09/11/2018
Ngày hôm nay, nếu quý đồng hương Việt Nam từ khắp
nơi có dịp về thăm Little Sài Gòn, phần lớn chắc sẽ không còn bỡ ngỡ hay ngạc
nhiên trước sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng người Việt chúng ta nơi đây.
Toạ lạc trên hai thành phố chính là Westminster và Garden Grove, hiện nay,
Little Saigon tiếp tục phát triển về hướng Nam đến các thành phố Fountain
Valley, Huntington Beach hay về hướng Bắc đến các thành phố Anaheim, Stanton,
v.v. Rất nhiều cơ sở thương mại, các nhà hàng, các nhà thờ, chùa, trung
tâm văn hoá, các đài phát thanh, truyền hình, tòa soạn báo, v.v. với những bảng
hiệu tiếng Việt ở khắp nơi trên khu phố Little Saigon, đặc biệt là trên con đường
Bolsa mà hiện nay còn có thêm tên là Đại lộ Trần Hưng Đạo.
Một trong những điều mà có lẽ chúng ta nhìn đã quen
mắt là những tấm bảng exit trên freeway 405 hay 22 có tên "Little
Saigon". Mấy ai trong chúng ta biết được chặng đường vận động đầy
chông gai và cam go để danh xưng Little Saigon có được như ngày hôm nay? Bắt
đầu từ năm 1986, một nhóm các vị nhân sĩ và doanh nhân trong cộng đồng đã có ý
tưởng thành lập ra danh xưng "Little Saigon". Ban đầu, danh xưng này
đã gặp sự chống đối dữ dội của nhiều thành phần khác nhau, từ những người bản xứ
vốn vẫn có thành kiến cho là người Việt Nam chỉ là một nhóm người tị
nạn hay những người Hoa thì muốn được đặt tên là China town hay Asian town,
v.v.
Tuy nhiên, với sự vận động kiên trì của một
số thành viên trong Ủy Ban Phát Triển Little Saigon lúc đó với các ông Nguyễn Hữu
Bào, Vũ Bội Minh Giao, Đặng Bá Huy, Phạm Thanh Liên, Lê Khắc Lý, Nguyễn Tư Mô,
Võ Tư Nhượng, Phạm Văn Phổ, Trần Đức Thanh Phong, Phùng Minh Tiến, Phạm Đình
Tuân, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Vân và Đỗ Ngọc Yến, cùng với sự hỗ trợ của LS
Trần Thái Văn và TNS Ed Royce,
buổi lễ cắt băng khánh thành bảng Little Saigon với sự tham dự của Thống Đốc
California, ông George Deukmejian, đã diễn ra vào ngày 18 tháng 6 năm
1988.
Theo Cựu Đốc Sự Phùng Minh Tiến, hiện là Tổng Thư Ký
của Ủy Ban cho biết vào Chủ
Nhật, 11 tháng 11 năm 2018, chương trình Kỷ Niệm 30 Năm Danh Xưng Little Saigon
sẽ được tổ chức tại hội trường Westminster Community Civic Center lúc 1
giờ để vinh danh những vị trong Ủy Ban đã vĩnh viễn ra đi cũng như trao lại
công việc gìn giữ danh xưng này cho thế hệ trẻ tiếp nối.
Với những mưu đồ xâm nhập vào Little Saigon của cộng
sản Việt Nam từ trong nước bằng đường kinh tế và văn hóa, mong rằng chúng ta sẽ
tiếp tục bằng mọi cách gìn giữ để danh xưng "Little Saigon" mãi mãi
là biểu tượng "Thủ Đô Của Người Việt Tị Nạn Cộng Sản" nhằm giúp cho
các thế hệ mai sau biết rõ căn cước tị nạn cộng sản của mình.
Cao
Minh Hưng
9 tháng 11, 2018
----------------------------
Linh
Nguyễn/Người Việt
November 9, 2018
WESTMINSTER, California (NV) – Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Little Saigon sẽ được tổ chức lúc 1 giờ trưa Chủ Nhật, 11 Tháng Mười Một, tại Westminster Civic Center, 8200 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683.
Bảng Little Saigon, Next Exit, trên xa lộ 405.
(Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)
Nhân dịp ngày danh xưng “Little Saigon” được chính
thức công nhận là thủ đô của người Việt tị nạn, nói với phóng viên nhật báo Người
Việt, ông Phùng Minh Tiến, tổng thư ký Ủy Ban Phát Triển Little Saigon, cho biết
năm nay ông 77 tuổi và đã giữ chức vụ tổng thư ký từ ngày thành lập ủy ban.
Người
Việt: Ủy ban được thành lập trong bối cảnh nào và vì sao?
Quá trình vận động để có danh xưng Little Saigon như thế nào, thưa ông?
Ông
Phùng Minh Tiến: Trong những ngày đầu thành lập,
người Việt Nam lúc đầu chỉ có một tiệm phở Hòa, và một chợ nhỏ mang tên Đà Lạt
trên đường First và Fairview. Nơi đây sau đó có thêm Trung Tâm Sinh Hoạt Nguyễn
Khoa Nam do anh Đặng Giang Sơn thành lập.
Người Việt Nam sau đó bắt đầu “cuộc Tây tiến” trên
đường Bolsa và dừng chân ở khu Bolsa Mini Mall. Khi ấy, nơi đây chỉ có vài ba
cơ sở, như văn phòng khai thuế Sonny Lưu, Tú Quỳnh bán băng nhạc và nhà báo Du
Miên.
Nhà báo Đỗ Ngọc Yến và Du Miên, khi ấy, cùng hợp tác
ra tờ báo lấy tên là Người Việt Cali. Năm 1978, ông Du Miên tách ra để làm tờ
bán nguyệt san Saigon. Ông Đỗ Ngọc Yến đổi tên báo Người Việt Cali thành tờ Người
Việt. Sau đó ông Du Miên bắt đầu làm báo Xuân. Các bản tin của tờ Người Việt, kể
từ đó, bắt đầu ghi xuất sứ từ “Phố Saigon.”
Vào khoảng năm 1986-1988 công ty Bridgecreek
Construction được ông Triệu Phát (Frank Jao) và bà Kathy Buchoz vận động thành
lập khu thương mại New Saigon, hai tầng (ngày nay là khu chợ 99, nay là Á Đông)
đối diện với khu đất sau là Thương Xá Phước Lộc Thọ. Tôi có thuê năm căn để làm
ăn.
https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2018/11/DP-Little-Saigon-30-nam_2.jpg?resize=696%2C522&ssl=1
Ông Phùng Minh Tiến, tổng thư ký Ủy Ban Phát Triển
Little Saigon. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Trước khi xây thương xá Phước Lộc Thọ, ông Triệu
Phát đề nghị xây chiếc cầu bắc ngang trên đường Bolsa với hình ảnh bên ngoài
trông “rất Tàu.” Mặt bên trong là 14 cái kiosk để bán quà kỷ niệm cho khách du
lịch. Ông Triệu Phát cho sửa rồi hỏi tôi chịu chưa. Ông cũng cho sửa phía sau
chợ 99 khu New Saigon để vẽ thêm những phù điêu trên tường về lịch sử Việt Nam,
như Vua Quang Trung, Hai Bà Trưng… vì thương gia người Việt chúng tôi chống đối
72 bức tượng các tiên hiền triết của Trung Hoa trưng bày đầy phía sau chợ.
Chúng tôi, khi ấy, rất bất bình, không nuốn thấy khu
vực này biến thành một China Town, nên khoảng năm 1982-1983, đã kết hợp với
nhau để lập Hiệp Hội Thương Gia Tiểu Saigon, chống đối dự án cây cầu. Thậm chí
có các cựu quân nhân HO hăm sẽ tự thiêu nếu xây lên hình ảnh không phải Việt
Nam. Tôi còn nhớ số thương gia người Việt chỉ có cựu Thẩm Phán Nguyễn Văn Vân,
Bác Sĩ Đào Duy Trung, Luật Sư Toàn (tôi quên họ gì), chủ nhân Phở Hòa, chủ nhân
Vân Bakery, và tôi.
Vì số người tị nạn Việt Nam đổ xô về Westminster
ngày càng đông nên các dự án xây dựng khu vực này được thực hiện rất nhanh,
trong đó có cả khu chợ T&K.
Từ một giấc mơ muốn có một khu vực cho người Việt, chúng
tôi thành lập “Ủy Ban Vận Động Thành Lập Danh Xưng Little Saigon.” Với 40 người
ứng cử và được đề cử, gần 1,000 người tham dự buổi họp bỏ phiếu kín đã bầu ra
15 người để điều hành các nỗ lực tranh đấu cho được tên gọi Little Saigon.
Chúng tôi họp ba lần với Thành Phố Westminster từ
năm 1986 để ra Nghị Quyết 58 chấp nhận danh xưng Little Saigon với nhiều triển
vọng là một địa điểm du lịch. Chúng tôi cũng làm việc với cơ quan lộ vận
Caltrans để xin dựng 13 bảng “Little Saigon, Next Exit” trên xa lộ 22 và 405.
Thống Đốc California George Deukmajian (phải) khánh
thành bảng “Little Saigon, Next Exit” hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu, 1988, tại
Thương Xá Phước Lộc Thọ, Giáo Sư Nguyễn Tư Mô (giữa), và Luật Sư Trần Thái Văn
(trái). (Hình: Ủy Ban Phát Triển Little Saigon)
Ủy Ban Vận Động Thành Lập
Danh Xưng Little Saigon chính thức đổi thành “Ủy Ban Phát Triển Little Saigon,”
sau khi Thống Đốc California George Deukmejian cắt băng khánh thành bảng
“Little Saigon, Next Exit” hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu, 1988, tại Thương Xá Phước
Lộc Thọ, với sự hiện diện của quan khách và đồng hương. Giáo Sư Nguyễn Tư Mô hiện
diện, đại diện Ủy Ban Phát Triển Little Saigon, và Luật Sư Trần Thái Văn, khi ấy
là phụ tá văn phòng Thượng Nghị Sĩ Ed Royce, tiểu bang California.
Bảng tên đường “Little
Saigon, Next Exit” trong những năm đầu cũng bị một số người phá phách, trùm bao
rác lên hoặc cưa cả cọc đi, nhưng cũng làm cho một số người bật khóc vì cảm xúc
khi lần đầu được nhìn lại cái tên thân thương trước năm 1975.
Người Việt: Khi mới thành lập, ủy ban gồm những ai và hiện nay thay đổi ra sao?
Ông Phùng Minh Tiến: Khi mới thành lập, ủy ban 15 người, gồm có
Giáo Sư Nguyễn Tư Mô, Nha Sĩ Phạm Đình Tuân, nhà báo Đỗ Ngọc Yến, Bác Sĩ Võ Tư
Nhượng, cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, Giáo Sư Nguyễn Hữu Bào, cụ Phạm Thanh Liêm, ông
Vũ Bội Minh Giao, Luật Sư Phạm Văn Phổ, cựu Thẩm Phán Nguyễn Văn Vân, Giáo Sư
Trần Đức Thanh Phong, ông Đặng Bá Huy (cựu quân nhân), Kỹ Sư Bùi Bỉnh Bân, Tiến
Sĩ Nguyễn Xuân Tùng (du học sinh), và cá nhân tôi Phùng Minh Tiến.
Tính đến ngày hôm nay, ủy
ban còn lại năm người. Ông Bùi Bỉnh Bân là người thứ mười trong số ấy vừa mới
ra đi, gồm quý ông Phạm Đình Tuân, Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Tư Mô, Võ Tư Nhượng, Lê
Khắc Lý, Nguyễn Hữu Bào, Phạm Thanh Liêm, Phạm Văn Phổ, và Nguyễn Văn Vân.
Giáo Sư Nguyễn Tư Mô (phải) cắt bánh kỷ niệm 10 năm
thành lập Ủy Ban Phát Triển Little Saigon. (Hình: Ủy Ban Phát Triển Little
Saigon)
Người Việt: Vai trò của ủy ban đem lại kết quả gì cho cộng đồng người Việt tị nạn?
Ông Phùng Minh Tiến: Ủy ban lúc đầu chỉ là các anh em, gồm cả trăm
người tụ họp, thấy truyền thông Mỹ chỉ phỏng vấn những người sở hữu bất động sản,
chủ thương xá, nên đã ngồi lại với nhau tranh đấu, vận động cho màu sắc của người
Việt tị nạn. Danh xưng Little Saigon kết nối và gây tình đoàn kết giữa mọi người.
Nhờ đó cộng đồng tụ họp, sinh hoạt và phát triển theo thời gian. Danh xưng
Little Saigon là kết quả những cố gắng của cả cộng đồng.
Người Việt: Xin ông cho biết một vài sự kiện đáng nhớ và có ảnh hưởng đến các sinh hoạt
chính trị, văn hóa, xã hội, từ khi có tên gọi Little Saigon?
Ông Phùng Minh Tiến: Little Saigon thành hình như một cái sườn. Sự
chính danh khiến danh xưng Little Saigon trở thành biểu tượng của VNCH. Báo chí
và các dịch vụ theo nhau phát triển. Little Saigon đi với cộng đồng qua các lễ lạc
văn hóa. Chúng tôi làm việc với thành phố để giúp giải thích luật pháp địa
phương, luật đi đường khi lái xe, việc học hành của con em, học tiếng Việt.
Tôi cùng Mục Sư Nguyễn
Xuân Đức, một du học sinh, khi ấy cùng tôi thành lập Đàn Chim Việt để dạy Việt
ngữ cho con em chúng ta. Ngày nay các con chim non ấy đã thành danh, có người
đã 40 tuổi rồi. Với kiến thức về kinh tế, tài chánh và tốt nghiệp khóa 1 Chính
Trị Kinh Doanh, tôi lập nhà in VCP đầu tiên ở góc Magnolia và Westminster. Sau
tôi mở văn phòng bán bảo hiểm xe, văn phòng luật sư, cung cấp những dịch vụ cần
thiết cho đời sống tại Mỹ. Chúng tôi cũng tổ chức những lớp dạy nghề để đồng
hương học trong ngắn hạn rồi tìm việc làm kiếm sống.
Người Việt: Điều gì làm ông ưng ý nhất và chưa ưng ý nhất trong 30 năm qua về sự phát
triển của Little Saigon?
Ông Phùng Minh Tiến: Chúng tôi vui nhất và ưng ý nhất trong 30 năm
qua là đã tham gia công việc, đi đúng hướng và thấy Little Saigon phát triển
mau chóng. Điều tôi chưa ưng ý là vì phát triển quá nhanh, sự cạnh tranh làm
ăn, nhiều khi không hợp ý nhau, chụp mũ cộng sản, gây ra sự chia rẽ. Tôi nhớ có
lần tôi tham khảo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, ông nói chia rẽ là bình thường, vì
ngày xưa chúng ta chia nhau đi, 50 người lên núi, 50 người xuống biển! Tôi mong
khi có người lãnh đạo giỏi, cộng đồng chúng ta sẽ đoàn kết hơn.
https://i1.wp.com/www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2018/11/DP-Little-Saigon-30-nam_5.jpg?resize=664%2C420&ssl=1
Từ trái, ông Phùng Minh Tiến, ông Michael Võ, ông
Trí Tạ, Bác Sĩ Võ Đình Hữu, Luật Sư nguyễn Quốc Lân và Nha Sĩ Phạm Đình Tuân.
(Hình: Ủy Ban Phát Triển Little Saigon)
Người Việt: Tên gọi Little Saigon có giá trị thế nào đối với người Mỹ?
Ông Phùng Minh Tiến: Khoảng năm 1975-1981, người bản xứ nhìn chúng
ta như “hội chứng chiến tranh.” Truyền thông và chính trị Mỹ đưa chiến tranh Việt
Nam vào phòng khách của mỗi gia đình Mỹ, với những mất mát trong đó có con cái
họ. Họ không muốn những hình ảnh đó lại hiện ra trước mắt họ.
May mắn thay chỉ một thời
gia sau khi định cư tại đây, chúng ta chí thú làm ăn, nhẫn nhịn chịu đựng để
thành công trên thương trường, con cái học hành thành đạt. Những điều này đã
thay đổi cái nhìn của họ. Tôi nhớ lúc ấy người Mỹ cho Trung Tâm Tị Nạn St
Anselm ở Garden Grove đồ đạc, tủ lạnh, giường giúp chúng ta. Cũng đỡ khổ cho
nhiều người.
Người Việt: Để có tên gọi Little Saigon như hiện nay là công sức của rất nhiều người,
theo ông, làm sao để khai thác hết lợi thế của tên gọi này?
Ông Phùng Minh Tiến: Dù muốn dù không, sự chính danh của danh xưng
Little Saigon, thủ đô tị nạn tuy nhỏ, nhưng dễ thương, đã lớn mạnh đi vào lịch
sử Mỹ đến nay đã 30 năm. Quan trọng nhất có thể là chúng ta đã tìm ra mẫu số
chung, là tên gọi Little Saigon, nơi quy tụ những người Việt tha hương luôn
hãnh diện với nòi giống Rồng Tiên. Sự hãnh diện về nguồn gốc cần được duy trì
cho con cháu.
Người Việt: Cám ơn ông đã dành thời giờ trả lời phỏng vấn. (Linh Nguyễn)
Liên lạc tác giả: linhnguyen@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment