Tại sao Mỹ không nên hoảng sợ về kẻ thách thức
mới nhất của mình
Dịch và chú giải: Một thân hữu của Viet-studies
11/12/2019
Vào tháng Hai 1947, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã hội ý với các cố vấn chính sách đối ngoại cao cấp nhất của ông ta, George Marshall và Dean Acheson, và một ít các nhà lãnh đạo quốc hội. Chủ đề là kế hoạch của chính quyền hỗ trợ chính phủ Hy Lạp trong cuộc chiến chống lại một cuộc nổi dậy của cộng sản. Marshall và Acheson đã trình bày lý lẽ của họ đối với kế hoạch ấy. Arthur Vandenberg, chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện, lắng nghe một cách kỹ lưỡng và sau đó đã đưa ra sự ủng hộ của mình kèm một lời cảnh báo. 'Cách duy nhất ngài sẽ có được những gì ngài muốn’, ông được kể là đã nói với tổng thống, 'là phát biểu và hù dọa cả nước’.
Trong vài tháng sau đó, Truman đã làm đúng điều ấy.
Ông ta đã biến cuộc nội chiến ở Hy Lạp thành một phép thử về khả năng của Mỹ đối
đầu với chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Khi ngẫm tới lời hùng biện mở rộng của
Truman về việc trợ giúp các nền dân chủ ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, Acheson
thú nhận trong hồi ký của mình rằng chính quyền đã đưa ra một lập luận 'còn rõ
hơn cả sự thật'.
Một cái gì đó tương tự thế đang xảy ra ngày nay
trong cuộc tranh luận của người Mỹ về Trung Quốc. Một sự đồng thuận mới, bao gồm
cả hai đảng, nhóm nắm quyền quân sự và các thành tố chính của truyền thông, cho
rằng Trung Quốc hiện là mối đe dọa sống còn đối với Mỹ cả về kinh tế lẫn chiến
lược, rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã thất bại, và Washington cần
một chiến lược mới, cứng rắn hơn nhiều để ngăn chặn nó. Sự đồng thuận này đã
làm dịch chuyển lập trường của công chúng về phía một sự thù địch gần như có
tính bản năng: theo thăm dò ý kiến, 60% người Mỹ hiện có quan điểm bất lợi về
nước Cộng hòa Nhân dân này, một mức cao kỷ lục kể từ khi Trung tâm nghiên cứu
Pew bắt đầu đặt câu hỏi đó vào năm 2005. Nhưng giới tinh hoa Washington đã làm
cho lý lẽ của họ 'còn rõ hơn cả sự thật'. Bản chất của thách thức từ Trung Quốc
khác xa và phức tạp hơn nhiều so với những gì đám gieo rắc hoang mang mới miêu
tả. Về vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nhất độc nhất vô nhị trong vài thập
kỷ tới đây, nước Mỹ đang tự sắp đặt cho mình một thất bại đắt giá.
Hãy nói cho rõ: Trung Quốc là một chế độ đàn áp sử dụng
các chính sách hoàn toàn hẹp hòi, từ việc cấm tự do ngôn luận đến giam giữ các
nhóm thiểu số tôn giáo. Trong năm năm qua, nó đã tăng cường kiểm soát chính trị
và tập trung quyền lực kinh tế trong nước. Ở nước ngoài, nó đã trở thành người
cạnh tranh và ở một số nơi thì là đối thủ của Mỹ. Nhưng câu hỏi chiến lược cốt
yếu cho người Mỹ ngày nay là liệu những thực tế này có khiến Trung Quốc trở
thành một mối đe dọa sống còn [với Mỹ] hay không, và tới mức mà các thực tế ấy
như thế, mối đe dọa đó nên được giải quyết như thế nào?
Các hậu quả của việc phóng đại mối đe dọa của Liên
Xô đã là rất lớn: những lạm dụng thô bạo trong nước trong thời kỳ McCarthy; một
cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân nguy hiểm; một cuộc chiến dài, vô ích và không
thành công ở Việt Nam; và vô số các can thiệp quân sự khác ở nhiều quốc gia được
gọi là Thế giới thứ ba. Các hậu quả của việc không nắm được cái thách thức
Trung Quốc ngay hôm nay sẽ còn lớn hơn. Mỹ có nguy cơ phung phí những lợi ích
đã giành được một cách khó nhọc từ bốn thập kỷ can dự với Trung Quốc, khuyến
khích Bắc Kinh áp dụng các chính sách đối đầu của riêng nó, và đưa hai nền kinh
tế lớn nhất thế giới vào một cuộc xung đột nguy hiểm với quy mô và phạm vi
không biết được mà nó sẽ gây ra nhiều thập kỷ bất ổn và không an toàn. Một cuộc
chiến tranh lạnh với Trung Quốc có thể sẽ kéo dài và tốn kém hơn nhiều so với
chiến tranh lạnh đối với Liên Xô, với một kết cục không chắc chắn.
Cam kết đứt quãng
Henry Kissinger đã lưu ý rằng Mỹ đã tham gia vào tất
cả các can dự quân sự lớn của mình kể từ năm 1945 - tại Hàn Quốc, Việt Nam,
Afghanistan và Iraq - với sự nhiệt tình và hỗ trợ lưỡng đảng to lớn. 'Và sau
đó, khi chiến tranh phát triển', Kissinger nói, 'sự hỗ trợ trong nước cho nó bắt
đầu tan rã'. Một cách mau chóng, mọi người đều đã tìm kiếm một chiến lược [để]
thoát ra.
Để tránh đi lại cái con đường đó, Mỹ nên dành thời
gian để xem xét kỹ các giả định đằng sau sự đồng thuận mới [về] Trung Quốc.
Theo nghĩa rộng, chúng là như sau. Thứ nhất, sự tham dự đã thất bại vì nó đã
không 'làm chuyển đổi được sự phát triển bên trong và hành vi bên ngoài của
Trung Quốc', như các cựu quan chức Mỹ Kurt Campbell và Ely Ratner đã viết trong
tạp chí này vào năm 2018. Thứ hai, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh hiện là mối
đe dọa đáng kể nhất đối với lợi ích của Mỹ, và bằng cách bành trướng, là mối đe
dọa quan trọng nhất tới trật tự quốc tế dựa trên quy tắc mà Mỹ tạo ra sau năm
1945. Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, đã đi còn xa hơn, khi nói trong một bài
phát biểu năm 2019 tại Viện Hudson rằng 'Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đảng
Marx-Lenin tập trung vào đấu tranh và thống trị quốc tế'. Và thứ ba, một chính
sách đối đầu chủ động với Trung Quốc sẽ chống lại mối đe dọa đó tốt hơn là một
sự tiếp tục cách tiếp cận trước đó.
Sự đồng thuận lưỡng đảng này đã hình thành để đáp lại
những thay đổi đáng kể và đáng lo ngại theo nhiều cách ở Trung Quốc. Kể từ khi
chủ tịch Tập Cận Bình trở thành người cầm quyền tối cao của đất nước, tự do hóa
kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại và cải cách chính trị của nó - trong mọi trường
hợp đều hạn chế - đã bị đảo ngược. Bắc Kinh giờ đây kết hợp sự đàn áp chính trị
với tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa tương tự như trong thời đại của Mao. Ở nước
ngoài, Trung Quốc đầy tham vọng và quyết đoán. Những thay đổi này là có thật và
đáng lo ngại. Nhưng chúng nên làm thay đổi chính sách của Mỹ như thế nào?
Thành hình nên một phản ứng hiệu quả thì đòi hỏi phải
bắt đầu với một sự hiểu biết rõ ràng về chiến lược [về] Trung Quốc của Mỹ cho tới
thời điểm này. Điều mà sự đồng thuận mới đang bỏ lỡ là trong gần 5 thập kỷ kể từ
việc mở cánh cửa vào Bắc Kinh của tổng thống Mỹ Richard Nixon, chính sách của Mỹ
đối với Trung Quốc chưa bao giờ đơn thuần là cam kết tham dự cả; nó đã là sự kết
hợp của tham dự và răn đe. Vào cuối những năm 1970, các nhà hoạch định chính
sách của Mỹ đã kết luận rằng việc tích hợp Trung Quốc vào hệ thống kinh tế và
chính trị toàn cầu tốt hơn là để nó ngồi ngoài, bực bội và quậy phá. Nhưng
Washington đã kết hợp nỗ lực đó với sự hỗ trợ nhất quán cho các quốc gia quyền
lực châu Á khác - bao gồm, tất nhiên, tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Cách tiếp
cận đó, đôi khi được mô tả như là một 'chiến lược phòng ngừa rủi ro', đảm bảo rằng
khi Trung Quốc trỗi dậy, sức mạnh của nó đã được kiểm tra và các nước láng giềng
của nó cảm thấy an toàn.
Trong những năm 1990, không còn kẻ thù Liên Xô nào để
mà ngăn chặn nữa, Lầu Năm Góc đã cắt giảm chi tiêu, đóng cửa các căn cứ và giảm
số quân trên khắp thế giới - ngoại trừ ở châu Á. Chiến lược châu Á-Thái Bình
Dương 1995 của Lầu Năm Góc, được gọi là Sáng kiến Nye, đã cảnh báo về các tham vọng chính sách đối ngoại và
xây dựng quân đội của Trung Quốc và tuyên bố rằng Mỹ sẽ không giảm sự hiện diện
quân sự tại khu vực này. Thay vào đó, ít nhất 100 ngàn lính Mỹ sẽ ở lại châu Á
trong tương lai gần. Việc bán vũ khí cho Đài Loan sẽ tiếp tục vì lợi ích hòa
bình ở eo biển Đài Loan - nghĩa là răn đe Bắc Kinh sử dụng vũ lực chống lại hòn
đảo tự trị ấy mà chính phủ đại lục coi là một phần của Trung Quốc.
Cách tiếp cận phòng ngừa rủi ro này được duy trì bởi
các tổng thống của cả hai đảng. Chính quyền George W. Bush đã lật ngược hàng thập
kỷ chính sách lưỡng đảng và ôm lấy Ấn Độ như một cường quốc hạt nhân, phần lớn
để thêm một kiểm tra khác về Trung Quốc. Dưới thời tổng thống Barack Obama, Mỹ
đã tăng cường răn đe, mở rộng dấu chân ở châu Á bằng các thỏa thuận quân sự mới
với Úc và Nhật Bản, và nuôi dưỡng mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam. Đó cũng
là mục đích của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được thiết kế để cung
cấp cho các nước châu Á một nền tảng kinh tế cho phép họ chống lại sự thống trị
của thị trường Trung Quốc. (Chính quyền Trump đã rút khỏi thỏa thuận đó vào đầu
năm 2017). Cá nhân Obama đã đối đầu với ông Tập về vấn đề không gian mạng của
Trung Quốc và áp thuế nhập khẩu lốp xe để trả đũa các chính sách thương mại
không công bằng của Trung Quốc.
Nói rằng [chiến lược] bảo hiểm rủi ro đã thất bại
thì toát lên tính thiếu quan điểm lịch sử. Đầu những năm 1970, trước khi Nixon
mở cánh cửa vào Trung Quốc, Bắc Kinh đã là chế độ đểu cáng vĩ đại nhất thế giới.
Mao Trạch Đông bị ám ảnh bởi ý tưởng rằng ông ta là người cầm lái một phong
trào cách mạng sẽ hủy diệt thế giới tư bản phương Tây. Đã chẳng có biện pháp
nào là quá cực đoan cho mục đích đó - kể cả sự hủy diệt hạt nhân cũng không loại
trừ. 'Trong trường hợp xấu nhất và nếu một nửa nhân loại đã chết', Mao giải
thích trong một bài phát biểu tại Moscow năm 1957, 'nửa còn lại sẽ còn lại
trong khi chủ nghĩa đế quốc sẽ bị san phẳng tới tận mặt đất và cả thế giới sẽ
trở thành xã hội chủ nghĩa'. Trung Quốc của Mao đã xúi bẩy và tài trợ cho các
cuộc nổi dậy chống phương Tây, các phong trào du kích và các phong trào tư tưởng
trên khắp thế giới, từ Mỹ Latinh đến Đông Nam Á. Theo một ước tính, Bắc Kinh đã
chi từ 170 triệu đến 220 triệu USD từ năm 1964 đến 1985 chỉ riêng ở Châu Phi,
đào tạo 20 ngàn chiến binh từ ít nhất 19 quốc gia.
Để so sánh, Trung Quốc ngày nay là một quốc gia có
trách nhiệm đáng kể trên mặt trận địa chính trị và quân sự. Nó đã không tham
chiến từ năm 1979. Nó đã không sử dụng lực lượng quân sự giết chóc ở nước ngoài
kể từ năm 1988. Nó cũng đã không tài trợ hoặc hỗ trợ cho các lực lượng ủy nhiệm
hay các cuộc nổi dậy vũ trang ở bất cứ đâu trên thế giới kể từ đầu những năm 1980.
Kỷ lục không can thiệp đó là độc nhất vô nhị trong số các cường quốc trên thế
giới. Tất cả các thành viên thường trực khác của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc
(LHQ) đều đã sử dụng vũ lực nhiều lần ở nhiều nơi trong vài thập kỷ qua - một
danh sách, tất nhiên, do Mỹ dẫn đầu.
Trung Quốc cũng đã đi từ chỗ tìm cách làm suy yếu hệ
thống quốc tế đến chi một khoản lớn để củng cố nó. Bắc Kinh hiện là nhà tài trợ
lớn thứ hai của LHQ và chương trình gìn giữ hòa bình của LHQ. Nó đã triển khai
2500 nhân viên gìn giữ hòa bình, nhiều hơn tất cả các thành viên thường trực
khác của Hội đồng bảo an cộng lại. Từ năm 2000 đến 2018, Trung Quốc đã ủng hộ
182 trong số 190 nghị quyết của Hội đồng bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt
đối với các quốc gia được coi là đã vi phạm các quy tắc hoặc chuẩn mực quốc tế.
Hẵng cứ cho là như thế này, các nguyên tắc neo giữ chính sách đối ngoại của Bắc
Kinh hiện nay - 'tôn trọng chủ quyền', 'toàn vẹn lãnh thổ', và 'không can thiệp'
- được cổ vũ phần lớn bởi một mong muốn chống lại sự can thiệp của phương Tây.
Tuy nhiên, chúng nhấn mạnh một sự chuyển dịch đáng chú ý từ một chương trình
nghị sự cách mạng cấp tiến sang một mối quan tâm bảo thủ về sự ổn định. Ai đó
đã dự đoán vào năm 1972 rằng Trung Quốc sẽ trở thành người bảo vệ nguyên trạng quốc
tế, song ít ai đã tin được điều đó là có thể.
Địa vị thương mại
Sự đồng thuận mới về hành vi kinh tế của Trung Quốc
thì cho rằng Trung Quốc đã buộc các công ty đa quốc gia chuyển giao công nghệ của
họ, đã trợ cấp cho 'các công ty thành công nhất của quốc gia' và đặt các rào cản
chính thức và không chính thức trên con đường các công ty nước ngoài tìm cách
thâm nhập thị trường Trung Quốc. Nói tóm lại, Bắc Kinh đã sử dụng nền kinh tế
quốc tế mở để củng cố hệ thống trung ương tập quyền và chủ nghĩa trọng thương của
riêng mình.
Đúng là những chính sách không công bằng này đòi hỏi
phải chú ý và hành động từ phần còn lại của thế giới. Chính quyền Trump xứng
đáng nhận được một sự tín nhiệm nhất định nào đó cho việc giải quyết vấn đề này
- đặc biệt là trong bối cảnh Tập đã ôm lấy [kinh tế] trung ương tập quyền sau
nhiều thập kỷ tự do hóa. Nhưng sự đảo ngược này lớn và lâu dài đến thế nào? Các
tập quán của Trung Quốc thì khác với các nước thị trường mới nổi khác hiện nay
ra sao? Và một lần nữa, phản ứng đúng của người Mỹ là gì?
Hầu hết tất cả các nhà kinh tế đều đồng ý rằng Trung
Quốc có được nhiều thành công kinh tế của mình nhờ ba yếu tố cơ bản: chuyển đổi
từ kinh tế học cộng sản sang cách tiếp cận dựa trên thị trường hơn, một tỷ lệ
tiết kiệm cao giúp đầu tư vốn lớn, và tăng năng suất. Trong ba thập kỷ qua, nước
này cũng đã mở cửa đáng kể cho đầu tư nước ngoài - nhiều hơn so với nhiều thị
trường mới nổi lớn khác - cho phép vốn đổ vào. Trung Quốc là một trong chỉ có
hai nước đang phát triển được xếp hạng trong 25 thị trường hàng đầu đối với đầu
tư trực tiếp nước ngoài kể từ năm 1998. Trong nhóm BRICS gồm các thị trường mới
nổi lớn (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Trung Quốc luôn được
xếp hạng là nền kinh tế mở và cạnh tranh nhất. Còn như tác động của các chính
sách trọng thương của Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ, cựu Bộ trưởng tài
chính Mỹ, Lawrence Summers, đã lưu ý rằng 'không thể tranh luận một cách nghiêm
túc rằng các thực tế thương mại không công bằng của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến
tăng trưởng của Mỹ thậm chí là 0,1% mỗi năm'.
Điều đáng chú ý là trên mặt trận kinh tế, hầu hết mọi
trách nhiệm đổ cho Trung Quốc ngày nay - chuyển giao công nghệ bắt buộc, thực
hành thương mại không công bằng, việc tiếp cận hạn chế đối dành cho các công ty
nước ngoài, thiên vị pháp lý cho các công ty địa phương - cũng đã được đổ cho
Nhật Bản trong những năm 1980s và 1990s. Vào thời điểm đó, cuốn sách đầy ảnh hưởng
'Địa vị thương mại: Nước Mỹ đang nhượng tương lai của mình lại cho Nhật Bản như
thế nào và Làm thế nào để giành lại nó' (Trading Places: How America Is
Surrendering Its Future to Japan and How to Win It Back) của Clyde Prestowitz
đã giải thích rằng Mỹ chưa bao giờ tưởng tượng ra được việc giao dịch với một
quốc gia mà 'công nghiệp và thương mại [có lẽ được] tổ chức như một phần của một
nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia cụ thể'. Một cuốn sách được đọc rộng
rãi khác của thời đại đó có tựa đề 'Cuộc chiến sắp tới với Nhật Bản'. Khi tăng
trưởng của Nhật Bản giảm dần, những nỗi sợ hãi thái quá này cũng vậy.
Trung Quốc hôm nay đặt ra một số thách thức mới, đặc
biệt là quyết tâm của Tập Cận Bình để nhà nước đóng vai trò hàng đầu trong việc
giúp nước này giành được địa vị thống trị về kinh tế trong các lĩnh vực quan trọng.
Nhưng trong lịch sử rộng lớn với nhiều điều ít được để ý, lợi thế lớn nhất của
Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu không đến từ việc họ sẵn sàng vi
phạm các quy tắc mà chỉ từ quy mô/kích cỡ của nó. Các quốc gia và công ty muốn
tiếp cận với Trung Quốc và sẵn sàng nhượng bộ để có được nó. Điều này hầu như
không làm cho Trung Quốc trở nên bất thường. Các quốc gia khác có ảnh hưởng
tương tự thường đi xa nữa với hành vi tương tự hoặc tệ hơn - không ai khác hơn
là chính Mỹ cũng vậy. Một báo cáo năm 2015 của gã khổng lồ về dịch vụ tài
chính, Credit Suisse, cung cấp một danh sách hữu ích về các rào cản chống lại
hàng hóa nước ngoài đã được các nước lớn đưa ra từ năm 1990 đến 2013. Với tổng
số gần 450 rào cản, Mỹ là một liên minh riêng mình. Tiếp theo là Ấn Độ, sau đó
là Nga. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 5, với chỉ một phần ba các rào cản phi thuế
quan được áp đặt so với Mỹ. Bức tranh đã không thay đổi mấy trong những năm kể
từ đó.
Hầu hết các thay đổi gần đây trong chính sách kinh tế
của Bắc Kinh đã là tiêu cực, nhưng thậm chí cái đó cũng vẫn chưa phải là toàn bộ
câu chuyện. Trung Quốc đang thay đổi theo một số đường lối, đôi khi mâu thuẫn
nhau. Ngay cả với việc quay trở lại sự kiểm soát nhà nước lớn hơn dưới thời Tập,
thì một thị trường tự do hoang dã cũng đã phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực
rộng lớn như hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ. Cũng đã có việc tự do hóa trong lập
quy thực sự nào đó - thậm chí là cải cách hành chính và tư pháp, như nhà khoa học
chính trị Yuen Yuen Ang[2] đã
nêu chi tiết. Sự hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước
lớn hơn so với vài năm trước, nhưng Bắc Kinh đã từ bỏ cái một thời đã từng là một
phần trung tâm của chiến lược trọng thương của mình: sử dụng một đồng tiền được
[có chủ ý] định giá thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Nhà kinh tế học Nicholas
Lardy[3] đã
tính toán rằng sự kết thúc của chủ nghĩa trọng thương tiền tệ chiếm 'khoảng một
nửa sự chậm lại tăng trưởng của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính
toàn cầu'.
Hoặc xem đó là cái gì, cái nói theo Peter Navarro, cố
vấn thương mại hàng đầu của tổng thống Mỹ Donald Trump, vấn đề số một trong
tranh chấp thương mại của Mỹ với Trung Quốc: 'hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ
của chúng ta'. Việc Trung Quốc tham gia vào chuyện trộm cắp tràn lan sở hữu trí
tuệ là một thực tế được chấp nhận rộng rãi - ngoại trừ trong số các công ty Mỹ
đang kinh doanh tại Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát gần đây về các công ty
như vậy do Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung (U.S.-China Business Council) thực hiện,
bảo vệ sở hữu trí tuệ đứng thứ 6 trong danh sách các mối quan tâm cấp bách, đã
giảm xuống từ vị trí thứ 2 trong năm 2014. Các công ty này lo ngại nhiều hơn về
tài trợ của nhà nước cho các công ty đối thủ và việc trì hoãn phê duyệt giấy
phép cho sản phẩm của họ. Tại sao sự thay đổi này lại từ năm 2014? Năm đó,
Trung Quốc đã tạo ra các tòa án chuyên ngành đầu tiên để xử lý các vụ án sở hữu
trí tuệ. Năm 2015, các nguyên đơn nước ngoài đã đưa 63 vụ ra Tòa án Sở hữu trí
tuệ Bắc Kinh. Tòa án đã phán quyết cho các công ty nước ngoài thắng kiện trong
tất cả 63 vụ.
Tất nhiên, những cải cách như thế này thường chỉ được
thực hiện khi đối mặt với áp lực của phương Tây và, mặc dù thế, bởi vì chúng phục
vụ lợi ích cạnh tranh của chính Trung Quốc - công ty nộp đơn xin cấp bằng sáng
chế lớn nhất trên toàn thế giới năm ngoái là gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc
Huawei. Nhưng cũng đúng là nhiều nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách cấp
cao của Trung Quốc đã lập luận rằng nước này sẽ hiện đại hóa và phát triển kinh
tế chỉ khi nó theo đuổi cải cách hơn nữa. Không làm thế, họ đã cảnh báo, sẽ khiến
đất nước bị mắc kẹt trong 'bẫy thu nhập trung bình' - số phận chung của các quốc
gia thoát nghèo nhưng vấp phải bức tường với mức GDP khoảng 10 ngàn USD trên đầu
người, đã thất bại trong việc hiện đại hóa nền kinh tế, hệ thống pháp quy và
pháp lý của họ hơn nữa.
Chừng nào sự phát triển chính trị của Trung Quốc còn
đáng quan ngại, phán quyết này vẫn còn không rõ ràng. Trung Quốc đã không mở cửa
chính trị của mình đến mức như nhiều người đã dự đoán; trong thực tế nó đã tiến
tới sự đàn áp và kiểm soát lớn hơn. Đối xử tồi tệ của Bắc Kinh với người Duy
Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một khu vực ở tây bắc Trung Quốc, đã tạo ra một cuộc khủng
hoảng nhân quyền. Nhà nước cũng đã bắt đầu sử dụng các công nghệ mới, như phần
mềm nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo, để tạo ra một hệ thống kiểm soát
xã hội kiểu Orwell[4].
Những thực tế này là một thảm kịch đối với người dân Trung Quốc và là một trở
ngại cho đất nước tham gia lãnh đạo toàn cầu. Tuy nhiên, sẽ là một sự cường điệu
khi thêm chúng vào làm bằng chứng cho sự thất bại của chính sách của Mỹ. Trong
thực tế, rất ít quan chức Mỹ từng lập luận rằng sự tham dự sẽ dẫn một cách
không thể lay chuyển nổi tới nền dân chủ tự do ở Trung Quốc. Họ hy vọng rằng nó
sẽ diễn ra như vậy, thậm chí mong đợi điều ấy, nhưng trọng tâm của họ luôn đặt
vào việc tiết chế hành vi bên ngoài của Trung Quốc, điều mà họ đã đạt được.
Băng qua lằn ranh
Dưới thời Tập, chính sách đối ngoại của Trung Quốc
đã trở nên tham vọng và quyết đoán hơn, từ việc theo đuổi vai trò lãnh đạo của
nó trong các cơ quan của LHQ cho tới Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, Belt
and Road Initiative) mênh mông và việc xây dựng các
hòn đảo ở Biển Đông. Những động thái này đánh dấu một bước đột phá đối với sự
thụ động xưa của đất nước trên trường quốc tế, bị kìm giữ bởi câu ngạn ngữ của
nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây là Đặng Tiểu Bình 'Giấu sức mạnh, chờ thời'[5].
Đặc biệt, việc xây dựng quân đội của Trung Quốc là quy mô và được thiết kế theo
cách gợi ý rằng một kế hoạch dài hạn đang được thực hiện một cách có hệ thống.
Nhưng mức độ ảnh hưởng chấp nhận được đối với Trung Quốc sẽ là gì, với trọng lượng
kinh tế của nó trên thế giới? Nếu Washington không đặt câu hỏi này trước tiên,
họ không thể đưa ra những tuyên bố nghiêm túc về những việc sử dụng quyền lực
nào của Trung Quốc là vượt qua lằn ranh.
Trung Quốc, theo một số thước đo, đã là nền kinh tế
lớn nhất thế giới. Trong vòng 10 đến 15 năm nữa, nó có thể sẽ chiếm vị trí này
theo mọi thước đo. Đặng đã đưa ra lời khuyên của mình 'chờ thời' đến khi nền
kinh tế của đất nước chiếm khoảng 1% GDP toàn cầu. Ngày nay, nó đang đại diện
cho hơn 15%. Trung Quốc thực sự đã chờ đợi đến thời của mình, và giờ đây, một
Trung Quốc mạnh mẽ hơn nhiều một cách tự nhiên sẽ tìm kiếm một vai trò khu vực
và toàn cầu lớn hơn.
Hãy xem trường hợp của một quốc gia khác đang trỗi dậy
mạnh mẽ, điều này trở lại vào thế kỷ XIX, mặc dù không gần như trên quy mô của
Trung Quốc ngày nay. Mỹ vào năm 1823 đã là nước mà bây giờ gọi là một quốc gia
đang phát triển - thậm chí không nằm trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới -
ấy vậy mà với Học thuyết Monroe, nó đã tuyên bố yêu sách toàn bộ bán cầu Tây cấm
không được bén mảng đối với các cường quốc ở châu Âu. Trường hợp của Mỹ là một
sự tương tự không hoàn hảo, nhưng nó như một lời nhắc nhở rằng khi các nước có
được sức mạnh kinh tế, chúng sẽ tìm kiếm sự kiểm soát và ảnh hưởng lớn hơn đối
với môi trường của mình. Nếu Washington xác định mọi nỗ lực như vậy của Trung
Quốc là nguy hiểm, thì nó sẽ khiến Mỹ chống lại các động lực tự nhiên của đời sống
quốc tế và rơi vào cái mà học giả Graham Allison đã gọi là 'cái bẫy Thucydides'[6] -
nguy cơ của một cuộc chiến giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một nước bá chủ
lo lắng.
Đối với Mỹ, đối phó với một đối thủ cạnh tranh như vậy
là một thách thức mới và độc nhất vô nhị. Kể từ năm 1945, các quốc gia lớn vươn
lên giàu có và nổi bật đều là những đồng minh thân cận nhất của Washington, nếu
không phải là những nước gần như là được bảo hộ: Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một
đặc tính thường gây rối trong cuộc sống quốc tế - các cường quốc mới đang trỗi
dậy - do đó đều cực kỳ lành tính đối với Mỹ. Tuy vậy, Trung Quốc không chỉ lớn
hơn nhiều so với các cường quốc đang trỗi dậy trước đó; nó cũng luôn nằm ngoài
cấu trúc liên minh và phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Kết quả là, nó chắc chắn sẽ tìm
kiếm một phạm vi ảnh hưởng độc lập lớn hơn. Thách thức đối với Mỹ, và phương
Tây nói chung, sẽ là xác định phạm vi có thể chấp nhận được đối với ảnh hưởng
ngày càng tăng của Trung Quốc và thích ứng với nó - để có được sự tín nhiệm khi
các hành động của Bắc Kinh vượt qua lằn ranh.
Cho đến nay, hồ sơ theo dõi của phương Tây về việc
thích nghi với sự trỗi dậy của Trung Quốc rất kém. Thí dụ, cả Mỹ và Châu Âu đều
miễn cưỡng nhượng lại bất kỳ mảnh đất nào cho Trung Quốc trong các thể chế cốt
lõi quản trị kinh tế toàn cầu, Ngân hàng thế giới WB (World Bank) và Quỹ tiền tệ
quốc tế IMF (International Monetary Fund), vẫn là các câu lạc bộ Âu-Mỹ. Trong
nhiều năm, Trung Quốc đã tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong Ngân hàng phát triển
Châu Á ADB (Asian Development Bank), nhưng Mỹ đã chống lại. Kết quả là vào năm
2015, Bắc Kinh đã thành lập tổ chức tài chính đa phương của riêng mình, Ngân
hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank)
(mà Washington chống lại song không có kết quả).
Pompeo đã khẳng định - trong một tuyên bố kiểu bề
trên mà chắc chắn sẽ chọc giận bất cứ công dân Trung Quốc nào - rằng Mỹ và các
đồng minh phải giữ Trung Quốc ở 'đúng chỗ của nó'. Tội lỗi của Trung Quốc, theo
Pompeo, là họ chi nhiều cho quân đội hơn mức cần thiết cho quốc phòng của mình.
Nhưng điều tương tự vậy, tất nhiên, cũng có thể nói về Mỹ - và của Pháp, Nga,
Vương quốc Anh và hầu hết các nước lớn khác. Trong thực tế, một định nghĩa hữu
ích về một cường quốc là một nước có liên quan tới nhiều hơn là chỉ liên quan tới
an ninh riêng của mình.
Trật tự cũ - trong đó các nước châu Âu nhỏ đóng vai
trò những đối thủ nặng ký toàn cầu trong khi những con hà mã to vật như Trung
Quốc và Ấn Độ lại bị loại khỏi những thứ hạng hàng đầu của các tổ chức toàn cầu
- không thể duy trì được nữa. Trung Quốc sẽ phải được dành một vị trí bên bàn
và phải được tích hợp một cách thành thật vào các cấu trúc ra quyết định, hoặc
họ sẽ tự do và đơn phương tạo ra các cấu trúc và các hệ thống mới của riêng
mình. Sự thăng tiến của Trung Quốc tới quyền lực toàn cầu là yếu tố mới quan trọng
nhất trong hệ thống quốc tế trong nhiều thế kỷ. Nó phải được công nhận như vậy.
Không tự do, chẳng quốc tế lẫn chả có trật tự
Đối với nhiều người, sự trỗi dậy của Bắc Kinh đã báo
hiệu về hồi chuông báo tử của trật tự quốc tế tự do - tập hợp các chính sách và
các định chế, được rèn dập phần lớn bởi Mỹ sau Thế chiến thứ II, tạo nên tổng
thể một hệ thống dựa trên luật lệ, trong đó chiến tranh giữa các nước đã mất dần
tầm quan trọng trong khi thương mại tự do và nhân quyền đã phát triển mạnh mẽ.
Đặc điểm chính trị trong nước của Trung Quốc - một quốc gia độc đảng không cho
phép sự phản đối hay bất đồng chính kiến - và một số hành động quốc tế của nó khiến nó trở thành một người chơi không
dễ dàng gì trong hệ thống này.
Tuy nhiên, đáng ghi nhớ là trật tự quốc tế tự do
chưa bao giờ là tự do, quốc tế, hay có trật tự như bây giờ vẫn được mô tả một
cách luyến tiếc cả. Ngay từ đầu, nó đã vấp phải sự khăng khăng phản đối từ Liên
Xô, tiếp theo sau là một loạt các đổ vỡ trong hợp tác giữa các đồng minh (qua
cuộc khủng hoảng Suez năm 1956, qua Việt Nam một thập kỷ sau) và sự đào ngũ phần
nào đó của Mỹ dưới thời Nixon, người vào năm 1971 đã chấm dứt thực tiễn bảo
lãnh của Washington đối với trật tự tiền tệ quốc tế bằng việc sử dụng dự trữ
vàng của Mỹ. Một hình ảnh thực tế hơn là một trật tự quốc tế tự do non trẻ, đã
hư hỏng từ đầu bởi những ngoại lệ, sự bất hòa và tính mong manh. Nước Mỹ, về phần
mình, lại thường hành động ra ngoài các quy tắc của trật tự này, khi thực hiện
các can thiệp quân sự thường xuyên có hoặc không có sự chấp thuận của LHQ;
trong những năm từ 1947 đến 1989, khi Mỹ được cho là đang xây dựng trật tự quốc
tế tự do, nó đã cố gắng thay đổi chế độ 72 lần trên khắp thế giới. Nó bảo lưu
quyền hành giống như vậy trong lĩnh vực kinh tế, tham gia vào chủ nghĩa bảo hộ
ngay cả khi nó chống lại các biện pháp khiêm tốn hơn được áp dụng bởi các quốc
gia khác.
Sự thật về trật tự quốc tế tự do, như với tất cả các
khái niệm như vậy, là chưa từng bao giờ thực sự có một thời kỳ hoàng kim, nhưng
cũng không có thứ trật tự bị phân rã quá như nhiều người tuyên bố. Các thuộc
tính cốt lõi của trật tự này - hòa bình và ổn định - vẫn còn tồn tại, với sự
suy giảm rõ rệt do chiến tranh và thôn tính kể từ năm 1945. (Hành vi của Nga ở
Ucraina là một ngoại lệ quan trọng). Về mặt kinh tế, đó là một thế giới thương
mại tự do. Thuế quan trung bình giữa các nước đã công nghiệp hóa là dưới 3%, giảm
từ 15% trước Vòng đàm phán thương mại quốc tế Kennedy trong thập niên 1960. Thập
kỷ vừa qua đã chứng kiến sự thụt lùi về một số độ đo mức
toàn cầu hóa nhưng từ mức cơ bản cực kỳ cao. Toàn cầu hóa từ năm 1990 có thể được
mô tả là đã tiến lên ba bước và chỉ lùi một bước.
Trung Quốc hầu như không đủ điều kiện là một mối
nguy hiểm chết người đối với trật tự không hoàn hảo này. Hãy so sánh hành động
của nó với Nga - một quốc gia mà trong nhiều đấu trường chỉ đơn giản là kẻ phá
hoại, cố gắng phá vỡ thế giới dân chủ phương Tây và các mục tiêu quốc tế của
nó, thường được hưởng lợi trực tiếp từ sự bất ổn do nó tăng giá dầu (nguồn tài
sản lớn nhất của Kremlin). Trung Quốc không có vai trò như vậy. Khi nó bẻ cong
các quy tắc và, thí dụ như, tham gia vào chiến tranh mạng, thì nó đánh cắp các
bí mật quân sự và kinh tế thay vì cố gắng phá hoại tính hợp pháp của các cuộc bầu
cử dân chủ ở Mỹ hoặc Châu Âu. Bắc Kinh lo ngại sự bất đồng quan điểm và sự phản
đối và đặc biệt đau thần kinh với các vấn đề của Hongkong và Đài Loan, sử dụng ảnh
hưởng kinh tế của mình để kiểm duyệt các công ty phương Tây trừ khi họ theo
đúng đường lối của đảng. Nhưng đây là những nỗ lực để bảo tồn những gì Bắc Kinh
coi là chủ quyền của mình - không có gì giống như Moscow, những nỗ lực có hệ thống
nhằm gây trở ngại và phá vỡ nền dân chủ phương Tây ở Canada, Mỹ và Châu Âu. Nói
tóm lại, Trung Quốc đã hành động theo các cách can thiệp, trọng thương và đơn
phương - nhưng thường ít hơn rất nhiều so với các cường quốc khác.
Sự trỗi dậy của một nhà nước độc đảng mà nó tiếp tục
bác bỏ các khái niệm cốt lõi về quyền con người thì thể hiện một thách thức. Ở một
số khu vực nhất định, các chính sách đàn áp của Bắc Kinh đã đe dọa các thành tố
của trật tự quốc tế tự do, như thể các nỗ lực của nó nhằm làm suy yếu các tiêu
chuẩn nhân quyền toàn cầu cũng như hành vi của nó ở Biển Đông và các phần 'nước
ngoài gần' khác của nó. Những trường hợp đó cần được kiểm tra một cách trung thực.
Đối với vấn đề đầu, chẳng mấy điều có thể nói được để giảm nhẹ trách nhiệm.
Trung Quốc thì rất muốn né tránh/thoát khỏi [vấn đề về] các hành vi vi phạm
nhân quyền nghiêm trọng của mình, và chương trình nghị sự đó cần được phơi bày
và chống lại. (Quyết định của chính quyền Trump rút khỏi Hội đồng nhân quyền
LHQ đã đạt được điều hoàn toàn ngược lại bằng cách nhượng lại lĩnh vực này cho
Bắc Kinh).
Nhưng trật tự quốc tế tự do đã có thể thích ứng với
nhiều chế độ khác nhau - từ Nigeria tới Saudi Arabia cho đến Việt Nam - và vẫn
cung cấp một khung khổ dựa trên các quy tắc mà chúng khuyến khích hòa bình, ổn
định và ứng xử văn minh giữa các quốc gia. Quy mô và các chính sách của Trung
Quốc đặt ra một thách thức mới đối với việc mở rộng quyền con người chủ yếu đã
diễn ra từ năm 1990. Nhưng chuyện một lĩnh vực thoái trào tiềm năng thì không
nên được xem là mối đe dọa chết người đối với công cuộc lớn hơn nhiều của một hệ
thống quốc tế thương mại tự do, dựa trên quy tắc và rộng mở.
Chính sách ngăn chặn và các phí tổn
Giả định cuối cùng ủng hộ sự đồng thuận mới là chuyện
một hình thức đối đầu dai dẳng nào đó với Trung Quốc sẽ răn đe được chủ nghĩa
phiêu lưu của nó ra nước ngoài và tạo tiền đề cho một sự chuyển đổi trong nội bộ.
Rất ít người hào hứng chấp nhận thuật ngữ 'ngăn chặn' của thời chiến tranh lạnh,
nhưng nhiều người chấp nhận một phiên bản logic nào đó của nó. Lý thuyết là một
đường lối cứng rắn chống lại Trung Quốc sẽ buộc nước này phải cư xử đàng hoàng
và thậm chí cải cách. Không nói ra nhưng rõ ràng trung tâm của chiến lược diều
hâu ấy là ý niệm rằng ngăn chặn Trung Quốc sẽ sớm làm sụp đổ chế độ của nó, giống
như đã xảy ra với Liên Xô.
Nhưng Trung Quốc không phải là Liên Xô, một đế chế bất
tự nhiên được xây dựng dựa trên sự bành trướng thô bạo và thống trị quân sự. Với
Trung Quốc, Mỹ sẽ đối đầu với một nền văn minh, và một quốc gia, với ý thức mạnh
mẽ về sự đoàn kết và niềm tự hào dân tộc đã vươn lên để giành lấy vị trí trong
số các cường quốc của thế giới. Trung Quốc đang trở thành một quốc gia ngang
hàng về kinh tế, thực sự là một nhà lãnh đạo công nghệ trong một số lĩnh vực.
Dân số của nó làm cho dân số Mỹ thành nhỏ bé và thị trường lớn nhất thế giới
cho hầu hết mọi hàng hóa thì hiện đang nằm ở Trung Quốc. Nó sở hữu một số máy
tính nhanh nhất hành tinh và nắm giữ lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất trên trái
đất. Ngay cả khi nó trải qua một số loại thay đổi chế độ, các đặc điểm rộng lớn
hơn về sự trỗi dậy và sức mạnh của nó sẽ vẫn cứ tồn tại.
Lầu năm góc đã ôm lấy ý niệm Trung Quốc là 'đối thủ
cạnh tranh chiến lược' hàng đầu của Mỹ. Từ một quan điểm quan liêu, chỉ định
này có ý nghĩa hoàn hảo. Trong 20 năm qua, quân đội Mỹ đã chiến đấu chống lại
các cuộc nổi dậy và du kích ở các quốc gia yếu ớt, và hết lần này đến lần khác
phải giải thích tại sao bộ máy đắt tiền của nó đã thất bại trước những kẻ thù
thiếu tiền bạc, được trang bị kém này. Ngược lại, để làm kẻ thù của Trung Quốc
là quay trở lại những tháng ngày hoàng kim của chiến tranh lạnh, khi Lầu năm
góc có thể tăng ngân sách thật lớn bằng cách gợi lên bóng ma của một cuộc chiến
tranh chống lại một quân đội giàu có, hiện đại với công nghệ tiên tiến của
riêng mình. Suốt thời gian ấy, logic của răn đe hạt nhân và sự thận trọng của
các cường quốc đã đảm bảo rằng một cuộc chiến tổng lực giữa hai bên sẽ không
bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, bất kể lợi thế thế nào về ngân sách của Lầu Năm Góc,
chi phí cho một cuộc chiến tranh lạnh như vậy với Trung Quốc sẽ là vô cùng lớn,
làm biến dạng nền kinh tế Mỹ và làm phình thêm tổ hợp công nghiệp-quân sự[7] mà
tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower từng cảnh báo chống lại.
Hãy thêm vào đó là mức độ phụ thuộc lẫn nhau lớn giữa
Mỹ và Trung Quốc. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng 527% kể từ năm 2001 và
vào năm 2018, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ. Cũng còn có
sự phụ thuộc lẫn nhau của con người - hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc học tập
tại Mỹ, cùng với gần năm triệu công dân và người định cư Mỹ gốc Hoa. Mỹ đã được
hưởng lợi rất nhiều từ việc là nơi tập trung những bộ óc thông minh nhất để thực
hiện nghiên cứu tiên tiến nhất rồi sau đó áp dụng nó vào mục đích thương mại. Nếu
Mỹ cấm các cửa người tài năng như vậy vì tài năng đó đi với hộ chiếu không hợp
lệ, nó sẽ nhanh chóng mất vị trí đặc quyền trong thế giới công nghệ và đổi mới.
Cách tiếp cận hiện nay với Trung Quốc của chính quyền
Trump, chạy dọc theo hai đường riêng biệt và mâu thuẫn, cùng một lúc tránh sự
phụ thuộc lẫn nhau lẫn đi theo nó. Về thương mại, mục tiêu của Washington nói rộng
ra là hội nhập: để Trung Quốc mua thêm từ Mỹ, đầu tư nhiều hơn vào Mỹ và cho
phép người Mỹ bán và đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc. Nếu thành công, nỗ lực
này sẽ tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn giữa hai nước. Đó là một nỗ lực
đáng khen ngợi, mặc dù té ra là thuế quan thường gây phí tổn cho bên áp đặt thuế
nhiều hơn bên người bị áp thuế. Theo một số ước tính, thuế quan lốp xe của
chính quyền Obama làm tốn khoảng 1 triệu USD cho mỗi việc làm mà Mỹ tiết kiệm
được. Cách tiếp cận tổng thể, tuy vậy, là khôn ngoan, ngay cả khi được thực hiện
nhằm theo đuổi chương trình nghị sự 'nước Mỹ trên hết', vì sự phụ thuộc lẫn
nhau mang lại cho Mỹ đòn bẩy lớn hơn đối với Trung Quốc.
Trong các vấn đề về công nghệ, mặt khác, cách tiếp cận
của chính quyền Trump là nhất quyết phân rã. Chiến lược ở đây là cắt đứt quan hệ
với Trung Quốc và buộc phần còn lại của thế giới phải làm điều tương tự - tạo
ra một thế giới bị chia cắt giữa hai phe. Chiến dịch toàn cầu của chính quyền
Trump chống lại Huawei đã tuân theo logic này; kết quảnghèo nàni của chiến dịch
đó cho thấy các lỗ hổng logic. Phần còn lại của thế giới không đi theo sự dẫn dắt
của Mỹ (mà nó thiếu công nghệ thay thế để cạnh tranh với các chào mời 5G của
Huawei). Chính quyền Trump đã yêu cầu 61 quốc gia cấm công ty ấy. Cho đến nay,
chỉ có ba nước tham gia, cả ba nước trong số đó đều là đồng minh của Mỹ.
Tỷ lệ thành công ảm đạm này là một dấu hiệu chỉ báo
sớm cho thấy chiến lược 'tách rời nhau' rộng hơn sẽ ra như thế nào. Trung Quốc
là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia ngoài Mỹ, bao gồm nhiều người
chơi chủ chốt ở Tây bán cầu, chẳng hạn như Brazil. Khi được hỏi họ sẽ phản ứng
thế nào với việc tách rời [giữa Mỹ và Trung Quốc], các nhà lãnh đạo cấp cao
trên toàn thế giới hầu như đều đưa ra một phiên bản nào đó của câu trả lời mà một
người đứng đầu chính phủ đã đưa ra cho tôi: 'Xin đừng yêu cầu chúng tôi phải chọn
giữa Mỹ và Trung Quốc. Bạn sẽ không thích câu trả lời bạn nhận được đâu'. Điều
này không có nghĩa là họ nhất thiết phải đứng về phía Trung Quốc - nhưng họ có
thể thích ở lại không vào phe nào, hoặc chơi ván bài hai cường quốc đó chống lại
nhau. Còn hơn thế, một Trung Quốc bị cô lập mà nó sẽ xây dựng chuỗi cung ứng và
công nghệ nội địa của riêng mình thì sẽ không bị áp lực bởi Mỹ nữa.
Sự vắng mặt kỳ lạ trong hầu hết các cuộc thảo luận về
chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc. Bắc
Kinh cũng vậy, có những người tạo lập đường lối cứng rắn, những người đã cảnh
báo trong suốt nhiều năm rằng Mỹ tìm cách giữ cho Trung Quốc yếu và rằng bất kỳ
dấu hiệu tham vọng nào của Trung Quốc cũng sẽ gặp phải một chiến lược ngăn chặn.
Còn hơn thế nhiều nữa, thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc đang cho phép những tiếng
nói đó đòi phải được minh oan, từ đó cho họ đòn bẩy để thúc đẩy chính loại hành
vi quyết đoán và gây bất ổn mà chính sách của Mỹ nhắm tới ngăn ngừa.
Mỹ đang trong cuộc đua tranh với Trung Quốc - đó là
một thực tế và sẽ vẫn như vậy trong phần lớn thế kỷ này. Vấn đề là liệu Mỹ có
nên cạnh tranh trong khuôn khổ quốc tế ổn định hay không, tiếp tục cố gắng hội
nhập Trung Quốc [với thế giới hay không] thay vì cố gắng cô lập nó bằng mọi
giá. Một trật tự quốc tế bị phá vỡ, phân mảnh, được đánh dấu bởi những hạn chế
được đặt ra bởi chính phủ và các loại thuế đối với thương mại, công nghệ và du
lịch, sẽ dẫn đến sự thịnh vượng giảm sút, sự bất ổn dai dẳng và triển vọng thực
sự của xung đột quân sự đối với tất cả các bên liên quan.
Sự sụp đổ của toàn cầu hóa, tất nhiên, là mục tiêu của
nhiều trong số những quan niệm hàng đầu của chính quyền Trump. Bản thân tổng thống
đã công khai chỉ trích 'chủ nghĩa toàn cầu' và coi thương mại tự do là cách để
các nước khác cướp bóc ngành công nghiệp Mỹ. Ông coi các liên minh của Mỹ là lỗi
thời, còn những định chế và chuẩn mực quốc tế là những ràng buộc hạn chế không
đáng có đối với chủ quyền quốc gia. Những người dân túy cánh hữu đã ôm chặt lấy
những quan điểm này trong nhiều năm. Và nhiều người trong số họ - đặc biệt là ở
Mỹ - hiểu chính xác rằng cách dễ nhất để phá vỡ toàn bộ kiến trúc quốc tế tự do
sẽ là gây ra một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Khó hiểu hơn nữa nằm ở
chỗ những người đã dành hàng thập kỷ để xây dựng cái kiến trúc đó đang sẵn sàng
hỗ trợ một chương trình nghị sự chắc chắn sẽ phá hủy nó.
Chiến lược không quá bí mật của Mỹ
Một chính sách khôn ngoan hơn của Mỹ, hướng đến việc
biến Trung Quốc thành một 'cổ đông có trách nhiệm', vẫn có thể đạt được.
Washington nên khuyến khích Bắc Kinh phát huy ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực của
mình và xa hơn, miễn là họ sử dụng ảnh hưởng này để củng cố hệ thống quốc tế. Sự
tham gia của Trung Quốc vào những nỗ lực giải quyết [các vấn đề của loài người]
sự nóng lên toàn cầu, phổ biến hạt nhân, rửa tiền và khủng bố nên được khuyến
khích - và đánh giá cao. Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh có thể là một lợi ích cho thế giới đang phát triển nếu
được theo đuổi một cách cởi mở và minh bạch, ngay cả khi hợp tác với các nước
phương Tây ở bất cứ nơi nào có thể. Về phần mình, Bắc Kinh sẽ cần chấp nhận sự
chỉ trích của Mỹ về các vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do nói một
cách tổng quát hơn.
Những điểm bắt cháy nguy hiểm nhất có thể là
Hongkong và Đài Loan, nơi hiện trạng rất mong manh và cán cân quyền lực thì ủng
hộ Bắc Kinh. Lầu năm góc đã ban hành 18 bài tập mô phỏng chiến tranh chống lại
Trung Quốc trên Đài Loan và lần nào thì Trung Quốc cũng đã thắng. Washington
nên làm rõ rằng bất kỳ chiến thắng nào như vậy cũng sẽ là chiến thắng kiểu
Pyrros[8],
dẫn đến sự sụp đổ kinh tế ở Hongkong hoặc Đài Loan, sự di cư hàng loạt từ các đảo
đó và sự lên án của quốc tế. Nếu Bắc Kinh hành động một cách mau lẹ [nguyên
văn: dốc/dựng đứng] ở Hongkong hoặc Đài Loan, chính sách hợp tác của Mỹ sẽ trở
nên không thể biện hộ được trong nhiều năm.
Sự đồng thuận mới về Trung Quốc bắt nguồn từ nỗi sợ
hãi rằng một lúc nào đó nước này có thể chiếm lấy toàn cầu. Nhưng có lý do để
có niềm tin vào sức mạnh và mục đích của Mỹ. Cả Liên Xô lẫn Nhật Bản đều không
thể chiếm lĩnh thế giới, bất chấp những lo ngại tương tự về sự trỗi dậy của họ.
Trung Quốc đang trỗi dậy nhưng phải đối mặt với một loạt thách thức nội bộ, từ
sự suy vi nhân khẩu học đến hàng núi nợ nần. Nó đã thay đổi trước đó và sẽ buộc
phải thay đổi một lần nữa nếu các lực tích hợp và răn đe tiếp tục đè lên nó. Giới
tinh hoa Bắc Kinh biết rằng đất nước của họ đã thịnh vượng trong một thế giới cởi
mở và ổn định. Họ không muốn phá hủy thế giới đó. Và mặc dù có một thập kỷ trì
trệ chính trị trên đại lục, mối liên hệ giữa sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu
và đòi hỏi mở cửa chính trị lớn hơn nữa là có thật, như đối với hai xã hội
Trung Quốc vẫn được Bắc Kinh theo dõi sát sao - Hồng Kông và Đài Loan.
Một số nhà quan sát Mỹ nói về quan điểm lâu dài của
Trung Quốc, về kế hoạch bí mật, kiên nhẫn của nó thống trị thế giới, liên tục
được thực hiện kể từ năm 1949, nếu không phải là từ trước đó. Học giả và cựu
quan chức Bộ quốc phòng Mỹ, Michael Pillsbury, đã gọi nó là 'cuộc đua marathon
trăm năm' của Trung Quốc trong một cuốn sách thường được chính quyền Trump ca
ngợi. Nhưng một bức tranh chính xác hơn là về một đất nước đã chần chừ một cách
phù hợp từ một liên minh chặt chẽ với Liên Xô đến sự chia rẽ Trung-Xô, từ Đại
nhảy vọt tới Cách mạng văn hóa đến một câu chuyện thành công tư bản, và từ sự
thù địch sâu sắc đối với phương Tây tới quan hệ chặt chẽ với Mỹ rồi quay trở lại
việc tán tỉnh với thái độ thù địch. Nếu đây là một cuộc đua marathon, nó đã thực
hiện một số bước ngoặt kỳ lạ, nhiều trong số đó có thể đã chấm dứt nó hoàn
toàn.
Trong khi đó, kể từ năm 1949, Mỹ đã kiên nhẫn đưa ra
các cấu trúc và chính sách để tạo ra một thế giới ổn định, cởi mở và hội nhập
hơn; đã giúp các nước bước vào thế giới đó; và đã răn đe những kẻ tìm cách phá
hủy nó - tất cả đều thành công đáng kinh ngạc. Washington đã là cái đối ngược với
sự do dự/dao động hay tập trung quá mức xét về ngắn hạn. Vào năm 2019, quân đội
Mỹ vẫn ở bên bờ sông Rhine, họ vẫn đang bảo vệ Seoul và họ vẫn ở Okinawa.
Trung Quốc đưa ra một thách thức mới và lớn. Nhưng nếu
Washington có thể giữ bình tĩnh và kiên nhẫn tiếp tục theo đuổi chính sách cam
kết cộng với răn đe, buộc Trung Quốc phải điều chỉnh, trong khi [Mỹ] cũng tự điều
chỉnh để tạo không gian cho nó, một học giả nào đó trong nhiều thập kỷ từ bây
giờ có thể viết về kế hoạch không có gì là bí mật của Mỹ nhằm mở rộng khu vực
hòa bình, thịnh vượng, cởi mở và quản trị tốt trên toàn cầu - một chiến lược
marathon đã có kết quả.
[1] Fareed Zakaria: Nhà báo Mỹ gốc Ấn Độ, năm nay mới 55 tuổi song đã rất
thành công trong sự nghiệp báo chí. Tốt nghiệp ĐH Yale và lấy bằng PhD tại ĐH
Harvard, F. Zakaria giữ nhiều mục cho các kênh tivi như CNN hay các tạp chí
danh tiếng như Foreign Affairs, Washington Post, Newsweek... Khá nổi tiếng, mặc
dù còn khá trẻ, với những suy nghĩ tự do, độc đáo và độc lập.
[2] Yuen Yuen Ang: Nhà khoa học chính trị người gốc Singapore, PGS về
khoa học chính trị tại ĐH Michigan, trước khi về làm PGS cho ĐH Michigan (2011)
cô đã là trợ lý giáo sư tại ĐH Columbia. Tốt nghiệp loại xuất sắc nhất (Summa
Cum Laude) ĐH Colorado, lấy bằng thạc sĩ (2003) và PhD (2009) về khoa học chính
trị. Là một chuyên gia am hiểu về Trung Quốc, diễn giảng nhiều và viết nhiều
cho các tạp chí/báo (như Bloomberg, Foreign Affairs, Project Syndicate, Wall
Street Journal...) về Trung Quốc. Các tác phẩm (sách, bài báo...) của cô được
nhiều giải thưởng và được nhiều hãng tin, báo, tạp chí trích dẫn.
[3] Nicholas Lardy: Nhà kinh tế học, thành viên cao cấp danh hiệu
Anthony M. Solomon tại PIIE (Peterson Institute for International Economics, Viện
Peterson về kinh tế quốc tế, Washington D.C.), chuyên gia giỏi về kinh tế Trung
Quốc, tác giả của vài chục đầu sách về Trung Quốc. N. Lardy đồng thời là thành
viên và là biên tập viên trong ban biên tập của Asia Policy và China Review, Hội
đồng quan hệ quốc tế CFR (Council on Foreign Relations, một think-tank hàng đầu
thế giới về quan hệ quốc tế, có ảnh hưởng nhất ở Mỹ). N. Lardy tốt nghiệp ĐH
Wisconsin (1968) và lấy bằng PhD tại ĐH Michigan (1975), đều về kinh tế học.
[4] Hệ thống kiểu Orwell: Mang tên nhà văn, nhà báo và nhà phê bình người
Anh từng mô tả một kiểu điều kiện xã hội 'biểu thị một thái độ và chính sách
tàn bạo kiểm soát hà khắc bằng công tác tuyên truyền, giám sát, thông tin sai,
chối bỏ sự thật và thao túng quá khứ'.
[5] Tiếng Việt thường được dịch là 'Giấu mình chờ thời'. Nguyên bản tiếng
Trung Quốc của câu ngạn ngữ đó là 韜光養晦 (thao quang dưỡng hối), nghĩa đen là 'giấu ánh
sáng nuôi dưỡng bóng tối', do Đặng Tiểu Bình sử dụng để ẩn dụ về chính sách đối
ngoại của Trung Quốc khi đó.
[6] Cái bẫy Thucydides (Thucydides trap): Thucydides (nhà sử học thực
chứng đầu tiên trên thế giới) đã viết từ hơn 2400 năm trước trong cuốn 'Lịch sử
chiến tranh Peloponnesus' về nguyên nhân của cuộc chiến tranh: 'sự lớn mạnh của
cường quốc Athens và nỗi lo sợ mà nó gây ra ở Sparta'. Nói một cách khác, khi một
cường quốc trỗi dậy, một cường quốc đã sẵn có sẽ lo ngại và chuẩn bị chiến
tranh, với cái này biến thành một vòng luẩn quẩn thì rút cục sẽ dẫn đến chiến
tranh. Khái niệm 'cái bẫy Thucydides' đã được G. T. Allison (GS nổi tiếng về
khoa học chính trị tại Trường hành chính Kennedy, ĐH Harvard) đặt ra và sử dụng
để ám chỉ rằng sự lo ngại của Mỹ trước sức mạnh đang tăng lên của Trung quốc có
thể chuyển hóa thành chiến tranh (nóng hay lạnh). Trong bài báo có tựa đề 'The
Thucydides Trap', Foreign Policy 9-6-2017, G. Allison đã tổng kết rằng 'trong
500 năm qua đã có 16 trường hợp trong đó một cường quốc đang nổi lên đe doạ sẽ
thay thế một cường quốc cầm quyền. Mười hai trong số này đã kết thúc trong chiến
tranh.' Bốn trường hợp còn lại, theo G. Allison là 'Tây Ban Nha vượt qua Bồ Đào
Nha vào cuối thế kỷ 15, Mỹ vượt qua Anh vào đầu thế kỷ 20, và sự trỗi dậy của Đức
ở châu Âu từ năm 1990 - sự đi lên của Liên bang xô viết là một bài học độc nhất
vô nhị ngày hôm nay. Mặc những khoảnh khắc mà một cuộc đụng độ dữ dội dường như
đã chắc chắn diễn ra, một sự dâng trào trí tưởng tượng chiến lược đã giúp cả
hai bên phát triển các cách cạnh tranh mà không xảy ra một cuộc xung đột thảm
khốc. Cuối cùng, Liên bang xô viết đổ ụp và Chiến tranh lạnh kết thúc với một
tiếng rên chứ không phải bằng một tiếng nổ.'
[7] Tổ hợp công nghiệp-quân sự (MIC, Military-Industrial Complex): Liên
minh nhằm những mục đích chung giữa những nhân vật hoạch định chính sách, các
tướng lĩnh quân đội với các công ty sản xuất/cung ứng đồ quân sự cũng như những
tầng lớp trong xã hội quan tâm tới ngân sách quốc phòng, bao gồm cả những người
vận động hành lang. Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, đưa ra khái niệm này lần
đầu vào năm 1961 trong diễn văn từ biệt đọc trước quốc hội, cảnh báo về nguy cơ
có thể gây hại cho xã hội của liên minh công nghiệp-quân phiệt móc ngoặc và
thao túng đó. Xin lưu ý không nên nhầm lẫn với khái niệm Tổ hợp công nghiệp quốc
phòng (DIC, Defence-Industrial Complex, trong tiếng Nga là Военно-Промышленный
Комплекс, nếu được dịch sát từng chữ cũng sẽ là 'Tổ hợp công nghiệp-quân sự'
nên hay gây nhầm lẫn) vẫn được các nhà nghiên cứu lịch sử thiên về kinh tế của
các nước phương Tây sử dụng để chỉ Phức hợp công nghiệp-quân sự trong quá trình
nghiên cứu về công nghiệp quân sự Liên xô trước đây - bao gồm công nghiệp quốc
phòng, các đơn vị nghiên cứu và sản xuất của nó, lực lượng lao động và hệ thống
quản lý, các nhà máy và các nhà lãnh đạo, không bao hàm các lãnh đạo Đảng, nhà
nước, quân đội chuyên nghiệp cũng như một số thành phần khác.
[8] Chiến thắng kiểu Pyrros (Pyrrhic victory): Là chiến thắng mang tính
hủy diệt đối phương song bên chiến thắng cũng tổn thất nặng nề, có thể dẫn tới
diệt vong. Pyrros là vua và là chỉ huy quân sự kiệt xuất xứ Ipiros (Hy Lạp cổ đại),
từng chiến thắng, đánh tan tác quân La Mã trong các trận đánh tại Heraclea (280
TCN) và Asculum (279 TCN) song mất rất nhiều binh lực và tướng tài, bản thân
nhà vua cũng bị thương. Sau chiến thắng Asculum, quần thần dâng lời tôn vinh
chiến công, nhà vua nói rằng 'Thêm một trận thắng như vậy thì sự nghiệp của trẫm
cũng đi đời'. Thực tế thì, mặc dù quân La Mã bị tổn thất nặng hơn quân Ipiros rất
nhiều trong các trận Heraclea và Asculum song La Mã có tiềm lực hơn hẳn Ipiros
(các thiệt hại không bù đắp được) nên tới năm 275 TCN thì La Mã đánh bại
Ipiros.
-----------------
Nguồn :
Why
America Shouldn’t Panic About Its Latest Challenger
No comments:
Post a Comment