Saturday, 21 December 2019

VÀI SUY NGHĨ VỀ HIỆN TÌNH DÂN SỐ VIỆT NAM (Nguyễn Hoàng Dân)




22/12/2019

Theo bản tin RFA ngày 19/12/2019 kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 do Hà Nội thực hiện và công bố, Việt Nam đang có tổng cộng 96.208.984 dân, xếp hạng quốc gia đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á và hạng 15 trên thế giới. Trong vòng 10 năm, từ 2009 đến 2019 dân số Việt Nam đã tăng thêm 10,1 triệu người. 

Trong cùng một thời điểm, trang mạng danso.org của quỹ dân số Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam (United Nations Population Fund – UNFPA) lại đưa ra ghi nhận toàn Việt Nam hiện có 97.863.251 dân, xếp hạng 3 Đông Nam Á và hạng 14 trên thế giới. Trong vòng 10 năm, từ 2009 đến 2019 dân số Việt Nam đã tăng thêm 10,4 triệu người. 

Dù con số do Hà Nội công bố thấp hơn hẳn, có sự sai biệt lên tới 1.654.267 người, nhưng tựu trung cả hai thống kê đều cho thấy Việt Nam có mức tăng dân trung bình năm luôn ở mức 1 – 1,03%, tức tăng hơn 1 triệu người mỗi năm. 

Có hai yếu tố chính về sinh học và cơ học đóng vai trò tác động quan trọng lên sự biến thiên tăng, giảm hàng năm về tình hình dân số trong một quốc gia. Khi đối chiếu, so sánh với sự gia tăng dân số ổn định và bền bỉ như ở Việt Nam hiện nay thì đã bộc lộ ra rất nhiều mâu thuẫn. 

1/ Tăng, giảm dân số do yếu tố sinh học, tức mức thay đổi tổng số dân phụ thuộc vào các tiêu chí sinh suất, tử suất và tỷ lệ sinh đẻ trong một quốc gia. 

Báo cáo của tổng cục dân số, kế hoạch hóa gia đình thuộc bộ y tế trong hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2017, tổ chức ngày 30/1/2018 tại Hà Nội, công bố tổng dân số Việt Nam hiện có là 93,7 triệu người, tăng thêm gần 990 ngàn dân so với năm 2016. Cụ thể là có 1.313.186 trẻ con mới sinh, ước tính sinh suất thô CBR (Crude Birth Rate) là 14,7 trẻ trên một ngàn dân, giảm so CBR trong năm 2016 là 16 trẻ trên một ngàn dân. Đối chiếu tử suất của trẻ sơ sinh Việt Nam dưới 1 năm tuổi IMR (Infant Mortality Rate) là khoảng 18,5 trẻ trên một ngàn trẻ sinh ra, cho thấy tổng số trẻ gia tăng vào cộng đồng dân số Việt Nam trong năm 2017 chỉ có thể vào khoảng 1.289.000 người. 

Số liệu trong The World Factbook của CIA ghi nhận tử suất thô CDR (Crude Death Rate), tức tổng số người chết trong mọi trường hợp tại Việt Nam ở mức 5,9 người trên một ngàn dân, suy ra con số ước đoán đã có khoảng 560.000 người Việt Nam chết trong năm 2017. 

Do đó, mức gia tăng lý thuyết của tổng dân số Việt Nam năm 2017 bởi yếu tố sinh học chỉ thực sự có khoảng 729.000 dân (1.289.000 – 560.000 = 729.000). Trong điều kiện môi trường sinh hoạt, sinh sống bị ô nhiễm ngày càng tồi tệ, thực phẩm bẩn tràn lan, mức tiêu thụ rượu bia có tỷ lệ tăng trưởng đến 90%, vấn đề chăm sóc y tế vừa thiếu thốn, vừa bết bát, trong khi tai nạn giao thông năm sau luôn vượt xa năm trước… nên rõ ràng mức gia tăng dân số sinh học của Việt Nam chỉ có thể giảm dần, hoàn toàn không thể là lý do thúc đẩy để tạo ra mức tăng dân số hơn 1 triệu người hàng năm như báo cáo của Hà Nội đưa ra. 

Mặt khác việc nghiên cứu ảnh hưởng lên sự gia tăng dân số sinh học trên thế giới còn dựa trên trị số tổng tỷ lệ sinh nở TFR (Total Fertility Rate) đã được thống kê quốc tế thừa nhận là số đo chính xác nhất, do đây là số con trung bình được sinh ra và còn sống của một đời phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không phụ thuộc vào tử suất theo lứa tuổi. Công bố của danso.org cho thấy trị số TFR năm 2019 của Việt Nam là 1,96. Trong khi theo giáo sư Christopher Murray giám đốc học viện đo lường và đánh giá sức khỏe tại đại học Washington (Institude for Health Metrics and Evaluation – IHME) khi tỷ lệ sinh của một quốc gia giảm xuống dưới 2,1 tình trạng thiếu trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện với sự tệ hại còn lớn hơn cả so với các quốc gia có tử suất IMR rất cao và dân số nước đó sẽ bắt đầu giảm dần. Đây cũng là điều đã giải thích cho việc Nguyễn Thiện Nhân, bí thư đảng cộng sản tại Hồ Chí Minh phải kêu gào phụ nữ tại Sài Gòn phải “đẻ vì đất nước, vì thành phố” do tỷ lệ sinh đẻ TFR tại đây giảm mạnh và liên tục suốt 9 năm, chỉ còn 1,45. 

2/ Tăng, giảm dân số bởi yếu tố cơ học, tức ảnh hưởng do tình trạng di cư, hay di dân của quốc gia đó. Có hai định lượng về di cư, gồm số nhập cư, tức số người mới đến định cư và số xuất cư, tức số người rời khỏi nước để sang định cư ở một quốc gia khác. 

Trong điều kiện Việt Nam và trong khảo sát mười năm trở lại con số xuất cư thông thường và chính thức hàng năm rất lớn, do có quá nhiều lý do để xuất dương như đoàn tụ gia đình, lấy chồng ngoại quốc, du học và xuất khẩu lao động. Theo danso.org với các tính toán lý thuyết, trung bình hàng năm tổng số dân Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 45.000 người vì lý do di cư. 

Dù không thể đầy đủ nhưng lượm lặt tối thiểu các số liệu thống kê rải rác trên các hệ thống truyền thông chính thức của Hà Nội, hay của các tổ chức quốc tế cũng có thể có được một cái nhìn tạm thời và khái quát về hiện trạng xuất cư ở Việt Nam trong thời gian các năm gần đây. 

Không tính đến ẩn số của tình trạng mua bán vợ, lường gạt nô lệ tình dục xuyên biên giới Việt – Hoa, thống kê của bộ công an Hà Nội ghi nhận từ năm 2008 đến 2018 mỗi năm đã có trung bình khoảng 20.000 phụ nữ Việt Nam đã xuất cư với lý do theo chồng về nước. 

Phong trào du học tại Việt Nam bùng nổ vào khoảng năm 1997 – 1998 và con số du học sinh ngày một tăng cao không giảm. Theo số liệu sơ khởi của bộ giáo dục Hà Nội tính đến năm 2018 đã có hơn 130.000 du học sinh các cấp của Việt Nam xuất cư đến hơn 30 quốc gia, trong đó các quốc gia tiếp nhận hàng đầu là Nhật Bản, Hoaky, Australia, Đại Hàn, Canada, Trung Cộng, Anh Quốc và Singapore. Số liệu chính thức năm 2016 trích từ Việt Nam Migration do IOM Việt Nam chủ biên cho thấy tỷ lệ du học sinh hồi hương trung bình khoảng 50%, riêng số du sinh nữ tỷ lệ này chỉ là 38,4%. 

Con số người Việt Nam xuất cư đi theo chương trình xuất khẩu lao động của đảng cộng sản trong các năm từ 2014 đến 2018 đều vượt mức hơn 100.000 người mỗi năm. Cụ thể số liệu xuất khẩu lao động chính thức công bố từ bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Hà Nội và từ Việt Nam Migration ghi nhận năm 2016 có 126.296 người, năm 2017 có hơn 134.000 người và năm 2018 có 142.000 người. Điều đáng nói là bên cạnh số xuất khẩu chính thức, con số “tự xuất khẩu lao động” sang Trung Cộng, Lào và Cambodia để kiếm sống, hoặc đi chui theo các đường dây buôn người sang Đông Âu, Tây Âu để mong được đổi đời (như vụ 39 nạn nhân bị thiệt mạng trong thùng xe đông lạnh mới đây tại Essex – Anh Quốc) dù vẫn là ẩn số, nhưng chắc chắn các trường hợp bị phát giác chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm. Nguyễn Trí Lạc, giám đốc sở LĐ, TB & XH tỉnh Hà Tỉnh đã thú nhận trong phiên họp ngày 15/12/2019 của hội đồng nhân dân tỉnh này là đang có gần 68.000 người dân trong tỉnh đã xuất cư lao động ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó có hơn 35.000 là lao động đi chui, chiếm tỷ lệ hơn 50%. 

Tạm thời với các con số thượng dẫn có thể tin rằng con số dân Việt Nam xuất cư hàng năm bởi nhiều lý do và trong nhiều trường hợp chính thức, hay vô minh chắc chắn phải rất lớn, hoàn toàn nhiều hơn con số ước đoán khiêm tốn nhất là 300.000 người. Từ đó suy ra khả năng gia tăng dân số tự nhiên và khả tín của Việt Nam trong suốt thập niên 2009 – 2019 chỉ khoảng tương đương 400 ngàn người mỗi năm. 

So sánh con số gia tăng công bố chính thức là hơn 1 triệu dân cho ta con số chênh lệch lên tới gần 600.000 người. Điều này hiển nhiên đã cho thấy thực sự đang có một sự gia tăng bí ẩn về hiện trạng tổng số dân của Việt Nam. Một sự gia tăng diễn ra bền bỉ suốt cả giai đoạn khảo sát 2009 – 2019 (và chắc chắn là luôn nhiều năm trước đó) nhưng đã bị Hà Nội cố tình bỏ ra ngoài sổ sách thống kê và phớt lờ luôn những phép tính căn bản về điều tra dân số. 

Sinh suất giảm xuống mức không đủ khả năng hoàn nguyên. Tử suất tăng không có dấu hiệu cải thiện. Tình trạng di dân chính thức và chui lủi cứ tiếp tục phát triển ồ ạt, mà tổng dân số vẫn tăng mạnh và ổn định hàng năm?? Rõ ràng không thể có lý do vững chắc nào khác để biện minh cho kết luận đây chính là kết quả của việc nhập cư lậu thoải mái và dễ dàng, do đảng cộng sản Việt Nam và chế độ cộng sản Hà Nội đã mặc nhiên dung dưỡng, hay đúng hơn là kẻ đã và đang tiếp tay trợ thủ đắc lực trong mưu đồ Hán hóa, di dân Trung Cộng xuống phía nam của Bắc Kinh. 

Chú thích:

Bản tin RFA, 19/12/2019. 

Danso.org, UNFPA, 19/12/2019. 

Mức sinh và mức chết ở Việt Nam: Thực trạng, Xu hướng và những Khác biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6/2011. 

The World Factbook, CIA 2017. 

Việt Nam Migration Profile 2016, IOM Việt Nam 2017. 

12/2019. 






No comments:

Post a Comment

View My Stats