Saturday, 10 November 2018

MÙI CỦA TỬ KHÍ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂY (Trần Công Trục)




11/11/2018

Đối thoại Mỹ -Trung hai ngày 8 và 9/11/2018 tại Washington, Hoa Kỳ vừa kết thúc. Đáng lý ra, cuộc đối thoại này tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng trước nhưng Trung Quốc đã đơn phương hủy bỏ.

Thành phần tham dự (2+2) gồm bốn nhân vật thuộc hạng tai to mặt lớn nhất nhì quốc gia. Đoàn Trung Quốc gồm: Bộ trưởng Quốc phòng tướng Ngụy Phương Hòa và Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì đặc tránh ngoại giao. Đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.


Nội dụng đối thoại về bốn hồ sơ:
1) Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung;
2) Chính sách một Trung Quốc;
3) Cuộc đàn áp độc ác nhằm Hán hóa và xóa sổ nhóm tiểu số Hồi giáo ở Tân Cương;
4) Biển Đông và tự do hàng hải ở Á châu – Thái Bình Dương.

Hồ sơ 1) Cuộc chiến Thương mại Mỹ – Trung, Trung Quốc bảo cả hai cùng chết, và tổn thất của họ là không đáng kể.

Ở hồ sơ thứ 2) và 3) Trung Quốc bảo đó là công việc nội bộ. Mỹ đừng xía vào chuyện riêng.

Riêng hồ sơ thứ 4) Biển Đông nổi lên như một tâm điểm của “đối thoại” hay gọi là “cãi lộn” cũng không ngoa.

Mỹ nhắc Trung Quốc phải dừng ngay những hoạt động quân sự tại Biển Đông, không được đưa tàu thuyền ra khiêu khích, cắt ngang lộ trình của tàu chiến, máy bay Mỹ đi vào khu vực.

Dương Kiết Trì bảo Mỹ phải dừng ngay việc gởi tàu chiến, máy bay vào vùng biển chủ quyền của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ nói: Chúng tôi rất quan ngại về hoạt động quân sự và cả dân sự Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng thực thể địa lý của vùng này như trong quá khứ.

Dương Khiết Trì đáp: Trung Quốc có quyền xây dựng những cơ sở quốc phòng cần thiết trên lãnh thổ của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố thẳng thừng rằng những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là không thể chấp nhận. Đây là vùng biển quốc tế, phải được áp dụng dưới luật pháp quốc tế.

Cả hai không đạt được một điểm đồng thuận nào. Tuy vậy, Bộ Ngoại giao và truyền thông Trung Quốc cho rằng cuộc đối thoại Mỹ – Trung lần này rất thẳng thắn, xây dựng và hữu ích.

Truyền thông Việt Nam bị cấm khẩu. Không một hàng tin về cuộc đối thoại Mỹ -Trung ngày 9/11/2018. Hình như Việt Nam không coi Biển Đông là vấn đề đáng phải quan tâm.

Hai ngày đàm phán cam go kết thúc. Họ cùng họp báo. Công luận nhận thấy sự khác biệt Mỹ – Trung đắng cay đến mức như cuộc đối thoại của những kẻ điếc.

Có lẽ vấn đề Biển Đông chỉ có thể giải quyết bằng một cuộc chiến tranh. Mùi của tử khí bắt đầu tư đây.

Hà Nội 11/11/2018
Trần Công Trực


 -------------------------------


XEM THÊM

Đăng ngày 10-11-2018

Mỹ và Trung Quốc không ngừng cáo buộc nhau gây căng thẳng ở Biển Đông trong khuôn khổ cuộc đối thoại thường niên 2+2 về an ninh và ngoại giao tại Washington ngày 09/11/2018.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và chánh văn phòng đối ngoại đảng CS Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc họp báo ngày 09/11/2018 tại Washington.REUTERS/Leah Millis

Theo hãng tin AFP, trả lời họp báo sau buổi làm việc với phái đoàn Trung Quốc, chánh văn phòng đối ngoại đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh : « Chúng tôi tiếp tục quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc và quá trình quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các cam kết của mình trong lĩnh vực này ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis kêu gọi « giảm nguy cơ tính toán sai lầm » có thể dẫn đến các cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông.

Về phía phái đoàn Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh kiên quyết tránh mọi va chạm tại Biển Đông, đồng thời yêu cầu Mỹ ngừng điều chiến hạm và chiến đấu cơ đến gần các đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, cũng như chấm dứt các « hành động phá hoại chủ quyền của Trung Quốc » tại Biển Đông.

Ông Dương Khiết Trì cũng kêu gọi Washington chấm dứt « can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc » liên quan đến nhân quyền, ngụ ý đến các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ và sắc dân thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương.

Dù « cuộc đối thoại mang tính xây dựng và hữu nghị », theo ngoại trưởng Mỹ, AFP cho rằng hai nước không tìm cách che giấu những bất đồng sâu sắc trong nhiều chủ đề quan trọng. Tuy nhiên, ông Pompeo trấn an rằng sẽ tránh « một cuộc chiến tranh lạnh mới ».

Thương mại và hạt nhân Bắc Triều Tiên

Cũng trong buổi họp báo, đại diện cho ngành ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố hy vọng đôi bên sớm tìm ra đồng thuận. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thì tránh đề cập nhiều tới chủ đề này.

Về hạt nhân Bắc Triều Tiên, Mike Pompeo kêu gọi Bắc Kinh duy trì áp lực lên chính quyền Bình Nhưỡng, hợp tác với Washington nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên cho tới khi nào quốc gia này bãi bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân.

Đáp lời ngoại trưởng Mỹ, chánh Văn Phòng Đối Ngoại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Vương Khiết Trì, nhắc lại lập trường của Bắc Kinh : « Ủng hộ công cuộc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực qua đối thoại và đàm phán » và Trung Quốc « tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh » các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Bắc Kinh cũng hy vọng Mỹ và Bắc Triều Tiên chóng nối lại đàm phán sau khi Washington hoãn cuộc gặp hôm 08/11/2018 với phó chủ tịch đảng Lao Động Bắc Triều Tiên, Kim Yong Chol. Nhân vật này được coi là cánh tay mặt của chủ tịch Kim Jong Un.

Phát biểu ngày 09/11/2018, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley giải thích phía Bình Nhưỡng chưa sẵn sàng. Còn ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cho biết Bình Nhưỡng và Washington đang tìm kiếm một thời điểm thích hợp cho cuộc gặp được dự trù giữa các ông Mike Pompeo và Kim Yong Chol.


-----------------------------
BBC Tiếng Việt
10 tháng 11 2018

Các quan chức Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng quân sự hóa khu vực Biển Đông đang có tranh chấp trong một cuộc họp ngoại giao quân sự cấp cao hôm 9/11.
Trong lúc đó, phía Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng điều tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các hòn đảo và bãi đá mà nước này tuyên bố chủ quyền.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tại cuộc họp báo hôm 9/11. DIAO HAIYANG/GETTY IMAGES

Cuộc họp thường niên Đối thoại Ngoại giao và Quân sự Mỹ - Trung diễn ra tại Washington hôm thứ Sáu 9/11.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã gặp Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ông Ngụy Phượng Hòa.

Được dự kiến tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng trước, cuộc họp sau đó đã bị hoãn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước.

VIDEO :
Biển Đông: Hải quân Trung Quốc yêu cầu máy bay Mỹ ‘rời khỏi ngay lập tức’

Mỹ chỉ trích TQ tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo chỉ trích Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo nhân tạo và bãi đá ở Biển Đông, nơi Trung Quốc khẳng định nước này có chủ quyền.
"Chúng tôi vẫn có lo ngại về các hoạt động và việc quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc," ông Pompeo phát biểu sau cuộc họp. "Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc thực hiện các cam kết đã có ở khu vực này."

Ông Dương Khiết Trì, cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người có kinh nghiệm xây dựng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, nói Trung Quốc đã cam kết "không đối đầu" nhưng Bắc Kinh có quyền xây dựng "các cơ sở quốc phòng cần thiết" ở nơi mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói rõ yêu cầu này của Trung Quốc không được Washington để ý tới, và khẳng định Mỹ hành động theo luật quốc tế để bảo vệ khả năng tiếp cận tới Biển Đông cho Mỹ và các quốc gia khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa. MARK WILSON/GETTY IMAGES

Trung Quốc phủ nhận tự do hàng hải bị cản trở
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp hôm thứ Sáu, Ủy viên Quốc vụ, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc ông Dương Khiết Trì nói:

"Phía Trung Quốc cam kết cho hòa bình và phát triển ở Châu Á Thái Bình Dương. Chúng tôi tôn trọng lợi ích của Hoa Kỳ ở châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời, chúng tôi trông đợi Hoa Kỳ tôn trọng lợi ích an ninh của Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương, tôn trọng chủ quyền và lợi ích phát triển của Trung Quốc.
"Trung Quốc đã tiến hành xây dựng trên các đảo và bãi đá của chúng tôi. Hầu hết chúng là các căn cứ dân sự. Mục đích là để phục vụ lợi ích của người dân Trung Quốc và cũng là để mang lại điều tốt cho những nước khác.
"Đồng thời, điều cần thiết cho Trung Quốc là xây dựng những cơ sở an ninh nhất định đáp lại các mối đe dọa tiềm năng từ bên ngoài. Chúng tôi tin rằng không một quốc gia nào có thể lấy cớ để tiến hành quân sự hóa ở khu vực này. Thực ra, theo đuổi quân sự hóa trong khu vực không những làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nước trong khu vực, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến các nước có những hành động đó. Không có chuyện tự do hàng hải và đường bay trên không bị cản trở, nên dùng tự do hàng hải và bay trên không làm lý do để theo đuổi các hành động quân sự là phi lý."

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về những điều cụ thể phía Mỹ và Trung Quốc đang làm để xây dựng một cơ chế quân sự tránh xung đột, ông Dương Khiết Trì đáp:

"Trong phần thảo luận của chúng tôi hôm nay, phía Trung Quốc nói rõ cho phía Mỹ rằng Mỹ phải ngừng điều tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các hòn đảo và bãi đá của Trung Quốc và ngừng các hành động làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Và chúng tôi yêu cầu Mỹ đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và phát triển ở Biển Đông. Điều đó sẽ giúp giảm các nguy cơ an ninh."

Cuộc họp "thẳng thắn và xây dựng"
Trong một thông cáo đưa ra hôm thứ Bảy 10/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả cuộc họp là "thẳng thắn, xây dựng và rất thành công".
Ngoài chủ đề tự do hàng hải trên các vùng biển châu Á - Thái Bình Dương, hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về những điểm khác biệt, trong đó có chiến tranh thương mại, một nước Đài Loan tự trị và việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương.
Cuộc họp giữa hai bên được cho là nhằm kiềm chế tổn hại của mối quan hệ giữa hai bên, đã xấu đi nhiều trong vài tháng qua, và để mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng 11.
"Hoa Kỳ không theo đuổi một cuộc Chiến tranh Lạnh hay một chính sách ngăn chặn đối với Trung Quốc," Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói tại cuộc họp báo.

Cho dù Hoa Kỳ và Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức khó khăn, "hợp tác vẫn là điều chủ chốt trong nhiều vấn đề," ông nói và dẫn chiếu nỗ lực thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân.






No comments:

Post a Comment

View My Stats