Wednesday 21 November 2018

THƯƠNG MẠI & BIỂN ĐÔNG : MỸ SIẾT THÊM GỌNG KỀM TRÊN TRUNG QUỐC (RFI | BBC)




Đăng ngày 21-11-2018

Trong cùng một ngày, hôm qua, 20/11/2018, Mỹ đã có hai động thái nhắm vào Trung Quốc. Tại Washington, văn phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ tố cáo Bắc Kinh cố giữ chính sách thương mại « vô lý, bất công » đối với Hoa Kỳ, trong lúc tại Biển Đông, Không Quân Mỹ lại cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay ngang khu vực Biển Đông trong một cử chỉ thị uy. Theo giới quan sát, rõ ràng là Mỹ đang gia tăng sức ép trên Trung Quốc trong bối cảnh lãnh đạo hai nước chuẩn bị gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G.20 vào cuối tháng 11.

U.S. trade representative Robert Lighthizer (2nd R), a member of the U.S. trade delegation to China, leaves a hotel in Beijing, China May 3, 2018. REUTERS/Jason Lee

Trong bản cập nhật cuộc điều tra về chính sách chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, Đại Diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer đã thẩm định rằng « Trung Quốc về cơ bản, vẫn chưa thay đổi các chính sách thương mại bất công, vô lý và bóp méo thị trường », mà Mỹ từng nêu lên với Bắc Kinh.

Theo ông Lighthizer, Bắc Kinh đã không phản hồi « một cách xây dựng » với các vấn đề nêu lên, và không có hành động nào đáng kể để giải quyết các lo ngại của Mỹ. Đối với đại diện thương mại Mỹ, Trung Quốc rõ ràng không muốn thay đổi chính sách hiện tại, vẫn tiếp tục các chính sách nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ thông qua Internet, đồng thời tạo rào cản về cấp phép công nghệ, dùng hàng rào này để buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ ».

Văn kiện có thể gọi là « luận tội » Trung Quốc này được công bố trước ngày tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Thượng Đỉnh G20 tại Argentina, được cho là sẽ tăng cường sức ép trên Bắc Kinh, vốn rất muốn tìm lối ra cho cuộc chiến tranh thương mại kéo dài từ nhiều tháng qua.

Áp lực quân sự, ngoại giao

Sức ép về mặt thương mại có dấu hiệu được tiến hành song song với các áp lực trong các lãnh vực quân sự, ngoại giao. Đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc ghé thăm Philippines, một đồng minh của Washington nhưng lại đang xoay trục hướng về Bắc Kinh, Lực Lượng Không Quân Thái Bình Dương của Mỹ hôm qua loan báo  đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay gần Biển Đông, tham gia một công việc « huấn luyện thường kỳ » ở khu vực « lân cận Biển Đông », gần các đảo tranh chấp.

Thông báo của Không Quân Mỹ còn lập lại các từ ngữ mà Trung Quốc rất ghét. Đó là phi vụ của hai chiếc B-52 « phù hợp với luật quốc tế và cam kết lâu dài của Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

Không chỉ thị uy trên không, Mỹ còn phô trương sức mạnh trên biển. Hãng tin Mỹ AP vào hôm qua xác nhận việc Hải Quân Mỹ quyết định cử hai chiếc tàu sân bay vào Biển Đông. Đó là các hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis. Hai hàng không mẫu hạm này vừa tập trận trên vùng Biển Philippines, sẽ chuyển hướng đi vào Biển Đông.

Trước đó, hôm 17/11 vừa qua, đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, trong một phát biểu tại Canada đã tố cáo Trung Quốc biến các đá ngầm và rạn san hô trên Biển Đông thành một « vạn lý trường thành » tên lửa, đe dọa quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực.

Áp lực ngoại giao từ phó tổng thống Mỹ

Trong lãnh vực ngoại giao, áp lực dữ dội nhất và gần đây nhất trên Trung Quốc đến từ phó tổng thống Mỹ Mike Pence, đã không ngần ngại « nã pháo » vào Trung Quốc nhân hai hội nghị ASEAN ở Singapore và APEC ở Papua New Guinea vào tuần trước.

Tại Singapore, ông Pence đã thẳng thắn tuyên bố Biển Đông không phải là của riêng nước nào, một mũi tên rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, nước tự nhận mình là chủ hầu hết Biển Đông.

Còn tại Papua New Guinea, nơi có mặt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phó tổng thống Mỹ không ngần ngại đả kích sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường của lãnh đạo Bắc Kinh khi khẳng định với các nước khác rằng Hoa Kỳ không bao giờ đề nghị với đối tác của mình « một vành đai bóp nghẹt », hoặc một « con đường một chiều ».


Trọng Nghĩa - RFI   |    Đăng ngày 20-11-2018
.
Trọng Thành – RFI    |    Đăng ngày 19-11-2018
.
Thụy My – RFI   |   Đăng ngày 18-11-2018 


-----------------------------------------
BBC Tiếng Việt
21 tháng 11 2018

Một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump vừa đưa ra đề nghị có thể "trục xuất Trung Quốc" ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).Trong một cuộc phỏng vấn của BBC, ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ, nói Trung Quốc "đã thiếu cư xử" với tư cách của một thành viên của WTO.

Ông Kevin Hassett, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Donald Trump

Ông cũng tuyên bố rằng tổ chức này đã làm Hoa Kỳ thất vọng.
Ông Hassett cũng cho rằng chiến lược cứng rắn của ông Donald Trump về thương mại quốc tế đang đạt hiệu quả.
Còn đối với WTO thì cách tiếp cận của chính quyền của Tổng thống Trump bị nhiều thành viên khác cho là gây rối.
Nó gây ra một thách thức lớn đối với WTO trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên về cáo buộc vi phạm các quy tắc của WTO.

Tiến sĩ Hassett cho biết WTO đã đóng một vai trò lịch sử rất quan trọng trong việc giúp hiện đại hóa thế giới. Nhưng ông cũng nghĩ rằng nó đã khiến Mỹ thất vọng ở nhiều mặt.
Ông nói rằng Hoa Kỳ thường thắng các vụ việc mà Washington trình lên WTO nhưng "phải mất năm hoặc sáu năm sau mới được giải quyết và khi đó thì thiệt hại đã xảy ra".
Ông nói rằng WTO cần phải cải thiện việc đối phó với các nước không tuân thủ các quy tắc và sẵn sàng nhận thua tại WTO vì hình phạt quá nhẹ.

"Chúng tôi chưa bao giờ hình dung được rằng có một quốc gia gia nhập WTO mà hành xử như cái cách mà Trung Quốc đang làm. Một thành viên WTO cư xử sai phạm quá nhiều như thế này khá là mới," ông Kevin Hassett nói.

Ông Hassett đặt ra ba giải pháp để giải quyết tình trạng trên: thông qua đàm phán song phương, cải cách WTO hay thậm chí loại Trung Quốc ra khỏi WTO.

Lựa chọn cuối cùng được cho là lựa chọn ít được mong muốn nhất, bất đắc dĩ nhất của Tiến sĩ Hassett và ông nêu đề nghị này dưới dạng một câu hỏi: "Chúng ta có nên theo đuổi việc trục xuất Trung Quốc khỏi WTO?"
Điều này có thể sẽ không xảy ra, nhưng người ta vẫn rất kinh ngạc khi nghe những lời này từ một nhân vật cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ.
Nhưng điều này cũng chứng tỏ nó hoàn toàn tuân theo chính sách cách tiếp cận kinh tế đối ngoại rất quyết đoán của chính quyền Trump - có phần đối đầu hơn những người tiền nhiệm của ông.

Tiến sĩ Hassett cũng nói thêm rằng mức thuế quan mới đánh lên Trung Quốc đã được thiết kế để gây ra thiệt hại tối thiểu cho Hoa Kỳ nhưng gây áp lực tối đa đối với Trung Quốc.
Ông cho rằng chính sách thuế quan này đang rất hiệu quả và buộc Trung Quốc phải đến bàn đàm phán.
Ông nói ông rất hy vọng rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có các cuộc đàm phán hiệu quả khi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới.

----------------------------

VOA Tiếng Việt
22/11/2018

Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm 21/11 lời qua tiếng lại tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi đại sứ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã sử dụng WTO để theo đuổi các chính sách phi thị trường trong khi một quan chức Trung Quốc nói rằng chính Washington mới là bên vi phạm luật lệ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm cho các đối tác thương mại Mỹ nổi giận khi dựng lên bức tường quan thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu với lý do quan ngại an ninh quốc gia. Mỹ cũng đánh thuế cao vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với các buộc ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Tại một cuộc họp của WTO hôm 21/11, nơi một loạt các tranh chấp pháp lý về các chính sách thương mại của Trump bước vào giai đoạn phán xử, Đại sứ Mỹ Dennis Shea nói rằng Trung Quốc đã sử dụng WTO để thúc đẩy các chính sách ‘phi thị trường’, vốn đã bóp méo các thị trường thế giới và dẫn đến năng lực sản xuất dư thừa, nhất là nhôm và thép.

Quan chức Trung Quốc phản bác lại rằng Bắc Kinh không muốn tham gia vào trò đổ tội và nói rằng Mỹ đã không thể chứng minh cho những cáo buộc ‘vô căn cứ’ về kinh tế Trung Quốc mà Mỹ dùng để che giấu cho những vi phạm của Mỹ về luật lệ của WTO.

Cả hai phía đều cáo buộc nhau là đạo đức giả.

Đại sứ Shea nói rằng WTO nên gạt qua vụ kiện Trung Quốc đưa ra cùng với những vụ kiện của EU, Canada, Mexico, Na Uy, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì những quy tắc của WTO cho phép ngoại lệ trong những trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Phía Mỹ cũng bắt đầu quy trình tố tụng của họ để kiện những biện pháp đánh thuế trả đũa của Canada, Mexico, Trung Quốc và EU. Những nước này nói rằng thuế kim loại của ông Trump là biện pháp bảo hộ rõ ràng của Mỹ.

Đáp trả lại than phiền của Mỹ về sở hữu trí tuệ, đại diện của Trung Quốc nhấn mạnh rằng WTO vẫn còn những vụ tranh chấp vẫn chưa được giải quyết, trong đó có phán quyết hồi năm 2004 trước vi phạm của Mỹ đối với thỏa thuận của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.








No comments:

Post a Comment

View My Stats