Tuesday, 29 August 2017

THÁNG CÔ HỒN (Le Vinh Huy)




2017/08/26 bởi levinhhuy

Tương truyền vào tháng Bảy âm lịch, cửa địa ngục mở ra để ngạ quỷ về trần khất thực. Do đó, từ ngàn năm nay, ở xứ Tàu cũng như ở ta, tháng Bảy âm lịch thành tháng tiềm ẩn nhiều xui xẻo và tai họa. Nguyên ủy hiện tượng “tháng cô hồn” này hơi rối rắm vì có nhiều đan xen, chồng lấn giữa các quan niệm của Nho-Thích-Đạo.

A. Từ tín ngưỡng thành dị đoan:

Tháng Bảy âm gọi Mạnh thu (đầu mùa thu), bên Tàu thì đây là tháng nóng bức nhất trong năm. Là lúc các loài lan nở rộ nên tháng Bảy còn gọi là Lan nguyệt (tháng của hoa lan)[1].

Tra thư tịch, người ta phát hiện vào thời Chiến quốc, tháng Bảy vốn được xem là bình thường như các tháng khác trong năm. Sách Lễ ký (thiên Nguyệt lệnh) ghi lại những hoạt động nhộn nhịp của dân Tàu diễn ra trong tháng Bảy hồi 2.500 năm trước: “Tháng này lúa chín, thiên tử dâng cúng nơi miếu đường trước khi nếm gạo mới. Lệnh cho bá quan bắt đầu thu vén [thuế má], giữ gìn đê điều, chăm lo [sông ngòi] khỏi tắc nghẽn để ngừa ngập lụt. Sửa cung thất, tường vách thấp mục thì lo tu bổ thành quách”[2].

Suốt từ đó cho đến các đời Tần Hán, tháng Bảy trong sinh hoạt dân gian nếu không phải bức tranh sáng sủa thì cũng chưa bao giờ nặng nề âm khí tà ma như từ sau đời Minh cho đến nay. Mọi sự bắt đầu đảo lộn từ khi Phật giáo Ấn Độ truyền vào và biến tướng bởi Đạo giáo cũng như dị đoan bản địa.

Tăng ni Phật giáo mỗi năm đều có ba tháng an cư. Theo Đại tạng kinh thì vào mùa mưa, ở Ấn Độ thời xưa các loài trùng kiến bò ra rất nhiều, người tu hành nếu đi lại có thể sẽ bất cẩn giẫm đạp phải chúng mà phạm vào giới luật sát sanh. Vì lòng từ bi, các tăng ni được dạy nên đóng cửa ở yên một chỗ không ra ngoài vào mùa mưa đặng chuyên tâm tu tập[3].

Mùa mưa ở Ấn Độ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch (khoảng tháng 5 đến tháng 8 âm lịch). Khi tục này truyền sang Trung Hoa thì có biến đổi cho phù hợp với thời tiết thủy thổ, mùa an cư ở Tàu vì vậy được ấn định vào ba tháng hè, gọi là kết hạ an cư 結夏安居Kết ở đây nghĩa là tụ lại; kết hạ là tụ lại trong mùa hè[4].

Để việc tu tập thêm ý nghĩa, Phật giáo Trung Hoa lấy rằm tháng Tư (Phật đản) làm ngày bắt đầu an cư, ngày kết thúc do đó rơi vào rằm tháng Bảy. Rằm tháng Bảy vì vậy lúc đầu được gọi là ngày Phật hoan hỷ (佛歡喜日).

Đến đây lại dính líu đến một quyển kinh khác, là Vu-lan-bồn[5]. Theo kinh Vu-lan, Thích Ca vì cảm tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên[6] nên đã truyền pháp cứu tế: nhân ngày rằm tháng Bảy, các nhà sư vừa dứt mùa an cư thì dâng phẩm vật lên cho các ngài, đặng nhờ thần lực chư tăng mười phương giúp siêu độ vong linh nơi địa ngục. Các tăng được Phật dạy là trước khi thọ thực phải nhiếp tâm định ý, gửi chú nguyện cứu độ vong linh rồi mới tiếp nhận phẩm vật. Thần lực của mười phương chư tăng nhờ vậy hội tụ đã cứu mẹ Mục Liên được thoát địa ngục để về nơi tịnh độ.

Kinh Vu-lan tất nhiên khó thể là hàng giả, nhưng ngày rằm tháng Bảy hẳn phải do Phật giáo Trung Hoa tự ấn định, chứ không phải được chọn bởi Thích Ca. Vì như đã nói, vào rằm tháng Bảy ở Ấn Độ, sư tăng còn đang đóng cửa tu tập trong chùa, họ rảnh đâu ra đợi thọ nhận cúng dường? Tuy đặt nghi vấn làm vậy, nhưng vì không biết chữ Phạn để đối chiếu nên ta hãy cứ chấp nhận rằm tháng Bảy là ngày do Phật ấn định để xá tội vong nhân. Điều bất thường ở chỗ Phật dạy chúng sinh phép mượn sức tăng để cứu độ cha mẹ chỉ vào mỗi một ngày rằm. Thậm chí ngày rằm này đối với Phật tử còn là ngày vui mừng tốt lành để được báo hiếu không chỉ với cha mẹ hiện tiền mà cả cha mẹ trong bảy kiếp đã qua. Vậy từ đâu ra thói tục xem nguyên cả tháng Bảy thành của cô hồn ảm đạm khủng bố tang tóc?

Tới đây, phải tìm hiểu qua quan niệm của Đạo giáo về rằm tháng Bảy, bởi không phải ngẫu nhiên mà Phật giáo Trung Hoa chọn ngày này làm pháp hội. Nguyên Đạo giáo cho rằng có ba vị thần coi sóc mọi việc trên trời, dưới đất, và trong nước; đó là ba vị Thiên quanĐịa quan và Thủy quan (Tam quan). Mỗi năm, Tam quan hội họp vào ba ngày rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Chạp để xem xét định luận công tội của thần tiên, loài người và các loài trong ba cõi. Đây là ba ngày rằm có ý nghĩa lớn (Tam nguyên): rằm tháng Giêng gọi tiết[1] Thượng nguyên là lễ tế Thiên quan, rằm tháng Bảy là tiết Trung nguyên tế Địa quan, và rằm tháng Chạp là tiết Hạ nguyên tế Thủy quan.

Thêm một điều trùng hợp là tiết Trung nguyên thuở xưa còn là lễ hội mừng thu hoạch, vào ngày này, dân Tàu cúng tế thịnh soạn để cầu Tam quan ban phước. Xuyên suốt thời cổ đại, Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt[8] tuy vậy lại là tháng hội hè, cưới gả, với ngày vợ chồng Ngâu trùng phùng (mùng Bảy), lễ báo hiếu kiêm cầu phước (rằm). Cho đến khi các vu sư chen vào kiếm ăn thì tình hình bỗng khác hẳn.

Đó là vào đầu triều Minh, khoảng niên hiệu Hồng Võ (1368-1399) đời Chu Nguyên Chương. Triều đình mới thành lập hãy còn non yếu nên các bang hội giang hồ nở rộ, các thầy pháp thầy bùa cũng lộng hành khắp chốn hương thôn. Lúc này, một cổ tục của vùng Mân Nam (tên gọi khác của tỉnh Phúc Kiến) được loan truyền. Nguyên người Xà[9] ở Mân tin rằng vào tháng Bảy, cửa địa ngục mở ra từ mùng 2 đến rằm cho các cô hồn ngạ quỷ lên dương thế kiếm ăn, khoảng thời gian này gọi Quỷ tiết, đa số người Mân có tục không cưới gả, xây cất hoặc đi xa trong những ngày nói trên[10]. Theo đó, các thầy bà lại vẽ rắn thêm chân, phóng đại thêm thắt đủ điều kiêng kỵ để moi tiền tín chủ nhẹ dạ. Thời buổi loạn lạc vừa yên, dân tình phấp phỏng nguy cơ chiến tranh Mông Cổ tái diễn nên tin đồn từ đó càng lan rộng làm xôn xao bá tánh nhiều nơi, rồi lâu dần tập nhiễm thành tín điều dị đoan cho đến nay.

B. Những nguyên nhân khiến tệ đoan phát triển:

Lý giải căn nguyên một hiện tượng mê tín phát triển thành phong tục tâm linh là việc ngoài khả năng của người viết bài. Tuy nhiên, bởi đây là công việc các nhà xã hội học phải làm nhưng chả thấy họ đả động đến, kẻ này đành xăm mình làm liều, thử đưa ra vài nhận định.

1. Sợ hãi thế lực huyền bí: không giải thích được những hiện tượng tự nhiên nên người xưa đã gán chúng cho các thế lực vô hình. Tự mình tạo ra thánh thần thôi chưa đủ, người ta còn tạo thêm ma quỷ để phụng thờ và khiếp sợ. Tâm lý sợ hãi vô cớ đó đọng lại và di truyền trong tiềm thức tạo thành một vòng luẩn quẩn, vì sợ hãi nên tôn thờ, càng tôn thờ càng run sợ siêu nhiên.

2. Mong muốn chuộc lỗi: công ơn cha mẹ quá to lớn khiến người ta cảm thấy mình hèn mọn khó lòng đền đáp[11]. Thêm vào đó là nhịp sống hối hả của văn minh cứ cuồn cuộn khiến con người hiếm khi có dịp được bộc lộ tình cảm cách cụ thể; mãi khi cha mẹ đã khuất núi, người ta mới giật mình tưởng nhớ tới thâm tình cốt nhục thì đã muộn. Cảm giác tự cho mình bất hiếu này càng dày vò, người ta càng cúng tế rình rang để vừa mong “chuộc lỗi”, vừa để “làm gương” với con cháu của mình.

3. Niềm tin mù quáng: phần đông người ta lười động não, cứ tập tục của người đời trước truyền lại, không cần phân biệt mỹ tục hay hủ tục thì đều tin đó là đúng, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Áp lực của “thế giới tâm linh” vì thế theo nhau đè nặng, họ đành nhắm mắt làm theo, không tìm hiểu thêm chi cho phiền.

C. Tạm kết luận:

Từ chỗ là ngày hội vui mừng báo hiếu khế hợp ý nghĩa đẹp đẽ từ bi của Tăng-Đạo, tháng Bảy vốn rộn ràng sinh khí đã bị trục lợi để biến thành tháng của tai ương chầu chực với đủ thứ kiêng cử lãng dang[12]. Thích Ca khi xưa giảng Vu-lan-bồn để mượn nhờ thần lực uy nghi của mười phương đại đức phổ độ đến vong linh nơi địa ngục, ngài có ngờ đâu ngày nay sự tình lại đảo lộn thành ra vong linh dưới địa ngục trồi lên dạo chơi phá quấy dương thế.

Nếu thật sự những kiêng kỵ trong tháng Bảy là “phong tục tâm linh” của dân tộc, thì đây là loại “tâm linh” tiêu cực, hù ma nhát quỷ để khủng bố tinh thần người ta. Trút bỏ được nỗi khiếp sợ ma quỷ vu vơ đó đi, người ta sẽ có một tháng Bảy tích cực lạc quan trên trần thế nhiệm mầu.

_______

Chú thích:
[1] Tàu có tục lấy tên hoa để mệnh danh cho các tháng trong năm: tháng Giêng là Liễu nguyệt, tháng hai là Hạnh nguyệt, tháng 3 là Đào nguyệt, tháng 4 là Mai nguyệt, tháng 5 là Lựu nguyệt, tháng 6 là Hà nguyệt (Hà là tên khác của hoa sen), tháng 7 là Lan nguyệt, tháng 8 là Quế nguyệt, tháng 9 là Cúc nguyệt, tháng 10 là Dương nguyệt (do hoa phù dung còn có tên là Tiểu dương 小陽), tháng Một là Gia nguyệt (Gia tức cỏ lau – Phragmites communis), riêng tháng Chạp lấy lễ tế tất niên (Đại lạp 大臘) làm trọng nên có tên là Lạp nguyệt.

[2] Nguyên văn: 「是月也,農乃登穀。天子嘗新,先薦寢廟。命百官,始收斂。完堤防,謹壅塞,以備水潦。修宮室,壞牆垣,補城郭。」

[3] Theo ý riêng của người viết bài thì thời xưa có nhiều rắn rít trong bụi rậm bò ra, mà điều kiện y tế lại kém, nên việc đóng cửa ở yên một chỗ vào mùa mưa cốt để phòng ngừa khỏi bị độc vật cắn mổ mới là nguyên nhân chủ yếu.

[4] Nhưng không hiểu do đâu, ở Việt Nam lại gọi thành “an cư kiết hạ”, việc phiên âm sai này dẫn đến nhận định không chuẩn về nguyên nhân và ý nghĩa của an cư.

[5] Vu-lan-bồn là phiên âm từ tiếng Phạn (Ullambana). Trong đó, Vu-lan có nghĩa là “treo ngược lên”; bồn là pháp khí dùng để cứu độ. Vu-lan-bồn nghĩa là pháp khí dùng để cứu độ kẻ bị cực hình treo ngược.

[6] Mục Kiền Liên tôn giả muốn cứu độ cha mẹ để báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục, bèn dùng Huệ nhãn quán chiếu thì thấy mẹ mình là Thanh Đề đang phải đọa địa ngục, bà không có thức ăn nước uống, chỉ còn da bọc xương. Mục Liên đau xót, bưng bát cơm đầy xuống dâng, nhưng Thanh Đề chưa kịp cho vào miệng thì bát cơm đã hóa thành than hồng. Mục Liên vội quay về thuật lại với Phật, Thích Ca mới giảng Vu-lan, bày cho phép cứu tế mượn thần lực mười phương chư tăng để giúp Mục Liên cứu độ mẹ mình.

[7] Tiết đây là Lễ tiết 禮節, khác với 24 Tiết khí 節氣 trong năm.

[8] Nguyễn Du – Văn chiêu hồn.

[9] Xà tộc 畲族: một trong 19 sắc tộc lớn của đại lục. Từ đời Đường đã có ghi chép về sự hiện hữu đông đảo của họ ở Phúc Kiến (chiếm hơn 52% dân số tỉnh này). Người Xà sinh sống chủ yếu bằng cách đốt rừng làm rẫy. Ngàn năm trước, họ có ngôn ngữ riêng nhưng nay đã thất truyền, hiện thời phải dùng ngôn ngữ của Miêu tộc (H’mông). Người Xà nổi tiếng về y thuật, điểm đặc biệt là chỉ phụ nữ mới được hành y, và nghề này chỉ truyền cho con dâu chứ không được truyền lại cho con gái của chính mình. Đến nay, vẫn còn dấu vết của tập tục bí truyền y thuật này qua trang sức cài 3 lưỡi dao ngắn trên mái tóc phụ nữ Xà tộc.

[10] Theo biên khảo Người Mân Nam của Lâm Tái Phục, Tam Dân thư cục (Đài Loan) xuất bản, 1984 《閩南人》林再復, 三民書局.

[11] Thơ Mạnh Giao đời Đường:
誰言寸草心 Thùy ngôn thốn thảo tâm
報得三春暉 Báo đắc tam xuân huy
(Ai bảo tấm lòng tấc cỏ/ Báo đáp được nắng ba xuân? – Du tử ngâm).

[12] Thử đọc một bài do báo chí nhà nước tuyên truyền: Những điều kiêng kỵ và nên làm trong tháng cô hồn








No comments:

Post a Comment

View My Stats