Thursday 24 August 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ TƯ 23/8/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc cắm cờ trên đá Tri Lễ, thuộc quần đảo Trường Sa

Tin cho hay các tàu của Trung Quốc đã tiến gần đến một hòn đảo lớn của Philippines trong khu vực có tranh chấp trên Biển Đông trong tháng này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay go tại Manila, có thể làm sứt mẻ tình hữu nghị giữa hai nước Trung-Phi.
Dân biểu Philippines Gary Alejano viết trên Facebook rằng một tàu của Trung Quốc cắm một lá cờ cao 3 mét trên đảo Sandy Cay (Việt Nam gọi là đá Tri Lễ - Theo Nghiên Cứu Biển Đông), một bãi cát nằm trong khu vực do Philippines kiểm soát trên Quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, trong hoặc trước tuần lễ thứ ba của tháng 7. Các tàu hải quân và tuần duyên Trung Quốc đã tiến đến gần khu vực này vào ngày 12/8, ông Alejano cho biết thêm.

Hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
Các hình ảnh do Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ - CSIS thu thập được cho thấy 9 tàu đánh cá và 2 tàu hải quân hoặc tàu chấp pháp của Trung Quốc ngày 13/8 có đi qua khu vực gần đảo Thị Tứ ở quần đảo Trường Sa, nơi có hơn 100 thường dân Philippin sinh sống.
Ông Euan Graham, Giám đốc An ninh Quốc tế của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney cho biết: "Đây có thể là một phép thử đối với chính phủ Philippines, tìm kiếm phản ứng của Manila, những gì họ có thể thu thập được và cũng để xem có bao nhiêu phản hồi trong hệ thống chính trị Philippines, nhưng cho đến nay có rất ít phản hồi."
Ông Graham nói: "Về mặt hoạt động, có thể nói cửa đã mở cho Trung Quốc nếu họ muốn thực hiện bước tiếp theo. Trung Quốc có thể thiết lập một vùng ‘phong tỏa mềm’ trên đảo Sandy Cay và cuối cùng là đặt các cấu trúc lên đó.”

Philippines không hành động
Truyền thông Philippines hôm 22/8 cho biết Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng ông không thấy lý do gì để bảo vệ Sandy Cay trừ phi Trung Quốc xâm chiếm hòn đảo này. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của nước này cùng ngày tuyên bố rằng Trung Quốc không chiếm đảo Sandy Cay, nằm cách đảo Thi Tứ 22 km và nơi được miêu tả là có các bãi cát, và bộ Ngoại giao của Philippines sẽ không từ bỏ bất kỳ vùng lãnh thổ nào.
Tuy nhiên, ông Antonio Carpio, một quan chức cấp cao của Toà án Tối cao ở Philippines đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc xâm lược. Ý kiến của ông phần nào đã thúc đẩy phản ứng của các quan chức chính phủ Philippines.
Các nhà phân tích nhận thấy rằng các chính trị gia Philippines đang vất vả trong việc đưa ra một phản ứng vừa làm hài lòng sự hoài nghi của công chúng về Trung Quốc, vừa duy trì tình hữu nghị với Bắc Kinh.
Ông Eduardo Araral, phó giáo sư thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore về chính sách công cho biết bây giờ Trung Quốc có thể rút lui và Philippines có thể triệu hồi đại sứ Trung Quốc để thảo luận.
Ông Araral nói không rõ liệu các hoạt động của Trung Quốc gần đảo Sandy Cay do chính quyền trung ương Trung Quốc hay do một "quan chức" địa phương thực hiện.
Tuy nhiên, các học giả cho rằng việc thiếu sự phản đối chính thức đối với hoạt động của Trung Quốc ở đảo Sandy Cay có thể cuối cùng tạo điều kiện cho Trung Quốc tuyên bố hòn đảo là của họ và hạn chế không cho Philippine tiếp cận.
Trung Quốc có thể sẽ đặt các công trình lên đảo Sandy Cay, ông Graham nói. Trung Quốc đã lắp đặt cơ sở hạ tầng phục vụ cho máy bay chiến đấu trên các đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa, gồm đá Chữ Thập (Fiery Cross), đá Vành Khăn (Mischief Reef) và đá Subi (Subi Reef.) - VOA
|
|
2.
Tillerson: Có thể đối thoại với Bắc Triều Tiên trong ‘tương lai gần’ --- Trung Quốc ‘nhỏ giọt’ xăng dầu sang Bắc Triều Tiên --- Kim Jong Un ra lệnh sản xuất thêm đầu đạn tên lửa liên lục địa
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson ngày 22/8 dường như đổi giọng hòa dịu với Bắc Triều Tiên khi hoan nghênh việc Bình Nhưỡng mới đây đã tỏ ra tự chế trong chương trình vũ khí hạt nhân và ông hy vọng con đường đối thoại có thể mở ra “một lúc nào đó trong tương lai gần.”
“Chúng ta không có thêm vụ phóng phi đạn hay những hành vi khiêu khích nào nữa về phần Bắc Triều Tiên kể từ khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc được đồng thanh chấp nhận,” ông Tillerson nói với các phóng viên, nhắc đến những chế tài đối với Bắc Triều Tiên được Hội đồng chấp thuận vào ngày 5/8 vừa qua.
“Chúng ta hy vọng đây là khởi đầu của dấu hiệu chúng ta đang tìm kiếm—rằng họ sẵn sàng hạn chế những hành vi khiêu khích, và có lẽ chúng ta đang thấy con đường của chúng ta một lúc nào đó sẽ có đối thoại trong tương lai gần,” ông Tillerson nói thêm.
Ngoại trưởng Tillerson nói ông hài lòng vì Bình Nhưỡng đã chứng tỏ “một mức độ tự chế mà chúng ta không thấy trong quá khứ.”
“Chúng ta cần thấy nhiều hơn về phần Bắc Triều Tiên, nhưng tôi muốn công nhận những bước họ đã thực hiện cho tới nay,” ông nói.
Lời lẽ của ông Tillerson dường như nhằm khuyến khích đối thoại, dù rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trong tháng này tuyên bố Bắc Triều Tiên còn một con đường dài để vượt qua trước khi Washington có thể cứu xét việc thương thuyết.
Bắc Triều Tiên đã hai lần thử nghiệm hạt nhân và hơn một chục lần thử nghiệm phi đạn kể từ đầu năm ngoái và Washington nói mục đích của những cuộc thương thuyết trong tương lai phải là phi hạt nhân hóa, điều mà Bình Nhưỡng đã bác bỏ chừng nào Hoa Kỳ vẫn giữ “chính sách thù nghịch” đối với Bắc Triều Tiên.
Trước đây trong tháng này, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Bắc Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa thịnh nộ” nếu đe dọa Hoa Kỳ.
Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách dọa phóng phi đạn đến dảo Guam, lãnh thổ của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, nhưng sau đó cho biết đã hoãn lại để chờ xem hành động của Hoa Kỳ.
Tuần trước, ông Trump ca ngợi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vì quyết định ‘khôn ngoan’ của ông này, trong khi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho biết ông đã thông báo với Nga, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng giúp làm trung gian các cuộc đàm phán.
Cuộc đàm phán 6 bên nhằm thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đổ vỡ vào năm 2008. - VOA

***
Trong tháng 7, Trung Quốc xuất khẩu ‘nhỏ giọt’ xăng dầu sang Bắc Triều Tiên, theo dữ liệu hải quan, một dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy việc bán xăng dầu của công ty dầu quốc doanh CNPC cho nước láng giềng cô lập này đã giảm đáng kể.
Tổng cục Hải quan Bắc Kinh ngày 23/8 cho biết những chuyến tàu chở dầu của Trung Quốc giảm 97% so với cách đây 1 năm, chỉ có 120 tấn, trị giá chưa đến 100.000 đô la. Con số này giảm sút so với 8.262 tấn trong tháng 6.
Dữ liệu giao động hàng tháng không phải là chuyện bất thường nhưng đây là con số thấp hàng thứ tư, theo dữ liệu hải quan Reuters ghi nhận được từ tháng 1/2010.
Dữ liệu hải quan cũng cho thấy thương mại của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên giảm sút trong tháng qua. Lệnh cấm mua than đá của nước láng giềng cô lập này làm sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc giữa lúc áp lực của Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh ngày càng tăng trong việc kìm chế chương trình phi đạn của Bình Nhưỡng.
Cắt giảm lâu dài sẽ đe dọa nguồn cung xăng dầu cần thiết cho Bắc Triều Tiên và có thể buộc nước này tìm nguồn cung cấp thay thế.
Vào cuối tháng 6, Reuters cho biết Công ty CNPC của Trung Quốc ngưng bán xăng dầu cho Bắc Triều Tiên vì những lo ngại là CNPC sẽ không được trả tiền.
Giá xăng dầu tại Bắc Triều Tiên lên cao sau khi Trung Quốc ngưng xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên và biện pháp này vẫn còn áp dụng, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Xăng thường chiếm một lượng lớn trong các mặt hàng xăng dầu xuất sang Bắc Triều Tiên, nhưng số liệu của tháng 7 cho thấy xăng sinh học, ethanol, chiếm hàng đầu với 4.137 mét khối, trị giá 1,9 triệu đô la.
Trong khi đó, quặng sắt của Bắc Triều Tiên nhập vào Trung Quốc cũng giảm mạnh trong tháng 7, trước khi Liên hiệp quốc thông qua cuộc bỏ phiếu áp đặt những chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với Bình Nhưỡng.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí áp đặt những chế tài mới đối với Bình Nhưỡng nhắm vào việc xuất khẩu than đá, sắt chì và hải sản Bắc Triều Tiên. Những chế tài này có hiệu lực vào đầu tháng 9. - VOA

***
Ngày 23/08/2017, hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA đưa tin lãnh đạo Kim Jong Un đã ra lệnh sản xuất thêm động cơ hỏa tiễn chạy bằng nhiện liệu rắn và đầu đạn tên lửa liên lục địa (ICBM).
KCNA cho biết ông Kim Jong Un đã phát biểu như trên trong chuyến thăm Viện Vật Liệu Hóa Học, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc phòng, cơ quan đặc trách việc phát triển tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng khẳng định đã làm chủ công nghệ đảm bảo rằng một đầu đạn tên lửa liên lục địa có thể duy trì được hoạt động trong giai đoạn quay lại bầu khí quyển, khi phải chịu sức nóng vô cùng lớn. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế vẫn còn chưa chắc chắn.
Trong khi đó, ngày 22/08/2017, bộ Tài Chính Hoa Kỳ loan báo quyết định trừng phạt 10 tổ chức và 6 cá nhân Trung Quốc và Nga bị cáo buộc hỗ trợ Bắc Triều Tiên phát triển chương trình nguyên tử và tên lửa đạn đạo.
Cụ thể, theo bộ Thuơng Mại Mỹ, « toàn bộ tài sản và lợi nhuận của những cá nhân nằm trong danh sách sẽ bị phong tỏa ở Hoa Kỳ và mọi công dân Mỹ bị cấm trao đổi thương mại với những cá nhân và tổ chức đó ». Trong danh sách trừng phạt mới có công ty Dandong Rich Earth Trading (trụ sở tại Trung Quốc) và Gefest-M (trụ sở tại Matxcơva), cả hai đều mua nhiên liệu từ các công ty được cho là có liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Sứ quán Trung Quốc tại Washington phản ứng gay gắt về lệnh trừng phát mới trên, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ « sửa chữa ngay lập tức sai lầm này để tránh mọi tác động đến quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực liên quan ».
Trái ngược với biện pháp cứng rắn, trong một buổi họp báo cùng ngày về chiến lược của Mỹ tại Afghanistan, ngoại trưởng Rex Tillerson lại hoan ngênh « chế độ Bình Nhưỡng đã thể hiện một mức độ kiềm chế chưa từng thấy trong quá khứ ». Ông cũng hy vọng chế độ Kim Jong Un đàm phán trực tiếp với Washington « vào một thời điểm thích hợp trong tương lai gần ».
Riêng tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du ngày 22/08 đến Phoenix (bang Arizona), lại cho rằng những lời lẽ hung hăng của ông đối với Bắc Triều Tiên đã mang lại kết quả và lãnh đạo Kim Jong Un bắt đầu « tôn trọng » Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong một cuộc hội thảo về giải trừ vũ khí được tổ chức tại Geneve ngày 22/08, đặc phái viên của Bình Nhưỡng khẳng định Bắc Triều Tiên sẽ « không bao giờ » đàm phán về vũ khí hạt nhân. - RFI
|
|
3.
Trump dọa bỏ NAFTA: Mexico, Canada không nao núng
Đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi bỏ Hiệp ước Tự do Thương mại NAFTA chẳng qua là một chiến thuật thương thuyết, không khiến Mexico quan ngại hay sửng sốt, Ngoại trưởng Mexico tuyên bố ngày 23/8 trong lúc đồng peso đang suy yếu.
Trong bài diễn văn đọc tại Phoenix tối ngày 22/8, ông Trump nhắc lại lời đe dọa hủy bỏ Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ, nói rằng tương lai của hiệp ước này mờ nhạt. Ông Trump từ lâu gọi hiệp ước 1994 này là một thỏa thuận xấu làm thiệt hại cho công nhân Mỹ và nói rằng hiệp ước này nên được thương thuyết trở lại hoặc chấm dứt.
Những cuộc thảo luận sơ khởi để tái thương thuyết NAFTA giữa Mexico, và Canada kết thúc tuần này tại Washington, nhưng không có dấu hiệu đột phá nào, và những cuộc thảo luận thêm nữa sẽ được tổ chức tại Mexico vào tháng 9 tới.
Tiếp sau phát biểu của ông Trump ngày 22/8, đồng peso của Mexico sụt giảm hơn 1% trong phiên giao dịch sáng ngày 23/8.
Bộ trưởng Ngoại giao Mexico, Videgaray, nói phát biểu của ông Trump đơn giản chỉ là một chiến thuật thương thuyết và Mexico vẫn sẽ tiếp tục thương lượng. Nhận xét này không có gì đáng ngạc nhiên cũng không làm Mexico lo ngại, ông Videgaray nói thêm.
“Ông ấy thương thuyết theo lối đặc thù của ông ấy,” ông Videgaray nói.
Ông nói thêm là bức tường ông Trump đề nghị xây dọc theo biên giới Mỹ-Mexico không nằm trong nghị trình thương thảo song phương giữa hai nước.
Đồng tiền Mexico sụt giảm đến mức kỷ lục sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống vào tháng 11 năm ngoái vì các nhà đầu tư lo ngại ông Trump có thể gây thiệt hại cho xuất khẩu Mexico và gây nên suy thoái tại biên giới phía nam.
Tuy nhiên đồng peso phục hồi trở lại kể từ đó vì những lo ngại của các nhà đầu tư dường như được khống chế.
Bài diễn văn của ông Trump tối ngày 22/8 cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về tương lai của NAFTA, và nhấn mạnh đến sự phức tạp của những cuộc thảo luận để tái thương thuyết NAFTA với ảnh hưởng của ông Trump trong tiến trình thương thuyết.
Đồng peso giảm 0,58% vào sáng ngày 23/8 với hối suất 1 đô la bằng 17,7690 peso.
Trong khi đó, Canada cho biết sẽ không nản lòng vì những đe dọa của ông Trump hủy bỏ NAFTA và đã dự trù có những thời điểm bi đát trong những cuộc thảo luận nhằm tái thương thuyết hiệp ước, một giới chức chính phủ tuyên bố hôm 23/8.
“Đây là một lá bài chúng tôi biết Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra… lá bài này sẽ không làm lập trường của chúng tôi giao động,” viên chức này nói với điều kiện ẩn danh vì sự nhạy cảm của tình hình. - VOA
|
|
4.
Campuchea ra lệnh đóng cửa Viện Dân chủ Quốc gia --- Campuchia: Giới chỉ trích phải đóng thuế hoặc rời đi

Campuchea ngày 23/8 ra lệnh cho Viện Dân chủ Quốc gia do Mỹ tài trợ phải ngưng hoạt động và sa thải nhân viên người nước ngoài, động thái mới nhất của chính phủ Hun Sen chống lại những lợi ích của Mỹ trước cuộc bầu cử vào năm tới.
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước bầu không khí suy thoái dân chủ tại Campuchea trong những tuần gần đây. Ngoài vụ việc hôm nay, Phnom Penh còn đe dọa đóng cửa một tờ báo do một ký giả Mỹ thành lập.
Tinh thần bài Tây của Thủ tướng Hun Sen ngày càng tăng giữa bối cảnh căng thẳng trước cuộc bầu cử năm sau mà ông đang tìm cách gia hạn hơn 30 năm nắm quyền.
Bộ Ngoại giao Campuchea tố cáo Viện Dân chủ Quốc gia Mỹ hoạt động không đăng ký và ra lệnh các nhân viên nước ngoài của Viện có 7 ngày để rời nhiệm sở. Nhà chức trách cũng tăng cường biện pháp tương tự đối với các NGO nước ngoài không tuân thủ luật lệ Campuchea, Bộ này nói thêm.
Viện Dân chủ Quốc gia Mỹ cho biết họ làm việc với các đảng phái chính trị, các chính phủ và các nhóm dân sự để thành lập và củng cố các định chế dân chủ.
Đại sứ Mỹ nói tổ chức này hoạt động không thiên vị và đã vận hành tại Campuchea từ 1992 tới nay.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert nói các hành động gần đây của chính phủ Campuchea nhắm vào quyền tự do báo chí và xã hội dân sự là “rất đáng quan ngại” và rằng Ngoại trưởng cũng như đại sứ Mỹ đã thảo luận quan tâm của Hoa Kỳ với lãnh đạo Campuchea trong thời gian gần đây. - VOA

***
Tờ Cambodia Daily - một tờ báo tiếng Anh độc lập, từ lâu đã là một cái gai trong mắt chính phủ - đang đối mặt khả năng bị đóng cửa vì bị bắt nộp 6,3 triệu đôla tiền thuế bị truy thu trong 30 ngày.
Hôm 22/8 , Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói nếu khoản truy thu thuế này không được nộp, "hãy đóng gói đồ đạc và rời đi", ông cũng gọi các phóng viên báo này là "kẻ trộm".
Động thái chống lại tờ báo này - được nhiều người cho là có động cơ chính trị trước cuộc bầu cử năm tới , khiến các nhà báo Campuchia lo ngại.
Họ vốn có thời gian dài được tự do tác nghiệp hơn đồng nghiệp ở các nước láng giềng.
Cùng thời điểm, nhân viên Viện Dân chủ Quốc gia (NDI), được lệnh rời khỏi Campuchia theo một luật dành cho các tổ chức phi chính phủ được thông qua năm 2015.
NDI là tổ chức phi lợi nhuận do Hoa Kỳ tài trợ, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tra những bất thường trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2013,
NDI bị giới chức đảng cầm quyền cáo buộc trong quá khứ từng tham gia hoạt động được Hoa Kỳ hậu thuẫn nhằm thay đổi chế độ ở Campuchia, và không hoàn tất việc đăng ký cũng như nộp thuế. Viện này nói với AP rằng họ đã tuân thủ luật đăng ký và hoạt động minh bạch suốt 25 năm qua.
Ngoài tờ Cambodia Daily, các cơ quan truyền thông độc lập khác - gồm Đài Á Châu Tự do và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ - cũng bị cáo buộc là không tuân thủ nghĩa vụ thuế.
Các cơ quan này và tờ Phnom Penh Post, tờ báo đến nay chưa bị cáo buộc tương tự, thường xuyên đưa tin về những vấn đề làm chính phủ Campuchia "xấu hổ", từ việc khai thác gỗ trái phép đến tham nhũng và lạm dụng nhân quyền.
Lee Morgenbesser, chuyên gia về chế độ độc tài tại Đại học Griffith, Úc, nói rằng việc tận dụng cách truy thu thuế làm cái cớ để "buộc những kẻ phản đối phải im tiếng" là "chiêu thức" được sử dụng ở Hungary, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.
Chính phủ Campuchia bác bỏ những vụ việc này có yếu tố chính trị và chỉ ra rằng các nhà báo vẫn còn có nhiều tự do trong quốc gia mà chính phủ cho là dân chủ này.
Ông Ou Virak, một nhà phân tích Campuchia, người đứng đầu Tổ chức Tư vấn Tương lai, nói lời kêu gọi về nhân quyền và tự do dân chủ của Hoa Kỳ ngày càng yếu ớt dần cùng với sự phát triển và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia khiến cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) bạo dạn hành động.
Ông nói, "Về cơ bản những gì bạn đang thấy là sự kết thúc của kỷ nguyên phương Tây ở Campuchia", ông nói thêm, trước đó, nếu các nhà hoạt động "đánh tiếng đủ lớn để thu hút sự chú ý của quốc tế", chính phủ phụ thuộc vào viện trợ sẽ phải nhượng bộ.
Một phát ngôn viên của CPP nói rằng đảng này "không có động cơ hoặc bất kỳ lý do gì" để tham gia vấn đề giữa Cambodia Daily và cục thuế.
Deborah Krisher-Steele, phó giám đốc của tờ báo, nói cơ quan thuế không tuân theo các quy định và đã lờ đi yêu cầu về các cuộc họp làm việc chung.
Bà nói bà muốn có một cuộc kiểm toán đầy đủ nhưng nhấn mạnh rằng nếu có bất kỳ khoản thuế nào, "nó không thể nào gần" con số 6,3 triệu đô la yêu cầu.
Bà nói hành động này là để "hăm dọa và quấy rối tờ Campuchia Daily... và những người dám nói lên sự thật".
Bài báo được thành lập năm 1993 bởi cha bà, ông Bernard Krisher, cựu phóng viên Newsweek tại Nhật Bản, người thân thiết với vua Norodom Sihanouk.
Nhân viên tờ báo gồm các phóng viên địa phương và nước ngoài - và một mạng lưới cựu phóng viên hiện đang làm việc cho các cơ quan truyền thông trên toàn thế giới.
Đó là một công việc mệt mỏi và thử thách, bà nói, nhưng nhiều năm sau chiến tranh, tờ báo, cùng với Phnom Penh Post, "đã cho người Campuchia cái nhìn thực tế đầu tiên về thế giới bên ngoài và báo chí tự do là như thế nào". - BBC
|
|
5.
LHQ cảnh báo Mỹ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc

Uỷ ban LHQ về Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc lên tiếng báo động Hoa Kỳ về sự gia tăng của các nhóm cực hữu và chủ nghĩa hận thù.
Một ủy ban của LHQ đặc trách chống phân biệt chủng tộc đã đưa ra "cảnh báo sớm" về tình hình ở Hoa Kỳ và kêu gọi chính quyền Trump phải "dứt khoát” loại bỏ “không điều kiện” việc phân biệt đối xử.
Cảnh báo đặc biệt đề cập đến các sự việc xảy ra tuần trước ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, nơi nhà hoạt động dân quyền Heather Heyer đã bị thiệt mạng khi một chiếc xe lao vào nhóm người biểu tình phản đổi chủ nghĩa dân tộc da trắng.
Những tuyên bố tương tự thường do Ủy ban LHQ về Xoá bỏ Phân biệt Chủng tộc (CERD) nêu khi có những lo ngại xung đột sắc tộc hoặc tôn giáo. Trong thập kỷ qua, chỉ có một số quốc gia bị cảnh báo sớm là Burundi, Iraq, Bờ Biển Ngà, Kyrgyzstan và Nigeria.
Bà Anastasia Crickley, Chủ tịch Ủy ban CERD nói: "Chúng tôi báo động vì các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc, trong đó có những khẩu hiệu kỳ thị chủng tộc, những bài hát và lời nói của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, tân phát xít, và Ku Klux Klan, ca ngợi quyền tối cao của trắng và kích động phân biệt chủng tộc và sự hận thù.”
Bà Crickley cũng kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ "giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự bùng phát các biểu hiện phân biệt chủng tộc đó."
Cảnh báo đã được đưa ra vào ngày 18/8 nhưng cho tới ngày 23/8 mới công bố, một ngày sau khi các cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài cuộc mít -tinh của tổng thống Trump ở thành phố Phoenix, bang Arizona.
Trong tuyên bố của mình, CERD cũng kêu gọi Hoa Kỳ đảm bảo rằng các quyền tự do biểu đạt, hội họp và lập hội một cách hòa bình; không nên thực hiện các quyền này nhằm mục đích huỷ hoại hoặc phủ nhận các quyền và tự do của người khác, đảm bảo rằng "các quyền đó không được lạm dụng để khuấy động lòng phát ngôn thù hằn chủng tộc và tội phạm phân biệt chủng tộc." - VOA
|
|
6.
Ba Lan muốn xóa hết tên đường liên quan đến thời CS

Chính quyền cánh hữu Ba Lan thúc đẩy cho một phong trào xóa di sản của thời xã hội chủ nghĩa trên toàn quốc nhưng đang gặp phải phản ứng.
Luật của chính phủ Ba Lan do Đảng thiên hữu "Pháp luật và Công lý" nắm giữ muốn đổi tên gần như tất cả các đường phố có dính líu đến thời Cộng hòa Nhân dân Ba Lan.
Nhưng tại một đô thị miền Nam nước này, đa số người dân bảy tỏ ý kiến không đồng ý về kế hoạch muốn bỏ tên cố Tổng bí thư Đảng cộng sản trong thập niên 1970, ông Edward Gierek (1913-2001) khỏi một ngã tư.
Mới năm 2002, một năm sau khi ông Gierek qua đời, Hội đồng thành phố Sosnowiec đã bỏ phiếu công nhận ông là "công dân danh dự vĩnh viễn" của họ.
Trang Newsweek Polska (15/08/2017) nói 97,3% trong 13 nghìn dân thành phố mỏ Sosnowiec tham gia cuộc tham vấn công khai hồi tháng 6, muốn giữ tên tuổi ông Edward Gierek, nhà lãnh đạo Ba Lan từ năm 1970 đến năm 1980, là "người bảo trợ" cho địa điểm trung tâm thành phố của họ. 

Xóa sạch và dọn sạch?
Luật mới nhất của chính quyền cánh hữu Ba Lan được thông qua gần đây yêu cầu cho đến ngày 1/09 năm nay, các địa phương trên cả nước xóa bỏ mọi tượng đài, tên phố có liên quan đến chủ nghĩa cộng sản
Một số tượng đài chiến sỹ Hồng quân Liên Xô có thể sẽ bị bứng đi khỏi công viên.
Lần trước, sau năm 1989, Ba Lan đã trải qua một lần thay đổi tên đường phố.
Nhưng khi đó một số tên tuổi như Yuri Gagarin vẫn còn lại trên đường phố Ba Lan.
Vào thời điểm ấy, người ta lập luận rằng ông Gagarin tuy là sỹ quan không quân Liên Xô nhưng cũng là người đầu tiên bay vào vũ trụ nên "thuộc về nhân loại" nhiều hơn là thuộc về chế độ Xô Viết.
Lần này, có thể cả cái tên nhà du hành vũ trụ Nga cũng sẽ bị xóa, dù chính quyền địa phương ở một số nơi như thành phố Torun vẫn muốn giữ, theo bài trên trang Onet gần đây.
Tại Katowice, tên của một cựu chủ tịch tỉnh là Jerzy Zietek thời cộng sản cũng có thể bị xóa, cùng tên nhà thơ Lucjan Szenwald và vận động viên boxing được huy chương Olympics năm 1952, ông Henryk Nowara.
Điều đáng nói là không chỉ người dân mà các quan chức địa phương ở nhiều đô thị Ba Lan không đồng tình với cách xóa hết tên tuổi những người nổi tiếng từ quê hương của họ.
Ở Opole, ý kiến tại địa phương không muốn xóa tên phố "Những anh hùng bảo vệ Stanlingrad" (Obrońców Stalingradu), và ý tưởng bỏ tên phố Anh hùng Việt Nam (Bohaterow Wietnamu) ở Krakow cũng không được hoan nghênh.
Theo nhà báo Nguyễn Giang của BBC, người theo dõi tình hình Ba Lan nhiều năm nay thì phản ứng của một phần không nhỏ công chúng Ba Lan vì họ thấy là chính quyền lần này đi quá đà trong việc áp dụng nhãn quan chính trị cánh hữu của họ.
"Riêng tại Sosnowiec thì con số người dân vẫn tôn trọng ông Edward Gierek không phải là nhỏ và với họ, ông là người có công cho địa phương này."
"Chưa kể ông Gierek làm lãnh đạo trong giai đoạn kinh tế Ba Lan phát triển và chính phủ xây cất trên 3 triệu căn hộ mới, phát không cho hàng triệu gia đình công nhân viên chức, điều khó có thể xảy ra ở thời kinh tế thị trường."
Hiện chưa rõ trước phản ứng của người dân, chính phủ Ba Lan sẽ làm gì với cái tên Ngã tư Edward Gierek.
Tin mới nhất chưa được kiểm chứng cho hay họ có thể phải đổi dự án này bằng cách xây lại đường tại khu vực đó để xóa bằng được tên ông Gierek. - BBC
|
|
7.
Hải quân Mỹ là nạn nhân các vụ tấn công tin học?

Trong thời gian gần đây, tại châu Á, các chiến hạm Mỹ liên tiếp bị tai nạn, trong đó có vụ mới xảy ra tại eo biển Singapore. Tình hình này khiến hải quân Mỹ đang tự hỏi phải chăng họ đang là nạn nhân của các vụ tấn công tin học.
Một số chuyên gia vẫn nghĩ rằng không thể có chuyện những kẻ xấu gây ra những vụ tai nạn như vậy, bởi lẻ các hệ thống an ninh của Mỹ rất chặt chẽ và phải huy động rất nhiều phương tiện để điều khiển cho hai chiếc tàu đụng nhau. Nhưng đối với các chuyên gia khác, các vụ tai nạn xảy ra liên tiếp không thể là do sai sót của con người hoặc là một sự trùng hợp.
Tuy nhấn mạnh là không muốn suy đoán kết quả điều tra, nhưng tư lệnh đặc trách các chiến dịch của hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, đã không loại trừ một tác nhân bên ngoài hay một cuộc tấn công tin học đã gây ra vụ đụng tàu giữa khu trục hạm USS John S. McCain với một tàu chở dầu ở eo biển Singapore sáng sớm ngày 21/08/2017.
Đây là vụ đụng tàu thứ hai gây chết người của một chiến hạm Mỹ ở vùng Thái Bình Dương chỉ trong vòng hai tháng và là vụ tai nạn thứ tư kể từ đầu năm đến nay. Ngoài vụ chiếc khu trục hạm USS Fitzgerald đụng một tàu chở hàng ngoài khơi Nhật Bản ngày 17/06, còn có hai vụ khác xảy ra trong năm nay ở vùng Thái Bình Dương mà ít ai biết. Vào tháng Giêng, chiến hạm USS Antietam đã bị đắm gần căn cứ của chiếc tàu này ở Nhật và vào tháng 5, chiếc USS Lake Champlain đã đụng vào một tàu đánh cá của Hàn Quốc, nhưng không có ai bị thương hay chết.
Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, cũng không loại trừ khả năng có hành động phá hoại trong vụ tai nạn ở eo biển Singapore.
Các nhà phân tích thì hiện vẫn không đồng nhất ý kiến trên vấn đề này. Một số chuyên gia cho rằng tai nạn xảy ra là do các thủy thủ đoàn bị quá tải vì phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ trong vùng châu Á. Họ cũng lưu ý là lái tàu tại vùng này không phải là đơn giản do có quá nhiều tàu bè qua lại.
Nhưng các chuyên gia khác, như ông Itar Glick, giám đốc công ty Votiro, chuyên về an ninh mạng, thì cho rằng rất có thể hệ thống định vị GPS của các chiến hạm Mỹ đã bị gây rối loạn, dẫn đến việc tính toán sai lầm các vị trí. Ông khẳng định với hãng tin AFP: “ Tôi tin rằng những tin tặc đó được sự hỗ trợ của một quốc gia, họ có đủ nguồn lực để tiến hành các vụ tấn công tin học”. Theo ông Itar Glick, đứng đằng sau các vụ tấn công tin học này rất có thể là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Bình Nhưỡng từng bị nghi tiến hành các vụ tấn công tin học quy mô trong thời gian gần đây. Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh tấn công tin học vào các công ty Mỹ, đặc biệt nhằm mục đích gián điệp công nghiệp.
Về phần mình, ông Jeffrey Stutzman, thuộc công ty an ninh mạng Wapack Lads, cũng nói với AFP rằng “hoàn toàn có thể “ là vụ đụng tàu mới nhất chính là do chiến hạm Mỹ bị tấn công tin học.
Nhưng những chuyên gia khác như ông Zachary Fryer-Biggs, một nhà tư vấn, thì cho rằng, cho dù hệ thống GPS có gặp trục trặc, trên tàu vẫn còn có những công cụ khác để thay thế trong việc điều khiển con tàu. Vụ đụng tàu chỉ có thể xảy ra khi nhiều công cụ bị hỏng hóc cùng một lúc. Còn theo lời ông Daniel Goetz, thuộc công ty Mỹ Lantium, rất khó mà gây ra một vụ đụng tàu, vì phải biết rất chính xác vị trí và vận tốc của hai chiếc tàu có liên quan. Mặt khác, ông nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sử dụng một hệ thống GPS rất an toàn, được mã hóa rất chặt chẽ, hầu như không ai có thể cướp quyền điều khiển con tàu. - RFI
|
|
8.
Cách Trung Quốc xâm lược láng giềng: Kết ước rồi bội ước

Nhân vụ căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ sau khi Bắc Kinh, vào trung tuần tháng 6 này, cho lính tiến vào cao nguyên Doklam trên lãnh thổ Bhutan để xây đường, một chuyên gia Ấn Độ về quốc phòng, nữ tiến sĩ Namrata Goswami, đã có bài phân tích trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 18/08/2017 về thủ đoạn của Bắc Kinh : Ký kết các « Nguyên tắc chỉ đạo việc duy trì nguyên trạng ở các vùng tranh chấp » để ràng buộc láng giềng, để rồi sau đó phớt lờ thỏa thuận đã ký để ngang nhiên đòi xâm lấn vùng lãnh thổ tranh chấp
Trong bài viết mang tựa đề « Có nên nghiêm túc tin vào ‘lời hứa’ đàm phán về tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc hay không - Can China Be Taken Seriously on its ‘Word’ to Negotiate Disputed Territory? », tác giả đã lần lượt phân tích thủ đoạn của Bắc Kinh tại ba vùng tranh chấp : Doklam ở Bhutan, Arunachal Pradesh ở Ấn Độ và Biển Đông.
Tại vùng cao nguyên Doklam ở Bhutan, nơi binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đang gờm nhau ở vùng biên giới với Trung Quốc từ trung tuần tháng Sáu, Bắc Kinh đã gây căng thẳng khi đưa công binh đến xây một con lộ trên lãnh thổ Bhutan chạy từ Dokola đến Jampheri, nơi có căn cứ quân sự Bhutan.
Đối với bộ Ngoại Giao Bhutan, hành động của Trung Quốc đã « vi phạm các thỏa thuận song phương, tác động đến tiến trình phân định biên giới hai bên ». Bhutan đồng thời hy vọng là « nguyên trạng của vùng Doklam như trước ngày 16/06/2017 được duy trì. »
Tuy Bhutan và Trung Quốc không có quan hệ ngoại giao nhưng hai bên đã tiến hành 7 vòng đàm phán và chủ trương giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Năm 1988, hai nước đã ký một thỏa thuận về « Các nguyên tắc chỉ đạo », và đến năm 1998 thì ký thỏa thuận « Duy trì hòa bình và sự yên ổn ở biên giới Trung Quốc - Bhutan ».
Qua hai thỏa thuận này, hai quốc gia cam kết giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại, và không có bất kỳ hành động nào đe dọa hòa bình. Hai bên cam kết giữ nguyên trạng, không thay đổi gì ở biên giới.
Nhưng Trung Quốc gần đây đã khẳng định thỏa thuận về vấn đề biên giới với Bhutan không liên quan đến vùng Doklam, vì đứng trên mặt lịch sử vùng này thuộc Trung Quốc.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lục Khảng, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 28/06, khẳng định : « Doklam là một vùng của Trung Quốc từ thời xa xưa, chứ không phải là của Bhutan, và càng không phải là của Ấn Độ. Đó là điều không thể chối cãi và được lịch sử chứng minh. Trung Quốc xây dựng một con đường ở Bhutan là một hành động chủ quyền trên lãnh thổ của mình... »
Theo tác giả bài viết, việc Trung Quốc đột nhiên vào Bhutan xây đường có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng khi nhìn những gì Trung Quốc đã làm đến nay, liên quan đến lãnh thổ đang tranh chấp, từ Ấn Độ qua Bhutan rồi đến Biển Đông, thì dường như Bắc Kinh theo đúng một mô hình, tiến hành một cách có hệ thống.
Trung Quốc ký « nguyên tắc chỉ đạo » hay « thỏa thuận duy trì hòa bình và ổn định » với quốc gia tranh chấp, thiết lập như vậy một cái khung, với quy tắc rõ rệt, ràng buộc nước ký kết và che mắt đối thủ về những kế hoạch tương lai của Trung Quốc đòi chủ quyền một cách hung hăng.

Ấn Độ
Một ví dụ là trường hợp Ấn Độ. Năm 2005, Trung Quốc và Ấn Độ ký thỏa thuận mang tên « Thông số chính trị và các nguyên tắc chỉ đao việc giải quyết vấn đề biên giới Ấn-Trung ». Điều IX của thỏa thuận này quy định hai bên tôn trọng đường ranh hiện hữu và cùng duy trì ổn định vùng biên giới.
Nhưng năm 2006, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Đô, Tôn Ngọc Tỉ (Sun Yuxi) tuyên bố là « cả bang Arunachal Pradesh thuộc lãnh thổ Trung Quốc, và nơi tranh chấp, vùng Tawang, chỉ là một bộ phận của Arunachal. Chúng tôi đòi cả bang. Đó là quan điểm của chúng tôi. »
Sau tuyên bố này, quân đội Trung Quốc thường xuyên thâm nhập vào khu vực, tìm cách dựng trại, căn cứ tại đây. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng cho in bản đồ Arunachal Pradesh trên hộ chiếu Trung Quốc cũng như những vùng tranh chấp ở Biển Đông, coi như thuộc về Trung Quốc.

Biển Đông
Mô hình mà Trung Quốc sử dụng ở 3 nơi tranh chấp chủ quyền y hệt như nhau: Yêu sách chủ quyền dựa trên nền tảng lịch sử xa xưa, tiếp theo là đưa quân thâm nhập, xây đường xá, bất chấp thỏa thuận đã ký kết là bảo đảm duy trì nguyên trạng và giải quyết tranh chấp qua đàm phán hòa bình.
Trường hợp Biển Đông cũng vậy. Trung Quốc cũng đồng ý với ASEAN về một khung ứng xử (CoC) vào tháng 5 vừa qua. Theo bản dự thảo (CoC), các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh lắp đặt vũ khí tấn công trên các đảo.
Năm 2002 trong Bản Tuyên Bố Ứng Xử - DOC mà Trung Quốc và ASEAN đã thông qua, có phần ghi rõ « các bên tự kềm chế trong hoạt động có thể làm tranh chấp phức tạp hay leo thang, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, trong đó có việc cư ngụ trên các đảo, đá, vốn không người ở hay những thực thể địa lý khác... ».
Nhưng Trung Quốc đã sử dụng sự hiện diện của họ và những yếu tố khác tại hiện trường để đưa ra yêu sách chủ quyền, mặc dù đã ký kết bản tuyên bố 2002, và đã lập ra những vùng cấm, những vùng quân sự ở Biển Đông.
Tháng Giêng 2014, tàu Trung Quốc ồ ạt nạo vét cát, tiến vào bên trong các rạn san hô ở 7 thực thể ở Trường Sa : Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Vành Khăn (Mischief Reef), Ga Ven (Gaven Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef), Xu Bi (Subi Reef), Gạc Ma (South Johnson Reef), và Tư Nghĩa (Hughes Reef).
Một khi các đảo nhân tạo được hoàn tất, bước tiếp theo là các công trình xây dựng cơ sở, bến cảng, phi đạo, đài rađa, nơi đóng quân, tóm lại, tất cả hoạt động xác định chủ quyền và kiểm soát lãnh thổ tranh chấp.
Yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc cũng dựa trên lịch sử; thủy thủ Trung Quốc thời xa xưa đã khám phá ra các đảo Nam Sa (Nansha), tức là các đảo Biển Đông bây giờ. Theo Bắc Kinh, đó là từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, và ngư phủ Trung Quốc luôn qua lại vùng này từ thời nhà Minh và nhà Thanh.
Tóm lại, theo chuyên gia Goswami, chiến lược của Trung Quốc là luôn đi ngược lại với những gì chính họ ký kết. Họ đưa quân xây đường ở vùng tranh chấp với Bhutan, thâm nhập vùng tranh chấp với Ấn Độ, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông trong lúc vẫn cổ vũ duy trì nguyên trạng.
Câu hỏi là tại sao ký « nguyên tắc chỉ đạo », « thỏa thuận khung » để rồi vi phạm sau đó ? Có lẽ là để kềm chế, ràng buộc nước tranh chấp với Trung Quốc, còn Bắc Kinh thì hành động ngược lại, sử dụng lịch sử, che mắt đối phương trên các đường biên giới không rõ ràng.
Bài viết kết luận : Điều rõ nét qua chiến lược của Trung Quốc ở 3 nơi tranh chấp trên là Trung Quốc không hề tôn trọng « những thỏa thuận khung », những cam kết, khiến người ta nghi ngờ về tính nghiêm túc, đáng tin cậy của Trung Quốc trong đàm phán. - RFI
|
|
9.
"Trung Quốc, chuẩn bị đi ! Tàu sân bay Mỹ đang trực chỉ Việt Nam"

Quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ tiến triển rõ nét tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới phân tích. Trong bài viết mang tựa đề rất hóm hỉnh « Trung Quốc, chuẩn bị đi ! Tàu sân bay Mỹ đang trực chỉ Việt Nam - Get Ready, China: U.S. Navy Aircraft Carriers are Headed to Vietnam » đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest ngày 20/08/2017, nhà báo Zachary Keck đã phân tích thêm về ý nghĩa của sự kiện một tàu sân bay Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam vào năm tới 2018.
Nhà báo Mỹ trước hết ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên mà một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam, từ ngày chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Đối với giới quan sát, sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bên thắt chặt thêm, và cùng nhắm vào một đối tượng là Trung Quốc. Và dĩ nhiên là Bắc Kinh không hài lòng chút nào.
Cách đây hai tuần, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch công du nước Mỹ và tiếp xúc với đồng nhiệm James Mattis. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, hai bên đã thảo luận về những bước tăng cường hợp tác song phương cũng như về an ninh khu vực, và đồng ý mở rông hợp tác hải quân và chỉa sẻ thông tin.
Nhân dịp này, hai bên đã bàn về chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ khi điều kiện kỹ thuật cho phép. Tên chiếc tàu sẽ ghé Việt Nam chưa được cho biết, cũng như cảng mà chiếc tàu sẽ ghé thăm. Bộ Quốc Phòng Mỹ chỉ cho biết là vào năm tới.
Tuy thế, các nhà quan sát cho là tàu sân bay sẽ ghé Cam Ranh, vì như nhà báo của tạp chí Nhật Bản The Diplomat, Prashanth Parameswaran ghi nhận vào năm ngoái, cầu tầu của cầu cảng Cam Ranh đã được tu sửa để có thể đón hàng không mẫu hạm.

Quan hệ thắt chặt nhanh chóng
Dẫu sao thì chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ là dấu hiệu mới nhất phản ánh đà nhanh chóng thắt chặt thêm quan hệ giữa hai nước, để đối phó với sự vươn lên của Trung Quốc, cho dù sự nghi kỵ Mỹ-Việt bắt nguồn từ cuộc chiến trước đây vẫn còn.

Từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, phải chờ đến năm 1995 hai bên mới tái lập bang giao, với quan hệ ấm dần với các cuộc viếng thăm của các tổng thống Mỹ khởi đầu là Bill Clinton năm 2000, George W. Bush năm 2006. Nhưng phải chờ đến thời Obama thì quan hệ song phương mới thật sự được củng cố, với chính sách « xoay trục » bắt đầu từ cuối năm 2011.
Tháng 7/2013, tổng thống Obama và chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang thông báo hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng Đối Tác Chiến Lược. Qua năm 2014, Mỹ giảm cấm vận vũ khí một phần, trước khi hoàn toàn bãi bỏ hai năm sau.
Sau đó không lâu, vào tháng 10/2016, hai tàu chiến Mỹ : tàu hâu cần tàu ngầm USS Frank Cable, và khu trục hạm USS John S. McCain ghé cảng Cam Ranh. Đó là lần đầu tiên từ sau chiến tranh mà chiến hạm Mỹ cập bến Cam Ranh. Tàu Mỹ trước đó cũng đã ghé cảng này, nhưng không phải là tàu chiến. Khu trục hạm USS John S. McCain, đặt căn cứ ở Nhật Bản, cũng đã viếng thăm các cảng khác ở Việt Nam trước khi ghé Cam Ranh. Mới tháng Sáu vừa qua, chiếc John S. McCain cũng đã trở lại Cam Ranh.
Tuy nhiên, Zachary Keck cũng công nhận rằng quan hệ Việt Mỹ thời Donald Trump, khởi đầu vất vả khi mà quyết định đầu tiên của ông là rút khỏi hiệp định thương mại TPP. Nhưng rồi quan hệ lại tiếp tục trên con đường của chính quyền Obama trước đây.
Vào tháng 5, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gặp tổng thống Trump ở Nhà Trắng, ông Trump cũng có kế hoạch viếng thăm Việt Nam nhân thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017. Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam một tuần dương hạm lớp Hamilton vào tháng 5 và một tháng sau thì một tàu chiến hiện đại LCS được bảo trì ở Cam Ranh. Và tháng 7 vừa qua Hải Quân Việt Nam và Mỹ tiến hành diễn tập thường niên (NEA).

Trung Quốc trong tầm nhắm
Theo nhận định của Zachary Keck, tuy hai bên không thừa nhận, nhưng động lực thắt chặt quan hệ này là Trung Quốc, một mặt do sức mạnh quân sự ngày vươn lên và thái độ ngày quyết đoán hơn, nhất là ở Biển Đông, một mặt khác là do ảnh hưởng Trung Quốc ngày quan trọng hơn.
Từ khi lên nắm quyền năm 2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xích hẳn lại gần Trung Quốc khiến Việt Nam trong thế cô lập hơn trong các quốc gia Đông Nam Á trong việc đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Zachary Keck nhắc lại nhận định của Gregory Poling, giám đốc trung tâm Minh Bạch Hàng Hải Châu Á của CSIS (Center for Strategic and International Studies' Asia Maritime Transparency Initiative) trên đài CNN tuần qua : « Khi nói đến tranh chấp ở Biển Đông, lãnh đạo Việt Nam có lẽ cảm thấy rất lẻ loi những ngày này.”
Việt Nam cũng trong tình thế bị Trung Quốc liên tiếp hù dọa trong năm nay.
Tháng Sáu vừa qua, Việt Nam đã cho phép một chi nhánh của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol khoan dò dầu khí ở Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), nằm trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc cũng tranh giành.Bắc Kinh đã phản đối ngay qua các kênh ngoại giao. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã triệu mời đại sứ Việt Nam, dọa sử dụng sức mạnh nếu Việt Nam không bỏ việc khoan thăm dò và hứa không khoan lại ở vùng biển này.
Mặc dù bất đồng quan điểm trong tầng lớp lãnh đạo, nhưng Việt Nam đã phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, một phần do Hà Nội không tin tưởng là có thể dựa vào chính quyền Trump đến giúp đỡ.
Một sự cố khác là trong tháng này, là ngoại trưởng Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc gặp ngoại trưởng Việt Nam vì Hà Nội đưa vấn đề Biển Đông trong thông cáo cuối cùng của các ngoại trưởng ASEAN.
Nhà báo Zachary Keck nhìn thấy thực tế là tổng thống Philippines ‘xoay trục’ sang Trung Quốc và Thái Lan, một đồng minh khác của Mỹ, cũng ve vãn Bắc Kinh từ sau cuộc đảo chính 2014, khiến Washington ngày tin tưởng hơn vào Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông. Động thái biểu tượng như tàu sân bay là bước khởi đầu, nhưng rõ ràng là chưa thể đủ để đối phó với Trung Quốc. - RFI
|
|
10.
Trung Quốc chủ trì Hội nghị Robot Thế giới
Gần 300 chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) và đại diện của hơn 150 công ty chế tạo robot hội tụ về Bắc Kinh từ ngày 23 đến 27/8 để tham dự Hội nghị Robot Thế giới 2017, theo cuộc họp báo ngày 23/8.
Các phái đoàn đại diện các trường đại học, các định chế nghiên cứu và các doanh nghiệp sẽ thảo luận về những cơ hội của ngành công nghiệp robot, ông Luo Junjie, một viên chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) nói.
Sinh hoạt này sẽ bao gồm 3 ngày hội thảo, một cuộc triển lãm và một số cuộc thi.
Hội nghị do chính quyền Bắc Kinh, MIIT và Hội Khoa học Công nghệ đồng tổ chức.
Trung Quốc là nước sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới trong 3 năm qua, chiếm 25% mức sản xuất toàn cầu.
“Ngành robot Trung Quốc đang tiến nhanh, nhưng còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và yếu trong lãnh vực Nghiên cứu và Phát triển,” ông Luo nói. “Đây là một vấn đề chúng ta cần phải giải quyết.”
Kể từ khi được thành lập vào năm 2015, Hội nghị Robot Thế giới đã trở thành một sinh hoạt quốc tế lớn nhất trong lĩnh vực này.
Hội nghị Robot Thế giới tại Bắc Kinh sẽ giới thiệu sáng kiến và phát triển trong nghiên cứu robot. - VOA
|
|
11.
TT Venezuela muốn dùng lệnh truy nã đỏ để bắt cựu chưởng lý Ortega

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro muốn dùng đến lệnh truy nã đỏ của Interpol để bắt giữ chưởng lý Luisa Ortega. Từng là người ủng hộ chế độ Chavez, bà Ortega tuyên bố nắm giữ bằng chứng tham nhũng của tổng thống Maduro. Đến Brazil từ hôm qua, bà sẽ đề cập đến tình trạng « tham nhũng » ở Venezuela trong cuộc họp các chưởng lý khối Mercosur tại thủ đô Brasilia ngày 23/08/2017.
Từ Caracas, thông tín viên RFI Andreina Flores cho biết thêm thông tin :
« ‘Đây là hành động phản bội mà tôi chưa bao giờ hình dung ra được’. Bằng những lời lẽ như vậy, tổng thống Nicolas Maduro nhắc đến chưởng lý Luisa Ortega Diaz, giờ trở thành đối thủ chính của ông.
Tổng thống Venezuela thông báo ý định dùng đến lệnh truy nã đỏ của Interpol để bắt giữ bà Ortega cùng với chồng là nghị sĩ German Ferrer. Đa số người dân Venezuela đánh giá quyết định của ông Maduro là một hành động trả thù mang tính chính trị.
Theo ông Maduro, vợ chồng nhà Ferrer-Ortega điều hành một băng nhóm lừa đảo, được chính phủ Colobia và Brazil bảo vệ. Ông nói : Chồng của bà Ortega, hiện được Colombia cho tị nạn chính trị, tham gia vào một mạng lưới chuyên cưỡng đoạt và đang kiểm soát vài triệu đô la ở các thiên đường thuế trên khắp thế giới. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos trở thành nhà bảo trợ cho băng đảng ăn cướp này từ Bogota. Còn chính phủ « cướp quyền » Brazil lại đón tiếp chưởng lý và người chồng kiêm lãnh đạo của « băng đảng » này ».
Về phần mình, bà Luisa Ortega đã xuất phát từ Colombia đến Brazil để tham gia một cuộc họp quy tụ biện lý các nước Mercosur. Tại đây, bà định công bố các bằng chứng tham nhũng của các công chức Venezuela trong hồ sơ Odebrecht. Theo bà Ortega, tổng thống Maduro có lẽ cũng bị liên quan". - RFI
|
|
12.
Chiến lược Afghanistan: sự miễn cưỡng của TT Mỹ Donald Trump

Kế hoạch mới về Afghanistan của tổng thống Mỹ Donald Trump là một đề tài được nhiều báo Pháp như Le Figaro, Libération, Les Echos, La Croix … phân tích. Đáng chú ý là bài « Afghanistan : Trump miễn cưỡng gửi quân »đăng trên báo Les Echos.
Rốt cuộc thì tổng thống Donald Trump đã phải thay đổi ý kiến. Muốn rút lính Mỹ khỏi Afghanistan từ lâu nay, nhưng cuối cùng ông Trump đã bị các tướng lĩnh thuyết phục điều thêm quân sang quốc gia Trung Đông. Les Echos cho biết trong những tuần qua, rút quân hay điều thêm quân là một chủ đề gây tranh cãi ở Nhà Trắng, nhất là giữa cố vấn chiến lược Steve Bannon và cố vấn an ninh quốc gia Mc Master. Với sự ra đi của ông Steve Bannon, kết quả cuộc tranh cãi đã rõ ràng.
Tối thứ Hai, 21/08/2017, trong một bài diễn văn đọc tại căn cứ quân sự Fort Myer, bang Virginia và được phát trực tiếp trên truyền hình, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo có « chiến lược mới » về Afghanistan. Tổng thống Mỹ giải thích quyết định của ông xuất phát từ « những mối nguy hiểm lớn trong khu vực, Afghanistan và Pakistan hiện là nơi tập trung nhiều tổ chức khủng bố nhất trên thế giới ». Theo ông Trump, Mỹ đưa quân đến Afghanistan không phải để tái thiết đất nước này mà là để tiêu diệt khủng bố.
Thông báo của tổng thống Mỹ được Afghanistan hoan nghênh. Tổng thống Afghanistan phát biểu: « Quan hệ đối tác với Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay. Sức mạnh các lực lượng an ninh của chúng tôi là để quân Taliban và các nhóm khủng bố khác hiểu rằng họ không thể có chiến thắng quân sự ».
Tuy nhiên, theo Les Echos, các nhà phân tích vẫn dè dặt và hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch mới của tổng thống Donald Trump. Trước tiên, bởi vì, ông Trump đã không thực sự giải thích về chiến lược mới, thậm chí từ chối đưa ra thông tin cụ thể về lịch trình và số quân tăng cường tại Afghanistan. Trong khi đó, báo chí Mỹ tiết lộ số với thêm 4000 quân, tổng số lính Mỹ tại Afghanistan chỉ là hơn 12.000 người, một son số rất nhỏ so với 100.000 quân hồi năm 2010-2011.
Đối với thượng nghĩ sĩ Cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng Viện Mỹ, « chiến lược này có được sau quá nhiều thời gian chờ đợi. Trong khoảng thời gian đó, quân thánh chiến taliban đã có những bước tiến nguy hiểm ».
Còn giáo sư về quan hệ quốc tế David Tothkopf, thuộc đại học Columbia, nhận xét là ông Donald Trump nói về chiến lược, nhưng bài diễn văn của ông ấy không có thông tin về chiến lược, ông Trump nói tới việc cam kết, nhưng ông ấy cũng chẳng cam kết gì cả. Đó chỉ là « ảo tưởng rằng có hành động » mà thôi. Theo chuyên gia David Tothkopf, bài diễn văn của tổng thống Donald Trump chỉ nhằm « che khuất » các cuộc tranh cãi gần đây.
Về số phận của chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghaniastan, tướng John Nicholson, đã từng nhiều lần bị tổng thống Donald Trump chỉ trích, thậm chí ông Trump còn kêu gọi tướng John Nicholson từ chức. Giờ thì tướng John Nicholson có thể yên tâm ở lại.
Liên quan đến NATO, hiện có 4.600 binh lính của NATO đóng quân tại Afghanistan. Washington sẽ phải trao đổi với các đồng minh NATO để các quốc gia này đồng hành cùng Mỹ và đóng góp thêm vào chiến lược mới của ông Donald Trump. Về phần Anh Quốc, bộ trưởng Quốc Phòng Micheal Fallon bình luận « kế hoạch của Mỹ được hoan nghênh ». Còn Pháp, quốc gia đã từng đứng thứ 4 trong việc điều quan sang Afghanistan, thì đã rút hết quân về nước vào năm 2014. - RFI
|
|
13.
Bị Mỹ cắt viện trợ, Ai Cập cho cố vấn con rể TT Trump ‘leo cây’

Bộ Ngoại Giao Ai Cập hôm Thứ Tư có hành động lơ là với phái đoàn do cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc Jared Kushner hướng dẫn, rõ ràng là để phản đối việc chính phủ Trump cắt giảm và trì trệ viện trợ cho quốc gia này.
Ngoại Trưởng Ai Cập Sameh Shouhry, người đáng lẽ ra sẽ gặp ông Kushner và phái đoàn, đã hủy cuộc họp sau khi phi cơ chở phái đoàn Mỹ đáp xuống phi trường Cairo.
Hành động này xảy ra sau khi chính phủ Trump hôm Thứ Ba có quyết định cắt giảm gần $100 triệu viện trợ quân sự và kinh tế cho Cairo và trì hoãn việc chuyển giao thêm gần $200 triệu nữa về quân sự, trong khi chờ đợi cải thiện tình hình nhân quyền cũng như giảm thiểu về các biện pháp kiểm soát dân chúng và các nhóm phi chính phủ.
Tổng Thống Abdel-Fattah el-Sissi vẫn sẽ gặp phái đoàn Mỹ, vốn gồm cả ông Jason Greenblatt, đặc sứ Mỹ về thương thảo quốc tế, và bà Dina Powell, phó cố vấn an ninh quốc gia.
Phía Bộ Ngoại Giao Ai Cập nói rằng các hành động của Mỹ liên quan đến viện trợ là “sai lầm” và “thiếu hiểu biết” về nhu cầu giúp cho Ai Cập được ổn định.” - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

14.
Clinton ‘sởn gai ốc’ vì Trump

Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ bên Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, nói trong cuốn sách sắp phát hành của bà rằng Donald Trump khiến bà sởn gai ốc bằng việc đứng rình rập sau lưng bà trên sân khấu trong một cuộc tranh luận lúc hai người còn đang vận động tranh cử và bà băn khoăn liệu bà có nên bảo ông Trump lùi lại hay không.
Trong một trích đoạn âm thanh của cuốn sách có nhan đề "What Happened" (Chuyện đã xảy ra) được phát sóng hôm thứ Tư trên đài MSNBC, mà Clinton mô tả chiến dịch tranh cử năm 2016 của bà là "đầy niềm vui, gợi cảm giác khiêm nhường, gây tức giận và gây bối rối hết sức" và thừa nhận bà đã phụ lòng hàng triệu người ủng hộ bằng việc để thua ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.
Trong trích đoạn, bà Clinton mô tả cuộc tranh luận vào ngày 9 tháng 10 ở thành phố St. Louis, trong đó ông Trump theo sát bà trên sân khấu, lù lù đứng sau lưng bà trong khi bà trả lời câu hỏi của khán giả được truyền hình trực tiếp. Cuộc tranh luận diễn ra hai ngày sau khi xuất hiện một đoạn băng ghi âm mà trong đó ông Trump khoe khoang về chuyện sàm sỡ phụ nữ.
"Tôi đã nghĩ là chuyện này không ổn," bà Clinton nói. "Đây là cuộc tranh luận Tổng thống thứ hai và Donald Trump lù lù đứng sau lưng tôi.
"Chúng tôi đứng trên một sân khấu nhỏ và dù tôi có bước đi đâu thì ông ta cũng đi theo rất sát, nhìn tôi chằm chằm, biểu lộ bằng nét mặt. Chuyện này thật hết sức khó chịu. Ông ta cứ đứng đó dò xét làm tôi sởn hết cả gai ốc," bà Clinton nói.
"Đó là một trong những khoảnh khắc mà bạn muốn nhấn nút tạm dừng và hỏi những người đang chứng kiến: 'Thế bạn sẽ làm gì đây?' Bạn giữ bình tĩnh, cứ mỉm cười và tiếp tục như thể ông ta không liên tục xâm chiếm không gian của bạn, hoặc bạn quay lại, nhìn thẳng vào mắt ông ta và nói thật dõng dạc: 'Lùi lại, đồ phải gió. Tránh ra. Tôi biết ông khoái dọa nạt phụ nữ nhưng đừng hòng dọa nạt tôi."
Nhưng bà Clinton băn khoăn liệu bà có nên chọn cách thứ hai hay không.
"Cách thứ hai chắc chắn là đầy kịch tính trên truyền hình," bà nói. "Có lẽ tôi đã quá nằm lòng bài học phải giữ bình tĩnh, cắn lưỡi, thu móng tay vào nắm đấm, cứ mỉm cười trong lúc vẫn quyết tâm thể hiện bộ dạng điềm tĩnh cho cả thế giới thấy."
Bà Clinton nói việc bà viết cuốn sách này, sẽ được phát hành trong vài tuần nữa, là điều "không dễ dàng."
"Mỗi một ngày tôi làm ứng cử viên Tổng thống, tôi biết rằng hàng triệu người đang trông cậy vào tôi và tôi không thể chịu đựng được cái ý nghĩ làm họ thất vọng, nhưng tôi đã làm như vậy," bà nói. "Tôi đã không thể làm tròn nhiệm vụ." - VOA
|
|
15.
Trump dọa đóng cửa chính phủ nếu không có tiền xây tường biên giới

Đe dọa của Tổng thống Donald Trump đòi đóng cửa chính phủ nếu Quốc hội không thông qua ngân quỹ xây dựng tường biên giới với Mexico khiến thị trường chứng khoán ‘chao đảo’ hôm 23/8 và tác động đến các nỗ lực của Quốc hội muốn nâng mức nợ trần và thông qua các dự luật chi tiêu.
Từ đây đến ngày 5/9 khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè, Quốc hội phải chấp thuận các biện pháp chi tiêu để chính phủ khỏi phải đóng cửa và thời hạn chót để nâng mức nợ tối đa mà chính phủ liên bang có thể vay mượn cũng đang cận kề.
Trong khi mốc thời hạn cuối tháng chín đầu tháng mười đó đang tới gần thì Tổng thống Trump, trong bài phát biểu tối 22/8, đề cập tới khả năng đóng chính phủ nếu Quốc hội không nhất trí tài trợ cho tường biên giới.
Chỉ số S&P 500 sụt 0.35% trong phiên giao dịch chiều ngày 23/8. Chỉ số Dow Jones giảm 0.33% và chỉ số Nasdaq trượt 0.38%. Đồng Mỹ kim yếu hơn so với đồng euro của Châu Âu và đồng yên của Nhật.
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump đặt trọng tâm vào việc xây dựng tường biên giới để ngăn di dân bất hợp pháp nhưng Quốc hội chưa đồng ý về ngân quỹ dành cho dự án này.
“Người Mỹ bỏ phiếu cho vấn đề kiểm soát di dân. Chúng ta sẽ xây bức tường đó,” ông Trump tuyên bố.
Lãnh tụ phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, nói “Chớ nhầm lẫn: Tổng thống nói sẽ cố ý gây tổn thương cho các cộng đồng Mỹ để buộc người thọ thuế Mỹ phải bị tài trợ cho bức tường biên giới đắt đỏ, không hiệu quả và vô đạo đức này.”
Tòa Bạch Ốc ngày 23/8 nhấn mạnh rằng ông Trump tính làm việc với Quốc hội để có được tài trợ xây tường biên giới.
Cuối tháng trước, Hạ viện thông qua dự luật chi tiêu kể cả ngân quỹ cho bức tường.
Ở Thượng viện với số nghị sĩ Cộng hòa nhiều hơn chút đỉnh so với nghị sĩ Dân chủ, cần có những lá phiếu của phe Dân chủ để thông qua đại đa số dự luật và họ đã phản đối việc tài trợ cho bức tường trong bất kỳ dự luật chi tiêu nào cho năm tài khóa 2018.
Lần chính phủ Mỹ đóng cửa gần đây nhất là từ ngày 1 đến ngày 16/10/2013 vì tranh cãi xung quanh ngân quỹ tài trợ cho luật chăm sóc sức khỏe Obamacare. - VOA
|
|
16.
Ông Trump gọi truyền thông là “kẻ gian”

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận khủng hoảng ngân sách để thực hiện cam kết xây tường thành dọc theo biên giới Mexico.
Ông Trump nói vào tối thứ ba tại cuộc gặp gỡ cử tri ở Trung tâm Hội nghị Phoenix: "Chúng ta phải xây dựng bức tường đó cho dù có phải đóng cửa chính phủ." Ông nói thêm rằng khi bầu ông vào Tháng 11 năm ngoái, người Mỹ đã "bỏ phiếu vì muốn kiểm soát nhập cư."
Ngân sách xây bức tường này cần phải được Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận. Nhưng việc phê duyệt ngân sách năm tài chính 2018 bắt đầu từ ngày 1/10/2017 cho chính phủ Hoa Kỳ đến nay vẫn chưa hoàn tất. Các thành viên Dân chủ trong Quốc hội phản đối ý tưởng xây bức tường. Ông ông Trump vào tối thứ Ba 23/3 gọi họ là "những người cản trở."
Tổng thống cũng sử dụng bài phát biểu với cử tri để chống lại truyền thông, đánh đồng các phóng viên với kẻ phản bội, gọi họ là "những kẻ gian," không có cảm tình với đất nước của chúng ta."
Trump cũng cáo buộc truyền thông đã không đưa tin về các bình luận của ông.
Ông hỏi: “Họ có đưa tin khi tôi nói rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là xấu xa? "
"Không!" Đám đông lớn tiếng trả lời.
"Tôi là người muốn nói sự thật," ông Trump tuyên bố. "Tôi là một người trung thực."
Hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Arizona, John McCain và Jeff Flake không đến sự kiện này. Tổng thống Trump chỉ trích cả hai ông này dù không nêu tên của họ. - VOA
|
|
17.
Bộ Trưởng Nội Vụ bị điều tra tội đe dọa hai thượng nghị sĩ Alaska

Bộ Nội Vụ Mỹ cho hay văn phòng thanh tra cơ quan này vừa mở cuộc điều tra sơ khởi liên quan đến các báo cáo rằng Bộ Trưởng Nội Vụ Ryan Zinke tìm cách áp lực hai thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa tại tiểu bang Alaska là Lisa Murkowski và Dan Sullivan trong vụ bỏ phiếu về cải tổ y tế tháng qua.
Ký giả Eric Lipton của tờ New York Times gửi qua Twitter hình chụp một lá thư do Phó Chánh Thanh Tra Mary L. Kendall gửi ra cho hay văn phòng của bà đang mở cuộc điều tra sơ khởi về cáo buộc cho rằng trong các cuộc điện thoại tới hai thượng nghị sĩ này, ông Zinke nói rằng việc bà Murkowski bỏ phiếu chống dự luật cải cách y tế khiến cho một số chương trình ở tiểu bang Alaska, nhất là những chương trình có liên quan đến năng lượng, có thể sẽ gặp khó khăn.
Thượng Nghị Sĩ Murkowski và Thượng Nghị Sĩ Susan Collins ở Maine là hai người duy nhất ở phía Cộng Hòa liên tục từ đầu đến cuối không đi theo đường hướng của đảng khi bỏ phiếu chống lại nỗ lực nhằm hủy bỏ và thay thế Obamacare, nói rằng điều này không có lợi cho cử tri ở tiểu bang họ, theo bản tin Huffington Post. - nguoiviet
|
|
18.
Steve Bannon tìm cách triệt hạ con rể Tổng Thống Trump

Cựu cố vấn chiến lược Tòa Bạch Ốc Steve Bannon hiện đang chuẩn bị cho các trận đánh nhắm vào những người từng chống phá ông trước đây, và một trong những mục tiêu hàng đầu là ông Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của Tổng Thống Donald Trump, theo tạp chí Vanity Fair.
Bản tin của Business Insider cho hay hai ông Bannon và Kushner lâu nay vẫn có sự hiềm khích và thường xuyên đối đầu nhau về mặt chính sách, với đường hướng bị coi là quốc gia cực hữu của ông Bannon đụng với quan điểm ôn hòa hơn của Kushner.
Để tấn công ông Kushner, có tin cho hay ông Bannon muốn cựu chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Reince Priebus khai với điều tra viên đặc biệt Robert Mueller rằng chính ông Kushner đóng vai trò quan trọng trong quyết định của Tổng Thống Trump nhằm bãi nhiệm cựu giám đốc FBI James Comey hồi Tháng Năm vừa qua.
Theo Vanity Fair, ông Priebus tin rằng Kushner và vợ là Ivanka thuyết phục ông Trump cách chức ông Comey trong cuối tuần họ đi nghỉ với tổng thống tại sân golf của ông ở Bedminster, New Jersey. Khi ông Trump trở về Tòa Bạch Ốc hôm 8 Tháng Năm, ông nói với các phụ tá rằng ông sẽ giải nhiệm ông Comey và làm điều này ngày hôm sau.
Việc giải nhiệm ông Comey tạo ra chỉ trích từ nhiều phía cũng như cáo buộc rằng ông Trump muốn ngăn cản cuộc điều tra của FBI về nghi vấn là ủy ban vận động tranh cử của tổng thống đồng lõa với Moscow trong cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Kushner cũng có hai cuộc gặp gỡ, một với đại sứ Nga tại Mỹ và một với doanh gia Nga, Sergey Gorkov, tổng giám đốc ngân hàng quốc doanh Nga Vnesheconombank, hồi Tháng Mười Hai.
FBI đang điều tra là liệu ông Gorkov có đề nghị với ông Kushner rằng các ngân hàng Nga có thể tài trợ cho các dự án làm ăn của những người thân cận với ông Trump nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ được hủy bỏ hay giảm bớt hay không, bản tin Business Insider cho hay.
Ông Kushner ra điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện hồi cuối Tháng Bảy và cho báo chí hay sau đó rằng ông không “toa rập” với Nga trong thời gian bầu cử và cũng “không có gì phải giấu diếm.” - nguoiviet
|
|
19.
TT Trump đổ lỗi truyền thông vụ bạo loạn Charlottesville

Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Ba mạnh mẽ đả kích truyền thông đã khiến tạo ra sự chỉ trích nhắm vào phản ứng của ông trong vụ bạo động tại Charlottesville, Virginia.
Ông Trump mở đầu buổi nói chuyện trước những người ủng hộ tại Phoenix, tiểu bang Arizona, bằng lời kêu gọi đoàn kết, nói rằng những gì xảy ra ở Charlottesville đánh mạnh vào những giá trị cốt lõi của nước Mỹ và phải lên án những kẻ khuyến khích thù hằn và bạo động.
Tuy nhiên, ngay sau đó ông chĩa mũi dùi vào giới truyền thông. Ông nói rằng ông “công khai kêu gọi đoàn kết để hàn gắn và yêu thương” ngay sau vụ Charlottesville nhưng truyền thông xuyên tạc lời nói của ông.
Những người không đồng ý với phản ứng của Tổng Thống Trump nêu lên việc sau khi xảy ra bạo động, khi ông nói rằng “cả hai phía” cùng có lỗi. Trong phát biểu ở Phoenix, ông không nhắc tới điều này.
Tổng Thống Trump phát biểu sau khi Phó Tổng Thống Mike Pence và những người khác kêu gọi có sự đoàn kết.
Ông Trump cũng cho thấy có thể sẽ ký lệnh ân xá cho cựu cảnh sát trưởng Joe Arpaio khi hỏi đám đông nghĩ sao về ông Arpaio và được đáp lại bằng tiếng hoan nghênh nhiệt liệt.
Vị cựu cảnh sát trưởg Maricopa County, bao gồm cả thành phố Phoenix, hiện đang chờ ngày tuyên án sau khi bị kết tội trước tòa án liên bang là bất tuân lệnh tòa về việc phải ngưng các cuộc tuần tiễu bắt người di dân bất hợp pháp.
“Như vậy là cảnh sát trưởng Joe bị kết tội vì làm nhiệm vụ của mình phải không?” ông Trump hỏi. “Tôi muốn đưa ra lời tiên đoán: ông ta sẽ không sao cả.”
Trong bài nói chuyện, Tổng Thống Trump cũng đả kích hai nghị sĩ của tiểu bang Arizona, cả hai đều thuộc đảng Cộng Hòa, là ông John McCain và Jeff Flake, vốn từng chỉ trích tổng thống.
Ông Trump nói rằng ông “tự kềm chế” khi không nêu tên họ, nhưng dùng lại những ngôn từ mà ông đã từng nhiều lần sử dụng để đả kích họ.
Sau một ngày có cuộc biểu tình phản đối ồn ào nhưng nói chung là ôn hòa bên ngoài trung tâm hội họp ở Phoenix, tình hình trở nên rối loạn khi có người ném đá và chai lọ vào cảnh sát khiến cảnh sát đáp trả bằng cách xịt hơi cay. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

20.
Kết quả chuyến thăm Indonesia của TBT Nguyễn Phú Trọng

Ngày 23/8 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Indonesia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước, liên quan đến các lĩnh vực tư pháp, nông nghiệp, năng lượng, khoáng sản, giáo dục và hàng hải đồng thời thảo luận về các biện pháp để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Trước đó cũng trong cùng ngày, hai vị lãnh đạo của hai nước đã cùng nhau hội đàm việc đẩy nhanh việc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế; việc đạt được vùng đánh bắt và hạn chế việc đánh bắt trái phép.
Về các vấn đề khu vực, hai bên nhấn mạnh vai trò của ASEAN và việc hình thành tầm nhìn Cộng đồng ASEAN vào năm 2025. Tổng thống Joko Widodo cũng chúc mừng các thành tự về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) và nói rằng đây là cơ sở giải quyết các vấn đề Biển Đông để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. - RFA
|
|
21.
Ariana Grande hủy show ở Việt Nam ngay trước giờ diễn

Ariana Grande vừa hủy 1 show diễn tại thành phố Hồ Chí Minh và xin lỗi khán giả Việt Nam trong một tin nhắn trên Instagram.
Ngôi sao nhạc pop 24 tuổi gửi lời xin lỗi “từ tận cùng trái tim” tới fan hâm mộ của cô ở Việt Nam sau khi hủy show đêm thứ Tư (23/8) vì lý do sức khỏe.
Cô ca sỹ của bản hit “Side to Side” viết trong tin nhắn trên Instagram rằng cô thực sự đang gặp phải một số vấn đề về sức khỏe nên không thể biểu diễn được mặc dù đã có mặt tại Việt Nam.
“Tôi đã tới Việt Nam và rất mong được biểu diễn (nhưng) bác sỹ của tôi không cho phép tôi trình diễn show tối nay dành cho các bạn.”
Cô nói rằng cô rất tiếc và “đây là điều cô ghét phải làm nhất” nhưng cũng hứa với fan hâm mộ ở Việt Nam sẽ đền đáp vào 1 dịp khác trong tương lai.
Tuy nhiên thông báo đơn giản này đã làm cho nhiều fan hâm mộ Việt Nam "sốc" và "hụt hẫng," theo Dân Trí.
Đàm Vĩnh Hưng, Trung Quân Idol và nhiều nghệ sỹ khác đã thể hiện sự nuối tiếc được xem Ariana Grande diễn qua các đăng tải trên Facebook cá nhân
Trung Quân Idol viết: “Hụt hẫng thật nhưng vì lý do sức khỏe thì đành thông cảm. Tôi cảm thấy tiếc cho khán giả Việt Nam lẫn BTC thôi.” Còn Đàm Vĩnh Hưng viết: "Tội luôn cho khán giả Việt Nam nữa!"
Ariana Grande công bố show diễn của cô ở Tp HCM hồi tháng 6 vừa qua và buổi diễn dự định sẽ được tổ chức ở sân vận động Quân khu 7. Đây là 1 chặng dừng chân trong tour lưu diễn vòng quanh thế giới của cô ở châu Á để quảng bá cho album Dangerous Woman ra mắt hồi tháng 5 năm ngoái.
Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ từ những người tổ chức show diễn này, kể từ khi tới Việt Nam hôm thứ 3 (22/8), nữ ca sỹ Mỹ sinh ra ở tiểu bang Florida đã bị sốt 42 độ C và không đỡ cho tới đêm biểu diễn dự kiến vào hôm sau.
Dường như việc hủy show diễn đột ngột tới mức bên phân phối vé chính thức cũng không được biết và chỉ biết về sự thay đổi này qua tin nhắn của Ariana Grande trên Instagram, theo ghi nhận của Zing.
Người đại diện cho Pulse Active, đối tác của ban tổ chức show diễn này tại Thành phố HCM, khẳng định với Saigonneer, một trang web tin tức về cộng đồng ở TpHCM, về việc hủy diễn của Ariana Grande.
Nữ ca sỹ của dòng nhạc Pop và R&B sẽ có 3 show diễn ở Trung Quốc – Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu – trong tháng 8 này trước khi tới New Zealand và Úc vào tháng sau.
Ariana Grande đã rong ruổi cho tour lưu diễn này suốt 4 tháng qua và chỉ có một thời gian nghỉ ngắn sau vụ đánh bom khủng bố vào tháng 5 tại sân vận động ở Manchester, Anh, nơi ngay trước đó diễn ra show diễn của cô. Sau đó cô ca sỹ từng xuất hiện trong danh sách những nghệ sỹ hàng đầu có bài hát thống trị Billboard đã tổ chức một buổi diễn khác tại đây và gây quỹ được hơn 324.000 USD để ủng hộ những nạn nhân của vụ đánh bom làm 22 người thiệt mạng. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9








No comments:

Post a Comment

View My Stats