15/11/2018
Vụ tín đồ Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn và một số trường hợp
chết trong đồn công an; các cộng đồng tôn giáo, người thiểu số Hmong bị bắt bớ,
tra tấn; và vụ một đạo diễn tố giác bị công an đánh đến chấn thương ở Cần Thơ gần
đây là những trường hợp điển hình được nêu ra trong phiên chất vấn của Ủy ban
chống tra tấn LHQ đối với Việt Nam trong phiên họp ngày 14/11, bắt đầu cuộc kiểm
điểm về việc thực hiện Công ước chống tra tấn của quốc gia thành viên.
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam phải giải trình trước Liên Hiệp Quốc về
tình trạng tra tấn đang xảy ra tràn lan ở đất nước Việt Nam”, TS. Nguyễn Đình Thắng,
Giám đốc BPSOS, tổ chức đã giúp đưa nhiều trường hợp của Việt Nam trình
lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, nói với VOA khi ông đang có mặt tại
trụ sở của LHQ ở Geneva,.
Trong ngày đầu tiên của phiên điều trần kéo dài 2
ngày về trường hợp của Việt Nam, các thành viên Ủy ban Liên Hiệp Quốc đã đặt ra
rất nhiều cầu hỏi cho phái đoàn từ Hà Nội, trong đó đặc biệt đề cập đến những
cái chết trong đồn công an mà gia đình nạn nhân tin là bị tra tấn, trong khi
phía nhà chức trách nói là do tự sát hoặc bệnh tật.
“Liệu có thể tiến hành điều tra độc lập hay không?”, một thành viên trong Ủy ban đặt câu hỏi với phái đoàn Việt Nam khi đề cập
đến cái chết của ông Nguyễn Hữu Tấn. “Khi
gia đình yêu cầu cơ quan chức năng trả lời, khi họ cố gắng tiếp cận để thu thập
bằng chứng thì bị đe dọa, bị tịch thu điện thoại nên họ không làm gì được cả.
Câu hỏi của tôi là [Việt Nam] có cơ chế mở nào để cho phép những người liên
quan [gia đình] kiểm chứng vụ việc hay không?”, thành viên này nói thêm.
TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết nhiều trường hợp khác
như bà Trần Thị Hồng bị công an tra tấn liên tục suốt 2 tháng vì cho rằng bà đã
cung cấp thông tin cho quốc tế, hay những người thiểu số Tây Nguyên bị đàn áp,
trong đó có trường hợp của ông Hoàng Văn Ngài được cho là bị công an đánh đến
chết… cũng đã được nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt,
trường hợp của Đạo diễn phim Đặng Quốc Việt tố cáo công an Cần Thơ bắt, tra tấn
và ép cung ông hôm 9/11 cũng đã được nhắc đến.
“Có lẽ là một sự ngạc nhiên cho phái đoàn Việt Nam vì Ủy ban chống tra tấn
đã nắm rất vững tình hình xảy ra tại Việt Nam”, TS. Thắng nói.
Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị
kết án 10 năm tù với cáo trạng trong đó bao gồm tập tài liệu mà cô tập hợp các
trường hợp công an đánh chết người, nói với VOA khi đang có mặt ở thủ đô
Washington rằng cô “rất vui” và “hãnh diện” vì những đóng góp của mình trong việc
đấu tranh nhằm chấm dứt tình trạng tra tấn ở Việt Nam.
“Tình trạng người dân chết trong đồn công an và Công ước chống tra tấn bắt
đầu được quan tâm là một phần thưởng lớn lao hơn những phần thưởng vinh danh
khác, bởi vì mình nhìn thấy thành quả làm việc của mình hiện hữu trước mắt và
mình tin rằng những gì mình đang theo đuổi, đang làm sẽ có kết quả trong một
tương lai không xa”.
Sau phần chất vấn của các thành viên Ủy ban LHQ,
phái đoàn Việt Nam sẽ có cơ hội trình bày và trả lời các câu hỏi này vào ngày
hôm sau (15/11).
Tin cho hay Việt Nam đã cử một phái đoàn khoảng 30
người, đứng đầu là Thượng tướng Lê Quý Vương-Thứ trưởng Bộ Công an, đến Geneva
để tham gia điều trần.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã gửi một báo cáo trước đó
cho Ủy ban.
“Trong bản báo cáo đầu tiên của Việt Nam không nhắc gì tới nhiều đến những
sự việc đã xảy ra và cách giả quyết như thế nào, mà nhấn mạnh nhiều đến việc họ
cải tổ luật và nội luật hóa các cam kết quốc tế để đưa vào khung luật Việt Nam
ra sao. Cái đó cũng là một điều mà chúng tôi nghĩ là đáng khuyến khích. Tuy
nhiên, điều quan trọng hơn là thực thi luật như thế nào”, TS. Nguyễn Đình Thắng cho biết.
Việt Nam
chính thức ký tham gia Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc vào tháng
11/2013. Tại lễ ký, Đại sứ Lê Hoài Trung khẳng định việc
tham gia Công ước thể hiệm cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chống lại mọi hành vi
tra tấn và đối xử tàn bạo, đảm bảo ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của
con người.
VIDEO :
----------------------------
RFA
2018-11-13
2018-11-13
Theo lịch đã được công bố, tại phiên họp định kỳ lần
thứ 65 của Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc khai mạc hôm 12/11/2018 tại
Thụy Sĩ, Việt Nam sẽ có một phiên báo cáo việc thực hiện Công ước Chống tra tấn
vào ngày 14/11, và ngày 15/11 Việt Nam sẽ có một phiên trả lời các câu hỏi chất
vấn của Ủy Ban.
Phiên điều trần này sẽ được phát trực tiếp trên Web
TV của Liên Hiệp Quốc.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn
đầu phái đoàn Việt Nam gồm 30 người tham dự phiên điều trần lần này.
Để chuẩn bị, hôm 12/10/2018, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục
Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an tổ chức Hội thảo tham vấn ý
kiến về Hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi
Công ước chống tra tấn.
Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh,
Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết sau nhiều nỗ lực
của Ban soạn thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan, ngày 28/4/2017, Báo cáo
quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống
tra tấn của Liên Hiệp Quốc.
Vài tháng sau khi phiên điều trần năm 2018 kết thúc,
Ủy ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp Quốc sẽ ban hành một văn bản “Quan sát Kết
Luận” về Việt Nam để đánh giá việc thực hiện Công ước chống tra tấn của Việt
Nam và nêu ra các vấn đề mà Ủy ban thấy quan ngại, đồng thời đưa ra các khuyến
nghị để Việt Nam thực hiện.
Theo quy định của Công ước thì cứ mỗi 4 năm, Việt
Nam phải báo cáo việc thực hiện công ước này trong tư cách là một thành viên của
Ủy Ban.
Ông Phạm Lê Vương Các, một người quan tâm vấn đề, viết
trên tài khoản Facebook của bản thân rằng “Dù Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Chống
tra tấn nhưng luật hình sự Việt Nam không có quy định về tội danh tra tấn theo
định nghĩa của Công ước, nên không một viên chức chính quyền Việt Nam bị truy tố
về tội tra tấn dù tình trạng này diễn ra rất phổ biến. Điều này cho thấy chính
quyền Việt Nam chỉ giỏi đối phó hơn là thực thi các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế”.
--------------------------
Thượng
tướng Lê Quý Vương trả lời trước LHQ về công ước chống tra tấn
BBC Tiếng Việt
15/11/2018
Thông
tấn xã nói Việt Nam "quyết tâm thực hiện các cam kết về nhân quyền nói
chung và chống tra tấn nói riêng" trong lúc giới quan sát có ý kiến khác về
vấn đề này.
Trong hai ngày 14 và 15/11 tại Geneva, Thụy Sĩ, đoàn
công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, làm
trưởng đoàn, trình bày và trao đổi về Báo cáo Quốc gia lần thứ nhất của Việt
Nam về thực thi Công ước về chống tra tấn trước Ủy ban của Liên Hiệp Quốc.
'Quyết
tâm thực hiện cam kết'
Thông tấn xã Việt Nam hôm 15/11 cho hay:
"Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân
dân về quyền con người, về chống tra tấn. Báo cáo của phái đoàn Việt Nam cũng
liệt kê một số vụ việc có liên quan đến tra tấn, bức cung,
các vụ việc được điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian gần đây. Kết
quả xử lý các vụ việc này cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật vừa trừng trị
người có tội liên quan đến tra tấn đồng thời cũng răn đe, phòng ngừa vi phạm
pháp luật về chống tra tấn."
"Báo cáo về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện Công ước
về chống tra tấn thể hiện sự nghiêm túc và sẵn sàng chia sẻ, học hỏi cũng như
quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết về nhân quyền nói chung và
chống tra tấn nói riêng, qua đó cho thấy sự tích cực và chủ động của Việt Nam
tham gia đóng góp vào những công việc quốc tế, nhất là việc thúc đẩy và bảo vệ
quyền con người."
Ý kiến
phản biện
Tuy vậy, giới quan sát và các tổ chức nhân quyền có
ý kiến khác về vấn đề này.
Trả lời BBC hôm 15/11, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm
Nghiêm, nói: "Trước đây có những cuộc
tra tấn người dân trong nhà tạm giữ của công an. Có vụ đã được khởi tố nhưng
xét xử hời hợt cho có với mức án không đủ tính răn đe, hoặc "thí chốt"
như vụ ông Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên, vụ dùng nhục hình đối với các nạn nhân Trần
Văn Đở, ông Thạch Sô Phách và ông Khâu Sóc ở tỉnh Sóc Trăng..."
"Cũng có vụ tra tấn tàn bạo dẫn đến chết thảm như ông Nguyễn Văn Đức
ở tỉnh Vĩnh Long đã nhiều năm qua rơi vào im lặng dù vụ án dùng nhục hình đã được
khởi tố nhưng đến nay vẫn chưa có bị can nào bị khởi tố để chịu trách nhiệm về
cái chết của ông Đức."
"Gần đây, khi các nhà tạm giam, trại tạm giữ dần được trang bị máy
ghi hình khi điều tra viên hỏi cung bị can thì những cuộc tra tấn có dấu hiệu
đang chuyển về các cơ quan công an phường, xã hoặc những điểm tập kết người bị
bắt ngoài trụ sở công an với những người tra tấn mặc thường phục như vụ bắt bớ
những người biểu tình vào giữa tháng 6/2018 ở TP.Hồ Chí Minh."
"Rồi vài ngày trước nhà báo tự do Lê Thị Thư có cáo buộc về việc bà ấy
bị hành hung ở Biên Hòa."
"Những người bị bắt giữ trái pháp luật là người có xu hướng là những
đối tượng bị tra tấn nhiều nhất, vì họ bị bắt, bị tra tấn mà không hề có quyết
định khởi tố, lệnh tạm giam... Do đó hình thành tâm lý người dân sợ hãi khi có
giấy mời của cơ quan công an."
"Vấn đề này cần được Nhà nước nghiêm túc nhìn nhận khiếm khuyết về
việc để ra những cuộc tra tấn trái pháp luật bằng việc luật hóa tội phạm tra tấn
trong Bộ luật Hình sự với hình phạt nghiêm khắc để thể hiện việc bảo vệ thực sự
quyền con người."
'Không
có gì cụ thể'
Cũng trong hôm 15/11, bà Luisa Fenu, Giám đốc Vận động và Chương trình
của Tổ chức nhân quyền Pháp ACAT, người đang có mặt tại sự kiện ở Geneva, nói với
BBC: "Tôi có cảm nhận rằng bài phát
biểu khá dài giới thiệu của đoàn Việt Nam khá đơn giản."
"Họ tập trung vào những sửa đổi luật để phù hợp với nội dung của
Công ước về chống tra tấn, nhưng không có gì cụ thể được đề cập về việc thực
thi."
"Cũng chẳng có trích dẫn tham khảo về các nhóm người bị giam giữ cụ
thể như người dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo hoặc các tù nhân lương tâm. Họ đảm
bảo với Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc về mong muốn bảo vệ quyền con
người, ngăn chặn tra tấn trên lãnh thổ Việt Nam và có hành động trong trường hợp
có khiếu nại về tra tấn."
"Đoàn Việt Nam nói rằng thủ phạm tra tấn có thể bị phạt tù từ 6
tháng đến chung thân, nhưng không có trích dẫn về số lượng người bị tra tấn hoặc
những gì xảy ra với những người khiếu nại các vụ này."
"Họ cũng đề cập rằng chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đào tạo và phổ
biến nội dung của Công ước cho công an nhưng không đề cập đến số lượng các buổi
đào tạo, nội dung của nó, và người ta cũng không rõ công an hoặc nhân viên các
trại giam có được học các khóa này."
"Nhìn chung, đoàn Việt Nam nói họ sẵn lòng thực hiện Công ước về chống
tra tấn và công nhận rằng còn phải làm nhiều hơn nữa cho việc này. Nhưng nếu
nghiêm túc về việc thực thi Công ước, liệu họ có cho phép báo cáo viên đặc biệt
về tra tấn đến Việt Nam trong tương lai gần?"
"Tôi tin rằng Việt Nam đang cố gắng tạo ấn tượng rằng họ có những nỗ
lực để cải thiện tình hình trong bối cảnh có cáo buộc về sự đàn áp giới bất đồng
gia tăng tại nước này."
"Tuy nhiên, nếu chính phủ Việt Nam mở các khóa đào tạo Công ước về
chống tra tấn cho công an và khuyến khích họ, phối hợp với các tổ chức xã hội
dân sự, để thay đổi hành vi, thì đó có thể là cơ hội để thực trạng và cáo buộc
về tra tấn, tử vong trong đồn giảm bớt."
"Một điều quan trọng là dừng việc hình sự hóa những người bảo vệ
nhân quyền và cản trở công việc của các tổ chức nhân quyền, vì đây là những bên
có thể giúp cải thiện thực trạng này."
'Thực
trạng không thay đổi'
Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Thắng, CEO và chủ tịch Ủy ban cứu
Người vượt biển (BPSOS), người đang có mặt tại sự kiện ở Geneva, nói với BBC:
"Trong suốt ba tháng trước cuộc kiểm điểm Việt Nam về thực thi Công
ước về chống tra tấn, một nhóm khoảng 10 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc
tế đã lặng lẽ phối hợp để hoàn thành hai bản báo cáo chung nộp cho Ủy ban Chống
tra tấn của Liên Hiệp Quốc."
"Các câu hỏi của Ủy ban Chống tra tấn đặt ra cho phái đoàn Việt Nam
tại sự kiện này phần lớn dựa vào các bản báo cáo và thông tin cập nhật của
chúng tôi."
"Sau cuộc kiểm điểm, Việt Nam sẽ có văn bản trả lời chính thức các
câu hỏi của Ủy ban Chống tra tấn. Khoảng một năm sau, Ủy ban này sẽ có bản báo
cáo chung cuộc. Một năm ấy là cơ hội để các tổ chức xã hội dân sự ở trong và
ngoài Việt Nam đóng góp với bản báo cáo chung cuộc."
"Chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các tổ chức đồng hành từ bấy lâu
nay và với các nhóm đấu tranh ở trong nước để tận khai thác cơ hội này."
Ông Thắng cũng nói thêm: "Số người dân bị chết tại các đồn công an ở Việt Nam có thể tăng
hoặc giảm mỗi năm, nhưng thực trạng không có gì thay đổi."
"Nghĩa là, chính quyền vẫn không có biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa
tình trạng tra tấn. Nạn nhân và thân nhân của họ vẫn không thể trông cậy vào hệ
thống pháp luật để đòi công lý. Thủ phạm vẫn có thể vô tội vạ vì được hệ thống
chính quyền bao che."
"Muốn tránh tình trạng này thì phải có một định chế độc lập với
chính quyền để theo dõi các trường hợp tra tấn, kiểm tra việc thực thi Công ước
về chống tra tấn, và báo cáo với Nhà nước, với người dân và với quốc tế về các
khiếm khuyết trong chính sách hiện hành cũng như đề nghị các biện pháp cải thiện."
"Hình thành một định chế độc lập như vậy là một trong những đề nghị
trong báo cáo của chúng tôi gửi cho Ủy ban Chống tra tấn. Ngày hôm qua, khi mở
đầu buổi kiểm điểm, ông Jens Modvig, Chủ tịch của Ủy ban, đã hỏi phái đoàn Việt
Nam là chính quyền của họ có sẵn sàng chấp nhận đề nghị ấy không."
-----------------------
LIÊN
QUAN
No comments:
Post a Comment