Ngô Nhân Dụng
August 18, 2017
Tổng thống, Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện bảo đảm cho
nền dân chủ ở nước Mỹ bền vững trong hơn hai thế kỷ qua. Nhưng nếu một quốc gia
khác phỏng theo chế độ Tam Quyền phân lập của Mỹ khi thiết định chế độ tự do
dân chủ thì có thể đạt được kết quả tương tự hay không?
Không chắc chắn. Vì trong xã hội Mỹ còn một “thế lực”
ảnh hưởng mạnh trong đời sống chính trị: Ðó là dư luận.
Dư luận không chỉ do các cơ quan truyền thông tạo
ra. Còn những nguồn dư luận mạnh không kém, khi lên tiếng sẽ được các báo, đài
loan tin và làm thay đổi cách suy nghĩ và hành động của dân Mỹ, do đó cũng ảnh
hưởng trên các nhà chính trị: Các tôn giáo, tổ chức nghề nghiệp, các đại học,
công đoàn, và nhất là các doanh nghiệp.
Sau vụ bạo động ở Charlottesville làm chết một phụ nữ,
Tổng Thống Donald Trump đã không lên án những nhóm đề cao “da trắng thượng đẳng”
(white supremacist) khiến nhiều người lên tiếng phản đối. Trong đó có hầu hết
các dân biểu và nghị sĩ thuộc giới lãnh đạo Cộng Hòa cũng như Dân Chủ. Hai vị tổng
thống Cộng Hòa, H.W. Bush và W. Bush, đã gián tiếp chỉ trích thái độ lấp lửng của
đương kim tổng thống cùng đảng khi họ đưa ra những lời tuyên bố kết án các hành
vi kỳ thị chủng tộc ngay sau khi ông Trump lờ đi không nói đến vấn đề đó. Thượng
Nghị Sĩ John McCain nói công khai: “Nhóm da trắng thượng đẳng không phải là những
người yêu nước (như họ tự xưng), họ là những kẻ phản bội!” Và ông McCain khẳng
định: “Chúng ta phải đoàn kết ngăn chặn óc kỳ thị và đề cao chủng tộc.” Bốn vị
tướng lãnh, chỉ huy Hải Quân, Lục Quân, Thủy Quân Lục Chiến, và Không Quân,
cũng như lực lượng Vệ Binh Quốc Gia đều công bố ý kiến của họ chống óc kỳ thị
và xác nhận trong hàng ngũ quân đội mà họ chỉ huy mọi chủng tộc đều bình đẳng.
Những vị này đã làm đúng trách nhiệm của họ. Hai ông tổng thống Bush muốn xác nhận
lập trường của đảng Cộng Hòa trước các nhóm Tân Phát Xít, KKK, da trắng thượng
đẳng, quốc gia của người trắng, vân vân. Các vị tướng lãnh cần phải trấn an cho
binh sĩ dưới quyền an tâm quân đội là một môi trường bình đẳng.
Nhưng khi giới kinh cũng lên án thái độ mập mờ của Tổng
Thống Trump thì phản ứng của họ có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Người đầu
tiên công bố rút ra khỏi một hội đồng tư vấn chính sách kinh tế của Tổng Thống
Trump là Kenneth Frazier, tổng giám đốc công ty dược phẩm Merck. Hành động của
ông Frazier có thể làm công ty Merck thiệt hại vì chính phủ Mỹ nắm quyền đặt
các quy luật về dược phẩm và cũng là một khách hàng mua thuốc men lớn nhất! Tổng
Thống Trump đã phản ứng ngay, chế nhạo rằng ông Frazier rút lui để quay về tăng
giá thuốc! Nhưng ngay sau đó, giá cổ phần của công ty Merck đã tăng lên! Rồi
nhiều nhà kinh doanh lớn nhất nước Mỹ ở trong cùng hội đồng tư vấn với ông
Frazier cũng tuyên bố rút lui. Họ đều nêu lý do vì không đồng ý với thái độ của
ông tổng thống trước việc bạo hành của nhóm da trắng thượng đẳng tại
Charlottesville. Các doanh nhân khác, trong một hội đồng tư vấn thứ hai đã họp
và thảo luận qua điện thoại, và đồng ý với nhau rút lui tập thể. Ông Trump biết
tin, đã tuyên bố giải tán cả hai hội đồng này!
Các nhà kinh doanh xưa nay bao giờ cũng là những người
rất bảo thủ, thận trọng, và tránh mọi thứ rủi ro. Tại sao bây giờ họ lại bày tỏ
thái độ trước một vấn đề chính trị sôi bỏng như vậy?
Bởi vì vụ giết người ở Charlottesville không phải chỉ
là một biến cố chính trị. Ðó là một vấn đề lương tâm trước hơn 300 triệu dân Mỹ.
Câu hỏi căn bản là: Có thể chấp nhận những ý kiến
nói rằng chủng tộc da trắng ưu việt hơn các màu da khác, rằng người da đen, da
màu đều thấp kém, rằng nước Mỹ là của riêng người da trắng, hay không? Ðại đa số
người Mỹ đều trả lời: Không! Những nhóm kỳ thị chủng tộc đều lẻ loi, thưa thớt,
chưa bao giờ gom lại được tới ngàn người.
Kỳ thị chủng tộc là một vấn đề lương tâm đè nặng xã
hội Mỹ trong gần hai thế kỷ qua, trước khi xảy ra cuộc nội chiến mà nguyên do
chính yếu là các tiểu bang phía Bắc xóa bỏ chế độ nô lệ, còn đa số ở phía Nam
chống lại.
Xã hội Mỹ đã thay đổi trong một thế kỷ qua. Người Mỹ
da trắng đã thay đổi thái độ. Quyền bình đẳng của người da đen, và các nhóm da
màu khác, đã được ghi trong nhiều đạo luật liên bang. Dân Mỹ đã bầu một vị tổng
thống da đen, hai lần. Các nhà kinh doanh biết như vậy, và chọn thái độ phù hợp
với đa số. Ðó là cách tốt nhất để đạt được mục đích: sinh lợi!
Ngay tại các tiểu bang miền Nam, nhiều cửa hàng,
quán ăn đã thấy khi họ mở cửa đón nhận các khách hàng da đen thì số thu và lợi
nhuận tăng lên! Hơn nữa, giới kinh doanh cũng trải qua kinh nghiệm nếu họ kỳ thị
người da màu thì sẽ bị dư luận và khách hàng trừng phạt!
Giới kinh doanh không chỉ bén nhạy riêng trong vấn đề
màu da, mà còn phản ứng phù hợp với dư luận chung trong nước Mỹ. Một thí dụ là
vấn đề bảo vệ bầu khí quyển và môi trường sống. Khi Tổng Thống Trump rút khỏi
Thỏa Hiệp Paris Về Khí Hậu, hai người đứng đầu các đại công ty đã rút ra khỏi một
hộ đồng tư vấn của Tòa Bạch Ốc: Bob Iger của công ty Disney và Elon Musk từ
công ty Tesla.
Trong các vấn đề tế nhị như hôn nhân đồng tính và những
người đổi giống, dư luận nước Mỹ cũng trở nên bao dung và chấp nhận họ nhiều
hơn. Trong tuần rồi, Quốc Hội Texas đã bác bỏ một dự luật hạn chế quyền của những
người đổi giống không được dùng nhà vệ sinh công cộng của phái nam hoặc nữ. Hơn
700 công ty, xí nghiệp và các tổ chức thương mại ở Texas đã đồng thanh phản đối
dự luật này và họ đã thành công! Chỉ trong một vấn đề nhỏ là nhà vệ sinh, giới
doanh thương cũng thấy nếu làm luật có tính cách kỳ thị giới tính thì sẽ “có hại
cho kinh tế của tiểu bang!”
Trước những vụ Charlottesville và Thỏa Hiệp Paris,
giới kinh doanh Mỹ cũng từng bày tỏ thái độ khi lên tiếng chống các sắc lệnh hạn
chế di dân từ một số nước Hồi Giáo. Hơn 160 công ty kỹ thuật cao, trong đó có
Amazon, Facebook, Alphabet (Google) đã bày tỏ ý kiến trước tòa án, cùng phản đối
chính sách của Tổng Thống Trump; vì nước Mỹ vẫn cần nhân tài từ nước ngoài đến
làm việc, từ khắp thế giới, kể cả các nước Hồi Giáo.
Trong lịch sử Mỹ, các vị tổng thống cũng đóng vai
trò bảo vệ những giá trị tinh thần của quốc gia: Tự do, bình đẳng, thượng tôn
pháp luật, vân vân. Xưa nay các nhà lãnh đạo chính trị có thể trông cậy vào giới
trí thức, các vị lãnh đạo tôn giáo cùng góp sức bảo vệ những giá trị đó. Ít người
trông chờ giới kinh doanh đứng ra làm công việc “phi vụ lợi” này.
Tổng Thống Donald Trump là doanh nhân thành công đầu
tiên ngồi cái ghế tổng thống nước Mỹ. Nhiều người vẫn tin rằng ông là đại biểu
của giới kinh doanh, động lực của tiến bộ. Nhưng sau hơn 200 ngày tại chức, ông
đã phải giải tán hai hội đồng tư vấn gồm toàn các doanh gia mạnh nhất nước. Chắc
ông sẽ phải thay đổi cách bày tỏ thái độ qua những thông điệp tweet!
Trong số những “khách hàng trung thành nhất” đã bỏ
phiếu cho Donald Trump năm ngoái, những nhóm đề cao chủng tộc da trắng cũng chỉ
là một thiểu số. Khi ứng cử viên Donald Trump tỏ thái độ kình chống và khinh rẻ
di dân lậu gốc Mexico chẳng hạn, ông được nhiều cử tri ủng hộ. Nhờ thế ông đánh
bại các đối thủ trong đảng Cộng Hòa. Trong số “đề tử” này có những người da trắng
kỳ thị chủng tộc. Nhưng đa số những cử tri khác, họ thích ông không phải vì kỳ
thị người “da nâu,” mà vì họ nghĩ rằng mình thất nghiệp là do các di dân lậu cướp
mất việc làm!
Giới kinh doanh đóng vai trò cột trụ xây dựng đời sống
kinh tế và dẫn đầu những bước tiến bộ của nước Mỹ. Vì phải lắng nghe dư luận
khách hàng, các thân chủ, bây giờ chính họ cũng phải tham dự việc bảo vệ tinh
thần bình đẳng không phân biệt chủng tộc.
Những giá trị mới trong xã hội Mỹ được diễn tả qua
dư luận, khi công chúng lên tiếng. Tiếng nói của các giới lãnh đạo tôn giáo xưa
nay vẫn được lắng nghe; nhưng ít khi giới làm ăn xuất hiện như những người hướng
dẫn dư luận. Ngày nay tình trạng đã thay đổi, vì cuộc cách mạng thông tin khiến
cho những người tiêu thụ được biết nhiều thứ, không những biết về sản phẩm và dịch
vụ của các công ty mà còn biết cả lập trường của xí nghiệp trên các vấn đề xã hội
nữa. Giới kinh doanh chỉ phản ảnh thái độ của đa số người dân Mỹ, vì tất cả đều
là những người tiêu thụ!
No comments:
Post a Comment