Ngô
Nhân Dụng
November 2, 2018
Nếu hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình không thỏa
hiệp được với nhau, cuộc chiến tranh mậu dịch giữa hai nước có thể làm kinh tế
cả thế giới đi xuống trong năm tới. Cuộc suy thoái sẽ bắt đầu khi Trung Cộng
không thể ngăn quả bom nợ bùng nổ.
Tổng số nợ trong kinh tế Trung Quốc đã lên gấp ba lần
Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP). Số nợ của tư nhân chiếm 18.6% GDP vào năm 2008 đã
tăng lên thành 46.5% vào giữa năm 2018. Những món nợ có cơ không thể trả được,
nguy hiểm nhất, là do các chính quyền địa phương, đã lên tới 163% GDP vào năm
2017.
Nhưng một mối đe dọa lớn cho hệ thống tài chánh
Trung Quốc là những món nợ vay của nước ngoài và vay bằng đô la Mỹ, phải trả
lãi và vốn cũng bằng đô la Mỹ.
Kể từ năm 2008, khi kinh tế Mỹ và cả thế giới suy yếu,
số trái khoán bằng đô la (dollar-denominated bonds) của các công ty Trung Quốc
đã tăng lên gấp bốn lần, theo số liệu của Ngân Hàng Thanh Hóa Quốc Tế (BIS,
Bank of International Settlenmants) ở Thụy Sĩ!
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đã tăng số
nợ bằng đô la. Các nước đang lên khác cũng đang bị dè nặng dưới thứ trái phiếu
này, khi họ vay đô la trên thị trường tài chánh quốc tế; số nợ đô la của
Brazil, Mexico đã tăng gấp đôi, Nam Phi và Indonesia đã vay thêm gấp ba, Chile
và Argentina gấp bốn lần như Trung Quốc.
Những nước trên đây đều đang lo khó trả nợ khi Ngân
Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) tăng lãi suất, và đồng đô la Mỹ tăng giá. Nếu đô la tiếp
tục tăng giá, số đô la dùng để trả tiền lãi và vốn sẽ đắt hơn khi các nước này
dùng tiền bản xứ mua đô la Mỹ. Khi lãi suất ở Mỹ tăng, muốn vay thêm đô la để
trả nợ cũ sẽ phải chịu trả lãi nhiều hơn; đó là một mối lo khác.
Nhưng không phải chỉ có các nước mang nợ lo lắng, mà
cả thế giới đều lo với họ. Vì hệ thống tài chánh và kinh tế thế giới ngày nay
đã liên hệ chặt chẽ với nhau, rút dây là động rừng. Nền tài chánh thế giới,
trong đó đô la Mỹ đóng vai trò chính, đã trở thành một đại dương, tài chánh mỗi
quốc gia là một khu biển nhỏ, nhưng nước biển cùng lên hay cùng xuống với nhau.
Khủng hoảng tài chánh và ngân hàng ở một nước sẽ gây ảnh hưởng trên các nước
khác. Đáng lo nhất vẫn là kinh tế Trung Quốc; nếu họ chìm thì sẽ kéo cả thế giới
xuống theo.
Trước năm 1975, hệ thống tài chánh thế giới còn được
kiểm soát chặt chẽ; ít xảy ra những cuộc khủng hoảng ngân hàng. Sau đó, hệ thống
ngân hàng các quốc gia được “cởi trói” và đồng tiền lưu chuyển giữa các nước
cũng dễ dàng hơn. Hiện tượng này giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng, đặc biệt từ
năm 1990, sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Châu Âu; nhưng từ đó mỗi năm trung
bình có 13 nước lâm vào khủng hoảng ngân hàng.
Khi hệ thống tài chánh được toàn cầu hóa, đồng tiền
vốn chạy nhanh giữa các quốc gia; giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát
triển. Số tiền vay nợ “xuyên quốc gia” vào năm 1998 là $9,000 tỷ, năm 2008 đã
tăng lên thành $35,000 tỷ; hiện nay đã xuống còn khoảng $30,000 tỷ. Chúng ta có
thể thấy hiện tượng vay nợ xuyên quốc gia này rõ nhất từ năm 2000.
Trong thập niên đầu thiên niên kỷ, những nước bán
nhiều, mua ít, “tiết kiệm” được nhiều nhất là những nước xuất cảng dầu lửa,
cùng với Trung Quốc, một nước xuất cảng hàng giá rẻ nhờ trả lương công nhân rất
thấp. Những đồng tiền thặng dư đó được chuyển qua những nước tiên tiến, cho vay
hoặc đầu tư. Dòng tiền tệ này đã đẩy lãi suất ở Mỹ xuống thấp, và giá các loại
tài sản lên, đặc biệt là trong thị trường địa ốc. Nước Mỹ hưởng lợi nhiều nhất
vì được vay với lãi suất rất rẻ; nhưng chính sách kiểm soát dễ dãi đã đưa tới
cuộc khủng hoảng địa ốc, sau đó lan qua hệ thống tài chánh làm kinh tế suy
thoái trong những năm 2007, 2008.
Sau cuộc “đại suy thoái” này, dòng tiền tệ bắt đầu
chảy ngược chiều, từ các nước tiên tiến qua các nước đang phát triển, như Trung
Quốc; vì phản ứng từ các nước Âu Mỹ.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng 2008, Ngân Hàng
Trung Ương Mỹ và các nước Tây Âu đã giảm lãi suất. Họ lại bơm thêm tiền ra cho
công chúng dùng để kích thích kinh tế, bằng cách mua trái phiếu quốc gia – nói
cách khác là in tiền rồi cho chính phủ vay. Khi lãi suất ở Mỹ và Tây Âu xuống,
giới đầu tư quốc tế, trong đó có những nước dư tiền, đưa tiền đi nơi khác tìm lợi
suất cao hơn. Dòng đô la bắt đầu chạy qua những nước “đang lên.” Vì thế, những món
nợ ở Trung Quốc, Chile và Argentina tăng nhanh như chúng ta đã thấy. Các xí
nghiệp ở nhiều nước đang lên đi vay nợ, vay bằng đô la Mỹ, đã tăng lên gấp bốn
lần từ năm 2009.
Từ năm 2015, khi thấy kinh tế Mỹ đã đủ vững, Ngân
Hàng Trung Ương Mỹ bắt đầu tăng lãi suất, lật ngược chính sách lãi suất thấp
trước đó. Đồng đô la Mỹ lên cao, tới nay đã tăng giá trị thêm 25%. Như trên đã
giải thích, đô la lên giá khiến các nước vay nợ bằng đô la gặp khó khăn. Vay một
đô la năm 2014 chẳng hạn, giờ muốn có một đô la trả nợ thì phải mua với giá cao
hơn 25%! Nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina đã gặp nạn, và căn bệnh này rất dễ
lan truyền qua các nước đang phát triển khác, trong đó có Trung Quốc. Trong 30
năm qua, kinh tế những nước gọi là đang phát triển đã tăng lên, từ tỷ lệ 36%
năm 1989 nay lên tới 59% GDP của cả thế giới. Cho nên nếu các nước này “lâm nạn”
thì những nước nghèo hơn hay giầu hơn cũng bị họa theo.
Tại Trung Quốc, quả bom nợ phồng lên cùng với trào
lưu đô la chạy sang các nước mới phát triển. Năm 2009 tổng số nợ lớn bằng 175%
GDP nay đã lên bằng 300% GDP. Riêng với những món nợ bằng đô la Mỹ; năm 2009 hầu
như chưa xí nghiệp nào đi vay trong thị trường thế giới; nhưng đến nay số nợ đô
la đã lên tới $450 tỷ, bằng nửa số tiền mà Trung Cộng dùng ngoại tệ dự trữ đem
cho chính phủ Mỹ vay.
Vay nợ không phải là một vấn đề! Đối với các xí nghiệp
hay với các quốc gia, đi vay bao nhiêu cũng được nếu số tiền vay được dùng vào
việc đầu tư sinh lợi, suất lợi kiếm được cao hơn lãi suất phải trả. Lợi suất
càng cao thì vay càng nhiều càng tốt. Vấn đề của Trung Cộng là hầu hết các món
nợ đều dùng cho những dự án không sinh lời hoặc hoàn toàn thua lỗ.
Cộng Sản Trung Quốc biết như vậy, và Tập Cận Bình đã
bắt đầu “cải tổ” từ khi nhậm chức năm 2012. Nhưng hai việc cải tổ rất khó khăn
là làm sao hãm bớt không cho các doanh nghiệp nhà nước yếu kém vay nợ và cắt số
nợ của chính quyền các địa phương. Cả hai kế hoạch đều bị luồn lách lảng tránh
hoặc chống đối. Giữa lúc đó, cuộc chiến tranh mậu dịch do ông Donald Trump gây
ra khiến Tập Cận Bình lại thêm mối lo mới: Ngành xuất cảng sẽ xuống, kéo theo
những ngành khác. Để đối phó, muốn giữ cho kinh tế không xuống nhanh quá, Tập Cận
Bình lại phải thả lỏng cho các xí nghiệp và chính quyền vay nợ thêm, miễn là vẫn
còn giữ được công ăn việc làm để kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên 6% một năm.
Nhưng muốn giữ mức tăng trưởng đó, phải nâng cao cả
phía cung và phía cầu, mà điều này không dễ dàng. Trước đây, chính quyền Trung
Quốc đã “kích cung” bằng cách xây dựng rất nhiều nhà máy, cao ốc, đường xe lửa,
xa lộ, vân vân, bây giờ đã xây quá thừa, nhiều nơi bỏ trống không dùng tới. Muốn
nâng cao phần cung bây giờ thì phải gia tăng năng suất với kỹ thuật tân tiến,
và chuyển tài nguyên vào các lãnh vực có năng suất cao hơn. Nhưng cho tới nay,
kế hoạch đó chưa thực hiện được. Tập Cận Bình vẫn phải thỏa hiệp, tiếp tục cho
ngân hàng bơm tiền vô những xí nghiệp quốc doanh không sinh lợi.
Nhưng nếu Tập Cận Bình có thể “kích cung” theo hướng
trên đây, nỗi khó khăn về phía cầu sẽ tăng lên. Việc nâng cao năng suất bằng
cách bỏ bớt các doanh nghiệp nhà nước xưa nay chỉ ăn hại sẽ gây hậu quả trước mắt
là công nhân trong các xí nghiệp đó sẽ mất việc. Một số lớn người tiêu thụ bắt
buộc phải thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó thì kế hoạch chuyển nền kinh tế từ
xuất cảng sang tiêu thụ nội địa chưa đạt được kết quả nào đáng kể. Hơn nữa, vì
kế hoạch kích thích tiêu thụ này mà số nợ của tư nhân đã tăng vọt lên, từ 18.6%
GDP vào năm 2008 nay thành 46.5%, như đã nói trên đây. Tăng lợi tức của người
tiêu thụ cũng là một biện pháp kích cầu tốt, nhưng từ năm 2016 đến nay tỷ lệ lợi
tức của các gia đình so với Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) đã giảm chứ không
tăng.
Tập Cận Bình có thể cố giữ số hàng xuất cảng không
cho rớt xuống nhanh quá, bằng cách hạ thấp giá đồng nguyên của Trung Quốc so với
đô la Mỹ. Nhưng làm như vậy sẽ càng chọc giận Donald Trump, cuộc chiến tranh
quan thuế sẽ tàn nhẫn hơn. Hơn nữa, khi đồng nguyên xuống giá so với tiền Mỹ,
những món nợ vay bằng đô la của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trở thành nặng nề
hơn.
Không ai cầu mong kinh tế Trung Quốc lâm nạn, vì tai
họa sẽ lan truyền khắp thế giới, kể cả nước Mỹ. Năm 1989, kinh tế Trung Quốc chỉ
bằng 4% của GDP của thế giới, bây giờ đã lên thành 19%. Nếu kinh tế Trung Quốc
suy sụp thì những nước đang bán hàng cho họ gặp nguy, những ngân hàng đang cho
họ vay tiền cũng lâm nạn. Hậu quả lan ra khiến hệ thống ngân hàng quốc tế cũng
khó thoát nạn. Khi ngân hàng khắp nơi phải giảm bớt số tiền cho vay thì kinh tế
toàn cầu sẽ xuống theo.
Hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình sẽ được mọi người
chung quanh nhắc nhở mối nguy chung này trong lần gặp gỡ sắp tới. (Ngô
Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment