Friday, 25 August 2017

QUỐC GIA và THỦ ĐÔ ĐỀU VÔ CHỦ (Bùi Quang Vơm)





Chủ tịch nước Trần Đại Quang vắng mặt từ ngày 26/07, đã gần một tháng. Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải theo tháp tùng Tổng bí thư đi Indonesie và Mianmar từ ngày 21/08, và sẽ không có mặt tại Thủ đô đến hết ngày 26/08. Điều gì đang xảy ra trên sân khấu chính trị Việt Nam những ngày gần đây, khi cùng một lúc, Nhà nước và Thủ đô đều không có người đứng đầu? Nếu chiến tranh xảy ra, nếu có đảo chính?

Ông Trần Đại Quang thực đã biến mất một cách bí ẩn từ ngày 26/07/2017, không một lý do. Dư luận đòi trước khi "biến", với tư cách chủ tịch nước, chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, ông Quang phải bàn giao quyền hạn và trách nhiệm cho người thay thế, nhưng ông Quang không xuất hiện, không một phản hồi, không một tín hiệu. Bộ chính trị, Ban bí thư, Ban tuyên giáo, không một lời giải thích.

Ông Quang không ốm bệnh. Người ta thấy suốt hai ngày liền, ngày 25/07 và ngày 26/07, cho đến tận trước khi biến mất, ông đi thăm các nơi, phát phong bì tiền cho những thương binh nghèo, sau khi đăng một bài viết rất dài, đầy tâm huyết có tên là "uống nước nhớ nguồn". Ông cố tình đi nhiều nơi thăm nhiều chỗ để chứng tỏ ông không bệnh.

Từ đấy, ông ở đâu đó, không ai thấy, nhưng vẫn đều đều gửi điện chúc mừng quốc khách các nước. Và để làm như ông không hề vắng mặt, ngày 20/08, người ta thấy ông gửi đăng một bài viết cũng rất dài “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới”, mặc dù cũng một nội dung này, trước đó, vào ngày thứ năm, 7/11/2013, ông đã viết "Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia".

Hai bài cách nhau một năm, nhưng nội dung là một, không một ý tưởng nào mới, không một thông tin nào chững tỏ vừa xảy ra. Báo Nhân Dân đăng bài này ngay ngày 20/08, nhưng bây giờ đã không tìm thấy, như đã gỡ xuống.

Nhiều nhận xét cho rằng, bài thứ hai này không khải do ông viết, mà do một bàn tay của một người khác, cóp lại bài viết cũ, xào xáo và thêm thắt. Có lẽ thế, chỉ bởi vì không ai tự lặp lại mình, trừ khi đã thành người lẩn thẩn, kiểu "ăn rồi bảo chưa ăn".

Dù là cách giải thích nào, dù là thực tế diễn ra kiểu gì, thì một sự thật có thể thấy là ông Quang không vắng mặt vì đi chữa bệnh. Hoặc là ông bị đi "chữa bệnh", trong tình trạng hoàn toàn khỏe.

Có nghĩa là ông bị buộc phải vắng mặt. Tại sao?

Ông không được phép có mặt vào ngày Quốc khánh 2/9, nên phải làm như vì lý do gì đó, ông đã vắng mặt từ cả tháng trước, chứ không phải do sự cố, để không tạo sốc gây xáo động cho dư luận.

Nếu ông không được phép xuất hiện trong ngày Quốc khánh với tư cách Chủ tịch nước, thì nhất định là do đã có một quyết định từ Bộ chính trị, nghĩa là ông đã bị phế truất chức vị Chủ tịch nước. Mà chức Chủ tịch nước chỉ bị phế truất đương nhiệm khi vi phạm Pháp luật hay phạm tội phản Quốc.

Ông Quang có thể phạm tội gì?

Ông vi phạm pháp luật từ khi ông còn giữ chức Bộ trưởng bộ Công an dưới quyền ông Thủ tướng tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng? Ông dính tới các vụ ăn chia từ khoản tham ô 36 tỷ đô-la thụt két của Tập đoàn Dầu khí do ông Dũng, ông Vũ Huy Hoàng và ông Đinh La Thăng là người chủ mưu, mà Trịnh Xuân Thanh là người nắm trong tay toàn bộ danh sách những tên tuổi nhận tiền? Ông dính tới khoản 1,5 triệu đô tiền hối lộ của Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển cho ông qua tay Dương Chí Dũng và ông là chủ mưu vụ thủ tiêu Dương Chí Dũng trong tù nhằm diệt khẩu, như đồn đoán cách đây một năm?

Còn giả thuyết Phản quốc là thế nào? Phản quốc trong trường hợp này có thể là đảo chính lật đổ chế độ. Có phải ông đang âm thầm tổ chức cuộc phục thù cùng với Nguyễn Tấn Dũng không? Như tin mật tiết lộ, thì chính ông là người từng có công tổ chức dập tắt âm mưu đảo chính cướp chính quyền của ông Phùng Quang Thanh dưới sức ép của Trung Quốc hồi tháng 5 năm 2015, trước khi ông Trọng đi Mỹ, nhằm trừng phạt và đe dọa ông Trọng ngả vào tay Mỹ?.

Đất nước đang không có chủ tịch, nhưng có sao đâu, chỉ cần có sự có mặt của một vị Tổng bí thư là đủ. Không ai biết lý do ông Quang đi đâu trước khi có chuyến Tổng thống hai nước Indonesie và Mianmar mời nguyên thủ Việt Nam. Chủ tịch không có mặt, thì ai là nguyên thủ? Nguyên thủ là cách gọi khác và là cách gọi đúng bản chất hơn cho chức danh Tổng bí thư, vì thực tế, người quyết định cuối cùng, người đại diện chủ quyền cao nhất của quốc gia đích thực là Tổng bí thư, chứ không phải là Chủ tịch nước.

Ông Quang phải ốm bệnh hay vì gì đó để vắng mặt đúng lúc. Và người ta phải quen đi với việc Tổng Bí thư là đủ và đúng bản chất. Hoặc Tổng bí thư là Chủ tịch nước, hoặc chỉ đơn giản Tổng bí thư là nguyên thủ quốc gia, không có chức vụ chủ tịch nước, thừa!. Đảng của toàn dân, thì tổng bí thư đảng khác gì tổng thống và phải đương nhiên là tổng thống.! Ông Trọng đi là đi thay, nhưng để thiên hạ thấy là ông mới đúng, đúng hơn bất cứ ai khác. Nhất thể hóa là hợp quy luật, hợp cả lòng người!

Người ta vẫn bảo là ông Trọng Lú, nhưng là lú ăn người!

Ông Hoàng Trung Hải đang bị buộc phải bỏ Hà Nội để tháp tùng ông Trọng trong chuyến đi kép dài ngày thăm Indonesie và Mianmar? Theo sự sắp xếp đoàn khi hội đàm với lãnh đạo nhà nước Indonesie, ông Hải ngồi bên trái ông Trọng, nghĩa là ông là nhân vật quan trọng thứ ba trong đoàn, sau ông Trọng và ông Phạm Bình Minh ngồi liền kế bên phải. Chuyến thăm kết thúc mà không thấy có chuyện kết nghĩa hai thủ đô, không có hiệp ước hiệp định gì giữa Hà Nội với thành phố nào của Indonesie, chỉ với chức vụ bí thư thành uỷ Hà Nội, không hiểu ông giữ vai trò gì trong đoàn?

Nếu không có vai trò trách nhiệm gì cụ thể trong đoàn đi thăm, tại sao ông phải bỏ việc của người đứng đầu một thành phố quan trọng nhất nước suốt cả tuần, trong khi tình hình chính trị rõ ràng đang rất phức tạp?

Người ta nhớ tới chuyện đưa ông Nguyễn Văn Bình lên uỷ viên Bộ chính trị và Trưởng ban Kinh tế Trung ương không phải là lên chức mà để trống chỗ Ngân hàng Nhà nước, buộc phải bố trí người khác thay thế, nhưng để mật vụ có thể làm luôn việc điều tra ngay từ bên trong.

Người ta cũng nhớ chuyện ông Phùng Quang Thanh được bố trí phải đi Pháp chữa bệnh, để ở nhà, ông Ngô Xuân Lịch trao quyết định cho trung tướng Phí Quốc Tuấn Tư lệnh và Chính uỷ Bộ tư lệnh Thủ đô, trung tướng Lê Hùng Mạnh về hưu và bàn giao ngay tức khắc trong cùng một ngày.

Việc ông Hoàng Trung Hải tháp tùng Tổng bí thư trong chuyến đi quan trọng, vừa có nghĩa là ông Hải chuẩn bị cho một vị trí khác quan trọng hơn vị trí bí thư thành uỷ Hà Nội, vừa có nghĩa là ông sắp phải bàn giao chức bí thư Hà Nội cho người khác.

Trong bối cảnh gần như tất cả những cán bộ chịu trách nhiệm trực tiếp tới thảm họa Formosa đều đã bị kỷ luật, thì cấp trên trực tiếp không thể thoát trách nhiệm, chính ông Hồ Anh Tuấn nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, từng nói: "Chúng tôi ký, nhưng phải có người cho phép ký thì mới ký". Cấp cho phép trực tiếp của ông là ông Hoàng Trung Hải, và Ông Hải thừa lệnh của ông Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy, sau khi đã đủ căn cứ để cảnh cáo Bộ trưởng tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang, cách chức nguyên thứ trưởng tài nguyên môi trường của hai ông Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai cùng với hàng ngũ bí thư, chủ tịch, trưởng ban quản lý dự án Formosa của tỉnh Hà Tĩnh, thì căn cứ để kỷ luật ông Hải và ông Dũng không thể bỏ qua được.

Như vậy, chuyện vắng mặt tại Hà Nội những ngày này, nhiều khả năng đang có sự chuẩn bị cho ông Hải ra khỏi chức bí thư Hà Nội, chờ đợi một quyết định cách chức uỷ viên bộ chính trị, hơn là cho ông lên chức. Cao hơn chức bí thư Hà Nội, chẳng có chỗ nào hợp với ông này.

Một tuần ông vắng mặt, tất nhiên việc của ông sẽ có người thay thế, dù chỉ tạm, nhưng sẽ tạo ra ấn tượng rằng, không có ông thì cũng đã sẵn có người thay thế, và nếu ông đi thật, thì cũng chẳng có gì bất thường. Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam sợ nhất là thay đổi bất ngờ.

Chính vì vậy Việt Nam làm như vừa điếc, vừa câm. Sự thật là Bộ chính trị, Ban bí thư nghe thấy hết, biết hết, nhưng người ta sẽ nói khi tất cả đều đã nói và nghe chán, mọi người khi đã biết hết và không thèm nghe nữa, lúc đó sẽ được nghe, và sẽ chẳng ai thèm bàn thêm. Họ sẽ làm đúng những gì Đức yêu cầu, nhưng âm thầm, và không một lời bàn nào được phép lọt ra.

Vì vậy, nhiều khi chẳng có chuyện gì, nhưng để chuẩn bị cho một chuyện vô ý nào đó, Ban tuyên giáo được lệnh tung tin gây tranh cãi. Khi mọi tranh cãi đã bão hòa, thì cái vô lý kia xuất hiện như một chuyện tự nhiên phải có. Người ta đã nghe thành quen rồi. Chuyện bịa, nhưng nghe mãi, tranh cãi mãi thành ra chuyện có thật, hoặc thật hay giả cũng chẳng còn gì đáng quan tâm nữa.

Lịch sử đã chứng minh, những con người thuộc hệ thống cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam là những bậc thầy về khoa học quản lý dư luận. Đó là thuộc tính của những kẻ chuyên sống vụng trộm, của những sinh vật sợ ánh sáng ban ngày.

Cho nên mới có chuyện cùng một lúc cả Nhà nước lẫn Thủ đô đều không có người đứng đầu, nhưng không một ai hiểu tại sao và không có ai có trách nhiệm giải thích.

Trong những câu hỏi không có câu trả lời thường chứa đựng những xung đột khác thường, để đến khi các xung đột ấy vỡ ra thành câu trả lời thì đã quá muộn cho bất cứ sự chữa chạy nào.

24/08/2017







No comments:

Post a Comment

View My Stats