Saturday 26 August 2017

BẢN TIN NGÀY 27/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trước khi ngăn chặn ngư dân đánh bắt bất hợp pháp ở nước ngoài, Chính chủ Việt Nam hãy ngăn chặn tàu Trung Quốc cướp bóc, khủng bố, đe dọa ngư dân VN đánh cá hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trong vài tuần qua, đã có hàng chục tàu đánh cá của ngư dân VN bị Trung Quốc tấn công, cướp bóc, nhưng không hề thấy Chính phủ VN mở miệng phản đối, hay bất kỳ “cơ quan chức năng” VN nào lên tiếng. Ngăn chặn ngư dân VN đánh bắt bất hợp pháp ở nước ngoài là cần thiết, nhưng điều này không quan trọng bằng Chính phủ VN ngăn tàu Trung Quốc tấn công, đuổi ngư dân VN ra khỏi lãnh hải Việt Nam.

Facebook Nguyễn Son chia sẻ clip: Tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu cá Việt Nam. Anh Nguyễn Son cho biết, khoảng 12h ngày 18/8/2017, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 18 hải lý về hướng đông nam, “một tàu cá trung quốc đâm thẳng vào tàu cá việt nam, rất may tất cả 12 thuyền viên không ai bị thương“. Mời xem clip: https://www.youtube.com/watch?v=BW_ByjgQCOw

Báo Cali Today có bài: ‘Ngư dân bám biển Hải Quân bám bờ’. “Đã rất nhiều lần, khi nước mắt người thân và ngư dân phải nuốt vào lòng, Hải Quân và cảnh sát biển Việt Nam luôn thõng tay. Nơi gió cát mặn khô vì nước mắt, người đàn bà ôm con ngóng chồng, trải mắt vô hồn vào lòng biển vẫn mãi từ chiều này sang chiều khác. Tất cả chỉ còn lại màu tang tóc của biển…

Trang Nhịp cầu Đầu tư có bài lược dịch từ trang Quartz: Ấn Độ: Nhân tố mới cho ổn định Biển Đông? Bài viết nói về sự tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ với Việt Nam để chống lại Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.

Bài báo viết: “Cả 2 phía Ấn Độ và Việt Nam có đều có thể góp phần vào việc đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển, và chia sẻ mối quan ngại về Trung Quốc… Hai nước cũng có thể có cùng một người bạn chung: nước Mỹ. Cả 3 nước đã xích lại gần nhau hơn trong vấn đề Trung Quốc“.

Trang Biển Đông có bài dịch từ bài viết của nhà nghiên cứu Biển Đông, Richard Fisher Jr: Tranh chấp trên Biển Đông: TQ mưu đồ càng nham hiểm (phần 1)  —  Phần 2  —   Phần 3.

Trong phần 3, tác giả chỉ ra rằng, Trung Quốc thường chọn đúng thời điểm Mỹ đang bận rộn đối phó với những chuyện khác để tấn công và chiếm Biển Đông: đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ chính quyền VNCH năm 1974, chờ thời điểm thuận lợi, đến năm 1988 Bắc Kinh chiếm thêm 6 đảo nhỏ và các dãy đá ngầm thuộc Trường sa và tấn công một số đảo nhỏ mà lực lượng Việt Nam đang trấn giữ. Đến năm 1995, Bắc Kinh âm thầm chiếm tiếp dãy đá ngầm Mischief.


Học giả Trung Quốc xúi đểu
Báo Pháp Luật TP có bài: Học giả TQ đề xuất Việt – Trung ‘quản lý tốt dư luận’. Buổi Toạ đàm với chủ đề “Sáng kiến Vành đai và Con đường: Cơ hội mới cho hợp tác Việt – Trung”, do Học viện Ngoại giao tổ chức hôm 25/8 tại Hà Nội, tay Lăng Đức Quyền, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề thế giới, Tân Hoa Xã cho rằng, “bất kể Trung Quốc hay Việt Nam đều muốn hai nước duy trì tình hữu nghị“. Tay học giả này còn lên giọng chỉ bảo: “Tôi nghĩ báo chí hai nước có rất nhiều tạp âm. Hai bên phải quản lý tốt dư luận của mình”.

TS Lưu Bích Hồ của Việt Nam thì cho rằng, “phần lớn các học giả Việt Nam e ngại Trung Quốc. Và “bản thân báo chí, truyền thông Trung Quốc cũng có nhiều tạp âm, mà Thời báo Hoàn cầu là một ví dụ điển hình“. Ông Lưu Bích Hồ nói với Trung Quốc, “các đồng chí phải làm thế nào trong hành động thực tế, cách cư xử trên vấn đề biển Đông, vấn đề chủ quyền và trong làm ăn kinh tế mà người Việt Nam nhận thấy là đúng, là tốt và có thể tin được…”.

Cảnh giác nhà đầu tư Việt Nam bắt tay Trung Quốc
Báo Tuổi Trẻ có bài: Xem xét đề xuất cho đối tác Trung Quốc xây sân bay Long Thành. Thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Đình Thọ cho biết, “đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khi thông qua rồi mới có cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư“.

Trước đó, ông Vũ Văn Tiền, biệt danh “Tiền còi”, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cùng Tập đoàn Năng lượng mới Dương Quang (KAIDI) của Trung Quốc đã gửi văn bản đến Thủ tướng, cho biết, muốn xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) “hiện đại và văn minh mà giá thấp“.

Chính cái bẫy “giá thấp” này của Trung Quốc đã làm cho Việt Nam điêu đứng vì thật ra sau đó bị đội giá lên rất cao, đã xảy ra ở nhiều dự án lớn, như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đến nỗi có trường hợp được gọi là nhà thầu siêu bê bối. Nhờ làm ăn với Trung Quốc mới có “hoa hồng” bỏ túi riêng, cho nên dù biết giá trên trời, nhưng phía Việt Nam vẫn để cho Trung Quốc trúng thầu, hết dự án này tới dự án khác.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu cho biết, ngày 15-1-2016, ở Hong Kong xuất hiện một doanh nghiệp có tên Hong Kong United Investors Holding (HUI). “Đúng 7 tháng sau, 15-8-2016, HUI có mặt tại Việt Nam trụ sở đặt tại toà nhà 36 Hoàng Cầu (Hà Nội) với tên gọi Công ty TNHH MTV Hong Kong United Investors Holding Việt Nam (HUI Việt Nam). Tổng giám đốc là ông Gao Xiang Ping, quốc tịch Trung Quốc, với số vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng. 36 Hoàng Cầu là tòa nhà của Geleximco, ông chủ của Geleximco có tên Vũ Văn Tiền“.



Về bộ sách Lịch Sử Việt Nam
BBC có bài: Cựu Đại sứ VNCH Bùi Diễm nói về bộ sách ‘Lịch sử Việt Nam’. Ông Bùi Diễm cho rằng, có lẽ nhà cầm quyền CSVN cần nhìn nhận chính quyền VNCH để tranh đấu với người TQ, rằng Hoàng Sa hay là Trường Sa là của Việt Nam.

Về chuyện ông Trần Đức Cường, tổng chủ biên bộ sách này nói rằng, chỉ là gọi tên khác, nhưng bản chất chính quyền VNCH vẫn là chính quyền ‘đánh thuê cho Mỹ’, ông Bùi Diễm nói:

Nếu mà nói tới sự giúp đỡ của người Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, thì người ta cũng phải nói tới sự có mặt của những quân đội Trung Cộng ở miền Bắc trong suốt trận chiến tranh, những quân đội đó không tham gia vào trận chiến đối với miền Nam, nhưng đã giúp những người ở miền Bắc có tất cả sự dễ dàng để người miền Bắc có thể mang quân đội để mà tấn công miền Nam Việt Nam”.

Ý kiến của các nhà nghiên cứu về bộ sách Lịch sử Việt Nam trong bàn tròn BBC: https://www.youtube.com/watch?v=Vr85ddrkxdE

Thế kỷ 21: tự do, dân chủ ở Việt Nam vẫn chỉ nằm trong mơ
LS Ngô Anh Tuấn có bài: Tôi mơ một giấc mơ… Mặc dù những quyền cơ bản của con người đã được ghi nhận trong Hiến Pháp 1946 hơn 70 năm trước, nhưng trên thực tế hiện nay, ở Việt Nam, “quyền tự do ngôn luận vẫn chỉ nằm trên giấy; quyền lập hội vẫn chỉ nằm trên bàn hội nghị; quyền biểu tình vẫn chỉ nằm trong sách vở…

Tác giả mơ một giấc mơ, như Mục sư Martin Luther King Jr. đã từng có một giấc mơ cho người dân Mỹ mà ông đã đọc trong bài diễn văn ngày 28/8/1963, chỉ có điều khác là: “Tôi mơ, những đứa trẻ lớn lên không hướng về phương Tây như mơ tới chốn thiên đường hay nhìn về mẫu quốc; những người có tài, không phải nhìn qua biên giới tự hỏi ‘sắp tới sẽ đi đâu’…”

Vụ bê bối thuốc trị ung thư giả và sự liên quan của Bộ Y tế
Trước thông tin Bộ Y tế nói sẽ ‘đề nghị xử lý’ người đăng tin sai về bộ trưởng, nhà báo Huy Đức cho rằng: Quốc hội nên điều tra, chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bà Tiến. “Nếu Bộ trưởng Bộ Y tế không trả lời nghi vấn em chồng của bà có phải là phó giám đốc đối ngoại của VN Pharma trong thời gian công ty này ‘thắng thầu’ nhiều lô thuốc nhất thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên lập một ủy ban điều tra độc lập, làm rõ điều đó và tìm thêm những dấu hiệu liệu VN Pharma có phải là ‘sân sau’ của bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hay không”.

Bà Nguyễn Thị kim Tiến, Bộ trưởng Y tế. Ảnh: Lương Thái Linh/Getty

Facebooker Lưu Trọng Văn có bài: Vì sao o Tiến vẫn là bộ trưởng khi trượt trung ương? “Gã nói cho nhanh, gã nghi ngờ bọn nhóm lợi ích trong ngành y, dược một ngành lợi nhuận hàng tỷ đô la đã nhúng tay vào công tác tổ chức nhân sự này“.

Báo Tiền Phong có bài: Nhập thuốc giả: Cục quản lý dược tiếp sức? LS Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: “Chính Cục Quản lý dược đã ban hành văn bản số 22113 ngày 30/12/2013, đồng ý cho VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita, có giá trị 1 năm. Dựa trên giấy phép này thì VN Pharma mới nhập khẩu và làm thủ tục thông quan 9.300 hộp thuốc H-Capita”.

Còn cựu thẩm phán TAND TP.HCM Nguyễn Minh Cảnh nói: “Tại sao những bị cáo trong vụ VN Pharma lại bị truy tố về tội buôn lậu mà không bị truy tố về tội buôn bán hàng giả theo điều 157 BLHS 1999?” và “việc nhập khẩu thuốc giả chắc chắn phải có sự giúp sức của cán bộ khác của ngành y tế về thủ tục nhập khẩu”.

Tiếng Dân có clip: VN Pharma cấu kết với Bộ Y tế CSVN bán thuốc ung thư giả cho bệnh nhân : https://www.youtube.com/watch?time_continue=3&v=8OvYHaFeW2s

Báo Tuổi Trẻ có bài: Vì sao VN Pharma phát triển thần tốc, ‘đấu đâu thắng đó”? Được thành lập từ tháng 11/2011, đến tháng 8-2013, VN Pharma nâng vốn điều lệ lên 40 tỉ đồng, nhưng chỉ sau chưa đầy một năm, báo cáo năm 2013 doanh thu bán hàng của công ty này đã đạt 971 tỉ đồng!

Ông Nguyễn Minh Hùng là người đứng tên nhiều công ty, đã “được cho trúng thầu” cung ứng thuốc cho Sở Y tế TP. HCM với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc VN Pharma dễ dàng được trúng thầu khi Sở Y tế TP.HCM cho “cùng một hoạt chất” được trúng thầu hai lô “là trái với quy định“.

Báo Tiền Phong có bài: Quanh vụ án VN Pharma: Chuyện về ‘ông vua’ đấu thầu thuốc, cho biết: “Trong khi nhiều ông lớn dược phẩm rơi rụng như ngả rạ khi đấu thầu vào bệnh viện, công ty của ông Hùng vẫn liên tục làm mưa làm gió. Thời điểm này, VN Pharma đã trúng thầu vào các bệnh viện trên toàn quốc 46 mặt hàng trị giá hơn 260 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, VN Pharma trúng thầu hơn 120 tỷ đồng“.

Trang FB Tin Mừng Cho Người Nghèo có bài: Thưa bà Bộ trưởng Kim Tiến. Tác giả viết: “Tin đồn có thể là giả nhưng hơn 9000 hộp thuốc giả tuồn vào các bệnh viện là thật, các bác sĩ nhận 7,5 tỉ tiền hoa hồng để kê thuốc giả cho bệnh nhân là thật, bệnh nhân phải chết oan uổng là thật. Vì thế, người dân rất cần bà lên tiếng cho những sự thật rất đau lòng này”.


Cũng chuyện ngành y, VTC có bài: Nguyên nhân nữ nhân viên y tế bị đấm rách miệng khi đang phun hóa chất diệt muỗi. “Tại cơ quan điều tra, đối tượng đấm nhân viên y tế khai quá bức xúc vì vài ngày trước gia đình anh cũng được phun thuốc nhưng hiện có tới 4 người đang bị sốt xuất huyết“.

Thanh Hóa: quan xã ăn mày!
VOV có bài: Thanh Hóa: Đưa tên 4 vợ cán bộ xã vào hộ nghèo để trục lợi chính sách. Bốn bà vợ của 4 ông quan ở xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, không hiểu bằng cách nào đã lọt được vào danh sách hộ nghèo của nhiều nhà khác, và họ được ưu tiên hưởng BHYT, vay vốn ngân hàng…

Phòng LĐ-TB&XH huyện Nga Sơn xác nhận những trường hợp vợ của cán bộ xã Nga Thanh có tên trong danh sách hộ nghèo của nhà khác là đúng sự thật. Ảnh: VOV

Trả lời về sự việc này, ông Vũ Ngọc Tiến, Chủ tịch UBND xã Nga Thanh, có vợ là bà Vũ Thị Sen, là 1 trong 4 bà vợ nằm trong hộ nghèo, cho biết, “khi anh em chuyên môn đưa danh sách trình ký thì mình ký và không rà soát lại tên tuổi trong danh sách. Vấn đề này không lớn lắm, có thể trong lúc làm anh em thêm vào“.

Mời xem clip của VTC: “Nực cười” vợ cán bộ xã “lọt” danh sách nghèo


Formosa vẫn gây ô nhiễm trầm trọng và chuyện đền bù
VOA có phóng sự Thực tế đền bù vụ Formosa Hà Tĩnh. Phóng sự cho thấy, quán xá, dịch vụ biển ế ẩm, vắng khách, mà theo một người dân, lượng khác giảm còn 20% so với trước khi thảm họa môi trường biển xảy ra: https://www.youtube.com/watch?time_continue=1&v=9nk_bdG9lI8

Mặc dù nhà nước tuyên bố đã chi trả 95% cho người dân bị thiệt hại, nhưng số tiền quá ít ỏi, không đủ trả nợ, không giúp người dân đỡ khốn khó. Nhiều gia đình phải cho con cái nghỉ học để đi lao động ở xứ người.

Có tình trạng khai man người thiệt hại, khai không đúng đối tượng… làm thất thoát quá lớn số tiền đền bù. Người bị thiệt hại thực sự chỉ nhận được vài chục triệu đồng. Còn bà con họ hàng quan chức thì có người nhận hàng tỷ đồng.

VTV có phóng sự về việc thực tế Chính phủ đền bù 95% cho ngư dân 4 tỉnh Bắc miền Trung bị ảnh hưởng do Formosa gây ra. “Về phần mình, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các doanh nghiệp đưa được hơn 21.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản“.

Báo Người Lao Động có bài: Vẫn phát hiện chất kịch độc xyanua trong nhiều mẫu cá. Báo cho biết, tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh mẫu xét nghiệm mới nhất ngày 22/8 cho thấy, vẫn còn tồn dư chất kịch độc xyanua trong 5/9 mẫu cá ở đây. Còn Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế công bố từ đầu tháng đến ngày 19/8, trong 18 mẫu hải sản được lấy từ tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) được kiểm nghiệm “chỉ phát hiện một mẫu có lượng cadimi vượt ngưỡng“.


Quảng Bình bất an
Báo VnExpress có bài: Thủ tướng đồng ý chủ trương xây cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Chiều 25/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Bình. Mặc dù thừa nhận “hiện có nhiều ý kiến tranh cãi“, nhưng Thủ tướng và các bộ ngành đồng ý về chủ trương bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng “tuyến cáp treo dài 5,2 km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến hang Én“.
Trước đây, tuyến cáp treo Fansipan cũng đã bị coi là đã tàn phá thiên nhiên, núi rừng ở “nóc nhà Đông Dương”, nhưng không hiểu sao vẫn được triển khai.


Trà Vinh kêu cứu
Báo Thanh Niên có bài: Trà Vinh lo không có nơi chứa tro xỉ điện than Duyên Hải. Bài báo dẫn lời ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Vấn đề chúng tôi lo nhất là tro bay và xỉ than. Chúng tôi đã quy hoạch bãi chứa cả 100 ha nhưng nếu không có cách xử lý tận dụng nguồn xỉ than này thì bãi chứa chẳng mấy chốc sẽ quá tải. Cần có nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về việc tái sử dụng chất thải này nếu không sẽ không có chỗ để chứa”.


Báo động không khí ô nhiễm tại Việt Nam
Báo Khoa học Phát triển có bài: Không khí ở Việt Nam: Phát hiện bụi nano có thể “đầu độc” DNA. Được biết, loại bụi này có thể “vượt qua mọi hàng rào ngăn bụi của hệ hô hấp, bít các lỗ trao đổi ôxy ở phế nang, tác động đến cấu trúc DNA“. Nặng nhất là hai thành phố lớn, Hà Nội và Sài Gòn.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí có thể là vấn đề xuyên biên giới: “Ngoài những nguồn bụi có tính địa phương, còn có nguồn xa như sự lan truyền từ phía bắc xuốngtrong mùa đông. Kết quả quan trắc từ nhiều năm trước cho thấy, có những thời điểm, bụi PM10 và PM2.5 ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cao hơn Hà Nội”.

“Hồ Chí Minh tệ nhất tên đường”… Nguyễn Hữu Cảnh
Báo Dân Trí có bài: Sửa con đường “tệ nhất” TPHCM. Đó là con đường mang tên Nguyễn Hữu Cảnh “luôn nằm trong danh sách những con đường ngập nặng nhất TPHCM và được xem là rốn ngập của thành phố“.

Báo Dân Trí cho biết: Con đường này được đầu tư gần 420 tỷ đồng, do công ty Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư, được kỳ vọng “giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị“, nhưng đã “bị lún, ngập nước trong suốt 15 năm qua“.

Do thành phố coi đây là một trong những dự án cấp bách và có ý nghĩa quan trọng, nên hầu như năm nào cũng phải chi tiền bù lún. Việc cải tạo gần 4km đường Nguyễn Hữu Cảnh tiêu tốn ngân sách khoảng 526 tỷ đồng. Riêng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, sau hơn 13 năm đưa vào hoạt động đã hư hỏng trầm trọng, khiến TP. HCM phải bỏ ra gần 13 tỷ đồng để sửa chữa.


Công bộc hành dân
Facebooker Nguyễn Thị Oanh có bài: Một lần có việc đến cửa công. Bà Oanh kể, chồng bà đến Sở Tư pháp TP.HCM để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Thế nhưng việc đơn giản này của bà “đã biến thành một cuộc hành trình kéo dài tới 157 ngày!

Kết luận, bà cho rằng: “Nếu chúng ta ngoan ngoãn chấp nhận sống chung hay ‘dĩ hòa vi quý’ với cái xấu cũng có nghĩa là chúng ta đã tạo điều kiện giúp nó phát triển. Mặt khác, cần hiểu rõ quyền công dân của mình và việc đấu tranh để bảo vệ quyền này còn là trách nhiệm nhằm giúp cho xã hội trở nên lành mạnh, tiến bộ hơn!

Vụ bê bối tàu vỏ thép: đã sai còn đòi kiện ngư dân!
Báo PLTP có bài: Công ty đóng tàu vỏ thép đòi kiện ngư dân. Ông Lê Văn Thục, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đại Nguyên Dương, cho biết, ông đã cung cấp hồ sơ, nhờ Bộ Công an làm rõ việc đóng tàu và báo cáo Bộ TT&TT “việc báo chí đăng bài làm ảnh hưởng đến Công ty Đại Nguyên Dương“.

Ông Thục nói: “Đến nay đã ba tháng mà vẫn chưa sửa được tàu. Nếu đến tháng thứ tư mà hai bên không thỏa thuận được, chính Công ty Đại Nguyên Dương sẽ hoàn thiện hồ sơ gửi ra tòa án Hà Nội kiện năm ngư dân”.


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ thời Trump
Trang Federalist đưa tin, ông Sebastian Gorka, phụ tá của Tổng thống Trump, đã gửi cho Trump bức thư từ chức. Báo New York Times cho biết, ông Gorka 46 tuổi, là Trợ lý An ninh Quốc gia của ông Trump và là bạn thân của ông Steve Bannon, bị cáo buộc liên kết với các nhóm cực hữu ở châu Âu. Dù Gorka khẳng định ông từ chức, nhưng các nguồn tin ẩn danh bên trong tòa Bạch Ốc nói ông Gorka bị sa thải.

VOA đưa tin: Thêm một phụ tá của Trump rời khỏi Nhà Trắng. “Trong một bức thư từ chức mà ông Gorka viết và cung cấp cho một số cơ quan truyền thông, ông nói rằng quyết định của ông Trump gửi thêm binh sĩ đến Afghanistan đã khiến ông bất mãn với hướng chính sách đối ngoại của chính quyền”.

Cảnh sát trưởng kỳ thị, bị tòa kết án, nhưng được Trump ân xá
VOA đưa tin: Trump ân xá Cảnh sát trưởng Arizona bị kết tội khinh mạn tòa án. Trump đã ân xá cho ông Joe Arpaio, cựu cảnh sát trưởng quận Maricopa, bang Arizona, “chưa đầy một tháng sau khi ông ta bị kết tội khinh mạn hình sự trong một vụ án liên quan đến chính sách của sở cảnh sát của ông ta chặn giữ người dựa trên yếu tố chủng tộc“.

Khi còn là cảnh sát trưởng Quận Maricopa, bang Arizona, ông Arpaio là người cổ súy cho những vụ trấn áp di dân, ông thường cho tuần tra giao thông, chặn những người Mexico, Mỹ Latin kiểm tra giấy tờ để xem họ có phải là di dân lậu hay không, dù họ không phạm tội gì. Lẽ ra ông Arpaio sẽ phải đối mặt với án tù 6 tháng, trong một phiên tòa ngày 5 tháng 10 tới đây, nhưng ông đã được Trump ân xá.

Bà Cecillia Wang, phó giám đốc luật pháp của Liên đoàn Quyền Tự do Dân sự Mỹ, nói: “Một lần nữa, Tổng thống đã hành động ủng hộ những tập tục bất hợp pháp và thất bại để chấp hành luật di trú vốn dĩ nhắm mục tiêu vào người da màu và đã bị tòa án bác bỏ. Việc ân xá Arpaio là một sự ủng hộ công khai của tổng thống đối với sự kỳ thị chủng tộc“.


Hồng Kông: Hai lãnh thổ, một chế độ
RFI có bài: Trung Quốc và Hồng Kông: Hai lãnh thổ, một chế độ. Sự kiện chính quyền Hồng Kông tuyên án tù cho ba thủ lĩnh của Phong trào Dù Vàng, đã biến Hồng Kông từ mô hình “Một đất nước, hai chế độ” kể từ khi Anh trao trả cho Trung Quốc, thành mô hình: “Hai lãnh thổ, một chế độ“.

RFI dẫn nguồn từ báo The Economist, bình luận: “Việc các thẩm phán khuất phục trước sức ép từ bên ngoài là điều chưa thể xác minh, nhưng không một chút nghi ngờ về việc Bắc Kinh áp lực buộc chính quyền Hồng Kông thúc đẩy các bản án khắc nghiệt hơn. Một cách hết sức vô lý, đảng Cộng Sản Trung Quốc lại coi ba người này là thành phần ly khai nguy hiểm, và bản án tù đối với họ có nghĩa là họ không được ứng cử trong vòng 5 năm“.


Trung Quốc: siết chặt kiểm duyệt trên mạng
RFI đưa tin: Cư dân mạng Trung Quốc phải khai tên thật khi viết bình luận. Chính quyền TQ cấm cư dân mạng ẩn danh khi đăng lời bình: “Kể từ ngày 1/10 tới, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội hoặc diễn đàn phải ‘bảo đảm danh tính thực’ của những người sử dụng, trước khi cho phép họ đăng các nội dung và lời bình lên mạng – theo quy định mới được công bố hôm qua của cơ quan quản lý internet Trung Quốc“.

Báo Tuổi Trẻ cuối tuần có bài: Binh đoàn mạng Trung Quốc và chiến lược “bẻ lái dư luận”. Bài nói về chiến thuật định hướng dư luận trên mạng xã hội của chính phủ TQ, thông qua Ngũ Mao Đảng, từ kiểm duyệt sang cho phép chỉ trích, hoặc can thiệp theo kiểu ‘bẻ lái’ khi cần thiết.

Ngũ Mao Đảng, tức Đảng 5 xu, là một trong những binh đoàn mạng được biết đến nhiều nhất ở Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu đến từ các đại học uy tín hàng đầu của Mỹ cho biết, thành viên Ngũ Mao Đảng, “là những người làm việc trực tiếp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc nhiều cơ quan khác nhau thuộc chính phủ mà việc bình luận trên mạng nhiều khả năng chính là công việc chính thức của họ“.

Cựu Thủ tướng Thái Lan đang ở đâu?
BBC có bài: Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck ‘đã sang Dubai’. “Nguồn tin trong đảng Puea Thai cho biết cựu thủ tướng rời Thái Lan vào tuần trước và bay từ Singapore đến Dubai, nơi anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đang sống lưu vong để tránh án phạt tù năm 2008 vì tội tham nhũng“.









No comments:

Post a Comment

View My Stats