Cánh Cò (Blog
RFA)
December 11, 2019
Chưa bao giờ mạng xã hội Việt Nam tập trung vào một
chủ đề duy nhất như những ngày gần đây, đó là những cuộc biểu tình đòi tự do
dân chủ của sinh viên học sinh Hồng Kông. Hình ảnh các cuộc biều tình tràn ngập
mọi trang facebook và những dòng status đầy thương xót, phẫn nộ, đồng cảm thậm
chí vui mừng cho những người trẻ tuổi Hồng Kông dám từ bỏ căn nhà tiện nghi của
mình để đòi hỏi một nền dân chủ đích thực sẽ bị mất đi sau khi “một quốc gia
hai thể chế” không còn giá trị.
Bên cạnh những khen ngợi tuổi trẻ Hồng Kông là những
kết án tuổi trẻ Việt Nam, những khuôn mặt cũng trẻ trung, thông minh nhưng thiếu
hẳn phẩm chất của những sinh viên dám dấn thân vì lý tưởng. Không hiếm người
lên án cho sự vô cảm trước nỗi nhục của đất nước trong khi tuổi trẻ Việt Nam chỉ
lo đeo đuổi những thú vui thấp bé. Họ không bận tâm trước những vấn đề chính trị
khi mọi sinh hoạt trong đời sống của họ đều dính liền tới chính trị như một định
luật.
Chúng ta có trách oan cho tuổi trẻ Việt Nam hay
không? Cái nhìn của chúng ta có khách quan và được phân tích một cách thấu đáo hay
chỉ nhìn ở một góc chủ quan xen lẫn cảm tính bất mãn?
Trước tiên hãy nhìn vào mái trường mà chúng ta mang
con em mình giao phó đào tạo cho tương lai của chúng. Dưới mái trường ấy con em
chúng ta có thời gian nào suy nghĩ cho những vấn đề bên ngoài bài học chính quy
mà khuôn viên đại học o ép chúng phải tiêu hóa cho bằng được. Đối với đa số
sinh viên nghèo cần phải kiếm thêm tiền để sinh hoạt, họ không còn thời giờ để
theo dõi và phân tích các vấn đề chính trị nếu có chút thời gian rảnh rỗi có lẽ
họ phải đọc báo tìm thêm việc làm hoặc tranh thủ về thăm gia đình khi có dịp.
Cũng không hiếm sinh viên có khả năng nhận thức xã hội
và tìm cách đọc sách, theo dõi mạng xã hội hay tìm thông tin trên Internet để
chia sẻ những vấn nạn mà chính quyền gây ra cho dân chúng hoặc thực thi những
chính sách không lấy lợi ích của nhân dân làm trọng. Những sinh viên có tố chất
cộng đồng ấy nếu muốn tập trung thêm đồng bạn hoặc kêu gọi sự tiếp tay từ đám
đông quần chúng thì ngay lập tức sẽ bị chính nhà trường mà các em theo học
khoanh vùng, cô lập và thậm chí đuổi học nếu hoạt động của em đó có khả năng
gây hiệu quả tốt cho nhận thức của sinh viên khác nhưng lại nguy hiểm cho thể
chế hiện hành.
Sinh viên muốn tham gia biểu tình không bao giờ được
bất cứ thầy cô hay ban giám hiệu bỏ qua hay giả vờ ngó lơ cho bạn ấy. Không phải
giảng viên có trái tim bằng sáp nhưng họ bị khống chế bởi Nghị Định 38/2005/NĐ-CP hay
Thông Tư 09/2005/TT-BCA, ngăn cấm tuyệt đối sự tham gia hay hô hào lôi kéo người
khác đi biểu tình dưới bất cứ hình thức nào.
Ngoài ra Thông Tư 10/2016/TT-BGDĐT do Bộ Giáo Dục và
Đào Tạo ban hành đã giới hạn quyền biểu tình bằng cách đặt ra mức kỷ luật từ
khiển trách tới buộc thôi học, giao cho cơ quan chức năng xử lý khi sinh viên
biểu tình. Mục 23 của Thông Tư 10, khi tham gia biểu tình, tụ tập đông người,
sinh viên có thể bị đình chỉ học, buộc thôi học, và có thể giao cho cơ quan chức
năng xử lý. Mục 22 của phần phụ lục nêu trên tỏ ra nặng nề hơn với hành vi lôi
kéo, kích động biểu tình, viết truyền đơn, áp phích khi chỉ cần sinh viên làm lần
đầu là bị đình chỉ học có thời hạn và bị đuổi học nếu làm lần 2.
Chưa dừng lại ở đó Quyết Định 46/2007/QĐ-BGDĐT quy định
về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở
giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo quyết định này, hiệu trưởng các
trường đại học, cao đẳng và các trường khác sẽ phải “thực hiện sự chỉ đạo về
chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan công an ở địa phương trong công tác đảm bảo
chính trị, trật tự an toàn xã hội của trường học.” Đối với các thủ trưởng cơ
quan quản lý giáo dục địa phương, họ phải phối hợp với cơ quan công an cùng cấp
để đưa ra các hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện vấn đề này. (*)
Bên cạnh các thông tư nghị định mà sinh viên có thể
bất cần còn Hội Sinh Viên, Đoàn Thanh Niên và các thành viên ban cán sự sẵn
sàng báo cáo, kiểm điểm, thúc giục sinh viên nào muốn đấu tranh phải bỏ cuộc và
nếu cần hăm dọa mọi cách… khiến sinh viên dù có nhiệt huyết tới đâu cũng sẽ bỏ
cuộc nửa chừng.
Kinh nghiệm của những khuôn mặt tranh đấu xuất phát
từ giới sinh viên đã chứng thực điều đó.
Ngoài những ngăn trở từ công an, nhà trường, học phí
cũng như các nhu cầu cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày mà một sinh viên phải
trải qua, ngăn trở lớn nhất làm cho các bạn sinh viên nhụt chí là từ gia đình,
nơi chăm sóc cho các bạn ấy từ thời tấm bé.
Hầu như không một gia đình nào muốn con em mình dấn
thân tranh đấu cho một vấn đề không phải của chính mình là tâm lý chung của mọi
gia đình Việt Nam. Cái tâm lý ấy đã đồng hành cùng cả nước khi tiền học phí cho
4 năm đại học đã ngăn trở mọi ước mơ của tuổi trẻ Việt Nam trước sự khó khăn của
gia đình. Không ai chịu bỏ tiền cho con em mình để chúng đi thẳng vào nhà giam
vì làm những việc không thấy bất cứ một lợi ích nào. Những tư duy cằn cỗi ấy là
hàng rào kẽm gai vững chắc nhốt tuổi trẻ Việt Nam thúc thủ từ năm này sang năm
khác suốt quãng đời đại học, một quãng thời gian tươi đẹp và nhiệt huyết nhất của
con người.
Vì vậy đừng ngạc nhiên khi mới dây, trong cuộc họp hội
đồng nhà trường, hiệu trưởng Trường Đại Học Sư Phạm TPHCM Nguyễn Thị Minh Hồng
ra lệnh miệng cấm sinh viên của trường này chia sẻ thông tin liên quan đến Hồng
Kông. Ai vi phạm kỷ luật, nếu lần thứ 3 sẽ đuổi học. Nhiều lớp học được bí thư
nhắn thông báo trên group lớp là cấm share tin của Hồng Kông.
Bà Minh Hồng chỉ tận tụy quá trớn chứ không phải bản
thân muốn làm điều gì nổi trội. Còn biết bao nhiêu Minh Hồng khác trong hệ thống
đại học của Việt Nam muốn che chắn hình ảnh Hồng Kông trong tầm nhìn của tuổi
trẻ Việt Nam. Tuy nhiên không một biện pháp nào đủ mạnh và hiệu quả có thể che
đây sự thật và lòng lân cảm của người với người.
Rồi đây khi Hồng Kông tới một đình điểm nào đó thì
tuổi trẻ Việt Nam sẽ bị cuốn hút vào một cách vô thức để từ đó một hoàn cảnh mới
mở ra cho đất nước. Bất cứ sự chuyển đổi nào cũng cần yếu tố bất ngờ và yếu tố
bất ngờ có thể thay đổi Việt Nam vẫn là tuổi trẻ, chỉ có họ mới có thể làm nên
lịch sử mà thôi.
Và biết đâu yếu tố bất ngờ ấy hiện đang hình thành từ
tiềm thức của những người mà chúng ta tỏ ra thất vọng hôm nay?
No comments:
Post a Comment