Friday 9 November 2018

TT TRUMP VI HIẾN KHI CHỈ ĐỊNH WHITAKER THAY THẾ JEFF SESSIONS (tổng hợp)




November 9, 2018

Vox News –Trong bài xã luận đăng trên New York Times, ông George Conway – phu quân cố vấn cao cấp Toà Bạch Ốc Kellyanne Conway – và luật sư Neal Katyal cho rằng, Tổng thống Mỹ đã vi hiến khi bổ nhiệm ông Matthew Whitaker thay thế cựu Tổng trưởng Tư pháp Jeff Sessions.

Trên trang diễn đàn của báo New York Times hôm thứ năm 8/11, hai luật sư Neal Katyal và George Conway lý luận người thay thế vị trí của ông Sessions, đã chưa được Thượng Viện chuẩn thuận, chuyện này vi phạm điều khoản gọi là ‘Appointments Clauses’ của Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Hai luật sư nói trên cho hay điều khoản này quy định là ‘tất cả các viên chức cao cấp của chính phủ phải được Thượng Viện đồng ý’. Các quan sát viên nhận thấy cũng lạ là vì sao TT Trump lại không bổ nhiệm Thứ Trưởng Rod Rosenstein, người thứ nhì trong Bộ Tư Pháp, lên thay ông Sessions, vì làm như thế mới “đúng quy trình”

Photo credit: NBC

Thứ Trưởng Rosenstein là người đã được Thượng Viện chuẩn thuận trước đây, còn ông Whitaker thì không, vì ông chỉ là Chánh Văn Phòng cho Bộ Trưởng Sessions mà thôi.

Hai luật sư viết trong bài xã luận của họ như sau: “Vì tự bản chất việc làm này đã vi hiến, cho nên giờ đây bất cứ chuyện gì mà ông Whitaker quyết định hay cố gắng thực hiện, trong vị thế đó cũng sẽ đều vô giá trị”

Nhưng ‘chuyện lạ’ hơn trong bài xã luận nói trên chính là luật sư George Conway lại là phu quân của nữ cố vấn hàng đầu của Tòa Bạch Ốc, bà Kellyanne Conway. Ông cũng là người hay chỉ trích TT Trump và chính phủ, nhưng nhiều nhà quan sát cho là chuyện ông làm đối với việc bổ nhiệm sai trái ông Whitaker là đúng.

Một học giả tư pháp khác là giáo sư luật của đại học Georgetown, ông Marty Lederman cũng bày tỏ ý kiến, tuy nhẹ nhàng hơn ông Conway, là chuyện làm của TT Trump là ‘chưa có tiền định’ và do đó về mặt kỹ thuật vẫn mở rộng cửa cho mọi bình luận.
Đào Nguyên

*
*
November 9, 2018

(Media) – Tổng thống Donald Trump vào hôm thứ Sáu chĩa dùi mũi vào chồng bà Kellyanne Conway – cố vấn cao cấp Toà Bạch Ốc – sau khi ông George Conway cho rằng, việc bổ nhiệm Matthew Whitaker tạm quyền Tổng trưởng Tư pháp “vi hiến.”

Là đồng tác giả bài xã luận đăng trên mục ý kiến riêng của tờ New York Times vào hôm thứ 5, George Conway không chỉ lập luận, việc bổ nhiệm ông Whitaker “bất hợp pháp” mà còn bất cứ việc gì tạm quyền Tổng trưởng Tư pháp làm đều bất hợp lệ về mặt hiến pháp. Khi được hỏi về chuyện này, Tổng thống chuyển câu hỏi sang cho cố vấn cao cấp trong khi chỉ trích chồng bà ta. “Anh ta chỉ tìm cách lôi kéo sự chú ý cho bản thân,” ông Trump nói. “Tại sao quý vị không đi hỏi Kellyanne câu hỏi đó? Cô ấy có thể biết về anh ta nhiều hơn tôi. Tôi thực sự không biết người này.”

Photo Credit: AP

Trong khi vợ rất thân cận với Tổng thống, nhưng ông George Conway vẫn thường xuyên lên mạng Twitter chỉ trích ông Trump. Và khi được hỏi về vấn đề này, bà Kellyanne rõ ràng không hài lòng.

Ký giả Dana Bash của CNN thẳng thắn, “Chuyện gì xảy ra với những mẩu tweet của chồng bà vậy?” Bash nêu lên một số ý kiến trên Twitter của ông Conway, những mẩu tweet đã bị xoá, để được nghe phản hồi từ cố vấn Toà Bạch Ốc.

Bà Conway quay sang chỉ trích Hillary Clinton trước khi tuyên bố, “Thật đáng thú vị với tôi là CNN lại đụng đến chuyện này, nhưng cũng rất tốt cho cả thế giới vừa chứng kiến, đây là trò chơi công bằng … vợ chồng của người ta và những người khác có thể khác quan điểm với họ như thế nào … Điều đó sẽ rất thú vị.” Conway chỉ trích Bash đã đặt câu hỏi “hàm ý quấy rối và gây lúng túng,” và nhấn mạnh, vợ chồng rất nhiều khi khác nhau về quan điểm.

Dana Bash giải thích, điểm kỳ cục ở đây là khi vợ chồng của ai đó làm việc cho Tổng thống Hoa Kỳ mà người kia lại thường xuyên chỉ trích vị tổng thống đó.

Hương Giang (Theo Media)

-----------------------------------

Mai VânRFI
Đăng ngày 09-11-2018

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra vào tối qua, 08/11/2018, tại một số thành phố ở Mỹ để ủng hộ công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đang điều tra vụ Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Nhiều người biểu tình ủng hộ công tố viên đặc biệt Robert Mueller tại Los Angeles (California), ngày 8/11/2018. REUTERS/ Kyle Grillot

Việc tổng thống Donald Trump cách chức bộ trưởng Tư Pháp, và thay thế ông bằng một người đã từng tuyên bố là vụ điều tra này đi quá xa, cũng làm nhiều người dân lo ngại.

Thông tín viên RFI, Anne Corpet , tại Washington, đã gặp một số người biểu tình ở thủ đô nước Mỹ :

« Chúng tôi ủng hộ Robert Mueller ». Một người trên diễn đàn của cuộc biểu tình đã hô to như trên. Cách Nhà Trắng không xa là một tấm biển với đèn nhấp nháy hàng chữ : « Hãy cứu Mueller »…

Bà Caroline Connor đến biểu tình cùng với con gái và cho biết: Tôi rất lo ngại khi nghĩ là tổng thống tìm cách bãi nhiệm công tố viên Mueller. Và nếu ông ta làm như vậy, thì chúng tôi phải xuống đường thôi, vì đó là một hành vi vượt qua lằn ranh đỏ, bắt đầu một chế độ phát xít.

Cặp vợ chồng Susan và John Cassova cũng lo lắng từ lúc bộ trưởng Tư Pháp Sessions bị cách chức. Bà Susan Cassova giải thích: Ông Trump đã cách chức ông Sessions và chúng tôi nghĩ là ông ta sẽ tìm cách miễn nhiệm ông Mueller. Ông ta không thể làm như vậy được ».
John Cassova thì khẳng định: Nếu tổng thống đúng và không có cấu kết, thì ông không có gì phải lo ngại cả. Ông Mueller là một công tố viên đáng tin cậy. Chúng ta chỉ cần xem kết quả điều tra như thế nào, có thế thôi.

Không khí cuộc biểu tình rất sôi động. Mỗi khi nghe tên tổng thống Trump là đoàn biểu tình la ó: Có tội, Có tội ! Matthew Whitacker, quyền bộ trưởng được tổng thống đề cử cũng đã bị la ó. Jamie Raskin, dân biểu bang Maryland, nói thẳng: Đó là một người không có trình độ nghiệp vụ, ông ta chỉ ở đó để phục vụ tổng thống.

Ông Matthew Whitacker chỉ là bộ trưởng tạm thời, chưa được Thượng Viện phê chuẩn, cho nên, theo các chuyên gia, những quyết định ông không có giá trị ».

*
*
Thụy My – RFI
Đăng ngày 08-11-2018

Hôm qua 07/11/2018 ngay sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ kết thúc, tổng thống Mỹ Donald Trump đã cách chức bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, người vốn thường xuyên bị ông chỉ trích vì đứng ngoài trong cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Quyết định này ngay lập tức làm căng thẳng quan hệ giữa Nhà Trắng và phe Dân Chủ, vừa giành được đa số tại Hạ Viện.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet gởi về bài tường trình:

«Tổng thống Mỹ luôn gây bất ngờ cho mọi người, và áp đặt nhịp độ của ông lên đời sống chính trị. Việc sa thải ông Jeff Sessions ngay lập tức đã làm thay đổi giọng điệu trao đổi giữa Nhà Trắng và phe Dân Chủ, nay có đa số tại Hạ Viện.

Bà Nancy Pelosi phản ứng: Không thể nói gì khác hơn là về việc cách chức bộ trưởng Tư Pháp, rằng đây lại là một mưu toan trắng trợn, nhằm chấm dứt cuộc điều tra của chưởng lý Mueller. Bà kêu gọi thông qua ngay một đạo luật nhằm bảo vệ khả năng của chưởng lý để xác định các sự kiện ».

Bà Pelosi cho rằng cần phải đoàn kết, sau chiến thắng của Dân Chủ ở Hạ Viện. Bà nói: « Người Mỹ đã chia rẽ quá đủ ». Về phía tổng thống cũng nhấn mạnh ý định làm việc với phe Dân Chủ trên tinh thần hợp tác.

Tuy được loan báo một cách phũ phàng, nhưng sự ra đi của ông Jeff Sessions không gây ngạc nhiên: bộ trưởng Tư Pháp Mỹ thường xuyên bị tổng thống đả kích vì đã tự rút, không phụ trách cuộc điều tra về can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Donald Trump thông báo, tạm thời chánh văn phòng bộ trưởng bộ Tư Pháp là Matthew Whitacker sẽ thay thế. Ông này trong một bài viết từng cho rằng cuộc điều tra của chưởng lý Mueller đã đi quá xa ».

Nhiều cuộc biểu tình dự kiến diễn ra trên khắp nước Mỹ hôm nay 08/11 để đòi tổng thống Trump không được dập tắt cuộc điều tra của ông Mueller. Các cuộc xuống đường này do phong trào MoveOn khởi xướng với khẩu hiệu « Không ai có thể đứng trên luật pháp », với sự tham gia của nhiều tổ chức cấp tiến.

Nhà Trắng cấm cửa một nhà báo CNN sau khi va chạm với Trump
Nhà Trắng hôm qua 07/11/2018 thông báo ngưng cấp phép hoạt động tại phủ tổng thống đối với Jim Acosta, phóng viên CNN, sau khi nhà báo này tranh cãi gay gắt với tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo.
Ông Trump bực tức vì ông Acosta liên tục chất vấn về đoàn di dân và không muốn trả lời tiếp, nhưng nhà báo này từ chối đưa lại micro. Khi một phụ nữ trẻ trong ê-kíp Nhà Trắng cố lấy lại, tay của hai người có chạm vào nhau. Phát ngôn viên Nhà Trắng cáo buộc nhà báo này đã đụng chạm nữ thực tập sinh, còn Jim Acosta tố cáo cái cớ trên đây là dối trá.







No comments:

Post a Comment

View My Stats