Saturday, 28 June 2014

TÁC ĐỘNG CỦA NGOẠI VẬN ĐỐI VỚI VIỆC THẢ TÙ NHÂN ĐỖ THỊ MINH HẠNH (PV.VRNs)




PV. VRNs
Đăng ngày: 29.06.2014

Cô Đỗ Thị Minh Hạnh tại gia đình, tối 28.06.2014 – Ảnh lấy từ Facebook

VRNs (29.06.2014) – Sài Gòn – Những tấm hình chụp cô Đỗ Thị Minh Hạnh, một tù nhân lương tâm vừa được trả tự do đã về đến nhà lúc 18 giờ tối ngày 28.06.2014,  tại địa chỉ 11 Bis, Nguyễn Thị Minh Khai, tổ 4, khu 5, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, làm cho cộng đồng yên tâm.

Việc cô Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do ngay trong thời điểm này được ghi nhận bởi hai nguyên nhân chính: Chiến dịch ngoại vận của gia đình cùng các tổ chức Việt Nam hải ngoại và nhu cầu được tham gia vào Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của cộng sản Việt Nam.

Sự kiện bà Trần Thị Ngọc Minh từ Âu Châu sáng Mỹ, rồi Úc Châu để trực tiếp gặp gỡ các cá nhân và tổ chức thuộc các cơ quan Lập pháp và Hành pháp của các nước này, cùng với một số Tổ chức xã hội dân sự quốc tế (CSOs), Tổ chức phi lợi nhuận (NPOs) và Tổ chức phi chính phủ (NGOs) để vận động họ lên tiếng gây áp lực buộc nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội phải trả tự do cho con gái là cô Đỗ Thị Minh Hạnh được công nhận là một đóng góp trực tiếp và đáng kể cho việc Minh Hạnh được tự do.

Tổ chức Lao Động Việt ghi nhận: “Ngày 28-30.01.2010, có 10.000 công nhân công ty giày Mỹ Phong đình công để chống bóc lột và phản đối đốc công người Hoa lăng mạ các nữ công nhân Việt là “đ…”. Tháng 02.2010, Chương-Hùng-Hạnh bị bắt. Từ đó đến nay, rất nhiều người nhiều nhóm đã giúp đỡ, lên tiếng, tranh đấu – trong đó có nhiều ngàn đồng bào ngoài và trong nước, hơn 4 ngàn thành viên nghiệp đoàn khắp thế giới, và hàng chục cơ quan truyền thông và mạng xã hội”.

Những cá nhân và tổ chức đã lên tiếng kêu gọi giải cứu cho cô Đỗ Thị Minh Hạnh được Lao Động Việt cho biết:

“NĂM 2010: Chỉ trong vòng vài ngày sau khi Chương-Hùng-Hạnh bị bắt, các ông Tony Sheldon, Paul Howes, và Barry Tubner huy động các nghiệp đoàn của họ ở Úc (vận tải TWU, xưởng máy AWU, may mặc TCFUA) cũng như vận động với các liên đoàn thế giới ITF, IMF, v.v.. Từ đó đến nay, họ tiếp tục giúp đỡ các nhóm thành viên trong Lao Động Việt để tranh đấu cho Chương-Hùng-Hạnh. Họ cũng hỗ trợ LĐV để một số công nhân VN tại Mã Lai thành lập được vài nghiệp đoàn hoặc gia nhập nghiệp đoàn của Mã Lai – đó chính là một hoài bão của Hạnh khi cô ghé Mã Lai năm 2009
Ông Joe De Bruyn, TTK, huy động nghiệp đoàn SDA ở Úc của ông, vận động với liên đoàn thế giới ngành bán lẻ UNI, và lên tiếng với Ngoại Trưởng Úc
Đức Tổng Giám Mục George Pell ở Sydney lên tiếng với ngoại trưởng Úc sau khi ngài được thông báo bởi ông Paul Howes và ông Andrew Casey, viên chức AWU
Nhóm LabourStart tung ra chiến dịch online năm 2010, và trong đại hội ở Sydney của họ năm 2012 cũng nung lại trường hợp Chương-Hùng-Hạnh
Hưởng ứng chiến dịch online của LabourStart, 4.189 người ký tên trong thư chung, và 2.533 người ghi danh trên Facebook Cause của LS. Họ là thành viên hoặc viên chức các nghiệp đoàn khắp thế giới (New Zealand, Do Thái, Hong Kong, v.v.)
Human Rights Watch và Amnesty International, mỗi tổ chức lên tiếng mấy lần bằng thông cáo, bản tường trình, hoặc khi vận động với QH
Tổng Liên Đoàn ACTU của Úc chính thức ra Nghị Quyết, vận động với chính quyền Úc, với ITUC, hỗ trợ chiến dịch của LS, và muốn gởi phái đoàn ACTU đến VN để thăm 3 gia đình, nhưng Hà Nội không cấp chiếu khán
Chính quyền Úc bắt đầu lên tiếng với Hà Nội. Năm 2013, sau khi đích thân lên tiếng trong cuộc họp riêng với CSVN, Ngoại Trưởng Bob Carr viết tweet trên Twitter để lên tiếng trên công luận, việc này rất hiếm khi xảy ra

NĂM 2011: Liên đoàn thế giới ngành vận tải (ITF), ngành xưởng máy (IMF), và tổng liên đoàn thế giới ITUC lên tiếng, qua các bản báo 2010 và 2011 của ITUC, qua thư gởi Hà Nội, hoặc trong các bản tin nội bộ
Nghiệp đoàn xưởng máy của Nhật, IMF-JC, một thành viên của liên nghiệp đoàn IMF, gởi viên chức Shinya Iwai đến VN thăm 3 gia đình. Sau khi về Nhật, ông báo cáo trong tờ báo nội bộ của IMF-JC

NĂM 2012: Nhóm Freedom Now nộp hồ sơ đến WGAD (Working Group on Arbitrary Detention – Nhóm Đặc Trách về Giam Vô Cớ của LHQ), FN cũng ráo riết vận động với Quốc Hội và hành pháp Hoa Kỳ.
Khối 1706 và đài Việt Nam Sydney Radio cấp tốc tổ chức cuộc biểu tình ngay khi biết tin phái đoàn CSVN đến xin ACTU viện trợ, trưng hình của 3 người này, và qua đó đã thông tin cho nhiều viên chức nghiệp đoàn ở Sydney về Chương-Hùng-Hạnh

NĂM 2013: Dân Biểu Chris Hayes ở Úc lên tiếng, và từ đó đến nay không ngừng nghỉ
Trả lời đơn của Freedom Now, đầu năm 2013 WGAD ra bản Tuyên Bố bác bỏ lời bào chữa của Hà Nội, đòi trả tự do vô điều kiện, và đòi bồi thường
Chủ Tịch Thượng viện Borusiewic của Ba Lan đòi trả tự do cho họ khi một phái đoàn CSVN viếng thăm – theo ký giả Aleksandra Szyłło trên báo Gazeta Wyborcza, tờ báo lớn nhất của Ba Lan

NĂM 2014: có 11 DB Mỹ – Frank Wolf, James McGovern, Michael Honda, Randall Hultgren, Zoe Lofgren, Loretta Sanchez, Christopher Smith, Sheila Jackson Lee, Chris Van Hollen, Alan Lowenthal, George Miller – ký thư chung. Bản tin của Freedom Now nói 11 DB đã nêu đích danh Chương-Hùng-Hạnh, đòi CSVN trả tự do
Tổ chức BPSOS vận động với lập pháp và hành pháp Mỹ, tạo ra nhiều kết quả, trong đó có DB Chris Van Hollen đã đỡ đầu cho Hạnh
Khối 8406 ở Úc tổ chức chuyến đi vòng quanh luc địa Úc cho bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Hạnh. Cả ngàn đồng hương đã tham dự và hỗ trợ
Dân Biểu Luke Donnellan cùng 6 DB khảc thuộc Nghị Viện Victoria của Úc viết thư chung đến Hà Nội
VP Melbourne của Ân Xá Quốc Tế cho hay rằng VP trung ương tại Luân Đôn đang chuẩn bị để tung ra chiến dịch tranh đấu”.

Đỗ Thị Minh Hạnh và bố tại nhà ở Di Linh, Lâm Đồng – sáng 29.06.2014

Như vậy vai trò của cộng đồng Việt Kiều tại các nước đang có nhiều ảnh hưởng về kinh tế hoặc đối tác kinh tế trực tiếp với nhà cầm quyền Việt Nam rất quan trọng trong việc buộc nhà hữu trách Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và cải cách chính trị. Một cái nhìn xa hơn, nếu cộng đồng người Việt tại hải ngoại làm được sẽ trực tiếp làm cho đất nước Việt Nam thay đổi toàn diện, đó là vận động các quốc gia đó đòi hỏi luôn luôn phải có các tổ chức dân sự xã hội tham gia thảo luận với họ cùng với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong mọi sự, từ kinh tế đến quân sự, từ giáo dục đến xã hội.

Được biết, Bộ công an đã áp giải cô Đỗ Thị Minh Hạnh từ nhà tù Thanh Xuân (Hà Nội) đi vào khuya hôm 26.06. Lúc này cô Hạnh đã gọi điện thoại báo cho ông Đỗ Tỵ là bố của cô biết. Sau hai ngày hai đêm, xe công an chở Hạnh về đến Lâm Đồng vào chiều ngày 28.06. Tại nhà ông Tỵ, công an lập biên bản yêu cầu gia đình xác nhận rằng Đỗ Thị Minh Hạnh vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên gia đình cô đã từ chối ký tên vào biên bản này.

PV. VRNs



No comments:

Post a Comment

View My Stats