25.06.2014
Thời chiến tranh, từ 1954 đến 1975, ở miền Bắc, bộ
máy tuyên truyền của nhà nước lúc nào cũng rang rảng khoe là ở Việt Nam (nghĩa
là miền Bắc và “vùng giải phóng” ở miền Nam), chỉ cần bước ra ngõ là gặp ngay
anh hùng; còn trên thế giới thì hầu như mọi người đều ngưỡng mộ Việt Nam; nhiều
người, tối ngủ, nằm mơ thấy mình làm người Việt Nam!
Trong số những người nằm mơ thấy mình là người Việt
Nam ấy, từ cái nhìn của miền Bắc, có cả Susan Sontag (1933-2004), một nhà trí
thức và là một nhà văn nổi tiếng của Mỹ.
Sontag nổi tiếng trong nhiều lãnh vực. Với tư cách một
nhà văn, bà là người sáng tác khá đa dạng, từ kịch bản đến truyện phim và tiểu
thuyết (một số tác phẩm của bà được giải thưởng lớn, ví dụ giải National Book
Award năm 2000); bà còn là một nhà phê bình văn học sắc sảo; một lý thuyết gia
văn học, với bài tiểu luận “Chống diễn dịch” (Against Interpretation) được xem
là một trong những người tiên phong của chủ nghĩa hậu hiện đại; một nhà phân
tích văn hoá, bao quát nhiều phạm vi khác nhau, từ xã hội đến nhiếp ảnh, bệnh
hoạn và vấn đề phái tính, v.v… Cuối cùng, bà còn là một nhà hoạt động xã hội,
trong đó, nổi bật nhất là các hoạt động liên quan đến chiến tranh Việt Nam: Bà
được xem là một trong những gương mặt phản chiến lừng danh nhất tại Mỹ.
Trong tất cả các lãnh vực trên, ở đâu Sontag cũng để
lại những dấu ấn sâu sắc. Ngày bà mất, nhiều tờ báo lớn khen bà là một trong những
người có tính khiêu khích và ảnh hưởng lớn nhất trong thế hệ của bà, thế hệ những
người sinh ra trong thập niên 1930 và trưởng thành trong thập niên 1960, thời
điểm của nhiều cuộc cách mạng văn hoá, chính trị và xã hội, trong đó, trung tâm
là sự xuất hiện của phong trào tự do tình dục, phong trào nữ quyền cũng như sự
thức tỉnh của quần chúng (đặc biệt qua các cuộc xuống đường của thanh niên sinh
viên tại Pháp vào năm 1968).
Trong các hoạt động của Sontag, đáng kể nhất là các
hoạt động phản chiến: Bà tham gia biểu tình rồi thuyết trình rồi xuất hiện trên
các cơ quan thông tin đại chúng phản đối việc Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Nhờ
uy tín của một nhà văn và nhà báo, một giáo sư và một diễn giả có tài hùng biện,
bà dần dần trở thành một trong những gương mặt phản chiến tiêu biểu nhất tại Mỹ
trong nửa sau thập niên 1960 và những năm đầu của thập niên 1970.
Năm 1968, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Susan Sontag,
qua đó, lợi dụng tiếng tăm của bà để thu phục nhân tâm tại Mỹ, nhà cầm quyền miền
Bắc đã mời Sontag sang thăm Việt Nam trong hai tuần, từ ngày 3 đến ngày 17
tháng 5. Về lại Mỹ, bà viết cuốn “Trip to Hanoi” (Chuyến đi Hà Nội), thoạt đầu
đăng trên tờ Esquire vào cuối năm 1968; sau, in trong cuốn “Styles of Radical
Will” năm 1969; sau nữa, in riêng thành một cuốn sách mỏng.
Trong cuốn sách mỏng, chưa tới 100 trang ấy, Sontag
ghi chép lại những gì bà nghe, thấy và suy nghĩ về Việt Nam. Dù ở Việt Nam chỉ
một thời gian rất ngắn, nhưng với óc quan sát tinh tế, Sontag cũng ghi nhận được
rất nhiều những nét khác biệt văn hoá giữa miền Bắc và Tây phương. Không phải
điều gì cũng làm bà hài lòng. Bà không thích những cách nhìn hẹp hòi, một chiều
và cứng nhắc, đầy tính công thức của những cán bộ và trí thức bà được gặp.
Nhưng nói chung, bà không giấu giếm sự ngưỡng mộ đối với lòng yêu nước và sự
anh hùng của họ. Cuối cuốn sách, bà cho chuyến đi thăm Hà Nội đã mở rộng tầm mắt
của bà. Bắc Việt được xem như một Cái Khác Lý Tưởng (ideal Other) đối lập với một
nước Mỹ đang phản bội lại chính những lý tưởng thời lập quốc của mình.
Cùng với cuốn Hanoi (1968) của Mary McCarthy, cuốn
sách của Sontag đã gây ảnh hưởng lớn lên giới trí thức, sinh viên và quần chúng
Mỹ, góp phần làm cho phong trào phản chiến tại Mỹ càng ngày càng dâng cao, và
cuối cùng, đủ để tạo thành sức ép nặng nề lên chính phủ Mỹ khiến chính phủ phải
tìm mọi cách rút quân ra khỏi Việt Nam. Chắc chắn Bắc Việt lúc ấy vô cùng cảm
kích trước món quà to lớn của Susan Sontag. Trong những lời tuyên truyền của
chính phủ Việt Nam cho nhiều người Tây phương, kể cả người Mỹ, cũng ngưỡng mộ
Việt Nam và ao ước được sinh ra là người Việt Nam, không chừng có cả hình ảnh của
Sontag.
Có điều, đó không phải là toàn bộ sự thật.
Mới đây, tôi đọc cuốn “As Consciousness Is Harnessed
to Flesh” bao gồm nhiều trích đoạn từ các cuốn nhật ký và sổ tay Susan Sontag
viết trong những năm từ 1964 đến 1980 do con trai của bà, David Rieff biên tập,
được Farrar Straus Giroux xuất bản tại New York năm 2012. Trong cuốn này có một
số đoạn ghi chép của Sontag thời gian thăm viếng Hà Nội. Một số ghi chép đã được
sửa và phát triển thành cuốn Trip to Hanoi; nhưng một số khác thì không. Tôi
thích những đoạn không được đưa vào sách, hoặc đưa, nhưng bị sửa chữa khá nhiều:
Chúng thực hơn.
Chẳng hạn, bà ghi nhận, tất cả những người Việt Nam
bà được gặp, dù toàn là những trí thức hàng đầu và những cán bộ lãnh đạo thuộc
loại cao cấp nhất, đều có những cách nói và nội dung giống hẳn nhau (tr. 240),
khiến bà cảm thấy bà chẳng học hỏi được gì ở họ (tr. 241). Nói chuyện với họ,
nhiều lần bà tự hỏi: Liệu họ có tin những gì họ nói? (tr. 242). Bà có cảm giác
họ như những đứa con nít đẹp đẽ, ngây thơ và bướng bỉnh (tr. 242). Nói chuyện,
lúc nào họ cũng khẳng định, không bao giờ biết nghi vấn điều gì (tr. 245). Bà
so sánh Bắc Việt và Cuba và thừa nhận bà thích Cuba hơn hẳn Bắc Việt: Bà cảm thấy
những người cộng sản Cuba “người” hơn, thân thiện hơn, hoạt bát hơn (tr.
245-6).
Sau này, từ những năm cuối thập niên 1970, quan điểm
của Susan Sontag về chủ nghĩa cộng sản thay đổi hoàn toàn. Trong một cuộc họp tại
Town Hall ở New York vào năm 1982, bà nói một câu gây chấn động giới khuynh tả
Tây phương: “Chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa phát xít với gương mặt người” (Communism
was fascism with a human face). Bà lớn tiếng phê phán giới trí thức Tây phương,
đặc biệt những người khuynh tả - vốn là các “đồng chí” của bà - là họ vô trách
nhiệm trước những tội ác do cộng sản gây ra và vô lương tâm trước các nạn nhân
của chủ nghĩa cộng sản, bao gồm những người phản kháng và những người tị nạn, những người bị giết chết và những người bị tù đày.
Một lần, đi xa hơn, bà cho các trí thức khuynh tả đã
nói dối về thực trạng các nước cộng sản; sau đó, bà khẳng định: “Người ta phải chống lại chủ nghĩa cộng sản:
Nó đòi chúng ta phải nói dối” (One must oppose
communism: it asks us to lie).
Trong những lời nói dối ấy, chắc chắn có những câu đại
loại: Mơ thấy mình làm người Việt Nam mà bộ máy tuyên truyền của Việt Nam không
ngớt lải nhải suốt cả mấy chục năm trước đây.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên
blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay
lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment