Wednesday, 9 August 2017

THẾ GIỚI SAU KHI NỀN HÒA BÌNH KIỂU MỸ KẾT THÚC (Ian Buruma – Project Syndicate)




Ian Buruma – Project Syndicate   
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Posted on 09/08/2017 by Le Hiep

Trật tự hậu 1945 do Mỹ thiết lập tại châu Âu và Đông Á đã bị lung lay đến nay đã một thời gian. Quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về khí hậu của Tổng thống Donald Trump chỉ khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn mà thôi.

Lần đầu tiên kể từ sau những năm đầu nắm chức tổng thống của Tướng Charles de Gaulle ở Pháp, một nhà lãnh đạo lớn của phương Tây, Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã công khai tuyên bố rằng châu Âu không còn có thể trông đợi vào vai trò lãnh đạo của Mỹ. Nghe có vẻ trớ trêu, khi tuyên bố này lại xuất phát từ một người Đức đồng thời là người ủng hộ quan hệ đối tác giữa Tây Âu và Hoa Kỳ (Atlanticist), song nó lại rất hợp lý, vì nước Đức, trong quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài hà khắc sang nền dân chủ tự do ôn hòa, cần Mỹ hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Có lẽ chúng ta không nên quá lo lắng về sự thoái trào của nền Hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana). Không một hệ thống đế quốc nào có thể tồn tại được mãi. Một trật tự quốc tế hợp lý khi thế giới bước ra khỏi tàn tích của Thế chiến II, sau đó bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài giữa hai siêu cường hạt nhân, có thể không còn phù hợp, và thậm chí có thể gây cản trở những dàn xếp tốt đẹp hơn.

Mục đích của NATO, theo cách nói thẳng thừng của tổng thư ký Lord Hastings Ismay, là “giữ Mỹ ở lại châu Âu, gạt Nga ra ngoài, và kiểm soát nước Đức.” Song Đức không còn cần phải bị “kiểm soát”, đồng thời xuất hiện một số tranh luận về việc có nên “gạt” Nga ra ngoài châu Âu hay không sau khi Liên Xô sụp đổ. Và Trump đã đúng về một thứ, ngay cả khi ông thể hiện một cách thô lỗ: châu Âu, cũng như Nhật Bản, đang trở nên quá phụ thuộc vào sức mạnh quân sự của Mỹ.

Sự lệ thuộc vào Mỹ về an ninh chung không hẳn đã biến các đồng minh của Mỹ trở thành các quốc gia thuộc địa. Còn Mỹ cũng không phải là một cường quốc đế quốc chủ nghĩa. Song những dấu hiệu về một sự lưỡng nan chung mang tính đế quốc chủ nghĩa đang lộ rõ ở cả Đông Á lẫn Tây Âu. Nếu Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình quá nhanh có thể sẽ dẫn tới hỗn loạn và những quốc gia ít tử tế hơn sẽ nhảy vào thế chân Mỹ. Tuy nhiên, nếu hệ thống do Mỹ dẫn đầu tồn tại quá lâu, nó sẽ khiến các quốc gia lệ thuộc vào Mỹ không phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với nền an ninh của họ.

Khi các dàn xếp đế quốc chủ nghĩa đổ vỡ thường sẽ kéo theo bạo loạn. Vụ thảm sát người Armenia đi kèm với sự sụp đổ của đế chế Ottoman. Chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc cực đoan xuất hiện sau khi Đế chế Áo-Hung sụp đổ. Kịch bản tương tự đã xảy ra khi tiểu đế chế Nam Tư vùng Balkan của Josip Broz Tito bị chia cắt. Hơn một triệu người Hindu và Hồi giáo thiệt mạng trong cuộc bạo loạn khủng khiếp giữa các phe phái khi nước Anh để mặc một đất nước Ấn Độ bị chia cắt phải tự mình xoay sở.

Đây không phải là lập luận nhằm biện minh cho chủ nghĩa đế quốc. Song thời đại của Trump buộc chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với những hậu quả một khi trật tự sau hậu 1945 do Mỹ dẫn đầu đổ vỡ. Vai trò lãnh đạo của Mỹ rõ ràng có nhiều khiếm khuyết, dẫn tới nhiều cuộc chiến tranh không cần thiết, cũng như việc ủng hộ quá nhiều đồng minh bất hảo trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều yếu tố tích cực. Tây Âu, Nhật Bản và thậm chí, sau này là Hàn Quốc và Đài Loan, đã có thể trở nên tự do và thịnh vượng dưới sự bảo hộ của Mỹ.

Dù chủ nghĩa chống cộng có phần thái quá, song sự thống trị của Mỹ cũng đóng vai trò kìm hãm chủ nghĩa cực đoan về ý thức hệ. Chủ nghĩa cộng sản, lẫn những biến thể của chủ nghĩa phát xít hay thậm chí cả chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đều không có nhiều cơ hội phát triển ở châu Âu khi nền Hòa bình kiểu Mỹ được duy trì. Các cuộc bầu cử gần đây ở Hà Lan và Pháp cho thấy rằng chính quyền Trump đang cản trở thay vì thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan dân túy ở châu Âu. Nhưng nếu làn sóng dân túy trở nên lớn và tàn bạo hơn, lúc này không ai ở Washington có khả năng ngăn chặn được nó.

Ở Nhật Bản, sự lệ thuộc vào Mỹ, và lo ngại về chủ nghĩa cộng sản, đã cô lập cánh tả và giúp một đảng bảo thủ gần như nắm quyền vĩnh viễn. Nhưng những người theo chủ nghĩa phục thù cực đoan cũng cần được kiểm soát. Điều này có thể không còn dễ dàng một khi nước Mỹ không còn được coi là một nước bảo hộ đáng tin cậy, đồng thời sự sợ hãi về Trung Quốc sẽ trở thành cơn ác mộng.

Không giống như một số người tiềm nhiệm của mình, Thủ tướng Đức Merkel, một người từng lớn lên ở vùng Đông Đức, rất cẩn trọng trước những âm mưu chiến lược của Nga. Chắc chắn rằng Nga và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi, ít nhất là trong ngắn hạn, từ việc Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình. Một số người cho rằng vấn đề này không quá đáng ngại. Nga gần hơn với Berlin, thậm chí Paris, so với Washington hay New York. Người ta sẽ kiếm được rất nhiều tiền bằng cách hâm nóng mối quan hệ với các chế độ của Nga và Trung Quốc (tổng thống Mỹ là người biết rõ điều này). Khả năng Nga hay Trung Quốc xâm lược các quốc gia NATO hay Nhật Bản có thể là gần bằng không.

Song sẽ có cái giá phải trả cho việc các nước này ngày càng dễ bị tổn thương trước sự xâm lấn của Nga và Trung Quốc. Dù sự thống trị của Mỹ có gây phiền toái đến đâu, hay người ta có cảm thấy xót xa trước một số các cuộc chiến tàn phá do Mỹ gây ra tới mức nào, thì việc chỉ trích các chính sách, các đời tổng thống, và ngay cả những thói quen văn hóa của Mỹ không những là chấp nhận được, mà nó còn được coi là dấu hiệu đáng mừng của một nền dân chủ tự do. Đây là một trong những “giá trị chung” từng gắn kết phương Tây.

Điều tương tự sẽ không tồn tại khi nước thống trị thế giới là Trung Quốc. Việc chỉ trích sẽ nhanh chóng dẫn tới nhiều hệ quả, đặc biệt là về mặt kinh tế. Các xưởng phim Hollywood đã sẵn sàng kiểm duyệt nội dung các bộ phim được kỳ vọng sẽ ăn khách tại thị trường Trung Quốc. Truyền thông báo chí phương Tây, do mong muốn duy trì sự tiếp cận với Moskva hay Bắc Kinh, sẽ chịu nhiều áp lực hơn khi phải chú ý tới nội dung những gì họ xuất bản hay phát sóng. Điều này sẽ gây tổn hại tới xã hội của chính chúng ta, những xã hội vốn được xây dựng dựa trên nguyên tắc cởi mở và tự do ngôn luận.

Do đó, ngay cả khi sự kết thúc nền Hòa bình kiểu Mỹ không dẫn tới các cuộc xâm lược quân sự, hay chiến tranh thế giới, chúng ta vẫn luôn phải sẵn sàng đối diện với thời điểm khi chúng ta thấy da diết nhớ về một Đế chế Mỹ từng qua.

*
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có “Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance” và “Year Zero: A History of 1945.”

Copyright: Project Syndicate 2017 – Life After Pax Americana

Nguồn: Ian Buruma, “Life After Pax Americana”, Project Syndicate, 06/06/2017.









No comments:

Post a Comment

View My Stats