng
tin Reuters đã điểm lại những nét nổi bật trong 20 năm nắm quyền của ông Putin:
·
31/12/1999: Tổng thống Boris Yeltsin từ chức do sức
khỏe và chỉ định ông Putin làm quyền tổng thống
·
26/3/2000: Ông Putin thắng cử tổng thống nhiệm kỳ đầu
tiên
·
3/2004: Putin thắng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai với
hơn 70% phiếu bầu
·
5/2008: Putin trở thành thủ tướng sau khi ông Dmitry
Medvedev, đồng minh của ông, trở thành tổng thống (do hiến pháp quy định một
người không thể làm tổng thống hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp)
·
2012: Ông Putin trở lại vị trí tổng thống, giành chiến
thắng trong cuộc bầu cử lại với hơn 60% số phiếu sau khi có quyết định gia hạn
các nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm.
·
19/3/2018: Ông Putin lại giành chiến thắng trong cuộc
bầu cử tổng thống và ông sẽ tại vị cho đến năm 2024.
No comments:
Post a Comment