Thursday 24 August 2017

BỎ GỌI "NGỤY QUÂN, NGỤY QUYỀN", CÓ GÌ ĐÂU MÀ ỒN ÀO ? ( Đ. An)




Đ. An
Tác giả gửi tới Dân Luận
24/08/2017

Việc Việt Nam Cộng Hòa không còn bị là “ngụy quân, ngụy quyền” trong bộ sách lịch sử Việt Nam do Viện Sử học xuất bản và giới thiệu hồi tuần qua đang gây ra nhiều tranh cãi. Những người có tư tưởng cấp tiến cho đó là một bước tiến, sự thay đổi nhận thức, tôn trọng lịch sử, báo hiệu sự thay đổi…còn những người bảo thủ thì lại cho rằng, đó là âm mưu xét lại lịch sử, đánh tráo lịch sử, phủi bỏ công lao… Vậy việc bỏ tên gọi “ngụy quân, ngụy quyền” có ý nghĩa gì không, có sự thay đổi nào trong nhận thức ? Để làm rỏ vấn đề trên tôi xin có vài lời bàn.

Trước hết, hiểu rằng từ “ngụy” trong sử học được hiểu là không chính thống, không được công nhận (ngụy quân, ngụy quyền, ngụy triều). Nhà Lê trung hưng gọi nhà Mạc là “ngụy Mạc”, nhà Nguyễn gọi nhà Tây Sơn là “ngụy Tây Sơn”. Cho nên việc chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi đó và sau này gọi Việt Nam Cộng Hòa là “ngụy quân, ngụy quyền” cũng là điều dễ hiểu. Bởi cách gọi đó có yếu tố lịch sử. Nhưng đến nay chúng ta thấy, không còn ai gọi nhà Mạc, nhà Tây Sơn là ngụy nữa cả. Và hiển nhiên việc gọi Việt Nam Cộng Hòa là “ngụy quân, ngụy quyền” là không đúng, không khách quan.

Nhưng đừng nghĩ rằng, việc các nhà soạn sử bỏ gọi từ “ngụy quân, ngụy quyền” trong bộ sử mới là tôn trọng lịch sử, là thay đổi nhận thức là một sai lầm. Hãy đọc những trích dẫn dưới đây để hiểu rõ hơn:

"Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả".
"Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây."
"Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn." - Phát biểu của PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam (Theo đài Châu Á Tự Do).

Chỉ là thay đổi tên gọi chứ không hề có sự thay đổi trong nhận thức về chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Dù gọi là “ngụy quyền” hay chính quyền Sài Gòn thì trong ý niệm của những nhà viết sử max-xít vẫn giữ quan điểm VNCH được đựng lên bởi Mỹ và làm tay sai cho Mỹ trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Quân đội VNCH chỉ là đội quân đánh thuê. Nền kinh tế VNCH chỉ là phồn vinh giả tạo… Vậy thì việc bỏ từ “ngụy quân, ngụy quyền” có ý nghĩa gì đâu. Đó chỉ là sự thay đổi một chút về mặt ngôn từ nên chẳng có gì phải ồn ào, tranh luận để mất thời gian.

Dù chưa tiếp cận được bộ sử mới đó, nhưng tôi nghĩ nó chẳng có gì đáng đọc, chứ đừng nói gì đến khen ngợi. Bởi, khi lịch sử bị chính trị hóa, định hướng thì không còn là lịch sử của khoa học thì dẫu có viết bao nhiêu bộ sử cũng vậy.

Tôi lấy ví dụ, khi đọc những bộ sử viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn từ khi Pháp xâm lược Việt Nam (1859 – 1954), chúng ta sẽ nghe đến nhàn chán những từ như: bọn thực dân, đàn áp, bóc lột, dày xéo dưới gót giầy, cướp bóc, đầu độc, căm thù, độc ác, sưu cao, thuế nặng, mất tự do... Còn vai trò của Pháp trong sự thay đổi của Việt Nam trong vòng 100 năm thì bị lãng quên. Thậm chí văn hóa, tư tưởng đến các công trình kiến trúc của Pháp ở Việt Nam còn bị gọi là tàn dư của chế độ thực dân.

Việc Pháp xâm lược Việt Nam là sự thật, các cuộc nổi dậy bị Pháp đàn áp là sự thật nhưng sự đóng góp của họ cho sự thay đổi của Việt Nam cũng là sự thật và ta phải ghi nhận điều đó. Cầu cống, đường sắt, cảng biển, quy hoạch thành phố, đập thủy lợi, trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện…thậm chí là tolet người Việt chỉ được biết đến dưới thời Pháp đô hộ.

Quy trở lại vấn đề, dù gọi là gì đi chăng nữa thì chế độ VNCH vẫn là một nhà nước trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó không phải là nhà nước tay sai vì nó có chủ quyền, có hiến pháp và được quốc tế công nhận. Cho nên để đánh giá đúng vai trò, đóng góp của chế độ VNCH đối với lịch sử cần sự khách quan và quan trọng là không bị chi phối bởi thế lực chính trị nào.

Đ.An





No comments:

Post a Comment

View My Stats