Thursday, 8 November 2018

SẼ CÒN LẠI GÌ ? (Đỗ Cao Cường)





Mặc dù thấy mình cũng chẳng giỏi giang gì nhưng tôi vẫn được một luật sư tài năng của Hoa Kỳ thúc giục nộp hồ sơ xin học bổng du học thạc sĩ vì đã sắp hết hạn.

Nhưng còn rất nhiều thứ chưa hoàn thành, có lẽ tôi sẽ đăng ký vào kỳ học năm sau hoặc cũng có thể sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ. Bởi gần đây, tôi có nghe thông tin từ một phóng viên thường trú, cho tới chú công an gần nhà cho người thân của tôi biết rằng mấy cán bộ ở trên Hà Nội đã xuống địa phương thăm dò về tôi, chú khuyên tôi không nên nhận tiền từ các thế lực thù địch bên ngoài.

Vậy là, sau những tháng ngày liều chết, một mình đồng hành với biết bao người dân thấp cổ bé họng trong nước, từ chối các cuộc gặp gỡ riêng tư, các hợp đồng truyền thông tiền tỷ cùng các lãnh đạo doanh nghiệp, chính quyền, một mình chống chọi lại các tờ báo lớn trong nước, chấp nhận sống trong cảnh khó khăn, thì đến nay nhiều bài viết của tôi trên Báo mới cùng một số trang báo mạng khác đã bị gỡ, tôi còn bị quy chụp nhận vài đồng bạc lẻ để kích động người dân.

Nếu một ngày người ta buộc tội tôi (như nhóm phóng viên, dư luận viên trẻ tuổi Lê Quỳnh, Sỹ Thảo, Cao Tùng vừa rồi có đưa hình ảnh của tôi lên một cách trái phép, lăng mạ công khai tôi trên Đài Phát thanh – Truyền hình Thanh Hóa) thì tôi chỉ mong các bạn hiểu ra rằng tội của tôi đơn giản là bất đồng chính kiến, tôi đặt lợi ích người dân cao hơn bất kỳ đảng phái, lãnh tụ nào.

Bất đồng chính kiến là một cái gì đó ghê gớm lắm khi sống trong các nước nghèo khổ, bất hạnh, nhưng nó lại là điều kiện tiên quyết để hình thành nên các quốc gia phát triển.
Tôi và các bạn cũng không nợ nần, xin xỏ gì nhau, khi nào muốn tôi đi, mệt tôi nghỉ, mọi thứ tôi làm đều là tự nguyện, dù sự tự nguyện đó đôi khi phải đánh đổi bằng cả sự nghiệp, tuổi thanh xuân, tù đày, và thậm chí là mạng sống.

Tôi cũng không thường xuyên lên facebook hay chỉ ngồi một chỗ chửi rủa, những chuyến đi âm thầm của tôi khá rủi ro, khi thì bị đuổi đánh, lúc thì bị xe đâm, dị ứng da, mắt… tôi cũng mới lang thang một mình tới một số nhà máy nhiệt điện giáp biên giới Trung Quốc cùng vài tỉnh thành phía Bắc, thật buồn vì đã để mất một số tài liệu quan trọng. Rồi tôi lại lang thang tới một số vùng ô nhiễm thuộc tỉnh Hưng Yên, một tỉnh đang có nhiều tỷ phú rác, họ đi lên nhờ việc tái chế phế liệu.

Nhưng các bạn có biết?

Chẳng khó để bắt gặp cảnh tượng người ta xả thải một cách vô tội vạ, ngành quản lý môi trường cũng giống như bao ngành khác khi không có các tổ chức độc lập giám sát, không có tòa án độc lập…

Với tôi, tàn sát môi trường không chỉ coi là tội phạm giết người hàng loạt, mà nó còn hủy hoại cả Trái Đất, giống nòi, góp phần gia tăng thiên tai và đầu độc tất cả các loài sinh vật.

Thật buồn khi phải chứng kiến hệ thống sông Bắc Hưng Hải với hơn 230 km đường chính cùng hơn 2.000 km đường nhánh, từng đi vào tuổi thơ của biết bao thế hệ cùng với bộ phim “Nước về Bắc Hưng Hải”, một bộ phim từng đoạt giải huy chương vàng trong Liên hoan phim Matxcơva năm 1959, thì đến nay nó đã biến thành con sông chết.

Năm 2014, Bộ Y tế cũng đã thông báo 97% trẻ em ở thôn Đông Mai, huyện Văn Lâm, Hưng Yên bị nhiễm chì trong máu với hàm lượng vượt ngưỡng 3 – 7 lần mức cho phép, nguyên nhân chủ yếu do các hoạt động tái chế pin, ắc quy trong thôn…

Tôi vẫn muốn tìm kiếm một con sông trong lành, một niềm hy vọng dù nhỏ nhoi để hồi tưởng lại một giai đoạn mà đời người đã đi qua, nhưng dường như, càng tìm kiếm tôi càng vô vọng.

Người ta thường bảo với nhau rằng sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, tôi cũng không biết nữa, vì tương lai con cháu chúng ta sáng kiểu gì đây khi chỉ còn một đống nợ khổng lồ với toàn rác thải độc hại, có lẽ, chúng chỉ còn cơ hội đắm mình vào những trận mưa axit, những con sông đục ngầu.

Trước mặt chúng sẽ là những tòa nhà cao ngút, những vật dụng tiện nghi hơn thời đại mà chúng ta đang sống. Nhưng rốt cuộc, chúng không có lấy một nguồn nước sạch để uống, thức ăn sạch để ăn, không khí sạch để thở. Chúng sinh ra trong đau đớn và chết trong bệnh tật. Vậy, cuộc sống của chúng còn có ý nghĩa gì?

VIDEO : GIÀU TRÊN NHỮNG XÁC NGƯỜI


Chẳng cần tới chiến tranh, bom rơi đạn lạc, ngay giữa thời bình hàng triệu dân thường, hàng trăm ngàn cộng đồng dân cư vẫn có thể bị cướp đi cuộc sống bình yên, cướp đi sinh mạng, nếu tất cả cứ tiếp tục quay lưng ngoảnh mặt làm ngơ hay thậm chí tiếp tay cho các thế lực thủ ác đổ thải trực tiếp hóa chất, thuốc độc ra đất đai, sông hồ, rừng biển, hủy diệt đồng bào, đồng loại, hủy diệt tự nhiên và hủy diệt chính mình. Thế nên đâu chỉ thời chiến mới cần có "anh hùng" mà thời bình càng cần có "anh hùng", càng cần những người dũng cảm đương đầu với CÁI ÁC, chống lại CÁI ÁC. Như lời bài ca năm nào "đâu có giặc là ta cứ đi" ngày nay cần được đổi lại là "Đâu có CÁI ÁC là ta cứ đi". Ủng hộ bạn và cầu mong có thật nhiều người đứng về phía bạn chống lại CÁI ÁC, chống lại HỦY DIỆT và cầu chúc cho bạn thật nhiều bình an.






No comments:

Post a Comment

View My Stats