Trường
An - Luật Khoa
06/12/2019
Ngày 18 tháng 9 năm
2019, một kênh Youtube khá nhỏ mang tên “War on Fear” đăng tải một đoạn phim thu lại từ Google
Earth với cảnh hàng chục người đàn ông Duy Ngô Nhĩ đầu mới cạo trọc, bịt
mắt, và hai tay bị trói quặt ra sau, bị các nhân viên công lực Trung Quốc áp
tải từ một nhà ga xe lửa. Chuyên gia phân tích vệ tinh Nathan Ruser
thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc khẳng định đoạn video này hoàn toàn không bị
tạo dựng hay chỉnh sửa. Ông còn xác định được thời điểm trong đoạn phim vào khoảng
giữa tháng Tư và tháng Tám năm 2018 tại một nhà ga ở phía Tây thành phố Korla
(âm Hán Việt là Khổ Nhĩ Lặc, thành phố lớn thứ hai của Tân Cương).
Đoạn video 1 phút
45 giây, ít nhiều làm người ta liên tưởng đến cảnh những người Do Thái bị tống
vào trại tập trung của phát-xít Đức, nhanh chóng lan truyền trên thế giới qua
các hãng thông tấn lớn. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne lên án hành động của
lực lượng chấp pháp Trung Quốc trong đoạn video là “kinh hoàng” và “vô cùng ghê
tởm”.
Dư luận trên thế giới
(hay ít nhất là những người còn coi “nhân quyền” có chút ký lô để quan tâm) chờ
đợi những đòn sấm sét giáng xuống chính quyền Trung Quốc – nhất là từ chính quyền
Mỹ, mà nhiều người vẫn thích gắn cho cái mác “thế thiên hành đạo”.
Tuy nhiên sau nhiều
ngày chờ đợi, “sấm sét” chỉ lẹt đẹt như pháo chuột dưới hình thức hạn
chế visa cho các quan chức Trung Quốc “có liên quan đến việc ngược
đãi, áp chế các cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở Tây Bắc Trung Quốc như người Duy
Ngô Nhĩ, Kazakh”, và việc đưa 28 cơ quan “có liên quan” tới các hành vi áp chế
này vào “danh sách đen”. Tuy nhiên ngay cả những người “cuồng Trump” nhất cũng
phải thừa nhận rằng đòn trừng phạt này chẳng qua chỉ là một chiêu trò trong chiến
tranh thương mại Trung – Mỹ, hay nói cách khác, những người Duy Ngô Nhĩ đáng
thương đang được dùng làm cái cớ cho một đòn tấn công kinh tế và sự thực đáng
buồn là “nhân quyền” không hề là cái mà các ông lớn trên thế giới mấy quan
tâm.
Sự việc có vẻ sẽ
chìm vào quên lãng cùng những tiếng thở dài như nó đã và đang xảy ra hàng ngày
trên thế giới cho tới ngày một bài viết xuất hiện trên hàng loạt báo Úc và mang
lại niềm tin cũng như một định hướng mới cho phong trào đấu tranh vì nhân quyền
trên thế giới. Bài báo lần đầu tiên xuất hiện trên trang điện tử ABC News với tựa
đề “Cotton
On và Target của Úc dừng thu mua bông vải từ Tân Cương trên cơ sở những quan ngại
về nhân quyền” Theo bài báo này, Cotton On và Target, hai
hãng quần áo lớn của Úc, sau khi chương trình Four Corners vạch trần
việc những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị dồn vào các trại tập trung, đã tiến
hành điều tra nội bộ về các chuỗi cung ứng nguyên liệu bông vải từ Trung Quốc
và cụ thể từ Tân Cương qua các nhà thầu cung ứng Trung Quốc. Sau khi xem xét và
đánh giá kết quả điều tra, cả Cotton On và Target đều
nhanh chóng quyết định đình chỉ việc nhập nguyên liệu bông vải có nguồn gốc từ
Tân Cương, mặc dù việc tìm nguồn hàng thay thế là khó khăn và khả năng cao là
giá cả sẽ đội lên nhiều làm suy giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường của Cotton
On và Target vốn chủ yếu nhắm vào các mặt hàng giá rẻ.
Một trạm gác tại vùng ngoại ô Hotan, Tân Cương, nơi
được cho là gần một trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ. Ảnh: Greg Baker/Agence
France-Presse – Getty Images.
Theo chân Cotton
On và Target, hàng loạt nhãn hiệu quần áo nổi tiếng khác của
Úc và chi nhánh tại Úc của các hãng đa quốc gia như Jean West,
Dangerfield, H&M, Ikea hay Just Group đã và đang tiến
hành thanh sát nguồn bông vải nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm tìm hiểu liệu chăng
những bông vải này là thành quả, hay ít nhiều liên quan, đến việc cưỡng bức lao
động của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số
Hồi giáo ở Tây Bắc Trung Quốc. Những công ty này tuyên bố họ có thể sẽ tham gia
tẩy chay nguyên liệu bông vải từ Tân Cương nếu xác định được các nhà cung ứng
có liên quan, dù là gián tiếp, đến việc cưỡng bức lao động đối với cộng đồng
thiểu số Hồi giáo.
Mặc dù Úc và Trung
Quốc đang có những căng thẳng nhất định về chính trị, động thái này của những
hãng quần áo không thể có động cơ chính trị nào vì họ là những doanh nghiệp tư
nhân, không hề chịu sự điều khiển nào của chính quyền Úc. Là doanh nghiệp có
nghĩa là mục tiêu chính của họ là lợi nhuận. Tuy nhiên, những công ty này đã
không đặt lợi nhuận lên trên những điều mà nhiều chính khách đã và đang “lót xuống
ghế mà ngồi”: nhân quyền và đạo đức.
Hành động “tẩy
chay” của Cotton On và Target mang tính tiên
phong mặc dù không hoàn toàn sáng tạo. Trong cuộc chiến vì môi trường sinh
thái, rất nhiều nhà sản xuất đã phát triển các dòng sản phẩm “thân thiện với
môi trường” (eco-friendly), từ quần áo, xe cộ, đến cuộn giấy vệ sinh và
chai nước rửa chén. Hiển nhiên những nhà sản xuất này phải chấp nhận mạo hiểm
khi các sản phẩm “xanh” có giá thành vượt trội so với các sản phẩm cùng loại.
Tuy nhiên, dần dần các sản phẩm eco-friendly càng có chỗ đứng
vững chắc khi ngày càng nhiều người quan tâm đến môi trường và sẵn sàng trả
thêm tiền để mua các sản phẩm này.
Khái niệm các mặt
hàng eco-friendly còn được mở rộng hơn với khái niệm sản phẩm ethical, nghĩa
là những sản phẩm mà nhà sản xuất phải đảm bảo tính đạo đức trong sản xuất, đảm
bảo việc sản xuất, sử dụng, cũng như thải loại sản phẩm không gây bất kỳ tác hại
nào cho môi trường cũng như xã hội. Rõ ràng, chúng ta đã rất “đạo đức giả” khi
suốt ngày kêu than về thảm họa môi trường nhưng vẫn dứt khoát không chịu bỏ
thêm vài đồng cho một sản phẩm an toàn cho môi trường. Một bước đi xa hơn nữa,
nhiều người tiêu dùng không chỉ “chuộng” hàng eco-friendly mà
còn tẩy chay những hàng hóa có ảnh hưởng xấu tới môi trường (trong quá trình sản
xuất và sau khi sử dụng). Hành động này thường được biết dưới cái tên “tẩy chay
mang tính đạo đức” (moral boycott).
Trở lại câu chuyện
của chúng ta, Cotton On và Target đang là những
nhà tiên phong trong ngành công nghiệp quần áo chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc
chiến nhân quyền, một cuộc chiến không kém phần quyết liệt và khẩn cấp so với
cuộc chiến vì môi trường sinh thái. Theo các nguồn tin của Liên Hiệp Quốc, có
ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại cải tạo lao
động tại Tân Cương, với cùng một tội danh “là người Duy Ngô Nhĩ”. Những người
này bị cưỡng bức lao động trong các nhà máy ở Tây Bắc Trung Quốc với đe dọa rằng
họ sẽ bị tống vào tù nếu không chịu làm. Chính quyền Trung Quốc đã có một kế hoạch
hoàn hảo trong việc biến “rác” (người Duy Ngô Nhĩ) thành “vàng”.
Chúng ta biết điều
đó từ rất lâu trước khi đoạn video nói trên được tung lên mạng. Chúng ta đều hiểu
các nước đang phát triển thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất vì một
trong những nguyên nhân quan trọng nhất là các doanh nghiệp nước ngoài có thể hạ
giá thành sản phẩm đáng kể thông qua việc bóc lột nhân công giá rẻ. Tuy nhiên,
không quá nhiều người biết, hoặc quan tâm, đến việc chiếc iPhone trên tay mình
hay chiếc xe mình đang lái là sản phẩm của việc bóc lột và chà đạp nhân quyền.
Mỗi năm hàng chục công nhân trong các nhà máy của Apple tại Trung Quốc và Đài
Loan tự
sát vì không chịu đựng nổi điều kiện làm việc quá khắc nghiệt.
Các quốc gia giàu
có một mặt lên án chính quyền Trung Quốc không quan tâm đến nhân quyền, một mặt
mở rộng cửa nhập hàng Trung Quốc và tung nhà máy vào Trung Quốc để tăng thêm bản
sắc quốc tế cho sự chà đạp nhân quyền. Họ có đạo đức giả không? Có quá đi chứ.
Còn chúng ta, những người vẫn lên án, cảm thán, thở dài vì sự bất công, vi phạm
nhân quyền trong các nhà máy ở các nước đang phát triển, nhưng vẫn mua hàng của
họ mà chẳng thèm chau mày, chúng ta có đạo đức giả không? Có quá đi chứ! Chúng
ta đang gián tiếp vi phạm nhân quyền!
Úc là một quốc gia
với dân số nhỏ (26 triệu) và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cũng không
quá lớn. Hành động tẩy chay nguyên liệu bông vải của Cotton On và Target có lẽ
không đủ độ nặng để chính quyền Trung Quốc quan tâm. Nhưng nó đã làm người tiêu
dùng quan tâm. Thức tỉnh người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm, không chỉ
bền, đẹp, hợp thời trang, mà còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường và
đạo đức. Hành động tẩy chay các mặt hàng “phi đạo đức” có lẽ chưa phải một tiếng
sét mà chỉ là một tia lửa nhỏ nhưng một tia lửa nhỏ cũng có thể bùng lên thành
một đám cháy lớn. Ngạn ngữ Nga có câu “Nếu anh nhổ vào một đốm lửa, nó sẽ tắt.
Nếu anh thổi vào nó, nó sẽ bùng lên.” Bạn sẽ lựa chọn gì? Nhổ hay thổi?
No comments:
Post a Comment