Tú Anh – RFI
Đăng ngày 09-11-2018
Trong
bối cảnh tấn công ngoại giao chống Bắc Kinh, chính quyền Mỹ đón tiếp hai viên
chức cao cấp của Trung Quốc trong ngày thứ Sáu 09/11/2018.
Kết quả cuộc đối thoại « ngoại giao và an
ninh » Mỹ-Trung lần thứ hai có thể cho phép suy đoán hai bên tìm được
đồng thuận xuống thang chiến tranh thương mại hay chưa, ba tuần trước cuộc gặp
Donald Trump-Tập Cận Bình tại Achentina.
Theo dự trù, sau cuộc họp tay tư giữa ngoại trưởng Mỹ
Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis với hai đồng sự Trung Quốc Dương
Khiết Trì (chánh văn phòng đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản) và bộ trưởng Quốc
Phòng Ngụy Phượng Hoà, sẽ có một cuộc họp báo chung tại Washington.
Đây là cuộc đối thoại « ngoại giao và an
ninh » Mỹ-Trung lần thứ hai (lần đầu vào tháng 06/2017) trong tiến
trình vực dậy quan hệ song phương, theo quyết định của tổng thống Donald Trump
và chủ tịch Tập Cận Bình, trong cuộc hội kiến lần đầu vào tháng 04/2017 tại
Florida, vốn được tân chủ nhân Nhà Trắng xem là « cơ sở của mối quan hệ
thân hữu » với lãnh đạo Trung Quốc.
Thế nhưng, từ đó đến nay, quan hệ hai nước trở thành
dầu sôi lửa bỏng. Tổng thống Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc
và tấn công trên nhiều mặt trận khác: tố cáo Bắc Kinh đánh cắp kỹ năng công nghệ,
bành trướng quân sự, đàn áp các quyền tự do của công dân và các sắc dân thiểu số.
Trung Quốc còn bị tố « can thiệp vào bầu cử » để triệt hạ tổng
thống Donald Trump.
Song song với các biện pháp áp thêm thuế đối với
hàng hóa Trung Quốc, Washington bật đèn xanh bán vũ khí và trang thiết bị quân
sự cho Đài Bắc với giá khoảng 330 triệu đô la, với lập luận « vì an
ninh của nước Mỹ và vì an ninh và thịnh vượng chung trong khu vực ». Cùng
lúc, Mỹ giáng đòn trừng phạt - « phong tỏa ngoại hối, cấm giao dịch qua
ngân hàng Mỹ, tịch biên tài sản… » - đối với Cục quản lý phát triển vũ
khí Trung Quốc, một đơn vị chủ chốt của quân đội và cục trưởng Lý Thượng Phúc,
vì mua vũ khí Nga.
Hệ quả là cuộc đối thoại « ngoại giao và an
ninh » lần hai, lẽ ra phải được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng 10, đã
bị « dời lại ». Theo AFP, cuộc họp ngày hôm nay tại Washington
có thể xem là tín hiệu « hạ nhiệt ». Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc,
Terry Brandstad, tuyên bố muốn có quan hệ « xây dựng » với
Trung Quốc và « hướng về tương lai ». Hoa Kỳ không tìm
cách « ngăn chặn Trung Quốc », nhưng muốn đối tác phải ứng xử «
công bằng và có qua có lại ». Cũng theo đại sứ Mỹ, cuộc đối thoại hôm
nay phải đề cập một cách « thẳng thắng, cởi mở » trên nhiều vấn
đề như quân sự hóa biển Đông, Bắc Triều Tiên, nhân quyền tại Trung Quốc, nạn xuất
khẩu đại trà ma túy tổng hợp fentanyl cực mạnh gây chết người hàng loạt tại Mỹ…
Còn đối với Trung Quốc, chủ đề chính vẫn là Đài Loan
mà Bắc Kinh dứt khoát xem là chuyện nội bộ. Tuy nhiên, trên vấn đề này, Bắc
Kinh tỏ ra muốn hợp tác với Mỹ « trong tinh thần đôi bên cùng có lợi
» để tránh đụng độ. Trích lời chánh văn phòng đối ngoại Trung ương đảng
Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, sau cuộc gặp của ông với cố vấn an ninh tổng
thống Mỹ John Bolton hôm thứ Tư, Tân Hoa Xã cho biết như trên.
Đâu là điểm, đâu là diện ?
Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh đấu dịu và dịu tới
đâu ? Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, đặc trách châu Á của Hội Đồng Đối Ngoại
Châu Âu (ECFR), các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc là nhằm xóa
bỏ chính sách ngoại giao mà hai nước xây dựng trong thời Barack Obama. Hải quân
Trung Quốc không được mời tham gia các cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và các đồng
minh ở Thái Bình Dương. Những sự kiện này khiến Bắc Kinh lo ngại rằng chiến
tranh thương mại chỉ là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Washington
nhằm đối đầu với Trung Quốc.
Liệu Bắc Kinh sẽ ký với Washington một « hiệp
định thương mại lớn » như tổng thống Donald Trump tuyên bố một cách lạc
quan ? Cuộc họp tại Washington sẽ trả lời phần nào câu hỏi này trước cuộc gặp
Trump-Tập bên lề G20 tại Achentina vào cuối tháng 11/2018.
---------------------
Anh Vũ - RFI
Đăng ngày 09-11-2018
Hôm
nay, 09/11/2018, tại Washington, các quan chức cao cấp Mỹ và Trung Quốc gặp
nhau trong khuôn khổ cuộc đối thoại thường niên 2+2 về an ninh và ngoại giao.
Theo thông báo của đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, tình hình Biển Đông cũng nằm trong nội
dung thảo luận.
Trong cuộc họp báo của bộ Ngoại Giao Mỹ tại
Washington, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Terry Branstad, cho biết trong cuộc đối
thoại lần này, Hoa Kỳ sẽ cố gắng đạt được những bước tiến trong nhiều vấn đề ưu
tiên, như hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Đây là cuộc đối thoại 2+2 thường niên lần thứ 2 giữa
hai nước. Phiên họp đầu tiên diễn ra năm 2017 tại Bắc Kinh. Theo dự kiến, hai
bên gặp nhau vào tháng 10 nhưng đã phải rời lại, do Bắc Kinh và Washington có
những căng thẳng về thương mại, về vấn đề Đài Loan hay về những đòi hỏi chủ quyền
của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Quốc Phòng Jim
Mattis sẽ hội đàm với đại diện Trung Quốc là các ông Dương Khiết Trì, chánh văn
phòng đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc, và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng
Hòa.
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Terry Branstad, nhấn mạnh
vai trò hợp tác của Trung Quốc trong nhiều vấn đề quốc tế, đồng thời ông đánh giá
Bắc Kinh là “nhân tố quan trọng” để đưa Bắc Triều Tiên trở lại
bàn đàm phán.
No comments:
Post a Comment