Nguyễn Thị Hậu
23/11/2018
Chợ thiệp Sài Gòn
Hồi những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Sài Gòn từng
có một “ chợ ” bán thiệp quanh năm nhưng từ khoảng đầu tháng 11 trở nên tấp nập,
rộn ràng và tươi vui muôn vàn màu sắc.
Đấy là thời gian Sài Gòn bắt đầu có những ngọn gió
se se mát lạnh vào chiều tối, hơi sương lảng bảng quanh những ngọn đèn đường.
Những đường phố khu trung tâm hình ảnh Ông già Noel đã xuất hiện sớm trên cửa
kính quán xá nhắc nhở người qua đường mùa Giáng sinh đang đến, năm Dương lịch sắp
hết. Một thành phố phóng khoáng và mang nhiều nét Tây phương như Sài Gòn thì
mùa lễ hội cuối năm thường kéo dài từ Noel đến Tết âm lịch. Từ lúc này Chợ Thiệp
ở trước Bưu điện trung tâm bắt đầu vào mùa cao điểm bán Thiệp Xuân.
Ngày thường nơi đây có những sạp bán bao thơ, bưu ảnh,
giấy viết thư… Thời ấy người ta còn viết thư tay, bỏ bao thơ dán tem và gửi bưu
điện. Tại đây bán các loại bao thơ đủ màu trắng xanh hồng tím hoa văn in nổi in
chìm đậm nhạt đủ kiểu. Mỗi xấp là chục 12 chiếc cùng một màu hoặc nhiều màu,
đơn giản nhất là bao thơ viền sọc xanh đỏ in chữ “ par avion ”. Bao thơ làm bằng
loại giấy mịn màng, dày vừa đủ kín đáo nhưng cũng mỏng vừa đủ là “ cánh thư ”.
Còn giấy viết thư là từng xấp mỏng, có kẻ hoặc không, góc tờ giấy cũng in màu
nhạt và hoa văn chìm… Thời mới hòa bình những dòng chữ trên những tờ giấy đẹp
như thế đã nối liền biết bao gia đình trong Nam ngoài Bắc. Rồi thiệp sinh nhật,
thiệp chúc tốt lành… loại nào khi mua cũng được người bán cho vào chiếc bao nilon
trong suốt và kèm theo bao thơ trắng tinh, làm người mua không thể chỉ mua một
chiếc.
Vào mùa thiệp Tết sạp bán thiệp nở rộ trên vỉa hè và
khoảng trống xung quanh Nhà Thờ Đức Bà. Mỗi sạp đơn giản là một chiếc bàn, hai
bên đóng cái khung gỗ treo những chiếc khánh màu đỏ rực rỡ màu vàng lấp lánh
xen lẫn những mẫu thiệp mừng Giáng Sinh và mừng năm mới của ta lẫn tây : Giáng
sinh An lành, Merry Christmas, Cung chúc tân xuân, Chúc mừng năm mới, Happy New
Year, Bonne Année… Vài năm sau tháng tư 75 còn có cả С Новым годом theo
trào lưu học tiếng Nga… Thiệp Tây thì có ông già Noel và xe tuần lộc, ngôi nhà ấm
áp ngọn đèn trong đên mưa tuyết, cây thông xanh lấp lánh trang kim… Thiệp Tết
truyền thống có hình hoa đào hoa mai, cây nêu bánh chưng tràng pháo… dần dần có
thêm nhiều thiệp vẽ bụi tre nhà lá dòng kinh cầu dừa thiếu nữ khăn rằn áo dài
tóc bay theo gió… Là để gửi cho những người đã ra đi một chút hình ảnh quê nhà.
Chợ Thiệp bán từ sáng đến tối khi bưu điện đóng cửa
vẫn còn vài sạp sáng đèn. Người mua từ già trẻ lớn bé giàu nghèo, từ người Sài
Gòn đến du khách… mọi người đều chọn được những tấm thiệp đẹp ưng ý lại vừa túi
tiền. Những tấm thiệp không chỉ có lời chúc xã giao lịch sự mà còn gửi gắm bao
nỗi niềm thương nhớ…
Sài Gòn có nhiều nơi bán thiệp nhất là gần các nhà
thờ, bắt đầu “ mùa thiệp ” là cho mùa Giáng sinh. Trong các Bưu điện hay nhà
sách, các sạp báo và đồ lưu niệm ở đường Nguyễn Huệ cũng bán bưu ảnh thiệp tết…
nhưng không đâu đông đúc và nhiều mẫu thiệp đẹp như chợ thiệp ở Bưu điện trung
tâm. Đó cũng là một nơi mà người Sài Gòn chí ít cũng vài lần lui tới
trong năm, như đi chợ Bến Thành, đến Thương xá Tax, dạo chơi bến Bạch Đằng… Nó
cũng là nơi nhiều du khách nhớ đến bởi sự phong phú của văn hóa Việt tập trung ở
đây qua những tấm thiệp muôn màu muôn vẻ.
Từ khoảng cuối những năm 1980 chợ Thiệp vắng dần, vì
chất lượng giấy làm bao thơ, làm thiệp ngày càng kém, mẫu mã đơn điệu, chất lượng
in lại xấu. Dù vẫn còn nhu cầu về thiệp trong các dịp lễ tết vẫn còn nhưng người
ta không còn thói quen dạo chơi và mua thiệp cũng vì chợ đã bị dẹp vì “ lấn chiếm
lòng lề đường ”. Khoảng mươi năm trước Chợ thiệp lại được nhóm họp ở đây với
phong trào thiệp hand make : những chiếc thiệp hình vẽ ngộ
nghĩnh, trang trí không đụng hàng, trẻ trung, hiện đại… Nhưng cũng chỉ sôi nổi
được một thời gian vì internet đã phổ biến.
Bây giờ người ta viết thư gửi thiệp đều qua mạng, chẳng
mấy ai còn nhớ đến những cánh thiệp Xuân được bày bán bên hông Bưu điện Sài Gòn
thủa trước…
Xích lô Sài Gòn
Xích lô không chỉ là một phương tiện giao thông đặc
trưng của đô thị Sài Gòn mà còn là một nét đẹp của văn hoá giao thông ở đây, bởi
những lý do sau.
Xích lô Sài Gòn đẹp : năm 1975 từ Hà Nội về nhìn thấy
những chiếc xích lô đậu sát vỉa hè những con đường Sài Gòn, tôi đã ngạc nhiên
vô cùng : So với phần lớn những chiếc xích lô cũ kỹ thấp lè tè, sàn và ghế chỉ
bằng gỗ, miếng nệm nếu có cũng dúm dó cũ mèm ở Hà Nội thì xích lô Sài Gòn thiết
kế cao, gọn, nệm mui luôn có sẵn, có khi làm bằng vải hoa vui mắt, nhẹ nhõm,
phù hợp với thời tiết nắng gió của Sài Gòn. Xe được lau chùi bóng loáng, tra dầu
mỡ thường xuyên nên đạp nhẹ mà chạy nhanh, không có tiếng kêu cót két nặng nhọc
làm người ta ngần ngại khi ngồi trên xe mà họ có thể thoải mái ngắm nhìn phố
phường.
Xích lô Sài Gòn là một loại dịch vụ đô thị : Do cấu
tạo xe, ghế của người đạp xe khá cao nên người đạp có tư thế đàng hoàng hơn,
không phải cúi thấp gò lưng nặng nhọc đạp xe, khách và chủ xe có thể nói chuyện
thoải mái với nhau suốt cả cuốc xích lô. Phần lớn những người đạp xích lô Sài
Gòn ăn nói nhã nhặn, mời chào khách nhưng không chèo kéo hay doạ nạt, khách đi
thì cám ơn mà khách không đi cũng… cám ơn luôn. Vui vẻ, sòng phẳng, xích lô Sài
Gòn cho thấy sự bình đẳng trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ – một đặc
trưng của văn hoá đô thị.
Xích lô Sài Gòn cho biết về người Sài Gòn : dù người
đạp xích lô là người nhập cư hay người Sài Gòn thì ứng xử và lối sống của họ
cũng khá giống nhau : có thể thấy những bác xích lô khi rảnh rỗi chưa có khách
thì mở tờ báo ra đọc, hoặc có người ngồi trên xe lịch sự kéo mũ che mặt ngủ một
chút. Họ tự trọng và không mặc cảm vì “ thân phận ” đạp xích lô. Phần lớn khách
đi xe cũng không có thái độ coi thường người đạp xích lô mà tôn trọng, vui vẻ,
khi xuống xe cám ơn đàng hoàng. Nhiều người chuyên đạp xe ban đêm vì ban ngày họ
mần công chuyện khác, vì vậy người đạp xe ban ngày nếu đến chiều đã kiếm đủ tiền
cho vợ đi chợ ngày mai thì thường nghỉ, nhường cho đồng nghiệp làm đêm, có khi
cho mượn cả xe vì có người không đủ tiền mua xe riêng.
Do yêu cầu về giao thông, nhất là ở khu vực trung
tâm thành phố nên từ nhiều năm nay, xích lô Sài Gòn hầu như không còn tồn tại,
những nét văn hoá đẹp như trên cũng dần biến mất. Lưu giữ những chiếc xích lô
phục vụ du khách cũng là phục hồi một nét đẹp của đô thị Sài Gòn.
Đêm nhớ về Sài Gòn
Vào khoảng thời gian này, khi khắp nơi nhộn nhịp mừng
Giáng sinh và đón năm mới với bản nhạc Happy New Year thì trong tôi lại vang
lên giai điệu một bài hát tình cờ được nghe trong một phòng trà trên đường Đồng
Khởi, cũng vào một đêm cuối năm…
Lúc ấy, sau một thời gian thành phố sôi lên vì sự đổi
thay bất ngờ, cuối năm tiết trời bỗng se lạnh sau hàng chục năm Nam Bộ chưa biết
mùa đông, một số sinh hoạt văn hóa của Sài Gòn đã “ âm thầm ” trở lại : nhà
hàng, phòng trà có ca nhạc, ca sĩ hát những bài ca “ giải phóng ” nhưng thỉnh
thoảng, bất ngờ một bài “ nhạc cũ ” vang lên : Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên,
Vũ Thành An, Trầm Từ Thiêng, Trường Sa… Tôi, cô gái Hà Nội khi ấy tuổi vừa đôi
mươi, từ giai điệu lời ca da diết “ để đêm đêm nhớ về Sài Gòn thấy mình
vừa trở lại quê hương, đã gặp người một trời yêu thương…” biết mình đã thuộc
về Sài Gòn như thể được sinh ra ở đây.
Không như Hà Nội hay Huế có cả một dòng nhạc để gọi
tên hay nhớ về, những tình khúc sáng tác trước 1975 ở miền Nam hầu như ít bài
có hai chữ Sài Gòn trên tựa hay trong lời ca, nhưng ai cũng có thể nhận ra hình
ảnh Sài Gòn thấp thoáng trong ca từ và giai điệu… Cái chất sang cả mà gần gũi,
cởi mở mà thâm trầm của Sài Gòn thấm vào trong từng nốt nhạc, để khi người ca
sĩ cất lên tiếng hát thì dù quê đâu người nghe cũng thấy mình thuộc về Sài Gòn.
Cho đến bây giờ, theo tôi có hai ca khúc lột tả được đúng nhất cái “ chất Sài
Gòn ”, đó là “ Sài Gòn đẹp lắm ” của Y Vân và “ Đêm nhớ về Sài Gòn ” của Trầm Tử
Thiêng. Nếu trong “ Sài Gòn đẹp lắm ” đây là một thành phố đông vui, trẻ trung,
sôi động, rộn ràng của những người tứ xứ tụ về thì “ Đêm nhớ về Sài Gòn ” lại
như lời tự sự của một đô thành từng trải qua bao biến động, có nỗi buồn chia ly
và những thân phận ẩn trong đêm tối…
Sài Gòn không có ban đêm, một cuộc sống khác bắt đầu
ở đây khi mặt trời đi ngủ, phổ biến nhất là sinh hoạt nghệ thuật ở phòng trà,
quán cà phê, tụ điểm ca nhạc, sân khấu, rạp phim ở trung tâm đến quán nhậu ven
kênh hay nơi hẻm nhỏ. Khi thành phố lên đèn ánh sáng rực rỡ thì cũng là lúc nhiều
người bước vào cuộc mưu sinh, nghệ sĩ trên sân khấu hay ca sĩ “ kẹo kéo ” nơi vỉa
hè đều mang lại cho đêm thành phố đầy ắp cung bậc cảm xúc. Và không đâu như
trong dòng nhạc Sài Gòn xưa hình ảnh người ca sĩ mong manh sương khói khuất vào
đêm khuya lại được nhiều nhạc sĩ đưa vào ca khúc của mình, như chia sẻ, trân trọng
và có gì đó như xót thương…
Sau một ngày hối hả vội vàng mưu sinh, đêm xuống bên
những cuộc bia rượu ồn ào vẫn có giây phút cô đơn, lắng lòng nghe tiếng hát mà
nhớ một Sài Gòn đâu đó, ngay ngoài khung cửa kia hay cách xa ngàn dặm, có thể
chạm vào hay chỉ nhìn thấy trong tưởng tượng… Với rất nhiều người Sài Gòn không
chỉ là quê hương, là người thương trong trái tim lỗi nhịp khi nhớ về, Sài Gòn còn
là một phần của cuộc đời ngắn ngủi. Bởi vậy người đi xa nhớ về Sài Gòn đã đành
mà người ở Sài Gòn cũng không ngừng nhớ nhung thành phố. Nhớ ánh đèn vàng, nhớ
quán xưa, nhớ con đường hoa dầu bay bay, nhớ cơn mưa chợt đến chợt đi, nhớ Sài
Gòn như nhớ mẹ nhớ người tình nhớ bạn tâm giao…
Tưởng chỉ có những người từng trải đã vào tuổi 60 mới
có những hoài niệm về một Sài Gòn coi lạnh lùng mà nồng nàn, ngỡ hờ hững cách
xa mà thân quen ấm áp. Đâu dè lại bắt gặp niềm thương nỗi nhớ như thế đầy ắp
qua từng lời ca nốt nhạc bolero mà người Sài Gòn, có rất nhiều người trẻ, bây
giờ vẫn thường hát.
Đêm nhớ về Sài Gòn để cùng thức và cùng hát, có những
con người đã nuôi dưỡng sức sống của Sài Gòn bằng một tình yêu như thế !
Nguyễn
Thị Hậu
No comments:
Post a Comment