Nguyễn Đình Cống
31/10/2018
Ngày 25/10, TS Chu Hảo bị đảng luận tội thì ngay sau
đó, ngày 26/10 Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang, Trần Nam, Hoàng Tiến Cường, Hà Quang
Vinh và cả Chu Hảo tuyên bố từ bỏ ĐCS để vừa tỏ rõ quan điểm cùng ý chí của
mình, vừa để phản đối việc luận tội đó. Tiếp theo còn nhiều người khác.
Nguyễn Trung, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Ngoại giao,
nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã lặng lẽ từ bỏ đảng bằng cách nghỉ
sinh hoạt, không đóng đảng phí từ năm 2006, ngay sau khi nghỉ hưu. Hồi ấy ông
đã biết rõ việc từ bỏ ĐCS là đúng, là cần, nhưng nhận thấy tình thế chưa thuận
lợi cho việc công khai nên đành tạm chấp nhận giải pháp lặng lẽ, xem rằng đó chỉ
là việc cá nhân. Ngay sau sự việc Chu Hảo, cùng với Nguyên Ngọc và nhiều người
khác, Nguyễn Trung công khai việc từ bỏ ĐCS thông qua thư ngỏ gửi các bạn xa gần.
Đó là việc được hoan nghênh.
Hiện nay có khá nhiều người đã, đang và sẽ từ bỏ ĐCS
theo kiểu im lặng, tổ chức đảng và bạn bè không hề biết, có người còn không báo
cho cả người nhà. Các vị cho như thế là khôn. Tôi thật lòng thông cảm với các vị,
trong đó có người giới thiệu tôi vào đảng. Lặng lẽ ra đảng là việc làm tốt,
nhưng đó là giải pháp tình thế trong lúc chưa có thời cơ công khai. Sẽ là tốt
hơn nhiều khi công khai minh bạch.
Hiện nay thời thế đã biến chuyển. Người như Chu Hảo
nghĩ rằng mặc dầu bất đồng chính kiến nhưng ở lại trong đảng sẽ có được sự đóng
góp tích cực và hữu ích, người như Nguyên Ngọc, thấy đảng đã tỏ ra phản nước hại
dân, quyết tâm từ bỏ, chỉ cần chọn thời cơ, nay đã có dịp tốt, người như Nguyễn
Trung, tự ra đảng từ lâu, vì tình thế chưa thể công khai, nay đã có thời cơ để
minh bạch.
Sự ra đảng một cách im lặng dù có tốt, nhưng vẫn thiếu
sự minh bạch, thiếu dũng khí, chứa đựng sự sợ hãi. Sợ sẽ làm cho người ta hèn
kém. Mà sợ cái gì kia chứ. Phương châm biết sợ để tồn tại đã lỗi thời. Những điều
người ta đem ra để hù dọa như sẽ ảnh hưởng xấu đến con cháu chỉ giống như kiểu
dọa có ma.
Tôi và nhiều người công khai tuyên bố từ bỏ ĐCS, tuy
một vài tháng đầu tiên có gặp phải vài trở ngại, nhưng nhanh chóng qua đi, đặc
biệt không ảnh hưởng gì đáng kể đến con cháu. Tôi nghĩ, các vị đang có ý muốn từ bỏ đảng thì dịp này
nên mạnh dạn lên, các vị đã im lặng từ bỏ rồi thì tìm cách công khai.
Hãy công khai việc làm chính trực cho bạn bè và tổ chức đảng biết. Đó sẽ là một
đóng góp quý báu cho công cuộc chống lại độc tài toàn trị nhằm dân chủ hóa đất
nước.
Điều mà Nguyên Ngọc nhận xét, rằng ĐCSVN lộ rõ việc
phản dân, hại nước, mới nghe qua thấy nặng nề, nghĩ lại thật kỹ thì đúng như thế.
Vậy những người tự cho là hiểu biết, trung thực còn ôm ấp nó để làm gì. Phải
chăng để trong điếu văn có câu: ông/ bà đã có mấy chục năm tuổi đảng. Câu ấy chỉ
tồn tại một thời gian ngắn nữa thôi. Về lâu dài con cháu sẽ không dám nhắc đến
vì đó là nỗi nhục.
Vì quyền lợi của Dân tộc, ĐCSVN phải tự thay đổi hoặc
sẽ bị sụp đổ. Việc công khai từ bỏ đảng là góp phần tích cực vào việc để lãnh đạo
đảng biết mà tìm cách đổi mới từ một đảng cách mạng vô sản trở thành đảng chính
trị cầm quyền, hoặc đảng không chịu đổi mới thì việc từ bỏ đảng góp phần làm
cho nó mau sụp đổ.
Cách
công khai tốt nhất là đăng tuyên bố hoặc bản tin lên các trang mạng xã hội. Với các bạn đã quen với mạng thì quá đơn giản, nên đăng ở các trang có
nhiều độc giả. Với các bạn chưa quen thì có thể nhờ email của bạn bè hoặc con
cháu để gửi tin, xin giới thiệu vài địa chỉ:
Báo Tiếng Dân: BBTbaotiengdan@gmail.com
Trang Bô xit: bauxitevn@gmail.com
Trang bạn đọc của ĐCSVN: bandoc.dcsvn@gmail.com
No comments:
Post a Comment