Tuesday, 17 December 2019

EU SOẠN LUẬT TRỪNG PHẠT VI PHẠM NHÂN QUYỀN, TÁC ĐỘNG GÌ ĐẾN VIỆT NAM? (VOA Tiếng Việt)




10/12/2019

Các ngoại trưởng Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 9/12 nhất trí thúc đẩy kế hoạch lập ra cơ chế trừng phạt các hoạt động vi phạm nhân quyền trên toàn cầu, các bản tin của Wall Street Journal và một số báo châu Âu cho hay.

Quan chức phụ trách đối ngoại của EU, Josep Borrell, nói với các phóng viên ở Brussels rằng cơ chế đó của EU sẽ tương đương như Đạo luật Magnitsky của Mỹ, theo các bản tin.

Đạo luật Magnitsky của châu Âu cũng đặt ra khuôn khổ để nhắm mục tiêu vào các cá nhân dính líu đến những hành động xâm hại nhân quyền trên thế giới. Những kẻ này sẽ đối mặt với việc bị EU phong tỏa tài sản và cấm đi lại tới khối này.

Ông Borell, cựu ngoại trưởng Tây Ban Nha nay đặc trách mảng ngoại giao của EU, nói thêm rằng động thái này sẽ mang lại cho EU “thêm nhiều sức mạnh và năng lực để hành động”, và đây là “một bước đi hữu hình tái khẳng định vai trò tiên phong của EU trên toàn cầu đối với nhân quyền”.

Đạo luật Magnitsky gốc được Mỹ thông qua năm 2012 để trừng phạt những cá nhân người Nga bị tố vi phạm nhân quyền.

Tiếp đó, quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Magnitsky Toàn cầu năm 2017, nhờ đó chính phủ Mỹ có thể từ chối visa nhập cảnh và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế như đóng băng tài sản tại Mỹ hoặc đang trung chuyển qua Mỹ của những người ngoại quốc vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng.

Các nước Anh, Canada và 3 nước vùng Baltic cũng đã thông qua các luật tương tự.

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài hoan nghênh việc EU soạn luật Magnisky

Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động từng bị cầm tù ở Việt Nam và bị buộc phải sống lưu vong, nói với VOA từ nước Đức rằng ông và đảng Việt Tân hoan nghênh việc EU soạn luật Magnitsky của khối này:

“Tôi là người đang sinh sống ở một trong những nước EU, cho nên điều kiện để tôi vận động bộ ngoại giao EU khi luật có hiệu lực để trừng phạt các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền thì rất thuận lợi cho công việc của tôi. Cho nên tôi hết sức vui mừng, coi đó là công cụ hữu hiệu để bảo vệ cho nhân quyền tại Việt Nam”.

Ông Đài cho biết cá nhân ông và Việt Tân đã tham gia các nỗ lực vận động để dẫn đến bước đi mới đây của EU.

Khoảng 400 trang tài liệu và danh sách 43 quan chức liên quan đến vi phạm nhân quyền của Việt Nam đã được trao cho EU, ông Đài nói. Ông cho rằng việc vận động để khối thông qua Đạo luật Magnitsky là “rất khả quan”.

Nhắc đến thực tế là Mỹ và một số nước đã thông qua Đạo luật Magnitsky, nhưng chưa có quan chức Việt Nam nào bị trừng phạt, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định rằng đó có thể là do các nước này và Việt Nam có “quan hệ song phương gần gũi” hoặc “có những lợi ích quốc gia” giữa họ với Việt Nam.

Trường hợp của EU sẽ có khác biệt, theo nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài, ông nói rõ hơn với VOA:
“EU là tổ chức đa phương, gồm nhiều quốc gia. Cho nên lợi ích của tổ chức này với Việt Nam không phải là lợi ích trực tiếp. Cho nên khi chúng ta vận động bộ ngoại giao EU thì sẽ dễ dàng hơn so với vận động bộ ngoại giao các quốc gia khác”.

Liệu nhà cầm quyền Việt Nam có e ngại hay không, điều đó phụ thuộc vào nỗ lực vận động của các tổ chức bảo vệ nhân quyền của người Việt ở hải ngoại cũng như của các nhà hoạt động trong nước, ông Đài nhận định. Theo ông, giới hoạt động trong và ngoài nước cần lập ra bộ hồ sơ hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, với bằng chứng cụ thể, để nộp cho EU.

Ông nói thêm:
“Khi chúng ta làm tốt công việc đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ phải e dè. Khi một quan chức cao cấp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bị trừng phạt trong việc đi lại hay bị đóng băng tài sản tại EU, thì chắc chắn gây khó khăn cho họ rất nhiều trong công việc, coi như sự nghiệp chính trị của họ bị đóng đến 50%. Cho nên tôi cho là họ sẽ phải dè chừng”.

Wall Street Journal và các báo châu Âu tường thuật rằng trong giai đoạn tiếp theo, khi bản thảo về khuôn khổ của Đạo luật Magnitsky được hoàn tất, sẽ cần đến quyết định chung cuộc của toàn bộ các nước thành viên EU.

Một số nước gồm Hy Lạp, Đảo Síp, Ý và Hungary gần đây vẫn tỏ ra dè dặt về đạo luật vì họ có quan hệ chặt chẽ với Nga, nước có nhiều quan chức bị tố tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Mặc dù vậy, ông Josep Borrell, quan chức đặc trách đối ngoại của EU, nói với báo giới rằng ông thấy “có đủ sự đồng thuận” để bắt đầu tiến trình xây dựng luật.

Trong hai thập kỷ trở lại đây, các biện pháp trừng phạt đã trở thành một phần trong các công cụ đối ngoại của EU, với việc họ áp dụng hơn 40 biện pháp khác nhau đối với các cá nhân ở 34 quốc gia.







No comments:

Post a Comment

View My Stats