Saturday, 17 November 2018

BẢN TIN NGÀY 17/11/2018 (Báo Tiếng Dân)




17/11/2018

Tin Biển Đông

BBC dẫn lời Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence: ‘Biển Đông không thuộc về ai’. Trong khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore ngày 16/11, ông Pence nói: “Quý vị có thể chắc chắn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đi thuyền và bay đến bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia chúng tôi đòi hỏi”.

Bên cạnh đó, Phó TT Mỹ kêu gọi đẩy nhanh bộ quy tắc ứng xử Biển Đông, theo VOA. Trong lúc nói chuyện với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông Pence nhận định, các nước trong khu vực “phải có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên của riêng mình và tự do đi lại trong vùng biển của chính mình”.

Philippines, Nhật Bản cam kết duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, theo Thông Tấn Xã Việt Nam. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã “tái khẳng định mục tiêu duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, khu vực vận chuyển hàng hóa quan trọng cho các quốc gia Đông Nam Á”.


Tin nhân quyền

Trong buổi điều trần ngày 15/11, Hà Nội chối trước thế giới các vụ công an tra tấn tại Việt Nam, theo RFA. Mặc dù các thành viên Ủy Ban Chống Tra Tấn của Liên Hiệp quốc đặt ra các câu hỏi cụ thể về rất nhiều trường hợp nghi can bị tra tấn, thậm chí tử vong trong các đồn công an Việt Nam, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, vẫn phủ nhận hoàn toàn.

VOA dẫn lời tổ chức Freedom Now: Việt Nam lấy luật làm vũ khí chống lại xã hội dân sự. Tổ chức này lưu ý, “điều đáng quan ngại là Việt Nam hiện đang tìm mọi cách để xây dựng và sử dụng luật pháp như là một thứ vũ khí để bảo vệ lợi ích của chế độ”. Bà Kate Barth, Giám đốc Pháp lý của Freedom Now bình luận: “Theo tôi thì tình hình thực sự đang rất tồi tệ tại Việt Nam hiện nay”.

RFA đưa tin: Tù nhân chính trị Nguyễn Văn Đức Độ bị tù hình sự đánh trong tù. Anh trai ông Đức Độ kể: “Em tôi cho biết từ sau ngày xử sơ thẩm là 5 tháng 10 ba tù hình sự giam chung phòng ngày nào cũng gây sự, khủng bố tinh thần Độ. Vào ngày 15 tháng 10 ba tù hình sự giam chung phòng đó lại gây sự và ra tay đánh khiến Độ phải đạp cửa kêu cứu”.


Công an hay côn đồ?

Báo Người Lao Động đưa tin: TP HCM: Bắt 2 cán bộ công an liên quan đến vụ nam thanh niên tử vong ở quận 11. Thanh niên đó là ông Châu Dung Thành. Sau khi giật điện thoại của một người đi đường, Thành bị công an truy đuổi, bắt về trụ sở công an quận 11. Sau khi lấy lời khai, đến rạng sáng hôm sau, Thành có dấu hiệu sức khỏe không tốt, được công an đưa vào bệnh viện quận 11 và tử vong sau đó. Nguyên nhân do phù phổi cấp. Hai công an bị khởi tố vì dùng nhục hình đối với Thành dẫn đến tử vong.

Ông Châu Dung Thành trước khi bị hai công an Trại Tạm Giam Công An quận 11, đánh chết. Ảnh: Báo SGGP

Báo Người Việt có bài: Đánh chết người, 2 công an bị bắt. Bài viết dẫn lời chị ruột nạn nhân cho biết, “lúc gia đình lên nhận xác ông Thành về để mai táng còn bị công an làm khó, yêu cầu gia đình phải ký giấy biên bản không thưa kiện mới cho mang xác về”. Phía công an thậm chí theo dõi gia đình ông Thành đến tận lò thiêu Bình Hưng Hòa.

Xôn xao clip thiếu tá công an đòi cởi cảnh phục “tay đôi” với dân, theo báo Kiến Thức. Trong clip, trung tá công an có hành vi rất côn đồ, thách thức người dân, đúng bản chất “xã hội đen”. Trong lúc đôi co, thiếu tá công an nói: “Láo mới dạy được mấy ông… Còn thích thì chọn thời gian, địa điểm. Thích không? Cởi đồ. Chỗ nào?” Mời xem clip: 

VIDEO :

Đoạn clip nói trên đã gây xôn xao dư luận. Chưa biết sự việc thế nào, nhưng với hành vi côn đồ, viên trung tá công an đã cho thấy bộ mặt thật của ngành công an dưới thời cộng sản. Còn lãnh đạo phường thì bao che: “Những người này có lời lẽ thô tục, kích động nên trong lúc thiếu kiềm chế, cán bộ công an đã có lời lẽ nóng nảy”.


Phe Tất Thành Cang có vào lò?

Được Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Tuyên giáo “bật đèn xanh”, các báo “lề đảng” tiếp tục công kích, mổ xẻ sai phạm của ông Tất Thành Cang. VOV bàn về vụ ông Tất Thành Cang: Cần tìm ra những người cùng “lợi ích nhóm“. Bài viết dẫn lời một số đảng viên ở TP HCM cho rằng, cần phải kỷ luật thích đáng ông Cang và tìm ra phe nhóm đằng sau ông này.

Những người “cùng lợi ích nhóm” mà bài viết ám chỉ phải chăng là ông Nguyễn Văn Đua và “khúc củi” to tướng Lê Thanh Hải? Nếu không có ông Hải và những người cùng phe cánh, thì ông Tất Thành Cang không thể lộng hành, xảy ra hàng loạt sai phạm đất đai ở Thủ Thiêm rồi Phước Kiển.

Báo Trí Thức Trẻ bàn về hai lần ký vượt thẩm quyền của ông Tất Thành Cang. Lần thứ nhất là hợp đồng ký tắt được giao cho Cty Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường ở dự án Thủ Thiêm, để công ty này được giao 79 ha đất tại đây. Lần thứ hai là quyết định bán rẻ 32 ha đất Phước Kiển cho Cty Quốc Cường Gia Lai không qua đấu giá, khiến thất thu ngân sách khoảng 1600 tỷ đồng.

Báo Một Thế Giới đặt câu hỏi: Người dân Thủ Thiêm nói gì về kết luận vi phạm của ông Tất Thành Cang? Một dân oan Thủ Thiêm bình luận: “Ông Tất Thành Cang sai phạm thì phải bị xử lý, đây là quy luật tất yếu của cuộc sống, không thể nào làm khác được. Tuy nhiên, kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương chưa chỉ ra sai phạm cụ thể của ông Cang đối với người dân Thủ Thiêm”.

Trung ương sẽ tiếp tục xử lý ông Tất Thành Cang, theo RFA. Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã khẳng định như vậy trước truyền thông “lề đảng” ngày 16/11. Một loạt bài viết gần đây nhất trên các báo “lề đảng” còn cho thấy ủy ban này đang xét tới một số người đứng trên ông Cang, chứ không chỉ dừng ở đây.

Nhà báo Trân Văn viết cho VOA: Mỗi Tất Thành Cang chưa đủ. Trong bài có đoạn: “Dân Thủ Thiêm xem ông Cang như một thứ tay sai của những anh Hai, anh Ba vốn là vua không ngai ở TP.HCM và oán ông Cang bởi tay sai có nhiều loại, phần lớn còn chút ít nhân tính nhưng ông Cang dường như thiếu hẳn”. Nhờ có anh Hai Nhựt, Ba Đua, quan lộ của anh Sáu Cang thăng tiến “thần tốc” và chỉ dừng lại trước ý đồ thanh trừng của phe cánh miền Bắc.  



Vụ Mobifone mua AVG

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao nguyên Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh bị đề nghị kỷ luật? Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thương vụ Mobifone mua AVG, Bộ KH-ĐT “với vai trò, nhiệm vụ chủ trì thẩm định, lập báo cáo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, nhưng đã không hướng dẫn Bộ Thông tin và Truyền thông và MobiFone thực hiện dự án đầu tư theo quy định”.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ lưu ý rằng Bộ KH-ĐT đã không can thiệp kịp thời, dứt khoát khi nhận ra Bộ TT-TT không đủ năng lực thẩm định giá thương vụ này, khiến ngân sách nhà nước thất thoát hàng ngàn tỷ đồng.


Vụ đánh bạc ngàn tỷ do hai tướng công an bảo kê

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin vụ Phan Văn Vĩnh: LS phản pháo chủ tọa về triệu tập thêm người. Trong phiên xử sáng 16/11, chủ tọa phiên tòa cho biết LS Lê Văn Thiệp có gửi đơn đề nghị triệu tập thêm người tham gia tố tụng. “Tuy nhiên, đơn này được gửi tới TAND tỉnh Phú Thọ chứ không phải HĐXX vụ án này nên không xem xét”. LS Thiệp cho biết, ông chưa từng gặp trường hợp HĐXX hành xử như vậy.

Đến phiên xử chiều 16/11, cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa có đơn đề nghị “không triệu tập đại diện Cục C50”, theo báo Lao Động. Đề nghị này trước đó đã được HĐXX chấp thuận. Những diễn biến kiểu này khiến người dân có cơ sở để hoài nghi rằng, có thật ông Phan Văn Vĩnh là một trong các bị cáo, hay ông là một thành viên HĐXX?

RFA đặt câu hỏi về vụ án đánh bạc triệu đô: Tại sao đưa hối lộ 100 tỷ lại miễn truy cứu hình sự? Bài viết lưu ý, “đã có nhiều nhận xét hoài nghi về sự công minh về phiên tòa tổ chức đánh bạc triệu đô…. Đã có nhiều biểu hiện cho thấy, việc xét xử đã được dàn dựng theo một kịch bản có lợi cho những kẻ phạm tội”. Ngay trong ngày xử đầu tiên, HĐXX đã dễ dàng chấp nhận khi ông Phan Văn Vĩnh đề nghị không đăng bản án lên mạng.


Tòa án cộng sản

Báo Pháp Luật VN có bài: Bản án oan nghiệt đẩy doanh nhân giỏi vào cảnh khánh kiệt. Đó là ông Dương Văn Hòa,  một doanh nhân giỏi của tỉnh Quảng Trị. Năm 2007, ông tham gia vào một dự án giảm nghèo tại địa phương rồi bất ngờ bị TAND tỉnh Quảng Trị kết án oan 18 tháng tù về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật”.

Đàn bò bị tiêu hủy, tài sản, chuồng trại bị niêm phong, bỏ hoang. Cả gia sản phút chốc tan biến. Sau 10 năm, ông Hòa được minh oan. Hành trình đòi bồi thường tiếp tục gian nan. Ông không được bồi thường thỏa đáng so với thiệt hại đã bị các quan chức gây ra. Tiền bồi thường thì ngân sách chịu, những cá nhân sai phạm, sau 10 năm chắc cũng leo lên những chức vị cao chót vót.

Báo Giao Thông bàn về nỗi lo… tòa địa phương. Lấy dẫn chứng là phiên tòa xử vụ đánh bạc ngàn tỷ, LS Nguyễn Thế Truyền cho biết, mới bắt đầu tòa án đã sai khi chấp nhận đề nghị của cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh không công khai bản án. Điều này không có căn cứ, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, còn có hàng loạt vụ án oan do tòa án cấp huyện, tỉnh khác gây ra. Nạn nhân ròng rã kêu oan, may mắn thì được cấp cao hơn giải quyết, nhưng hầu hết đều “ngậm đắng nuốt cay”. Án oan khắp nơi không đơn thuần xuất phát từ trình độ yếu kém của cán bộ cộng sản, mà chủ yếu nó xuất phát từ lợi ích kinh tế. Nói đơn giản, nếu bạn chịu chạy án, vụ án được xử theo ý bạn. Còn nếu không đút lót, nó xử nặng cho bõ ghét!


Ngân hàng bán đứng khách hàng?

Quy định mới của ngành thuế, báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng cho ngành thuế? Luật Quản lý thuế được thảo luận có nội dung về cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng cho ngành thuế. “Quy định này không phù hợp với yêu cầu bảo mật thông tin khách hàng của ngân hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng”. Nếu thông qua, Quy định này buộc các ngân hàng phải vi phạm pháp luật, bán đứng khách hàng của mình.

Thời báo Kinh Tế Sài Gòn có bài: Những câu hỏi về bảo hiểm xã hội và ALCII. Nguyên tắc trong ngành Bảo hiểm, nhất là bảo hiểm xã hội, tiền phải được quản lý ở mức độ an toàn cao nhất. Việc đầu tư phải hướng đến các lĩnh vực rất ít rủi ro. Không có chuyện sử dụng tiền bảo hiểm của dân để đầu tư vào các tổ chức tín dụng, bất động sản, chứng khoán. Thực tế, BHXH Việt Nam đầu tư cả ở những ngành rất rủi ro.

Ngoài ra, nguồn tiền BHXH còn được cho chính phủ vay, không có sự minh bạch. Đến nay người dân vẫn chưa rõ các quan chức BHXH đã và đang sử dụng tiền của người lao động để làm gì, cơ cấu sử dụng tiền đó ra sao, cho ai vay, rủi ro thế nào…


Bình Thuận: Cán bộ lừa đảo

Công an tỉnh Bình Thuận vừa bắt cựu nhân viên phòng tài chính huyện làm giả giấy tờ, theo Zing. Đó là ông Phạm Thanh Liêm, cựu nhân viên Phòng Tài chính huyện Bắc Bình, bị bắt và khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Liêm “đã làm giả nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đó đem bán cho nhiều người ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận”.


Nền giáo dục giả dối

Báo Lao Động có phóng sự: Tiền tỉ “chống trượt” đầu ra ngoại ngữ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội. Thay vì nâng cao trình độ của sinh viên, trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội lại bắt ép sinh viên đóng tiền để không cần học cũng có thể đạt chuẩn tiếng Anh. Trường này đã tạo ra các kỳ thi gian dối để hợp thức hóa các chứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên.

Sinh viên đóng “gói 1,9 triệu đồng” thì được cho đề trước. Những ai không đóng, dù học giỏi đến đâu cũng “auto trượt”. “Tàn nhẫn” ở chỗ, sinh viên nào không chịu đóng khoản phí “chống trượt” 1,9 triệu đồng/người thì sẽ “auto trượt” – như cách nói của sinh viên, hoặc sẽ “bị chấm theo cách khác” – như thừa nhận của chính các giảng viên”. “Dạy” tiếng Anh kiểu này, trách sao có rất nhiều SV rất dở tiếng Anh sau khi ra trường?

Dù báo Lao Động đưa ra những bằng chứng rõ ràng, lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp Hà Nội vẫn chối: Không có chủ trương thu tiền “chống trượt” ngoại ngữ ở ĐH Công nghiệp Hà Nội, theo Petrotimes. Lãnh đạo trường này khẳng định: “Nhà trường không có chủ trương thu tiền “chống trượt” ngoại ngữ như báo chí phản ánh, thực tế đây là khoản thu do một số sinh viên còn yếu về ngoại ngữ, đăng ký học bổ sung kiến thức nâng cao năng lực, để có thể đạt chuẩn đầu ra theo quy định”.

Nhiều ĐBQH ủng hộ quy định miễn học phí THCS, trẻ mầm non 5 tuổi, theo báo Thanh Niên. Giáo dục dưới thời cộng sản đang loay hoay miễn học phí 2 cấp học. Trong khi trước đó, nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa, giáo dục phổ thông được nhà nước miễn phí toàn bộ ở bậc phổ thông. “Đế quốc Mỹ” và các nước tư bản “giãy chết” cũng không thu học phí mẫu giáo và 12 năm phổ thông. Chế độ CS quả là “ưu việt” nên trẻ em ở những gia đình nghèo thì thất học. Tuy là miễn học phí, nhưng học sinh không thể thoát khỏi các khoản phụ thu gấp cả chục lần học phí.


***








No comments:

Post a Comment

View My Stats