Hùng
Tâm/Người Việt
Wednesday, June 25, 2014 2:40:40 PM
Trong
khi giới hâm mộ túc cầu theo dõi một trận ở bảng C rất mờ nhạt của giải FIFA
2014, và lơ đãng nhìn đội tuyển Nhật phơi áo ra về sau khi bị Colombia đè bẹp với
tỷ số 4-1, thì giới kinh tế tài chánh và an ninh quốc tế gọi nhau về cuộc họp
báo hôm Thứ Ba 24 của thủ tướng Nhật. Ông Shinzo Abe ra quân lần thứ ba khi
thông báo kế hoạch cải cách nhiều người trông đợi.
“Hồ Sơ Người Việt” sẽ tìm hiểu về kế hoạch đó, vì nó
liên quan tới biển Ðông...
Cẩm nang của Abe
Từ hơn hai chục năm nay, cường quốc kinh tế Nhật là
“con bệnh của Châu Á,” khi kinh tế sa sút sau vụ bể bóng đầu tư vào năm 1990. Kể
từ đó, sản lượng Nhật lặng lờ tuột dốc, chính khách đổi ngôi thủ tướng như đèn
kéo quân. Trong hai chục năm, Nhật có 15 thủ tướng và kinh tế suy trầm mất bảy
lần.
Bên cạnh một cường quốc đang lên là Trung Cộng thì đấy
là một vấn đề, được ghi đậm vào năm 2010 khi sản lượng kinh tế Trung Quốc chính
thức vượt Nhật và đưa Trung Quốc lên hạng hai thế giới sau Hoa Kỳ. Cùng đà tăng
trưởng, Trung Cộng bành trướng về quân sự ra biển Ðông và xô lệch trật tự tại
miền Tây của biển Thái Bình khi đe dọa an ninh Nhật Bản.
Ðấy cũng là lúc Nhật gặp tai họa, trận động đất
Tohoku vào ngày 11 Tháng Ba năm 2011 kéo theo sóng thần làm tê liệt hệ thống điện
năng khi các lò nguyên tử bị hư hại và thế giới báo động về phóng xạ Nhật... Họa
vô đơn chí vì Nhật thiếu năng lượng, phải nhập dầu thô, khí đốt và than đá và cố
tự túc một phần bằng nhà máy hạch tâm dù là quốc gia duy nhất trên Ðịa Cầu đã
ăn bom nguyên tử.
Ðấy là lúc Shinzo Abe tái xuất hiện. Ông “tái xuất
hiện” vì từng làm thủ tướng vào năm 2006 rồi đột ngột từ chức sau có một năm cầm
quyền.
Lần này, ông tổng hợp lại kinh nghiệm về những vấn đề
của Nhật và đưa ra một chương trình tranh cử có nội dung cải cách triệt để. Ðảng
Tự Do Dân Chủ LDP của ông thắng lớn tại Hạ Viện vào Tháng Mười Hai năm 2012,
đưa ông lên làm thủ tướng, rồi tiếp tục thắng nữa tại Thượng Viện vào Tháng Bảy
năm sau. Nhờ vậy, Abe hy vọng cầm quyền cho tới 2016 để đưa Nhật qua ải.
Thủ Tướng Abe lập nội các mới và mời chuyên gia ngân
hàng có cái nhìn quốc tế là Haruhiko Kuroda (chủ tịch Ngân Hàng Phát Triển Á
Châu) về làm thống đốc Ngân Hàng Trung Ương. Ông đề nghị kế hoạch cải cách sâu
rộng, kế hoạch được quốc tế tặng cho hỗn danh là “Abenomics,” gồm có ba bước
như ba mũi tên.
Cẩm nang ba mũi của Shinzo Abe gồm những biện pháp
thuế vụ và tiền tệ cổ điển, nhưng táo bạo về số lượng, để kích thích sản xuất. Mũi
tên thứ ba có tính chất định phẩm hơn định lượng vì nhắm vào việc cải cách cơ
chế kinh tế và xã hội cho nên có nội dung rõ ràng là chính trị. Sau hơn một năm
thực hiện hai bước đầu, hôm Thứ Ba vừa qua, ông Abe nói rõ hơn về bước thứ ba.
Chuyện ấy hiển nhiên quan trọng hơn trận đá tranh giải
FIFA. Và lấp ló cho thấy mũi tên thứ tư, là sức mạnh quân sự Nhật Bản.
Những tử huyệt Nhật Bản
Nước Nhật có loại vấn đề sinh tử sau đây mà ai quan
tâm đến an ninh Ðông Á đều nên biết.
Là quốc gia quần đảo - với bốn đảo lớn và nhiều chuỗi
đảo nhỏ - ở cõi Viễn Ðông, cực Ðông và gần như cực Bắc của đại lục địa Âu Á,
vùng Tây Bắc lạnh lẽo của Thái Bình Dương, Nhật là một nước nghèo vì thiếu tài
nguyên thiên nhiên. Nhật Bản phải sống trong một thế giới mở, xuất cảng ra ngoài
để nhập cảng nguyên nhiên vật liệu cho kinh tế. Và kiểm soát được luồng giao
lưu đó.
Lãnh thổ bên trong lại bị chia cắt bởi núi cao, vực
sâu và biển cả, nên có nhiều khu vực biệt lập là vài bình nguyên có thể canh
tác được. Tình trạng biệt lập bên trong giải thích nhu cầu thống nhất hệ thống
quyền lực trung ương, là chuyện ngàn đời. Và giải thích bài toán phân phối điện
năng, là chuyện ngắn hạn mà rất hiện đại của ông Abe...
Với địa dư khắc nghiệt, dân Nhật có nét văn hóa bi
thảm mà anh hùng. Họ tự nghĩ rằng phải là bậc siêu hạng thì mới muốn làm người
Nhật và duy trì tình trạng thuần chủng bằng chánh sách hạn chế di dân từ bên
ngoài vào. Ở bên trong thì sống với tinh thần “rau cháo có nhau.” Họ thắt lưng
buộc bụng, tiết kiệm rất nhiều và cho chính phủ vay tiền duy trì chế độ bao cấp.
Trong các nền kinh tế lớn của thế giới, Nhật là quốc gia mắc nợ nhiều nhất mà
không thấy sợ vì là chính phủ nợ dân! Còn dân thì không thù chính phủ...
Cũng về kinh tế, tình liên đới khiến dân Nhật chấp
nhận hy sinh cho đồng bào dẫn tới chính sách bảo hộ mậu dịch (protectionism) và
bảo vệ lao động. Hạn chế xuất nhập cảng thực phẩm và chịu ăn gạo đắt để giữ mức
sống cho nông gia là một chân lý khiến nông gia Nhật trở thành thế lực chính trị.
Duy trì chế độ lao động cứng ngắc để người nào cũng có việc làm khiến hệ thống
sản xuất bị lệch lạc. Vấn đề lao động này còn đụng vào bức vách của chủ trương
hạn chế di dân.
Với đà tiến hóa của xã hội, nhà nhà đều ít con hơn
làm xã hội Nhật bị lão hóa, là khi tỷ trọng cao niên gia tăng và số lao động
sút giảm trong khi di dân vẫn bị giới hạn. Với đặc tính văn hóa còn trọng nam
khinh nữ, phụ nữ Nhật khó tham gia thị trường lao động. Giàu kiến thức mà ở nhà
dạy dỗ con cái, họ đóng góp rất nhiều cho việc nâng cao dân trí, mà chưa thể
đóng góp nhiều hơn cho sản xuất kinh tế của một xã hội bị lão hóa.
Khi Thủ Tướng Abe kêu gọi cải cách văn hóa để phụ nữ
tham gia thị trường lao động dễ dàng hơn, ông giải quyết được bài toán lao động
trong ngắn hạn, mà lại đụng vào bài toán dân số hay nhân khẩu trong trường kỳ.
Sinh suất trung bình của phụ nữ Nhật ngày nay là
1.43 (trung bình thì một phụ nữ sinh được 1.43 con trong quãng đời sinh đẻ), vẫn
quá thấp so với chỉ số tối thiểu là 2.1 để dân số khỏi giảm. Nếu họ lại được đi
làm thì sinh suất trung bình còn giảm nữa. Tức là dân số Nhật sẽ còn co cụm nếu
xã hội không nhận thêm di dân, hoặc ráp thêm robots...
Ngần ấy tử huyệt của Nhật Bản vẫn chưa bằng một nguy
cơ mới, về an ninh.
Sau khi cải cách từ năm 1868 và bành trướng trong nửa
thế kỷ, năm 1945, Nhật bị Mỹ đánh bại và giải giới với bản Hiến Pháp không cho
Nhật Bản có quân đội mà chỉ được lập ra Lực Lượng Tự Vệ (Self Defense Force).
Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Nhật trở thành siêu cường kinh tế được Hoa Kỳ bảo
vệ trước mối nguy Liên Xô và Trung Cộng mà hết khả năng tác động bằng quân sự để
bảo vệ quyền lợi như nhiều cường quốc thông thường.
Từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc năm 1991, Nhật lại
trôi vào 20 năm lụn bại, còn Trung Cộng nổi lên thành một thế lực kinh tế và
quân sự ngoài khơi Nhật Bản. Sau hai lần đánh bại Trung Quốc, lại còn chiếm đất
Tầu từ năm 1937 đến 1945, Nhật không yên tâm trước chuyển động mới.
Ðấy là chuyện ngày nay.
Mũi tên cải cách như lưỡi dao mổ
Thế giới bên ngoài rất quan tâm đến mũi tên thứ ba của
Thủ Tướng Shinzo Abe.
Mũi tên đầu là biện pháp kích thích kinh tế bằng
cách ào ạt bơm tiền (và mua vào trái phiếu) còn nhiều hơn Hoa Kỳ nếu so với sản
lượng kinh tế của hai nước, và đáng chú ý vì báo trước tiêu chí bất thường là
“cho tới khi lạm phát lên tới 2%.” Diễn giải theo lối thông tục thì chính quyền
thúc giục thiên hạ tung tiền, người dân tiêu thụ nhiều hơn và doanh nghiệp đầu
tư nhiều hơn, trước khi đồng tiền mất giá vì lạm phát.
Biện pháp đó cũng làm đồng Yen mất giá khiến hàng Nhật
dễ bán hơn vì rẻ hơn nên thiên hạ mới gọi chính sách kinh tế Abenomics là phá
giá đồng bạc để cứu nguy kinh tế và gây khó cho xứ khác.
Song song, mũi tên thuế khóa cũng nhắm vào việc tăng
thuế và cải cách cơ chế kinh doanh để tạo thế cạnh tranh. Kết quả là sự phấn khởi
trên doanh trường và tới cuối năm ngoái, chỉ số cổ phiếu Nikkei 225 tăng được gần
50%.
Chúng ta nên chú ý tới chỉ số này như một tiêu biểu
của sự thịnh suy Nhật Bản.
Thời Nhật cực thịnh, khi học giả Mỹ báo động là Nhật
sẽ vượt qua và làm chủ nước Mỹ, chỉ số Nikkei lên tới 40,000 (bốn vạn) vào cuối
năm 1989. Sau đó, khi thế giới còn ngó vào bức tường Bá Linh bị sụp thì Nhật
trôi vào khủng hoảng, chỉ số Nikkei mất giá phân nửa (mất hai vạn, còn 20,000),
và phân nửa (còn một vạn) rồi một phần tư nữa, chỉ còn khoảng bảy ngàn rưởi khi
thế giới bị Tổng Suy Trầm 2008-2009! Từ đó, chỉ số Nikkei có tăng lại chút đỉnh.
Thành tích Abe là nâng được chỉ số Nikkei gần 50%, từ hơn 10 ngàn lên quá 16
ngàn. Rồi từ đầu năm nay, chỉ số Nikkei lại sụt mất 12%.
Trong viễn ảnh dài là từ đỉnh cao bốn vạn sụt tới
đáy là bảy ngàn rưởi, lên lại đỉnh một vạn sáu và nay lại hụt hơi!
Trong khi đó, việc phá giá đồng Yen không đẩy xuất cảng
như dự tính mà còn làm hóa đơn nhập cảng thêm đắt. Việc thuyết phục dư luận về
sự an toàn của năng lượng hạch tâm (nuclear) cũng chậm có kết quả. So với trước
khi có thiên tai Tohoku thì mới chỉ phân nửa trong số 54 nhà máy điện năng là
tái hoạt động. Trong khi đó, việc cải cách mạng lưới điện năng cũng chưa tiến
triển...
Vì mũi tên cải cách bắn ra từ cuối năm 2012 đang bay
hết đà, Thủ Tướng Abe mới phóng lại mũi tên thứ ba, một kế hoạch cải cách sắc
bén như lưỡi dao mổ.
Ông quyết liệt thúc đầy sản xuất qua việc giảm thuế
và giản chánh - giản lược chánh sách luật lệ - trong ba khu vực nhân dụng, canh
nông và bảo dưỡng y tế. Không chỉ nói đến tăng trưởng, ông còn muốn phát triển
nước Nhật khi đòi phá vỡ hệ thống bảo hộ và bao cấp, kể cả cái khuôn văn hóa cứ
hạn chế khả năng đóng góp của phụ nữ. Ông đụng vào những thế lực xã hội và
chính trị đã có từ nhiều thập niên, thậm chí từ cả trăm năm.
Quan trọng nhất, Shinzo Abe còn cho biết rằng Nhật
có thể là nền kinh tế thứ ba của thế giới, mà không chịu là cường quốc hạng ba.
Nghĩa là Nhật Bản sẽ gia tăng sức mạnh quân sự, để bảo vệ các đồng minh của nước
Nhật!
Kết luận ở đây là gì?
Năm 2012 đánh dấu sự chuyển hóa lãnh đạo của Trung Cộng
với Ðại hội 18 và Chủ Tịch Tập Cận Bình, rồi của Nhật Bản với sự xuất hiện của
Thủ Tướng Shinzo Abe. Cả hai đều cố sức cải tổ để tìm ra một không gian khác.
Việc thi đua cải cách, nhanh hay chậm, thành hay bại,
sẽ báo hiệu sự lạ, hay sự biến, khi mà hai không gian đó trùng lấp lên nhau, ở
ngoài Ðông Hải...
Trong khi đó, Hà Nội làm gì, ngoài cái
thuật móc túi Nhật và thần phục Tầu?
No comments:
Post a Comment