12.10.2018
Quốc hội đã sáng suốt thông qua với tỷ lệ
86,86%." Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp
xúc cử tri ở Hà Nội vào ngày 17/06/2018, về việc Quốc hội Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV biểu quyết thông qua Luật an ninh mạng.
Để có thể đánh giá mức độ "sáng suốt"
của Quốc hội, ta hãy cùng nhau xem xét một số điểm vi hiến của Luật an ninh mạng số 24/2018/QH14 (phần 1) và hệ
quả của chúng (phần 2).
1. Nhận diện vi hiến
Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật an ninh quốc gia số 32/2004/QH11 vào năm 2004. Quốc hội
khóa XIII mới ban hành Luật an toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 và Bộ luật hình sự sửa đổi số 100/2015/QH13 vào năm 2015. Để rồi
Quốc hội khóa XIV lại ban hành Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật
hình sự số 100/2015/QH13 vào năm 2017. Hiển nhiên, sau hai lần sửa đổi liên tục
như vậy, quy định về các tội thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia và trật tự xã hội
đã được cập nhật. Đặc biệt, Bộ luật hình sự hiện hành dành riêng một mục với mười điều
(từ Điều 285 đến điều 294) để quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ
thông tin, mạng viễn thông.
Như vậy, đối với lĩnh vực bảo vệ an ninh trên mạng,
những nhiệm vụ mà các cơ quan nhà nước phải tiến hành đã được quy định trong Luật an ninh quốc gia và Luật an toàn thông tin mạng, còn các hành vi bị cấm và hình
thức xử lý thì đã được quy định trong Bộ luật hình sự. Do đó, cần đặt ra câu hỏi: Quốc hội khóa
XIV có nhất thiết phải ban hành thêm Luật an ninh mạng hay không? Giả sử có quy định nào đó chưa
hợp lý hay còn thiếu, thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung theo thông lệ lập pháp, chứ
tại sao lại sinh thêm một luật mới?
Có lẽ một phần câu trả lời ở nằm ở vai trò "chủ
hộ" của luật. Trong Luật an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông
xuất hiện 26 lần, trong đó 6 lần với tư cách chủ trì, còn Bộ Công an xuất hiện
7 lần, trong đó 2 lần với tư cách chủ trì. Trong Luật an ninh mạng thì ngược lại, Bộ Công an xuất hiện 28 lần,
trong đó 6 lần với tư cách chủ trì, còn Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ xuất
hiện 4 lần, và chẳng lần nào với tư cách chủ trì. Phải chăng, vì Luật an toàn thông tin mạng là "biệt thự"
do Bộ Thông tin và Truyền thông làm "chủ hộ", nên phải dựng
thêm "biệt thự" Luật an ninh mạng để cho Bộ Công an làm "chủ hộ"?
Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Trong khi Luật an ninh quốc gia chỉ dùng 146 chữ để xác định cách xử
lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia (tại Điều 12) và Luật an toàn thông tin mạng chỉ dùng 55 chữ để viết về
nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thông tin mạng
(tại Điều 8), thì Luật an ninh mạng quy định cụ thể về cung cách,
hình thức và mức độ xử lý các hành vi vi phạm. Tức là Luật an ninh mạng
đã lấn sân Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, để có thể
tìm ra phần còn lại của câu trả lời, ta cần đối chiếu với cả hai bộ luật ấy.
1.1.
Trừng phạt người vô tội
Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 Luật an ninh mạng quy
định năm loại thông tin phải phòng ngừa và xử lý, đó là:
"1. Thông tin trên không gian mạng có nội dung
tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam..."
"2. Thông tin trên không gian mạng có nội dung
kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng..."
"3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung
làm nhục, vu khống…"
"4. Thông tin trên không gian mạng có nội dung
xâm phạm trật tự quản lý kinh tế..."
"5. Thông tin trên không gian mạng có nội dung
bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động
kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người
thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá
nhân khác."
Về biện pháp xử lý, khoản 7 Điều 16 quy định:
"7. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng
và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp quy định tại các điểm h, i và l
khoản 1 Điều 5 của Luật này để xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung
quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này."
Tức là áp dụng các biện pháp sau:
"h) Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung
cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung
cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, sản xuất và sử dụng thiết bị
phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật."
"i) Yêu cầu xóa bỏ thông tin trái
pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc
gia, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức,
cá nhân."
"l) Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống
thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống
thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật."
Có điều gì đặc biệt ở đây? Trước hết, nếu soạn thảo,
đăng tải, tán phát thông tin quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16,
thì phạm phải những tội đã được quy định tại Bộ luật hình sự hiện hành, chẳng hạn:
- Điều 117 quy định
về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm
nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Điều 118 quy định
về tội phá rối an ninh.
- Điều 155 quy định
về tội làm nhục người khác.
- Điều 156 quy định
về tội vu khống.
- Điều 318 quy định
về tội gây rối trật tự công cộng.
Với các tội đó, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm
quyền là khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Vậy mà khoản 7 Điều 16 Luật an
ninh mạng lại chỉ quy định "áp dụng các biện pháp quy định tại các điểm
h, i và l khoản 1 Điều 5", tức là không nhắc tới biện pháp khởi tố, điều
tra, truy tố, xét xử, mặc dù biện pháp ấy được quy định tại điểm m của chính
khoản 1 Điều 5:
"m) Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo
quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự."
Nếu ai đó soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin
quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 của Điều 16 Luật an ninh mạng, thì người ấy
phạm vào tội được quy định tại Điều 117 hoặc Điều 118 của Bộ luật hình sự. Do đó có thể nhanh chóng khởi tố, bắt giam
để điều tra, truy tố, xét xử, và cuối cùng phạt tù ít nhất cũng 5 năm. Vậy
thì tại sao lại chần chừ? Vốn chẳng ngại hành xử bất chấp pháp luật, bắt giam
và kết án cả những người vô tội, không lẽ bây giờ lại tự dưng tỉnh ngộ, mà trở
nên quá nhân từ, chẳng nỡ khởi tố, truy tố, xét xử tội phạm hình sự hay sao?
Hơn nữa, khi đã bị giam trong nhà tù của chế độ này, thì hiển nhiên người bị
giam không được cung cấp thông tin mạng, và cũng không thể tự do thiết lập, sử
dụng mạng viễn thông và mạng internet. Vậy thì tại sao còn phải "yêu cầu
tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng" và "đình chỉ, tạm
đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng
internet", như quy định tại điểm h khoản 1 Điều 5 Luật an ninh mạng?
Tồn tại một giả thuyết, có thể giải đáp đồng thời mấy
thắc mắc trên. Đó là: Đối tượng xử lý của Điều 16 Luật an ninh mạng trước hết
là những người vô tội, mà sự vô tội rõ ràng đến mức sẽ quá trơ trẽn nếu
phát huy truyền thống vu khống để khởi tố, truy tố, xét xử và phạt tù.
Thành thử, mặc dù cáo buộc họ phạm phải những tội hình sự nghiêm trọng, nhưng vẫn
đành phải chấp nhận để họ tự do về thể xác, và chỉ sử dụng Luật an ninh mạng
để tước bỏ tự do về tinh thần.
Kể cả khi giả thuyết trên bị phủ định, thì vẫn còn một
thứ vi hiến chẳng thể biện hộ. Đó là, khi "áp dụng biện pháp quy định tại
các điểm h, i và l khoản 1 Điều 5 của Luật này để xử lý", thì có nghĩa
là đã phán xét "thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định
tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này". Tức là đã phán xét hành vi
của đương sự vi phạm các điều tương ứng trong Bộ luật hình sự. Điều đó cũng
đồng nghĩa với việc cơ quan công an phán xét đương sự đã phạm tội
hình sự. Như vậy hiển nhiên là vi phạm khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013: "Người
bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự
luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật."
Rõ ràng, Luật an ninh mạng đã cho phép cơ quan
công an tự ý kết tội, mà không đợi "Tòa án nhân dân... thực hiện
quyền tư pháp", tức là vi phạm khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 2013.
Hơn thế nữa, Luật an ninh mạng cũng cho phép cơ quan công an bỏ qua công đoạn
"Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố", tức là vi phạm
khoản 1 Điều 107 Hiến pháp 2013.
Như vậy cũng đương nhiên vi phạm cả các quy định
tương ứng của Bộ luật tố tụng hình sự. Và không chỉ dừng lại ở đó. Khoản 2 Điều
26 Luật an ninh mạng quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng phải
"Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài
khoản số; ... cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ
an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra,
xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng."
Có nghĩa là Luật an ninh mạng trao cho cơ quan công
an quyền khám xét, thu giữ thông tin người dùng mạng, mà hoàn toàn không nhắc tới
vai trò của Viện kiểm sát. Tức là vi phạm Điều 193 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, quy định rằng:
"Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều
113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước
khi thi hành…"
(Ghi chú: Những người được quy
định tại điểm a khoản 1 Điều 113 là "Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan
điều tra các cấp".)
Tại sao thực hiện chức năng của
Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự mà Luật an ninh mạng lại phớt lờ vai
trò của Viện kiểm sát và Tòa án (đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự)?
Thậm chí, cả Viện kiểm sát lẫn Tòa án đều không được nhắc tới một lần nào trong
Luật an ninh mạng. Chẳng lẽ bị Bộ công an lấn át, mà Viện kiểm sát và Tòa án
đành phải lặng thinh hay sao? Điều đó khó có thể xảy ra. Vì cả bộ ba ấy đều chịu
sự lãnh đạo thống nhất và triệt để của Bộ chính trị ĐCSVN. Hơn nữa, việc tướng công an Nguyễn
Hòa Bình đảm nhiệm
chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ 26/7/2011 đến 8/4/2016, rồi
tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từ 8/4/2016 đến
nay, cho thấy dù đi đâu về đâu thì họ cũng chỉ là quân một nhà, hà tất phải lấn
át nhau.
Lý do thực sự là gì thì người
trong cuộc mới biết rõ. Người ngoài chỉ có thể phỏng đoán, chẳng hạn thông qua
hai cái lợi có được nhờ "bỏ rơi" Viện kiểm sát và Tòa án. Một
là, nhờ "tiết kiệm" hai trong ba thành phần tố tụng, nên có
thể xử nhanh hơn và xử nhiều người hơn hẳn. Hai là, khi kết tội người vô
tội, sự vắng mặt của Viện kiểm sát và Tòa án không chỉ cho phép phía công an mặc
sức hoành hành, mà còn có tác dụng tránh gia tăng tiếng xấu cho hai cơ quan ấy.
Như vậy là lợi cả đôi đường.
Cho dù thực tâm và ý đồ của tác
giả thế nào đi nữa, thì Luật an ninh mạng cũng tất yếu dẫn tới những phán xử
oan sai dành cho người vô tội. Vì sao? Nếu cơ quan điều tra có thể đứng ra
xét xử một cách chính xác, công bằng và đúng pháp luật, thì Thế giới đã chẳng cần
phải nuôi thêm bộ máy công tố và tòa án, vừa tốn tiền vừa phí thời gian. Cho
nên, sự tồn tại của bộ máy công tố và tòa án đã mặc nhiên thừa nhận, nếu cho
phép cơ quan điều tra tự đứng ra xét xử thì không thể tránh khỏi oan sai. Ở các
nước văn minh, nơi có nhà nước pháp quyền đích thực, đã không thể tránh khỏi. Ở
xứ đích thị luật rừng, nơi an ninh và côn đồ đôi khi chỉ khác nhau ở
chỗ trong hay ngoài biên chế, thì điều đó lại càng không thể tránh khỏi.
Điều 20 Hiến pháp 2013 khẳng định:
"Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể ...; không bị tra tấn,
bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân
thể". Vậy mà đám an ninh lại
ngang nhiên đánh đập hết sức dã man bao người, chỉ vì họ thực hiện quyền biểu
tình đã được hiến định, hay đơn thuần chỉ là khách vãng lai, vô tình sa vào
vòng vây quỷ dữ. Đó là bằng chứng hùng hồn, cho thấy lực lượng anh ninh của chế độ này
coi Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không hơn tờ giấy lộn, có thể
mặc sức chà đạp.
Có lẽ bạn đọc trung thành của
báo đảng sẽ cho rằng, đó là luận điệu bịa đặt của thế lực thù địch, nhằm bôi nhọ
chế độ tươi đẹp. Hoặc nếu thừa nhận có chuyện "quá tay", thì
chẳng qua cũng chỉ là hành động bột phát của một vài lính trẻ mới vào nghề,
chưa kịp thấm nhuận sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân mà thôi. Nếu vậy thì
hãy trả lời câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra, nếu cầm đầu lực lượng bảo vệ an ninh mạng
cũng thuộc chủng loại như Thiếu tướng công an
Nguyễn Thanh Hóa? Từng lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, rồi được bổ nhiệm
làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ
cao, từ khi thành lập vào năm 2009 cho đến tận cuối năm 2017, rõ ràng Nguyễn
Thanh Hóa thuộc loại cốt cán được trọng dụng nhất của Bộ Công an. Cho nên,
không ai có thể đảm bảo rằng lãnh đạo của lực lượng bảo vệ an ninh mạng sẽ chẳng
cùng chủng loại ấy. Là Cục trưởng Cảnh
sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, mà lại sử dụng công nghệ cao để
tổ chức hoạt động tội phạm. Đó là bằng chứng không thể chối cãi, cho thấy không
thể đảm bảo rằng lực lượng bảo vệ an ninh mạng chỉ toàn người tử tế, hành động
và phán xét theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, lực
lượng ấy không có đủ tư cách nhân danh pháp luật để phán xử người dân, hạn chế
hay tước bỏ quyền công dân.
Có thể tác giả và một số người ủng
hộ Luật an ninh mạng vẫn cố cãi, rằng về nguyên tắc thì trong nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, công an nhân dân
không thể xử oan nhân dân. Và nếu có oan sai thì cũng chỉ là tai nạn thường
tình, tương tự như tai nạn giao thông mà thôi. Để đỡ tốn thời gian tranh luận,
ta hãy chốt lại mục này bằng một mẩu chuyện "cận tưởng" sau
đây.
Ngày nảy ngày nay, ở chốn "cao hơn gấp
vạn lần so với dân chủ tư sản", có một gia đình nọ chung sống ba thế hệ. Người
ông ngày ngày lên mạng internet, liên lạc khắp nơi để tìm mộ đồng đội. Người bà
cũng gắn bó với mạng, thành kính bổ túc kiến thức tâm linh. Người bố làm việc
cho một công ty nước ngoài, nên đêm đêm phải túc trực bên laptop, để trao đổi
công việc với đại bản doanh ở tận Châu Âu. Người mẹ quanh năm mải mê kinh doanh
bán hàng qua mạng. Cô chị bám rịt lấy Google, tìm kiếm tài liệu để viết luận
văn tốt nghiệp đại học. Còn cậu em trai thì nghiện Facebook, để rồi bị “bọn
xấu” lợi dụng, rủ rê tham gia những trò bị chính quyền cấm đoán, như biểu
tình yêu nước và bảo vệ môi trường. Khốn nỗi nó quá cứng đầu, nên ông bà, bố mẹ
và chị khuyên bảo thế nào cũng chẳng chịu nghe, cứ ý nó nó làm. Đua đòi lên tiếng
chê bai, phản đối Luật đặc khu. Trước đã đành, nhưng khi đã có Luật an ninh mạng
mà vẫn cứ dai dẳng lèo nhèo, nên mới bị cơ quan công an xử lý. Cả nhà lao nhao
xỉ vả: Thấy chưa, nói mãi không nghe, bây giờ thì đáng đời. Trớ trêu thay,
không chỉ nó đáng đời, mà cả nhà đều lâm vào cảnh sống dở chết dở, vì mạng
internet của gia đình bị cắt. Ông bà đeo huân huy chương đầy ngực, dìu nhau đến
trụ sở công an trình bày. Để rồi nhận được câu trả lời lạnh tanh: Theo điểm
h khoản 1 Điều 5 và khoản 7 Điều 16 Luật an ninh mạng, trong trường hợp xử lý
thằng cháu chống chế độ của ông bà, thì phải đình chỉ cung cấp và sử dụng mạng
internet.1 Ông bà tỏ ra gương mẫu, nhanh nhảu tuyên bố
tán thành Luật an ninh mạng, bây giờ áp dụng đúng Luật an ninh mạng, vậy thì thắc
mắc gì nữa?
Thế đó, một đứa vi phạm thì
năm người sống cùng nhà cũng bị cắt mạng internet. Chẳng khác gì một người ăn cắp
thì cả gia đình phải ngồi tù. Nạn bị vạ lây như vậy không chỉ dừng lại
trong phạm vi gia đình, mà còn xảy ra trong phạm vi tập thể hay cộng đồng,
nơi sử dụng chung một mạng viễn thông, một mạng internet, hay một hệ thống
thông tin. Chỉ cần một thành viên bị quy kết vi phạm, dù oan hay không oan, thì
cả tập thể hay cộng đồng ấy cũng đều bị vạ lây. Vì điểm h khoản 1 Điều 5 Luật
an ninh mạng quy định phải "ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp
thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử
dụng mạng viễn thông, mạng internet...". Và điểm l khoản 1 Điều 5 quy
định phải "phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ,
tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin...".
Hy vọng, sau khi đọc thêm hai
đoạn vừa rồi, sẽ chẳng còn mấy ai phủ định tác dụng trừng phạt người vô tội
của Luật an ninh mạng. Vậy là rõ ràng, Luật an ninh mạng vi phạm Điều 3
Hiến pháp 2013: "Nhà nước... công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm
quyền con người, quyền công dân." Và vi phạm cả Điều 16 Hiến
pháp 2013: "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân
sự, kinh tế, văn hóa, xã hội."
1.2. Xâm phạm quyền hiến định
Tạo ra cơ chế phán xét oan sai người
vô tội, hơn nữa còn bắt cả những người
không bị buộc tội cũng phải gánh chịu hình thức trừng phạt cùng với người bị buộc
tội, Luật an ninh mạng vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và quyền công
dân, đồng thời vi phạm nhiều điều khoản khác trong Hiến pháp hiện hành.
Trong phân đoạn này, ta sẽ xem xét một số vi phạm đó.
"Yêu
cầu xóa bỏ thông tin", biện pháp ấy đương nhiên vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. "Đình
chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng
internet", "phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin"
và "đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin",
các biện pháp ấy đương nhiên cản trở cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc của
các nạn nhân.
Cần nhấn mạnh rằng: Những người
bị buộc tội và những người bị vạ lây mới chỉ là những nạn nhân trực tiếp. Cùng
với họ, cả xã hội cũng trở thành nạn nhân gián tiếp của Luật an ninh
mạng.
Thật vậy, ngăn cản, cấm đoán
thông tin trên mạng không chỉ là trấn áp phía cung cấp thông tin, mà còn gây trở
ngại cho cả phía tiếp nhận thông tin. Trong hoàn cảnh đài báo quốc doanh chỉ được
phép đưa tin theo khẩu vị của thế lực cầm quyền, thì đương nhiên thông tin được
cung cấp rất phiến diện, thậm chí méo mó và chứa nhiều sai lệch. Cho nên, mạng
xã hội là nguồn thông tin bù đắp, cân đối và kiểm chứng vô cùng cần thiết cho mọi
người. Qua đó ta thấy, không chỉ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, mà
cả quyền tiếp cận thông tin cũng bị xâm phạm. Tức là, Luật an ninh mạng vi
phạm Điều 25 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tiếp cận thông tin."
Nếu các công ty, tập đoàn công
nghệ thông tin và viễn thông thỏa hiệp với chính quyền, răm rắp thực hiện mọi
yêu cầu của công an, thì rõ ràng là tệ hại cho người dân. Trường hợp ngược lại,
các quy định vi phạm quyền con người, vi phạm quyền tự do kinh doanh và nguyên
tắc kinh doanh trong Luật an ninh mạng có thể khiến một số công ty, tập đoàn
công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu Thế giới không đầu tư mới vào Việt
Nam, hoặc buộc phải rút khỏi Việt Nam. Khi đó, người Việt Nam sẽ bị hạn chế cơ
hội sử dụng công nghệ cao và tiếp nhận thông tin chất lượng cao. Bi kịch không
chỉ dừng ở đó. Các thế lực công nghệ thông tin và viễn thông từ Trung Quốc sẽ nhanh
chóng thế chỗ, và đó mới là thảm họa đổ lên đầu dân Việt. Thảm họa không chỉ vì
phải tiếp nhận công nghệ thông tin và viễn thông chất lượng thấp hơn, mà ở chỗ
nước Việt sẽ bị phương bắc khống chế toàn diện. Bởi khi nắm giữ và khống chế được
thông tin thì khống chế được tất cả, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục...
Bí mật quốc gia mà nhà cầm quyền Hà Nội giấu kín như mèo sẽ lồ lộ ở Bắc Kinh,
chẳng cần tình báo Hoa Nam phải động chân động tay. Bí mật kinh doanh của các
công ty trong nước và các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam sẽ được trao
cho các công ty Trung Quốc, giúp họ dễ dàng lấn át mọi đối thủ, tiếp tục đưa
công nghệ thải loại hủy hoại môi trường phủ kín Việt Nam. Vậy là, không chỉ
người sử dụng internet, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng ở Việt
Nam phải chịu nhiều thiệt thòi, mà cả môi trường sống và chủ quyền, an ninh quốc
gia cũng bị đe dọa.
Internet cùng với các công cụ
hoạt động trên mạng đã trở thành tư liệu lao động không thể thay thế. Hơn nữa,
internet là môi trường kinh doanh của nhiều ngành nhiều người. Do đó, bằng cách
ngăn cản hay hạn chế sử dụng internet và các ứng dụng trên đó, Luật an ninh
mạng vi phạm Điều 55 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền làm việc, lựa
chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc." Khi bí mật kinh doanh
không còn được đảm bảo, thì cũng chẳng còn bình đẳng và tự do trong kinh doanh.
Tức là Luật an ninh mạng cũng vi phạm Điều 33 Hiến pháp 2013: "Mọi
người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm."
Internet là trường học siêu đẳng
cho mọi tầng lớp, là thư viện vô biên cho những người đam mê tìm hiểu, nghiên cứu,
và là môi trường văn hóa hết sức đa dạng, mà người nghèo cũng có thể dễ dàng tiếp
cận. Vì vậy, với việc hạn chế sử dụng internet, Luật an ninh mạng vi phạm Điều
39 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập."
Đồng thời vi phạm Điều 40: "Mọi người có quyền nghiên
cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ
các hoạt động đó." Và vi phạm cả Điều 41: "Mọi
người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống
văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa."
Internet còn là môi trường tín
ngưỡng, nơi người người có thể tìm hiểu và bổ túc kiến thức tâm linh, có thể
giao lưu, trao đổi và chia sẻ. Hạn chế môi trường tín ngưỡng ấy là một trong những
tác hại của Luật an ninh mạng. Hơn thế nữa, khi danh sách đen Hà Nội phối hợp
tác chiến với danh sách đen Bắc Kinh, sẽ gia tăng các xu hướng và tổ chức tín
ngưỡng bị kỳ thị. Lúc đó, không chỉ Giáo phái Làng Mai, mà cộng đồng Pháp Luân
Công cũng thêm phần chật vật. Dưới hình thức ấy, Luật an ninh mạng vi phạm
Điều 24 Hiến pháp 2013, quy định "mọi người có quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo", "Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo", và "không ai được xâm phạm
tự do tín ngưỡng, tôn giáo".
Internet là nơi những phận đời
bị vùi dập, bị cướp bóc có thể kêu than. Đối diện với bộ máy chuyên chính cực kỳ
hà khắc, chẳng mấy người dân dám lên tiếng phê phán, và cũng chẳng mơ tưởng hão
huyền về tác dụng của những lời ta thán. Song, theo bản năng tự nhiên, khi bị
hành hạ quá mức thì cũng rên lên mấy tiếng, để át đi cảm giác đau đớn, để biết
mình còn sống, và để san sẻ với đồng loại cho bớt nỗi cô đơn. Vậy mà cũng không
được chấp nhận, lại còn bị gán cho tội nói xấu chế độ. Trớ trêu thay, đối với một
chế độ có quá nhiều cái xấu, thì chỉ nói một phần nhỏ sự thật cũng đủ để bị
khép vào tội nói xấu chế độ. Còn biết làm gì khác, khi nộp đơn khiếu kiện ở địa
phương thì bị phớt lờ từ năm này qua năm khác, nộp đơn lên cơ quan trung ương
thì lại bị trả về địa phương, với lý do không được khiếu kiện vượt cấp. Thử hỏi,
nếu không có tiếng kêu than và lời tố cáo trên internet, thì nỗi thống khổ của
đồng bào Thủ Thiêm sẽ còn bị các cấp cầm quyền phớt lờ đến bao giờ? Cho nên, internet
trở thành nơi đánh trống trước chốn công đường. Bịt cửa internet cũng là bịt cửa
chốn công đường. Xét từ góc độ này, Luật an ninh mạng vi phạm Điều 30 Hiến
pháp 2013: "Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức,
cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá
nhân."
Là phương tiện để giới cầm quyền,
đặc biệt là thành phần tham nhũng, dập tắt các ý kiến phê phán và tố cáo, Luật
an ninh mạng vi phạm Điều 28 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền
tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ
quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước." Đồng
thời vi phạm cả Điều 8: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức,
viên chức phải tôn trọng Nhân dân, … lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của
Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng…".
1.3. Hệ lụy quốc tế
Tháng 8/2017, Đại sứ
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Đại sứ Úc, Đại sứ Canada, Trưởng phái đoàn Liên minh
Châu Âu và Đại sứ quán các nước thành viên tại Việt Nam đã gửi thư đến Chủ tịch
Quốc hội, bày tỏ sự quan ngại về yêu cầu đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý
dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Theo họ, đòi hỏi ấy trái
với cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam, trong đó có cam kết với tư cách
thành viên WTO. Luật an ninh mạng đã bỏ yêu cầu về máy chủ, nhưng vẫn đòi hỏi "phải
lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam" và "phải đặt chi nhánh hoặc văn
phòng đại diện tại Việt Nam" (khoản 3 Điều 26).
Những đánh giá như vậy không chỉ
đến từ các tổ chức nước ngoài, mà đã được nhiều tổ chức và cá
nhân trong nước cảnh báo từ trước, và đã được một số đại biểu
trình bày trước Quốc hội trong quá trình thảo luận dự thảo Luật an ninh mạng.
Nhìn từ góc độ này, Luật an
ninh mạng đã vi phạm Điều 12 Hiến pháp 2013: "Nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước
quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."
Song đó chưa phải là điều đáng
nói nhất. Vẫn còn những thứ tiềm ẩn trong Luật an ninh mạng, mà hậu quả của
chúng thì khó lường hết được. Để có thể mường tượng đôi chút, hãy cùng nhau xét
thêm một ví dụ, trước khi kết thúc phần này.
Điểm d khoản 2 Điều 22 Luật an
ninh mạng viết:
"Chủ
động tấn công vô hiệu hóa mục tiêu trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh
quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội."
Điều 2 Luật an ninh mạng quy ước:
"3. Không
gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm
mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển
thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không
bị giới hạn bởi không gian và thời gian."
"4. Không
gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm
soát."
Khi đã phân biệt rạch ròi như vậy,
mà điểm d khoản 2 Điều 22 Luật an ninh mạng chỉ viết "không gian mạng"
chung chung, chứ không viết "không gian mạng quốc gia", thì rõ
ràng là Luật an ninh mạng cho phép, thậm chí yêu cầu lực lượng an ninh mạng
chủ động tấn công mục tiêu trên không gian mạng "không bị giới hạn bởi
không gian", tức là trên toàn cầu, cả bên ngoài không gian mạng quốc
gia. Thuật ngữ "toàn cầu" hoàn toàn khớp với thuật ngữ "tấn
công", vì nếu "mục tiêu" thuộc vào "không
gian mạng quốc gia" thì lực lượng an ninh mạng chỉ cần gửi một công
văn, thậm chí chỉ cần gọi một cú điện thoại, đã đủ để "vô hiệu hóa mục
tiêu", và không ai gọi hành động gửi công văn hay gọi điện thoại là "tấn
công" cả.
"Chủ động" có nghĩa là tự mình quyết định hành động,
không bị chi phối bởi người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài. Và "chủ động tấn công"
có nghĩa là tự mình quyết định tấn công, không bị chi phối bởi đối
phương và hoàn cảnh, tức là tấn công trước khi đối phương có biểu hiện tấn công
mình, thậm chí tấn công cả khi mới có nghi ngờ, chứ chưa chắc chắn là đối
phương thực sự có ý định chống lại mình. "Chủ động tấn công"
là cách nói của phía tấn công, còn đối với phía bị tấn công thì hành vi ấy
được gọi là "vô cớ tấn công".
Hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ
xảy ra, nếu lực lượng an ninh mạng của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ động
tấn công các mục tiêu trên không gian mạng thuộc Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Vương
quốc Anh, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Nhật Bản? Lúc đó, Quốc hội chớ
tỏ ra ngô nghê vô tội, sau khi đã giao cho đám kiêu binh nhiệm vụ và quyền hạn
chủ động tấn công...
Hành vi ấy hiển nhiên vi phạm
chủ quyền của các nước bị tấn công, tức là vi phạm nguyên tắc quan hệ quốc tế
"tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào
công việc nội bộ của nhau", được hiến định tại Điều 12 Hiến
pháp 2013.
Giao cho lực lượng an ninh mạng
- một cơ quan chỉ ở cấp Cục của Bộ công an - trách nhiệm và quyền hạn chủ động
tấn công các mục tiêu trên không gian mạng thuộc các quốc gia khác, hành động
có thể dẫn đến chiến tranh mạng giữa Việt Nam và quốc gia bị tấn công, Luật
an ninh mạng vi phạm Điều 70 (khoản 13) và Điều 74 (khoản 9) của Hiến pháp 2013,
quy định rằng chỉ Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội mới có quyền hạn quyết
định vấn đề chiến tranh.
Pháp luật Việt Nam chưa cho
phép, mà đã tấn công vào Thủ đô
Berlin của CHLB Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, gây ra những hậu quả cực kỳ
nghiêm trọng, tệ hại gấp ngàn lần so với những thiệt hại mà Trịnh Xuân Thanh đã
từng gây ra. Bây giờ,
khi Luật an ninh mạng đã cho phép lực lượng an ninh mạng "chủ động tấn
công vô hiệu hóa mục tiêu trên không gian mạng", thì hậu quả còn tệ hại
gấp bội. Nhìn từ góc độ này, có thể coi điểm d khoản 2 Điều 22 là một trong
những thứ vi hiến nghiêm trọng nhất của Luật an ninh mạng.
Mới ngó qua Điều 5, Điều 16
và Điều 22 của Luật an ninh mạng mà đã nhận ra chúng vi phạm 18
điều của của Hiến pháp 2013, đó là Điều 3, Điều 8, Điều 12, Điều 16, Điều
24, Điều 25, Điều 28, Điều 30, Điều 31, Điều 33, Điều 39, Điều 40, Điều 41, Điều
55, Điều 70, Điều 74, Điều 102 và Điều 107. Thử hỏi, xét về thành tích vi
hiến, có luật nào địch nổi Luật an ninh mạng hay không?
Tự ban hành luật cho phép bản thân bất
chấp tất cả, kể cả Hiến pháp do chính họ nặn ra, để làm mọi điều họ muốn - đó
là kiểu tư duy pháp
quyền ngang ngược đặc trưng của thế lực độc quyền cai trị.
2. Hệ quả vi hiến
"Cần luật
này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi." Vẫn với lối nói dân dã mà
đúng chủ ý từng từ từng chữ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ ràng lối
tư duy và bản quyền của tác giả, đồng
thời thâu tóm cực kỳ ngắn gọn dụng ý và chủ đề của tác phẩm.
"Không để muốn nói gì thì
nói" có nghĩa là không chấp nhận
tự do ngôn luận. Đơn giản là như vậy. Vi phạm quyền tự do ngôn luận đã được
hiến định ư? Hãy đọc lại cho kỹ! Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: "Công
dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội,
biểu tình." Đúng! Nhưng đó mới chỉ là vế đầu, còn vế sau của Điều 25
là: "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định." Mà đến
bây giờ ta vẫn cương quyết chưa cho ban hành "pháp luật quy định việc
thực hiện các quyền này". Vì vậy các ngươi vẫn chưa được thực hiện, hiểu chưa? Không hiểu cái phát minh thâm thúy mới
mẻ ấy của đấng cầm quyền mà lại nói liều, thì phạm tội vu khống, xúc phạm rồi
đó.
"Không để muốn chửi ai thì chửi" có nghĩa là dù đáng chửi cũng không được
chửi thế lực cầm quyền và "đồng chí tốt" của họ. Đặc biệt,
những người dân bị cướp đất, bị hành hạ càng không được kêu, không được chửi,
vì như vậy là "chống người thi hành công vụ", "phá rối
an ninh, gây rối trật tự công cộng" và "phỉ báng chính quyền
nhân dân". (Bị đánh mà không được kêu, thì dưới đáy mọi tầng nhân đạo.)
Cho nên, gọi là an ninh nhưng
không phải là an ninh xã hội, không phải là an ninh Tổ quốc, mà chỉ là an ninh
của chế độ, và nói cho cùng thì cũng chỉ nhằm bảo vệ sự bình an của thế lực cầm
quyền.
2.1. Bên mất
Luật an ninh mạng được ban hành để đối phó với dư luận ngày
càng bức xúc, căm phẫn. Một trong những bước nhảy mới mẻ được thể hiện
trong đó, là chiến thuật ứng xử của đấng cầm quyền được cải tiến từ tự bịt
tai mình sang bịt miệng thiên hạ. Có điều, thiên hạ thì bao la, nên để bịt
được miệng thì phải huy động tấm dẻ khổng lồ, khiến muôn dân khó thở. Khó thở đến
mức người dân bị hạn chế cả môi trường lẫn phương tiện để học tập, nghiên cứu
khoa học và công nghệ, để làm việc và kinh doanh, để hưởng thụ và tiếp cận các
giá trị văn hoá, để trau dồi và thực hành tín ngưỡng, để thực hiện quyền khiếu
nại, tố cáo và kiến nghị với cơ quan nhà nước... (như đã đề cập trong mục
1.2).
Nếu nói rằng người dân chỉ mất
chứ chẳng được gì, thì có thể bị nhắc nhở, rằng việc cấm thông tin trên không
gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống (khoản 3 Điều 16 Luật an ninh mạng) có
tác dụng bảo vệ tất cả mọi người, kể cả người dân. Có thể tin nổi không?
Gây bức xúc, khiến người dân phải
lên tiếng, rồi lại xúc phạm họ là nhẹ dạ cả tin, nên bị kẻ xấu lợi dụng. Gây phẫn
nộ, khiến người dân phải xuống đường biểu tình, rồi lại vu khống họ hám tiền,
nên bị thế lực phản động kích động. Thử hỏi, có bao giờ cái bộ máy cầm quyền
thường huy động đài báo ra rả xúc phạm và vu khống người dân như vậy, lại áp dụng
Luật an ninh mạng để bảo vệ người dân khỏi bị làm nhục và vu khống hay không?
Có một điều tưởng chừng như nghịch
lý: Những người bị gán cho nhãn hiệu chống chính quyền - mục tiêu chính của
Luật an ninh mạng - chưa chắc là thành phần phải chịu thiệt hại nhiều nhất.
Vì sao? Đơn giản vì chuyện tù đày được quyết định bởi Bộ luật hình sự, chứ
không phải bởi Luật an ninh mạng. Buộc phải xóa thông tin ư? Thông tin của họ
được đặt ở nước ngoài, nơi mà lực lượng an ninh mạng Việt Nam không thể ra lệnh
cho chủ trang mạng phải xóa. Cản trở bạn đọc trong nước tiếp cận thông tin bằng
cách dựng rào chắn ư? Trò ấy quá cũ rồi. Hơn nữa, Luật an ninh mạng chỉ kích
thích thêm nhiều người học cách vượt rào để đọc thông tin cấm kỵ mà thôi. Cắt mạng
internet ư? Biện pháp ấy đã được áp dụng từ lâu rồi, chẳng phải đợi đến ngày đẻ
ra Luật an ninh mạng. Thậm chí, khi điều đó đã được viết rành rành trong luật,
thì nạn nhân đỡ phải mất công tố cáo. Chứ trước đây, nếu kể ra thì một người
tin lại có chín người ngờ, bởi cho rằng chẳng đời nào chính quyền lại chơi trò
hạ đẳng như vậy.
Chịu thiệt hại nhiều nhất chính là
Dân tộc Việt Nam, bởi vì Luật
an ninh mạng cản trở sự phát triển của Đất nước.
2.2. Bên được
Khi bất chấp mọi can ngăn, phản
đối của dư luận để thông qua bằng được một dự luật chứa đựng nhiều điều sai
trái, thì rõ ràng luật ấy chỉ nhằm để bảo vệ quyền lợi của giới cầm quyền.
Cái giới ấy đa dạng, nhưng có thể phân thành một số tập hợp, trong đó một phần
tử có thể đồng thời thuộc vào mấy tập hợp khác nhau. Sau đây ta điểm danh năm
tập hợp cầm quyền thuộc bên được lợi khi ban hành Luật an ninh mạng.
Tập hợp thứ nhất gồm các quan chức
chỉ chấp nhận dân ngoan. Kêu ca, thắc mắc, nói năng trái định hướng… là hỗn, không ngoan. Đối với
tập hợp này, Luật an ninh mạng là công cụ pháp lý đắc lực để hạn chế hay dập tắt
các ý kiến trái chiều của đám dân không ngoan.
Tập hợp thứ hai theo đuổi học thuyết
"ngu để trị". Bản thân một số vị không đến nỗi ngu, nhưng dân ngu thì vẫn dễ trị hơn.
Còn đa số phần tử thuộc tập hợp này thì có tầm trí tuệ, hiểu biết chỉ đủ để cai
trị khi dân đủ dốt. Chẳng hạn, cỡ chuyên gia "Gu gờ và
Túp Pê tê bóc" thì có thể đảm đương chức vụ Chủ
nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, nhưng không đủ tầm để có thể hiểu và thông cảm với cộng đồng tham gia
mạng xã hội, mà theo ngôn ngữ chính trường thì đó là hiện tượng "tụ tập
đông người trái pháp luật" trên mạng. Thành thử, họ coi việc tự do sử
dụng internet - cách tốt nhất để người dân mở rộng và nâng cao kiến thức - là
nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Và họ muốn ban hành Luật an ninh mạng để
hạn chế nguy cơ đó.
Tập hợp thứ ba là thế lực căm ghét
lý tưởng dân chủ và quyền con người. Họ thống lĩnh giới cầm quyền, nên thừa sức phủ định quyền con người suốt
mấy chục năm ròng rã. Và ngay cả khi đã chấp nhận hiến định quyền con người,
thì thế lực đó vẫn ngăn cản thực thi, và tiếp tục ngang nhiên chà đạp lên quyền
con người. Một mặt, họ cương quyết ngăn cản sự ra đời của các luật cần thiết để
đảm bảo việc thực hiện các quyền tự do hội họp, lập hội và biểu tình. Mặt khác,
họ ban hành Luật an ninh mạng, nhằm hạn chế hoặc tước bỏ quyền tự do ngôn luận,
tự do báo chí và tiếp cận thông tin.
Tập hợp thứ tư là thế lực "ăn
cơm nhà vác tù và phương bắc". Với Luật an ninh mạng, họ có được vũ khí pháp lý
để ngăn chặn các luồng thông tin phản đối thế lực bành trướng phương bắc, cản
trở các kế hoạch đem lại đặc quyền đặc lợi cho "đồng chí tốt"
của họ.
Điều khiến phường "cõng
rắn" hài lòng nhất có lẽ là lùa được loại thông tin "chia rẽ,
gây thù hận giữa các dân tộc... và nhân dân các nước" vào nhóm "Thông
tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam" (tại điểm b khoản 1 Điều 16 Luật an ninh mạng).2
Nhờ thế, có thể xử lý hành vi phản đối thế lực bành trướng phương bắc nặng
như tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam". Đó hẳn là một thành tựu mang tính đột phá, bởi tội "tuyên
truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" được quy định
trong Bộ luật hình sự 1999 (Điều 88) và Bộ luật hình sự 2015 (Điều 117) không hề bao gồm cái nội dung có tác
dụng "bảo Trung" như vậy. Phải chăng điều đó đã đủ để cho thấy,
cái nhà nước mà họ hết lòng phụng sự và quyết tâm bảo vệ đóng đô ở đâu?
Rồi đây, họ sẽ tận dụng Luật an
ninh mạng để yểm hộ cho Luật đặc khu được thông qua, sớm chào đón "công dân của
nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh" đến định cư lập nghiệp. Hơn nữa, nếu các công
ty, tập đoàn hàng đầu Thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền
thông buộc phải rời khỏi Việt Nam, thì giải phóng được mặt bằng, để tha hồ "dọn tổ đón
phượng hoàng" bay đến từ phương bắc xã hội chủ nghĩa. Lợi đủ đường như vậy, trên dưới
không hài lòng sao được.
Tập hợp thứ năm là thành phần tham
nhũng. Tập hợp này đông đảo nhất,
chen chúc trong bộ máy cầm quyền. Họ chẳng sợ đám thanh tra, kiểm tra tốn tiền
mà vô dụng, đến mức trong tổng số 34.340
người thuộc diện phải kê khai tài sản và thu nhập theo quy định của thành phố
Hà Nội thì chỉ kết luận được một trường hợp không trung thực trong kê khai tài
sản, thu nhập. Đám ấy chẳng điếc, cũng chẳng mù, nhưng thường tỏ ra câm, vì không dám
nói khi cấp trên chưa cho nói. Dàn báo chí quốc doanh thì chỉ được lên tiếng
khi nhạc trưởng cho phép. Hiển nhiên, nhạc trưởng không bao giờ cho phép động đến
bản thân nhạc trưởng. Và nếu chưa nhận được lệnh tấn công từ đấng tối cao thì
cũng không thể động đến hạng tham nhũng ngang tầm hay trên tầm nhạc trưởng.
Thành thử, nếu người nào đó trong bộ máy cầm quyền muốn tố cáo tham
nhũng, thì cũng phải tung tin nặc danh lên mạng xã hội. Đó là một trong những
lý do khiến mạng xã hội đóng vai trò tiên phong, không thể thay thế trong cuộc
đấu tranh chống lại quốc nạn tham nhũng. Vì thế, khi mạng xã hội bị khống
chế bịt miệng, thì được hưởng lợi nhiều nhất chính là cộng đồng tham nhũng.
Nói cách khác, một trong những tác dụng lớn nhất của Luật an ninh mạng là bảo
vệ tham nhũng. Vậy là, khi tham nhũng là đặc điểm đặc trưng của chế độ,
thì có thể nhân danh bảo vệ chế độ để bảo vệ tham nhũng.
Điểm giống nhau giữa thế lực
"ăn cơm nhà vác tù và phương bắc" và thành phần tham nhũng
là đều ghét nhất, sợ nhất các thông tin tố cáo trên mạng xã hội và các cuộc
biểu tình phản đối. Vì thế, họ đều muốn ban hành Luật an ninh mạng, đồng
thời tìm mọi cách để cản trở việc ban hành Luật biểu tình. Cho nên, mức
độ ủng hộ Luật an ninh mạng và phản đối Luật biểu tình cũng phản ánh cả mức độ
yêu nước và thực tâm chống tham nhũng.
3. Mấy điều chốt
lại
Để biện hộ cho việc ban hành Luật
an ninh mạng, Tờ trình số
366/TTr-CP về Dự án Luật an ninh mạng của Chính phủ gửi Quốc hội (ngày
31/08/2017) viết rằng
“hiện đã có nhiều
quốc gia trên thế giới ban hành các văn bản luật về an ninh mạng”. Rồi nêu đích danh mấy văn bản pháp luật của Nhật,
Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Mỹ và Cộng đồng Châu Âu làm ví dụ “điển
hình”. Và khẳng định rằng: “Việc xây dựng,
ban hành Luật an ninh mạng sẽ bảo đảm công tác an ninh mạng của nước ta có sự
phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế
về an ninh mạng.”
Ngoài ra, hai luật IT-Sicherheitsgesetz và NetzDG -
Netzwerkdurchsetzungsgesetz của Đức cũng hay được trích dẫn trên đài báo lề đảng, như
thể chúng là luật an ninh mạng mà mọi người “cần biết”.
Đặc biệt, đích thân Chủ tịch nước
Trần Đại cũng tham gia chiến dịch, khi tuyên bố trước cử tri rằng “138 quốc gia
(trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật an ninh mạng”.
Tệ thay, các thông tin mà họ tung ra đều
là ngụy tạo 100%,
như đã chỉ ra trong hai bài “Luật an ninh mạng
- Tượng đài... cô đơn” và “Luật an ninh mạng
- Cán cân... cong lý”. Vâng, tất cả các luật được họ viện dẫn đều không phải là luật an
ninh mạng. Chẳng tìm nổi một ví dụ đích thực để minh họa cho cái gọi là “thông
lệ quốc tế… về an ninh mạng”, họ đã “vơ bèo vạt tép”, túm lấy văn bản
luật của một số nước về an toàn mạng (với vai trò tương tự như Luật an toàn thông
tin mạng số 86/2015/QH13 của Việt Nam), và cả những thứ không hề dính dán đến an toàn mạng hay an
ninh mạng, rồi gán cho chúng cái nhãn luật an ninh mạng, để mê hoặc bao người...
Hành vi khuất tất ấy thể hiện một
ý đồ khuất tất, mà kết cục là đẻ ra Luật an ninh mạng số
24/2018/QH14. Với cái
luật chứa đựng những nội dung vi hiến có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng,
như đã trình bày trong hai phần 1 và 2 của bài viết này, thì càng an ninh mạng
(theo khẩu vị cầm quyền) dân càng bất an mà thôi.
Ấy vậy mà Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn thản nhiên đòi hỏi:
Nhân dân cả nước phải "bình
tĩnh và tin tưởng" đến bao giờ nữa? Chẳng lẽ bà đòi hỏi muôn dân phải
bất chấp thực tế, tiếp tục nhắm mắt trao lòng tin khống, để Quốc hội của
bà ban hành những thứ như Luật an ninh mạng, trao cho lực lượng an ninh bản
án khống, có thể tùy ý chụp lên đầu người dân vô tội hay sao? Phải chăng,
bà quan niệm đó là cái giá cần trả khi "cần luật
này để bảo vệ chế độ này"?
Nhưng Luật an ninh mạng
không bảo vệ được chế độ này, mà ngược lại, sẽ làm hại chế độ này. Bởi
chế độ chỉ có thể bền vững nếu được lòng dân. Áp bức và chẹn họng người dân chỉ
khiến muôn dân thêm uất ức. Vừa dung túng tham nhũng và che chắn cho phường "cõng
rắn", vừa xâm phạm thô bạo quyền con người, Luật an ninh mạng thúc
đẩy nhanh quá trình tinh luyện nhiên liệu nguyên tử từ lòng phẫn nộ của muôn
dân, khiến khối nhiên liệu nguyên tử đang chồng chất trong xã hội càng sớm
đạt khối lượng tới hạn. Để rồi, khi phản ứng dây chuyền diễn ra thì chẳng
thế lực nào ngăn cản nổi, sẽ nổ tung cả chế độ trong chớp nhoáng.
Lẽ ra, trước khi biểu quyết Luật
an ninh mạng, họ còn định thông qua Luật đặc
khu (tức Luật Đơn vị hành
chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XIV. Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngây đã khẳng định: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật
không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật.” Song tiếc thay, có lẽ vì quá tự phụ và quen thói
coi thường Nhân dân, nên họ đã nhầm to...
“Cá nhân tôi
hoàn toàn không đồng ý với việc thành lập 3 đặc khu và cho thuê đất
99 năm… Không biết ai đưa ra ý tưởng như vậy, kể cả những người
đồng ý thì đều là những kẻ bán nước." Lão thành cách mạng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam 1960 - 1976, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
Việt Nam tại Trung Quốc 1974 - 1987, Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam
Nguyễn Trọng Vĩnh đã tuyên bố như vậy.
Cũng bất bình như Cụ Nguyễn Trọng
Vĩnh, một số người cho rằng Luật an ninh mạng và Luật đặc khu là thành quả hợp
lực của tham nhũng và bán nước, và cặp đôi tai quái ấy kết hợp lại thành lời
tuyên chiến với Nhân dân.
Trước phản ứng dữ dội chưa từng
thấy đến từ mọi tầng lớp Nhân dân, thế lực cầm quyền buộc phải quyết định lùi thời gian thông
qua Luật đặc khu. Để thông qua nó, có thể cái thời hạn cho thuê đất 99 năm sẽ được giảm
xuống còn 70 năm. Nhưng nhiều tiếng thét đã vang lên trên các ngả đường Tổ quốc
vào ngày 10/06/2018: Một ngày cũng không!
Vì vậy, nếu muốn duy trì chế
độ thì đừng để Luật đặc khu trở thành luật cuối cùng của chế độ.4
* * *
Ghi chú
1 Luật an ninh mạng không viết rõ "đình chỉ...
sử dụng mạng viễn thông, mạng internet" của ai, nhưng rõ ràng là không
thể làm điều đó với Facebook, mà chỉ có thể áp dụng đối với người sử dụng
Facebook.
2 Luật an ninh mạng liệt kê thông tin "xúc
phạm... vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc" trong
danh sách phải phòng ngừa, xử lý. Có lẽ đây là lần đầu tiên các vị ấy được pháp
luật Việt Nam bảo vệ đích danh, vì họ không hề được nhắc đến trong Bộ luật hình sự hiện
hành. Và đây cũng là một ví dụ điển
hình cho đặc tính vu vơ, tùy tiện của Luật an ninh mạng, vì chẳng có cơ sở pháp
lý nào để xác định các vị ấy gồm những ai để mà áp dụng. Tất nhiên, khi Luật an
ninh mạng viết chung chung "vĩ nhân", "lãnh tụ",
"danh nhân" và "anh hùng dân tộc", thì không thể
vin vào quốc tịch hay đảng tịch để phân biệt đối xử, rồi gạt các vị như lãnh tụ Mác, lãnh tụ Ăng-ghen, lãnh tụ Lê-nin... ra khỏi vòng cấm được xúc phạm. Nhìn sang "láng
giềng tốt", thấy Mao Chủ tịch đã đành, nhưng còn Đặng Chủ nhiệm (Ủy ban Cố vấn Trung
ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) thì sao? Đọc tiêu đề bài "Lãnh tụ Đặng
Tiểu Bình lên phim"
trên báo Người lao động, ta hiểu Đặng Tiểu Bình là lãnh tụ, không chỉ đối với dân Trung Hoa, mà
với cả một số người sống trên đất Việt. Đọc "Ba vĩ nhân
Trung Quốc của Thế kỷ XX" (2009, 455 trang), ta thấy Nhà xuất bản Chính
trị Quốc gia Sự thật (Cơ quan xuất bản chính trị của Đảng Cộng sản và Nhà nước
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cũng coi Đặng Tiểu Bình là vĩ nhân. Đọc "Đặng
Tiểu Bình - một trí tuệ siêu việt", được xuất bản bởi Nhà xuất bản Lao động
(2008, 2010, 2015) và Nhà xuất bản Văn hóa
- Thông tin (2203), không thể phủ nhận Đặng Tiểu Bình là một danh nhân. Chưa hết, Đặng Tiểu
Bình là một trong 13 vị được vinh danh trong bài "Những anh
hùng dân tộc châu Á từng được Time giới thiệu" đăng trên báo Dân trí. (Mà quý hiếm đến mức, Việt Nam chỉ có Đại tướng
Võ Nguyên Giáp được đưa vào danh sách đó). Tóm lại, xét cả bốn phương diện "vĩ
nhân", "lãnh tụ", "danh nhân" và "anh
hùng dân tộc" thì Đặng Tiểu Bình đều là yếu nhân đặc biệt, được Luật
an ninh mạng của CHXHCN Việt Nam bảo vệ, tuyệt đối không được xúc phạm. Thành
thử, nếu ai đó không kiềm chế khi nhắc đến vai trò của Đặng Tiểu Bình trong cuộc
chiến tranh biên giới phía bắc, thì có thể bị xử lý theo Luật an ninh mạng Việt
Nam, vì tội "xúc phạm... vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc".
Hơn nữa còn đau ở chỗ, lên án kẻ phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam mà lại
bị pháp luật Việt Nam kết tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam". Không tin ư? Vậy hãy đọc Luật an ninh mạng cho kỹ. Trong đó, loại thông tin "xúc phạm...
vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc" được xếp vào điểm c của
khoản 1 Điều 16, mà khoản 1 Điều 16 thì được dành riêng cho nhóm "Thông
tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam". Ngạc nhiên chưa? Thế mới biết Quốc hội "sáng suốt" nhường nào.
3 Đừng vội quy kết là luận điệu kích động của phần tử phá hoại hay thế lực thù địch, vì đó là lời Hồ Chí Minh.
4 Hơn 20 năm trước, một cựu đảng viên ĐCSVN hỏi
tôi: "Theo anh thì chế độ này còn tồn tại được mấy năm nữa?"
Tôi trả lời: "Có thể cũng lâu như thời gian cầm quyền của cộng sản
Nga." Anh ấy lắc đầu, không tin có thể lâu đến thế. Thực tế thì cũng
lâu như thế thật. Những người cộng sản Nga cầm quyền từ ngày 07/11/1917 (ngày xảy
ra Cách mạng Tháng Mười Nga) đến trước ngày 29/08/1991 (ngày Đảng Cộng sản Liên
Xô bị Xô viết Tối cao Liên Xô cấm hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ Liên Xô), tức
là chưa đến 73 năm 9 tháng 22 ngày. Tính từ ngày 19/08/1945 (ngày cướp
chính quyền tại Hà Nội) đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV (vốn dự định sẽ thông qua
Luật đặc khu) cũng hơn
73 năm…
Ngày 12/10/2018
----------------------------------------
Cùng tác giả:
Hoàng Xuân Phú (08.10.2018):
Hoàng Xuân Phú (02.10.2018):
No comments:
Post a Comment