Friday, 9 November 2018

BẢN TIN NGÀY 9/11/2018 (Báo Tiếng Dân)




09/11/2018

Tin Biển Đông

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động quan trắc tại Trường Sa, theo báo An Ninh Thủ Đô. Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 8/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, chuyện Trung Quốc triển khai các trạm quan trắc “trên các cấu trúc xây dựng cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Vẫn là cái loa rè phản đối cho có, từ thời Lê Dũng, Nguyễn Phương Nga, Lương Thanh Nghị, Lê Hải Bình, bây giờ tới Lê Thị Thu Hằng, suốt năm đời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao chỉ biết ca hoài duy nhất một điệp khúc không đổi.

Báo Lao Động đưa tin: Việt – Trung đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ trên cơ sở tuần tự tiệm tiến. Đó là kết quả phiên họp đàm phán vòng 10 nhóm công tác về Vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và vòng 7 nhóm công tác bàn bạc về Hợp tác cùng phát triển trên biển Việt Nam và Trung Quốc, diễn ra từ ngày 6 đến ngày 7/11, tại TP Ninh Ba, Chiết Giang, Trung Quốc.

Trong các ngày 8 và 9/11, hàng trăm học giả quốc tế đến Đà Nẵng bàn về an ninh Biển Đông, theo Zing. Các học giả đến dự hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”. Thẩm phán Kriangsak Kittichairaree, từ Toà án luật Biển quốc tế ITLOS, đánh giá chuỗi hội thảo quốc tế về Biển Đông “đã trở thành một diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở khu vực”.

Trong hội thảo này, PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng nhận định: “Gốc rễ của vấn đề Biển Đông chưa được xử lý”, theo báo Dân Trí. Ông Tùng cho biết, “vấn đề Biển Đông vẫn là một vấn đề còn nhiều phức tạp, những nỗ lực của khu vực và quốc tế để làm cho Biển Đông giảm căng thẳng, đảm bảo an ninh vẫn chưa được như mong muốn”.

Báo Người Lao Động đưa tin: Canada tham gia chiến dịch kiềm chế Trung Quốc trên biển Đông. Đại tá Blair Saltel, thuyền trưởng chiến hạm HMCS Calgary, chiến hạm đang được Canada triển khai đến Tây Thái Bình Dương, cho biết: “Chúng tôi hy vọng mỗi năm có thể triển khai 1 hoặc 2 tàu chiến tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau với nhiều đồng minh khác nhau trong khu vực”.


Tin nhân quyền

VOA đưa tin: Nhóm luật sư bảo vệ người biểu tình nghi bị bắn ‘cảnh cáo’ vào xe. Các LS Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng bào chữa cho “nhóm 20 thanh niên tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu ở Đồng Nai”. Xe của họ bị bắn vỡ cửa kính khi đang chuẩn bị đi gặp các thân chủ ở trại giam B5, công an TP Biên Hòa.

LS Trịnh Vĩnh Phúc nói với VOA: “Tôi nghĩ cũng chưa hẳn họ muốn hạ sát, mà có thể chỉ mang tính đe dọa, khủng bố tinh thần thôi, vì nếu họ muốn ra tay thì với các luật sư tay không tấc sắt thì rất dễ dàng”.

Trong tình hình luật an ninh mạng sắp được áp dụng, nhà báo Mặc Lâm đặt câu hỏi: Quốc hội có vi hiến hay không? Theo đó, “khi quyết định vấn đề quan trọng hiện nay của đất nước là Luật An Ninh mạng, Quốc hội lại đồng lòng thông qua một cách chóng vánh bất kể những lý lẽ của các chuyên gia về luật này cũng như nhân sĩ trí thức lo ngại sự xâm phạm quyền con người”.

RFA đưa tin: Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy sẽ ra tòa ngày 22/11. LS Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho cô Vy, chia sẻ: “Phủ nhận của cô là chính quyền Việt Nam hiện nay là chính quyền không chính danh, tôi cho rằng cô Vy đang thể hiện quan điểm chính trị của cô ấy, mà thể hiện quan điểm như vậy thì đó không phải là hành vi có tội”.


Vụ Trịnh Xuân Thanh và quan hệ Đức – Việt

Sau nhiều tháng im lặng, hôm qua, Việt Nam lên tiếng việc đàm phán với Đức về Trịnh Xuân Thanh. Báo trong nước vẫn tiếp tục lừa dân, khi cho rằng Trịnh Xuân Thanh “đã ra đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an” hồi tháng 7/2017. Và không rõ vì lý do gì, “Bộ Ngoại giao Đức yêu cầu một tuỳ viên an ninh của Việt Nam phải rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ“.

Rồi quan hệ hai nước Việt – Đức bị ảnh hưởng, phía Đức mời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn qua Đức hội đàm với ngài Andreas Michaelis, Quốc Vụ khanh của BNG Đức. Phía VN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn mời Quốc Vụ khanh Andreas Michaelis thăm Việt Nam, ông Michaelis nhận lời và hứa sẽ thu xếp, sớm thăm Việt Nam.

Càng đọc báo trong nước càng có thêm thắc mắc: Có chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không? Có chuyện phía Đức yêu cầu trả Trịnh Xuân Thanh về Đức hay không? Phía Việt Nam có đồng ý trả hay không? Quan hệ hai nước sẽ ra sao nếu phía VN không đồng ý trả TX Thanh về Đức? Đó là những câu hỏi quan trọng mà phía VN không trả lời.

BBC đưa tin: Đức ‘giữ quan điểm về Trịnh Xuân Thanh’. Trả lời BBC, một nhà ngoại giao Đức từ chối bình luận về thông tin chưa được xác thực rằng Đức đã phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, nhưng vị này lặp lại quan điểm của Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis: “Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là sự xâm phạm luật quốc tế và xâm phạm niềm tin không thể chấp nhận”.


Vụ đánh bạc ngàn tỷ

Báo Đất Việt đưa tin: Ông Phan Văn Vĩnh muốn được ra toà khai đúng sự thật. LS Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết: “Trong quá trình điều tra ông Vĩnh có nhận tội nhưng còn phụ thuộc vào quá trình diễn ra trong phiên xét xử, các bên sẽ tiến hành thẩm vấn thêm”. Tuy nhiên, không biết có phải do cú ngã quá đau từ đỉnh cao quyền lực một thời trong ngành công an, mà ông Vĩnh mắc bệnh, phải nằm bệnh viện suốt hơn tháng qua?

VKSND tỉnh Phú Thọ đính chính cáo trạng vụ “Đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ”, theo báo Sài Gòn Giải Phóng. Cơ quan này cho biết, “do sơ suất trong quá trình soát xét văn bản, phần ‘Quyết định’ của Cáo trạng vụ án ‘Đánh bạc nghìn tỷ’ có sai sót trùng lặp, nên đã phải đính chính, bổ sung”.


Tâm tư phong tướng

Báo Giáo Dục Việt Nam bàn về cuộc tranh luận chưa hồi kết về “tâm tư phong tướng” trong Công an nhân dân. Các ĐBQH vẫn loay hoay tranh luận với nhau xem số tướng công an ở Việt Nam thế nào là nhiều, ít, còn nếu so với mặt bằng chung của thế giới văn minh, số tướng ở Việt Nam không những quá nhiều mà còn không hiệu quả, tạo ra gánh nặng cho xã hội.

Độc giả Quang Cao bình luận: “Nuôi một anh lính bằng nuôi 7 người dân. Nuôi một tướng bằng nuôi 10 anh lính, nghĩ thời loạn tướng mới khiếp. Đánh thắng 2 đế quốc to, thêm anh Tàu khựa cũng chỉ có 36 tướng, đúng những vị tướng xả thân vì nước. Bây giờ phụ trách cái gọi là công đoàn hay bảo hiểm quân đội đều tướng hết. Thời ông Ba Dũng, ông Quang Thanh có lẽ kỷ lục về tốc độ phong tướng, mỗi đợt cho ra lò như đàn lợn con. Mong Quốc hội siết chặt việc phong tướng không nuôi đâu cho lại!

Quá nhiều tướng, nhưng toàn là tướng… cướp!


Nợ căng, tăng thuế…

Báo Đất Việt có bài: Nợ nước ngoài sắp chạm trần: Nhiều rủi ro nếu… Tốc độ nợ công đang tăng cao hơn tốc độ phát triển GDP. Ngay cả theo số liệu báo cáo một chiều của chính phủ, nợ nước ngoài sắp chạm trần. Vay nước ngoài chủ yếu để nuôi bộ máy CS, đáo hạn nợ và trả lãi vay. Số tiền dành cho đầu tư thấp, hiệu quá kém, bội chi ngân sách ở mức rất cao, để bù đắp ngân sách, chính quyền phải tăng thu thuế, vơ vét của nhân dân nhưng vẫn không đủ chi tiêu.

TS Cao Sĩ Kiêm bình luận: “Nợ công và bội chi ngân sách cao tác động sát sườn đến đời sống người dân bởi để trang trải cho mục tiêu cân đối vĩ mô thì nhà nước phải thu thuế từ doanh nghiệp, người dân, đó là tiêu cực”.

Dưới áp lực nợ công, chính quyền CS đặt lên vai Bộ Tài Chính gánh nặng vơ vét tiền thuế từ dân. Những năm gần đây, Bộ Tài chính liên tục thêm các loại thuế, phí mới và tăng mức đóng đối với những loại thuế phí cũ. Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Vì sao Bộ Tài chính quyết thu phí trước bạ xe bán tải bằng 60%?

Bộ Tài chính vừa ban hành nghị quyết tăng mức thu phí trước bạ xe pick-up (xe bán tải), xe tải VAN bằng 60% xe con. Bộ này lý giải, tăng thuế để bảo đảm công bằng đối với những xe cùng dung tích xi lanh và số chỗ ngồi. Lý giải của Bộ Tài chính hoàn toàn vô lý so với tính chất cũng như nhu cầu sử dụng các loại xe.

Một trong các chiêu trò làm mờ số liệu thực về nợ công của chính quyền CS là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Tuy nhiên, ngay cả “giải pháp” này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề. Trang Diễn Đàn Doanh Nghiệp bàn về mặt tối của chuyện cổ phần hóa DNNN: Quan ngại thất thoát tài sản công và hiện tượng tư nhân hóa ngầm.

Theo đó, “hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu ngân sách nhà nước từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất” trong quá trình cổ phần hóa DNNN. Thà họ thừa nhận họ không đủ năng lực, càng làm càng lỗ, còn hơn tìm cách giấu, nhưng càng giấu càng lòi ra một đống nợ.


… nhưng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,8%

Quốc hội quyết tăng trưởng GDP năm 2019 tối đa 6,8%, theo Vnexpress. Quốc hội Việt Nam vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội với 92,16% đại biểu tán thành. Mức tăng trưởng kinh tế được đề ra là 6,6 – 6,8%, cùng với chỉ số lạm phát được dự kiến giữ ở mức 4%.

Những con số trên không có nhiều ý nghĩa thực chất với người dân và giới chuyên gia kinh tế. Bởi lẽ, GDP Việt Nam không phản ánh đúng thực tế “sức khỏe” của nền kinh tế. GDP phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp nước ngoài (SamSung, Formosa…) và từ bán tài nguyên. Năm vừa rồi, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, thủ tướng Phúc đã nhanh chóng chỉ đạo gia tăng hút dầu khí lên bán.


Đảng viên sai phạm được thăng chức

Báo Giao Thông đưa tin: Kon Tum: Đang bị kỷ luật vẫn được bổ nhiệm lãnh đạo cấp Cục? Dính hai sai phạm nặng, cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Kon Tum được thăng chức lên cán bộ cấp bộ. Ngày 7/11, Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định tạm thời giao Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Kon Tum đối với ông Lê Tuấn, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum. Trước đó, ông Tuấn bị kỷ luật, thu thẻ Quản lý thị trường vì bao che cán bộ sai phạm. Ông Tuấn cũng bị kỷ luật “khiển trách” về mặt đảng.

Báo Công Luận có bài: Đừng đổ lỗi cho máy tính và cấp dưới mà nên nhận trách nhiệm. Thực tế là đảng viên cộng sản không có sĩ diện và lòng tự trọng, thì làm sao bắt họ nhận trách nhiệm. Cũng chính vì thế “lỗi đánh máy” và lỗi “do cấp dưới tham mưu” đã “xuất hiện với tần suất ngày một nhiều đủ để trở thành một cụm từ mới mang đầy sắc thái khôi hài, để giải thích cho mọi sai sót của lãnh đạo”.

Chính quyền vay tiền của dân, tính quỵt! Xã vay tiền của dân, 10 năm chưa trả: ‘Đang khó khăn’, theo báo Đất Việt. UBND xã Quỳnh Lộc, Nghệ An đã lừa vay của 3 cá nhân và 3 doanh nghiệp với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Có biên bản và giấy ghi nợ. Từ đó đến nay hơn 10 năm, nhưng chính quyền vẫn không có ý định trả. Có người đã không còn sống để chờ nhận lại số tiền trên. Người dân đòi thì được chính quyền trả lời “không có nguồn để trả”.



Tin giáo dục

Quốc hội bàn về lương bổng của giáo viên: Khi lương không đủ sống, giáo viên sẽ xoay xở đủ kiểu, là bài viết trên báo Phụ Nữ VN. Nhiều đại biểu yêu cầu phải tăng lương để giáo viên đủ sống, nhất là giáo viên ở cấp tiểu học. “Lương giáo viên hiện nay nuôi bản thân chưa đủ chứ đừng nói đến nuôi gia đình. Khi lương không đủ sống thì giáo viên, cơ sở giáo dục sẽ tự xoay xở đủ kiểu để đủ sống, lúc đó ranh giới giữa tiêu cực và không là rất mỏng manh”.

Báo PLTP có bài: Đừng để thầy cô bị ảnh hưởng bởi phong bì, dạy thêm. ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần nâng lương cho giáo viên bậc tiểu học, để làm sao họ gắn được với trách nhiệm của mình mà không chịu ảnh hưởng phong bì, dạy thêm.


***







No comments:

Post a Comment

View My Stats