Monday, 9 December 2019

ĐẢO NGƯỢC VAI TRÒ (Lê Phan)




Lê Phan
December 9, 2019

Cuộc họp thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kết thúc ở Anh quốc tuần rồi đã có một số điều đáng ngạc nhiên. Mà ngạc nhiên nhất cho Âu Châu là về thái độ của Tổng Thống Donald Trump.

Từ trái: Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng Thống Donald Trump và Thủ Tướng Anh Boris Johnson trên sân khấu cuộc họp Thượng Đỉnh NATO hôm 4 Tháng Mười Hai, 2019 tại Watford, England. (Hình: Steve Parsons-WPA Pool/Getty Images)

Tổng Thống Trump, như tờ New York Times nhận xét, luôn rất thích làm cho các lãnh tụ Âu Châu mất thăng bằng, gây sự với đồng minh, thân thiện với đối thủ, và tạo ra một cuộc chạy đua làm cách nào tốt nhất để đối phó với ông. Nhưng trong giai đoạn gần đây Âu Châu cũng đang trải qua những thay đổi chóng mặt và có vẻ chuyến này Âu Châu đã làm tổng thống mất thăng bằng.

Trước hết là cuộc họp báo với Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp. Tổng Thống Trump đã ngồi xuống cái ghế nạm vàng kế bên Tổng Thống Macron, chuẩn bị cho một điều đã thành một thủ tục ở trên đất nhà của ông ở Tòa Bạch Ốc: Ông nói thao thao bất tuyệt trong khi lãnh tụ ngồi đối diện chỉ còn cách cười gượng gạo trước những câu nói đùa, lời tấn công hay ngay cả sự sỉ nhục.

Nhưng ông Macron đã đổi kịch bản. Khi cuộc họp báo kéo dài 45 phút ở tư dinh Đại Sứ Hoa Kỳ ở Luân Đôn kết thúc, ông Tổng Thống Pháp đã đạt được một điều hiếm có, lật ngược lại vai trò, đặt tổng thống vào thế thủ về viễn ảnh của ông cho NATO và về cách ông giải quyết cuộc tranh chấp quân sự liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có một lúc ông Macron gạt phắt sang một bên sự cố gắng nói đùa của tổng thống. Nhướng mình sang phía ông Macron, ông Trump hỏi: “Liệu ông có muốn vài tay súng ISIS tử tế không?” Và rồi sau khi nói “nhiều” tay súng này đến từ Pháp, Tổng Thống Trump tiếp “Tôi có thể tặng họ cho ông.”

Tổng Thống Donald Trump (phải) và Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc hội kiến ở Winfield House, London vào ngày 3 Tháng Mười Hai, 2019. (Hình: Ludovic /Getty Images)

Ông Macron, ngồi ở mép ghế, tay nắm chặt trên đùi, trả lời “Hãy nghiêm chỉnh. Số rất lớn những tay súng ở hiện trường là những tay súng đến từ Syria, từ Iraq.” Tổng Thống Trump không có câu trả lời.

Giây phút đầy kịch tính này đã làm nổi bật một liên hệ vốn đã từng là một ôm hôn kéo dài, phủi bụi trên ve áo, và cú bắt tay đến nổi gân đã biến dạng trước những chia rẽ từ khủng bố đến chính sách mậu dịch. Lần này, sự suy đồi trong liên hệ xảy ra trước ống kính truyền hình.

Tiến Sĩ Heather Conley, giám đốc chương trình Âu Châu của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Washington giải thích “Tổng Thống Trump không thích đối đầu trực diện và không biết làm sao để phản ứng khi mình là nạn nhân. Ông Macron hiểu điều đó. Ông quyết định cách phòng thủ tốt nhất là tấn công.”

Trước đó trong ngày, tổng thống, một người thích tuyên bố tùy hứng, đã giữ kẽ không nhảy vào cuộc bầu cử ở Anh đang sắp xảy ra. Hẳn là ông bực bội lắm nhưng với khuyến cáo của Thủ Tướng Boris Johnson bên tai, ông rất kiềm chế, chỉ nói là ông Johnson sẽ là một thủ tướng tốt.

Đối với tổng thống vốn tự hào là mình là Kẻ gây rối vĩ đại, đây quả là một sự đổi chiều đáng kinh ngạc, và là một sự thay đổi tình hình ở Âu Châu – với một vị tổng thống Pháp đầy tham vọng, một thủ tướng “vịt què” ở Đức và một thủ tướng dân túy đang đòi ly khai ở Anh – đã làm thay đổi những tính toán của tổng thống.

Hiện nay, ông Macron đã thay thế Thủ Tướng Angela Merkel của Đức là đối thủ chính của Tổng Thống Trump ở Âu Châu. Điều mỉa mai là những lời bình luận gần đây của Tổng Thống Pháp là NATO đã quá mệt mỏi và đang chơi vơi về chiến thuật – hay trong một tình trạng “hoại não” như ông đã nói trong bài phỏng vấn với tờ The Economist hôm tháng rồi – đã làm cả ông Trump lẫn bà Merkel tức giận, khiến trong giây lát hai người đã là đồng minh.

Riêng về ông Johnson, đồng minh tự nhiên nhất của ông ở Âu Châu, tổng thống đã gần như là công khai bực tức khi ông cố tìm cách tránh không dính đến cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12 Tháng Mười Hai tới đây. “Tôi không muốn làm cho mọi sự phức tạp hơn,” ông nói, trong một sự công nhận miễn cưỡng là ông đã không được bao nhiêu người dân Anh thích khiến nếu ông lên tiếng ủng hộ ông Johnson thì chỉ làm hại ông Johnson.

Điều cũng nực cười là năm ngoái, khi NATO quyết định đánh dấu kỷ niệm 70 năm của tổ chức với một cuộc họp thượng đỉnh ở Luân Đôn, mục đích là giới hạn tiềm năng bị thọc gậy bánh xe bởi Tổng Thống Trump nếu cuộc họp được tổ chức ở Washington. Nhưng đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, cuộc họp thượng đỉnh lại xảy ra vào đúng 10 ngày cuối của cuộc vận động tranh cử mà trong đó một trong những đề tài thường được nhắc đến chính là tổng thống.

Đại Sứ Lewis Lukens, vốn đóng vai quyền đại sứ Hoa Kỳ ở Luân Đôn trong những tháng đầu tiên của chính phủ Trump, giải thích “Ông Trump đang trong vị thế khó xử. Bản năng của ông là lôi cuốn cho ông Johnson xích lại gần hơn, nhưng ông có lẽ đã được các cố vấn nói là bất cứ một sự can thiệp nào của ông sẽ phản tác dụng.”

Từ khi Tổng Thống Trump lên nắm quyền, Âu Châu đã cố gắng đủ mọi cách để điều chỉnh cho những thành kiến và ưa thích của ông. Họ tìm cách nịnh ông với những lời ca tụng là ông đã thành công trong việc đòi các thành viên phải gia tăng đóng góp tiền của cho liên minh; làm ông thích thú khi mời ông đi duyệt binh, như ông Macron đã làm; hay kiên nhẫn chịu đựng những tấn công của ông về thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ, như Bà Merkel.

Nhưng Âu Châu đang thay đổi, với Anh Quốc đang tìm cách ly dị, bà Merkel sắp đến cuối trào, và ông Macron muốn giành lấy sự lãnh đạo Âu Châu với một viễn ảnh cho một tương lai vốn ít trông cậy vào Hoa Kỳ hơn. Sự chỉ trích NATO của ông không tránh được, mặc dầu gián tiếp, là một sự chỉ trích Tổng Thống Trump và chính sách “America First” của ông.

Với Âu Châu thay đổi, tổng thống thấy ông đang phải thay đổi tính toán. Với cuộc vận động tái cử sắp tới, ông cũng muốn giành được lợi ích cho điều mà ông coi là thành quả ngoại giao của ông, kể cả NATO. Và điều này đã khiến hoàn cảnh đảo ngược.

Vị tổng thống đã từng muốn rút Hoa Kỳ ra khỏi NATO nay đột nhiên trở thành người bênh vực chính cho liên minh. Vị tổng thống đã từng tìm cách uy hiếp ông Macron qua cái bắt tay đến nổi gân đã ngồi im trong khi ông tổng thống Pháp trẻ hơn dạy bảo ông về nhu cầu phải chống lại Islamic State. Và vị tổng thống vốn đã ủng hộ hết lòng cho Brexit, chê bai người tiền nhiệm của ông Johnson, bà Theresa May về khả năng điều đình, đột nhiên không nói một lời.

Dĩ nhiên với Tổng Thống Trump, một người coi bang giao vừa cá nhân vừa tùy tiện thì cũng khó biết tương lai sẽ ra sao. Có thể trong tương lai ông và ông Macron sẽ trở lại làm bạn như những năm đầu tiên ông nắm quyền. Sự thận trọng đáng ngạc nhiên của ông với chính trị Anh có lẽ chỉ kéo dài đến ngày 12 Tháng Mười Hai. Bởi sau ngày đó ông Johnson, nếu đắc cử và thực hiện được Brexit, sẽ lệ thuộc vào Hoa Kỳ và tổng thống, nhất là khi ông hứa hẹn là có thể có những thỏa thuận mậu dịch tốt với Hoa Kỳ.

Ngay cả trong nghi thức lịch trình thăm viếng của tổng thống cũng đã cho thấy một sự thay đổi chức vị. Trước khi đến dự một buổi tiếp tân với Nữ Hoàng Elizabeth II ở Điện Buckingham, tổng thống và đệ nhất phu nhân đã viếng thăm Thái Tử Charles và Quận chúa Cornwall ở tư dinh của họ, Clarence House. Thái Tử Charles đã giành lấy một vai trò quan trọng hơn trong hoàng gia sau vụ scandal liên quan đến Hoàng Tử Andrew và ông Jeffrey Epstein. Báo chí Anh nói đến “một vị vua đang chờ lên ngôi.”

Thế mới biết đời không có gì cứ mãi vậy. (Lê Phan)







No comments:

Post a Comment

View My Stats