Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao
- Voice of Vietnamese
Amerians
05/11/2018
Ngày mai, 6 tháng 11, Hoa Kỳ sẽ có cuộc bầu cử giữa
hai kỳ bầu Tổng Thống, hay còn gọi là “Bầu Cử Giữa Kỳ” (Midterm Elections). Người
Mỹ gốc Việt đã có những tham gia rất tích cực vào kỳ bầu cử này. Cho đến hôm
nay, vài ngày trước ngày bầu cử chính thức, người Mỹ gốc Việt cũng chia sẻ nhiều
sôi động với các náo loạn của dòng chính, ngay cả chia rẽ với tinh thần đảng phái
cực đoan trong cộng đồng mình.
Mong rằng sự đóng góp đầy nhiệt tình của chúng ta sẽ
không đẩy cộng đồng Mỹ gốc Việt vào sự phân hoá đáng ngại giữa hai chính đảng
Hoa Kỳ, rơi vào sự kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, hiềm khích đầy bạo lực
không nên có. Dù theo đảng nào hay ủng hộ ứng viên nào, người Việt chúng ta đều
chia sẻ giá trị Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, Dân Quyền của Hoa Kỳ, và chung hoài
bão muốn bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trước sự xâm lăng của Trung Cộng.
Voice of Vietnamese Americans xin mời quý đồng hương
cùng duyệt qua bức tranh chung, mong rằng qua kỳ bầu cử này người Mỹ gốc Việt sẽ
chứng tỏ cho chính khách Hoa Kỳ và thế giới thấy được sự trưởng thành, lớn mạnh
của người Mỹ gốc Việt và sẽ tôn trọng tiếng nói của chúng ta hơn khi quyết định
các chính sách ảnh hưởng đến người Việt .
I
. Cộng Đồng Mỹ Gốc Việt, dân số và lá phiếu:
Cho đến nay, trong các giống dân Mỹ gốc Á Châu Thái
Bình Dương, cử tri gốc Việt đi bầu hăng hái nhất, đến 77 % . Tuy nhiên, tiếng
nói của chúng ta lại chưa được hiệu quả lắm, nhất là với những chính sách đối
ngoại như nhân quyền, hay đối phó với Trung Cộng trên Biển Đông.
Theo Migration Policy Institute, người Việt tập
trung tại các tiểu bang California (39%), Texas (13%), Washington State (4%),
và Florida (4%) . Tại các tiểu bang này chúng ta sớm có một số đại diện dân cử
người Mỹ gốc Việt tại địa phương. Nhưng năm nay, số ứng viên tăng lên gấp bội,
và gồm cả những tiểu bang miền Đông như Massachusetts, Viriginia, hay miền Nam
như Georgia.
Theo tài liệu của Census Bureau cho đến năm 2016,
thì chúng ta có khoảng 2 triệu người (2,067,000) tập trung tại các khu vực như
California (Orange County, San Francisco, San Jose, Sacramento, San Diego),
Texas (Houston, Dallas – Fort Worth, Austin), Massachusetts (Boston), New
Jersey, New York (New York City), Philadelphia, Virginia – Maryland –
Washington D.C, Washington State (Seattle), Louisiana (New Orleans), Oregon
(Portland), Oklahoma (Oklahoma City), Arizona (Phoenix), Nevada (Las Vegas),
Georgia (Atlanta). Tại mỗi thành phố vừa nêu, có trên 10,000 ngàn người Việt cư
ngụ . Đây là con số đáng kể nếu chúng ta đi bầu .
Theo nghiên cửu của Pew vào tháng 9/ 2017, thì 75%
người Mỹ gốc Việt đã là công dân, và có thể đi bỏ phiếu. Đó là một con số đáng
kể, nếu tất cả chúng ta khi có quốc tịch đều ghi danh cử tri và đi bầu .
Cuộc bầu cử giữa kỳ thường cho thấy mức ủng hộ của
người dân đối với vị Tổng Thống đương nhiệm sau hai năm tại vị . Tổng Thống
Trump là vị lãnh đạo không theo các tiêu chuẩn chính thống, đã tạo nhiều phân
hoá trong toàn quốc trên nhiều phương diện, và có điểm tín nhiệm thấp nhất so với
các vị Tổng Thống trước . Riêng với dân Mỹ gốc Việt, đài VOA ngày 26/10 đưa tin
là 64% dân Việt tín nhiệm ông Trump, vì nghĩ rằng ông có thái độ cứng rắn với
Trung Cộng. Nhiều người thích thú khi thấy ông Trump đánh thuế lên hàng Trung
Quốc, và làm cho kinh tế Trung Cộng chao đảo, tuy Trung Cộng vẫn gia tăng áp lực
lên Việt Nam và tiếp tục quân sự hoá Biển Đông.
Ngày 2/11, ông Trump tweeted rằng “các cuộc thảo luận
thương mại với Trung Quốc đang diễn tiến tốt đẹp”. Trong cùng ngày, Ngoại Trưởng
Vương Nghị của Trung Quốc khẳng định “Trung Quốc có chủ quyền tại Biển Đông”
khi thăm New York . Đáp lại, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chỉ “nhắc khéo” đến
thoả thuận chế tài Bình Nhưỡmg! Điều này khiến người Mỹ gốc Việt cũng cần thận
trọng, xin nhớ rằng Hoa Kỳ phải đặt quyền lợi quốc gia của họ lên trên hết.
Trong bài đăng trên VOA ngày 26/10, phóng viên An Hải
cũng nêu lên là “thế hệ thứ nhất ủng hộ Cộng Hoà”, còn “thế hệ thứ hai ủng hộ
Dân Chủ”.
2
. Giới Trẻ tích cực ra tranh cử:
Rất đông người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đã tham dự cuộc
biểu tình ngày 21/01/2017, một ngày ngay sau khi ông Trump đăng quang, tại Hoa
Thịnh Đốn, trên các thành phố lớn toàn quốc, và trên toàn thế giới. Họ cho là
ông không có đạo đức, coi thường phụ nữ, chế nhạo người tàn tật, kỳ thị người da
màu, và không đủ kinh nghiệm cũng như thiếu tư cách để lãnh đạo quốc gia . Nhiều
phụ nữ trẻ Mỹ gốc Việt đã chọn con đường tích cực là ra tranh cử trong các vai
trò lập pháp tại tiểu bang hay liên bang, để có thể sử dụng hệ thống tam quyền
phân lập trong guồng máy chính trị Hoa Kỳ hầu bảo vệ các giá trị nhân bản của
Hiến Pháp Hoa Kỳ, trong đó có nhân quyền, dân quyền, và bình quyền về giới
tính.
Tại Virginia, Bà Kathy Trần, một phụ nữ Việt tỵ nạn vừa sinh con
gái ngày 20.1.2017, đã quyết định tranh cử vào ghế Dân Biểu Tiểu Bang Virginia
để: “Bảo vệ tương lai cho con gái tôi và duy trì môi trường, nhân quyền, dân
quyền cho người dân Virginia” . Kathy Trần (D) đã thắng cử ngoạn mục, thay thế ông
Dave Albo (R), người từng giữ ghế này suốt 24 năm.
Kathy Trần phản đối việc Tổng Thống Trump rút ra khỏi
Paris Climate Agreement, đòi huỷ Luật Bảo Hiểm Y Tế Vừa Túi Tiền, cắt ngân sách
cho các chương trình bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, chuyển ngân quỹ giáo dục công lập
sang cho các trường tư thục, và có các đạo luật hành chánh vi phạm quyền của
người di dân và người da màu .
Nhiều người trẻ khác cũng ra tranh cử vào các ghế lập
pháp liên bang, như Bác Sĩ Mai Khanh Trần (D - địa hạt 39, California), anh
Ethan Phạm (D -đia hạt 8, Texas), anh Daniel Nguyễn ( R-địa hạt 22, Texas), Bà
Stephanie Ngọc-Dung Đặng Murphy (D- Dân Biêu Liên Bang từ Florida địa hạt 7) .
Quốc Hội Tiểu Bang có lẽ gần gũi hơn, và năm nay có
khá nhiều ứng viên Mỹ gốc Việt tranh cử, từ California (TNS tiểu bang Janet
Nguyễn (R) tái tranh cử; ứng viên Tyler Diệp (R ) tranh cử vào ghế General
Assembly), đến Massachusetts (Luật sư Trâm Nguyễn- D- tranh cử vào ghế Dân Biểu
Tiểu Bang từ địa hạt 18th Essex), và tại tiểu bang Washington (Bác Sĩ Savio Phạm
-R, Bác Sĩ Joe Nguyễn - D - tranh cử vào thượng viện tiểu bang, Dược sĩ Mỹ-Linh
Thái – D- tranh cử vào ghế dân biểu liên bang).
Tại Westminster, Orange County, nơi người Việt chiếm
1/5 dân số, có đến 6 ứng viên Mỹ gốc Việt tranh cử ghế Nghị Viên Hội Đồng Thành
Phố: Khải Đào, Tài Đỗ; Chi Charlie Nguyen, Frances The-Thuy Nguyen, Samantha
Bao Anh Nguyen, Andy Quach. Đó là chưa kể chúng ta đã có Thị Trưởng Tạ Đức Trí,
Nghị Viên Thành Phố Nguyễn Tâm cũng đang tái tranh cử.
Tại Texas, chúng ta có Dân Biểu Tiểu Bang Hubert Võ
(D) đại diện địa hạt 149 từng được tín nhiệm suốt 5 nhiệm kỳ; Commissioner Andy
Nguyễn ở Taran County rất được lòng cử tri, cũng tái tranh cử . Đặc biệt có anh
Danny Nguyễn (R) tranh cử kỳ sơ bộ vào ghê Dân Biểu Liên Bang từ Texas địa hạt 22,
nhưng không vào chung kết . Chính tại địa hạt 22 này, chúng ta có Nathan
Trương, một người Mỹ gốc Việt mới 26 tuổi, đang vận động cho ứng viên Sri
Preston Kulkarni (D) và tạo nhiều tiếng vang .
Chúng ta cũng đã có một số người thắng cử các cuộc bầu
cử đặc biệt và đã thắng vẻ vang, như Cô Bee Nguyễn (D), Dân Biểu Tiểu Bang
Georgia địa hạt 89; Dean Tran (R) – Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Massachusetts qua
cuộc bầu cử đặc biệt vào tháng 12, 2017 .
Theo dõi các ứng viên Mỹ gốc Việt, chúng ta thấy tuy
khác đảng phái, họ cùng chia sẻ những điểm chung sau đây:
1. Là người Việt tỵ nạn Cộng Sản, sang Hoa Kỳ khi còn nhỏ tuổi.
2. Hiểu được sự khó khăn của cha mẹ, gia đình trong bước đầu của người di
dân .
3. Ngoài khả năng vượt trội, họ còn có lý tưởng muốn đóng góp và tạo thay đổi
.
4. Vẫn còn mang trong người dòng máu Việt, tâm thức Việt, nhưng đã hoà nhập
với đời sống Hoa Kỳ, giá trị nhân bản của Hoa Kỳ, với đầu óc rộng mở để phục vụ
xứ sở này .
Sự dấn thân của người Mỹ gốc Việt vào guồng máy Lập
Pháp và Hành Pháp của Hoa Kỳ từ địa phương, đến tiểu bang, liên bang, là nguồn
hứng khởi cho cử tri Mỹ gốc Việt. Những ứng viên này thuộc cả đảng Dân Chủ lẫn
Cộng Hoà, và đều có khả năng cùng tâm huyết vượt trội.
Nhìn chung, các ứng viên đều chủ trương tranh đấu để
nói lên tiếng nói của khối dân thiểu số Mỹ gốc Việt , Mỹ gốc Á Châu Thái Bình
Dương , mong đạt đến sự đối xử bình đẳng không kỳ thị cho mọi giống dân . Các ứng
viên tuy khác đảng phái, nhưng cùng quan tâm đến vấn đề y tế, di dân, giáo dục,
nghề nghiệp, giao thương,và gần đây nhất là chuyện sử dụng sung, và quyền có quốc
tịch Hoa Kỳ.
Khi tranh cử vào dòng chính, các ứng viên khó có cơ
hội đề cập đến các vần đề người Việt quan tâm, như nhân quyền cho Việt Nam, hay
tranh chấp trên Biển Đông . Cử tri Mỹ gốc Việt chúng ta cần lưu ý mọi ứng viên
về các quan tâm này, đưa vào trong nội dung của “giá trị nhân bản của Hoa Kỳ,
và quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ” .
Voice of Vietnamese Americans có dịp tổ chức buổi
“Nói Chuyện với Ứng Cử Viện vào Hạ Viện Hoa Kỳ từ Virginia Địa Hạt 8”, giữa ứng
viên Don Beyer (D)- Dân Biểu đương nhiệm, và ứng viên Thomas Oh (R ), người Mỹ
gốc Đại Hàn . Khi câu hỏi đưa ra về nhân quyền, TPP, và tranh chấp trên Biển
Đông, thì ông Don Beyer (D ) lại đứng về phía người Việt và người Đông Nam Á
đòi Trung Cộng phải tôn trọng luật quốc tế, trong khi ông Thomas Oh trả lời
không biết nhiều về các vấn đề này .
3.
Vai trò của Cử Tri:
Là cử tri, chúng ta cũng cần tham dự các buổi nói
chuyện với ứng viên, và chia sẻ với họ các điều chúng ta quan tâm. Như vậy, lá
phiếu của người Mỹ gốc Việt sẽ có ý nghĩa hơn .
Tiếng Nói Người
Mỹ Gốc Việt đề nghị chúng ta bỏ phiếu theo tiêu chuẩn : Nhiên (bảo vệ
môi trường, khí hậu) – Nhân (bảo vệ nhân quyền) – Dân (bảo vệ dân
quyền) để song đôi với quan tâm của đồng bào tại Việt Nam trong lúc vẫn đặt nặng
giá trị của Hoa Kỳ .
Chúng ta rât may mắn có một thế hệ trẻ tài giỏi,
nhiêt huyết, dấn thân. Hãy cùng nhau hỗ trợ họ để cùng đi tới. Voice of
Vietnamese Americans hoan hô tất cả những ai đã dấn thân phục vụ cộng đồng.
Xin cử tri Mỹ gốc Việt hãy đi bầu thật đông năm nay,
ngày 6 tháng 11, 2018..
Genie
Nguyễn Thị Ngọc Giao
Voice of Vietnamese Amerians
Voice of Vietnamese Amerians
---------------------------------------------------------
Thanh Phương - RFI
Thứ Hai, ngày 05 tháng 11 năm 2018
Ngày
06/11/2018, cử tri tại Hoa Kỳ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Cũng như các cuộc bầu cử khác, lá phiếu của các cộng đồng sắc tộc, tùy theo mỗi
địa phương, cũng rất quan trọng. Riêng cộng đồng người Việt thì mức độ tham gia
như thế nào, xu hướng bỏ phiếu của họ ra sao, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu
với nhà báo Hà Ngọc Cư ở Houston, Texas.
Theo nhà báo Hà Ngọc Cư, bầu cử giữa kỳ năm nay rất quan trọng, vì sự thay đổi về số người được bầu trong Hạ, Thượng Viện sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực của đảng Cộng Hòa và của tổng thống Donald Trump.
Về
lá phiếu cử tri người Việt, theo nhà báo Hà Ngọc Cư, có hai vấn đề:
" Thứ nhất, trong cuộc bầu cử vào các chức vụ
dân cử địa phương, lá phiếu của người Việt đương nhiên có ảnh hưởng khá lớn, nhất
là ở tiểu bang California và Texas. Trong cuộc bầu cử liên bang, số người Việt ở
Mỹ chưa tới 3 triệu, tức là chưa tới 1% dân số Mỹ. Số người có thể đi bầu, tức
là có quốc tịch Mỹ, là chưa tới một nữa của 1% đó."
Trong cộng đồng người Việt, năm nay có nhiều người
hăng hái ra tranh cử vào các chức vụ công quyền ở Orange County ( Quận Cam ),
miền nam bang California và đây là điều khiến truyền thông Hoa Kỳ chú ý. Nhật
báo Los Angeles Times ngày 21/10 ngạc nhiên ghi nhận có đến 24 người gốc Việt
tranh cử ở Orange County và không có gì là bất ngờ lắm : hơn phân nữa, tức là
13 trong số 24 ứng cử viên gốc Việt đó là mang họ Nguyễn, một trong những họ phổ
biến nhất của dân Việt Nam.
Phong trào người Việt ra tranh cử dường như bắt đầu
từ năm 1992, khi nghị viên thành phố Westminster Tony Lâm trở thành người sinh
ra ở Việt Nam đầu tiên đắc cử ở Hoa Kỳ. Theo tờ Los Angeles Times, các ứng cử
viên gốc Việt chủ yếu tập trung ở các khu vực Fountain Valley, Garden Grove, và
Westminster, tức những thành phố làm nên khu vực gọi là Little Saigon. Cư dân gốc
Việt ra tranh những chức vụ quan trọng trong hội đồng thành phố hay nghị viên
tiểu bang, cũng như tranh cử vào những chức vụ thấp hơn như như ủy viên giáo dục,...
Trong số 24 ứng cử viên Mỹ gốc Việt tại Quận Cam,
thượng nghị sĩ tiểu bang Janet Nguyễn là một chính khách kỳ cựu, tham gia tranh
cử lần thứ 9 trong cuộc bầu cử ngày mai. Nói với tờ Times, bà Janet Nguyễn tỏ
ra không quá ngạc nhiên về mức độ tham gia chính trị trong cộng đồng mình. Theo
thượng nghị sĩ Janet Nguyen, vốn là những người tị nạn chính trị, các đồng
hương của bà biết rõ cuộc sống ở một đất nước nơi mà các quyền tự do hầu như
không hiện hữu và nơi mà một chính đảng kiểm soát mọi phương diện đời sống. Bà
cho rằng trải nghiệm đó đã khiến cho người Mỹ gốc Việt tương đối năng động về
chính trị, đi bỏ phiếu đông đảo hơn một số nhóm cư dân khác.
Nhưng đứng từ phía Texas, tiểu bang cũng có một cộng
đồng người Việt rất đông đảo, nhà báo Hà Ngọc Cư nhận xét là nhìn chung hoạt động
chính trị của người Việt lại đang giảm đi :
" Ở Texas, các ứng cử viên vào những chức vụ
như ủy viên hội đồng thành phố hay dân biểu tiểu bang, cũng có một vài người Việt,
ví dụ như ông Hubert Võ đã đắc cử dân biểu 2, 3 lần. Ngoài ra cũng có một vài vị
ra tranh cử các chức vụ địa phương và cũng có một số thành công, nhưng không
nhiều lắm so với các cộng đồng thiểu số khác.
Những người lớn tuổi như chúng tôi thì bây giờ
"trùm chăn", không còn tham gia vào hoạt động chính trị ở địa phương,
nhưng trong giới trẻ thì có một số tham gia.
Cách đây một vài thập niên, việc tham gia hoạt động
chính trị địa phương rất là mạnh là vì tinh thần chống cộng lúc đó lên rất cao,
nhưng cái sự chống cộng, theo tôi, dần dần không còn mạnh mẽ như trước. Do đó,
hoạt động chính trị của người Việt trên nước Mỹ cũng giảm đi".
Theo ghi nhận của các chuyên gia được tờ Los Angeles
Times trích dẫn, đa số các ứng cử viên gốc Việt là theo đảng Cộng Hòa, tuy rằng
thế hệ trẻ hơn nay có xu hướng theo đảng Dân Chủ hoặc tranh cử với tư cách ứng
cử viên độc lập. Cử tri Mỹ gốc Việt trong quá khứ vẫn được xem là thành phần
nòng cốt của đảng Cộng Hòa, nhất là những người chống cộng quyết liệt nhất.
Nhưng cộng đồng người Việt tị nạn đang già đi và thế hệ con, cháu của họ nay có
đầu óc cấp tiến hơn.
Tuy vậy, kết
quả một cuộc khảo sát về cử tri gốc Á công bố vào tháng 10 cho thấy người Mỹ gốc
Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất có đa số là ủng hộ tổng thống Donald Trump.
Khảo sát do tổ chức thúc đẩy quyền bầu cử cho người
Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương- APIAVote, và Viện Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á và
Thái Bình Dương- AAPIData- thực hiện từ ngày 23/08 đến ngày 4/10/2018.
Kết quả tổng
quát cho thấy chỉ có 36% cử tri gốc Á ủng hộ tổng thống Donald Trump, nhưng
riêng cử tri gốc Việt ủng hộ ông Trump với tỉ lệ lên tới 64%. Ngay cả cử tri gốc Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ, cũng chỉ có
48% ủng hộ ông Trump.
Lý do tại sao người Mỹ gốc Việt lại ủng hộ tổng thống
Trump nhiều đến thế, nhà báo Hà Ngọc Cư giải thích :
" Những người Việt thế hệ đầu tiên, tức là 60,
70 tuổi, phần nhiều nghiêng về đảng Cộng Hòa. Còn thế hệ cử tri gốc Việt trình
độ đại học thì thường nghiêng về phía Dân Chủ. Năm nay, đặc biệt ông Trump đối
đầu về thương mại với Trung Quốc, cho nên ông được rất nhiều điểm từ cử tri gốc
Việt. Người Việt chúng ta
thì đại đa số là hận Trung Quốc, cho nên bất cứ người nào đập Trung Quốc là
đương nhiên được cảm tình người Việt."
Cũng theo kết quả nói trên, trong khi cử tri gốc Á
nói chung ủng hộ mạnh mẽ đảng Dân Chủ, thì cử tri gốc Việt lại có xu hướng dồn
phiếu cho các ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử vào Hạ Viện.
Cũng trong cộng đồng người Việt, như kết quả khảo
sát ở trên cho thấy, cử tri thế hệ trẻ lại có xu hướng bầu cho Dân Chủ. Nhà báo
Hà Ngọc Cư ghi nhận :
" Suy nghĩ của thế hệ trẻ hoàn toàn độc lập và
hoàn toàn mang bản sắc của người Mỹ, nên suy nghĩ của họ khác hẳn với chúng
tôi. Phần lớn thế hệ trẻ có trình độ đại học là hướng về phía Dân Chủ. Vì cương
lĩnh của đảng Dân Chủ trước hết là liberal, mà giới trẻ thì cũng liberal, nên
thường họ có khuynh hướng nghiêng về phía Dân Chủ."
Nhưng khi được hỏi về dự định đi bỏ phiếu ngày mai,
chỉ có .... 64% cử tri người Việt trả lời là có, trong khi tỷ lệ này trong cộng
đồng Philippines lên đến 92%. Theo nhà báo Hà Ngọc Cư, có nhiều lý do giải
thích vì nhiều cử tri gốc Việt ngại đi bầu :
" Có nhiều người cho rằng lá phiếu của người Việt
trong cuộc bầu cử liên bang không có ảnh hưởng gì hết, cho nên có một số người
thờ ơ, ít đi bầu. Thứ hai, ngày bầu cử lại là thứ Ba. Người Việt đa số phải đi
làm, xin nghỉ cũng khó khăn và có khi đi làm về trễ, cho nên cũng ngại, không
đi bầu. Một số người già thì không có phương tiện đi lại, trừ một số người bỏ
phiếu qua bưu điện."
No comments:
Post a Comment