Wednesday, 9 August 2017

FAKE NEWS & SỰ HỖN LOẠN CỦA MẠNG XÃ HỘI TIẾNG VIỆT (Kiều Phong - VNTB)




Kiều Phong  -  VNTB   

Fake news (tin giả) tràn ngập mạng xã hội trên khắp thế giới. Đối với những cộng đồng cư dân mạng sử dụng tiếng Việt, fake news còn hoành hành mạnh hơn, cứ mỗi khi có một sự kiến chính trị nào thì fake news lại được tung ra rồi bùng lên như một thứ ôn dịch.

Tổ chức phóng viên toàn cầu ICFJ trao giải 10 000 USD chống fake news

Thế giới chống fake news.

Fake news không phải là do sai lầm sơ ý, hầu hết chúng được các cá nhân và phe phái tính toán rất kỹ rồi mới tung ra để triệt hạ uy tín đối phương. Nhiều khi nạn nhân là cả một cộng đồng, tổ chức, tập đoàn lớn. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang khốn đốn vì fake news, kể cả một nước có nền tảng và tiềm năng luật pháp lớn như nước Mỹ. Các tập đoàn và công ty sản xuất còn dễ lên bờ xuống ruộng vì fake news hơn nữa. Chỉ cần một tin xấu được đưa ra và lan truyền, cổ phiếu của họ có thể lên xuống theo chiều hướng bất lợi, thiệt hại kinh tế do fake news không hề nhỏ và cũng không dễ ước lượng. ICFJ -International Center for Journalists, một tổ chức quốc tế dành cho phóng viên báo chí còn mở những chuyên đề hội luận bàn cách ngăn chặn fake news. ICFJ thậm chí trao giải thưởng 10 000 USD để trao tặng người hùng chống fake news, chứng tỏ tin giả đã gây hại nhiều lắm.

Mạng xã hội Facebook và truyền hình Youtube là nơi phát tán thông tin nhanh nhất cho nên cũng là nguồn lây lan fake news nhanh nhất. Trong hai loại mạng xã hội đó, Facebook với giao diện đẹp, thu hút nhiều người dùng là nơi ảnh hưởng nhất. Chống fake news đồng nghĩa với việc tìm cách làm sạch facebook, dĩ nhiên ở mức độ nhất định.

Hơn ai hết, hãng Facebook nhận thức được tác hại của fake news và đã đưa vào một số biện pháp kiểm duyệt. Cụ thể, Facebook cho phép mỗi số điện thoại di động chỉ dùng cho một tài khoản người dùng duy nhất. Nhiều người không đăng ký số điện thoại mà bằng email, nhưng do đăng nhập trên một thiết bị lạ hoặc đăng nhập ở một vị trí địa lý lạ nên cuối cùng cũng phải khai báo số điện thoại di động. Cách làm này khá hiệu quả những nước mà số điện thoại phải khai báo danh tính, từ số điện thoại đăng ký facebook truy ra được người dùng. Ngược lại, ở những nước mà mua sim rác dễ dàng tự do, không cần khai báo gì cả như ở Việt Nam, đội ngũ fake news tha hồ tạo tài khoản loại dùng xong liền vứt, chẳng cần biết liêm sỉ gì cả, đi dẫn link website bịa đặt, hoặc tung tin đặt điều không ai trị. Con số này như nấm, vì dùng xong liền vứt.

Truyền hình mạng Youtube cũng vậy. Trên Youtube đầy cảnh treo đầu dê bán thịt chó, tựa đề một đằng mà nội dung một nẻo. Trên Youtube có dầy những clip ghép mặt người này vào ảnh người kia, ăn theo sự kiện chính trị. Mấy kênh này thuê người đọc bài rồi ghép âm thanh vào mấy tấm hình là y như rằng có một video vỏ ngoài sinh động.

Tất nhiên nội dung đa số nhàm chán, đa phần đặt tựa giật gân để người ta vào xem nhưng chẳng mấy ai buồn xem hết. Cũng do gian dối, nhìn chung công dân Việt Nam và các kênh Youtube trôi nổi càng ngày càng khó kiếm thu nhập từ Youtube.

Anh Qúy, một người dân đang sinh sống tại Sài Gòn kiếm tiền trên Youtube cho biết: Tâm lý dân Việt Nam thích xem tin về tử vi bói toán, khoa học huyền bí, tiền vận hậu vận...nhất là mấy tin chém giết thanh trừng nội bộ thì càng thích. Giới kiếm tiền trên không gian ảo biết được điều này, nên sản xuất ra nhiều clip như thế tràn ngập mạng xã hội tiếng Việt. Nhưng bây giờ đã bão hòa, số người làm clip Youtube ăn tiền quảng cáo quá nhiều rồi, lại còn gian nữa, cho nên lợi nhuận thu được từ mỗi lượt khách Việt Nam xem Youtube rất nhỏ so với các nước. Câu hỏi nghi vấn đặt ra là, tài chính đâu ra để những chủ clip đó tiếp tục sản xuất? Phải chăng có một vài thế lực nào đó muốn làm nhiễu thông tin, nhất là những thông tin về chính trị- xã hội-môi trường?

Tiến bộ truyền thông sẽ dẹp được fake news?

Nhu cầu xem tin tức của xã hội Việt Nam rất lớn. Với kinh phí và nhân lực hiện tại, truyền thông quốc doanh không kịp làm tin, cũng không kịp lái dư luận theo hướng của mình. Cho nên, việc lưu lượng đọc tin được chuyển hướng từ truyền thông quốc doanh sang mạng xã hội như Facebook và Youtube, chăn dắt khán thính giả vào những trang ẩn danh xuyên tạc chất lượng thấp có thể là điều đã được ai đó sắp đặt. Ai hay gặp phải người lừa đảo thì sau này có gặp người trung thực cũng sẽ nghi ngờ. Có ít nhất một thế lực nào đó đã cố tình làm cho người dân mất niềm tin vào báo chí trung thực, để rồi, khi một tòa soạn trung thực đăng tin thì người dân cũng chẳng mặn mà gì.

Dù gì đi nữa, vị thế đang lên của truyền thông độc lập đang lên trong thập niên này khiến cho việc định hướng dư luận hoặc đánh lạc hướng không còn dễ dàng như trước. Cuộc đua tam mã giữa truyền thông quốc doanh- truyền thông độc lập ( hoặc đối lập tùy theo cách gọi)- và truyền thông trôi nổi tạm thời đang gây hỗn loạn thị trường tin tức, nhưng càng theo thời gian thì chỉ những kênh truyền hình và đài báo nghiêm túc đứng đắn mới tồn tại được. Các bậc phụ huynh luôn có ý muốn cho con cái đọc và xem những thứ trung thực, cho nên kênh nào dối trá lộ liễu quá thì dần dần sẽ bị đào thải, tẩy chay. Những kênh truyền thông trôi nổi, không rõ lai lịch người sản xuất cũng chỉ tác oai tác quái thêm được một thời gian nữa, sau đó sức ảnh hưởng của chúng sẽ nhạt dần.

Nhưng truyền thông độc lập thì cô đơn, trong khi truyền thông quốc doanh và truyền thông trôi nổi nhiều lần “công ty” với nhau để lừa mị dân chúng. Ngoài ra, truyền thông độc lập còn bị chặn tường lửa, người dân ai không biết đổi IP, đổi DNS thì khó lòng tiếp cận được những tin tức đài báo có giá trị.

Vì vậy cuộc đấu tranh loại bỏ fake news, loại bỏ truyền thông bẩn hãy còn gian nan phía trước và cần sự chung sức chọn lọc của cả cộng đồng mạng.





No comments:

Post a Comment

View My Stats