Sunday 29 December 2019

'KHỐN KHỔ' VỚI MÓN GAN NGỖNG : ĂN THÌ NGON NHƯNG NHÌN THÌ QUÁ TÀN NHẪN (Tuổi Trẻ Online)





Tuổi Trẻ Online
29/12/2019 19:26 GMT+7

Hai nhà sản xuất gan ngỗng đã gửi đơn kiến nghị hủy bỏ lệnh cấm của thành phố New York. Quyền động vật đang đối đầu với ẩm thực truyền thống.

Hình ảnh gây sốc về nhồi nhét ép vịt và ngỗng ăn để lấy gan béo được tổ chức L214 (Pháp) công bố hôm 11-12-2019 - Ảnh: L214

Ngày 11-12-2019, tổ chức bảo vệ động vật L214 ở Pháp đã phát video trên mạng xã hội tiết lộ hình ảnh một nhà sản xuất gan ngỗng béo ở Dordogne vứt bỏ hàng ngàn con vịt con còn sống vào thùng rác. Vịt con cuối cùng chết đói. Nhà sản xuất còn bơm thức ăn cho ngỗng.

Một số nước đã cấm gan béo

Muốn có gan béo, người chăn nuôi phải nhồi nhét thức ăn cho ngỗng và vịt để lá gan của nó to ra và có chất lượng. Họ chỉ chọn con đực vì gan con cái thường nhỏ.

Từ nhiều năm nay, các tổ chức bảo vệ động vật đã tố cáo tập quán này là hành vi ngược đãi động vật. Chính vì vậy, một số nước đã cấm nhập khẩu hoặc kinh doanh gan béo.

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên cấm nhập khẩu gan béo năm 2014. Tại Brazil, Sao Paulo đã cấm buôn bán và sản xuất gan béo vào tháng 5-2015. Các nhà hàng và thương nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền đến 1.700 euro. Úc cũng ban hành chính sách tương tự.

Nhiều nước khác cấm nhồi nhét động vật ăn uống như Argentina, Úc, Nam Phi, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Mỹ, bang California là địa phương đầu tiên trên thế giới ban hành đạo luật cấm sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh gan béo.

Luật được thông qua năm 2004 (có hiệu lực năm 2012), sau đó dẫn đến cuộc chiến pháp lý dai dẳng, cuối cùng được Tòa án tối cao Mỹ công nhận hôm 7-1-2019. Người vi phạm bị phạt tiền 1.000 USD.

Chicago cũng ban hành lệnh cấm gan béo năm 2006 nhưng hai năm sau bị thu hồi. Lúc còn lệnh cấm, thị trường chợ đen vẫn lén lút cung cấp gan béo cho các nhà hàng.

Những người bảo vệ quyền động vật ủng hộ cấm bán gan béo trước hội đồng thị chính New York ngày 18-6-2019 - Ảnh: AFP

Doanh nghiệp New York chết đứng

Tại New York hôm 30-10-2019, hội đồng thành phố đã thông qua quy định cấm các nhà hàng buôn bán, tiêu thụ và sở hữu gan béo từ cuối tháng 10-2022. Thị trưởng Bill de Blasio đã phê duyệt quy định này. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500 USD đến 2.000 USD.

Trong khi các tổ chức bảo vệ động vật hoan nghênh lệnh cấm, các nhà chăn nuôi lại méo mặt và các doanh nghiệp không dễ đầu hàng.

Trung tuần tháng 12-2019, hai doanh nghiệp sản xuất gan béo La Belle Farm và Hudson Valley Foie Gras đã đệ đơn kiến nghị với chính quyền bang New York đề nghị tuyên lệnh cấm gan béo của thành phố New York là vi hiến và hạn chế sản xuất.

Đơn kiến nghị giải thích New York là thị trường lớn nhất của họ. Nếu mất thị trường này, họ sẽ ngừng hoạt động và 380 lao động của hạt Sullivan sẽ thất nghiệp.

Hai doanh nghiệp này bán khoảng 355 tấn sản phẩm mỗi năm, trong đó 1/3 là gan béo và các sản phẩm vịt cung cấp cho các nhà phân phối, nhà hàng và chợ nông sản ở New York.

Hiện nay, gan béo có trong thực đơn của 1.000 nhà hàng ở New York và trong bánh mì kẹp thịt từ Seattle đến Palm Beach.

Trang trại vịt của doanh nghiệp Hudson Valley Foie Gras ở Ferndale (bang New York) - Ảnh: AP

Gan béo không nhồi nhét

Để bảo vệ quyền động vật, Québec Oies ở Canada là trang trại duy nhất ở Bắc Mỹ sản xuất gan ngỗng béo không cần nhồi nhét thức ăn. Trang trại do nhà sinh vật học Simon Brousseau và vợ  làm chủ.

Trong thời gian tăng trọng cho gan kéo dài hai tuần, ngỗng được nhốt trong tình trạng bán tự do và được cho ăn bắp nguyên hạt.

Theo nghiên cứu của Simon Brousseau, gan ngỗng sẽ tích mỡ béo lên khi nhốt ngỗng ngoài trời theo từng nhóm nhỏ vào thời điểm ngày ngắn hơn và trời lạnh. Gan ngỗng béo đạt đúng kích cỡ, nặng từ 450 g đến 500 g (trên mức quy chuẩn 400 g).

Tại Pháp, chuyên gia về bệnh chuyển hóa và tim mạch Rémy Burcelin ở Viện Y tế và nghiên cứu y học quốc gia (INSERM) đã nhận ra vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột trong việc lưu trữ chất béo trong gan.

Ông và bạn bè đã lập trang trang trại Aviwell ở tỉnh Ariège. Trong ba năm nghiên cứu, ông đã chọn lọc được các vi khuẩn tối ưu hóa quá trình dự trữ chất béo tự nhiên của ngỗng. Ông giải thích chỉ cần mỗi ngày dùng một chai 0,3 ml men vi khuẩn là đủ.

Năm 2019, trang trại đã bán vài chục ký gan ngỗng béo tự nhiên đầu tiên. Dự kiến trang trại sẽ sản xuất 10.000 gan ngỗng béo năm 2020. Riêng Rémy Burcelin sẽ tiếp tục nghiên cứu gan béo trên vịt.

Gan béo không qua công đoạn nhồi nhét thức ăn của trang trại Québec Oies ở Canada - Ảnh: RADIO CANADA

------------------------

EU cấm ép động vật ăn uống

Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành chỉ thị ngày 20-7-1998 về bảo vệ động vật trong các trang trại. Chỉ thị quy định "không được cho ăn hoặc cho uống đối với động vật theo cách gây đau đớn hoặc thiệt hại không cần thiết".

Sau đó, EU ban hành khuyến cáo ngày 22-6-1999 liên quan đến sản xuất gan béo vịt: Không được áp dụng các phương pháp cho ăn và bổ sung thực phẩm gây tổn thương, lo lắng hoặc bệnh tật cho vịt, hoặc dẫn đến phát triển các điều kiện thể chất hoặc sinh lý ảnh hưởng đến sức khỏe và phúc lợi của vịt.

Hầu hết các nước EU đều tuân thủ chỉ thị trừ năm nước Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hungary và Bulgaria.

---------------------------

LIÊN QUAN

Với 42 phiếu ủng hộ và 6 phiếu chống, Hội đồng lập pháp thành phố New York (Mỹ) đã thông qua một dự luật cấm các nhà hàng và cơ sở kinh doanh gan ngỗng hoặc vịt, nguyên liệu chính để chế biến một trong những món đặc sản và xa xỉ trên thế giới.



No comments:

Post a Comment

View My Stats