Dương Tự Lập
10/11/2018
Đất Nước Nằm Xuống kiệt quệ sau vụ đổi tiền thảm khốc
tháng 9 năm 1985 do ông nhà thơ cung đình Tố Hữu lúc đó, đương kim Phó chủ tịch
Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo. Sau đấy một năm, tháng 10 năm 1986 Tổng Bí thư Lê
Duẩn cũng theo cẳng Bác đi gặp cố Mác cụ Lênin, bỏ lại giang sơn tộc Việt hoang
sơ tiêu điều. Rồi ông Mười Cúc Nguyễn Văn Linh thế đít Tổng Bí thư Lê Duẩn kêu
gào đổi mới, cởi trói văn nghệ sĩ.
Mười Cúc viết nhiều bài trên báo đảng Nhân Dân thời
đó, chỉ thị “Những việc cần làm ngay”; “Sai đâu sửa đấy”, ký tắt bút danh:
N.V.L. Ông Linh giải thích đó là: Nói Và Làm. Người dân tuy đói meo bụng, mặt
méo xệch nhưng đọc các bài viết phê phán gay gắt của Linh mà lòng phấn chấn hồ
hởi, nghĩ rằng người cầm lái vĩ đại này chẳng bao lâu nữa sẽ đưa Việt Nam thành
rồng, thành hổ, giữa trời Á Đông. Trí tưởng tượng cùng sự tưởng bở của nhân dân
dành gọi bác Linh cái tên mỹ miều là đồng chí Nhẩy Vào Lửa, Nói Và Làm.
Một thời gian sau người dân vỡ mộng, biết mình bị mắc
lỡm, đành đổi giọng xuống cấp, gọi Linh là đồng chí Nhổ Và Liếm, Nói Và Lờ, “Những
việc cần làm ngơ”. Sai chẳng thấy sửa mà sửa càng thấy sai. Bác Hồ Sĩ Bằng, bạn
thân của cha tôi, cựu Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế (học viện Chính trị Quốc
gia Hồ Chí Minh) năm đó đi họp đồng hương Quỳnh Đôi tại Hà Nội, tức máu đọc một
vế đối của ai đó đưa ra? “Sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu, sửa đâu sai đấy”.
Chẳng ai đối được.
Ông đại tá nhà văn Lê Lựu dịp đó được mời sang nước
Mỹ cũng khoe văn nghệ sĩ chúng tôi được cởi trói. Người Mỹ hỏi lại: ai trói các
anh? Lựu biết mình nói hớ đành lảng tránh không trả lời được một câu hỏi rất… Mỹ.
Hàng chục năm sau các tướng lãnh mới phát hiện Mười Cúc Nguyễn Văn Linh đã bán
rẻ dân tộc cho giặc Tầu khi ông ta đi đêm tại Hội Nghị Thành Đô – Trung Cộng
vào tháng 9 năm 1990. Dân Việt ngao ngán chỉ còn biết dậm chân dậm cẳng nhổ nước
bọt: Thằng khốn nạn.
Thời gian tiếp theo, năm 1987 báo Văn Nghệ của Hội
Nhà văn Viêt Nam có Tổng biên tập mới cũng xuất thân từ quân đội, ông nhà văn
Nguyên Ngọc. Anh em tôi hay đọc báo Văn Nghệ nhưng từ ngày cha tôi mất, nguồn
Văn Nghệ cũng mất theo không còn nữa. Nếu chén nước trà thời đó một đồng một cốc
thì báo Văn Nghệ với giá mười lăm đồng một tờ. Tôi thèm đọc mà cứ thường kỳ mua
báo thì lấy đâu ra tiền.
Phùng Gia Lộc trước tòa soạn tuần báo Văn Nghệ sau
khi trình làng “Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì? Tháng 1/1988
Đầu năm 1988 cả nước cùng Văn Nghệ xôn xao với bài
bút ký: Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì…? tác giả Phùng Gia Lộc. Nói cho đúng nếu không
phải Nguyên Ngọc cầm trịch tờ Văn Nghệ khi đấy thì chưa chắc độc giả được biết
đến thiên bút ký trên của họ Phùng. Từ đó tôi và mọi người yêu văn chương càng
thêm tin yêu tờ Văn Nghệ và lẽ đương nhiên càng mến Tổng biên tập Nguyên Ngọc,
người đang tự cởi trói và đổi mới bứt phá bản báo đi xa hơn, nhiều độc giả đón
đọc hơn.
Bạn cha tôi, chú nhà thơ Yên Thao ở phố Huế gần số
nhà 96 của anh chị nhà thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ. Gia đình chú ngày ấy đang
xảy ra vụ kiện tụng tranh chấp nhà cửa. Nghĩ rằng tôi vào loại đầu bò, đầu gấu,
nên có thể giúp gì được trong việc này chăng? Gặp tôi trên phố Ngô Văn Sở, chú
mừng rỡ mời tôi tới quán nước đối diện với báo Văn nghệ, 17 Trần Quốc Toản. Tôi
để ý ngay từ đầu quán nước này rất nhiều giới văn nghệ sĩ, khách có, cộng tác
viên có, phóng viên và nhân viên báo ra vào quán này như lẽ quen thuộc thường
tình. Chú Yên Thao gọi:
– Thành “nghệ” cho tớ hai cốc bia.
– Thôi chú ạ, ta uống trà đi, tôi nói vẻ ái ngại.
Chú có tiền, chú mời thằng cháu không được sao.
Chủ quán tên Thành “nghệ” để râu dài nhìn rất nghệ
sĩ, bê hai cốc bia hơi đi tới đặt lên bàn hai chú cháu tôi rồi nói:
– Có báo Văn Nghệ mới anh bạn trẻ có muốn đọc không?
Tôi sáng mắt: Thế ạ anh cho em mượn. Từ đó tôi nẩy
ra ý định nếu đến đây uống hai cốc nước trà mất hai đồng thì tôi cũng đủ thời
gian lướt hết tờ Văn Nghệ giá mười lăm đồng.
Một trưa cuối tháng tám như thường lệ tôi tạt vào
quán anh Thành “nghệ” đã rất quen tôi. Nhìn sang cổng tòa báo Văn Nghệ, thấy ồn
ào người đứng lố nhố. Như hiểu thắc mắc của tôi, anh Thành “nghệ” nói:
– Đầu giờ chiều nay tòa báo đi thắp hương trước cho
gia đình vợ chồng thằng Vũ và Xuân Quỳnh vừa bị tai nạn ô tô chết thảm ở chân cầu
Phú Lương – Hải Dương đêm hôm qua. Nay đã đưa về bệnh viện Việt Đức, nghe nói
nhà quàn Phủ Doãn chật nên Hội nghệ sĩ sân khấu đã xin đem ba chiếc quan tài Vũ
– Quỳnh và cháu Thơ về nhà quàn ở viện Việt-xô rộng rãi hơn, tội quá là tội. Thằng
Vũ cũng hay thỉnh thoảng vào đây uống nước đấy em.
– Anh hơn tuổi anh Vũ? Tôi hỏi lại.
– Vũ kém Quỳnh sáu tuổi, anh còn hơn cả tuổi cái Quỳnh.
Chú mày tưởng anh còn trẻ hả.
Vừa trả lời tôi anh vừa chỉ tay nói: Đấy, cái ông thấp
thấp mập mập người đứng sát chiếc xe Mifa mầu nước biển đấy là Tổng biên tập.
Còn tay tóc dài chùm tai cầm cái túi đứng bên cạnh là Bế Kiến Quốc.
– Chú Nguyên Ngọc, tôi thốt lên.
– Đúng, ông Nguyên Ngọc, anh Thành “nghệ” quay vào.
Chỉ một lần đó thôi nhìn thấy chú, lòng tôi ngưỡng mộ vô cùng bởi sau “Cái Đêm
Hôm Ấy Đêm Gì…”? Chú đã cho đăng nhiều bài viết tiếp theo khá mạnh kiểu “Lời Ai
Điếu Cho Một Giai Đoạn Văn Nghệ Minh Họa” của Nguyễn Minh Châu. Chuyện ngắn
“Linh Nghiệm” của Trần Huy Quang. “Tướng Về Hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. “Mê Lộ”
của Phạm Thị Hoài…
Tôi ngưỡng mộ vì được tận mắt thấy tác giả “Đất Nước
Đứng Lên” năm xưa nói về cuộc kháng chiến chống Pháp thần kỳ của người Ba Na
anh dũng, cùng dân làng Kông-Hoa mà nhân vật có thật là anh hùng Đinh Núp. Sau
này tiểu thuyết đã được dựng thành phim. Cả cánh rừng xà nu hùng vĩ với đất núi
Kon Tum kiên cường bỗng hiện về trong tôi. Năm 1950, lần đầu tiên chú đặt chân
đến đất Tây Nguyên để sau đó viết được “Đất Nước Đứng Lên” đi vào lòng người đọc.
Nhà văn Nguyên Ngọc trong đoàn biểu tình chống Trung
Quốc tại Hà Nội ngày 14-08-2011. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện
Tôi xa quê nhiều năm nhưng vẫn biết chú trăn trở với
quê hương đất nước lắm. Chú cùng nhiều nhà trí thức viết thư đòi người tử tế là
tay cựu Thủ tướng Ba X Nguyễn Tấn Dũng, nghề y tá trước đây không được ký bừa
cho Tầu cộng khai thác Bauxite trên Tây Nguyên, như thế là cực kỳ hiểm họa. Chú
hòa cùng người dân Hà Nội xuống đường biểu tình quanh hồ Hoàn Kiếm chống quân
Trung Quốc gây hấn ở biển Đông năm 2011. Rồi cùng hàng ngàn người ký tên đòi cộng
sản Việt Nam rút bỏ điều 4 trong Hiến pháp… cùng nhiều bài viết cứng rắn của
chú.
Ngày ấy thấy chú Nguyên Ngọc… ngày nay đã ba mươi
năm không lẻ. Đất nước không thể đứng lên như chú hằng mong muốn vì tai ương đảng
cộng sản gây nên. “Cái Ngày Hôm Nay Ngày Gì…? Tôi cứ thắc mắc tự hỏi để không tự
trả lời được vì sao ngày hôm nay hội chứng ào ào xin ra khỏi đảng nhiều đến thế.
Tổng biên tập báo Văn Nghệ Nguyên Ngọc. Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức Chu Hảo.
Tổng biên tập báo Lao Động Tống Văn Công. Giáo sư Tương Lai. Nguyên Tổng biên tập
Tạp Chí phát triển Giáo dục Mạc Văn Trang. Giáo sư Nguyễn Đình Cống. Phó chủ
nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam Lê Hiếu Đằng. Nữ nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi, người đã từ
chối không muốn có bằng khen của tay cựu y tá Thủ tướng Ba Dũng treo trong nhà
mình vì kẻ này ăn tàn phá hại đất nước gây nợ nần đói khổ người dân, treo lên
thêm bẩn tường… Cái đảng mà một thời chú ôm mộng lý tưởng cách mạng đi theo, những
tưởng “đất nước đứng lên”.
Chú Nguyên Ngọc kính mến của cháu,
Cháu nghĩ thế này: Khi xưa chắc chú nằm xuống chứ
không phải quỳ xuống viết chỉ để mong “đất nước đứng lên”. Cháu tin lúc đấy chú
thực sự thực lòng. Rồi chú được vào đảng vì cái mác đảng thời đó cao giá lắm.
Nhiều người phải đổi cả tính mạng. Nếu không có thẻ đảng làm sao chú leo lên đến
chức Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Chú ăn nhiều bổng lộc của đảng và đã
ị đảng thành phân thành cứt bón cây bón ruộng lâu rồi. (Cháu xin lỗi chú với lời
khiếm nhã nóng nẩy này). Nay biết chú đã hết vị, đảng đá chú ra lề vì tuổi cao
sức yếu, tóc rụng răng long, mắt mờ chân chậm chú mới “ngộ ra”.
Đất nước đang bị nhấn chìm nằm xuống không thể đứng
lên vì lũ chóp bu cộng sản phản động quỳ gối dâng không cho Tầu cộng. Không phải
riêng cháu, mà hàng triệu người như cháu phủi tay cười khẩy cho rằng các chú
còn khôn chán, họ bấm đốt ngón tay tính tuổi ông nào ông nấy cũng “thất thập cổ
lai hi”, người xưa nay hiếm cả rồi mới tuyên bố ly khai đảng Cộng sản Việt Nam.
Họ bảo sao không ra đảng từ mấy chục năm trước đi, rõ nỡm.
Dẫu có muộn màng nhưng vẫn còn hơn không, cháu nghĩ
vậy. Cháu không dám khuyên chú vì nói như thế là hỗn. Khuyên thì chỉ có bề trên
khuyên bề dưới, người lớn tuổi hơn khuyên người bé tuổi hơn mà thôi. Cháu mạo
muội góp ý với chú nay chú cạch cái mặt không chơi được của đảng cho tới hồi đậy
nắp quan tài đời mình thì nó là một lẽ. Lẽ thứ hai chú cứ bình tâm vui thú tuổi
già như trồng rau quét bếp đuổi gà giải khuây. Giữ thái độ im lặng là vàng chứ
đừng sồn sồn đi vào vết xe đổ như một bọn người trước đây bị đảng cho về vườn
buồn buồn ngả giấy bút ra viết hồi ký nghe khó lọt tai lắm.
Mà viết thì cứ (Tất cả cái gì xấu xa của tao là thuộc
về mày / Tất cả cái gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao – thơ Việt Phương) viết
bậy viết bạ, có kẻ còn nhờ người viết hộ, viết dối viết trá như cha nguyên Phó
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng CHXHCN Việt Nam Đoàn Duy Thành có “Làm Người Là
Khó”. Đại tá Nhà văn Nguyễn Khải có “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất”. Đại biểu Quốc hội
nhà thơ Chế Lan Viên có “Di Cảo thơ Bánh Vẽ, Trừ Đi”. Tổng biên tập báo Lao Động
Tống Văn Công có “Đến Già Mới Chợt Tỉnh”. Nguyên Chủ tịch Tổng Công Đoàn nay là
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Tư móm Nguyễn Đức Thuận có “Bất Khuất” rất ầm
ĩ… Kể ra thì còn bạt ngàn.
Cựu nhà báo Nhân Dân Trần Đĩnh hiện vẫn còn sống tại
Sài Gòn năm 2014 tung ra hồi ký “Đèn Cù”, lật tẩy rằng mình đã từng viết hộ hồi
ký cho nhiều vị cấp cao trong Bộ Chính trị, Trung ương đảng. Thậm chí đã từng
viết tiểu sử cho cả thiếu niên Nguyễn Sinh Cung khi sau này ông Cung là ông Hồ
Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Người từng có tác phẩm hơi bị nổi tiếng
“Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện”. Viết hộ hồi ký cho Tư móm Nguyễn Đức Thuận năm
xưa theo ý tưởng của Trưởng ban Tổ chức Trung Ương đảng Sáu búa Lê Đức Thọ và tựa
“Bất Khuất” là do chú Lành Tố Hữu đặt tên cho. Nhiều đoạn trong sách bịa đến nỗi
mà bây giờ chính Trần Đĩnh đọc lại còn thấy ngượng. Cả một lũ khốn kiếp, cả một
đảng phát mửa. (Cả một thời đểu cáng lên ngôi – thơ Bùi Minh Quốc).
Chú Nguyên Ngọc biết không? Đọc xong “Đèn Cù” cháu
cười ha hả lại tự hỏi: Cái Bọn Đảng Này Đảng Gì…? Cái Đất Nước Này Nước Gì? Cái
Lũ Người Này Người Gì? Cái Bọn Quan Ấy Quan Gì? Cái Trẫm Trọng Lú Trọng Gì?
Chúc chú và đồng đảng đã lìa đảng của chú an lão tuổi
già, vui vầy cùng con cháu trong một đất nước mà cả dân tộc đang phải sống quỳ.
No comments:
Post a Comment