Monday 21 August 2017

BẢN TIN NGÀY 22/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo CAND đưa tin: Cứu sống 6 ngư dân tàu cá bị tàu nước ngoài tấn công, cướp tài sản và đâm chìm. Về tên thuyền trưởng của hai tàu bị TQ tấn công, thông tin trong bài này khác với các bài báo khác đã đăng hai ngày qua: ông Huỳnh Minh Tuấn, thuyền trưởng tàu cá QNg 90495 TS và ông Huỳnh Văn Canh, thuyền trưởng tàu cá QNg 95001 TS.

Thông tin từ báo Thanh Niên và các báo khác, tên của hai thuyền trưởng là: ông Huỳnh Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu cá QNg 90495 TS và ông Huỳnh Văn Khanh, thuyền trưởng tàu cá QNg 95001 TS. 

Ông Tuấn nói: “Chúng tôi chạy vào cứu 6 người đang bu chóp mũi tàu chưa bị chìm hẳn đưa qua tàu của tôi. Lúc này chúng tôi định tìm cách kéo tàu bị chìm về để làm chứng cứ tố cáo, nhưng tàu của họ liên tục ngăn cản xua đuổi chúng tôi không cho cứu tàu gần bị chìm. Họ còn nổ súng khiến chúng tôi đành bỏ cuộc”.

VOV đưa tin: Thái Lan tiếp tục bàn giao 9 ngư dân Việt Nam (VOV). Chín ngư dân này cùng với tài công đã xâm phạm vùng biển Thái Lan, đánh bắt hải sản trái phép nên đã bị bắt giữ hồi tháng 8/2016. Chín ngư dân được các cơ quan chức năng Thái Lan xác định thuộc diện bị cưỡng bức lao động, nên được chăm sóc sức khỏe, cho ăn ở và được trả tự do. Riêng tài công đã bị nhà chức trách Thái Lan xét xử về tội đánh bắt hải sản trái phép và cưỡng bức lao động.

9 ngư dân Việt Nam sẽ được đưa về nước trong tuần tới. Ảnh: VOV

Báo Một thế Giới đưa tin: Clip Hải quân đánh bộ Việt Nam diễn tập đổ bộ, chiếm đảo. “Theo QPVN, Lữ đoàn 101 đã diễn tập thực binh có bắn đạn thật với sự tham gia phối hợp của lực lượng tàu đổ bộ thuộc Lữ đoàn 125 và Hải đội 413. Đây là một hoạt động quan trọng giúp đơn vị nâng cao khả năng chiến đấu, phù hợp với tình hình tác chiến mới tại khu vực biển đảo với những vũ khí hiện có“ : https://www.youtube.com/watch?v=JrVhOBYUyrI

Trang USNI của Viện Hải quân Mỹ đưa tin: Khu trục hạm USS John McCain đụng tàu tàu chở hóa chất trên Biển Đông, 10 thủy thủ mất tích, 5 thủy thủ bị thương. Sự cố xảy ra lúc 5h24, giờ địa phương, ngày 21/8/2017, khi tàu khu trục đang chuẩn bị cập cảng Singapore, đã đụng với tàu Alnic MC của Liberia.


Thêm một thuyền viên đã được Philippines cứu thoát
TTXVN đưa tin, Philippines giải cứu một thuyền viên Việt Nam bị khủng bố bắt cóc. Người được Philippines giải cứu là thuyền viên Đỗ Trung Hiếu, thủy thủ tàu Royal 16. Anh Hiếu là một trong sáu thuyền viên trên tàu Royal 16 bị quân khủng bố Abu Sayyaf bắt cóc hồi tháng 11/2016, ngoài khơi đảo Sibagu, Basilan của Philippines.

Ngoài Đỗ Trung Hiếu, năm thuyền viên khác đã bị cướp biển bắt giữ lúc đó, gồm: Thuyền trưởng Phạm Minh Tuấn, Hoàng Võ, Trần Khương Dũng, Hoàng Văn Hải, Hoàng Trung Thông. Trong đó, thuyền viên Hoàng Võ đã được Philippines giải cứu ngày 16/6/2017, hai thuyền viên Hoàng Văn Hải và Hoàng Trung Thông đã bị phiến quân chặt đầu hồi đầu tháng 7.

Như vậy là trong số 6 người tàu Royal 16 bị bắt hồi năm ngoái, đã biết số phận của 4 người: 2 người bị khủng bố chặt đầu, 2 người được Philippines giải cứu. Vẫn không rõ số phận của thuyền trưởng Phạm Minh Tuấn và thuyền viên Trần Khương Dũng ra sao, còn sống hay đã chết.

Trước đó, thuyền viên Trần Việt Văn cũng đã bị giết chết, trong cuộc giao tranh giữa lực lượng quân đội Philippines và quân khủng bố Abu Sayyaf. Anh Trần Việt Văn là thuỷ thủ tàu Giang Hải, thuộc Công ty Cổ phần Vận tải biển Quốc tế (trụ sở Hải Phòng). Con tàu này đã bị khủng bố tấn công ở ngoài khơi Philippines hồi tháng 2/2017, bắt cóc 6 thuyền viên trong đó có anh Văn.


Dư âm Bộ sách Lịch sử Việt Nam mới xuất bản
Về việc Bộ sách Lịch sử Việt Nam mới xuất bản đã không gọi chính quyền VNCH là ngụy quân, ngụy quyền như trước, nhà báo Nguyễn Thông viết: “Không có gì phải khen, mà xấu hổ thì mới đúng. Đến bây giờ mới dám mon men tôn trọng lịch sử như vậy là quá dở, quá trễ. Người dân và rất nhiều nhân sĩ trí thức đã làm như vậy lâu rồi, chỉ có nhà cai trị cứ cố tình ‘thù muôn đời muôn kiếp không tan’ thôi“.

Ông nhận định: “Cũng cứ đặt trường hợp nhà cai trị có ý vậy thì cũng thấy rất rõ mục đích chính trị, thực dụng, chứ không phải do tính khách quan của lịch sử. Nếu đã biết tôn trọng sự thật khách quan thì làm gì có chuyện để đến mãi bây giờ mới thừa nhận. Nói chung, với một đầu óc ù lì, phi lịch sử như thế, chả có gì phải khen“.

RFA có bài: Tổng chủ biên bộ sử Việt Nam: gọi “ngụy quân, ngụy quyền” là miệt thị! PGS.TS Trần Đức Cường, cựu Viện trưởng Viện sử học và là tổng chủ biên bộ sách lịch sử này, nói về chính quyền VNCH như sau:

“Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả… Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền”.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn núp sau rèm…
Bài của nhà báo Bùi Tín: Trận chiến tay 3 hay trận chiến 3 chống 1? Về sự mất tích bí ẩn của của ông Trần Đại Quang, tác giả cho rằng, có thể là do 3 người: ông Trọng, ông Phúc và bà Kim Ngân, chơi bề hội đồng, đánh Chủ tịch nước Trần Đại Quang, để giành cái ghế Chủ tịch nước cho ông Trọng: vừa làm Tổng bí thư, vừa kiêm Chủ tịch nước.

Kể từ khi biến mất hôm 25/7, gần một tháng sau, nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành CAND, hôm 20/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết: ‘Tăng cường công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng trong tình hình mới’.

Báo Người Việt có bài: Trần Ðại Quang ‘trên giường bệnh’ vẫn ra lệnh ‘siết an ninh mạng’? “Nếu ông Trần Ðại Quang không bịnh hoạn nghiêm trọng hoặc không bị ‘quản thúc’ trong cuộc đấu đá nội bộ như ‘lũ phản động’ xấu mồm xấu miệng bôi bác, chỉ cần đưa tí hình ảnh, video clip ‘chủ tịch nước đi dự lễ’ bỏ lên một số trang mạng ‘lề phải’ là thiên hạ hết đồn thổi ngay. Cố bưng bít, cố bịp, nhưng lại ‘lộ hàng’ nên chẳng lừa được ai cả“.

Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn nhận định, qua bài viết trên, ông Quang, dù là chủ tịch nước, nhưng “đầu óc của ông vẫn còn là một ‘ông công an’ gương mẫu ‘còn đảng còn mình’.” Và rằng, bài viết thể hiện ý chí của ông Quang: “VN phải đứng ngoài ‘cách mạng 4.0’. Nhà nước VN là một ‘nhà nước công an trị’. Ông Quang đứng đầu nước mà ‘xa nước’. Đứng đầu muôn dân mà ‘xa dân’. Ông Quang xem đất nước ‘như cái lồng’ và muôn dân như những tên nô lệ“.

RFI có bài: Việt Nam: Một bài viết ký tên chủ tịch nước kêu gọi siết chặt Internet. RFI dẫn nguồn từ hãng tin Reuters cho rằng, “bài viết của chủ tịch nước Việt Nam xuất hiện vào lúc rộ lên nhiều tin đồn loan truyền trên Internet về ông, do việc không thấy ông xuất hiện trước công chúng từ cuối tháng Bảy“.

Nhà báo Bùi Tín có bài trên VOA: Nhà nước không đầu cho đến bao giờ? Ông viết: “Chủ tịch Nước, đứng đầu chế độ bỗng nhiên biến mất, không có một tăm hơi, không một thông báo, không một tin tức chính thức, từ Bộ Chính trị mà ông là nhân vật số 2… Ông bị ốm chăng? bệnh gì nặng và bí hiểm chăng? Hay ông bị hãm hại do đấu tranh nội bộ trong đảng, các phe cánh ‘thịt nhau’ để dành nhau cái ghế Tổng bí thư do ông Tổng Trọng đã 73 tuổi, ốm yếu, hứa sẽ về nghỉ giữa nhiệm kỳ?”


Cập nhật tin Trịnh Xuân Thanh
Tác giả Linh Quang có bài: Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Tờ Văn Nghệ TP. HCM đăng bài nhục mạ Bộ Ngoại giao Đức. Về chuyện báo Văn Nghệ TP cho cây bút Vũ Hương đánh Bộ Ngoại giao Đức, tác giả chứng minh rằng, Vũ Hương chính là Hồ Ngọc Thắng qua cách hành văn của hai người giống hệt nhau. Và thay vì tìm cách “dập lửa” cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt, báo VNTP lại “tưới xăng vào lò lửa”.

BBC có bài: Mở rộng điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh tại Czech. Bài viết nói về sự kiện ông Nguyễn Hải Long, là người đứng tên thuê xe đi từ Czech qua Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, ông Long đã bị cảnh sát Czech bắt giữ để điều tra. Ông Bùi Quang Hiếu, chủ chiếc xe này đã bị cảnh sát thẩm vấn nhiều giờ.

Điện than VN: Hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc
Báo Thanh Niên có bài: Điện than Việt Nam lo phụ thuộc nước ngoài. Bài báo cho biết, hầu hết các dự án nhiệt điện than tại Việt Nam hiện nay từ công nghệ, vốn, đến chủ đầu tư đều của Trung Quốc. Để vận hành các nhà máy điện than, VN sẽ phải nhập một lượng than lớn, an ninh năng lượng của Việt Nam đang đối diện với nguy cơ phụ thuộc nặng vào Trung Quốc.

Các dự án nhiệt điện than có quy mô lớn trải dài khắp cả nước đều do nhà thầu TQ đầu tư, như Vĩnh Tân 1, 95% vốn từ Trung Quốc, hay Nhà máy nhiệt điện Hải Dương, Trung Quốc nắm giữ 50% cổ phần và 50% còn lại do nhà thầu Malaysia…

Không chỉ phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc, mà nhiệt điện than của VN còn phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu từ nước này. Từ năm 2006-2011, mỗi năm VN xuất khẩu trung bình gần 21 triệu tấn than, nhưng đến năm 2013, VN bắt đầu nhập khẩu than và năm sau tăng nhanh hơn năm trước. Mời xem ảnh:

Nguồn: Tổng cục Hải quan – đồ họa: Du Sơn

Hà Tĩnh gian trá
Báo Công Luận có bài: Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Chính quyền dung túng cho doanh nghiệp hoạt động trái luật?Bài báo cho biết, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra kết luận Kiểm tra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn toàn tỉnh.

Kết luận nêu rõ, “hàng chục tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, khai thác khoáng sản trái phép bị xử lý, buộc phải chấm dứt việc kinh doanh, tự giải tỏa các công trình trên đất, trả lại mặt bằng cho Nhà nước quản lý, chấp hành quyết định xử lý vi phạm“.
Tuy nhiên cho tới nay, “một số địa phương vẫn xem nhẹ hình thức kỷ luật, buông lỏng công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, để tiếp tục xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép“.

Thanh Hóa lĩnh đòn
Báo VnExpress có bài: Lọc hoá dầu Nghi Sơn còn thiếu nhiều hạng mục bảo vệ môi trường. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa dù đã lênh kế hoạch vận hành vào quý I/2018, nhưng “tại cuộc kiểm tra liên ngành đầu tháng 8 cho thấy, dự án này vẫn còn nhiều hạng mục về đảm bảo môi trường chưa được thực hiện“.

Hàng loạt các hạng mục công việc quan trọng chưa được hoàn thiện, như “chưa xây dựng hồ điều hòa, bể chỉ thị sinh học; chưa lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc tự động nước thải sau xử lý; hệ thống quan trắc tự động khí thải, camera giám sát“.

Ngoài ra, nhà máy này cũng “chưa nộp báo cáo giám sát môi trường định kỳ quý một, quý hai năm 2017; chưa có phương án quản lý tốt nguồn phóng xạ, nguồn hóa chất theo quy định; hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa hoàn chỉnh…

Bê bối thuốc chữa ung thư giả
Báo VnExpress đưa tin, ngày 21/8 TAND TP. HCM bắt đầu xét xử dàn lãnh đạo Công ty dược Pharma nhập thuốc chữa ung thư giả, gồm Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma; Nguyễn Trí Nhật; Ngô Anh Quốc, cùng là cựu phó giám đốc VN Pharma.

Được biết, các cựu lãnh đạo này đã nhập hơn 9.000 hộp thuốc trị ung thư giả để đưa vào tiêu thụ tại các bệnh viện ở Việt Nam. Các lô thuốc này “không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người“. Lô thuốc được dán tem từ Ấn Độ, chuyển qua Singapore, sau đó nhập khẩu về Việt Nam. Tuy nhiên, “xác minh mã vạch lại không có thông tin bất kỳ quốc gia nào, các giấy chứng nhận chất lượng đều là giả,“.

Việc làm giả này sẽ khó mà trót lọt nếu không có những khoản lót tay khổng lồ. Báo Lao Động phải thốt lên: Quá khủng khiếp: 7,5 tỉ đồng “hoa hồng cho bác sĩ”. Bài báo nhận định, “7,5 tỉ đồng ấy được bổ vào đâu nếu như không phải chính vào giá thuốc“.

Bài báo nhấn mạnh: “Hành vi táng tận lương tâm của các bị cáo sẽ chỉ đầu voi đuôi chuột nếu không xem xét trách nhiệm của những bác sĩ đã ăn tiền để kê đơn cho bệnh nhân đúng thứ thuốc dởm của VN Pharma“. Có lẽ còn rất nhiều nơi đã nhập hoặc sản xuất thuốc giả nhưng chưa bị phát hiện, nên cựu giám đốc VN Pharma mới nói ‘thuốc ung thư giả là bình thường’.

Quá nhiều vụ bê bối xảy ra nhiều năm qua trong ngành y tế. Dư luận đồn rằng rằng Bộ Y tế đã bật đèn xanh cho các công ty tay chân nhập vật tư thiết bị y tế kém chất lượng, đa số từ Trung Quốc, sau đó đem về thay nhãn mác, biến hàng dỏm của TQ, thành thiết bị chất lượng từ các nước Mỹ và châu Âu. Kế đến là chuyện nhập nhằng trong việc độc quyền phân phối thuốc và bây giờ là chuyện nhập thuốc chữa ung thư giả.


Tin liên quan, báo Lao Động đưa tin: Giám đốc Bệnh viện C Thái Nguyên đột tử tại phòng làm việc. Mặc dù vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân do dùng phải… thuốc giả!

Việc công bố Kết luận Thanh tra tài sản ông Phạm Sỹ Quý
Báo Tiền Phong tiếp tục đặt câu hỏi: Vì sao hoãn công bố kết luận thanh tra tài sản Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái? Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng TTCP giải thích: “Mấy hôm trước Tổng TTCP đã trao quyết định bổ nhiệm đồng chí Bùi Ngọc Lam, Cục trưởng Cục II giữ chức vụ Phó tổng Thanh tra Chính phủ, đồng thời, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh sẽ nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/8. Theo đó, đồng chí Lam sẽ phụ trách lại việc này phải xem xét lại hồ sơ, bận nên có thể phải cuối tuần đồng chí mới công bố kết luận được“.

Lời hứa mới đây của ông “chắc chắn đầu tuần tới, vào 21/8 hoặc 22/8 phải công bố” tới hạn rồi, nên Đạt ông đá trái bóng qua cho tân Phó tổng Thanh tra là ông Bùi Ngọc Lam?!

Bất cập các dự án BOT
Báo Dân Trí có bài: Các dự án BOT giao thông: Quá đỗi tù mù! Theo bài báo, “đại đa số các dự án BOT giao thông thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, một sự chà đạp lên các quy định về Luật Đấu thầu“. Và các dự án đã “cố tình làm trái quy định của Nhà nước về yêu cầu mỗi trạm thu phí BOT phải cách nhau ít nhất 70 km“.

Báo Lao Động có bài: Tháo cục xương BOT chẳng có gì khó. Giải pháp là: “phải mời một đơn vị kiểm toán độc lập, để minh bạch hóa tổng số tiền đầu tư cho các tuyến đường, bao gồm gia cố quốc lộ 1 và xây dựng đường tránh là bao nhiêu, Nhà nước trả lại cho doanh nghiệp đúng số tiền đó… Sau khi trả đúng số tiền đầu tư và lãi cho doanh nghiệp theo định giá của kiểm toán, Nhà nước chỉ đặt trạm thu phí ở các đường tránh, còn gia cố quốc lộ 1 thì dùng phí bảo trì đường bộ, không thu tiền của dân. Xin lưu ý thêm, dân còn đóng thuế qua xăng dầu“.


Thông xe Dự án BOT hầm đèo Cả 
Báo Dân Trí có bài: Chính thức thông xe hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam sau 8 năm triển khai dự án. Dự án này được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước, có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Tại đây, khi lưu thông qua khu vực Đèo Cả, “người dân có quyền lựa chọn đi qua hầm (mất phí) hoặc đi qua đường đèo không mất phí“.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã thống nhất phương án tính mức giá thấp nhất cho mỗi lượt xe là 60.000 đồng/lượt và cao nhất là 288.000 đồng/lượt. Được biết, việc đưa hầm vào vận hành khai thác “sẽ rút ngắn thời gian qua đèo Cả từ 60 phút xuống còn 10 phút“.


Tăng thuế VAT hay VẮT cổ dân?
Báo Giao thông có bài: Đề xuất tăng thuế VAT: Người nghèo thêm khó. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, tăng thuế VAT nhưng Bộ Tài chính lại đề xuất giảm thuế thu nhập “là một hình thức đứng về phía người giàu. Mọi gánh nặng dồn lên vai toàn dân, người nghèo sẽ cùng kiệt”.

Chị Nguyễn Thúy Hòa, Thanh Trì, Hà Nội cho biết: “tôi ra siêu thị… mua đồ dùng, thực phẩm cho cả nhà. Theo hóa đơn bán lẻ của siêu thị, tổng số tiền tôi phải thanh toán 1.700.000 đồng, trong đó, bao gồm 10% thuế VAT 170.000 đồng. Nếu thuế VAT nâng lên 12% như đề xuất của Bộ Tài chính, khoản thuế VAT tôi phải trả sẽ là 200.000 đồng, tăng khoảng 30.000 đồng so với hiện nay. Mặc dù số tiền cho mỗi hóa đơn không nhiều, nhưng với hàng trăm thứ bà rằn phải chi tiêu, mua sắm mỗi ngày, mỗi tháng, khoản chi tăng thêm do thuế không nhỏ“.

Báo Dân Trí có bài: Bộ Tài chính họp, chỉ một chuyên gia kinh tế ủng hộ đề xuất tăng thuế. Mặc dù có tin “tại cuộc họp, phần lớn các chuyên gia không ủng hộ đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, chỉ có duy nhất một chuyên gia ủng hộ hết mình“. Không biết vị chuyên gia ủng hộ tăng thuế kia là ai?

Không rõ có phải đó là chuyên gia Đinh Trọng Thịnh trong bài này không: Chuyên gia nói gì trước đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính. Ông Thịnh nói: “Thuế VAT là thuế gián thu, thu hộ cho nhà nước, thu vào người tiêu dùng chứ không thu cho người sản xuất nên nó không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh“. Và ông cũng cho rằng “việc đánh thuế tiêu dùng sẽ không làm giá cả của các mặt hàng hóa tăng“.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) ủng hộ việc tăng thuế VAT. Nguồn: Tin TM


Công an hay côn đồ?
Báo Giao thông có bài: CSGT Hải Dương đánh rách môi người vi phạm. Tài xế Phạm Văn Quảng, ở Thanh Oai, Hà Nội, cho biết: Khi xe ông đang lưu thông trên QL5 thì CSGT huyện Cẩm Giàng, Hải Dương yêu cầu dừng xe và nói xe ông vi phạm. Khi ông giải thích rằng xe mình không vi phạm gì, thì một CSGT xông vào “huých mạnh vào mạng sườn tôi rồi nói ‘nhìn kiểu gì thế’, sau đó đấm thẳng vào mặt tôi làm máu chảy be bét”.

Mời xem clip ông Phạm Văn Quảng bị CSGT đánh: https://www.youtube.com/watch?v=WsTtWalet0U

Trung tá Nguyễn Đăng Việt, Trạm phó Trạm CSGT Hải Dương khẳng định: “Quá trình đôi co, CSGT không cho tài xế Quảng lên xe, có khả năng mặt tài xế Quảng đập vào thành xe, sau đó tài xế Quảng vu vạ CSGT đánh người“. Nhưng khi PV đưa ra đoạn video clip ghi lại hình ảnh vụ việc, thì ông Việt cho hay: “Đến bây giờ tôi mới được xem trực tiếp đoạn video này, nếu như đúng đại uý CSGT tấn công tài xế Quảng, khi có đủ tài liệu chứng cứ, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý nghiêm cán bộ vi phạm theo qui định“.

Với các “chiến sỹ” Công an… hại nhân dân này, không video clip đưa ra, khó có chuyện họ nhận những gì họ đã làm. Người dân đã từng tự “đập mặt” vào gậy CSGT, bây giờ lại có chuyện tự “đập mặt” vào thành xe!

Cũng CSGT tỉnh Hải Dương, đã từng bị người dân cáo buộc “thuê bọn Cò mồi để bẫy người dân tham gia giao thông“:

Con kiến kiện củ khoai
Báo Dân Trí có bài: Chủ tịch tỉnh Lào Cai chuẩn bị hầu toà 3 vụ người dân khởi kiện trong một ngày! Bài báo cho biết, về việc thu hồi đất tại phường Kim Tân, TP Lào Cai, “Chủ tịch UBND TP Lào Cai và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã bị người dân khởi kiện ra toà“.
Cả 3 vụ kiện được TAND tỉnh Lào Cai quyết định đưa ra xét xử vào ngày mai 22/8. Nhưng cả hai ông Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch TP Lào Cai “đều uỷ quyền cho cấp phó dự toà thay vào ngày mai“.

Báo VietNamNet có bài: Chi cục Trưởng chăn nuôi bị ông lái heo khởi kiện. Nguyên đơn là ông Đỗ Văn Thuyên, ngụ tại thị xã Bến Cát, Bình Dương và bị đơn là Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương.

Lý do, ông Thuyên nói ông có mua 15 con heo thịt “đã tiêm phòng đầy đủ và đủ điều kiện vệ sinh an toàn“, nhưng ông vẫn bị đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản “xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng và 15 con heo bị đem đi tiêu hủy“.

Ông Thuyên có đơn khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương, yêu cầu phải bồi thường hơn 91 triệu đồng, nhưng cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm, tòa đều bác đơn khởi kiện của ông. Theo LS Nguyễn Duy Bình, “bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, chưa xem xét toàn diện vụ việc, nhận định thiếu khách quan và chưa quyết định đúng pháp luật“.

Vụ ông Trịnh Vĩnh Bình
Hôm 21/8 tại Tòa trọng tài quốc tế thuộc Phòng Thương Mại Quốc tế (ICC) tại Paris đã diễn ra phiên tòa xét xử vụ ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam, đòi bồi thường với số tiền lên đến 1,2 tỷ đôla.

Theo Facebooker Diệu Lê thì “khả năng thắng kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình là rất cao, và điều này sẽ tạo ra một tiền lệ không tốt cho chính phủ Việt Nam khi sẽ có rất nhiều cá nhân sẵn sàng tiếp bước ông Bình. Và một câu hỏi đặt ra: Nếu ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, chính phủ Việt Nam lấy đâu ra tiền và tài sản để hoàn trả và bồi thường cho ông?

Mời đọc thêm: Tóm tắt sự kiện Trịnh Vĩnh Bình đưa Nhà nước CSVN ra tòa quốc tế. Đây là một vụ kiện lớn chưa từng có với chế độ CSVN, kể từ năm 1946 đến nay, nhưng báo chí CS hoàn toàn im lặng, không cho dàn dư luận viên chụp mũ những người đưa tin là “bị thế lực thù địch xúi giục” hay “lợi dụng âm mưu chống phá nhà nước”.

Tình hình tự do tôn giáo
Mục “Chống Diễn biến Hòa bình” trên báo QĐND có bài: Bản “Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới”: Vẫn xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Mặc dù công nhận bản phúc trình năm 2016, phần nói về Việt Nam “có đôi chút điều chỉnh” nhưng “vẫn thể hiện sự kỳ thị và xuyên tạc tình hình thực tế về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam“.

Bài viết dẫn chứng vụ bạo loạn ở Charlottesville mới đây: “Cựu Ngoại trưởng John Kerry thì cho rằng, vụ việc tại Charlottesville phải gọi là ‘thù hận, tội ác, phân biệt chủng tộc và cực đoan nội địa’ (ở Hoa Kỳ)“.

Báo QĐND bắn lạc đạn rồi. Vụ biểu tình bạo loạn ở Charlottesville xảy ra giữa những người dân Mỹ, không liên quan gì đến nội dung bản phúc trình, nói về mối liên hệ giữa chính quyền VN và người dân.

Vấn nạn sùng bái danh hiệu
Báo Thanh Niên có bài: Ca sĩ Ngọc Sơn là giáo sư âm nhạc?Bằng khen có ghi chức danh GS âm nhạc của ca sĩ Ngọc Sơn do Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN, tiến sĩ (TS) Lê Ngọc Dũng ký. Vị chủ tịch hội này còn ghi rõ mình là Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ VN trên bằng khen“.

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VH-TT-DL, cho rằng: “Đó là vớ vẩn, một sự PR thiếu văn hóa”. Vì theo ông Cẩn, hiện không có chức danh GS âm nhạc.

TS Phan Đình Tân, cựu Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL cho biết: “Lĩnh vực âm nhạc có Bộ VH-TT-DL, chuyên gia âm nhạc, Hội Nhạc sĩ VN… các hội chuyên ngành đánh giá. Việc phong tặng như thế vô hình trung làm rối loạn công tác quản lý của nhà nước, gây ra loạn bằng cấp chứng chỉ”.

Tuy nhiên, có người cho rằng, dù sao ca sỹ Ngọc Sơn cũng còn biết tự sáng tác và biểu diễn nhiều bài được khán giả yêu thích. Không giống như vị Giáo sư Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học, chuyên ngành xây dựng Đảng, đứng đầu đảng ở VN, cả đời chả thấy có công trình gì và cũng chẳng biết là ai phong, lại trở thành giáo sư, tiến sĩ.

Ảnh: Báo TN

Tin quốc tế

Độc tài ở Trung Quốc
Bài trên VOA: Tập Cận Bình sẽ được nâng lên ngang hàng Mao Trạch Đông? Trong m cuộc họp kín của các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Đảng CSTQ tại Bắc Đới Hà, ông Tập Cận Bình đã đồng ý đưa tư tưởng mang tên mình vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, do vậy địa vị của ông Tập Cận Bình trong đảng đã được nâng lên ngang hàng với Mao Trạch Đông.

Nếu như việc này được chính thức thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào cuối năm nay thì vị thế của ông Tập đã vượt qua những người tiền nhiệm của ông là các cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Theo Điều lệ hiện nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì Đảng này hoạt động theo đường lối của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình“.

RFI có bài: Học giả quốc tế kêu gọi chống Bắc Kinh kiểm duyệt học thuật. Dẫn nguồn từ báo AP, cho biết, hôm nay 21/08/2017, “nhiều học giả quốc tế đã kêu gọi nhà xuất bản Đại Học Cambridge khôi phục lại hơn 300 bài báo được coi là ‘nhạy cảm chính trị’, bị yêu cầu xóa trên trang web của tạp chí nghiên cứu China Quarterly vào tuần trước“.

Một kiến nghị được lập trên trang change.org, trong đó, các học giả lo ngại chuyện chính phủ TQ kiểm duyệt lịch sử và những áp đặt tư tưởng của nhà cầm quyền vào hệ thống giáo dục. Theo kiến nghị, nhà xuất bản ĐH Cambridge và các tạp chí liên quan, nghe theo sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc, thì các nhà nghiên cứu và các trường đại học có thể tẩy chay họ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats