Thursday 1 November 2018

KIM DUNG & CUỘC ĐỜI HÀNH TẨU CHỐNG CƯỜNG QUYỀN (Võ Văn Quản - Luật Khoa)




Posted on 01/11/2018

Kim Dung đã theo đuổi lý tưởng công bình và tự do trong phần lớn sự nghiệp của mình, nhưng phần cuối cuộc đời hành tẩu giang hồ của ông không có gì nhiều ngoài nỗi bất lực trước thực tế chính trị Trung Hoa.

Nhà văn, nhà báo Kim Dung. Ảnh: The Guardian

Tôi khó có thể tự nhận mình là một fan chân chính của truyện kiếm hiệp Kim Dung (Jin Yong). Độ tuổi đọc Kim Dung của tôi vĩnh viễn dừng lại ở con số 17, sau khi tôi đọc xong hai quyển Lộc Đỉnh Ký và Tiếu ngạo Giang hồ. Đó là lúc mà tôi tin tin tưởng rằng mọi tác phẩm của Kim Dung đều hướng đến tư tưởng thống nhất Lão giáo và Trang tử – mà đặc biệt lấy cảm hứng từ Nam Hoa Kinh, quyển tôi từng rất ưa thích trong Lục tử Tài thư. Hiểu được chân lý của vũ trụ, con người buông bỏ đi lợi ích cá nhân, coi nhẹ được mất ở đời thì mới đạt đến cảnh giới của “vô vi” – tùy kỳ tự nhiên, từ đó sống hạnh phúc và thanh thản.

Ở cái tuổi 17 bồng bột và tham gia cuộc biểu tình đầu tiên của mình, tôi đã không còn cho tư tưởng như vậy là đúng. Chúng quá có lợi cho giai cấp lãnh đạo. Chúng khuyến khích một xã hội thụ động và buông bỏ, tạo ra những con người cho rằng đấu tranh chính trị là quá xô bồ, là phàm tục. Kiếm hiệp Kim Dung vì vậy đối với tôi trở thành một “sản phẩm của phong kiến”, trở ngại cho sự phát triển tư tưởng, và các danh gia chính trị – triết học – pháp luật phương Tây hấp dẫn với tôi hơn rất nhiều.

10 năm đi – học – đọc và nhìn lại, tôi vẫn chưa hiểu nhiều về ông.

Tác phẩm của Kim Dung có vẻ đã vượt qua mọi rào cản về chính trị, địa giới và tư tưởng, nhưng với bản thân Tra Lương Dung (Cha Leung-yung / Louis Cha, tên thật của Kim Dung), ông luôn là một người nhất quán về tư tưởng, nhưng bất lực trước thời cuộc.

Kim Dung tốt nghiệp trường Luật thuộc Đại học Thượng Hải vào năm 1947 và trở thành biên tập viên cho tờ Đại Công báo (Ta Kung Pao), tờ báo lớn và lâu đời bậc nhất Trung Hoa. Có vẻ tinh thần yêu chuộng công lý và ý tưởng về công bình mà môi trường đào tạo khai phóng trang bị cho sinh viên luật đã đi theo ông trong suốt sự nghiệp của mình. Năm 1948, ông may mắn được cử sang Hong Kong làm việc, chỉ một năm trước khi Mao Trạch Đông lên nắm quyền ở đại lục.

Năm 1959, Kim Dung thành lập tờ Minh Báo (Ming Pao), với nguồn lực phát triển chính của tờ báo dựa vào các tập truyện kiếm hiệp của ông, được đăng tải trong mỗi kỳ báo. Song lý tưởng về công bình và kiến thức pháp luật không cho phép ông chỉ sống trong thế giới kiếm hiệp giả tưởng. Với ông, kiếm hiệp (wuxia) chỉ là lớp đường phủ lên để thu hút công chúng, nhưng các tác phẩm phải biểu lộ được quan điểm nghệ thuật và chính trị của ông – mà theo chính miêu tả của Kim Dung, là tự do/cấp tiến (liberal) và chống cường quyền.

Vậy nên từ thập niên 60 đến thập niên 70, ông và Minh Báo là một trong những tờ chống đối quyết liệt nhất Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản ở đại lục, cùng những tay trùm chính trị sừng sỏ như Mao Trạch Đông và “Tứ nhân bang” khét tiếng (Gang of Four).

Cụ thể, Kim Dung dùng ảnh hưởng văn hóa của mình để biến Minh Báo trở thành một nền tảng tin tức và nghiên cứu phi kiểm duyệt, giúp các nhà báo, học giả có thể viết về Cách mạng Văn hóa và vạch trần sự thật đằng sau nó. Đối với ông, việc cho công chúng biết được sự tàn nhẫn và ngu muội của chính sách này ở đại lục là việc làm tối quan trọng để họ luôn cẩn trọng với những thuyết âm mưu, phe thân Mao và những tay cánh tả cuồng tín đang trỗi dậy bên trong lòng Hong Kong.

Năm 1967, ông phải lánh nạn ở Singapore khi có nhiều cuộc bạo loạn và âm mưu ám sát ông tại Hong Kong. Kiếm hiệp Kim Dung khi đó chính thức bị cấm ở Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, Kim Dung còn dùng bút danh Hoá Tiểu Miên – Hua Xiaomin (華小民) trong một loạt các bài bình luận lịch sử xuất hiện trong mục “Free Talk” của tờ nguyệt san Minh Báo.

Cho đến nay, Hong Kong vẫn được xem là thánh địa của các báo cáo, nghiên cứu về Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản, một phần nhờ vào những đóng góp của Kim Dung.

Ông cũng tranh thủ thể hiện quan điểm chính trị của mình về Cách mạng Văn hóa trong tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ, đả kích tham vọng chính trị và niềm tin ngu muội đã gây hại đến cuộc sống, sinh mệnh của nhiều người. Đặc biệt, đối với Mao Trạch Đông, ông dùng nhân vật Đông Phương Bất Bại để đả kích lối sùng bái cá nhân vô lối trong nền chính trị Trung Quốc bấy giờ. Theo ông, Đông Phương Bất Bại là phiên bản châm biếm theo danh xưng “Mặt trời đỏ ở phương Đông” (Đông phương hồng) – cách mà Mao tự gọi mình.

Sau thời đại của Mao, Kim Dung trở lại là một nhân vật được ưa thích của chính trường Trung Hoa đại lục. Ông được chọn tham gia vào Ủy ban Soạn thảo Đạo luật Cơ bản, một dạng hiến pháp dành cho Hong Kong, khi Vương quốc Anh quyết định trao trả lại tô giới này. Việc này một phần do nền tảng tri thức pháp luật và tầm ảnh hưởng văn hóa, khả năng làm dịu căng thẳng, khác biệt giữa các bên của ông. Tuy nhiên, sau sự kiện Lục Tứ, tức vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Kim Dung đã từ bỏ chức vụ trong ban soạn thảo để bảo vệ danh dự và nhân phẩm của ông.

Năm 1992, trong một cuộc phỏng vấn, ông từng lo ngại rằng trao trả Hong Kong trở về với Trung Quốc sẽ tước mất tự do của các thế hệ sau, trong đó có quyền báo chí, quyền tư hữu và cả văn hóa đặc trưng của người dân Hong Kong. Và những lo lắng của ông có vẻ không thừa. Từ đầu những năm 2010, Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát Hong Kong, nhiều tờ báo bị đóng cửa, Trưởng đặc khu trở thành bù nhìn, và lãnh đạo các phong trào dân chủ, sinh viên – học sinh như Dù vàng bị bắt bớ, bỏ tù.

Có lẽ tôi xin mạn phép so sánh chương cuối đời của ông với Vi Tiểu Bảo, khi ông ở cái vị trí mà ai cũng cho rằng ông sẽ hạnh phúc, nhưng sự dằn vặt giữa kỳ vọng thống nhất quốc gia của ông (tương ứng với kỳ vọng giành lại chính quyền cho người Hán của Vi Tiểu Bảo) luôn đối chọi với lý tưởng cá nhân về một xã hội công bình, pháp trị (tương ứng với tình bạn và niềm tin của Vi Tiểu Bảo dành cho Khang Hy).

Và trớ trêu thay, ông mất giữa một Hong Kong hỗn loạn như thế.

---------------------------------------

Nguyễn Xuân Thủy
01/11/2018 06:03

Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung hay Louis Cha, nhà văn chuyên viết truyện kiếm hiệp với số sách bán được còn nhiều hơn cả tác giả J K Rowling của bộ truyện Harry Potter, đã trút hơi thở cuối cùng tại Hong Kong hôm thứ Ba vừa rồi sau thời gian dài lâm bệnh, thọ 94 tuổi.

Kim Dung tại đại học Bắc Kinh tháng 6/2007


Mặc dù nhà văn Kim Dung đã bị bệnh trong một thời gian dài nhưng sự ra đi của ông vẫn gây chấn động cộng đồng nói tiếng Hoa khắp thế giới, những người xếp các danh tác của ông vào nhóm đầu sách “buộc phải đọc”.

Sách của ông tràn ngập hình ảnh các anh hùng, những trận giao tranh long trời lở đất và đầy chất sử thi. Kim Dung không chỉ mô tả những kiếm khách võ nghệ siêu quần, những người không chỉ khí chất phi phàm, công lực cao thâm, có thể bay hay đi lướt trên mặt nước, mà còn là những nhân vật có nội tâm phức tạp, lồng vào các sự kiện đầy kịch tính có thật trong lịch sử.

Bắt đầu khởi nghiệp ở Hong Kong với nghề phóng viên, Kim Dung đã viết 15 tiểu thuyết, được dựng thành hơn 150 bộ phim điện ảnh và phim truyền hình, với sự tham gia diễn xuất của rất nhiều diễn viên hàng đầu Trung Quốc.

Mặc dù chỉ viết bằng tiếng mẹ đẻ, và chỉ một phần các tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, Kim Dung được hâm mộ khắp thế giới. Theo CNN, nói đến Kim Dung là nói đến nhà văn Trung Quốc được đọc nhiều nhất trong thời hiện đại.

Đặc khu Trưởng Hong Kong, bà  Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nói ông Tra là “một học giả, một nhà văn nổi tiếng” trong một văn bản và thêm rằng các tác phẩm của ông “thừa hưởng truyền thống văn hóa Trung Quốc qua các yếu tố lịch sử và văn hóa”.

Kim Dung sinh năm 1924 ở Chiết Giang nhưng sống tại Hong Kong từ năm 1948. Mặc dù khởi đầu với nghề phóng viên, Kim Dung tình cờ rẽ sang viết văn.  

Năm 1955, ông làm việc cho tờ Tân Vãn và được giao viết một truyện dài kỳ đăng trên báo. “Thư kiếm ân cừu lục” lập tức thành công và từ bước khởi đầu này, Kim Dung viết thêm 14 tiểu thuyết võ hiệp nữa  trong vòng 15 năm. Tác phẩm cuối cùng của ông là “Việt nữ kiếm” được xuất bản năm 1970.

Mặc dù rất thành công với văn học, Tra Lương Dung cả đời gắn bó với nghề báo. Năm 1959, ông thành lập tờ Minh báo ở Hong Kong, từ một tờ báo chỉ chuyên đăng các truyện võ hiệp của ông, thành một tờ báo có ảnh hưởng, có lợi nhuận với những bài báo trung dung, khách quan ở một vùng đất đầy chia rẽ về chính trị.

Tuy vậy, việc ông tham gia các hoạt động chính trị đã gây ra tranh cãi. Kim Dung là thành viên ủy ban dự thảo hiến pháp của Hong Kong trong những năm 80 của thế kỷ trước, khi vùng đất này còn nằm dưới quyền kiểm soát của Anh.

Mặc dù bối cảnh trong các tiểu thuyết của Kim Dung đều là thời xa xưa, tác phẩm của ông vẫn phản ánh những triết thuyết, những tập quán của xã hội Trung Quốc đương đại. Ra đời trong thời điểm Trung Quốc đang trải qua nhiều biến động lịch sử, tác phẩm của Kim Dung không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng từ những sự kiện xảy ra ở Đại lục.

Sau này, Kim Dung thừa nhận rằng hai trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Tiếu ngạo giang hồ” và “Lộc đỉnh ký” với nhân vật Vi Tiểu Bảo có những so sánh, ám chỉ những hành vi thờ cúng ma quỷ thời xa xưa với hiện tượng sùng bái cá nhân cùng sự điên loạn của cuộc Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc trong nửa cuối những năm 60 của thế kỷ trước.

Lúc còn sống, lãnh đạo Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình, một nạn nhân của cuộc thanh trừng do chủ tịch Mao Trach Đông phát động trong Cách mạng Văn hóa, rất hâm mộ các tác phẩm của Kim Dung. Năm 1981, ông Đặng đã gặp nhà văn tại Bắc Kinh. Một trong những người nổi tiếng khác rất hâm mộ Kim Dung là tỷ phú Jack Ma của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.

*
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 6/2/1924 tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Ông nội là Tra Văn Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô. Tra Văn Thanh về sau từ chức, đến đời con là Tra Xu Khanh bắt đầu sa sút. Tra Xu Khanh theo nghề buôn, sinh 9 đứa con, Kim Dung là con thứ hai.

NGUYỄN XUÂN THỦY




No comments:

Post a Comment

View My Stats