Trân Văn
- Thiên
Hạ Luận
18/08/2017
Chiều
15 tháng 8, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Việt Nam hứa
với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam rằng sẽ sớm thông báo kết quả giải quyết vụ Trạm Thu phí Cai Lậy (1).
Trạm thu phí Cai Lậy
trên truyền thông nhà nước.
Trước
đó nửa ngày, vào rạng sáng 15 tháng 8, Công ty BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang
– doanh nghiệp thiết lập và điều hành Trạm Thu phí Cai Lậy đã rút toàn bộ bảo vệ,
nhân viên thu ngân khỏi trạm này. Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Tiền Giang
tuyên bố, chưa biết bao giờ Trạm Thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại (2).
Tuy
giới tài xế và dân chúng tạm thắng nhưng cuộc chiến giành lẽ công bằng, chống
áp đặt trong giao thông, rộng hơn là trong những sinh hoạt khác của xã hội Việt
Nam có vẻ sẽ còn rất dài…
***
Với
lý do giảm kẹt xe trên quốc lộ 1 tại đoạn chạy ngang Cai Lậy, Bộ Giao thông – Vận
tải Việt Nam đã cho phép Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang mở một con đường
chạy vòng bên ngoài Cai Lậy. Những con đường chạy vòng bên ngoài các khu thị tứ
được gọi nôm na là “đường tránh”.
Đường
tránh Cai Lậy bắt đầu được khai thác từ 1 tháng 8. Đáng lưu ý là dù chỉ đầu tư
– khai thác đường tránh Cai Lậy nhưng Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lại
được phép đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1, thành ra xe cộ có dùng đường tránh
Cai Lậy hay không vẫn phải trả phí.
Điều
khiến cả giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe lẫn dân chúng thêm phẫn nộ
là mức phí rất cao. Phí trả cho việc sử dụng cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, dài
40 cây số đối với xe từ bảy chỗ trở xuống chỉ có 40.000 đồng/lượt. Còn phí mà
Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang thu đối với xe cùng loại lên tới 35.000 đồng/lượt,
trong khi chiều dài của đường tránh Cai Lậy chỉ 12 cây số.
Biết
là có kêu cũng chẳng thấu “Trời”, giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe
bắt đầu dùng tiền lẻ - “tuyệt chiêu” từng hạ gục Công ty Cienco 4, doanh nghiệp
bỏ tiền ra nâng cấp, mở rộng đoạn quốc lộ 1 gần cầu Bến Thủy, nối hai tỉnh Nghệ
An và Hà Tĩnh.
Do
được phép đặt trạm thu phí ở các đầu cầu Bến Thủy sau khi chính quyền Việt Nam
dùng công quỹ, tách cầu ra làm đôi cho hai hướng lưu thông khác nhau, nên
Cienco 4 đột nhiên được phép buộc tất cả các loại xe bốn bánh qua cầu Bến Thủy
phải nộp phí, bất kể tài xế có sử dụng đoạn quốc lộ 1 mà Cienco 4 đã đầu tư hay
không. Cả dân chúng Nghệ An, Hà Tĩnh lẫn tài xế khiếu nại nhiều lần, thậm chí tổ
chức biểu tình nhưng không ăn thua. Đến tháng 4 năm nay thì xảy ra hiện tượng,
nhiều tài xế bám theo nhau cho xe bò qua cầu Bến Thủy, khi tới Trạm thu phí, họ
trao cho nhân viên thâu ngân một bọc tiền lẻ có mệnh giá nhỏ nhất - 500 đồng, vốn
không còn ai dùng nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa thu hồi nên về lý thuyết vẫn
còn giá trị sử dụng. Bởi nhân viên thâu ngân phải kiểm đếm rất lâu, xong xe này
lại gặp xe khác nên giao thông xuyên Việt bị nghẽn. Công an không thể tạm giữ
xe trả phí bằng tiền lẻ vì “cản trở giao thông”, cũng chẳng thể bắt ai “gây rối
trật tự công cộng”... Cuối cùng, chính phủ Việt Nam phải ra lệnh dẹp bỏ Trạm
thu phí cầu Bến Thủy.
Sau
khi phải nhận tiền lẻ của một số tài xế, sợ sẽ rơi vào tình cảnh như Công ty
Cienco 4, ngày 5 tháng 8, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chủ động phát cảnh
báo, sẽ yêu cầu công an xử lý những tài xế dùng tiền lẻ để trả phí. Cảnh báo đó
lập tức đem lại hiệu quả ngoài dự kiến: Số tài xế trả tiền lẻ tăng vọt. Giới
tài xế còn tiến thêm một bước là vò tiền lẻ lại, cho vào chai đựng nước, thành
thử việc đếm tiền lẻ vốn đã khó lại còn nan giải hơn. Thậm chí, Công ty Đầu tư
Quốc lộ 1 Tiền Giang còn tố cáo, có nhiều trường hợp khi dùng tiền lẻ trả phí,
tài xế cố tình đưa thiếu 500 đồng, sau đó lấy lại tiền lẻ rồi đưa tờ 500.000 đồng,
đòi thối...
Quốc
lộ 1 đoạn chạy qua Cai Lậy bắt đầu kẹt xe. Giao thông hỗn loạn, đình trệ, tình
hình nghiêm trọng tới mức, thỉnh thoảng, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang phải
ngưng thu phí để các loại xe qua lại thoải mái.
Khác
với vụ giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe đối đầu với Cienco 4 hồi
tháng tư vừa qua ở Trạm Thu phí cầu Bến Thủy, lần này, vụ tài xế đối đầu với
Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang sôi nổi hơn nhiều.
Trang
facebook “Bạn hữu đường xa” (3) – nơi giao lưu của
những người cầm lái các loại xe liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh liên quan
đến việc giới tài xế chuẩn bị ra sao, hỗ trợ nhau thế nào trong chuyện “ra trận”
– cho xe hành tiến qua Trạm Thu phí Cai Lậy với tốc độ của rùa. Các video clip,
ảnh chụp cho thấy tiền lẻ được gom về thành từng thau, trộn vào nhau, được thấm
nước để có muốn đếm cũng khó hơn. Không chỉ chủ động thực hiện chiến thuật “trì
hoãn” bằng tiền lẻ, giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe còn thực hiện
chiến thuật này bằng chuyện mang heo quay đến cúng ở Trạm Thu phí Cai Lậy như
thiên hạ thường “cúng cô hồn”…
Một
điểm khác biệt nữa giữa hai vụ đối đầu vừa kể là trong vụ sau, sự ủng hộ của
dân chúng mạnh mẽ hơn vụ trước. Trên facebook, người sử dụng Internet liên tục
kêu gọi nhau ủng hộ giới tài xế, chống chuyện hút máu dân lành. Không ít
facebooker tuyên bố như Võ Đắc Danh, sẽ lái xe hơi xuống Cai Lậy để tiếp sức
cho giới tài xế theo kiểu chạy qua, chạy lại Trạm Thu phí Cai Lậy. Mỗi lần trả
34.500 đồng bằng giấy bạc loại 200 đồng và 500 đồng. Khi nhân viên thu ngân đếm
xong, xác định còn thiếu 500 đồng, sẽ đưa thêm 500.000 đồng, đề nghị
thối lại 499.500 đồng (4).
Trên
thực tế, Trạm Thu phí Cai Lậy liên tục ngừng thu phí và đến tối 14 tháng 8 tạm
ngưng toàn bộ hoạt động là vì vừa phải đếm tiền lẻ của giới kiếm sống bằng việc
cầm lái các loại xe, vừa phải đếm tiền lẻ của chủ nhiều loại xe khác.
Càng
ngày, số người ủng hộ giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe đối đầu với
Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang càng đông. Ông Nguyễn Hữu Danh, chủ quán cà
phê Gốm và Lá ở phường 6 thành phố Tân An, tỉnh Long An, long trọng thông báo,
ông đã gom được 22 triệu đồng loại giấy bạc 200 đồng và 500 đồng để “phục vụ” giới tài xế tham chiến (5).
Một
kỹ sư xây dựng tên là Huy Đoàn nhờ tờ Người Lao Động chuyển cho Tổng cục Đường
bộ của Bộ Giao thông – Vận tải Việt Nam mười câu hỏi mà đọc xong, người ta
không cần câu trả lời người ta vẫn hiểu: Tại sao đến tháng 4 năm 2014 Công ty Đầu
tư Quốc lộ 1 Tiền Giang mới thành lập trong khi công trình đường tránh Cai Lậy
đã khởi công trước đó hai tháng? Công ty này có sẵn vốn không hay đi vay ngân
hàng 100% và nếu đúng như thế thì tại sao lại chọn làm nhà đầu tư? Tại sao Cai
Lậy chưa bao giờ là điểm nóng về giao thông (kẹt xe), chưa kể có sẵn hai huyện
lộ để giải tỏa lượng xe bị kẹt mà vẫn cho làm đường tránh để thu phí? Tại sao
26,5 cây số mặt đường và 14 cây cầu trên quốc lộ 1 vẫn còn tốt mà Tổng cục Đường
bộ lại chấp nhận cho nhà đầu tư gia cố, sửa chữa để nhà đầu tư lấy đó làm lý do
đặt trạm thu phí ngay trên Quốc lộ 1, buộc tất cả xe cộ qua lại phải trả phí dù
có dùng đường tránh Cai Lậy hay không? Tại sao Bộ Giao thông – Vận tải đã duyệt
dự án nối dài cao tốc Trung Lương – Sài Gòn mà vẫn cho phép làm thêm dự án đường
tránh Cai Lậy? Bộ Giao thông – Vận tải căn cứ vào đâu để phê duyệt mức phí và thời gian Công ty Đầu tư
Quốc lộ 1 Tiền Giang được phép thu phí?.. (6)
Không
khí sôi động ấy đã lôi kéo truyền thông nhập cuộc. Tờ Lao Động gọi việc Trạm
Thu phí Cai Lậy “thất thủ” (phải tạm ngưng thu phí để quốc lộ 1 không bị nghẽn)
là “thất thủ trước lòng dân” (7). Tờ Người Lao Động
loan báo, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang khai rằng đã chi 1.000 tỉ đồng để
làm 12 cây số và 7 cây cầu cho đường tránh Cai Lậy nhưng vào lúc này, trên đường tránh Cai Lậy chỉ có 5 cây cầu (8).
Báo điện tử Nhà Quản lý cho biết, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chỉ là
“bình phong”, chủ đầu tư thật sự của dự án đường tránh Cai Lậy là Công ty Đầu
tư Xây dựng Bắc Ái, có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty Đầu tư Thương mại
Xây dựng giao thông 1 (TRICO), có trụ sở tại Hà Nội (9). Nếu ở
Vĩnh Phúc, Bắc Ái nổi tiếng vì khai thác khoáng sản không cần giấy phép mà chẳng ai làm gì được (10) thì
trên toàn Việt Nam TRICO lừng lẫy do được chọn làm chủ đầu tư hàng chục công
trình giao thông theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao).
***
Trong
mười năm vừa qua, các trạm thu phí cầu đường thi nhau mọc lên như nấm trên khắp
Việt Nam khiến dân chúng điêu đứng: Phí vận tải tăng làm vật giá tăng vọt. Do
chỉ trích và các hoạt động phản kháng của dân chúng đối với các trạm thu phí
càng ngày càng dữ dội, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu cơ quan Kiểm toán Việt Nam
xem lại một số dự án cầu đường do các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức BOT
để thu phí.
Tháng
2 năm nay, Kiểm toán Việt Nam cho biết, chỉ kiểm tra 27 dự án cầu đường được thực
hiện theo hình thức BOT đã phát giác, dự án nào cũng được phép thu phí dài hơn
mức cần thiết. Tổng thời gian mà theo Kiểm toán Việt Nam tính toán và đề nghị cắt
bỏ, không cho các chủ đầu tư thu phí cộng lại chừng… 100 năm. Đáng nói là theo
Kiểm toán Việt Nam, những dự án cầu đường mà họ đã kiểm toán đều là chỉ định
nhà thầu chứ không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. Bởi vậy, các yếu tố để
quyết định thời gian mà chủ đầu tư được phép thu phí như: Tỉ lệ vốn của chủ đầu
tư, tỉ lệ vốn đi vay, lãi suất đối với vốn đi vay, chi phí quản lý, lợi nhuận,…
đều mập mờ và không hợp lý. Sự mập mờ và không hợp lý còn thể hiện ở chỗ nhiều
trạm thu phí cầu đường được đặt bên ngoài dự án, thành ra không sử dụng cầu đường,
các loại phương tiện vẫn bị buộc phải trả phí. Đa số dự án cầu đường mà cơ quan
Kiểm toán Việt Nam đã kiểm tra đều buộc các loại phương tiện trả chung một mức
phí, bất kể những phương tiện đó di chuyển trên công trình cầu đường dài hay ngắn.
Chưa
kể Kiểm toán Việt Nam còn phát giác có sự nhập nhằng về bản chất của các dự án
đầu tư cầu đường để thu phí. Nhiều dự án trong số những dự án mà họ đã kiểm tra
chỉ là “cải tạo, nâng cấp” chứ không phải “làm mới” theo đúng tinh thần BOT.
Cũng vì vậy, dân chúng bị tước mất cơ hội lựa chọn, sử dụng hệ thống giao
thông miễn phí (11).
Theo
kết quả kiểm tra đã kể thì không chỉ chính quyền các tỉnh phải chịu trách nhiệm
do chỉ định thầu, mặc kệ chủ đầu tư muốn dựng trạm thu phí ở đâu cũng được mà Bộ
Giao thông - Vận tải cũng đáng ngờ do nhắm mắt phê duyệt các dự án đầu tư cầu
đường, đánh đồng “cải tạo, nâng cấp” với “làm mới”, không đặt định cách thức kiểm
soát lưu lượng phương tiện qua các công trình cầu đường, doanh thu thực của các
dự án đầu tư. Bộ Tài chính bị xem là chưa làm tròn trách nhiệm do không quy định
về lợi nhuận của chủ đầu tư đối với trường hợp chỉ định thầu, không hướng dẫn về
mức phí sao cho phù hợp với đặc điểm dự án, đặc điểm khu vực có dự án đầu tư. Bộ
Kế hoạch - Đầu tư quá chậm chạp, không có bất kỳ đề nghị nào về việc ban hành
các qui định về đầu tư theo hình thức BOT...
Nhiều
người từng nêu thắc mắc, thực trạng mà Kiểm toán Việt Nam mô tả, dứt khoát do một
trong hai nguyên nhân, hoặc các viên chức hữu trách từ địa phương đến trung
ương nhắm mắt và ngậm miệng ăn tiền của nhà đầu tư. Hoặc là quá kém. Do nguyên
nhân nào thì cũng phải xử lý tới nơi, tới chốn nhưng tại sao lại không có ai bị
gì cả?
Riêng
với Trạm Thu phí Cai Lậy, tin mới nhất cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải, chính
quyền tỉnh Tiền Giang và Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang vừa quyết định, vẫn
giữ Trạm Thu phí Cai Lậy, chỉ miễn phí cho một số phương tiện, giảm phí cho các loại
phương tiện khác (12). Không có cơ quan hay cá nhân nào thèm trả
lời những thắc mắc mà truyền thông và dân chúng nêu ra quanh dự án đường tránh
Cai Lậy.
Đó
cũng là lý do facebooker Binh Nguyên gọi cuộc gặp gỡ ba bên vừa kể là “hội nghị
ma cà rồng”, kéo dài thời gian hút máu từ 7 năm thành 13 năm (13).
Trên trang facebook Cộng đồng Long An, nhiều facebooker khẳng định, chẳng có ai
xin giảm phí, mọi người muốn dẹp Trạm Thu phí Cai Lậy, nhà đầu tư phải đưa trạm
thu phí này vào đúng chỗ của nó là đường tránh Cai Lậy, nếu không, mọi người phải chuẩn bị tiền lẻ để tiếp tục cuộc
chiến (14).
Cuộc
chiến vẫn còn tiếp diễn. Những hành động phản kháng ôn hòa, hợp pháp có thể
không chỉ ở Cai Lậy mà còn diễn ra tại nhiều nơi khác. Có thể không chỉ trong
lĩnh vực giao thông mà còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác khi càng ngày càng
nhiều người hiểu ra, họ chẳng còn lựa chọn nào khác.
No comments:
Post a Comment