Saturday, 19 August 2017

CHUYỆN THÔNG TIN (Nguyễn Thông)




Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Tuần trước (đầu tháng 8) tôi tình cờ đọc bài rất hay của bác Vũ Thư Hiên trên trang phây búc (Facebook) nhà bác. Bác Hiên là con trai cụ Vũ Đình Huỳnh, mà cụ Huỳnh là bí thư, trợ lý thân cận của cụ Hồ những năm sau cách mạng tháng 8.1945. Năm 1967-1968, ông Sáu Búa Lê Đức Thọ khi ấy là Trưởng ban Tổ chức trung ương (chức này quyền hành chỉ kém Bí thư thứ nhất, tức Tổng bí thư sau này) đã liên minh với ông Lê Duẩn triệt hạ tất cả những người không ăn cánh với hai ông, đồng thời triệt luôn những ai có tư duy đổi mới. Hai ông Lê gọi đó là đám xét lại, theo đuôi Khơ rút sốp (Khrushchev) Liên Xô và Tito Nam Tư để phá chủ nghĩa xã hội. Cụ Huỳnh và ông Hiên con trai cụ đều bị bắt, giam cầm nhiều năm, đến khi được thả ra vẫn mất hết quyền lợi chính trị, oan sai không được tháo cởi, cha thì ôm mối hận nghìn thu xuống mồ, con thì phải lưu vong xứ người suốt từ khi ra khỏi tù tới nay. Thân thiết gần gũi với cụ Hồ như thế, họ cuối cùng vẫn không thoát khỏi lao tù của chính những đồng chí đã một thời đồng cam cộng khổ với mình.

Trong bài viết, ông Vũ Thư Hiên có nhắc đến cụ Nguyễn Hữu Đang. Thế hệ những người đến nay đã ngoài 60 tuổi trở lên không mấy ai không biết tên tuổi cụ Nguyễn Hữu Đang. Cụ là một nhà cách mạng đúng nghĩa, một nhà văn hóa lừng lẫy, một trí thức nhân cách đáng kính. Chính cụ Đang là tổng công trình sư của lễ độc lập - quốc khánh ngày 2.9.1945. Cụ Hồ đã đích thân giao chức trưởng ban tổ chức lễ độc lập cho cụ Đang, chỉ trong 2 ngày cụ Đang đã lo liệu ngon lành, trôi chảy. Điều đó cho thấy tài tổ chức của một con người. Nhưng người tài thường bị ganh ghét, chữ tài liền với chữ tai một vần, nhất là với những người bản lĩnh, cương trực, không chịu xu nịnh, không chấp nhận bán linh hồn cho quỷ. Đám các ông Lê Duẩn - Lê Đức Thọ - Trường Chinh - Tố Hữu vu cho cụ Đang cùng với các ông Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi cầm đầu nhóm Nhân văn-Giai phẩm, là gián điệp, phản động, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Cụ Đang bị kết án 15 năm tù, thuộc diện nặng án nhất trong vụ này. Khi các ông Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn bị vu cho tội xét lại chống đảng, bị bắt giam và đi tù, đày lên trại giam vùng sơn cước heo hút Hà Giang thì ông Đang đã có thâm niên tù nơi đó gần chục năm rồi. Mãi năm 1973 ông Đang mới được thả, rồi bị quản thúc nơi quê nhà Thái Bình gần 20 năm nữa, bị cấm đi khỏi nơi cư trú, ai đến thăm cũng bị theo dõi chặt chẽ. Nhà văn Phùng Quán đã có bài rất xúc động kể về những ngày không tù mà như tù của ông Đang ở Thái Bình, bị hành hạ khổ như con vật, thậm chí con vật cũng không khổ bằng.

Về cụ Đang, tôi chỉ biết rằng, hồi năm 1975 khi chúng tôi học đại học năm áp cuối có được nghe thầy Phan Ngọc (cũng bị quy tham gia nhóm Nhân văn-Giai phẩm) làm ở Phòng tư liệu Khoa văn (cả hai thầy Phan Ngọc và Cao Xuân Hạo đều bị hạ phóng, chỉ được làm ở phòng tư liệu chứ không được dạy, chắc các bạn K17 còn nhớ) kể rằng suốt gần 14 năm lao tù ông Đang bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài. Không hề có một tí thông tin nào lọt vào cánh cổng sắt nhọn và hàng rào dây thép gai của “trại cải tạo” (thực chất là nhà tù) Đồng Văn. Mọi diễn biến của thế giới bên ngoài, dù trong nước hay quốc tế chỉ là con số 0. Người tù không được đọc báo, nghe đài, không được phổ biến tin tức thời sự. Có lẽ đó cũng là cách trừng trị, đày ải của nhà cầm quyền đối với những kẻ bướng bỉnh, bất tuân phục. Sống mà không biết gì ngoài lao động khổ sai giữa vùng núi đá trập trùng, ngoài hai bữa ăn trong ngày, sống thế thì cũng như chết. Thầy Phan Ngọc kể ghê nhất là ông Đang khi được thả ra năm 1973 ông vẫn không hề biết là máy bay Mỹ đã ném bom miền bắc, chiến tranh phá hoại của Mỹ đã diễn ra gần chục năm trời (từ năm 1964-1973). Đọc truyện Tam quốc của Tàu thấy quân Tào trước khi tiêu diệt 70 vạn quân Viên Thiệu trong trận Quan Độ đã bít hết mọi thông tin về các trận trước đó khiến Viên Thiệu không biết đâu mà lần, cứ chủ quan rồi thất bại. Nhưng bưng bít thông tin như trại Hà Giang thì đám Tào Tháo thời Tam quốc cũng phải gọi cộng sản bằng cụ.

Tôi vào Sài Gòn đầu năm 1977. Chỉ gần 2 năm sau ngày 30.4.1975, cuộc sống bị đẩy đến chân tường. Ngày càng có nhiều người trốn ách chế độ mới bỏ nước ra đi, nhà chức trách gọi là “vượt biên”. Lúc ấy người ta bảo nhau nếu cây cột đèn có chân thì nó cũng đi (tôi sẽ có bài ký ức riêng về tình trạng bi kịch này). Mãi tới năm 1983 hoặc 1984 chi đó, tôi mới được nghe kể lại vụ chìm tàu kinh hoàng của người vượt biên ngay khu vực bến phà Cát Lái năm 1979. Những người vượt biên đóng vàng nộp cho công an và chủ tàu, xuống tàu chạy được một đoạn trên sông thì chìm, gần 250 người chết thảm, mấy ngày mới vớt hết xác lên bờ. Phà Cát Lái thuộc địa phận huyện Thủ Đức (chỗ quận 2 bây giờ) nếu theo đường chim bay tới trường tôi cũng chỉ chục cây số. Thế mà dân chúng thành phố, kể cả đám giáo viên chúng tôi, gần như không ai biết một vụ động trời như vậy. Suốt bao nhiêu năm ròng. Họ đã giấu biệt thông tin bi thảm, không để ảnh hưởng đến hình ảnh cuộc sống mới mà họ ca ngợi là tốt đẹp, và nhất là để những ai đang có ý định vượt biên nửa hợp pháp tiếp tục nộp tiền vàng cho họ. Giờ nghĩ lại thấy kinh thật. Hàng trăm người chết xảy ra sát nách mình mà mình không biết.

Sự cấm đoán thông tin cũng dẫn tới tình trạng tin đồn, tin nửa hư nửa thực, nửa kín nửa hở, tin thất thiệt. Không chỉ người dân lương thiện mà ngay cả nhà cai trị nhiều khi cũng vất vả khốn khổ với tin đồn. Khi thì tin đổi tiền, tin máy bay rơi, tin bắt trẻ em mổ lấy nội tạng, tin ông này ông kia bị ung thư bị chết, v.v.. Lưỡi dao mà nhà cai trị đưa ra có lúc lại cứa ngay vào chính tay họ.

Nhà cai trị luôn chủ trương độc quyền thông tin. Có độc quyền thì mới ban phát, định hướng, ép buộc được. Có độc quyền mới tạo ra những vùng cấm để từ đó dễ bề cai trị, trừng trị. Bề ngoài thì có vẻ cởi mở, thông thoáng nhưng thực chất gần 1.000 cơ quan báo chí, truyền thông cũng chỉ nói, viết, phát theo sự múa may của một cây đũa chỉ huy. Sự đi xuống, nghèo nàn, nhạt nhẽo của báo chí chính thống là điều không tránh khỏi. Ngày xưa người dân không có nguồn thông tin nào khác nên phải tìm đến báo chí của công quyền, nay thì họ được sự hỗ trợ của internet nên không bị lệ thuộc nữa. Chính internet và mạng xã hội đã tạo bước đột phá để con người khỏi phải mò mẫm trong thế giới thông tin. Internet là cuộc cách mạng vĩ đại giúp con người ngẩng cao đầu, thoát khỏi sự kìm kẹp, cấm đoán, bưng bít của nhà tù vô hình. Đó là tự do.

Nguyễn Thông
Được đăng bởi Nguyễn Thông vào lúc 22:19:00 

*
*
Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Trong bài trước, tôi có kể rằng suốt bao nhiêu năm (thập niên 60 - 70) ở miền Bắc thế hệ chúng tôi muốn biết thế giới xung quanh diễn ra làm sao chỉ có kênh thông tin duy nhất là đài phát thanh của nhà nước. Dân chúng nghe đài, mỗi ngày họ phát 3 buổi: đầu sáng, giữa trưa, chiều muộn và tối. Ngoài tin thời sự “ta thắng địch thua” thì được nghe ca nhạc, hát chèo, nghe các chương trình đọc truyện đêm khuya, kể chuyện cảnh giác, buổi trưa thường có dạy hát kiểu “rế móc đơn, si móc kép, dấu nặng đen, gạch nhịp”… Nhu cầu thông tin của dân chúng nói chung cũng đơn giản, chả cần biết nhiều làm gì cho mệt đầu. Hôm nào có sự gì đặc biệt thì tập trung ở sân ủy ban hoặc sân kho hợp tác xã để nghe đọc báo, nghe cán bộ huyện về phổ biến nội dung này nọ. Cũng chủ yếu đám thanh niên tới nghe, còn trẻ con thì đến vui đùa bởi thường đốt đèn măng xông sáng lắm, chứ nông dân lớn tuổi như thày bu tôi chả mấy khi dự bởi buổi tối vẫn đầy việc, xay thóc giã gạo, nấu cám lợn, vò lúa, rửa khoai…

Tôi lại nhớ tối 3.9.1969 ông Quảng chủ nhiệm HTX nông nghiệp (là bố của ông Thiếu chủ tịch xã Thụy Hương quê tôi bây giờ) nhắc các đội trưởng sản xuất tập trung hết cả dân chúng tới sân hợp tác nghe phổ biến thời sự. Nhà tôi ngay sát sân kho nên tôi cũng ra nghe. Ông cán bộ huyện thông báo rằng Bác Hồ đang bị ốm nặng, bà con nên bình tĩnh, bác đang chữa ở bệnh viện Việt Xô có nhiều bác sĩ Liên Xô tài giỏi sang chữa, thế nào cũng khỏi. Ông còn nhắc đi nhắc lại Bác chỉ ốm thôi, trung ương đã khẳng định như vậy. Ai dè, sáng hôm sau, ngày 4.9, mới sáng sớm cái loa kim trên tường đã đọc bản tin đặc biệt thông báo vị lãnh tụ kính yêu từ trần lúc 9 giờ 47 phút ngày 3.9. Nhiều người khóc rưng rức. Hóa ra ông cán bộ huyện kia cũng không biết cụ đã mất, hay là ông ấy nói dối mình. Về sau thì lại tá hỏa, có tin xì xào rằng cụ mất từ hôm 2.9 kia, ngay ngày quốc khánh. Vậy ông cán bộ huyện cũng bị lừa chứ không phải chỉ đám dân cổ cày vai bừa. Sự thực ấy phải mấy chục năm sau chính quyền mới thừa nhận. Họ thông tin, họ nói dối như thật, nhưng dám dối cả ngày mất của cụ Hồ thì không thể nào hiểu nổi.

Hồi đó, đi đâu cũng thấy người ta kẻ lên tường những câu khẩu hiệu nhắc nhở dân chúng rèn luyện lập trường cách mạng, cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù. Tôi nhớ trên ngay bức tường chính nhà HTX mua bán, anh Hạ (anh họ tôi, bị gù lưng nhưng rất khéo tay, viết chữ rất đẹp, vẽ giỏi) đã nắn nót câu khẩu hiệu thơ rõ to: “Nghe đài đọc báo của ta/Đừng nghe đài địch bàn ra tán vào/Tin đài tin báo của ta/Đừng nghe tin địch ba hoa nói càn”. Tôi đứng xem anh kẻ chữ, hỏi anh thôn Trà Phương mình có ai nghe đài địch đâu, làm gì nhà nào có đài mà nghe, anh Hạ cười bảo thì cứ viết thế.

Thực ra cũng vài người sắm được đài (radio hồi ấy gọi là đài), là mấy vị đi thoát ly làm ăn ngoài Phòng (Hải Phòng) hoặc cán bộ xã. Ông Ngân cán bộ Ban Tổ chức chính quyền thành phố có hẳn cái đài Orionton của Hungary to bằng nửa vỏ thùng bia bây giờ, còn ông Tế anh họ tôi làm Phó chủ nhiệm HTX có cái đài Xianmao Trung Quốc, mấy nhà xóm trong làm ăn khá giả về sau cũng sắm được đài. Chủ yếu cho nó oách chứ có nghe mấy. Thấy bảo ở trên huyện có những ông đi làm đeo hẳn chiếc Orionton nặng xệch cả người. Nhiều khi sắm được đài nhưng không có pin nên chỉ làm cảnh. Pin là thứ hàng phân phối cho cán bộ, còn dân chúng muốn mua pin để lắp đèn pin chiếu sáng phải mua ngoài chợ đen, giá tới 3 đồng/cặp (giá phân phối chỉ có 5 hào/cục). Hồi ấy rặt pin đại loại nhãn hiệu Con thỏ của nhà máy pin Văn Điển, vỏ giấy, mau hết pin; pin của Trung Quốc hiếm lắm, vỏ kim loại, xài rất bền, chỉ cán bộ to mới mua được. Ông bà nào chẳng may mua phải cái đài dùng pin trung thì coi như cấm khẩu bởi gần như không có loại pin đó. Công nhận thời ấy hàng Trung Quốc cực kỳ tốt, bền, đẹp, chẳng hạn xe đạp Phượng Hoàng hoặc Vĩnh Cửu, bút máy Kim Tinh, bát tráng men, đồng hồ con gà mái mổ thóc, phích nước Trường Giang, vải ka ki Tô Châu. Tôi hồi sinh viên có cái bát sắt tráng men Thượng Hải dùng suốt mấy năm mà chả sứt mẻ gì, có lần sẩy tay rơi từ tầng 3 nhà C2 ký túc xá Mễ Trì xuống đất, vội chạy xuống nhặt lên thấy vẫn y nguyên, khiếp thật. Còn cái quần bộ đội vải ka ki Tô Châu ông anh tôi đi bộ đội, lúc vào Nam năm 1970 để lại cho thằng em, tôi mặc mãi tới cuối năm 1973 mới rách, màu chưa phai.

Đài địch mà nhà nước cấm nghe là đài BBC, đài Gươm thiêng ái quốc, đài Hoa Kỳ. Ông nào nghe đài địch mà bị phát hiện thì kể như toi đời. Chỉ có quân phản động mới nghe đài địch. Nhiều ông nghiện quá chịu không nổi, tới giờ đài BBC tiếng Việt phát phải chui vào chăn nghe, chỉ dám mở lí nhí, nhờ con cháu trông chừng nếu có ai tới thì dặng hắng vài tiếng làm hiệu. Chính quyền cấm gắt gao lắm bởi mấy đài đó thường phát tin tức về đánh nhau ở miền Nam, bộ đội bị chết bị thương ra sao, chiến trường khốc liệt thế nào. Đài Gươm thiêng ái quốc tối nào cũng phát chương trình “Sinh Bắc tử Nam” liệt kê tên tuổi, quê quán bộ đội miền Bắc bị chết trận, chết ngày nào, trận nào, chôn ở đâu… Dân chúng mà nghe mấy đài ấy dễ mất tinh thần, mất lập trường cách mạng, rồi lấy ai vào Nam chiến đấu. Phải cấm tiệt. (còn tiếp)

Nguyễn Thông
Được đăng bởi Nguyễn Thông vào lúc 08:34:00 

*
*
Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

Chiều 21.7 tôi đọc cái tin công an đang “truy lùng” ai là người đã đưa tin “thất thiệt” máy bay rơi ở sân bay Nội Bài. Nếu tin này xảy ra cách nay vài chục năm thì cộng đồng xã hội sẽ tin sái cổ, nhưng bây giờ thì không thế. Chả ai tin, bởi đó là tin thất thiệt. Tại sao? Đơn giản là bây giờ những vụ việc nghiêm trọng như vậy chả thể nào giấu được. Xã hội lúc này trăm tay nghìn mắt, chuyện nhỏ như con kiến vừa xảy ra nơi thôn cùng xóm vắng cũng được lan truyền tức thì, huống hồ cái máy bay rơi ngay địa phận thủ đô. Loại tin như trên người ta gọi là tin đồn nhảm, tin vịt. Chỉ những kẻ khờ khạo mới tin. Công an mà bắt được đương sự, cứ buộc nó ngồi trong phòng kín vẽ 1 tỉ con vịt rồi hẵng thả, cho chừa.

Nhưng con người sống trên đời cần có thông tin. Tuyên ngôn độc lập của những nước văn minh như nước Mỹ, nước Pháp (hai đế quốc to mà nhà cai trị xứ ta đã nói rằng ta có vinh dự đánh cho cả hai bị bại) cũng như tuyên ngôn độc lập xứ này đều khẳng định “con người ta sinh ra có quyền tự do và bình đẳng”, trong các quyền ấy có quyền được thông tin và bình đẳng về thông tin. Nói lý luận vậy thôi chứ “áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam” thì nó lại khác, thậm chí ngược hoàn toàn. Viết đến đây, tôi thấy cần phải điểm lại một vài chuyện đã và đang xảy ra ở xứ này, liên quan đến thông tin.

Tôi cả đời chỉ có 2 việc chính là dạy học và làm báo. Dạy học mãi đến khi không sống nổi với đồng lương chết đói thì bung ra tìm cách thoát khỏi sống mòn, rồi đi làm báo. Mỗi chặng đời cũng đều ngót nghét 20 năm. Trong suốt gần 40 năm ấy tôi có dịp tiếp xúc với bản tin chính thống của nhà nước, bản tin Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Đây là hãng thông tấn quốc gia, số 1, chính thức của chính thức. Có những vụ việc, các báo đều nhận được chỉ đạo của cấp trên (Ban Tuyên giáo (Ban Văn hóa - Tư tưởng), Vụ Báo chí.. là chỉ được đưa tin theo bản tin của TTX. Nếu TTX không đưa thì tịt, còn đưa sao thì phải thông tin vậy, không được khác biệt. Hồi làm ở tòa soạn báo TN, bộ phận chuyên về tin tức, tôi biết rõ TTXVN chia bản tin ra làm nhiều loại, có loại mật, loại lưu hành nội bộ, hạn chế phổ biến, rồi mới tới những bản tin thường (trong giới gọi là tin xanh tin đỏ tin vàng, theo màu của bản tin). Có loại chỉ dành cho cán bộ cấp cao, loại thì cán bộ cấp vừa, loại cho báo chí, loại phổ biến cho dân chúng. Ngày ấy có những vị quan chức thích ra vẻ ta đây, chứng minh mình thuộc đẳng cấp cao, thỉnh thoảng “vô tình” hé lộ ra những bản tin mật, lưu hành nội bộ. Những bản tin quý hiếm, bí mật ấy thời đó đúng là thứ ghê gớm, nhưng bây giờ thì nó phải gọi những thông tin trên Facebook bằng cụ.

Bộ máy cai trị hiểu rất rõ về sự lợi hai của thông tin nên họ chủ trương bưng bít thông tin, hạn chế thông tin, phân cấp thông tin. Cái gọi là quyền bình đẳng chẳng qua chỉ là thứ bánh vẽ, trưng ra cho đẹp thế thôi, chứ làm gì có bình đẳng. Mấy ông trung ương, những ông bà cán bộ to to được TTXVN cung cấp hằng ngày những thông tin đủ kiểu, nhưng đại đa số dân chúng chỉ được ăn thứ thông tin thải, thông tin thừa, thông tin bị bóp méo hoặc vo tròn theo chủ ý, bởi bàn tay nhà cai trị. Vô lý nhất là chính dân chúng phải lao động, đóng thuế để nuôi cái bộ máy, cái cơ quan đối xử phân biệt quyền thông tin ấy, nuôi những kẻ tự cho mình cái quyền hưởng thụ thông tin bậc cao ấy.

Với dân chúng, suốt bao nhiêu năm, nguồn thông tin duy nhất là đài phát thanh của nhà nước (Đài tiếng nói Việt Nam) bởi báo cũng chủ yếu chỉ dành cho cán bộ, cơ quan nhà nước. Báo Nhân Dân, báo Quân đội, báo của đảng bộ các địa phương được phát đến từng cơ quan, từng cán bộ to, họ không phải bỏ tiền mua bởi tiền chi phí cũng lấy từ ngân sách. Dân chỉ có quyền đóng tiền mua báo cho cán bộ chứ không có quyền đọc. Mà cũng may cho đám dân đen, đọc lắm thứ báo chí ấy vào lại không mụ mị cả người, biết bao giờ mới tỉnh.

Vậy thì chỉ còn cách nghe đài. Không nghe đài thì mù tịt, mà nghe đài lại chỉ biết thông tin một chiều, kiểu ta thắng địch thua, xuân đã đến rồi hối hả tương lai, đời vui đó tiếng ca đoàn kết… Nghe mãi phát chán, lòng tin cạn dần. Hồi bé tôi có nghe chuyện cụ Thấn ở làng tôi, cụ thái mấy thúng khoai lang để sáng mai phơi vì buổi tối nghe đài dự báo thời tiết rằng sáng hôm sau sẽ nắng to, nhưng hóa ra mưa rào, mưa suốt ngày, khoai đã thái không phơi được bị ủng, thối. Cụ ra giữa sân chửi cái đài ngày nào cũng bắt cụ nghe những tin một chiều, cả cái bản tin thời tiết cũng sai, cụ mắng “cha bố mày, từ nay ông không thèm nghe, thèm tin mày nữa, ông chỉ còn tin mỗi cái tút tút thôi” (tút tút là tín hiệu báo giờ lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ tối, khi báo giờ thì phát ra 5 âm tút, 1 âm tít kéo dài).

Nhưng không tin đài, không tin vào thông tin nhà nước dạng như vậy chỉ là những cớ nhẹ. Thực tế thì nghiêm trọng hơn nhiều. (còn tiếp) 

Nguyễn Thông
Được đăng bởi Nguyễn Thông vào lúc 21:18:00 






No comments:

Post a Comment

View My Stats