Friday, 25 August 2017

TẠI SAO GIẢM THUẾ CHO NGƯỜI GIÀU LÀ VÔ ÍCH (Joseph E. Stiglitz, Project Syndicate)




Joseph E. Stiglitz, Project Syndicate 
Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Posted on 25/08/2017 by The Observer

Mặc dù các nhà tài phiệt cánh hữu của Hoa Kỳ có thể bất đồng về cách xếp hạng các vấn đề chính của đất nước – ví dụ như bất bình đẳng, tăng trưởng chậm, năng suất thấp, nghiện thuốc phiện, các trường học tồi tàn, và cơ sở hạ tầng xuống cấp – giải pháp của họ lúc nào cũng giống nhau: giảm thuế và bãi bỏ quy định, để “khuyến khích” các nhà đầu tư và “giải phóng” nền kinh tế. Tổng thống Donald Trump đang trông đợi vào gói cứu trợ này để làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Gói giải pháp này sẽ không có tác dụng, bởi vì nó chưa bao giờ có tác dụng. Khi thử nghiệm nó vào những năm 1980, Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố rằng nguồn thu từ thuế sẽ tăng lên. Nhưng thay vào đó, tăng trưởng đã chậm lại, nguồn thu từ thuế giảm, và giới công nhân phải chịu nhiều khó khăn. Những người chiến thắng lớn xét một cách tương đối là các tập đoàn và người giàu, những người được hưởng lợi từ thuế suất giảm mạnh.

Trump chưa đưa ra một đề xuất thuế cụ thể. Nhưng, không như cách tiếp cận của chính quyền ông đối với các quy định về chăm sóc y tế, sự thiếu minh bạch sẽ không giúp gì cho ông. Trong khi nhiều người trong số 32 triệu người dự kiến mất bảo hiểm y tế theo đề xuất hiện tại vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy ra, điều đó không đúng với các công ty sẽ chịu thiệt thòi từ cải cách thuế của Trump.
.
Đây là thế lưỡng nan của Trump. Cải cách thuế của ông phải duy trì nguồn thu (so với nguồn thu dưới các quy định cũ). Đó là một đòi hỏi chính trị: khi các công ty đang ngồi trên hàng nghìn tỷ USD tiền mặt trong khi dân thường gặp khó khăn, giảm mức thuế doanh nghiệp trung bình sẽ là vô lý – và vô lý hơn nữa nếu thuế được giảm trong lĩnh vực tài chính, nơi dẫn tới cuộc khủng hoảng năm 2008 và chưa bao giờ phải chi trả cho những thiệt hại kinh tế. Hơn nữa, các thủ tục của Thượng viện quy định rằng để ban hành cải cách thuế với một đa số tối thiểu, thay vì đa số ba phần năm cần thiết để đánh bại một vụ filibuster gần như chắc chắn được các đảng viên Đảng Dân chủ đối lập tiến hành, cải cách này phải không được gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngân sách trong mười năm.

Đòi hỏi này đồng nghĩa với việc doanh thu thuế doanh nghiệp trung bình phải giữ nguyên, có nghĩa là sẽ có người thắng cuộc và người thua cuộc: một số sẽ phải trả ít hơn hiện tại, và những người khác sẽ phải trả nhiều hơn. Người ta có thể tránh được việc này trong trường hợp thuế thu nhập cá nhân, bởi vì ngay cả khi những người thua cuộc nhận ra thì họ cũng không có tổ chức đủ mạnh. Ngược lại, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ cũng vận động hành lang ở Quốc hội.

Hầu hết các nhà kinh tế học đều đồng ý rằng cơ cấu thuế hiện tại của Hoa Kỳ không hiệu quả và không công bằng. Một số doanh nghiệp đóng một mức thuế cao hơn nhiều so với những doanh nghiệp khác. Có lẽ các doanh nghiệp đổi mới tạo ra công ăn việc làm nên được thưởng phần nào bằng cách giảm thuế. Nhưng lý do duy nhất xem ai được giảm thuế dường như là sự hiệu quả của các nhà vận động hành lang nhân danh những người muốn được giảm thuế.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất là đánh thuế thu nhập từ nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ. Các đảng viên Dân chủ tin rằng, do các tập đoàn của Mỹ bất kể hoạt động ở đâu đều được hưởng lợi từ nền pháp quyền và quyền lực của Mỹ để đảm bảo họ không bị ngược đãi (thường được bảo đảm bởi hiệp định), họ nên trả cho những lợi ích này và những lợi ích khác. Nhưng cảm giác công bằng và hỗ trợ lẫn nhau, chưa nói đến lòng trung thành với quốc gia, không ăn sâu trong nhiều công ty Mỹ, và họ phản ứng bằng cách đe dọa dời trụ sở chính ra nước ngoài.

Các đảng viên Cộng hòa, một phần vì nhạy cảm với mối đe dọa này, ủng hộ một hệ thống thuế dựa trên lãnh thổ, giống như ở hầu hết các nước: chỉ áp thuế lên hoạt động kinh tế ở đất nước nó diễn ra. Vấn đề là, sau khi áp thuế một lần lên lợi nhuận chưa bị tính thuế mà các công ty Mỹ giữ ở nước ngoài, việc áp dụng một hệ thống thuế dựa trên lãnh thổ sẽ gây ra thiệt hại về thuế.

Để bù đắp cho điều này, Paul Ryan, chủ tịch Hạ viện, đã đề xuất thêm một khoản thuế nhập khẩu ròng (nhập khẩu trừ xuất khẩu). Do nhập khẩu ròng dẫn đến mất công ăn việc làm nên nó không được khuyến khích. Đồng thời, chừng nào nhập khẩu ròng của Mỹ còn cao như hiện nay, thuế còn đem lại nguồn thu lớn.

Nhưng khó khăn nằm ở chỗ: tiền phải chảy ra từ túi ai đó. Giá nhập khẩu sẽ tăng. Người tiêu dùng quần áo giá rẻ từ Trung Quốc sẽ nghèo còn mắc cái eo. Với đội ngũ của Trump, đây là tổn thất ngoài dự kiến, cái giá tất yếu phải trả để mang lại nhiều tiền hơn cho các nhà tài phiệt Mỹ. Tuy nhiên, kể cả các nhà bán lẻ như Walmart, chứ không chỉ khách hàng của hãng, cũng sẽ chịu một phần tổn thất ngoài dự kiến. Walmart hiểu điều này – và sẽ không để cho nó xảy ra.

Các cải cách thuế doanh nghiệp khác có thể có lý; nhưng chúng cũng hàm ý có người thắng kẻ thua. Và chừng nào những kẻ thua cuộc còn nhiều và được tổ chức đủ mạnh, rất có thể họ sẽ có quyền lực để ngăn chặn cuộc cải cách.

Một tổng thống sắc sảo về mặt chính trị, hiểu rõ kinh tế và chính trị của cải cách thuế doanh nghiệp, có thể đẩy Quốc hội đến một gói cải cách có ý nghĩa. Trump không phải là nhà lãnh đạo đó. Nếu cải cách thuế doanh nghiệp diễn ra thì đó sẽ là một mớ hổ lốn được mặc cả sau những cánh cửa đóng kín. Nhiều khả năng hơn là một sự cắt giảm thuế trên diện rộng: người thua cuộc sẽ là những thế hệ tương lai, không có khả năng vận động hành lang bằng những kẻ vai vế tham lam ngày nay, mà tham lam nhất trong số đó có những kẻ thu được gia tài nhờ các hoạt động hèn mạt, như kinh doanh cờ bạc.

Sự đê tiện của tất cả những điều này sẽ được lấp liếm bằng tuyên bố xưa cũ rằng thuế suất thấp hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Đơn giản là không có cơ sở lý thuyết hoặc thực nghiệm cho điều này, đặc biệt ở các nước như Mỹ, nơi mà hầu hết đầu tư đều được tài trợ bằng nợ vay và lãi suất được khấu trừ thuế. Lợi nhuận biên và chi phí biên được giảm tương ứng, khiến đầu tư phần lớn không thay đổi. Trên thực tế, một cái nhìn gần hơn, có tính đến khấu hao nhanh và những tác động đối với sự chia sẻ rủi ro, cho thấy giảm thuế suất rất có thể sẽ làm giảm đầu tư.

Các nước nhỏ là ngoại lệ duy nhất, bởi vì họ có thể theo đuổi các chính sách lợi mình hại người nhằm lợi dụng công ty các nước láng giềng. Nhưng tăng trưởng toàn cầu thì hầu như không thay đổi – thật ra các tác động phân phối có cản trở nó một chút – khi cái được của người này là cái mất của người khác. (Giả sử người mất không phản ứng và tạo ra một cuộc đua xuống đáy).

Ở một quốc gia có quá nhiều vấn đề – đặc biệt là bất bình đẳng – việc cắt giảm thuế cho các tập đoàn giàu có sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề nào trong số đó. Đây là một bài học cho tất cả các nước dự tính cắt giảm thuế doanh nghiệp – ngay cả những nước không phải chịu cảnh bất hạnh là bị dẫn dắt bởi một nhà tài phiệt non kém và hèn nhát.

*
Joseph E. Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001 và huân chương John Bates Clark năm 1979, là giáo sư tại Đại học Columbia, đồng chủ tịch Nhóm Chuyên gia Cấp cao về Đánh giá Tình hình Kinh tế và Tiến bộ Xã hội của OECD, và là kinh tế trưởng của Viện Roosevelt. Ông nguyên là phó chủ tịch cấp cao và kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới và chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Năm 2000, ông thành lập Sáng kiến Đối thoại Chính sách, một viện nghiên cứu chính sách về phát triển quốc tế có trụ sở tại Đại học Columbia. Cuốn sách gần đây nhất của ông là The Euro: How a Common Currency Threatens the Future of Europe.

Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “Why Tax Cuts for the Rich Solve Nothing,” Project Syndicate, 27/07/2017.
Copyright: Project Syndicate 2017 .






No comments:

Post a Comment

View My Stats