Wednesday 23 August 2017

THÔNG ĐIỆP ĐẰNG SAU DẤU CHẤM THAN CỦA ÔNG TRUMP (Philip Cowell - BBC Culture)




Philip Cowell  -  BBC Culture.
22 tháng 8 2017

Khi sử dụng dấu chấm than, thật sự chỉ có một quy tắc duy nhất: đừng dùng. Dấu chấm câu này đương nhiên là sự thậm xưng!

Thật vậy, công dụng của dấu chấm than là ở chỗ nó hiếm khi được sử dụng: Cẩm nang Hành văn Chicago chỉ ra rằng 'dấu chấm than chỉ nên dùng hạn chế thì mới có hiệu quả'.

Lạm dụng dấu chấm than?

Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ có vẻ như rất phóng tay trong việc dùng dấu chấm than. Trong Phòng Bầu dục, dấu chấm than được dùng còn nhiều hơn là các sắc lệnh hành pháp.


Theo số liệu thống kê về tài khoản Twitter của Tổng thống Donald Trump thì chỉ tính riêng trong năm 2016 @realDonaldTrump đã đưa lên 2.251 dòng tweet có sử dụng dấu chấm than.

Chúng ta có thể xem xét thế này: cứ trong số 100 dòng tweet mà tôi lựa chọn một cách hoàn toàn ngẫu nhiên thì ông Trump sử dụng dấu chấm than 32 lần. Điều đó có nghĩa là có tới 68% khả năng tổng thống Mỹ kết thúc dòng tweet bằng một tiếng hét!

Điều gì đang xảy ra vậy?

Dấu chấm than từ đâu mà ra và nó đi về đâu? Liệu các dấu chấm than của Tổng thống Mỹ đánh dấu một chức năng mới cho dấu câu này? Liệu dấu chấm than có bị chính trị hóa? Liệu thời điểm này có đánh dấu một thời kỳ mới hay đó chỉ là việc phá bĩnh chính trị bằng ngữ pháp?

Như một tên tuổi lớn khác ở nước Mỹ - nhà văn Bill Bryson - đã viết, thì cách dùng kinh điển của dấu chấm than là để 'thể hiện cảm xúc mạnh' chẳng hạn như: 'Cút đi!' hay sự nguy khốn: 'Cứu tôi với!'.

Nếu một phần lý do của dấu chấm than là để thay đổi giọng điệu của câu nói thì phần kia lý do là nó giúp giải thoát khỏi nguy khốn. Dấu chấm than có thể cứu mạng người. Cho nên dễ hiểu vì sao các tòa báo lâu nay vẫn xem dấu chấm than là dấu câu "gây kinh ngạc", dấu "gây sửng sốt" hay "dấu thét". Dễ hiểu vì sao các tờ báo lại cổ súy cho dấu chấm than mạnh mẽ nhất.

Nguồn gốc lặng lẽ

Dấu chấm câu to mồm to miệng này thật ra lại có một nguồn gốc khá lặng lẽ.
Vào cuối Thế kỷ 14, nó được gọi là 'dấu hâm mộ'; đến Thế kỷ thứ 17 nó thậm chí còn trở thành dấu thể hiện sự thảng thốt.


Hoan nghênh, hâm mộ, cảm kích và biết ơn - đó là những ý nghĩa biểu thị nguyên thủy của dấu chấm than - những cách dùng có lẽ có sức hút đối với chúng ta trong thời hậu hiện đại.
Và nó cũng có giới tính nữa: các nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ nhiều khả năng sử dụng dấu chấm than hơn không phải chỉ vì phụ nữ được cho là 'giàu cảm xúc' hơn nhưng còn vì phụ nữ có xu hướng biểu thị sự hâm mộ nhiều hơn.

Điều thú vị là một nhà bình luận đã nhận thấy rằng trong khi Trump có thể chẳng sao cả khi thể hiện các nét tính cách 'đàn bà' và 'kích động' thì đối thủ của ông là bà Hillary Clinton lại bị phê phán nặng nề vì 'không đủ nữ tính': bà Clinton đã không dùng dấu chấm than một cách đủ mức.

Ý tưởng chuyển từ thể hiện sự hâm mộ sang sự phấn khích cũng nói lên nhiều điều: hâm mộ là hâm mộ những điều bên ngoài ('Hãy xem thành tích của anh kìa!') trong khi sự phấn khích là phấn khích của chính bạn ('Mình thật là tài!'). Do đó, dấu chấm câu có thể được xem là ảnh chụp tự sướng trong phạm trù ngữ pháp.

Thật vậy, chức năng nhị nguyên của dấu chấm than đã có từ lâu. Trong từ điển Pháp-Anh của Randle Cotgrave xuất bản vào năm 1611, tác giả mô tả dấu chấm than là 'dấu hâm mộ' (hay dấu ghét bỏ). Ông từng thổ lộ: vốn là người ưa thích sử dụng dấu chấm câu, tôi thà chọn các dấu ngoặc đơn thể hiện sự bí hiểm hay sự tò mò.

Tiến sỹ Johnson, một người ham đọc sách, chính là người sáng tạo tên gọi 'cảm thán' cho những câu cảm động lâm ly - những câu liên quan đến cảm xúc - và từ đó nó dấu chấm câu này đã trở thành 'dấu cảm thán'.

Dùng 'nhẹ nhàng hơn'

Dấu chấm câu nói chung và dấu chấm than nói riêng được sử dụng thường xuyên hơn cho đến cuối Thế kỷ 19. Những văn sỹ sống dưới thời Nữ hoàng Victoria thật sự có xu hướng sử dụng nhiều dấu chấm than. Anton Chekhov thậm chí còn viết một câu chuyện ngắn có tựa đề "Dấu cảm thán" kể về một viên chức nhà nước hoang tưởng rất khác Donald Trump, người nhận ra rằng trong vòng 40 năm ông chưa từng một lần dùng dấu chấm than.


Khi bước sang thiên niên kỷ mới, hai nhà từ vựng học là anh em nhà Fowler đã kêu gọi mọi người nên giữ yên lặng khi bày tỏ cảm xúc. Họ kêu gọi dùng dấu chấm câu 'nhẹ nhàng hơn' mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn sử dụng - một sự đi ngược lại cách lạm dụng ngữ pháp thái quá của thế hệ cha ông.

Về dấu chấm than, anh em Fowlers nói rất chắc chắn: "Nên dùng dấu chấm than sau dòng cảm thán thật sự. Chỉ có một ngoại lệ."

'Cảm thán thật sự' mà họ mô tả gần như là những gì chúng ta đã biết (thán từ, câu mệnh lệnh, câu thể hiện sự ngạc nhiên). Ngoại lệ mà họ nhắc đến là: "khi người viết muốn diễn đạt rằng họ không tin hay trạng thái trước những điều không phải họ nói, nhất là câu trích dẫn của ai đó." Đó là khi mà dấu chấm than thể hiện 'sự mỉa mai' một cách rành mạch.

Thời kỳ Internet

Ngoại lệ của anh em nhà Fowlers cũng là nguyên tắc của chúng ta. Cách dùng dấu chấm than như là dấu châm biếm, dấu mỉa mai, dấu cười nhạo trước câu nói đùa của bản thân là nguyên tắc trong thế kỷ trước cũng như trong thế kỷ này. Đó là dấu chấm câu mà chúng ta dùng.

Rõ ràng đó là dấu chấm câu của mạng Internet: nó được dùng trong thư điện tử, trong các ứng dụng trò chuyện qua mạng, trên mạng xã hội và trong những chủ đề bình luận - tất cả đều tạo ra một nền văn hóa sử dụng và lạm dụng một lúc nhiều lúc chấm than.

Điều đó thật là hay quá!!! Bạn càng dùng nhiều dấu chấm than, thì bạn càng cần sử dụng nó nhiều hơn!!!!!! Bạn càng cần sử dụng nó nhiều hơn thì câu nói của bạn càng không có nghĩa gì cả!!!!!!!!!!!

Ai cũng đoán già đoán non tại sao ông trùm Tweet của Thế giới Tự do lại vung tay sử dụng dấu chấm than như vậy. Chắc chắn trong đó có sự hâm mộ và tôi nghĩ cũng có sự ngạc nhiên. Nhưng cũng có nỗi sợ nữa. Không thể phủ nhận được đó là nỗi sợ và sự mỉa mai.

Sự lạm dụng bất kỳ dấu chấm câu nào cho chúng ta biết điều gì đó về bản thân mình. Cái cách mà bạn dùng dấu chấm phẩy trong đoạn văn của mình có thể có liên hệ với cách bạn chi phối cuộc đời bạn.

Vậy điều gì sẽ xảy ra trong cách dùng dấu chấm than? Hãy kết thúc bằng một câu nói của chính ông Trumg: Hãy chờ xem!

Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Culture.










No comments:

Post a Comment

View My Stats