Wednesday, 11 December 2019

VIỆT NAM, MỘT ROMANIA TRONG CHIẾN TRANH LẠNH II? (Trần Trung Đạo)





(Nhân dịp đánh dấu 30 năm cách mạng dân chủ Romania)

Tháng 12 Dương lịch là tháng có những ngày lễ lớn nhưng cũng là tháng đánh dấu nhiều biến cố quan trọng đã xảy ra trong lịch sử nhân loại hiện đại. Ngày 25 tháng 12 là ngày Liên Sô chính thức cáo chung (1991) và ngày 25 tháng 12 cũng là ngày chế độ CS Romania sụp đổ (1989).

Ai lật đổ Nicolae Ceausescu?

Không ai khác hơn là nhân dân Romania. Họ là những người đã viết nên trang sử cách mạng đầu tiên ở thành phố Timisoara vào ngày 16 và những trang sử đẫm máu nhưng quyết định ở thủ đô Bucharest từ ngày 21 đến 25.

Nhắc lại, ngày 21 tháng 12, 1989, Nicolae Ceaușescu đọc diễn văn trước hàng trăm ngàn người dân Romania tại Bucharest. Những người tham dự đã được cơ quan tuyên truyền chọn lọc. Họ được lịnh khi nào cần đả đảo các thế lực thù địch đang xâm phạm nội bộ Romania và khi nào cần phải vỗ tay tung hô lãnh tụ Ceausescu. Dĩ nhiên các cán bộ tuyên truyền làm “cò mồi” cài sẵn trong đám đông.

Theo lời kể của một cựu công an CS Mircea Gheorghe với nhóm phóng viên của hãng Bloomberg, mười phút trước khi Ceausescu đọc diễn văn đã có một người dân đứng trên tầng ba của tòa nhà bên cạnh và hô lớn “Tên độc tài đáng chết!” (Death to the dictator!). Anh ta bị công an bắt. Không ai biết số phận của người dân can đảm đó ra sao.

Khi Ceaușescu đọc diễn văn mới được hai phút và đám “cò mồi” chưa kịp chuẩn bị hoan hô lãnh tụ, một nhóm công nhân nhà máy điện bỗng la lớn “Timisoara! Timisoara!” để phản đối sự kiện công an CS đàn áp các cuộc biểu tình của hàng ngàn người ở thành phố Timisoara.

Như một làn sóng, những người dân đến lẽ ra để ủng hộ Ceausescu lại là những người đầu tiên khai tử chế độ. Bốn ngày sau vợ chồng Ceausescu bị xử bắn.

Người muốn xử bắn Nicolae Ceausescu nhanh chóng là tướng Victor Stanculescu, Bộ trưởng Quốc Phòng tin cẩn của Ceausescu. Ba người lính bắn vợ chồng Ceausescu trước đó cũng đã ký giấy cam kết trung thành với Ceausescu.

Bịnh ung thư quyền lực ăn sâu vào ý thức đã làm Ceausescu quên rằng khái niệm trung thành không có trong xã hội CS.

Ceausescu cũng mù lòa lý trí đến mức trong buổi gặp gỡ Gorbachev chỉ mười ngày trước đó y vẫn nghĩ chế độ CS tại Romania không thể nào sụp đổ bất chấp lời khuyên “đổi mới” của Gorbachev.

Hơn một ngàn người chết trong các cuộc biểu tình và xung đột bạo động giữa phe cách mạng và phe ủng hộ Ceausescu. Dù sao, cách mạng dân chủ Romania đã thành công. Các lãnh đạo thế giới trong đó có Mỹ gởi điện văn hay tuyên bố mừng chính phủ mới.

TỘI ÁC LỚN NHẤT CỦA CEAUSESCU

Ceausescu ngăn cấm việc phá thai không phải vì lý do tôn giáo hay nhân đạo nhưng vì y muốn gia tăng dân số Romania. Điều này dẫn tới tình trạng trẻ em sinh ra nhưng cha mẹ không thể nuôi và được nhà nước khuyến khích gởi con đến các trại mồ côi do nhà nước điều hành.

Bên cạnh các vi phạm nhân quyền trầm trọng mà các chế độ CS đều có, tội đày đọa trẻ em là một tội ác không thể dung tha cho vợ chồng Nicolae Ceausescu.

Khoảng 100 ngàn trẻ em bị suy dinh dưỡng, bịnh tật và không được chăm sóc tại các trung tâm mồ côi. Với số nhân viên nhà nước điều hành các trại mồ côi, trung bình mỗi em được chăm sóc vỏn vẹn 6 phút trong một ngày. Phóng sự điều tra của ký giả Katie Silver ước lượng có tới 170 ngàn trẻ em mồ côi trong tổng số nửa triệu trẻ mồ côi trong cả nước đã bị chế độ bỏ rơi.

VIỆT NAM CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT ROMANIA CỦA CHIẾN TRANH LẠNH II

Ngoài vợ chồng Nicolae Ceausescu và chế độ CS còn ai khác gián tiếp chịu trách nhiệm cho thảm cảnh của trẻ em Romania?

Có và đó là các nước dân chủ Tây phương.

Các nước dân chủ Tây phương biết rõ tình trạng tại Romania nhiều năm trước cách mạng 1989 nhưng không can thiệp.

Bao vây Liên Sô chứ không phải nhân quyền là mục đích hàng đầu của Mỹ, Anh, Pháp trong quan hệ với Romania.

Khai thác chính sách đối ngoại tương đối độc lập của Romania đối với Liên Sô, một thời gian rất dài các tổng thống Mỹ cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều xem Ceausescu là con cờ cần thiết trong ván cờ Chiến Tranh Lạnh với Liên Sô. TT Richard Nixon viếng thăm chính thức Romania tháng 6, 1969 và ban cho chế độ độc tài này đặc quyền Tối Huệ Quốc (Most-Favored-Nation).

Chính quyền Nixon cũng đã kêu gọi các ngân hàng Mỹ cho Romania vay với điều kiện rộng rãi. Số tiền nhiều tỉ đô la các ngân hàng Mỹ cho Romania vay không tạo nên một hiệu quả kinh tế đáng kể và đã trở thành lãng phí do quản trị kém, tham nhũng, phẩm chất hàng hóa thiếu tiêu chuẩn bán trên thị trường quốc tế.

Khi nợ đến kỳ trả Ceausescu không đủ tiền nên đã áp dụng một chính sách tem phiếu vô cùng hà khắc trên đời sống của người dân Romania.

Dưới chế độ Ceausescu, gia đình nào dự trữ thực phẩm để dùng hơn một tháng sẽ bị phạt từ sáu tháng đến năm năm tù. Chocolate, Cà Phê và thuốc xì gà được xem như xa xí phẩm. Đài truyền hình chỉ phát hai giờ mỗi ngày. Mùa đông không được mở máy sưởi ấm cao hơn 16 độ C. Các tiệm không được phép bán bóng đèn mạnh hơn 40 watts và các biện pháp khác nhằm kiểm soát đời sống người dân.

Mặc dù hai tổ chức Amnesty International và Helsinki Watch công bố những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Romania, Nicolae Ceausescu vẫn được các chính phủ Mỹ từ Richard Nixon đến Jimmy Carter tiếp đón một cách trang trọng qua ba lần viếng thăm Mỹ vào những năm 1970, 1973 và 1978. TT Jimmy Carter giới thiệu Nicolae Ceausescu như “một lãnh tụ vĩ đại” trong buổi tiếp đón y ngày 12 tháng 4, 1978.

MỸ CẦN MỘT CSVN TÔN TRỌNG NHÂN QUYỀN TRONG CHIẾN TRANH LẠNH THÁI BÌNH DƯƠNG?

Bài học Romania cho những ai quan tâm đến tương lai Việt Nam biết câu trả lời là không.
Ưu tiên hàng đầu của Mỹ và đồng minh là bao vây Trung Cộng và tất cả mục đích khác đều là thứ yếu.

Trong chuyến viếng thăm của Ceausescu đến Mỹ, TT Jimmy Carter có nhắc khéo vấn đề nhân quyền nhưng Ceausescu thẳng thừng đáp lại “Tất cả quyền của con người phải bắt đầu với quyền lao động.”

Ceausescu biết TT Carter đưa vấn đề nhân quyền ra để giữ thể diện của một quốc gia đặt trên nền tảng trên các giá trị tự do dân chủ chứ không nhằm trừng phạt Romania. Điều này đang xảy ra cho CSVN.

TT Carter là một trong những vị tổng thống nhân từ và đạo đức nhất trong các tổng thống Mỹ nhưng cũng chính TT Carter đã từng viện trợ cho chính phủ liên hiệp Cambodia, trong đó có Pol Pot để chống CSVN.

Chính trị và đạo đức là hai lãnh vực không phải lúc nào cũng song hành. Không thể trách Mỹ nhưng cũng đừng quá trông đợi nơi bàn tay Mỹ.

Trong Chiến Tranh Lạnh lần này. Để dựng một phòng tuyến chặn phía nam Trung Quốc, Mỹ và đồng minh có thể sẽ chấp nhận vai trò của đảng CSVN trong vị trí tương tự như CS Romania trong Chiến Tranh Lạnh trước.

CÓ MỘT ĐIỂM KHÁC GIỮA ROMANIA VÀ VIỆT NAM

Tuy nhiên, có một điểm khác giữa Romania và Việt Nam. Phong trào dân chủ Việt Nam mạnh hơn và đông hơn phong trào quần chúng mang tính tự phát của Romania.

Thoạt nhìn, hoạt động của các nhà đấu tranh, các tổ chức đấu tranh Việt Nam còn rời rạc, phân tán và ngay cả chia rẽ. Nhưng những điểm yếu đó cũng là những điểm mạnh. Tổ chức hóa không đúng lúc chỉ giúp cho đảng CS dễ nhận ra và dễ bề tiêu diệt. Các nhóm xã hội dân sự, các đoàn thể văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật khác nhau về phương pháp đấu tranh nhưng nếu có một mục đích tối hậu chung nhằm giới hạn bộ máy cầm quyền của đảng CSVN thì trước sau gì họ cũng sẽ gặp nhau.

Điều kiện chính trị thế giới thay đổi nhanh chóng và ảnh hưởng đến các hoạt động đấu tranh vì tự do dân chủ Việt Nam nhưng không phải vì thế mà dòng thác tự do ngưng chảy. Những Lê Đình Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Trung Trực, Trần Thị Nga. Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội và trên 240 người khác hiện đang ở trong tù và vô số ở ngoài tù vẫn ngày đêm tranh đấu dưới rất nhiều cách, nhiều hình thức vì một mục đích chung mang lại tự do dân chủ cho dân tộc và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước dù đang sống ở đâu hãy nỗ lực cho một Timisoara Việt Nam, một Bucharest Việt Nam sớm được xảy ra.

Trần Trung Đạo






No comments:

Post a Comment

View My Stats