12/05/2019 1
Comment
“Đây là món quà Trung Quốc tặng cho các bạn
châu Phi”. Hàng chữ này viết trên những cánh cửa ở
trụ sở chính của Liên minh châu Phi (African Union - AU) tại thủ đô Addis
Ababa, Ethiopia. Năm 2012, Trung Quốc đã tặng AU trụ sở chính này và
Huawei cung cấp, lắp đặt hệ thống máy tính, mạng WiFi và giải pháp
điện toán đám mây.
Tháng Giêng 2018, sau một cuộc điều tra dựa
trên nhiều nguồn tin, tờ báo Le Monde của Pháp đã báo cáo rằng, từ
ngày 1/1/2012 đến ngày 1/1/2017, mỗi đêm, từ 12 giờ đêm đến 2 giờ
sáng, các máy chủ trong trụ sở chính của Liên minh châu Phi (AU), đã
chuyển dữ liệu về các máy chủ vô danh được lưu trữ tại Thượng Hải,
cách đó hơn 8000 km. Truyền thông gọi vụ này là “trộm cắp dữ liệu”.
Ngoài ra người ta còn phát giác micro giấu trong tường và bàn làm
việc.
Chính phủ Trung Quốc và Huawei đã bác bỏ các
cáo buộc trên, gọi cuộc điều tra của Le Monde là “hoàn toàn vô căn cứ
và lố bịch”.
Tờ báo Financial Times và các tổ chức tư vấn
chính sách khắp nơi trên thế giới cũng đã xác nhận hành vi trộm cắp
dữ liệu như trong báo cáo của Le Monde.
Le Monde còn cho biết sau biến cố này AU đã
thay thế các máy chủ và thiết bị, không cho phép Trung Quốc định cấu
hình máy chủ, đồng thời tiến hành cài đặt nâng cao các tính năng
bảo mật khác.
Theo Wall Street Journal ngày 15/8/2019, Huawei đã
giúp chính phủ các quốc gia Uganda và Zambia theo dõi phe đối lập. Năm
2018, Huawei đã giúp nhà chức trách Uganda đột nhập chế độ riêng tư
trong WhatsApp để phá hoại kế hoạch biểu tình, bắt giữ ca sĩ nổi
tiếng Bobi Wine và các nhà hoạt động khác. Ở Zambia, hai chuyên gia của
Huawei cộng tác với đơn vị giám sát của chính phủ, theo dõi và chỉ
điểm các blogger bị cho là thành phần “nguy hiểm” để cảnh sát bắt
giữ họ. Huawei phủ nhận các cáo buộc này.
Tháng Tư 2019, một bài báo của Bloomberg đã
tường thuật chuyện Vodafone Group Plc, công ty điện thoại lớn nhất Âu
Châu của Anh, phát hiện trong các bộ định tuyến và thu quang mà Huawei
giao cho Vodafone ở thị trường Ý, trong hai năm 2011 và 2012, có những
lỗ hổng được gọi là “cửa sau”. “Cửa sau” cho phép người ngoài vượt
qua khâu kiểm tra bảo mật để truy cập trái phép hệ thống máy tính
hoặc thông tin đã mã hóa, và bằng cách sử dụng các thiết bị của
Huawei họ có thể đột nhập mạng wifi và PC của tư nhân và các công
ty.
Người ta cũng tìm thấy các cửa sau tương tự
trong các thiết bị Huawei giao cho Vodafone ở Anh, Đức, Tây Ban Nha và
Bồ Đào Nha.
Huawei phủ nhận là họ đã cài đặt các cửa
sau, nhưng sau khi bị phát hiện, họ hứa sẽ gỡ bỏ. Tuy nhiên, theo báo
cáo của Bryan Littlefair, giám đốc an ninh Vodafone, “điều đáng lo nhất
ở đây là Huawei hứa sẽ xóa mã, sau đó cố gắng che giấu nó và bây
giờ từ chối xóa mã với lý do cần phải có để duy trì chất
lượng”.
Trong bài báo ngày 10/4/2019, tờ Los Angeles
Times cho biết nhân viên Huawei có thể giám sát điện thoại di động hay
việc sử dụng internet của từng cá nhân rất dễ dàng khi cấp trên yêu
cầu. Ngoài ra, các cơ quan an ninh Trung Quốc đã gài nhân viên tình báo
trong các văn phòng của Huawei trên khắp thế giới và theo dõi thường
xuyên các cuộc hội thảo.
CIA, cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ cáo buộc
Huawei nhận tài trợ từ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS - Ministry of
State Security), trụ sở chính ở Bắc Kinh và Giải phóng quân nhân dân
Trung Quốc (PLA).
Tháng Giêng 2019, một nhân viên Trung Quốc của
Huawei ở Ba Lan bị bắt vì tội gián điệp cùng với một công dân Ba Lan.
Cũng vào khoảng đầu năm, hai nhân viên của Huawei bị trục xuất khỏi
Đan Mạch vì không có giấy phép làm việc.
Trung Quốc nỗ lực theo dõi những người bị cho
là có vấn đề cả trong và ngoài nước. Tháng Chín 2019, chính quyền
Trung Quốc đã hack các công ty viễn thông ở Đông Nam Á và Trung Á để
theo dõi người Duy Ngô Nhĩ, các nhà ngoại giao cùng giới chức quân sự
nước ngoài.
Reuters cho biết Trung Quốc đã đột nhập các
công ty viễn thông ở Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia và
Kazakhstan. Google báo cáo là hàng ngàn cái iPhone của người Ngô Duy
Nhĩ bị hack và hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cầm tù tại Tân
Cương, Trung Quốc.
Vào mùa hè năm nay, giáo sư Christopher Balding
tại đại học Fullright ở Việt Nam công bố cuộc khảo sát liên quan đến
25 000 CV của các nhân viên Huawei. Cuộc khảo sát phát hiện rất nhiều
người vừa làm việc cho Huawei vừa cộng tác với các tổ chức có quan
hệ mật thiết với cơ quan tình báo và quân đội Trung Quốc. Họ có
trách nhiệm giám sát viễn thông, tham gia dự án phát triển các cơ sở
5G trong lãnh vực quốc phòng và chiến tranh mạng. Một số người làm
việc cho Bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc (MSS). Huawei bác bỏ phát hiện
này.
Tổ chức đảng cộng sản là đơn vị quan trọng
trong hội đồng quản trị Huawei. Tất cả các công ty lớn của Trung Quốc
và các cơ sở công cộng bắt buộc phải có tổ chức đảng. Mục đích là
để kiểm soát và thực hiện những chỉ thị của đảng cộng sản. Điều
này khiến Huawei trở thành một công ty có vấn đề đối với các công ty
viễn thông khác ở nước ngoài. Ngoài ra, mối quan hệ với quân đội, cơ
quan an ninh mật vụ và đảng cộng sản của rất nhiều người trong công
ty cũng là một câu hỏi lớn về tính độc lập của Huawei.
Hiện nay, một số công ty viễn thông trên thế
giới đã dần loại Huawei ra khỏi những phần nhạy cảm nhất trong mạng
của họ. Vào tháng Giêng, CEO Read của Vodafone cho biết công ty đã dừng
mua thiết bị Huawei cho những phần cốt lõi trong các mạng di động của
họ ở Âu Châu.
05.12.2019
No comments:
Post a Comment