Đinh Yên Thảo
27/12/2019
Một trong những luật mới vừa bắt đầu có hiệu lực tại
Việt Nam và áp dụng trong năm mới là luật định buộc người thi lấy bằng lái xe sẽ
học thêm về đạo đức, văn hóa giao thông, chiếu theo thông tư của Bộ Giao Thông
Vận Tải ban hành trong năm. Các nội dung học sẽ bao gồm "những vấn đề cơ bản
về phẩm chất đạo đức", đạo đức nghề nghiệp của người tài xế, văn hóa giao
thông và phòng chống tác hại bia rượu...
Học thêm dăm giờ để vượt qua cuộc sát hạch lý thuyết,
liệu những giờ học đạo đức cấp thời này sẽ thật sự có ảnh hưởng đến những tài xế
mới hay chỉ buộc họ phải qua loa đối phó? Bởi vấn đề đạo đức không thể là bài học
trong mươi giờ hay một đôi ngày, mà nó là một nền tảng và giá trị mà mỗi người
được giáo dục, hun đúc từ nhỏ. Để sống và thực hành trong suốt cuộc đời mình,
không riêng trong việc lái xe.
Có thể là trùng hợp hoặc cũng có thể giới truyền
thông trong nước cùng nhận ra điều hệ trọng gì đó từ vụ xét xử những cán bộ cao
cấp liên can trong đại án MobiFone đang diễn ra, nên hầu như các cơ quan báo
đài đến những trang mạng chính phủ đều cùng nêu vấn đề đạo đức xã hội như một mục
tiêu năm mới trong những ngày cuối năm này.
Điểm qua báo chí quốc nội thì Báo Giáo Dục và Đào Tạo
tổ chức cuộc trò chuyện trực tuyến chủ đề "Nhà Giáo và Đạo Đức Nghề Nghiệp",
cũng như đưa các tin, bài viết về vấn đề giáo dục đạo đức cho giới trẻ. Trang mạng
Thị trường chứng khoán thông báo bản tin sắp có "Bộ Quy Tắc Đạo Đức Nghề
nghiệp" trong chứng khoán. Báo Kinh Tế & Đô Thị thì đặt vấn đề "Đạo
đức công vụ" với cán bộ, công chức chính phủ. Tòa Án Nhân Dân Tối Cao thì
công bố Bộ Quy Tắc Đạo Đức và Ứng Xử Thẩm Phán. Báo Tuổi Trẻ thì trích lời Giám
Đốc Công An Hà Nội rằng "Đạo đức một bộ phận công dân xuống cấp trầm trọng".
Trang mạng Thanh Tra của chính phủ thì kêu gọi "Năm mới, hãy chúc nhau
giàu cả đạo đức"... Có thể kể thêm vô số các bản tin tương tự như vậy
trong mọi lãnh vực xã hội.
Sự sa sút đạo đức đã là vấn đề được nhắc đến nhiều
trong các năm qua tại Việt Nam nhưng khi những vụ án hình sự trở nên thường
xuyên hơn với mức độ tàn nhẫn đến khó tưởng tượng, có thể người ta bỗng nhận ra
được rằng, trong khi có những phát triển kinh tế nào đó thì vấn đề đạo đức xã hội
đã trở nên bức bối và nguy hại gấp bội lần nếu không có giải pháp cho nó. Từ sự
gia tăng bạo lực học đường, những vụ sát nhân vô cớ và vô lý trong xã hội cho đến
những vụ tham nhũng to lớn của giới lãnh đạo quốc gia xuống đến cấp địa phương
đã làm thất thoát tài sản quốc gia, xói mòn niềm tin người dân .
Đạo đức là yếu tố chính yếu để nhìn nhận, đánh giá
và đối xử với người khác trên bình diện toàn cầu, bất kể nền văn hóa nào. Các đặc
tính và chuẩn mực đạo đức mang những giá trị xã hội. Các giá trị này bao gồm
các yếu tố như trung tín, thành thật, công bằng, yêu thương, hòa ái... Chúng
không chỉ là phạm trù tinh thần, mà đạo đức xã hội phải được xem như một vấn đề
kinh tế quốc gia vì nó ảnh hưởng đến kinh tế, hiệu suất lao động, tài sản cá
nhân và quốc gia.
Trong khi đây là vấn đề cần thiết và phải được lưu
tâm, những quy tắc, luật định đưa ra trong các lãnh vực, ngành nghề khác nhau
chỉ là các biện pháp hành chính mang tính chế tài hơn là việc tìm ra giải pháp
cho cội rễ vấn đề. Bởi đạo đức là những nguyên tắc nội tại của mỗi cá nhân,
trong khi chuẩn mực đạo đức là những quy tắc ngoại vi, nên các bộ "quy tắc
đạo đức" sẽ chẳng hề có tác dụng gì nếu con người thiếu một nền tảng đạo đức.
Có đó những con người và gia đình vẫn còn giữ được nếp
nhà với những giá trị cốt lõi. Nhưng liệu họ có là số đông hay là những người
chỉ biết bất lực thở dài trước tình trạng xuống dốc của xã hội. Họ không có khả
năng và thẩm quyền giải quyết vì nó là trách nhiệm nhiệm của những người điều
hành quốc gia. Sách lược để giải quyết và ngăn chận tình trạng này cho những thế
hệ trẻ tiếp nối rất cấp thiết khi trẻ nhỏ thụ đắc những giá đạo trị đạo đức từ
những điều nghe-thấy trong gia đình, học đường và môi trường xã hội.
Cha mẹ bất chính, con sẽ thiếu lương thiện. Học đường
phản giáo dục, học trò sẽ thành người gian lận. Xã hội bạo lực, trẻ nhỏ sẽ trở
nên hung dữ. Truyền thông tôn vinh những thành công vật chất và vị thế xã hội,
các em không thấy nhu cầu trở thành những người trưởng thành tử tế, có phẩm hạnh.
Khi những thái độ và hành động thực tế ngoài đời
trái ngược với những điều giáo huấn đầy tính lý thuyết thì bất cứ những nỗ lực
nhồi nhét nào cũng sẽ chẳng vun bồi cho các em được những giá trị thật sự.
Không có giải pháp hữu hiệu và toàn diện thì sẽ xã hội cứ vậy mà tạo ra những
thế hệ bất lương, bạo lực trong tư tưởng và hành động, mưu lợi cá nhân hơn là lợi
ích cộng đồng.
Cha mẹ mất đạo đức thì cơ hội nuôi dạy con cái trở
nên người tử tế sẽ là hiếm hoi. Lớp lãnh đạo thiếu liêm chính, không trong sạch
sẽ khó kỳ vọng người dân sống ngay thẳng, lương thiện. Việc đầu tiên là vấn đề
cải tổ giáo dục không chỉ nhắm đến việc trang bị kiến thức trong học đường mà
còn hun đúc, vun bồi cho thế hệ trẻ những giá trị đạo đức cốt lõi. Kế đến là
phương cách chấn chỉnh hữu hiệu về ý thức và trách nhiệm trong suy nghĩ và hành
xử của người dân. Cuối cùng, và không dừng ở đó, là cần thanh lọc những cấp
lãnh đạo tham những, bất chính để tái lập niềm tin trong người dân.
Những miếng băng dán đạo đức trong vài lãnh vực đó
đây không chữa được căn bịnh di căn nhiều thế hệ, nó cần một cuộc chấn hưng đạo
đức toàn diện trên bình diện quốc gia. Đó là mục tiêu năm mới. Và ắt còn là vấn
đề của nhiều năm tới nữa, cho dù đã muộn màng.
No comments:
Post a Comment