Tuesday, 6 November 2018

STEPHEN WALT : MỘT HỌC GIẢ ĐÁNG ĐỌC (Phạm Phú Khải)




06/11/2018

Tôi không theo dõi tạp chí Foreign Policy nhiều bằng Foreign Affairs vì nhiều nguyên do, một phần vì phẩm chất về nội dung và phần khác vì có không có nhiều thời gian. Nhưng mỗi khi mở FP ra đọc, tôi thường chú ý đến các bài viết của giáo sư Stephen Walt. Ông luôn có những suy nghĩ phê phán và chiến lược đối với các chính sách ngoại giao và thành trì ngoại giao của Hoa Kỳ, và luôn có những dữ kiện và biện luận vững chắc cho các quan điểm của mình. Ông không đứng về phía Cộng hòa hay Dân chủ mà thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình. Các phê bình của ông nhắm đến các chính sách ngoại giao thời Bill Clinton, George W Bush và Barack Obama, cũng như với Donald Trump hiện nay.

Tuy không cùng quan điểm với ông về nhiều vấn đề hay các khía cạnh của vấn đề, cách phân tích nhận định và cách đặt vấn đề của Walt làm cho người đọc, trong đó có tôi, suy nghĩ và phản ánh các quan niệm đang có của mình. Tôi luôn quan niệm không có một sự thật tuyệt đối, và do đó không nên bảo thủ ôm cứng các quan niệm của mình, nhất là khi có dữ kiện mới hay lý luận thuyết phục. Vì thế nên tôi nhận thấy tầm quan trọng trong các bài viết của Walt, và đây là sự thành công của ông, dù chúng ta có đồng ý với ông hay không. Làm cho người khác suy nghĩ (lại) đã là một thành công trong việc viết lách rồi.

Walt hiện đang giảng dạy quan hệ quốc tế tại trường đại học Harvard. Ông thuộc trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế (realist school of international relations, tức realism). Nhưng khác với những nhà sáng lập hay trụ cột trong trường phái này, Walt có vẻ là người hiện thực hơn bởi vì tuy coi trọng lý thuyết (điều mà ông cho là tất cả mọi người đều chịu ảnh hưởng dù có ý thức hay có công nhận hay không), ông không câu nệ hay phụ thuộc quá nhiều vào nó, và vì thế ông không phải là người giáo điều. Nói cách khác, Walt là người hiện thực theo nghĩa thực dụng.

Cũng cần nhắc lại một chút về chủ nghĩa hiện thực (realism) và tân hiện thực (neo-realism). Những người như Hans Morgenthau, tác giả của Chính trị Giữa các Quốc gia (Politics Among Nations, xuất bản đầu tiên năm 1948, một thời là sách gối đầu cho sinh viên ngành bang giao quốc tế), được xem như là cha đẻ của trường phái hiện thực cổ điển. Trong thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh, Kenneth Waltz đã tái cấu trúc lại chủ nghĩa hiện thực, và ông là tác giả của Lý thuyết về Chính trị Quốc tế (Theory of International Politics, xuất bản năm 1979). Trong thời Chiến tranh Lạnh, hai trường phái quan điểm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất vào chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nói riêng và bang giao quốc tế nói chung là chủ nghĩa tân hiện thực và tân cấp tiến.

Chủ nghĩa hiện thực, theo quan điểm của Walt, là cố gắng giải thích chính trị thế giới như những gì chúng là, chứ không phải những gì chúng nên là. Nó có một quá khứ lâu dài và có nhiều khác biệt trong cùng trường phái, nhưng nồng cốt của nó dựa vào tập hợp các ý tưởng đơn giản. Ông tóm gọn nó như sau. Một, đối với người hiện thực, quyền lực nằm trung điểm của đời sống chính trị. Mặc dầu các yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng chìa khóa để hiểu chính trị nằm ở chỗ ai đang nắm giữ quyền lực và đang làm gì với nó. Hai, đối với các nhà hiện thực, nhà nước là nhân vật chính trong hệ thống chính trị thế giới. Vì không thể trông chờ một trung tâm quyền lực giải quyết các tranh chấp, mọi nhà nước phải dựa vào tài nguyên và chiến lược của chính mình để tồn tại. Do đó an ninh là quan tâm muôn đời của mọi nhà nước, mà tất cả đều lo lắng ai trở nên mạnh hay yếu, và xu hướng thay đổi nấc thang quyền lực lên xuống ra sao. Ba, hợp tác không phải là điều bất khả, có lúc nó cần thiết để sống còn, nhưng nó rất là mỏng manh. Các nhà hiện thực xác định rằng nhà nước có xu hướng phản ứng với đe doạ bằng cách chuyển nhượng cho người khác việc đối phó với hiểm nguy, và nếu không thành công thì họ tìm cách cân bằng mối đe dọa đó, bằng cách tìm đồng minh hoặc xây dựng khả năng của riêng mình.

Tuy chịu ảnh hưởng về chủ nghĩa hiện thực hoặc tân hiện thực của những người thầy và các thế hệ đi trước, Walt có tư duy phóng khoáng và cởi mở hơn. Walt ghi nhận chủ nghĩa hiện thực không phải là cách duy nhất để giải thích, để thấu hiểu các vấn đề phức tạp của chính trị quốc tế, bởi vì luôn có nhiều xu hướng khác thích hợp và hữu lý hơn, tùy theo từng vấn đề. Nhưng theo Walt, nếu suy nghĩ như một người hiện thực, trong khoảng thời gian nào đó, thì nhiều khía cạnh mập mờ, mơ hồ của chính trị quốc tế sẽ trở thành dễ hiểu hơn. Ngoài ra trong cuộc tranh luận với giáo sư G. John Ikenberry (một người nổi tiếng trong trường phái chủ nghĩa quốc tế cấp tiến), tuy phê bình thẳng thắn tác phẩm Liberal Leviathan của Ikenberry vì cho rằng trường phái cấp tiến là quá lạc quan (nên thiếu thực tế), Walt cũng công nhận rằng phần lớn ông cũng đồng ý với các quy định cụ thể trong cuốn sách này, và thế giới sẽ trở nên tốt hơn nếu các nhà nước hành xử như Ikenberry đề nghị.

Trong bài mới đây trên FP, “Thế giới chúng ta đang hướng tới là thế giới kiểu nào?”, Walt cho rằng chính trị quyền lực vẫn còn đây, không đi đâu cả, và chúng ta chưa bao giờ thật sự rời nó. Thế giới vào năm 2025, chẳng hạn, sẽ tiếp tục đánh dấu cuộc cạnh tranh càng gây gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và có thể tiếp tục kéo dài sau đó. Tuy nhiên không có quốc gia nào như Hoa Kỳ có đủ các yếu tố tổng hợp về ảnh hưởng kinh tế, công nghệ tinh tế (technological sophistication), sức mạnh quân sự, an ninh lãnh thổ, và dân số thuận lợi để qua mặt Hoa Kỳ, mặc dầu khoảng cách của thế thượng phong sẽ ngày càng nhỏ hơn so với trước đây cũng như các vấn đề về tài chính dài hạn và sự chia rẽ chính trị sâu sắc trong nền chính trị nội địa của quốc gia này.

Walt là người cổ võ cho chiến lược “cân bằng ngoài nước” (offshore balancing). Chiến lược này đề cao việc sử dụng quyền lực vùng (regional powers, tức các quốc gia có tiềm lực trong vùng) để kiềm chế và cân bằng sự trổi dậy của các cường quốc thù nghịch có tiềm năng trổi lên, thay vì chiến lược “vượt trội/lãnh đạo cấp tiến” (liberal hegemony). Walt biện luận rằng các chính quyền từ thời Clinton, Bush cho đến Obama đều chủ trương sử dụng sức mạnh đồ sộ của nó để phát huy các giá trị cấp tiến trên toàn thế giới, bằng biện pháp hòa bình nếu có thể, không thì bằng vũ lực. Walt phê phán chiến lược này, cho nó là thất bại hoàn toàn, làm hao mòn quyền lực và uy tín của Hoa Kỳ một cách không cần thiết.

Tựu chung Walt biện luận rằng Hoa Kỳ nên tự chế trong cung cách sử dụng quyền lực của mình, nên áp dụng chiến lược “cân bằng ngoài nước” vì có nhiều điểm lợi. Một, tiết kiệm được hàng tỷ đô la, không bị tốn kém quá mực về chi phí quân sự, mà thay vào đó sử dụng nguồn lực này cho các chiến lược ưu tiên khác, nhất là các chi phí cần thiết cho quốc nội. Hai, nó tôn trọng sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, như thế không tìm cách áp đặt các giá trị của Hoa Kỳ lên những quốc gia khác (qua đó ít bị phản đối hơn), và nên tập trung vào việc làm gương cho các quốc gia khác noi theo.

Chính sách đối ngoại của chính quyền Trump hiện nay một phần nào đó phản ảnh một chiến lược ngoại giao có vẻ tự chế hơn, không tham vọng bao trùm như trước. Thoạt nhìn thì chủ trương của Trump và quan niệm của Walt có vẻ tương đồng. Cho nên đã có người khác như sử gia Hal Brands biện luận rằng những người như John Mearsheimer, Barry Posen và Stephen Walt - là những học giả phê bình gây gắt các chính sách ngoại giao thất bại của Hoa Kỳ - và Donald Trump cũng phê phán như thế, nên tựu chung họ tương đồng với nhau. Nhưng Walt bác bỏ điều này vì theo ông vấn đề là phức tạp hơn nhiều, và không thể bóp méo các luận điểm của ông đã trình bày nhiều thập niên qua.

Vào tháng Ba năm 2013, Walt được nhân viên Kế hoạch Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời nói chuyện và yêu cầu ông nên thẳng thắn “khiêu khích” (be provocative). Nhận lời, Walt trình bày đề tài “Vì sao các chính sách ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục thất bại”. Sau bài nói chuyện này, Walt có ý định viết thành cuốn sách hẳn hoi. Ông đã hoàn tất bản thảo vào tháng 10 năm 2016, và dự trù cuốn sách sẽ ra mắt khoảng chừng một năm sau khi bà Hillary Clinton làm tổng thống, tức khoảng cuối năm 2017. Ông tính vậy thì nghĩ rằng bà Clinton cũng sẽ như các người tiền nhiệm của mình lập lại các lỗi lầm chiến lược. Ông không ngờ bà Hillary lại bị ông Trump đánh bại cuối năm đó. Vì thế nên việc ra mắt sách của ông bị hoãn lại và đã thay đổi nội dung sâu sắc cho phù hợp. Ông cho ra mắt tác phẩm mới của mình vào tháng 10 vừa qua.






No comments:

Post a Comment

View My Stats