26.06.2014
Tỷ lệ 99% học sinh tốt nghiệp tú tài mấy hôm nay đã
ám ảnh tôi. Một con số đẹp như mơ. Nhưng có nhiều bài báo cứ đặt câu hỏi về
chất lượng thực sự của 99% học sinh tốt nghiệp đó. Chẳng lẽ dư luận lại mất
lòng tin vào giáo dục đến vậy sao? Sở dĩ tỷ lệ tốt nghiệp cao như vậy là do năm
nay kì thi tốt nghiệp đã được rút gọn còn lại 4 môn thay vì 6 môn như thời của
tôi. Điều dễ dàng hơn nữa là các bạn học sinh có quyền chọn 2 môn ngoài 2 môn
bắt buộc là Toán và Văn.
Dĩ nhiên, đa số các bạn chọn các môn khoa học tự
nhiên hơn là khoa học xã hội. Cán cân nhanh chóng nghiêng về phía các môn tự
nhiên. Cá biệt, ở một hội đồng thi chỉ có một thí sinh chọn môn lịch sử. Thật
là một hoàn cảnh cười ra nước mắt. Có một ý kiến cho rằng cần đưa môn lịch sử
vào làm môn bắt buộc và mọi học sinh đều phải trải qua kì thi tốt nghiệp với
môn đó. Bởi vì mỗi người cần phải biết rõ lịch sử của dân tộc, đất nước của
mình. Tôi thấy điều đó là đúng, nhưng chắc ai cũng biết, lịch sử chưa bao giờ
phản ánh đúng sự thật 100%, có những sự thật được che giấu hoặc thậm chí bị bóp
méo. Một nửa quả cam là quả cam, nhưng một nửa sự thật thì vô nghĩa. Vậy việc
đưa môn lịch sử vào làm môn bắt buộc thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đừng để
đào tạo ra một thế hệ với hệ lịch sử vô nghĩa tồn tại trong khối óc của họ.
Trở lại với tỷ lệ 99%, rõ ràng con số này không phản
ảnh đúng chất lượng mà chỉ là số lượng. Một thế hệ học trò chỉ giỏi các môn tự
nhiên (hay ảo tưởng rằng mình giỏi các môn tự nhiên) là do thiếu định
hướng trong cách dạy và học. Chạy theo các chỉ tiêu ảo đó để làm gì khi mà rất
nhiều bạn bè của tôi nói rằng họ đã mất định hướng sau khi tốt nghiệp phổ thông
và sau đó lại lảo đảo bước ra đời trong khi trên tay tấm bằng đại học còn thơm
mùi mực. Ở trường hợp này, các bậc quản lý giáo dục đang đeo một lớp mặt nạ
mang tên thành tích. Chỉ cần đưa tay gỡ ra, cả một sự thật nhảm nhí được phơi
bày.
Hôm trước tôi có nghe cô bạn tôi kể chuyện cô ấy đã
bị phân biệt đối xử ngay trên đất nước của mình như thế nào. Chả là cô ấy vào
ăn tại một nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, đến trước cô ấy là một nhóm khoảng
4-5 người khách du lịch da trắng. Họ được người phục vụ đối đãi ân cần và lịch
sự, trong khi chỉ ít phút sau đó, cô ấy và hai người bạn Việt Nam lại bị đối xử
với thái độ hờ hững. Và theo như cô ấy kể thì dường như họ chỉ muốn được tiếp
khách ngoại quốc hơn là người Việt.
Lại kể, lần trước tôi có đọc một bài blog nói về tư
tưởng sính ngoại của người Việt. Tác giả là một người Việt làm việc cho một
công ty phân phối văn phòng phẩm. Sếp của cô ấy là một người Mỹ. Công việc của
cô hằng ngày là gọi điện thoại đến các công ty để chào hàng. Nhưng hàng ngày cô
vẫn bị từ chối nối máy, có khi còn bị mắng té tát. Thế nhưng nếu cuộc gọi chào
hàng được thực hiện bởi sếp cô, thì dường như luôn được nối máy. Cô cho là dân
Việt coi trọng người nước ngoài hơn là chính dân mình, nhưng lại coi trọng theo
kiểu quán tính, mù quáng không có ý thức. Chỉ cần là người nước ngoài đang nói
về một vấn đề nào đó thì lập tức vấn đề đó sẽ được dán nhãn nghiêm trọng. Hoặc
có khi những người Việt kia không nghe rõ tiếng nước ngoài nên đành đánh đồng
rằng sự việc đó rất cần sự quan tâm. Rõ ràng, một bộ phận không nhỏ người Việt
đang vô tình đeo một lớp mặt nạ sính ngoại vô ý thức.
Cách đây vài hôm tôi có đọc một bài cảm nghĩ của cô
Nguyễn Cao Kỳ Duyên trên facebook. Cô trích dẫn một câu nói của người bạn nghề
là nhà văn kiêm MC Nguyễn Ngọc Ngạn rằng văn hóa Việt thiên về chỉ trích, trong
khi văn hóa Tây phương lại thiên về khuyến khích. Nữ MC tự nhận mình tuy mang
dòng máu Việt nhưng do sinh sống ở nước ngoài từ nhỏ nên tư duy bị ảnh hưởng
của phương Tây. Cô dẫn chứng mình bị những người Việt thường hay chỉ trích cô
ăn vận sang trọng, đi du lịch xa hoa… thay vì đóng góp từ thiện, mặc dù những
người ấy chẳng biết là cô có làm từ thiện hay không. Chắc cô Kỳ Duyên không
biết là dân Việt Nam rất thích múa bàn phím trên mạng ảo. Họ rất thích ẩn minh
sau màn hình vi tính và chỉ trích thế giới xung quanh. Họ thích thể hiện nhưng
ít khi đóng góp.
Bản thân tôi cũng đồng tình với câu nói trên của nhà
văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Hiện tôi đang làm việc tại một bệnh viện ở Việt Nam. Mỗi
lần tham gia các cuộc họp thì y như rằng sẽ có nhiều ý kiến tranh cãi. Có lần
tôi chứng kiến đồng nghiệp của tôi phải phụ trách về giao diện website cho bệnh
viện, và phải đưa thiết kế giao diện lên trình chiếu trong một cuộc họp của
lãnh đạo và các trưởng khoa phòng. Xin nói thêm, những gì thuộc về hình ảnh thì
không có một phạm trù tuyệt đối để đánh giá, tức là đẹp hay không sẽ còn phụ
thuộc vào thẩm mỹ của từng người. Khi giao diện mẫu được trưng lên, người này
không thích, người kia chê, người nọ lắc đầu, và có những phát biểu đại loại
như “tôi cảm thấy giao diện này chưa ổn” hay “tôi thấy cần phải chỉnh sửa lại”.
Những phát biểu rất chung chung và vô trách nhiệm. Khi được hỏi thêm là cần
thay đổi, cần chỉnh thế nào thì chính những người vô trách nhiệm và thích thể
hiện ấy lại lắc đầu không biết, hoặc trả lời rất thiếu ý thức, “không phải
chuyên môn của tôi.” Rõ ràng họ là những người thích phát biểu và chỉ trích
trong các cuộc họp, chỉ để thể hiện rằng ta đây cũng muốn có tiếng nói. Thế
nhưng buồn cười là những phát biểu của họ chả có chút giá trị gì mang tính xây
dựng. Lại một bộ phận người Việt thích mang mặt nạ thể hiện.
Mặt nạ thành tích, mặt nạ sính ngoại, mặt nạ thể
hiện hay còn nhiều nhiều mặt nạ khác cũng chỉ là một cách để tôi gọi những tính
cách có thể thay đổi được của chúng ta. Đã là mặt nạ thì chỉ cần gỡ bỏ, dễ dàng
vứt đi được. Chỉ có điều chúng ta có dám và có sẵn sàng gỡ bỏ đi không. Thuốc
đắng dã tật, sự thật mất lòng. Tôi hy vọng những lời đắng nghét của tôi trong
bài viết này sẽ không làm mất lòng một ai, chỉ hy vọng chúng trở thành những
liều thuốc đắng giúp chữa trị căn bệnh thành tích, sính ngoại và thích thể hiện
một cách thiếu trách nhiệm của phần nhiều người Việt chúng ta.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng
tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của
Chính phủ Hoa Kỳ.
-------------------------------
No comments:
Post a Comment