VOA Tiếng Việt
11/12/2019
Thay vì xem Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm mà Mỹ
cần phải cắt đứt quan hệ và tìm cách triệt hạ về kinh tế, chính trị và quân sự,
Washington nên chấp nhận thực tế là sự vươn lên của Trung Quốc là không cách
nào có thể cản lại được và Mỹ và thế giới đều được hưởng lợi từ sự vươn lên đó,
một bài viết trên tạp chí chuyên ngành về đối ngoại ‘Foreign Affairs’ nhận
định.
Tác giả Fareed Zakaria trong bài phân tích nhan đề ‘Nỗi sợ mới về Trung Quốc: Tại sao Mỹ không nên hoảng sợ
về đối thủ mới nhất này?’ đã trình bày cụ thể những lý do mà VOA Việt
ngữ xin lược dịch để giới thiệu đến quý độc giả.
Sự đồng thuận mới
Trong cuộc tranh luận hiện nay của Mỹ về Trung Quốc,
có sự đồng thuận mới từ phía lưỡng đảng, cánh quân sự và các cơ quan truyền
thông chủ chốt cho rằng Trung Quốc hiện là mối đe dọa đối với Mỹ cả về kinh tế
và chiến lược, rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã thất bại, và
Washington cần một chiến lược mới mẻ và cứng rắn hơn để kiềm chế Bắc Kinh. Sự đồng
thuận này đã đẩy lập trường của công chúng Mỹ về phía gần như là thù địch: theo
thăm dò dư luận, có 60% người Mỹ hiện có quan điểm tiêu cực về Cộng hòa Nhân
dân Trung Hoa - mức cao kỷ lục kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu Pew bắt đầu cuộc
thăm dò này vào năm 2005.
Cần phải nói rõ: Trung Quốc là một chế độ đàn áp với
những chính sách hoàn toàn phi tự do, từ cấm đoán tự do ngôn luận cho đến cầm
tù các nhóm tôn giáo thiểu số. Trong năm năm qua, họ đã tăng cường kiểm soát
chính trị và kinh tế ở trong nước. Còn ở nước ngoài, họ là kẻ ganh đua và trong
một số lĩnh vực là đối thủ của Mỹ. Nhưng câu hỏi chiến lược thiết yếu cho người
Mỹ ngày nay là, liệu những sự thật này có khiến Trung Quốc trở thành một mối đe
dọa lớn và ở mức độ đe dọa như thế, nó cần được xử lý như thế nào?
Hậu quả của việc phóng đại mối đe dọa của Liên Xô là
rất lớn: trong nước Mỹ là sự chà đạp nhân quyền trắng trợn trong thời kỳ
McCarthy (vị nghị sỹ đề ra dự luật chống Cộng mang tên ông); cuộc chạy đua vũ
trang hạt nhân nguy hiểm; một cuộc chiến tranh dài, vô ích và thất bại ở Việt
Nam; và vô số các cuộc thiệp quân sự khác ở những nước được gọi là Thế giới thứ
Ba. Hậu quả của việc không hiểu đúng thách thức của Trung Quốc ngày hôm nay sẽ
còn lớn hơn nữa. Mỹ có nguy cơ phung phí những lợi ích mà khó khăn lắm mới có
được từ bốn thập kỷ can dự với Trung Quốc, khuyến khích Bắc Kinh thực hiện
chính sách đối đầu, và đưa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuộc xung đột
tàn nhẫn với quy mô và mức độ không rõ ràng. Điều này sẽ dẫn đến nhiều thập kỷ
bất ổn và bất an. Một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc có thể sẽ kéo dài và
tốn kém hơn nhiều so với cuộc chiến với Liên Xô, với kết cục không chắc chắn.
Mỹ nên dành thời gian để xem xét kỹ các giả định đằng
sau sự đồng thuận mới về Trung Quốc. Theo nghĩa rộng, sự đồng thuận đó là: thứ
nhất, sự can dự đã thất bại vì nó không ‘chuyển hóa sự phát triển bên trong và
hành vi bên ngoài của Trung Quốc’; thứ hai, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh
hiện là mối đe dọa đáng kể nhất đối với lợi ích của Mỹ và, mở rộng ra, đối với
trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ đã gầy dựng sau năm 1945; thứ ba, chính
sách đối đầu tích cực với Trung Quốc sẽ giúp đẩy lùi mối đe dọa tốt hơn là tiếp
tục cách tiếp cận trước đó.
Sự đồng thuận lưỡng đảng này ra đời để đáp lại những
thay đổi đáng kể và đáng lo ngại ở Trung Quốc. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình
lên làm lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc, quá trình tự do hóa kinh tế của Trung Quốc
đã chậm lại và cải cách chính trị - dù hạn chế - đã bị đảo ngược. Bắc Kinh bây
giờ kết hợp đàn áp chính trị với tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa vốn giống như
thời đại Mao Trạch Đông. Ở nước ngoài, Trung Quốc có tham vọng và quyết đoán.
Những thay đổi này là có thật và đáng lo ngại.
Can dự và phòng ngừa
Xác định phản ứng hiệu quả đòi hỏi phải bắt đầu từ
hiểu biết rõ ràng về chiến lược Trung Quốc của Mỹ cho đến thời điểm này. Điều
không thấy trong đồng thuận mới là trong gần năm thập kỷ kể từ khi Tổng thống
Hoa Kỳ Richard Nixon mở cửa cho Bắc Kinh, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc
chưa bao giờ hoàn toàn là can dự mà là sự kết hợp của can dự và răn đe. Vào cuối
những năm 1970, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã kết luận rằng việc gắn
kết Trung Quốc vào hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu sẽ tốt hơn là để họ
ngồi ngoài, tức tối và tìm cách cản trở. Nhưng Washington cũng đồng thời hỗ trợ
nhất quán cho các cường quốc châu Á khác, bao gồm, tất nhiên là tiếp tục bán vũ
khí cho Đài Loan. Cách tiếp cận đó, đôi khi được mô tả là một ‘chiến lược phòng
ngừa’, đảm bảo rằng khi Trung Quốc trỗi dậy, sức mạnh của nó sẽ được kiểm soát
và các nước láng giềng của Trung Quốc cảm thấy an toàn.
Vào những năm 1990, khi kẻ thù Liên Xô không còn nữa,
Ngũ Giác Đài đã cắt giảm chi tiêu, đóng cửa căn cứ và giảm quân số trên toàn thế
giới, ngoại trừ ở châu Á. Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương năm 1995 của Lầu
Năm Góc, còn được gọi là Sáng kiến Nye, đã cảnh báo về việc xây dựng quân đội
và tham vọng chính sách đối ngoại của Trung Quốc và tuyên bố rằng Mỹ sẽ không
giảm sự hiện diện quân sự trong khu vực. Thay vào đó, ít nhất 100.000 lính Mỹ sẽ
ở lại châu Á trong tương lai gần. Bán vũ khí cho Đài Loan sẽ tiếp tục vì hòa
bình ở Eo biển Đài Loan để răn đe Bắc Kinh đừng sử dụng vũ lực đối với hòn đảo
tự trị này.
Cách tiếp cận phòng ngừa này được duy trì bởi tổng
thống của cả hai đảng. Chính quyền George W. Bush đã đảo ngược chính sách phi đảng
phái của Mỹ trong hàng thập kỷ để công nhận Ấn Độ là cường quốc hạt nhân mà chủ
yếu là để thêm một chốt chặn khác về Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Barack
Obama, Hoa Kỳ đã tăng cường răn đe, mở rộng sự hiện diện ở châu Á với các thỏa
thuận quân sự mới với Úc và Nhật Bản và nuôi dưỡng mối quan hệ gần gũi hơn với
Việt Nam. Đó cũng là mục đích của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được
ra đời nhằm để tạo cho các nước châu Á một nền tảng kinh tế cho phép họ kháng cự
sự thống trị của Trung Quốc. Bản thân ông Obama đã đương đầu với ông Tập về vấn
đề không gian mạng và áp thuế nhập khẩu lốp xe Trung Quốc để trả đũa các chính
sách thương mại không công bằng của nước này.
Quốc gia có trách nhiệm?
Trung Quốc ngày nay là một quốc gia có trách nhiệm về
địa chính trị và quân sự. Họ đã không gây chiến kể từ năm 1979. Họ cũng không sử
dụng vũ lực gây chết chóc ở nước ngoài kể từ năm 1988. Bắc Kinh cũng không tài
trợ hoặc hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy vũ trang ở bất cứ đâu trên thế giới kể
từ đầu những năm 1980. Sự không can thiệp quân sự đó là kỷ lục duy nhất trong số
các đại cường. Tất cả các ủy viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp
Quốc đã sử dụng vũ lực nhiều lần ở nhiều nơi trong vài thập kỷ qua với Mỹ là nước
dẫn đầu.
Bắc Kinh đã đi từ nỗ lực làm suy yếu trật tự quốc tế
đến bỏ ra số tiền lớn để củng cố trật tự đó. Bắc Kinh hiện là nước đóng góp lớn
thứ hai cho Liên Hiệp Quốc và chương trình gìn giữ hòa bình của cơ quan này. Họ
đã triển khai 2.500 nhân viên gìn giữ hòa bình, nhiều hơn tất cả các thành viên
thường trực khác của Hội đồng Bảo an gộp lại. Từ năm 2000 cho đến 2018, Bắc
Kinh ủng hộ 182 trong số 190 nghị quyết của Hội đồng Bảo an áp đặt các biện
pháp trừng phạt đối với các quốc gia được coi là đã vi phạm luật pháp hoặc chuẩn
mực quốc tế.
Nếu ai đó đã dự đoán vào năm 1972 rằng Trung Quốc sẽ
trở thành người bảo vệ nguyên trạng quốc tế, ít ai có thể tin rằng nó sẽ xảy
ra.
Chơi xấu về kinh tế?
Sự đồng thuận mới về hành vi kinh tế của Trung Quốc
cho rằng nước này đã buộc các công ty đa quốc gia chuyển giao công nghệ của họ,
đã trợ cấp cho ‘công ty nhà nước hàng đầu’ và đã dựng lên các rào cản chính thức
và không chính thức để chặn đường các công ty nước ngoài đang tìm cách thâm nhập
thị trường Trung Quốc. Nói tóm lại, Bắc Kinh đã sử dụng nền kinh tế quốc tế mở
để củng cố hệ thống kinh tế đặt dưới sự quản lý Nhà nước của họ.
Đúng là những chính sách không công bằng này cần được
phần còn lại của thế giới chú ý và đáp trả. Chính quyền Trump xứng đáng được
khen ngợi vì đã giải quyết vấn đề này, đặc biệt là trong bối cảnh ông Tập củng
cố sự kiểm soát của Nhà nước sau nhiều thập kỷ tự do hóa. Và một lần nữa, Mỹ cần
phải phản ứng như thế nào mới là đúng?
Hầu hết các kinh tế gia đều đồng ý rằng Trung Quốc
thành công về kinh tế như vậy nhờ vào ba nhân tố cơ bản: chuyển đổi từ nền kinh
tế cộng sản sang cách tiếp cận mang tính thị trường hơn, tỷ lệ tiết kiệm cao
giúp họ có thể đầu tư vốn ào ạt và năng suất gia tăng. Trong ba thập kỷ qua, quốc
gia này cũng đã mở tiếp nhận đầu tư nước ngoài một cách đáng kể. Trung Quốc là
một trong chỉ hai quốc gia đang phát triển có mặt trong 25 thị trường hàng đầu
tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 1998. Trong nhóm BRICS các quốc
gia mới nổi lớn, Trung Quốc luôn được xếp hạng là nền kinh tế mở và cạnh tranh
nhất.
Điều đáng chú ý là hầu hết những cáo buộc nhằm vào
Trung Quốc ngày nay như ép buộc chuyển giao công nghệ, thương mại không công bằng,
hạn chế tiếp cận đối với các công ty nước ngoài, ưu ái về luật lệ cho các công
ty tong nước, cũng từng là những chỉ trích nhằm vào Nhật Bản trong những năm
1980 và 1990.
Vào thời điểm đó, cuốn sách có ảnh hưởng lớn của
Clyde Prestowitz với tựa đề: Đổi ngôi: ‘Làm thế nào nước Mỹ đầu hàng tương lai
cho Nhật Bản và làm thế nào để giành lại vị thế’ giải thích rằng nước Mỹ chưa
bao giờ tưởng tượng phải xử lý một quốc gia mà ‘công nghiệp và thương mại được
tổ chức như một phần của nỗ lực đạt được các mục tiêu quốc gia cụ thể.’ Khi
tăng trưởng của Nhật Bản giảm dần, những nỗi sợ hãi quá đà này cũng dần biến mất.
Trung Quốc ngày nay đặt ra một số thách thức mới, đặc
biệt là quyết tâm của ông Tập để nhà nước đóng vai trò hàng đầu trong việc giúp
nước này chiếm ưu thế kinh tế trong các lĩnh vực quan trọng. Nhưng lợi thế lớn
nhất của Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu không đến từ việc họ sẵn
sàng vi phạm các quy tắc mà từ quy mô quá lớn của nó. Các quốc gia và công ty
muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc phải sẵn sàng nhượng bộ để được tiếp cận.
Điều này cũng không có gì bất thường. Các quốc gia khác có sức mạnh tương tự
thường có cách làm tương tự hoặc thậm chí còn tệ hơn nữa mà cũng chẳng hề hấn
gì. Một báo cáo năm 2015 của Credit Suisse tổng kết một loạt các rào cản phi
thuế quan mà các nước lớn áp đặt trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2013 với
Mỹ gần như đứng một mình không nước nào bằng. Tiếp theo là Ấn Độ, sau đó là
Nga. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ năm với số lượng rào cản phi thuế quan chỉ bằng
một phần ba của Mỹ. Mọi thứ đã không thay đổi nhiều kể từ đó.
Hầu hết những thay đổi gần đây trong chính sách kinh
tế của Bắc Kinh đều tiêu cực, nhưng không phải toàn bộ đều là như vậy. Ngay cả
khi ông Tập thiết lập trở lại sự kiểm soát nhà nước chặt chẽ hơn, thị trường tự
do đã lớn mạnh trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Chính phủ hỗ trợ
nhiều hơn cho các doanh nghiệp nhà nước hơn so với vài năm trước đây, nhưng Bắc
Kinh đã từ bỏ chính sách vốn từng đóng vai trò trung tâm trong chiến lược
thương mại của họ: phá giá đồng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Kinh tế gia
Nicholas Lardy đã tính toán rằng việc chấm dứt cách làm này ‘chịu trách nhiệm đến
phân nửa trong đà suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng
tài chính toàn cầu’.
Theo ông Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của
Tổng thống Donald Trump, vấn đề số một trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc
là ‘hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ’. Việc Trung Quốc có hành vi đánh cắp tài
sản trí tuệ tràn lan là một thực tế được thừa nhận rộng rãi. Một khảo sát gần
đây Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung thực hiện cho thấy bảo vệ sở hữu trí tuệ đứng
thứ sáu trong danh sách các mối quan tâm cấp bách của các doanh nghiệp Mỹ hoạt
động ở Trung Quốc, giảm từ vị trí thứ hai năm 2014. Đó chính là năm mà Trung Quốc
đã thiết lập các tòa án chuyên môn đầu tiên để thụ lý các vụ án sở hữu trí tuệ.
Trong năm 2015, các nguyên đơn nước ngoài đã đưa 63 vụ ra Tòa án Sở hữu trí tuệ
Bắc Kinh và tòa đã phán phán quyết phần thắng cho các công ty nước ngoài trong
tất cả 63 vụ.
Tất nhiên, những cải cách như thế này thường chỉ được
thực hiện khi đối mặt với áp lực của phương Tây và, ngay cả khi đó, chúng phục
vụ lợi ích cạnh tranh của chính Trung Quốc -hãng xin bằng sáng chế lớn nhất thế
giới năm ngoái là hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei.
Cho Trung Quốc vai trò xứng đáng?
Còn về các diễn biến chính trị, mọi việc là không thể
nghi ngờ. Trung Quốc đã không mở cửa chính trị đến mức nhiều người mong đợi;
trên thực tế họ tiến tới đàn áp và kiểm soát chặt chẽ hơn. Sự đối xử tàn tệ của
Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã gây ra một cuộc khủng hoảng
nhân đạo. Nhà nước cũng đã bắt đầu sử dụng các công nghệ mới, như phần mềm nhận
dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo, để tạo ra một hệ thống kiểm soát xã hội
toàn diện. Tuy nhiên, sẽ là cường điệu khi cho rằng chúng là bằng chứng cho sự
thất bại của chính sách Mỹ. Trên thực tế, rất ít quan chức Mỹ từng lập luận rằng
việc can dự sẽ dẫn đến nền dân chủ tự do ở Trung Quốc. Họ chỉ hy vọng rằng nó sẽ
xảy ra, nhưng trọng tâm của họ luôn là điều chỉnh hành vi bên ngoài của Trung
Quốc, điều mà họ đã thành công.
Dưới thời ông Tập, chính sách đối ngoại của Trung Quốc
đã trở nên tham vọng và quyết đoán hơn, từ việc theo đuổi vai trò lãnh đạo tại
các cơ quan Liên Hợp Quốc đến Sáng kiến Vành đai và Con đường và bồi đắp đảo
nhân tạo ở Biển Đông. Những động thái này đánh dấu sự đoạn tuyệt với chính sách
trước đó của Bắc Kinh trên vũ đài quốc tế theo phương châm do cựu lãnh đạo Đặng
Tiểu Bình để lại là ‘Giấu mình chờ thời’. Đặc biệt, quân đội Trung Quốc được
xây dựng với quy mô và được thiết lập theo cách cho thấy họ đang thực hiện một
cách có hệ thống kế hoạch dài hạn. Nhưng đối với Mỹ mức độ ảnh hưởng của Trung
Quốc như thế nào là chấp nhận với trọng lượng kinh tế của họ trên thế giới? Nếu
trước tiên Washington không đặt ra câu hỏi này, họ không thể đưa ra những tuyên
bố nghiêm túc rằng Trung Quốc sử dụng quyền lực nào là vượt qua giới hạn. Trung
Quốc, theo một số tiêu chí, đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong vòng mười
đến 15 năm tới, nước này có thể sẽ chiếm được vị trí này tính theo tất cả các
tiêu chí. Ông Đặng đưa ra lời khuyên ‘giấu mình chờ thời’ khi nền kinh tế Trung
Quốc chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu. Ngày nay, nó chiếm hơn 15%. Trung Quốc thực
sự đã chờ đợi thời cơ của mình, và giờ đây, một Trung Quốc mạnh mẽ hơn tự nhiên
sẽ tìm kiếm vai trò lớn hơn ở khu vực và toàn cầu.
Hoa Kỳ vào năm 1823 là được xem là quốc gia đang
phát triển theo tiêu chuẩn bây giờ, thậm chí còn không nằm trong số năm nền
kinh tế hàng đầu thế giới, và với Học thuyết Monroe, nước này đã tuyên bố toàn
bộ bán cầu Tây là ‘không thể đụng đến’ đối với các cường quốc châu Âu. Trường hợp
của Mỹ là lời nhắc nhở rằng khi các nước có được sức mạnh kinh tế, họ tìm kiếm
sự kiểm soát và ảnh hưởng lớn hơn đối với không gian của họ. Nếu Washington xem
nỗ lực tương tự của Trung Quốc là nguy hiểm, thì nước Mỹ sẽ đi ngược lại sự vận
động tự nhiên của đời sống quốc tế và rơi vào ‘cái bẫy Thucydides’, tứcnguy cơ
chiến tranh giữa một cường quốc mới nổi và cường quốc hiện trạng.
Trung Quốc khó lòng là mối đe dọa mang tính sống còn
đối với trật tự quốc tế tự do. Đối với Mỹ, đối phó với một đối thủ như vậy là một
thách thức mới. Kể từ năm 1945, các quốc gia mới vươn lên trở thành phồn vinh
và có địa vị nổi bật đều là những đồng minh thân cận nhất của Washington như: Đức,
Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ lớn hơn nhiều so với các
nước đó mà nó còn nằm ngoài cấu trúc liên minh và phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.
Thách thức đối với Hoa Kỳ và phương Tây nói chung là xác định phạm vi có thể chấp
nhận được đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và thích nghi với nó.
Cho đến nay, phương Tây đã hành động rất kém để
thích nghi với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cả Hoa Kỳ và Châu Âu đều không muốn
để mất phần về tay Trung Quốc trong các định chế kinh tế toàn cầu cốt lõi như
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm
kiếm vai trò lớn hơn trong Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhưng Mỹ đã chống lại.
Kết quả là vào năm 2015, Bắc Kinh đã thành lập định chế tài chính đa phương của
riêng mình, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á vốn gặp phải sự phản đối của
Washington nhưng vô vọng. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã phát biểu một cách kẻ cả rằng
Mỹ và các đồng minh phải kiềm giữ Trung Quốc ở ‘nơi thích hợp của họ’. Tội lỗi
của Trung Quốc, theo ông Pompeo, là họ chi cho quân đội nhiều hơn cần thiết để
phòng thủ. Nhưng Mỹ, Pháp, Nga, Anh và hầu hết các nước lớn khác đều làm như vậy.
Trật tự thế giới cũ mà các nước châu Âu có trọng lượng
lớn trên trường quốc tế trong khi những quốc gia khổng lồ như Trung Quốc và Ấn
Độ bị loại khỏi hàng đầu của các tổ chức toàn cầu là không thể bền vững. Trung
Quốc sẽ phải được dành cho vị trí xứng đáng và thực sự được cơ cấu vào các cấu
trúc ra quyết định, nếu không họ sẽ tự hành động và đơn phương tạo ra các định
chế và trật tự mới của riêng mình. Sự vươn lên của Trung Quốc nắm lấy quyền lực
toàn cầu là nhân tố mới quan trọng nhất trong hệ thống quốc tế trong nhiều thế
kỷ.
Không đe dọa trật tự thế giới như Nga?
Đối với nhiều người, sự trỗi dậy của Bắc Kinh đã
gióng lên hồi chuông báo tử đối với trật tự quốc tế tự do được Mỹ thiết lập sau
Đệ nhị Thế chiến, vốn bao gồm hệ thống dựa trên luật pháp giúp giảm bớt nguy cơ
chiến tranh và tạo điều kiện cho giao thương và nhân quyền phát triển. Tính chất
chính trị của Trung Quốc, một nhà nước độc đảng vốn không dung thứ chống đối
hay bất đồng chính kiến và một số hành động của họ trên quốc tế khiến họ trở
thành một thành viên không thoải mái trong trật tự này. Tuy nhiên, cần nhớ rằng
trật tự quốc tế không bao giờ tự do, hoặc có trật tự thật sự. Bản thân nước Mỹ
cũng thường hành động bên ngoài các quy tắc của trật tự này chẳng hạn như họ
thường xuyên can thiệp quân sự có hoặc không có sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc;
trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1989, khi Mỹ được cho là đang xây dựng
trật tự quốc tế tự do, họ đã tìm cách thay đổi chế độ 72 lần trên toàn thế giới.
Mỹ cũng thực thi chủ nghĩa bảo hộ trong khi sỉ vả các biện pháp thương mại ôn
hòa hơn của các nước khác.
So với Nga, vốn tìm cách phá vỡ thế giới dân chủ
phương Tây và thường được hưởng lợi trực tiếp từ sự bất ổn vì nó làm tăng giá dầu
(nguồn thu nhập lớn nhất của Kremlin), Trung Quốc không có vai trò như vậy. Khi
họ thật sự bẻ cong các quy tắc và tham gia vào chiến tranh mạng, họ đánh cắp
các bí mật quân sự và kinh tế thay vì tìm cách phá hoại các cuộc bầu cử dân chủ
ở Hoa Kỳ hoặc Châu Âu. Bắc Kinh lo ngại bất đồng và chống đối và đặc biệt nhạy
cảm về Hong Kong và Đài Loan và sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để kiểm duyệt
các công ty phương Tây trừ khi họ đi theo đường lối của đảng. Nhưng Bắc Kinh
làm như vậy là để bảo vệ điều mà họ xem là chủ quyền chứ không giống như những
nỗ lực có hệ thống của Moscow nhằm phá hoại nền dân chủ phương Tây.
Sự trỗi dậy của một quốc gia độc đảng vốn bác bỏ các
khái niệm cốt lõi về nhân quyền là một thách thức. Các chính sách đàn áp của Bắc
Kinh đe dọa các yếu tố của trật tự quốc tế tự do, như nỗ lực hạ thấp các chuẩn
mực nhân quyền toàn cầu và hành xử của họ ở Biển Đông. Những vấn đề cần được
xem xét một cách trung thực. Trung Quốc rất muốn né tránh bị định danh các vi
phạm nhân quyền và nghị trình đó cần được vạch trần và chống lại. Tuy nhiên,
quyết định của chính quyền Trump rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lại
có tác dụng ngược bằng cách nhượng sân chơi lại cho Bắc Kinh.
Giả định cuối cùng trong sự đồng thuận mới là kiên
trì đối đầu với Trung Quốc sẽ ngăn hành động phiêu lưu của họ ở nước ngoài và tạo
tiền đề cho sự thay đổi bên trong. Tức là lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc
sẽ buộc nước này phải biết điều và thậm chí phải cải cách. Trung tâm của chiến
lược diều hâu này là quan niệm rằng kiềm chế Trung Quốc sẽ dẫn đến sự sụp đổ chế
độ, giống như đã xảy ra với Liên Xô.
Nhưng Trung Quốc không phải là Liên Xô, một đế chế
phi tự nhiên được xây dựng trên sự bành trướng tàn bạo và thống trị quân sự. Ở
Trung Quốc, Mỹ đối đầu với một nền văn minh, và một quốc gia, với ý thức đoàn kết
và niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ. Trung Quốc đang trở thành một đồng đẳng kinh tế
của Mỹ và thực sự là nước đi đầu về công nghệ trong một số lĩnh vực. Dân số của
họ gấp nhiều lần của Mỹ và là thị trường lớn nhất thế giới cho hầu hết mọi hàng
hóa trên thế giới. Nó có trữ lượng ngoại hối lớn nhất trên hành tinh.
Phụ thuộc lẫn nhau
Lầu Năm Góc đã đưa ra khái niệm Trung Quốc là ‘đối
thủ chiến lược’ hàng đầu. Nếu xem Trung Quốc là kẻ thù tức là nước Mỹ quay trở
lại thời đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, khi mà Lầu Năm Góc có thể tăng ngân
sách rất nhiều bằng cách thổi phồng bóng ma của một đối thủ với quân đội rủng rỉnh
tiền bạc, tân tiến với công nghệ mũi nhọn. Trong khi đó, khả năng răn đe hạt
nhân và sự thận trọng của các cường quốc đảm bảo rằng một cuộc chiến toàn diện
giữa hai bên sẽ không bao giờ xảy ra. Chi phí cho một cuộc chiến tranh lạnh như
vậy với Trung Quốc sẽ là vô cùng lớn, làm biến dạng nền kinh tế Mỹ.
Ngoài ra Mỹ và Trung Quốc còn có sự phụ thuộc lẫn
nhau. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 527% kể từ năm 2001 và trong năm
2018, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ. Hàng trăm ngàn sinh
viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ, cùng với gần năm triệu công dân Mỹ gốc
Hoa. Mỹ đã hưởng lợi rất nhiều từ việc là nơi tập trung những bộ óc thông minh
nhất để thực hiện nghiên cứu mũi nhọn nhất và sau đó áp dụng nó vào mục đích
thương mại. Nếu Mỹ cấm cửa những tài năng như vậy chỉ vì họ đến từ Trung Quốc,
Mỹ sẽ nhanh chóng mất vị thế đặc quyền trong thế giới công nghệ và sáng tạo.
Trong các vấn đề về công nghệ, chiến lược của chính
quyền Trump là cắt đứt với Trung Quốc và buộc phần còn lại của thế giới phải
làm theo, chẳng hạn trong lệnh cấm tập đoàn viễn thông Huawei. Tuy nhiên, phần
còn lại của thế giới không nghe theo vì Mỹ thiếu công nghệ thay thế để cạnh
tranh với các sản phẩm 5G của Huawei. Chính quyền Trump đã yêu cầu 61quốc gia cấm
cửa Huawei nhưng cho đến nay chỉ có ba nước tham gia và đều là đồng minh thân cận
của Mỹ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia ngoài Mỹ,
bao gồm các nước lớn ở Tây bán cầu, chẳng hạn như Brazil. Khi được hỏi họ sẽ phản
ứng thế nào về việc cắt đứt giữa Mỹ và Trung, các nhà lãnh đạo trên thế giới hầu
như đều đưa ra câu trả lời giống nhau là: ‘Đừng yêu cầu chúng tôi chọn giữa Hoa
Kỳ và Trung Quốc. Quý vị sẽ không thích câu trả lời đâu’. Hơn nữa, nếu Trung Quốc
bị cô lập thì họ sẽ xây dựng chuỗi cung ứng và công nghệ nội địa của riêng mình
và khi đó áp lực của Mỹ sẽ không làm gì được.
Trung Quốc cũng có thành phần cứng rắn như Mỹ. Những
người này đã cảnh báo trong nhiều năm rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
Lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đang khiến cho thành phần diều hâu này
chứng tỏ tầm ảnh hưởng của họ và từ đó cho họ đòn bẩy để thúc đẩy hành vi quyết
đoán và gây bất ổn – chính là điều mà Mỹ muốn tránh.
Vấn đề là liệu Mỹ có nên cạnh tranh trong khuôn khổ
quốc tế ổn định hay không và tiếp tục hội nhập Trung Quốc thay vì cố gắng cô lập
bằng mọi giá. Một trật tự quốc tế bị phá vỡ, bị rẽ đôi với những hạn chế nhằm
vào nahu và thuế vào thương mại, công nghệ và du lịch, sẽ dẫn đến sự giảm sút
thịnh vượng, bất ổn dai dẳng và nguy cơ xung đột quân sự trên toàn cầu.
Khó lòng soán ngôi Mỹ?
Nhận định của nhà báo Fareed Zakaria cũng giống như
ý kiến của ông Richard Heydarian, phó giáo sư chính trị học thuộc Đại học De La
Salle, Philippines, tại một buổi thảo luận bàn tròn mới đây ở Viện Hudson,
Washington D.C., với chủ đề ‘Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình
Dương’.
Vị giáo sư này nói rằng việc gìn giữ hòa bình và ổn
định ở châu Á-Thái Bình Dương ‘không phải là vấn đề đương đầu hay loại bỏ Trung
Quốc mà là đảm bảo chúng ta có thể xử lý sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng một
cách có thể chấp nhận được và có lợi ích cho cả hai bên’.
Ông dẫn lại nhận định của cố Thủ tướng Singapore Lý
Quang Diệu, người mà ông cho rằng ‘rất am hiểu về Trung Quốc, rằng ‘sự trỗi dậy
của Trung Quốc đột biến đến mức nó sẽ thay đổi bản thân trật tự thế giới chỉ vì
quy mô, tầm ảnh hưởng và tham vọng của Trung Quốc’.
“Chúng ta cảm thấy điều này rất rõ ở khu vực đông
nam Á,” ông nói. “Đây không chỉ là một cường quốc mới nổi khác mà chúng ta phải
tìm cách cân bằng mà là cường quốc thay đổi luật lệ của cuộc chơi.”
Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ và thế giới không nên quá
lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc vì theo ông lập luận, dù có trỗi dậy đi nữa,
Trung Quốc cũng khó lòng soán ngôi Mỹ.
“Rất nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng Trung Quốc
sắp vượt qua Mỹ vì quy mô GDP của họ quá lớn,” ông nói. “Nhưng sức mạnh của một
nước không chỉ đơn thuần là quy mô của nền kinh tế mà còn là tài nguyên, là nguồn
nhân lực, là mức sống và là khả năng có được công nghệ của nước đó.”
Ông đưa ra dẫn chứng là trong một lĩnh vực mũi nhọn
là công nghệ sinh học ‘Mỹ hiện đi trước Trung Quốc khá xa’.
“Nhiều người hoảng sợ vì Trung Quốc đang cho ra lò đến
một triệu khoa học gia mỗi năm. Nhưng vấn đề là chất lượng của các khoa học gia
này, họ có tỷ lệ trích dẫn và bài báo đăng trên các tạp chí ISI đến đâu,” ông
phân tích.
Một lý do nữa mà Trung Quốc khó lòng giành lấy vị
trí lãnh đạo thế giới của Mỹ là ‘người dân khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương
vẫn muốn Mỹ là nước lãnh đạo nhiều hơn Trung Quốc mặc dù đã có những nghi ngờ về
chính quyền Trump.
Ông cho biết về mặt chính thức lãnh đạo các nước
đông nam Á hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khôn khổ Ý tưởng
Vành đai-Con đường nhưng ‘trong hậu trường có rất nhiều nghi ngại từ phía các
chuyên gia và các quan chức chính phủ’.
Ông cũng chỉ ra rằng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ
tầng mà ông cho là tuyến đầu của cuộc cạnh tranh địa chính trị, ảnh hưởng của
Trung Quốc ở đông nam Á không lớn như nhiều người tưởng mà thật ra Nhật Bản mới
là người dẫn đầu.
“Nếu nhìn vào đông nam Á thì Nhật có nhiều dự án xây
dựng cơ sở hạ tầng hơn Trung Quốc,” ông nói và cho biết ở những nước có tranh
chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông như Việt Nam và Philippines, Nhật
Bản là nước dẫn đầu trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bỏ xa các nước khác.
Ông cho biết ở Việt Nam, Nhật hiện có 74 dự án cơ sở
hạ tầng so với chỉ 24 dự án của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment