Wednesday, 23 August 2017

BẢN TIN NGÀY 23/8/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Biển Đông
Báo Inquirer của Philippines đưa tinDân biểu Gary Alejano cáo buộc Trung Quốc cắm cờ trên cồn cát của Philippines. Ông Alejano nói rằng, một nguồn tin cho ông biết, trong tuần thứ 3 của tháng 7/2017, Trung Quốc đã cắm cờ TQ cao 3 mét lên cồn cát thuộc chủ quyền của Philippines, cách đảo Kota khoảng 7 hải lý. Vẫn không rõ hiện tại cây cờ TQ có còn đó hay không.

Dân biểu Alejano nói: “Các hoạt động liên tục của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp, biển Tây Philippines rất đáng quan ngại. Những sự cố đã được báo cáo gần đây, tiết lộ rằng các hoạt động của Trung Quốc ở biển Tây Philippines đã không dừng lại trong khi quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc ấm áp hơn“.

Bài trên RFI: Philippines: Phải chăng Duterte đang nhường Biển Đông cho Trung Quốc? Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố: “Tại sao tôi lại phải bảo vệ một bãi cát và hy sinh người Philippines chỉ vì một cồn cát?” Bài báo cho biết, TT Duterte nói rằng tàu Trung Quốc có mặt ở khu vực do Phi kiểm soát là để ‘tuần tra’, vì Trung Quốc và Philippines là ‘bạn bè’.Ông còn xác định rằng ông đã gọi cho đại sứ Trung Quốc và được bảo đảm rằng Bắc Kinh ‘sẽ không xây dựng gì ở đó’.”

VOA đưa tin: Quan chức Philipines: Hải quân Trung Quốc theo dõi đảo của Philippines. “Hai quan chức an ninh cao cấp của Philippines nói với hãng tin AP rằng ba tàu hải quân Trung Quốc, một tàu hải cảnh và 10 tàu đánh cá đã bắt đầu theo dõi đảo Sơn Ca vào ngày 12 tháng 8 sau khi một nhóm ngư dân Philippines được nhìn thấy trên bãi cạn này. Những ngư dân Philippines cuối cùng rời đi nhưng người Trung Quốc vẫn ở lại“.

Báo GDVN có bài trích từ bài báo đăng trên Yomiuri Shimbun, của tác giả Yoshiyuki Kasai, Chủ tịch danh dự Tập đoàn Đường sắt trung ương Nhật Bản: “Một vành đai, một con đường và bóng dáng chủ nghĩa thực dân kiểu mới”.

Ông Kasai nói rằng, chuyện TQ đang ra sức bành trướng trên biển, muốn hải quân TQ hiện diện ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hay tham vọng tìm cách “chia đôi Thái Bình Dương” với Mỹ, có thể được xem như một trong những hành động củng cố sáng kiến “một vành đai, một con đường”.

Trung Quốc liên tục củng cố và hiện đại hóa lực lượng hải quân, không quân, sẵn sàng đối mặt với Hoa Kỳ. Các dự án đóng mới nhiều tàu sân bay và tàu ngầm mà Trung Quốc đang triển khai thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới. Đó là minh chứng rõ ràng cho thấy ý định của Bắc Kinh muốn thiết lập sự hiện diện của hải quân ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Về chuyện TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Indonesia và Myanmar từ ngày 22 đến 26/8/2017, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao VN cho biết: Mục đích chuyến đi ‘cao hơn chuyện Biển Đông.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita, cùng các quan chức Indonesia đón TBT Nguyễn Phú Trọng tại sân bay. Nguồn: báo QĐND

Khi được hỏi, liệu chuyến đi này có liên quan đến việc VN vận động, nhằm nhận được hỗ trợ ‘thuận lợi hơn’ cho lập trường ở Biển Đông, ông Thái trả lời BBC: “Thực chất chuyến đi này là một chuyến đi cấp cao và rất hiếm có dịp như vậy. Do vậy mà mục đích của chuyến đi lớn hơn rất là nhiều, không chỉ tập trung vào giải quyết một vấn đề“.


Bài trên BBC: Quan hệ Việt-Ấn là bước đi đối trọng với TQ?Ấn Độ đã cấp một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 100 triệu USD cho Hà Nội để mua trang thiết bị quốc phòng và lần đầu tiên bán cho Hà Nội bốn tàu tuần duyên. Ấn Độ muốn xây dựng quan hệ với các quốc gia như Việt Nam nhằm đóng vai trò tạo áp lực đối với Trung Quốc“.

Dư âm bộ sách Lịch sử Việt Nam mới xuất bản
Báo Tuổi Trẻ có bài: Hải chiến Hoàng Sa 1974 sẽ có trong sách sử Việt Nam. Bài báo cho biết, bên cạnh bộ Lịch sử Việt Nam do Viện Sử học thực hiện và đã ra mắt còn có bộ “Lịch sử Việt Nam (gồm 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiện) là đề án cấp nhà nước”, do GS Phan Huy Lê làm chủ nhiệm.

Bộ sách Lịch sử Việt Nam ra mắt sáng 18.8. Ảnh: MTG


Ông Vũ Minh Giang, phó chủ nhiệm đề án Nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, cho biết: “Bộ sử sẽ đề cập toàn bộ quá trình từ khi ông cha chúng ta bắt đầu xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đến bây giờ… Đó là sự kiện năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, cuộc hải chiến năm 1988 của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam“.
Còn việc bộ sử này có đề cập đến vấn đề “thuyền nhân Việt Nam, cải cách ruộng đất…” hay không, ông Giang chỉ bóng gió là “khi đã có những kết luận tương đối khoa học thì sẽ đưa vào“.

Báo Zing có bài: Loại bỏ tư duy ‘ta thắng địch thua’ trong nghiên cứu lịch sử. PGS. TS. Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, nói: “Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đổi mới, hòa nhập quốc tế, và luôn coi trọng hòa hợp hòa giải dân tộc, chúng ta luôn khẳng định Việt Nam là quốc gia thống nhất. Bởi vậy, những người biên soạn không đặt ra vấn đề địch – ta, hay đưa ra vấn đề ngụy quân, ngụy quyền“.

Trang Soha có bài: GS Nguyễn Minh Thuyết: Không chờ SGK mới, nên bổ sung để dạy ngay về cuộc chiến chống quân TQ xâm lược. Khi được hỏi, có nên đợi SGK mới ra đời rồi mới dạy về sự thật lịch sử TQ xâm lược, GS Thuyết trả lời: “Tôi nghĩ là Bộ GD-ĐT nên chỉ đạo để điều chỉnh sớm hơn, không nhất thiết phải chờ triển khai chương trình mới. Để thực hiện, không cần sửa chương trình mà chỉ cần bổ sung tài liệu dạy học. Sửa SGK ngay trong năm học này thì không kịp; nhưng có thể xuất bản tài liệu bổ sung SGK và hướng dẫn giáo viên thực hiện“.

Facebooker Trương Quang Thi viết: “Bạn nó nhắn: Ê! Tụi nó công nhận chính thể Việt Nam Cộng Hoà rồi kìa. Như vậy ba tụi mình không còn là nguỵ nữa./ Xin lỗi mầy! Giờ mấy thằng cộng sản nói con bò có bốn cái chân, thì tao cũng phải chạy ra coi lại có đúng là như vậy hay không rồi mới gật đầu”.

Tác giả viết tiếp: “Hôm trước đi vô nghĩa trang Biên Hoà mọi thứ vẫn còn y nguyên như vậy. Vẫn rêu phong thềm cũ, vẫn sụt lún khắp nơi, vẫn rác phủ đầy trên những nấm mồ của những người từng vì miền Nam mà ngã xuống“.


Ai kiểm soát “đức trị”?
Báo Pháp luật TP có bài viết về việc Tổng bí thư Đảng CS Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định 90: Tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước… quy định, Tổng Bí thư, “phải là người tiêu biểu nhất về đạo đức và trí tuệ của toàn Đảng“, đồng thời “là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân…“.

Với Chủ tịch nước, “phải có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng và phải có hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp…“. Với Thủ tướng Chính phủ, “phải có năng lực nổi trội trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp…“. Với Chủ tịch Quốc hội, “phải là người quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công…

GS Nguyễn Đình Cống phản bác: Sự vô minh trong Quy định số 90. “Tiêu chuẩn ‘Kiên định Chủ nghĩa Mác- Lênin (CNML)’ thể hiện sự vô minh rõ ràng nhất. Điều này không cần chứng minh thêm. Một mặt bắt kiên định CNML, mặt khác đề ra TC năng động sáng tạo, sự vô minh càng lộ rõ… Tiêu chuẩn ‘Sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng’. Hỏi rằng hiện nay Đảng đang định làm cách mạng gì nữa trong lúc khẳng định là đảng cầm quyền“.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Tổng bí thư phải là ủy viên Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Một vị lãnh đạo trong Ban tổ chức Trung ương cho biết: “Tổng bí thư cũng phải là người đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban chấp hành trung ương quyết định).”

BBC có bài: Tiêu chuẩn cho tứ trụ ‘chỉ theo ý Đảng’? Luật gia Nguyễn Đình Hà đưa ra quan điểm: “Điểm mấu chốt là việc bầu chọn các chức danh lãnh đạo nhà nước có đảm bảo tính dân chủ, phù hợp và tuân thủ Hiến pháp hay không, hay chỉ ‘dân chủ trong đảng’, đảng làm theo ý đảng mà thôi“.


Mặt trận Tổ quốc đã có giải pháp?
Báo Lao Động có bài: Tìm giải pháp ngăn chặn suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị  quyết Trung ương 4” về “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,” trong nội bộ Đảng “đã được chúng ta thực hiện tốt“. Do đó, phải được làm “thường xuyên, liên tục và lâu dài” thì mới ăn thua.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường hiến kế, “có thể kiểm tra thêm về mặt tư tưởng, đạo đức, lối sống cũng như việc chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là lập trường tư tưởng của nhiều cán bộ, Đảng viên“.

Tình hình là các “đồng chí” đảng viên đã suy thoái trầm trọng về đạo đức, lối sống rồi, nhất là sau khi “học tập và làm theo tấm gương đạo đức”… ông cụ. Như trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Hồ Xuân Mãn, là tấm gương điển hình của phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, để rồi nổi danh từ “Anh hùng dê gái” cho tới “Anh hùng khai man thành tích”.

Bộ Chính trị vẫn chưa nhận ra nguyên nhân lãnh đạo đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, nên vẫn tiếp tục ban hành Chỉ thị 05 “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh“, Nghị quyết TW4, Quyết định 217, 218,… và bây giờ thêm Quy định 89, rồi tiếp theo Quy định 90!

“Đồng chí này con đồng chí nào?”
Báo Dân Trí có bài: Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm cùng lúc 3 vụ trưởng. Bài báo cho biết, sáng 21/8, NHNN Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định của Thống đốc NHNN bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê và Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ.

Người được chú ý là ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê, được bổ nhiệm “giữ chức Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc NHNN. Thời hạn giữ chức vụ của ông Tô Huy Vũ là 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm“. Ông Tô Huy Vũ chính là con thứ của cựu Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa.

Còn nhớ hồi năm 2012, cộng đồng mạng xôn xao khi tin cô Tô Linh Hương, sinh năm 1988, con út ông Rứa, mặc dù mới tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng đã được điều về giữ chức Chủ tịch HĐQT trong CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC.

Bất cập các dự án BOT
Báo Dân Trí đăng bài: Sự cố BOT – Người dân chờ đợi gì ở Đảng và Nhà nước? Bài báo viết: “BOT không chỉ cần phải giải trình trước Quốc hội mà cần phải thành lập đoàn thanh tra do UB Kiểm tra Trung ương, một địa chỉ tin cậy hiện nay đứng ra chủ trì cùng với các Bộ, ngành và các chuyên gia độc lập tổng thanh, kiểm tra tất cả các dự án BOT cả nước“.

Người dân đặt niềm tin nhầm chỗ rồi! Bà trùm sai phạm trong dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, không những là người của Đảng, mà còn là ĐBQH nữa kìa.

Zing dẫn lời ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng – Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án công tư (PPP), Bộ GTVT cho biết: “Nếu đặt trạm thu phí Cai Lậy ở tuyến tránh thì không có dự án, vì nhà đầu tư không làm.

Báo Người Lao Động có bài: BOT Cai Lậy: Đoàn ĐBQH Tiền Giang lên tiếng rằng, “văn bản của Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phúc đáp văn bản cho Bộ GTVT về vị trí đặt trạm Cai Lậy thì được Bộ GTVT cho đó là đề xuất“. Vì “nếu văn bản đề xuất tăng cường mặt Quốc lộ 1 vào dự án thì thẩm quyền phải là UBND tỉnh Tiền Giang chứ không thuộc thẩm quyền Đoàn ĐBQH.



Tham nhũng ở Ban chỉ đạo Tây Nam bộ 
Báo Người Lao Động đưa tin: Sai phạm của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là rất nghiêm trọng khi cơ quan này đã buông lỏng quản lý, ký bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, để ngoài sổ sách số tiền trên 100 tỉ đồng.

Ủy ban Kiểm tra TW cho rằng: “Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Phong Quang, ông Nguyễn Quốc Việt và một số cán bộ của Cơ quan Thường trực BCĐTNB đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, của BCĐTNB, gây bức xúc trong trong dư luận, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những vi phạm này đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật Đảng“.


Biệt phủ… Yên bái
Báo VnExpress có bài: Tỉnh Yên Bái bảy năm ‘tự phát hiện’ một công chức xã tham nhũng. Báo cáo của Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, “từ năm 2011 đến nay, chỉ phát hiện được một vụ công chức cấp xã vi phạm qua công tác tự kiểm tra“. Với thành tích đặc biệt này, đề nghị các tỉnh thành trong cả nước “học tập và làm theo tấm gương“… Yên Bái!

Như vậy là đã hết ngày 22/8/2017, vẫn chưa thấy thông tin nào về việc công bố kết luận thanh tra nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý như ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng đã hứa: “chắc chắn đầu tuần tới, vào 21/8 hoặc 22/8 phải công bố,“. Liêm sỉ đến thế là cùng.

Bê bối thuốc chữa ung thư giả
Báo Tuổi Trẻ có bài: Nguyên tổng giám đốc VN Pharma bị đề nghị 10-12 năm tù do hành vi “nhập hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng“.
VTC có video clip: Hãng dược – Bác sĩ: Cái bắt tay quỷ quyệt. Nội dung clip cho biết, Công ty VN Pharma “đã bắt tay với bác sĩ trong việc kê đơn. Bác sĩ hưởng hoa hồng, công ty thu lời trên các hóa đơn của người bệnh“. Chuyện này thì ở Việt Nam nơi nào cũng có, ai cũng biết, nhưng nó vẫn ngang nhiên tồn tại bao năm qua.


Không biết có phải nguyên nhân chính là do “áp lực công việc và thu nhập” thấp hay không mà hàng loạt bác sĩ tay nghề cao nghỉ việc ở các bệnh viện công Đồng Nai. Hay là do họ không chịu được cảnh phải nhìn thấy “cái bắt tay quỷ quyệt” nêu trên?

Chất độc gây ung thư – Cơ quan chức năng ở đâu?
Facebooker Nguyễn Thúy Hạnh được một người thân chuyên trồng rau cung cấp cho thành phố và các khu công nghiệp, cho biết: “Hầu như rau gì trồng họ cũng phun thuốc trừ sâu, kể cả rau sạch cô ạ! Trồng rau sạch vẫn phun thuốc, vẫn dùng phân hoá học. Nhưng bên an toàn thực phẩm đến kiểm tra, cho phong bì 5 triệu là OK…” Bà Hạnh cho rằng, “pháp luật chỉ là trò hề, phong bì mới là thật!

Facebooker Trương Quang Thi cho biết, hơn nửa năm mà xóm của ông đã có ba người chết vì bệnh ung thư. Ông viết: “Khi mà hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho dân chỉ là con số không tròn trĩnh. Khi mà một bộ trưởng bộ y tế lo đi diễn trò bắt lăng quăng để PR hình ảnh cho mình. Khi mà người ta sẵn sàng huỷ thuốc ung thư thật được viện trợ, để lòn thuốc giả vào trong hệ thống y tế chỉ bởi kiếm tiền, thì những người Việt như bạn, như tôi mong gì sống thọ.

Báo Nông nghiệp VN có bài: Nông dân trong nỗi khiếp sợ bệnh tật: Xin một liều thuốc ngủ để được chết! Bài báo cho rằng, “quốc bệnh” hiện nay chính là ung thư. Ung thư khắp từ miền núi, đồng bằng đến hải đảo xa xôi.

Ông Lăng Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc cho biết: “Chưa bao giờ ở nông thôn lại la liệt những người bụng ỏng, da vàng bủng, mắt thâm quầng vật vờ chờ xạ trị, hóa trị hay run rẩy chờ những mũi tiêm móc phin đến thế.”

Còn đây là cái giá phải trả cho một công ty Mỹ: Hãng Johnson & Johnson của Mỹ bị bồi thẩm đoàn tại bang California yêu cầu bồi thường 417 triệu USD cho một nữ khách hàng bị ung thư. Mời đọc thêm: Phấn trẻ em Johnson & Johnson có nguy cơ gây ung thư? (VOA).


Nhân quyền Việt Nam
VOA có bài: Ân xá Quốc tế, dân biểu Mỹ lên tiếng việc ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt. Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 22/8 bày tỏ lo ngại rằng nhà tranh đấu Nguyễn Bắc Truyển “bị mất tích” ở Sài Gòn từ hôm 30/7 cho đến nay, “có nguy cơ bị tra tấn” và yêu cầu chính quyền Việt Nam hãy trả tự do cho ông ngay lập tức.

Còn nữ dân biểu Hoa Kỳ Zoe Lofgren, bang California, hôm 21/8 viết thư cho Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson “yêu cầu chính quyền Hà Nội phóng thích ngay lập tức các nhà tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam“. Mời đọc thêm: Ân Xá Quốc Tế đòi CSVN trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển (NV).

Giá phải trả cho những kẻ ngoan cố
Báo Đầu Tư có bài: Số thu từ bauxite gây thất vọng. Theo tính toán của tỉnh Đắk Nông, sản phẩm alumin sản xuất ra chỉ để xuất khẩu, thì cả năm 2017, tổng thu từ nhà máy Alumin Nhân Cơ chỉ khoảng 150 tỷ đồng, “kém xa so với con số 437,7 tỷ đồng được ước tính khi triển khai dự án.” Còn phí bảo vệ môi trường tỉnh chỉ trích ra có 7 tỷ đồng thì bảo vệ được cái gì?

Báo cáo của Bộ Công thương hồi quý II/2017 thì đổ thừa: “Dự án Bauxite Tân Rai và Alumin Nhân Cơ là hai dự án lớn với công nghệ mới, rất phức tạp, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, một số chi phí trong vận hành chưa lường trước được, dẫn tới tiến độ dự án kéo dài, làm tăng chi phí so với dự kiến ban đầu“.

Nhưng nhiều ý kiến chỉ ra, nguyên nhân là do công nghệ Trung Quốc lạc hậu. Và không chỉ có vậy, các nguy cơ về hiệu quả kinh tế, môi trường ô nhiễm,… cũng đã được cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên, vin vào cớ dự án này là “chủ trương lớn của Đảng“, những kẻ ngoan cố, quyết làm cho bằng được, đã bỏ ngoài tai tất cả.

Thảm họa Formosa
RFA đưa tin: Việt Nam đã chi trả gần 95% số tiền Formosa đền bù. Bài viết dẫn nguồn từ Chính phủ Việt Nam cho hay, “đã chi trả gần 95% số tiền dùng để đền bù thiệt hại cho những người bị thiệt hại bởi thảm họa Formosa tại bốn tỉnh Bắc Trung bộ là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.

Báo Dân Trí đưa tin, “các tỉnh đã cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân gần 6.000 tỷ đồng”, đạt hơn 94% số tiền thiệt hại, “còn lại khoảng 5%, do đối tượng được bồi thường không có mặt ở địa phương“.

Cách đây một năm, Công ty Formosa đã chuyển đủ 500 triệu đôla cho phía Việt Nam6.000 tỷ đồng, tương đương 264 triệu Mỹ kim, chỉ bằng 52,8% số tiền 500 triệu USDFormosa bỏ ra. Không rõ con số 95% này ở đâu ra? Vì “theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì Chính phủ Việt Nam đã dùng toàn bộ số tiền này để chi trả cho người dân, chứ không giữ lại đồng nào“.


Ý kiến về việc tăng thuế VAT
Nhà báo Bạch Hoàn viết: “Tôi rất hiểu trong bối cảnh ngân sách khó khăn, sớm muộn gì họ cũng tăng cường moi tiền từ túi nhân dân“. Bà Hoàn đề nghị, sẽ chấp thuận đề xuất tăng thuế của Bộ tài chính nếu Chính phủ cam kết một số yêu cầu sau đây: Đến năm 2019, thu nhập của người dân tăng thêm tối thiểu 20%; cắt giảm số cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, ăn bám vào ngân sách.

Bà kết luận: “Nếu cam kết làm được những điều này, thì tôi tin nhân dân sẽ chấp nhận cho tăng thuế. Tuy nhiên, làm được như vậy thì cần gì tăng thuế nữa!?

Thời báo Kinh tế VN có bài: Bộ Tài chính “hỏa tốc” lấy ý kiến sửa đổi hàng loạt sắc thuế của “Luật thuế Giá trị gia tăng, Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân và Thuế tài nguyên.” Các ý kiến sẽ được gửi về Bộ Tài chính “trước ngày 29/8 để kịp trình Chính phủ…

Mục đích để “hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế,… góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư điều tiết thu nhập hợp lý”.

Giáo dục VN, vòng luẩn quẩn
BBC dẫn nguồn từ Bloomberg cho biết: Việt Nam: Học càng cao, càng thất nghiệp? Báo dẫn lời anh Nguyễn Văn Đức, vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế, “một trong những trường đại học tốt nhất Việt Nam. Nhưng giờ anh đang chạy xe ôm, kiếm khoảng 250 đôla, tức hơn năm triệu một tháng“. Nguyên nhân: “Ở đại học, chúng tôi nặng về các môn học lý thuyết và rất nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh với lịch sử về Đảng Cộng Sản“.

Bài báo cho biết thêm: “Sinh viên Việt Nam thường phải dành hầu hết hai năm đầu học về lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội và lịch sử Đảng – làm lãng phí khoảng thời gian nên dành cho các kỹ năng như tư duy phản biện và các kỹ năng khác mà các nhà tuyển dụng đòi hỏi“.

Còn Tổng chủ biên chương trình giảng dạy mới của Bộ giáo dục Nguyễn Minh Thuyết nói: “Chúng ta cần cải tổ chương trình giảng dạy để giảm đào tạo các môn không thực tế. Tuy nhiên, tiến độ vẫn còn rất chậm“.


“Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
RFI có bài: Việt Nam: Huy động vàng trong dân, bài toán nan giải. Báo dẫn lời chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho biết: “Tâm lý giữ vàng, xem đó là một khoản tích lũy an toàn, đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, đặc biệt là người nông dân. Cho nên, không chỉ người dân ở Việt Nam, mà cả người dân những nước lân cận từ nông nghiệp phát triển lên cũng có tâm lý giữ vàng’.

Còn ở Đan Mạch, ngân hàng đang đau đầu vì quá nhiều tiền. Lý do là Đan Mạch áp dụng chính sách “lãi suất âm“, dù người gửi sẽ phải trả thêm cho ngân hàng, nhưng ngân hàng lớn nhất Đan Mạch – Danske vẫn “đang chật vật giải quyết khối tiền gửi tiết kiệm đang lên kỷ lục.

Người Thượng ở Campuchia
RFA đưa tin: Campuchia vẫn giữ im lặng về chuyện đưa người Thượng sang quốc gia thứ 3. “Liên Hiệp Quốc đang có ý định muốn đưa 36 người Thượng đang tìm kiếm quy chế tị nạn tại Campuchia sang định cư ở quốc gia thứ 3… Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, bà Rhona Smith, cũng bày tỏ sự lo lắng về số phận của 36 người Thượng này. Hiện tại bà đang kêu gọi các nhà chức trách Campuchia đảm bảo rằng sẽ không trục xuất họ về Việt Nam“.

Tin quốc tế

Bắc Hàn
BBC có bài: Chuyện người lính Mỹ cuối cùng ở Bắc Hàn. Bài viết kể về ông Dresnok, một trong bốn người lính Mỹ đào ngũ sang Bắc Hàn năm 1962, và đã sống ở đất nước Cộng sản bí mật này hơn 50 năm và đã qua đời hồi năm ngoái.

Xuất hiện trong một video, hai con trai ông là Ted và James Jr mặc quân phục Hàn, nói tiếng Hàn trôi chảy. Người con trai lớn, anh Ted nói: “Cha muốn chúng tôi trở thành những người lao động trung thành, cống hiến cho lãnh tụ Kim Jong-Un yêu quý và nuôi dạy con cái chúng tôi khôn lớn để chúng sẽ đi theo và làm rạng rỡ con đường đó“.

Về chuyện phát triển vũ khí hạt nhân, RFI có bài: Chuyên gia Pháp: Bắc Triều Tiên hành động “hợp lý”. Ông François Heisbourg, chuyên gia về địa chính trị và chiến lược, nói: “Bình Nhưỡng nói muốn có vũ khí hạt nhân để ngăn không cho Mỹ tấn công Bắc Triều Tiên. Họ dựa vào bài học từ Irak và Lybia. Nỗi lo sợ của họ có thể không có cơ sở nhưng là có thực. Vì thế, cách cư xử của họ cũng là hợp lý thôi”.


Sự cố khu trục hạm John S. McCain đụng tàu chở dầu Liberia
Báo Người Việt có bài: Tìm thấy thi hài một số thủy thủ tàu USS John S. McCain bị đụng (NV). Dẫn nguồn từ một sĩ quan hải quân nói với CNN: “Về nguyên gây ra tai nạn, bánh lái của khu trục hạm USS John S. McCain bị trục trặc khi chiếc tàu bắt đầu tiến vào eo biển Malacca, làm cho nó va chạm với chiếc tàu chở dầu“. VOA: Tìm thấy thi thể thủy thủ Mỹ trên tàu chiến gặp nạn.

VOA tóm lược bài xã luận của báo China Daily: Báo Trung Quốc chỉ trích hải quân Mỹ. Báo China Daily viết: “Trong khi hải quân Hoa Kỳ đang biến thành trở ngại nguy hiểm trên biển châu Á, Trung Quốc đang nỗ lực chung với các quốc gia thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á để thảo ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, và tăng cường an toàn hàng hải bằng cách xây dựng năm hải đăng trên các đảo”.


Donald Trump, chuyện dài ở Mỹ
Nhà báo Bùi Tín có bài: Ông chủ cay nghiệt: “Ngươi đã bị sa thải!”. Tác giả liệt kê một số nhân vật quan trọng trong tòa Bạch Ốc, đã bị TT Trump sa thải hoặc bị buộc phải từ chức, gồm: Tướng Michael Flynn, Cố vấn An ninh Quốc gia; ông James Conney, Giám đốc FBI; ông Michael Dubke, Giám đốc Truyền thông; ông Sean Spicer, phát ngôn viên của tòa Bạch Ốc, ông Reince Priebus, Chánh văn phòng tòa Bạch Ốc; ông Anthony Scaramucci, Giám đốc Truyền thông của tòa Bạch Ốc; ông Steve Bannon, Cố vấn Chiến lược của tòa Bạch Ốc, cận thần số 1 của Trump.

BBC có bài: Thông điệp đằng sau dấu chấm than của ông Trump. Trong năm 2016, có 2.251 dòng tweet của ông Trump sử dụng dấu chấm than. Nhà văn Mỹ Bill Bryson viết, cách dùng dấu chấm than là để ‘thể hiện cảm xúc mạnh’ chẳng hạn như: ‘Cút đi!’ hay sự nguy khốn: ‘Cứu tôi với!’.

Khổ thân ông Trump, nói ngọng mà thích nói, viết bậy mà lại thích viết. Viết sai chính tả liên tục mà cứ thích tweet, hết “covfefe”, tới “hear by”, “hearby”, “honered”… Rồi cái tweet mới đây nhất lại sai tiếp, Trump viết chữ “heel”, thay vì “heal”.

Viết sai chính tả hay bỏ dấu không đúng, ở người dân thường không gây ảnh hưởng gì mấy, nhưng ở cương vị nguyên thủ quốc gia, có thể gây ra nhiều hệ lụy. Nhà Trắng dưới thời Trump đã từng viết sai tên bà Thủ tướng Anh Theresa May tới 3 lần, thành “Teresa May”, biến bà từ thủ tướng thành diễn viên đóng phim khiêu dâm bởi ở Anh có ngôi sao đóng phim khiêu dâm (porn star) tên “Teresa May”.

VOA đưa tin: Ông Trump đi vận động ủng hộ viên nòng cốt. Nhà sử học Allan Lichtman nói rằng, ông Trump càng ngày càng đẩy phe Cộng hòa vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ông Lichtman nói: “Họ không thể sống cùng ông ấy vì ông ấy là gánh nặng đối với sự nghiệp chính trị của họ và những chính trị gia không quan tâm gì khác ngoài sự tồn vong chính trị của họ”, nhưng “họ cũng không thể sống thiếu ông ta vì họ sợ mất các ủng hộ viên nòng cốt của ông ta“. – Biểu tình lớn khi Trump đến Arizona dự cuộc tập hợp với người ủng hộ(VOA).


Trung Quốc
RFI đưa tin: Thêm một tạp chí học thuật bị Trung Quốc kiểm duyệt. Trung Quốc yêu cầu tạp chí Journal for Asian Studies, thuộc Hiệp hội Nghiên cứu châu Á, có trụ sở tại Mỹ, do Nhà xuất bản Đại Học Cambridge của Anh phát hành, ngăn chặn việc truy cập khoảng 100 bài báo.

Hiệp hội Nghiên cứu châu Á bày tỏ quan ngại về hành động của Bắc Kinh, cho rằng, đây là ‘sự vi phạm nền học thuật’. Hiệp hội này cũng ra thông cáo trên trang web của họ, viết: “Chúng tôi phản đối mọi hình thức kiểm duyệt và sẽ tiếp tục việc trao đổi tri thức tự do giữa các học giả trên toàn thế giới”.

RFI đưa tin: Trung Quốc: Một luật sư bảo vệ nhân quyền “thú nhận” tội tại tòa. Luật sư Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong) chuyên bảo vệ những vụ án “nhạy cảm” ở Trung Quốc, như giáo phái Pháp Luân Công bị cấm, các nhà đấu tranh Tây Tạng, hay các nạn nhân vụ sữa nhiễm độc.

Sau khi mất tích từ tháng 11/2017, hôm 22/08/2017, LS Giang Thiên Dũng xuất hiện tại một phiên tòa và nhận tội “kích động phá hoại Nhà nước”. Tòa án đã công bố trên mạng một clip trong phiên xử, trong đó LS Giang Thiên Dũng khẳng định là ông “bịa chuyện” để bêu xấu chính quyền Trung Quốc và ông “thành thật xin lỗi”.


*
*
Bài Mới Nhất
23/08/2017
23/08/2017
23/08/2017
23/08/2017
22/08/2017
22/08/2017
22/08/2017
22/08/2017
22/08/2017
22/08/2017










No comments:

Post a Comment

View My Stats