Saturday, 19 August 2017

ÁN VĂN (Nguyễn Thông)




Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Trong 2 kỳ trước, tôi đã lược lại những vụ án văn nổi cộm trong đời sống văn nghệ lẫn đời sống xã hội xứ này, như Nhân văn-Giai phẩm (nhiều văn nghệ sĩ bị đi tù, cải tạo, tước quyền sống, quyền sáng tác), Việt Phương với "Cửa mở", Hoàng Cát với "Cây táo ông Lành", Hữu Loan với "Màu tím hoa sim", Quang Dũng với "Tây tiến", Bùi Ngọc Tấn với "Chuyện kể năm 2000"… Đương nhiên văn nghệ sĩ là nạn nhân, chỉ bởi vì họ là những con người cương trực, thẳng thắn, tôn trọng quyền tự do sáng tác, không chịu khép mình vào thứ văn nghệ phục vụ chính trị thô thiển; còn thủ phạm không phải ai khác chính là nhà cầm quyền. Lúc nào miệng họ cũng nói quyền tự do cho văn nghệ sĩ nhưng tay thì chỉ nhăm nhăm chụp vòng kim cô chính trị lên đầu đám sáng tác, anh nào cố tình chạy trốn, thoát ra sẽ bị pháp luật (cũng của họ) trừng trị.

Viết đến đây, tôi lại nhớ chuyện hoặc giai thoại về những ông lãnh đạo đảng cộng sản xứ này chỉ đạo văn nghệ. Hồi những năm giữa thập niên 60, khi đám văn nghệ vẫn chưa hoàn hồn sau cuộc cách mạng long trời lở đất trừng trị đám phá hoại Nhân văn-Giai phẩm (được ví kinh khủng tai hại như cuộc Cải cách ruộng đất trong văn nghệ) thì ông Trường Chinh tìm cách trấn an. Anh Năm (tên thân mật của ông Trường Chinh) trong một buổi gặp các nhà văn nhà thơ, nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, khi nghe đây đó có ý kiến về quyền tự do sáng tác, ông liền cười mỉm, rằng "ai nói đảng không cho các anh các chị quyền tự do sáng tác. Nói thế là hồ đồ. Đảng vẫn cho các anh các chị quyền tha hồ chửi đế quốc Mỹ đó sao". Đám nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ ngồi nghe chết lặng. Mà đúng thật, những gì “anh Năm” nói đều có thực tế, và sau chỉ đạo ấy của ông lại càng lộ mạnh hơn quyền tự do chửi Mỹ trong các sáng tác.

Tôi vẫn nhớ hồi bé người ta truyền tai nhau câu thơ, cứ bảo của “nhà thơ” Bút Tre nhưng chả biết có phải không: “Trên rừng con khỉ đánh đu/Thằng Ngô Đình Diệm mút cu bác Hồ”. Rồi sau ông Diệm bị dí là thằng thì tới thằng Thiệu, thằng Kỳ. Năm 1966, nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình có viết trên báo Nhân Dân chửi Thiệu-Kỳ (tôi đọc bài này bởi thày tôi sai ra ủy ban mượn báo để đọc ké, vẫn còn nhớ câu mở đầu: “Hội nghị Gu-am được gọi đi/Thằng Thiệu thằng Kỳ tầm váo tầm vênh”. Mà chả riêng Ngô Đình Diệm bị gọi là thằng, các đời tổng thống Mỹ đều được phong "thằng" tuốt: thằng Ai xen hao, thằng Ken nơ đi, thằng Giôn xơn, thằng Ních xơn, thậm chí người ta còn khuyến khích các gia đình nuôi chó đặt tên chó là con Giôn xơn, con Ních xơn để chửi cho sướng miệng.

Nhân chuyện quan điểm tự do sáng tác của ông Trường Chinh, tôi lại nhớ hồi học ở Mễ Trì, thầy chủ nhiệm khoa Hoàng Xuân Nhị tuy làm lãnh đạo khoa nhưng vẫn tham gia dạy phần văn học Xô viết và phần lý luận tính đảng trong văn học. Một lần thầy nhắc đến chi tiết trong đại hội các nhà văn Xô viết, nhà văn Pha đê ép (Fadeev) đã rất hùng hồn khẳng định “chúng ta được viết theo tiếng gọi của trái tim mình. Nhưng trái tim chúng ta đã thuộc về đảng”. Thầy bảo, đại loại đó là quyền tự do sáng tác, là tính đảng trong văn học của nền văn học xã hội chủ nghĩa ưu việt.

Vị thứ 2 ở xứ này để lại dấu ấn với đời sống văn nghệ là ông Nguyễn Văn Linh. Sau khi được các đồng chí của ông vật cho lên bờ xuống ruộng, đến năm 1986 thì ông được bầu làm tổng bí thư. Ông từng một thời được ca ngợi là nhân vật đổi mới, với những mẩu ngắn trên báo Nhân Dân trong mục “Những việc cần làm ngay” ký tên NVL, tên tắt của ông nhưng đám tuyên giáo khen nịnh thối thành “Nói và làm”, còn dân gian cứ gọi nôm na là ông “en nờ vê e lờ”. Một trong những việc đầu tiên ông làm sau khi ngồi ghế nóng là lấy lòng văn nghệ sĩ. Ngày 6.10.1987, ông gặp họ, tuyên bố hùng hồn phải “cởi trói cho văn nghệ sĩ”, còn ai trói, trói thế nào, vì sao trói, v.v.. thì ông không nói. Đám văn nghệ phấn khởi, lại được các bác Trần Độ, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyên Ngọc hô xung phong nên hào hứng lắm. Những tác phẩm vang dội như "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc, hàng loạt phóng sự của Trần Huy Quang, những quan điểm táo bạo của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến… ra đời trong dịp này. Nhưng ông Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) cuối cùng cũng chỉ là anh chết nhát, nửa vời, đảng của ông ấy không ủng hộ quan điểm cởi trói nên ổng co dần lại, sống chết mặc bay. Kết quả là báo Văn Nghệ bị bóp chết, các ông Trần Độ, Nguyên Ngọc bị đưa lên “đoạn đầu đài”, đời sống văn nghệ lại một lần nữa tan tành, chả khác gì văn nghệ Trung Quốc sau cú lừa “Trăm hoa đua nở”, tới nay (năm 2017) vẫn không gượng dậy được mặc dù đã mấy chục năm trôi qua.

Phải những ai từng nếm mùi phê phán từ bộ máy tuyên giáo truyên truyền của đảng thì mới hiểu thế nào là “văn nghệ phục tùng, phục vụ chính trị”. Đảng có thể biến một tác phẩm hết sức bình thường thành thứ cực kỳ nguy hiểm đối với họ, gán vào đó những cái gọi là âm mưu, ý đồ, biểu tượng hai mặt, cao hơn nữa thì quy rằng nó ẩn chứa hoặc công khai thái độ thù nghịch, chống phá. Như tôi đã từng kể ở 2 bài trước, hàng loạt bài văn thơ của Nhân văn-Giai phẩm, rồi thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan, thơ Việt Phương, truyện ngắn Hoàng Cát… bị đánh tơi tả, người viết không ngóc đầu dậy nổi, phải ẩn dật, trốn chui trốn lủi, tìm đủ mọi cách mới sống qua ngày đoạn tháng. Thời ấy, những người dân bình thường đã phải chịu cuộc sống cực kỳ vất vả, huống hồ người có tiền án tiền sự với chế độ, dù chỉ là án văn nghệ.

Thời tôi sống, tôi được chứng kiến, được nghe, được biết thêm khá nhiều vụ án văn khác, xuất phát từ bàn tay sắt của đảng, mà cụ thể là các ông Trường Chinh, Tố Hữu, Hà Xuân Trường, Như Phong, những đao phủ văn nghệ. Chả mấy ai không biết cuộc đời lận đận của ông Hà Minh Tuân, tác giả mấy cuốn tiểu thuyết “có vấn đề”. Ông Tuân từng tham gia cách mạng và quân đội rất sớm, hàm đại tá, năm 1954 đã leo đến chức Trưởng phòng Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị (ông đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Chủ nhiệm tổng cục này). Có máu văn nghệ, lại lãng mạn, ông Tuân viết liền mấy cuốn tiểu thuyết "Trong lòng Hà Nội", "Hai trận tuyến", "Vào đời", cuốn nào bạn đọc cũng thích nhưng đảng không thích. Những cuốn này bị quân ông Tố Hữu đập tơi tả, chê mất lập trường cách mạng, không phân biệt được ta và địch, ủy mị, yếu đuối, đồi trụy. Cứ sau khi sách ra lại bị thu hồi. Ông Tuân lên bờ xuống ruộng, bị cách chức, chuyển qua hết việc này đến việc khác (thời ấy đại tá to lắm nên không dễ gì lôi ra tòa), nhưng đời văn tàn luôn.

Một ông khác, nhà văn Phù Thăng, bị đánh cuốn tiểu thuyết "Phá vây" ra đời năm 1961. Một cuốn truyện hay về đề tài chiến tranh nhưng nhà cầm quyền cho rằng tác giả đã mất lập trường, nhìn sai lạc về cuộc kháng chiến, đặc biệt làm méo mó hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ. Sách bị cấm, thu hồi, tác giả phải về quê Hải Dương chăn vịt, một thời gian sau mới được viết lại nhưng đời văn cũng nhiều bề lận đận.

Lứa chúng tôi cũng từng chứng kiến 2 vụ án văn là bài thơ "Vòng trắng" của Phạm Tiến Duật và "Sẹo đất" của Ngô Văn Phú. Hai ông nhà thơ này trưởng thành thời chống Mỹ, tạo dựng được tên tuổi, thậm chí ông Duật từng nổi danh là nhà thơ số 1 viết về Trường Sơn, vua biết mặt chúa biết tên, trọng vọng lắm. Những năm cuối thập niên 60, đầu 70 đang khí thế hừng hực chống Mỹ, văn nghệ bị cuốn vào chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ta thắng địch thua, thế đứng trên đầu thù, “40 thế kỷ cùng ra trận/Có đảng ta đây, có Bác Hồ”, anh nào lệch ra khỏi quỹ đạo là chết ngay. Tự dưng ông Duật viết bài "Vòng trắng", in tháng 1.1974. Lúc đầu có lẽ do tiếng tăm ông Duật vẫn còn cao, vả lại bài thơ được in trên tạp chí Thanh Niên ít người đọc nên người ta không để ý mấy. Ông Duật viết “Có mất mát nào lớn bằng cái chết/Khăn tang, vòng tròn như một số không”. Sau chả biết có ai mách ông Tố Hữu, thế là báo Nhân Dân và tạp chí Học tập nã đại bác vào thần tượng Phạm Tiến Duật. Tạp chí Học tập (sau đổi tên thành tạp chí Cộng sản) tháng 9.1974 dõng dạc kết án “Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở...”. Chỉ cần chừng ấy thôi là thành án, ông Duật mất bao nhiêu công phân trần, giãi bày nhưng đảng chả chịu nghe.

Còn ông Ngô Văn Phú ra mắt "Sẹo đất" năm 1972. Chả là nhìn cái hố bom, ông nghĩ có lẽ đất nó cũng như người, nó đau lắm. Trong bài thơ có câu “Tưởng như da thịt mình mới sẹo/Ai ngờ đất cũng sẹo như mình". Đám tuyên giáo phang luôn, quy kết ông Phú có vấn đề về tư tưởng, không xác định rõ tính chất của cuộc chiến tranh giữa ta và địch, gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây suy nghĩ sợ chiến tranh trong nhân dân. Ông Phú bị kiểm điểm, bị cách chức, gây bao phiền phức về sau. Nhìn chung tội của ông Duật ông Phú là sáng tác theo suy nghĩ cá nhân, không đi đúng đường lối quan điểm "ta tốt địch xấu, ta thắng địch thua" của đảng, phải phê phán triệt để làm gương cho kẻ khác.

Dưới thời “văn nghệ cách mạng”, bất cứ động thái nào của văn nghệ sĩ bị nhà cầm quyền không ưa đều có thể thành tội. Người cai trị hay lo sợ vu vơ, nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm, bởi “văn nghệ sĩ chúng nó thâm lắm”. Có khi đang bình thường, nghe ông bà kễnh nào phát ra ý nhận xét chi đó về tác phẩm này nọ, thế là vội vàng tổ chức chiến dịch đánh cho tơi tả, rồi cấm. Miền Bắc có dạo cấm suốt một thời gian dài những bộ phim rất hay của Liên Xô như "Đàn sếu bay qua", "Bài ca người lính", "Số phận con người" (đầu thập niên 1960), hoặc cuốn "Truyện núi đồi và thảo nguyên" (của Aimatov) chỉ bởi lúc ấy ở Liên Xô có “chủ nghĩa xét lại”, mà chủ nghĩa này nhà cầm quyền Việt Nam cho là phản động, đi chệch khỏi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản, nên phải cấm.

Án văn xứ này nhiều lắm. Kể từ khi thơ văn của Nguyễn Trãi bị đốt thành tro sau vụ án oan tày đình thế kỷ 15 đã bao nhiêu nước trôi qua cầu, bao án văn oan ức chồng chất lên số phận người sáng tác, mà xảy ra nhiều nhất trong “thời đại cách mạng” người cộng sản nắm quyền. Nếu kể ra, phải vài cuốn sách, đặc biệt những vụ tịch thu và thiêu hủy “văn hóa đồi trụy”, bắt văn nghệ sĩ đi cải tạo (thực chất là tù đày) sau ngày 30.4.1975. Nhiều sự việc đã bị lãng quên, nhiều vụ nhạt dần theo năm tháng, nhưng tôi nghĩ có lẽ ở người nào đó, bộ phận nào đó vẫn lặng lẽ ghi chép đầy đủ, sau này bổ sung vào cuốn sử chân thực của xứ này cho cháu con được tỏ tường.

Nguyễn Thông
Được đăng bởi Nguyễn Thông vào lúc 15:32:00 

*
*
Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Hôm trước trong bài Án văn phần 1, nhân nhắc lại vụ án văn nghệ kinh thiên động địa Nhân văn giai phẩm, tôi lục tìm đống sách nhà mình tòi ra mấy cuốn đáng giá, giấy đã ố vàng theo thời gian, quý nhất là cuốn Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa của ông Tố Hữu. Quý ở chỗ muốn nói thì phải có sách, mách có chứng, kẻo ai đó lại bảo mình phịa. Lẩn mẩn giở đọc mấy bài, cứ giật thon thót. Giời ạ, làm sao mà ngày xưa người ta lại có thể tung hô bốc lên tận may xanh được cái giọng điệu đao phủ, phát xít, côn đồ như vậy. Rồi tặc lưỡi, với ông trùm - chánh mật thám phòng nhì nhà đoan kiểm duyệt văn nghệ Tố Hữu ấy, không tung không hô thì chỉ có nước đi tù.

Lạ ở chỗ, khá nhiều vụ án văn nghệ có dính dáng, liên quan tới ông Lành (Tố Hữu) nhưng về sau người ta cố gắng chiêu tuyết cho ổng, thậm chí bảo ông không có lỗi, không can dự gì vào những số phận bị vùi dập, chẳng hạn với Phùng Quán (cháu họ ông, gọi ông bằng cậu), Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang (nhóm Nhân văn giai phẩm), Hoàng Cát (vụ Cây táo ông Lành), Phạm Tiến Duật (vụ Vòng trắng), Việt Phương (vụ Cửa mở)… Người ta biện hộ, nếu muốn quy trách nhiệm cho ông Tố Hữu thì phải có chứng cứ, văn bản, lệnh của ông. Có những bài bênh ông còn viết rằng ông rất quý Phùng Quán, ông tình cảm với Hoàng Cát, ông khen Việt Phương…, thế mà cứ đổ vấy cho ông, v.v..

Xin nhớ rằng, trong bộ máy cai trị này, chả riêng trong lĩnh vực văn nghệ, lệnh miệng nhiều khi còn ghê hơn lệnh giấy. Không vừa ý cái gì, người ra lệnh chỉ nói vài ba câu, cấp dưới cứ thế mà quắn đít thực hiện. Cấm cãi. Bố đứa nào dám cãi. Ông Phạm Tuyên viết nhạc, công lao với cách mạng ít ai bằng, nhưng mấy lần xét giải thưởng Hồ Chí Minh đều trượt, chẳng hạn “ngài to to” nào đó thủng thẳng buông một câu “ông ta là con Phạm Quỳnh, cần phải thận trọng, xem xét cho kỹ” thì danh sách đóng lại cái rụp. Xứ này, biết bao người, trong đó có văn nghệ sĩ, chết bởi những câu vu vơ kiểu vậy.

Tuy nhiên, ông Tố Hữu không chỉ vu vơ, ông ấy còn để lại chứng tích tội ác bằng giấy trắng mực đen về những hành đồng đao phủ chặt chém của ông ta. Chỉ riêng cái bài tổng kết mà tôi nhắc ở trên, trong đó ông miệt thị, khinh bỉ, chửi bới, kết án những Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Trần Duy…, gọi họ là rác rưởi, cặn bã, lưu manh, gái điếm, quân bợ đít, phản động, kẻ thù giai cấp, kẻ phản bội nhân dân, ăn cháo đái bát…, chính ông ấy nói ra chứ có ai ép phải viết thế đâu. Cũng như sau này có vài người bênh ông Lê Đức Thọ, nói ổng nhân tình với các nạn nhân vụ Xét lại chống đảng lắm, đừng vu oan, nói quá cho ông ấy. Vâng, nhân tình hay không thì cứ phải hỏi con cháu của cụ Vũ Đình Huỳnh, ông Vũ Thư Hiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Kiến Giang, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà báo Tuân Nguyễn… là rõ ngay. Họ là người trong cuộc, máu và nước mắt đọng đầy trên mặt, gạt đi cũng chả hết, vu cáo ông ấy làm gì.

Thế hệ chúng tôi, chả mấy ai không biết những vụ án văn liên quan đến Hữu Loan, Quang Dũng. Hai ông nhà thơ này là cái gai trong mắt nhà cai trị. Nào có tội tình chi, chỉ đem cái tình cảm chân thật, riêng tư vào thơ. Ông Hữu Loan viết Màu tím hoa sim, ông Quang Dũng viết Tây tiến, nhiều người đọc khen hay, nhưng quan lãnh đạo tuyên huấn, văn nghệ thì bảo không hay, thậm chí độc hại. Theo quan, phải trừng trị. Đã không viết về thời đại anh hùng, cuộc sống anh hùng, con người anh hùng, khí thế cách mạng, đã không chịu ca ngợi đảng, bác mà lại còn ủy mị, sướt mướt, bi lụy, riêng tư, cá nhân, gây mất sức chiến đấu… thì cứ phải dẹp. Phải ngon như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông… thì mới cho vào sách giáo khoa được. Sách giáo khoa môn văn, từ cấp 2 đến hết cấp 3, ngồi chễm trệ chiếu trên là thơ ông Tố Hữu, và tất nhiên phải có thơ văn Hồ Chí Minh ở hàng đầu dù không hay, sau đó là thơ văn của những ông ngoan. Học sinh, sinh viên tha hồ học thơ, ngâm thơ, làm bài thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi về thơ Tố Hữu và thơ của những ông ngoan kia, còn đám Hữu Loan, Quang Dũng là cấm tiệt, không cho bén mảng vào sách, nếu có nhắc tới thì cũng chỉ nhắc trong bài khái quát với lời chê bai, phê phán kịch liệt. Cho chừa cái thói không đi theo đường lối văn nghệ của đảng. Ông Hữu Loan phải bán xới khỏi Hà Nội bỏ về quê xứ Thanh làm ruộng, khai thác đá, ông Quang Dũng về xứ Đoài ẩn thân, tiệt đường văn chương, có viết cũng chả ai dám đăng, sợ bị liên lụy.

Điều trớ trêu là, mãi về sau, khi cuộc sống biến thiên, bãi bể nương dâu, thơ các ông Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng lại ùa vào sách giáo khoa, còn thơ mấy ông Tố Hữu, Xuân Diệu… lui dần. Âu cũng là sự trả lại giá trị đích thực của văn chương. Những gì đáng được tồn tại thì dù có bị vùi dập, khủng bố mấy đi chăng nữa cũng vẫn có ngày trở về vị trí tương xứng, còn mấy thứ văn nghệ chính trị đương nhiên sẽ lụi tàn.

Những năm 71-72, giao thời chiến tranh và hòa bình, bỗng dưng nổi lên mấy vụ án văn nghệ. Có lẽ thời điểm này người ta ngại sự chao đảo, ngả nghiêng về tư tưởng nên săm soi kỹ. Ngoài vụ tập thơ Cửa mở của cụ Việt Phương vừa phát hành được thời gian ngắn thì bị thu hồi, báo Nhân Dân và tạp chí Học tập đánh cho tơi tả, thì làng văn dậy lên vài vụ khác. Cơ quan tuyên huấn ra sức mò mẫm các ngóc ngách, siết thật chặt, giương kính lúp lên soi từng chữ từng dòng. Họ mà phát hiện ra điều gì trái ý họ, lập tức thành án ngay. Năm 1972, khi lứa chúng tôi vào đại học, thấy xôn xao vụ Việt Phương, tìm khắp nơi không đâu còn cuốn Cửa mở. Nhà xuất bản, nhà in, hệ thống hiệu sách nhân dân đều trong tay đảng, có mà tìm trên giời. Nghe thầy Hà Minh Đức kể đến cả ông Phạm Văn Đồng thấy họ đánh dữ quá cũng chả dám bênh vực đồng chí thư ký thân thiết của mình. Phải đến mấy chục năm sau, Cửa mở của ông Việt Phương mới được tái bản, những bài thơ ông viết về sau này mới được phép xuất bản. Ngài đổng lý văn phòng phủ thủ tướng còn bị thi hành án như vậy, dạng tôm tép như Hoàng Cát, Ngô Văn Phú, Phạm Tiến Duật… đừng có cãi đảng mà thêm nặng tội.

Năm 1974, đám sinh viên Văn khoa ĐHTH Hà Nội chúng tôi nghe xôn xao chuyện ông Tố Hữu giận lắm, có tay thương binh Hoàng Cát nào đó, được ông Xuân Diệu nhận làm em nuôi, viết truyện ngắn Cây táo ông Lành đăng trên báo Văn nghệ. Anh Bùi Trọng Cường học cùng lớp với tôi có quan hệ rộng lần ra được số báo ấy, cho tôi mượn xem. Tôi còn nhớ như in đó là một truyện thiếu nhi, in trên trang thiếu nhi nhân ngày 1.6, cũng ngắn thôi, dàn chữ từ trang trái sang trang phải, ở phía trên. Đọc thấy cũng bình thường, nhẹ nhàng, nhân văn, mang cái nhìn của một người yêu trẻ thơ. Đùng một cái, chả biết lệnh miệng từ ông nào (thời ấy nhiều ông có quyền ra lệnh lắm, họ là tướng quân trong bóng tối, như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Hoàng Tùng…), thương binh cụt chân Hoàng Cát bị đánh tơi tả. Ghê nhất là tạp chí Học tập (sau này đổi thành tạp chí Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng có thời là Tổng biên tập) nã đại bác vào thành trì thứ văn nghệ mà họ gọi là rác rưởi.

Trong bài phê phán Hoàng Cát và truyện Cây táo ông Lành, tạp chí Học tập dõng dạc “truyện ngắn về thiếu nhi đăng trên tuần báo Văn nghệ trong thời gian qua thuộc loại nấm độc nguy hiểm. Với lối viết kiểu "biểu tượng hai mặt" truyện này gieo rắc hoài nghi trong quần chúng đối với sự lãnh đạo của đảng ta, gieo rắc tư tưởng chống lại đường lối cách mạng chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền chuyên chính vô sản của chúng ta. Miêu tả cuộc sống heo hút tâm trạng u buồn của một ông già có người vợ chết vì bom, người con trai độc nhất "vào bộ đội đợt đầu tiên kể từ sau khi có lệnh hòa bình", truyện này không những bộc lộ quan điểm sai lầm của chủ nghĩa nhân đạo tư sản trong vấn đề chiến tranh mà còn có tác dụng như một lời kêu gọi phản đối chiến tranh cách mạng có hại cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước của nhân dân ta. Trong điều kiện chuyên chính vô sản, cuộc đấu tranh giữa hai con đường ở miền Bắc tiếp tục diễn ra gay go phức tạp, tác giả truyện ngắn đưa ra hình ảnh cái đầu lâu khủng khiếp và nói về việc "từ bỏ con đường này đi theo con đường khác" có dụng ý gì? Phải chăng đây là sự phản ứng giai cấp trước một số biện pháp như kiểm tra hành chính thu lại ruộng đất bị lấn chiếm, chống bọn ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa và bọn làm ăn trái phép bọn đầu cơ móc ngoặc, v.v.. mà nhà nước dân chủ nhân dân đã áp dụng để bảo đảm thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong việc giải quyết vấn đề "ai thắng ai" ở miền Bắc? Cùng với lối viết bóng gió xuyên tạc "nhà mới mà đã dột vì chuột bọ" tác giả đe dọa "bỏ" con đường mà tác giả cho là "con đường tắt" để đi con đường khác! Đó là một sự thách thức chế độ ta. Chuyện đã không chân thật chủ đề lại lấp lửng chi tiết, lại đáng ngờ gieo rắc những quan điểm tư tưởng sai trái, đây rõ ràng là một truyện xấu và có hại” (tạp chí Học tập số tháng 8.1974, trích theo Nguyễn Trọng Tạo).

Tòa đại hình của đảng đã kết án như thế, có mà chạy đằng trời. Hoàng Cát đành ngậm cười nơi anh từng hiến dâng tuổi xuân và một chân cho nó. (còn tiếp)

Nguyễn Thông
Được đăng bởi Nguyễn Thông vào lúc 10:38:00 

*
*
Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

Nhân chuyện bác Việt Phương, tác giả tập thơ nổi tiếng Cửa mở rời cõi nhân sinh hôm qua (6.5.2017), sực nhớ đến những vụ án văn ở xứ này.

Án văn, nói nôm na là những vụ án liên quan đến văn chương, văn nghệ, nhà thơ nhà văn, văn nghệ sĩ. Có khi nạn nhân chết chỉ do 1 chữ chứ không cần cả bài, cả tập. Chết mà không biết mình vì sao bị chết.

Phải công nhận xứ ta nhiều án văn, có những án kinh hoàng, thê thảm, đại bi kịch. Triều Lê Thái Tôn thế kỷ 15, con người bậc nhất của thời đại là Nguyễn Trãi đã chết bởi sự ganh ghét, đố kỵ của đám tiểu nhân đắc chí, trong đó có một phần từ án văn. Kẻ hoạn quan Lương Đăng được vua tin dùng vốn sẵn từ lâu ghét Nguyễn Trãi nên tìm mọi cớ vùi dập ông. Mỗi điều Nguyễn viết ra đều được Lương săm soi vạch vòi, Nguyễn có né cách mấy cũng bị quy thành tội. Lời tâu của cụ Nguyễn Ức Trai về nhã nhạc là ví dụ, chẳng những không được vua lắng nghe mà còn bị vua xem thường, bỏ qua bởi Lương Đăng đã xúc xiểm, cho rằng Nguyễn Trãi lên mặt dạy vua, coi thường bậc minh quân, bôi xấu thời đại dưới sự cai trị của đấng thiên tử chí tôn… Một khi vua đã loại ai đó ra khỏi mắt khỏi óc thì người đó chỉ còn cách chết. Vì vậy, thời điểm Nguyễn Trãi và 3 họ lên đoạn đầu đài cũng là lúc báo hiệu triều đại nhà Lê bắt đầu lung lay mục ruỗng, chỉ còn chờ ngày sụp đổ. Khi Lê Tư Thành lên ngôi, hiệu Lê Thánh Tông, ông ta đã cố hết sức giữ vững cơ nghiệp ông cha, trong đó có việc chiêu tuyết, giải oan cho Nguyễn Trãi nhưng dù gì đi chăng nữa thì án oan Nguyễn Trãi đã thành vết nhơ cực kỳ tệ hại trong lịch sử dân tộc, trong triều đại nhà Lê có nhiều chiến công hiển hách chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.


Thời tôi sống, từ lúc trẻ thơ học trong nhà trường tới khi lặn ngụp mưu sinh trong cõi đời, tôi đã nghe, đã chứng kiến nhiều án văn, có những vụ cho đến bây giờ vẫn là dấu hỏi lớn của lịch sử. Có những vụ, văn chương vốn dĩ vô tình nhưng qua bàn tay kẻ thủ ác đã vùi dập, giết hàng loạt người lương thiện, trong đó có những con người đẹp đẽ, tài hoa bậc nhất thời đại. Vụ Nhân văn giai phẩm là ví dụ điển hình.

Ai muốn biết bản chất vụ án văn Nhân văn giai phẩm, chả cần tìm đâu xa, chỉ cần vào đọc địa chỉ Facebook của nhà văn Thái Kế Toại là rõ. Ông Toại là công an văn hóa, hàm đại tá, công tác tại A25 (cục chuyên về văn hóa tư tưởng của Bộ Công an), được giao thụ lý hồ sơ vụ án văn này. Nhưng càng tìm hiểu, đi vào góc khuất, khám phá ra những điều mà nhà cai trị cố tình che giấu, ông Toại càng thấy đó là tấn bi kịch văn nghệ kinh hoàng, oan sai, oan trái, không chỉ tàn hại một thế hệ văn nghệ đầy công tích trong chiến tranh chống Pháp mà còn phủ cái bóng thảm khốc đen tối của nó ám ảnh cả nền văn nghệ dân tộc suốt thời gian dài về sau. Những số phận đại bi kịch như Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đào Duy Anh, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Trần Duy, Văn Cao, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Nguyễn Sáng, Phùng Cung … đã thành mồi ngon cho chiếc máy chém khát máu trí thức của bộ máy cai trị. Dính án, nói theo kiểu Nam Cao, cuộc đời họ cứ mòn đi, mục đi, không có lối thoát, kể cả trong nhà tù đằng đẵng 15 năm như Nguyễn Hữu Đang, hay được tại ngoại như Phan Khôi, Trương Tửu...

Nghĩ lẩn mẩn, nếu những con người tinh hoa ấy không bị dòng thác cách mạng tàn bạo kia vùi dập xuống tận bùn đen thì số phận dân tộc này chắc chắn sẽ khác rất nhiều. Dù mãi về sau, “người ta” cũng âm thầm sửa sai, lặng lẽ phục hồi danh dự, ban phát đền bù cho người này người nọ nhưng đó cũng chẳng qua là động tác vớt vát cứu vãn uy thế của nhà cầm quyền chứ cũng chả phải phục thiện, ăn năn hối lỗi gì. Điều dễ nhận thấy nhất là cho đến bây giờ, chính quyền chưa hề chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ Nhân văn giai phẩm, cũng như chưa hề có cuộc xin lỗi đầy đủ những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất mà họ đã tiến hành.

Tôi được biết tới vụ Nhân văn giai phẩm khi đã hơn 10 tuổi, lúc miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh chống lại máy bay Mỹ. Không biết ai đã cho thày tôi cuốn tạp chí (bị mất bìa nên tôi cũng không nhớ là tạp chí gì), số tổng kết cuộc đấu tranh chống lại nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm. Đọc những bài của Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Công Hoan, Như Phong… bốc lên mùi binh khí binh đao, sắt máu, tanh tưởi, hận thù, giờ nhớ lại vẫn rùng mình. Ngay lúc này đây, trên tay tôi là cuốn Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa của ông Tố Hữu, trùm văn nghệ cách mạng, một trong những thủ phạm chính của vụ Nhân văn giai phẩm. Trong bài Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm trên mặt trận văn nghệ, ông Lành có viết: “Lật bộ áo Nhân văn - Giai phẩm thối tha, người ta đã thấy cả một ổ phản động toàn những mật thám, gián điệp, lưu manh, trốt-kít, địa chủ, tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm” (trang 84, sách đã dẫn, NXB Sự Thật, 1982). Còn ông Nguyễn Công Hoan chửi cụ Phan Khôi "Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi/Thọ mi mi chúc chớ phiền ai/Văn chương, đù mẹ thằng cha bạc/Tiết tháo, tiên sư cái mẽ ngoài/Lô gích, trước cam làm kiếp chó/Nhân văn, nay lại hít gì voi/Sống lâu thêm tuổi cho thêm nhục/Thêm nhục cơm trời chẳng biết toi" (bài này có trong cuốn tạp chí mất bìa, đọc xong mấy anh em tôi thích quá, thấy chửi đã quá, khổ, hồi ấy trẻ con nào có biết gì).

Nếu đúng như ông Tố Hữu và những đồng chí của ông kết án những “gián điệp, lưu manh, gái điếm” của phong trào Nhân văn giai phẩm thì có lẽ nhà cai trị đã hoàn toàn sai lầm khi phục hồi cho họ, thậm chí còn trao cả Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước cho những “lưu manh, gái điếm” này. (còn tiếp)

Nguyễn Thông
Được đăng bởi Nguyễn Thông vào lúc 21:27:00 








No comments:

Post a Comment

View My Stats